(Cao
Lương Đỏ đã được đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu dựng thành phim mang cùng tên
do ngôi sao Củng Lợi thủ vai chính. Bộ phim đã được giải thưởng tại liên hoan
phim Cannes).
***
Theo
lịch cũ, mồng chín tháng tám năm 1939, cha tôi, người mang dòng máu thổ phỉ vừa
hơn mười bốn tuổi, ông gia nhập vào đội quân của tư lệnh Dư Chiêm Ngao, mà sau
này trở thành anh hùng truyền kỳ danh tiếng khắp trong thiên hạ, đi phục kích
đoàn xe ô tô Nhật Bản trên đoạn đường Giao Bình. Bà nội tôi tiễn họ tới đầu
thôn, bỗng Dư tư lệnh hô: "Nghiêm!”, nội liền đứng nghiêm và dặn dò cha tôi:
"Đậu Quan, hãy nghe lời cha nuôi nghe con!”. Ông im lặng cúi đầu không một lời
đáp lại.
Đoàn
người đi trong đêm mù sương, bí mật hành quân trên những thửa ruộng cao lương đỏ
của quê hương Cao Mật. Ôi Cao Mật, nơi tôi yêu nhất mà cũng là nơi tôi ghét
nhất, mãi sau này lớn lên học hành giác ngộ, tôi mới hiểu ra, không nơi nào trên
trái đất lại đẹp nhất và xấu nhất như Cao Mật, cực kỳ siêu thoát mà cũng cực kỳ
thế tục, sạch sẽ nhất và bẩn thỉu nhất, anh hùng hảo hán nhất và đầu trộm đuôi
cướp nhất, nơi biết uống rượu nhất và cũng là nơi biết yêu đương nhất. Cao Mật
với bạt ngàn cao lương đỏ, huy hoàng, dào dạt, uyển chuyển và dậy sóng biết bao.
***
Năm
nội tôi tròn 16 tuổi, cô thiếu nữ vừa xuân thì, phát tiết dung nhan, thắm màu
hoa nguyệt, buồn rười rượi bước lên kiệu hoa, dập dềnh trên biển máu cao lương,
đỏ như không thể nào đỏ hơn nữa. Cố tôi gả nội cho chủ nợ họ Đơn, về làm vợ
thằng con trai độc tự Biển Lang. Tuổi xuân rực rỡ của nội khiến bà khát khao
được ngả vào lòng một chàng trai vạm vỡ đàn ông, giải khuây bao nỗi trầm uất, cô
tịch trong chiếc kiệu hoa ô uế này. Nội không chịu nổi cái cảnh tù túng giữa bốn
bức màn vải đỏ; với bàn chân nhỏ xíu nhọn tựa búp măng, bà tách mảnh rèm kiệu
thành khe hở và trộm ngó ra bên ngoài, hai đòn cáng kiệu bóng loáng đè lên bốn
tấm vai bạnh của những người phu kiệu, mà nơi họ bốc ra mùi mồ hôi chua loét,
mùi mồ hôi đàn ông quyến rũ nội, khiến từng vòng, từng vòng sóng xuân lăn tăn,
lăn tăn dậy lên nơi lòng bà, rạo rực lạ thường. Một trong bốn phu kiệu hôm đó
sau này là ông nội của tôi, người có tên tư lệnh Dư Chiêm Ngao lẫy lừng.
Đám
phu kiệu đưa nội tôi ra tới đường cái quan, bao la một cảnh đồng rộng sông dài,
những thanh niên lực lưỡng bắt đầu nghĩ cách trêu chọc cô dâu, họ chạy nhanh làm
cho nội ngồi trên kiệu lắc lư, điên đảo, nôn hết nước xanh nước vàng, bảo họ đi
chậm lại thì cả bốn người đều thưa rằng, phải vượt qua hang Cóc trước lúc trời
tối kẻo có cướp. Nội tôi khóc thút thít không phải vì bốn anh phu kiệu chơi khăm
bà, mà vì nghĩ tới người chồng sẽ động phòng hoa chúc đêm nay - Đơn Biển Lang,
một bệnh nhân kinh phong, con trai độc nhất của Đơn Đình Tú, tay bá hộ giàu lên
nhờ nấu rượu cao lương, nhẽ nào bà lại phải trao thân cho hắn, nội tôi càng nghĩ
càng khóc thành tiếng khiến phu kiệu Dư Chiêm Ngao động lòng trắc ẩn và mơ hồ
thấy cả một vầng sáng ngày mai. Đoàn người vừa đến hang Cóc thì quả nhiên có
cướp, một tay thổ phỉ cao to, lưng mang bao vải đỏ cồm cộm những tiền là tiền,
hét lớn: "Mãi lộ!”. Đám phu kiệu vâng lời có bao nhiêu dốc hết để tìm cách thoát
nạn. Nhưng tên cướp vén màn vải gọi nội tôi bước ra và hạ lệnh: "Đi theo tao
xuống ruộng cao lương kia!”. Nội thản nhiên, cương nghị và liếc nhìn phu kiệu Dư
Chiêm Ngao. Hiểu ý người đẹp, họ Dư bất thần song phi đá lăn tay thổ phỉ, đoàn
người xô tới bóp cổ hắn chết tươi. Dư Chiêm Ngao dìu nội lên kiệu, họ cười với
nhau thật huy hoàng và cao quý, bà xé toang màn kiệu, tự do hít thở không khí,
tự do ngắm tấm lưng trần lực lưỡng đàn ông của Dư Chiêm Ngao, người mà cháu chắt
chúng tôi đang ngày đêm hương khói phụng thờ...
