Suy ngẫm
Phỏng vấn một giám khảo

Phóng viên: Thưa anh, rõ ràng đã có một nghề ở ta xưa nay ít gặp, nhưng thời gian vừa qua lại nổi lên, đó là nghề giám khảo.

Giám khảo: Đúng vậy. Cuộc sống mới đòi hỏi nhiều cạnh tranh. Muốn cạnh tranh công bằng phải thi, khi thi cần có kẻ chấm. Thế là nghề giám khảo ra đời.

Phóng viên: Như một nhu cầu tất yếu của thời đại.

Giám khảo: Hay nói khác đi, một phần quan trọng của cuộc chơi.

Phóng viên: Chơi?

Giám khảo: Vâng. Ý tôi nói tới giám khảo những cuộc thi trên truyền hình. Đó rõ ràng yếu tố "chơi" vô cùng quan trọng. Khác hẳn với một cuộc thi tiến sĩ hay thi bắn súng, tính chính xác phải lên mức tối cao.

Phóng viên: Mà đã "chơi"…

Giám khảo: Thì phải có đùa. Phải được phép đùa và được quyền đùa.

Phóng viên: Đúng vậy.

Giám khảo: Nói thì dễ lắm. Nhưng bản chất của đùa là phải hồn nhiên, thậm chí phải hơi tự do phóng khoáng.

Phóng viên: Vâng.

Giám khảo: Thế mà trong chương trình "Bước nhảy hoàn vũ" vừa qua, nhạc sĩ Trần Tiến có nhận xét vài câu, nửa đùa nửa thật, đã có rất nhiều dư luận ồn lên. Cứ tin lời họ, thì khéo Trần Tiến hỏng đến nơi rồi.

Phóng viên: Trong khi thực ra, anh Tiến vẫn thế.

Giám khảo: Đúng. Trần Tiến đã thế, đang thế và sẽ thế. Tôi luôn luôn tin anh là một đứa trẻ con già. Mà trẻ con thì nói phải thoải mái, nói không cần nhìn trước ngó sau.

Phóng viên: Không được.

Giám khảo: Sao lại không được? Muốn tranh luận trước hết hãy xét lịch sử các cuộc thi trên truyền hình. Các cuộc thi đó phần lớn đều lấy mô hình có sẵn từ nước ngoài. Điều ấy chả có gì sai trong thời đại văn hóa toàn cầu. Nhiều cuộc trong số đó đã có tuổi thọ hàng chục năm, chứng tỏ sức hút rất cao. Mà sức hút cơ bản nhất của truyền hình là tính đại chúng. Nghĩa là ai cũng cảm thấy gần gũi với mình. Ai cũng có quyền mơ ngày mình bước lên màn hình để thi và để… chấm thi.

Phóng viên: Đồng ý.

Giám khảo: Do tính đại chúng, nên luật thi không quá khắt khe, thí sinh thi không quá nghiêm túc và giám khảo thi phải không quá trịnh trọng.

Phóng viên: Khoan. Xin anh nói rõ hơn cái ý "không quá trịnh trọng" này?

Giám khảo: Nói thì dài, nhưng chỉ xem người ta làm sẽ thấy ngay. Các giám khảo đều ăn mặc thoải mái, ngồi trên ghế một cách tự do và phát biểu không cần quá đắn đo.

Phóng viên: Không quá đắn đo?

Giám khảo: Đúng. Thậm chí ở một số quốc gia, họ cho rằng sự ăn nói không đắn đo của giám khảo mới chính là ưu điểm, cần ra sức phát huy. Giám khảo có thể mắng, có thể hét, có thể cười bò ra và cũng có thể khóc. Giám khảo không được bắt chước các giáo sư, chấm bài trong phòng kín.

Phóng viên: Thế thì sao?

Giám khảo: Thế thì hà cớ gì la lối quá đáng về giám khảo Trần Tiến khi anh dùng một số từ hơi tự do? Với tư cách một giám khảo, tôi tin chắc ban tổ chức mời Trần Tiến vì cái hồn nhiên, bộc trực và cá tính của anh. Nếu không thì đã mời một nhà mô phạm. Vậy mà anh mới phát biểu vài câu, mọi người nhao lên, cứ như anh sắp đốt màn hình. Buồn cười thật.

Phóng viên: Này anh nên nhớ, xem truyền hình là đông đảo quần chúng, trong đó có rất nhiều phụ nữ, trẻ con. Cho nên phát ngôn phải cân nhắc.

