Họ là hai anh em, tuổi đã cao, trên dưới tuổi về hưu. Người
anh sống ở Sài Gòn còn người em sống ở một thành phố lớn miền Trung. Do tuổi
tác cũng kề nhau, cùng trong một thế hệ, nên hai anh em rất đồng cảm và thường
xuyên điện thoại thăm hỏi nhau.
Một hôm, trong lúc chuyện trò với người anh, người em vui miệng
kể rằng ra chợ lựa mua trái cây về cúng Phật thường hay bị người bán lợi dụng
lúc mình lơ là, tráo trái cây hư vào. "Anh biết không, mấy cô bán hàng cứ tưởng
em ngu ngơ không để ý, đâu biết rằng chẳng có gì qua được mắt mình, tuy nhiên
do thấy tội cho họ phải gánh chịu nhiều trái cây hư nên em phải giả đò không biết
để chia sẻ bớt!”. Và người em nghĩ rằng người anh nghe chuyện lòng sẽ vui vì
hành động biết nghĩ tới người khác của mình.
Nhưng không, người anh nghe xong điềm tĩnh bảo người em:
"Không được, em làm vậy là sai rồi, vì khi em làm vậy tưởng là mình giúp người
nhưng thực ra lại làm cho họ mang tội lừa đảo, không trung thực. Như vậy không
phải là giúp người mà chính là hại người! Anh cũng giống em, chỉ khác một chút
là khi mua đồ, anh luôn tự mình chọn lấy một vài trái cây hư, đồ hộp móp để
cùng chia sẻ chút hư hao với người, không để cho người mắc phải tật gian dối”.
Người em nghe xong, ngậm ngùi.
Một thời gian sau, nhân lúc rảnh rỗi, người em lại điện thoại
thăm hỏi người anh. Và trong cuộc trò chuyện, người em kể rằng trong những lúc
trà dư tửu hậu, có đem câu chuyện trao đổi hôm trước ra kể cho các bạn bè thân
hữu nghe, và một người bạn thân nghe xong đã phát biểu rằng, "Tâm đó mới đúng
là tâm chay!”.
Người anh chỉ cười và cũng chẳng quan tâm gì lắm. Vì, một là,
chuyện trò đã qua xong rồi thì thôi, chẳng lưu giữ trong lòng làm chi. Hai là,
người anh cũng chẳng tin tưởng gì lắm về lời phát biểu cùng buổi họp mặt của
người em, tất cả đều có thể có và cũng có thể không. Có thể chỉ là phịa ra một
chút cho vui. Và ba là, chỉ có chân tâm diệu hữu chớ làm gì có tâm chay.
Thế nhưng, một ngày nọ, nhân dịp thuận tiện, người anh về
thăm người em. Trong buổi cà phê hàn huyên cùng các thân hữu, có mặt cả "tác giả”
của hai chữ "Tâm chay”. Người bạn này kể lại chuyện và lúc đó người anh mới biết
rằng em mình kể chuyện tâm chay là thật. Người anh rất vui và lòng vô cùng cảm
ơn người bạn này vì nếu trong những lúc trà dư tửu hậu anh ta cứ kể chuyện này
thì ít ra cũng nhắc nhớ được cho nhau về cách sống làm sao cho đúng với đạo làm
người, cho dù chỉ bằng những hành vi nhỏ nhặt nhất.
Chợt nhớ đọc trong sách xưa, có kể chuyện một vị đạo sĩ mang
ơn một người nên muốn tặng cho thuật biến than thành vàng ròng. Người này ngẫm
nghĩ một chút rồi hỏi thuật này có giá trị trong bao lâu. Vị đạo sĩ cho biết là
500 năm. Nghe vậy, không chút đắn đo, người này lập tức trả lời rằng: "Vậy là
sau 500 năm nữa vàng sẽ trở lại thành than, và người ôm số vàng đó sẽ vô cùng
khổ đau vì mất mát và tiếc của. Cảm ơn tiên sinh, nhưng tôi không nhận thuật
này vì tôi không muốn cho người khác phải khổ đau, cho dù là sau 500 năm!”.
Chao ôi, đọc chuyện mà thấy vô vàn kính mộ cho tấm lòng của người xưa.
Thật sự thì đời nay cũng không phải là không có những tấm
lòng như vậy. Như Leon Tolstoi, nhà đại văn hào Nga, với câu nói bất hủ "Hạnh
phúc của một người là làm cho người khác được hạnh phúc”.
Hay như một tác giả Pháp với câu: "On ne peut donner son
bien, mais on peut donner une partie de son coeur” (tạm dịch: Dẫu ta không thể
đem cho người tài sản của cải, nhưng ta vẫn có thể trao cho người một phần của
trái tim mình).
Mong sao cho mọi người chúng ta hôm nay đều có được "Tâm chay” và biết
trao cho người một phần của trái tim mình.