***
Cha
tôi như một liên lạc viên dẫn đoàn quân luồn giữa ruộng cao lương, tay ông luôn
nắm chặt khẩu súng lục to quá cỡ đeo lủng lẳng bên hông. Họ đến nơi phục kích
thì cũng vừa lúc đàng đông ửng hồng, nhưng trên con lộ vẫn chưa thấy một chiếc
xe nào của giặc cả. Dư tư lệnh bảo mọi người hãy tạm nghỉ trong ruộng cao lương
và nói với cha tôi: "Đậu Quan, quay về nhờ mẹ làm cho ít bánh, khoảng trưa thì
đem ra và dặn mẹ con cùng đi nữa nghe”. Cha tôi chạy một mạch tới nhà, ông ôm
lấy nội, người con gái hoàng hoa thời ấy nay đã là thiếu phụ phong sương. "Mẹ
cho nhiều trứng vào bánh nhe”. "Ừ, bọn giặc vẫn chưa đến à?”. "Chưa mẹ ạ, Dư tư
lệnh dặn mẹ gánh bánh ra cho ông và binh lính đó”. Xong nhiệm vụ, cha tôi chạy
như bay về bên tư lệnh báo cáo: "Trưa nay nhất định có bánh”. Nói chưa dứt lời
thì cha tôi phát hiện từ xa bốn con bọ hung sắt bò trên đường lộ, ông kêu lên:
"Tư lệnh xem kìa, xe giặc”.
Nội
"nhận lệnh” và liền hô hào con cái nhào bột làm bánh. Đúng giờ hẹn bà vận chiếc
áo màu đỏ thẫm, trên vai kĩu kịt một gánh những cái bánh còn nóng hổi, thoăn
thoắt hướng về cầu đá, nơi tư lệnh đang chờ. Từ ngày đi lấy chồng, nội tôi vẫn
giữ được vẻ yêu kiều của thiếu nữ, công việc nặng nhọc chẳng mấy đến tay cho nên
gánh bánh khao quân đã hằn lên vai nội một vệt bầm khá sâu, màu tím đỏ, ấy là
biểu tượng cho hành vi anh dũng kháng Nhật mà nội mang theo khi từ giã cõi đời.
Đoàn
quân tập trung hỏa lực nhắm vào xe giặc đang tiến dần tới điểm chết, nhưng bỗng
có tiếng súng nổ, đạn từ chiếc xe đi đầu nã ra, cha tôi ngoái nhìn và trông thấy
nội như cánh bướm hồng chấp chới, ông chưa kịp kêu lên: "Mẹ...” thì nội đã ngã
nhào. Cha tôi vọt khỏi ổ phục kích chạy về phía nội, Dư tư lệnh đành cho nổ súng
tiêu diệt đoàn xe. Mặt nội úp xuống đất, máu đỏ như màu rượu cao lương ọc trào
lên từ hai lỗ đạn trên lưng. Cha tôi lật người nội trở lại, dung mạo vẫn đoan
trang, mái tóc vẫn óng mượt, phẳng phiu dưới hai cái kẹp sừng, vài hạt cao lương
bay xuống đậu bên đôi môi của nội. Cha tôi đặt nội nằm trên những thân cây cao
lương, nhìn miệng nội dần dần biến sắc, cha nấc lên từng tiếng. Nội thì thào:
"Cha con đâu?”. "Cha nào hở mẹ?”. "Dư tư lệnh, cha nuôi ấy”. "Ông đang đánh giặc
ở đằng kia”. "Người đó chính là cha đẻ của con...” - cha tôi gật đầu, lặng nhìn
phút lâm chung của nội. Hai phát đạn từ sau lưng xuyên qua bầu vú, bộ ngực trắng
nõn của bà giờ đã rực hồng, bà vui sướng trông rõ những bông cao lương đung đưa,
trông rõ khuôn mặt người con trai, tác thành bởi một cuộc tình thắm đỏ như cao
lương quê hương, bà mỉm cười e ấp và có vẻ như thẹn thùng xấu hổ nhớ lại quá
vãng thật ngọt ngào và đẹp đẽ...