Giám khảo: Cứ như thế thì đâu còn tính chuyên môn. Trẻ em có chương trình trẻ em. Phụ nữ có chương trình phụ nữ. Việc của mỗi gia đình là phải phân chia hợp lý trong vấn đề mở tivi. Chứ nếu tiết mục nào cũng mang đủ các tiêu chuẩn để "soi" thì còn đâu màu sắc.

Phóng viên: Ừ nhỉ?

Giám khảo: Dù Trần Tiến có vô tư đến mấy thì anh cũng không điên. Là một nghệ sĩ biểu diễn, anh thừa biết phản ứng của công chúng và sẽ tự điều chỉnh mình. Nhưng việc "la ó" quá nhiều có thể buộc Trần Tiến "ngoan" hơn. Nghĩa là anh không còn nói những lời của chính anh như trước nữa. Thế thì cuộc thi còn có gì hay?

Phóng viên: Hay theo nghĩa nào?

Giám khảo: Hay là truyền hình phải tạo ra những sân chơi, trong đó mỗi cá nhân tự tin bộc lộ hết cả cái tốt lẫn cái xấu.

Phóng viên: Cái xấu?

Giám khảo: Chứ sao. Cái xấu của mỗi cá nhân cũng cần cho thiên hạ biết chứ, nếu như không vì thế mà xã hội sụp đổ.

Phóng viên: Ừ nhỉ.

Giám khảo: Hãy khuyến khích người ta bộc lộ và hãy chấp nhận sự bộc lộ ấy. Đó là khẩu hiệu dành cho thí sinh và dành cho cả giám khảo trong những cuộc chơi. Và đừng quên rằng phải nghe những lời nhận xét không êm tai cũng chính là một "luật chơi" của những cuộc thi dạng này.

Phóng viên: Căng nhỉ?

Giám khảo: Tôi thì lại thấy rằng nếu có gì căng, là ở chỗ chúng ta đang thừa những lời khách sáo!

Phóng viên: Thưa anh, cơ hội để một người trở thành giám khảo là như thế nào?

Giám khảo: Rất to lớn. Có thể nói, trong cuộc sống bất cứ ai, ở bất cứ cương vị nào cũng từng làm giám khảo hết, chỉ có điều kết quả chấm điểm sẽ công bố hay mình họ biết mà thôi.

Phóng viên: Tôi cũng nghĩ thế. Vậy thưa anh, bệnh nguy hiểm nhất của một giám khảo là gì?

Giám khảo: Thứ nhất là bệnh dốt. Thứ hai là bệnh chạy theo số đông.

Phóng viên: Còn thứ ba nữa chứ. Đó là bệnh vội vàng.

Giám khảo: Nhà báo nói cũng đúng. Hãy lấy một ví dụ cụ thể: vừa qua có một cô người mẫu bất ngờ chụp ảnh khỏa thân tung lên mạng, nói rằng để kêu gọi bảo vệ môi trường.

Phóng viên: Tôi biết chuyện đó.

Giám khảo: Và rất nhiều người, đột nhiên trở thành giám khảo. Họ đổ xô vào chấm điểm các bức ảnh đó.

Phóng viên: Điều ấy cũng bình thường.

Giám khảo: Vâng. Nhưng kỳ lạ là ít người cho điểm chuyên môn. Mà phần lớn là điểm đạo đức.

Phóng viên: Đạo đức?

Giám khảo: Đúng. Họ đổ xô vào lên án cô gái, kết đủ thứ tội, trong đó tội nặng nhất là lợi dụng việc bảo vệ môi trường để quảng bá cho mình.

Phóng viên: Anh thấy điều ấy không đúng sao?

Giám khảo: Không đúng. Một giám khảo cũng như một quan tòa, phải tuân thủ hai nguyên tắc này:

- Chỉ kết tội khi có bằng chứng.

- Mọi nghi vấn đều phải suy xét theo hướng có lợi cho bị cáo.

Phóng viên: Thì bằng chứng ở đây là sự khỏa thân đó thôi.

Giám khảo: Sai. Khỏa thân chưa bao giờ là một tội lỗi trừ trường hợp có những quy định rất cụ thể của pháp luật. Tất nhiên, đó không phải là một hành động bình thường, mà đặc biệt. Chính vì tính đặc biệt của nó, nên trên thế giới rất nhiều khi phụ nữ khỏa thân để gây chú ý.

Phóng viên: Rất nhiều?

Giám khảo: Đúng thế. Và tôi cũng nói luôn, vô số những hành động khỏa thân đã được đánh giá cao, thậm chí đáng được ca ngợi, ví dụ như khỏa thân để quyên tiền cho trẻ em mồ côi hoặc để bảo vệ thú rừng.

Phóng viên: Vâng.

Giám khảo: Khi một cô gái khỏa thân, họ luôn luôn phải đối diện với hai phần: Mất và được. Và kinh nghiệm cho thấy, trong một xã hội châu Á, phần mất thường nhiều hơn.

Phóng viên: Nhưng một số cô vẫn làm.

Giám khảo: Họ làm vì đấy có thể là cách duy nhất họ làm tốt. Nghề người mẫu là nghề sử dụng thân thể. Đó là công cụ lao động chính. Cho nên đâu có gì lạ khi họ muốn sử dụng công cụ đó trước tiên.

Phóng viên: Tôi vẫn nghe đây.

Giám khảo: Sau khi những tấm ảnh tung lên, rất nhiều người lên án cô ta lợi dụng môi trường. Vô lý thật. Rất nhiều nhà từ thiện bỏ tiền tài trợ cũng có thể bị lên án là lợi dụng trẻ em nghèo hoặc lợi dụng thiên tai để bà con biết tên tuổi. Cứ cho là có những kẻ lợi dụng như thế, theo tôi vẫn còn hơn những ai cả đời chả làm gì. Họ có thể quanh năm vứt rác ra đường nhưng lại nổi cáu vì một thiếu nữ chụp hình không mảnh vải.

Phóng viên: Vậy theo anh nên thế nào?

Giám khảo: Theo tôi môi trường là một thứ rất chung. Mà ai cũng có quyền bảo vệ theo cách của mình, kể cả những cô người người mẫu. Chả có cách nào ở đây là xấu cả.

Phóng viên: Khoan đã. Nhưng anh quên một thứ: Môi trường văn hóa. Anh nghĩ sẽ ra sao nếu nạn khỏa thân tràn lan?

Giám khảo: Thứ nhất, tôi tin chắc nạn khỏa thân nếu có, còn lâu mới là nạn gây nguy hiểm nhất cho xã hội. Rất nhiều quốc gia, trong đó có cả những quốc gia bên cạnh chúng ta, khỏa thân rất ghê nhưng lễ phép và kín đáo cũng rất ghê, chứ không xâm lấn nhau được. Thứ hai, một cơ thể khỏa thân chắc gì đã tệ hơn một hành động xấu khỏa thân? Những hành động như thế hiện nay cứ ra đường là gặp, nên tập trung công sức vào đó.

Phóng viên: Tóm lại, theo anh, hành động của cô người mẫu ấy không có gì đáng lên án.

Giám khảo: Đúng thế. Chụp ảnh khỏa thân vì môi trường không thể là một hành động đáng lên án. Tôi tin chắc điều này. Nhưng sai lầm của cô ta là những tấm ảnh đó chưa hoàn chỉnh. Nói theo một chuyên gia là nó không xấu, không đẹp. Nếu như những tấm hình ấy tuyệt đẹp, tôi tin chắc nhiều người sẽ buộc phải có xúc cảm. Rồi xúc cảm sẽ buộc họ phải nghĩ tốt.

Phóng viên: Đúng thế.

Giám khảo: Hình thức thể hiện là gì đâu quan trọng. Quan trọng là nó có dẫn người xem tới rung động hay không. Đáng ra chỉ cần tập trung phân tích những tấm ảnh, chỉ rõ nó xấu, đẹp ở đâu thì nhiều giám khảo tự do lại không đi vào chuyên môn, thích tra xét động cơ và đánh giá đạo đức trong vụ này.

Phóng viên: Họ muốn môi trường được bảo vệ một cách kín đáo.

Giám khảo: Tôi thì muốn nó được bảo vệ một cách đẹp

Phóng viên: Thưa anh, sau một thời gian làm giám khảo ở một số chương trình, điều khiến anh day dứt là gì?

Giám khảo: "Day dứt" ư? Nhà báo dùng từ hơi quá rồi. Nếu cứ day dứt nhiều như thế, có thể tôi đã chết từ lâu. Tôi phải chuyển từ ấy sang "buồn cười". Điều buồn cười nhất là nhìn chung, trên các phương tiện thông tin đại chúng, chúng ta rất thích khen nhau.