***
Đơn
Biển Lang quả đã mắc bệnh kinh phong, hai đêm ở nhà chồng, nội tôi thức trắng
với con dao trong tay, sáng ngày thứ ba cố tôi say túy lúy dẫn nội về, bà giận
lắm. Nội tôi ngồi vắt vẻo trên mình con la, vừa rẽ qua quãng đường cong thì một
bóng đen bỗng ào ra, bồng nội chạy mất hút vào ruộng cao lương ken dày như rừng
rậm. Nội không còn sức lực nào mà vùng vẫy nữa và bà cũng chẳng muốn vùng vẫy
làm gì, thậm chí còn quàng tay qua cổ bóng đen để người ấy bồng bà nhẹ nhàng,
thoải mái hơn. Ba ngày sống giữa rừng cao lương, nội tôi như qua một giấc mơ,
thấm đậm lẽ đời nhân thế. Người ấy tháo tấm vải đen che mặt, hiện nguyên hình,
nội thầm kêu trời ơi và nước mắt lưng tròng vì sung sướng. Chàng cởi tấm áo trải
ra làm chiếu, chân đạp mấy cây cao lương rạp xuống làm giường, rồi nhẹ nhàng
bồng nàng đặt lên đó, nàng nhìn chàng vạm vỡ, cường tráng, bỗng ngây ngất trong
lửa tình rạo rực dồn nén mười sáu năm qua, chàng mạnh bạo lột mọi xiêm y và nàng
mãn nguyện hưởng niềm khoái lạc. Họ yêu nhau như vậy suốt ba ngày liền và cha
tôi chính là kết tinh của cuộc tình cuồng nhiệt, thống khổ đó. Sau ba ngày đêm
ân ái, ông bà tôi chia tay nhau, ông đưa bà ra đến bờ đường và thoắt một cái đã
biến mất giữa muôn trùng biển máu của cao lương đỏ... để hôm nay trở thành Dư
Chiêm Ngao trở về nhận con và thăm lại tình nhân.
***
Còn
nội, nội vẫn nằm đó trên đệm cây cao lương như mười mấy năm trước, nhưng đã mệt
lắm rồi. Phải chăng cái chết đang dần tới, phải chăng ta không còn có thể nhìn
thấy trời này, đất này nữa sao, thế còn con ta, người tình của ta? Hỡi trời,
người nào có dạy con trinh tiết là gì, chính chuyên là gì, thế nào là lương
thiện, thế nào là ác tà, con chỉ biết hành động theo cách nghĩ của con. Con yêu
hạnh phúc, con yêu sức mạnh, con yêu cái đẹp, thân này là của con, con có quyền
làm chủ nó, con không sợ phạm tội, con không sợ trừng phạt, con không sợ rơi
xuống mười tám tầng địa ngục của người. Nhưng con không muốn chết, con muốn
sống, con muốn nhìn thế giới này...
Nội
tôi vẫn không rời mắt những ngọn cao lương đỏ, đung đưa, mông lung, chúng kỳ ảo,
chúng rên la, chúng kêu gọi, có lúc như người thân, có lúc như ma quỷ, như đàn
rắn quẩn quanh người nội, chúng cười, chúng khóc, xanh đỏ trắng đen biến hóa
khôn lường... Cha tôi chạy nhanh về phía Dư tư lệnh, hốt hoảng, thất thanh: "Mẹ
nhớ cha, cha ơi”. "Con ngoan của ta, hãy cùng cha diệt nốt mấy thằng chó đẻ này
đã”. Trận mạc tan khói súng, cha con họ vội chạy tới bên người thiếu phụ thì bà
không còn sống nữa, nhưng khuôn mặt vẫn rạng rỡ cao quý dành riêng cho tình nhân
cao lương đỏ, ông nội tôi vuốt mắt bà, rồi chặt ngã bao cây cao lương phủ đầy
lên thi thể người quá cố.
Nắng
chiều chiếu xiên qua chiến trường, dưới kia dòng sông một màu máu đỏ, trên này
cánh đồng cũng đỏ bởi ruộng cao lương. Cha tôi tha thẩn nơi bờ đê, cúi nhặt
chiếc bánh và đưa cho ông nội: "Cha ơi, cha ăn đi, bánh của mẹ con làm cho cha
đó”. Tư lệnh Dư Chiêm Ngao cắn từng miếng bánh, hòa với dòng lệ tuôn trào, lần
đầu tiên người anh hùng đã không cầm được nước mắt.