Phóng viên: Khen?

Giám khảo: Đúng thế. Ở đâu cũng tràn ngập những lời khen tặng. Nào xinh đẹp, nào tài năng, nào nhiệt tình, nào hát hay, nào múa giỏi…Khen bao nhiêu cũng được, khen lặp đi lặp lại cũng đựơc, khen nhàm chán và vô vị cũng đựơc. Nhưng hễ chê là coi chừng.

Phóng viên: Nguyên nhân của bệnh khen thừa thãi ấy là gì?

Giám khảo: Đầu tiên là do nhát gan. Sau đó là do dốt.

Phóng viên: Dốt?

Giám khảo: Đúng vậy. Không thể phủ nhận, chúng ta còn đang trong giai đoạn phát triển. Có nghĩa là khoa học, kinh tế, nghệ thuật, văn minh… nhìn chung còn ở mức chưa cao. Rõ ràng trong hoàn cảnh như thế sự khiêm tốn, sự phê bình, sự day dứt và lo lắng phải là một thái độ chủ đạo trong xã hội chứ không phải sự hớn hở, vui mừng. Nhưng thiên hạ xử sự ra sao? Cái gì không biết thì cứ khen bừa đi để "lướt sóng" là xong tất.

Phóng viên: Anh nói đúng.

Giám khảo: Thế mà gần như ở đâu cũng chỉ thích khen. Không những bằng lời mà cả bằng hiện vật. Các cuộc thi đầy giải thưởng, các hội diễn đầy huy chương vàng, các liên hoan đầy thành công và các cuộc bình phẩm đầy lời tán tụng. Như vậy là rất bất thường.

Phóng viên: Buồn nhỉ.

Giám khảo: Buồn nhất là khen chung quanh nhiều quá, người ta chuyển sang khen bản thân mình một cách công khai, cả cá nhân lẫn tập thể. Chả thiếu gì các tờ báo tự khen mình ầm ĩ, khi thực hiện một chương trình nào đó, hoặc một tiết mục truyền hình mải miết kể công với khán giả. Khen không những thành thói quen cửa miệng, mà còn được nâng lên thành… cách sống.

Phóng viên: Trời ạ!

Giám khảo: Và có một số người lờ mờ thấy khen là an toàn. Chiến tranh đã kết thúc từ lâu, nhưng vài cá nhân đột nhiên phát hiện khen chính là hầm trú ẩn trong thời bình. Gần như chưa ở đâu, chưa lúc nào, một sự khen quá đà lại gây ra tác hại cho người thực hiện.

Câu nói nổi tiếng của Shakespeare "Sống hay không sống" đã được đổi thành "Khen hay không khen". Khen không những thành phương tiện hành nghề mà còn được nâng lên thành phương châm tồn tại. Hậu quả là trong các cuộc thi, toàn những lời nhận xét theo kiểu ca ngợi, động viên. Ít ai dám nói thẳng thừng.

Nếu có ai thẳng thắn hay cá tính kiểu như Trần Tiến bỗng bị coi là kỳ quặc, thậm chí được đánh giá là bất thường. Bà con chẳng chịu hiểu rằng bất thường nhất chính là sự sáo rỗng. Dân gian có câu "Yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi", có nghĩa là, từ ngàn xưa, thiên hạ đã hiểu lời khen vô bổ và tác hại như thế nào nếu được dựng tràn lan.

Ở nhiều quốc gia, nhiều cuộc thi trở nên nổi tiếng một phần nhờ ban giám khảo có thể khóc, có thể cười và có thể… nói những lời cay độc khiến thí sinh và người xem nhớ đời. Họ hiểu một cách sâu sắc rằng sự nghiệt ngã là một phần của cuộc sống, đã thế, lại là phần cần thiết và hãy để mỗi cá nhân, hay cao hơn, buộc mỗi cá nhân phải đương đầu với tính nghiệt ngã đó khi muốn tìm cơ hội. Đấy chính là quá trình rèn luyện nhân cách.

Nói cách khác, công việc của một người giám khảo không phải chỉ nói cho hay và cho đẹp. Nó còn bao gồm việc phát biểu cho đúng và cho… đau. Không chịu đau thì không bao giờ lớn được.

Lê Thị Liên Hoan
 


 
Suy ngẫm
  Phỏng vấn một khán giả  
  Phỏng vấn một nhà sử học  
  Phỏng vấn một phụ huynh  
  Phỏng vấn một thầy giáo dạy sử  
  Phỏng vấn Ông Bụt  
  Phỏng Vấn Thượng Đế  
  Phủi bụi cho tâm hồn  
  Phương pháp lập nghiệp vĩnh cửu  
  Quả báo khi buông lời ác độc với người khác  
  Quá khứ - hiện tại - tương lai  
  Quả tạ và cọng rơm  
  Qua đường  
  Quán niệm về cái chết để sống có ích  
  Quán niệm về lòng tốt, sự nhiệt tình & hiểu biết  
  Quan sát và lắng nghe  
  Quán Tưởng  
  Qui luật Nhân Quả  
  Quy luật thu hút  
  Quyền thế và đặc lợi  
  Sát sanh và Bệnh tật  
  Say và điên  
  Sinh ký tử quy  
  Sinh Tử Là Việc Lớn  
  Smart - 5 nguyên tắc đặt mục tiêu  
  Số mạng nghiệp báo đồng hay khác?  
  Sống an vui  
  Sống bình an để thiết lập bình an  
  Sống có mục tiêu  
  Sống không hối tiếc  
  Sống lạc quan, tại sao không?  
  Sống lại  
  Sống một mình  
  Sống thành công!  
  Sống thật  
  Sống thứ sinh: Nguồn gốc sự bất hạnh của con người  
  Sống trọn vẹn trong ngày  
  Sống tử tế với nhau  
  Sống và chết  
  Sự hoàn mỹ trong quan hệ  
  Sự khác biệt của những người thành công  
  Sự khác biệt giữa kiêu hãnh và kiêu ngạo  
  Sự khác biệt giữa người thành công và cực kỳ thành công  
  Sự khác nhau giữa phụ nữ ngốc và phụ nữ thông minh  
  Sự nhìn nhận chân thành sẽ giúp bạn thanh thản hơn  
  Sự phát triển của nhân loại trong quan hệ với tri thức  
  Sự phong phú của cuộc sống  
  Sự ra đời của một người mẹ  
  Sự sống trong ta  
  Sự thân tình  
  Sự thật của cuộc đời  
  Sự thông minh và sự "chậm lớn" của người Việt  
  Sức mạnh của nụ cười  
  Sức mạnh của sự tĩnh lặng  
  Sức mạnh của trí tuệ cảm xúc  
  Sướng khổ do nghiệp tạo thành  
  Suy Ngẫm Về Sự Thật Cuộc Đời  
  Suy nghĩ về tinh thần Võ Văn Kiệt  
  Tài Năng Thiên Phú  
  Tại sao  
  Tại sao cảm thấy hạnh phúc sẽ tốt cho sức khỏe?  
  Tại sao chúng ta phải sống?  
  Tại sao không nên sát sinh  
  Tại sao phải có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ?  
  Tại sao thói xấu khó bỏ?  
  Tâm an bình  
  Tạm dừng  
  Tâm sự người cha  
  Tâm từ tâm  
  Tản mạn về triết lý đời thường  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHẦN GIỚI THIỆU - LỜI NÓI ĐẦU  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHẦN I - SỐNG  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHẦN II - CHẾT  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHẦN III: CHẾT VÀ TÁI SINH  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHẦN IV: KẾT LUẬN  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHỤ LỤC I  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHỤ LỤC II  
  TẠNG THƯ SỐNG - CHẾT / PHỤ LỤC III  
  Tất cả pháp không cố định  
  TAY TRẮNG LÀM NÊN - Nguyễn Hiến Lê (dịch)  
  Tha Thứ  
  Tha thứ (1)  
  Tha thứ (2)  
  Thái độ của bạn  
  Tham & Sân  
  Thân - Thọ - Tâm - Pháp  
  Thân phận thứ hai của bạn là gì?  
  Thành quả (bạn đạt được trong công việc) - PURPOSE:  
  Thảnh thơi trong ràng buộc  
  Thập nhị nhân duyên  
  Thất bại  
  Thất bại do đâu: tính cách hay số phận  
  Thất bại quý hơn thành công  
  Thất bại để thành công  
  Thật buồn cười  
  Thay đổi quan niệm, thói quen, suy nghĩ và vận mệnh  
  Thay đổi thế giới của bạn chỉ với 3 câu hỏi đơn giản  
  Thế giới sau khi chết  
  Thế giới tự do  
  Thế nào gọi là nhìn sâu?  
  Thế nào là anh hùng  
Trang 7/9 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9  Trang sau