Vào năm
ấy, ở mặt trận ấy, hai nghìn người lính trẻ được lệnh xuống đồng bằng tham
chiến. Sau một đêm, chỉ ba mươi người sống sót trở về!
Nhiều
năm qua tôi luôn bị ám ảnh bởi con số khủng khiếp này trong một câu khô khan và
thuần túy mang tính thông tin. Chính xác đó là câu thơ trong bài "Ai? Tôi!” của
nhà thơ Chế Lan Viên khi ông viết về chiến dịch Mậu Thân. Tác giả nêu câu hỏi:
"Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2000 người đó?” Và chính ông tự trả lời mình:
"Tôi! Tôi/ người viết những câu thơ cổ võ/ Ca tụng người không tiếc mạng mình
trong mọi cuộc xung phong”.
Một tâm
hồn nhạy cảm! Một nhân cách lớn!
Đằng sau
những con số này là những con số khác còn khủng khiếp hơn: Một triệu người lính
cách mạng và hai triệu dân thường Việt Nam đã hy sinh trong cái ta thường gọi là
"cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc”.
Như nhà
thơ, tôi cũng bị ám ảnh bởi câu hỏi của ông: Ai chịu trách nhiệm về cái chết của
2000 người đó? Không phải tôi, tất nhiên, vì tôi là người bình thường và chỉ nhờ
ngẫu nhiên mới không bị gộp vào con số đó. Tôi không ra lệnh, không đưa ra các
quyết sách lớn về đại cục. Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa tôi hoàn toàn vô
tội. Không, tôi vẫn phải chịu một phần trách nhiệm vì đơn giản tôi là một công
dân và đã để đất nước mình rơi vào hoàn cảnh như vậy. Một công dân tốt còn biết
đau về cái chết của đồng bào.
Câu hỏi
tiếp: Liêu có đáng phải hy sinh ghê gớm như thế để "giải phóng dân tộc” không,
mà rồi, giải phóng khỏi ai? Khỏi những đồng bào Việt Nam khác ở bên kia chiến
tuyến?
Một câu
hỏi nữa: Ba mươi người sống sót trong số 2000 người ấy bây giờ thế nào, và họ
nghĩ gì về sự trận đánh ấy của họ mà đài báo ta lúc ấy gọi là "thắng lợi, nhưng
ta phải chịu một số thương vong nhất định”?
Khá vất
vả, cuối cùng tôi cũng tìm được một người, ngay trong huyện Diễn Châu quê tôi.
Điều này lần nữa làm tôi giật mình: Sao lúc nào, ở đâu có đánh nhau ác liệt nhất
và nhiều người chết nhất cũng có mặt những người lính nông dân Nghệ Tĩnh của
tôi? Có thể chỉ ngẫu nhiên, nhưng vẫn giật mình.
Đó là
một lão nông trạc tuổi tôi, trên sáu mươi chút ít, nhưng trông hom hem với một
chân thọt và một tay hơi khuỳnh khuỳnh.
"Chuyện
từ đời tám hoánh nào, hơi đâu mà nhớ đến. Mà cũng chẳng còn lúc nào rỗi để nhớ”.
Ông nói khi tôi gợi chuyện. "Con cháu một bầy, toàn ăn hại. Lại thêm trận lụt
vừa rồi ngập hết lúa như bác thấy.”
"Bác có
cảm giác thế nào khi sống sót trở về rừng?”
"May!
Còn thế nào nữa. May thoát chết như bác nói. Nhờ giả vờ chết mà sống
đấy.”
"Sau đó
thì sao?”
"Thì
đánh nhau tiếp. Trong số ba mươi người sống sót lần ấy, nghe nói chỉ năm người
trở về nhà khi chiến tranh kết thúc. Trong đó có tôi. Cũng nhờ may rủi
thôi”.
Tôi lặng
người, chẳng biết nói gì thêm.
"Sự hy
sinh của các bác thật to lớn.” Tôi lên tiếng khi thấy im lặng mãi bất tiện. "Các
bác là những người anh hùng, dũng cảm, dám xã thân vì
nước...”
"Anh
hùng, dũng cảm cái đếch gì. Người ta bảo đi lính thì đi. Bảo xung phong thì xung
phong. Không xung phong, không dũng cảm mà được à? Không bị địch bắn chết thì
cũng bị đồng đội đằng sau bắn vào lưng!”
Mấy
thằng nhỏ thấy có khách, xúm lại hóng hớt. Ông chúng quát:
"Chúng
mày biến! Mai kia thằng Tàu nó đánh, sẽ đến lượt chúng mày! Không thoát được
đâu!”
Cuộc gặp
này để lại trong tôi một ấn tượng nặng nề.
Tôi cũng
may. May chưa bao giờ viết thơ cổ vũ người khác ra trận. May không phải là một
trong ba mươi người sống sót ấy, chính xác hơn, năm người. Nếu không tôi sẽ đau
khổ lắm. Chả là đời trót cho tôi cái chữ nên hay suy luận và mặc cảm. May nữa là
tôi không bao giờ phải bắn vào lưng đồng đội nếu họ không xung phong, và ngược
lại. May! Và tôi cảm ơn số phận điều ấy.
Nhưng
tôi cũng có con cháu, và như ông ấy nói, mai kia thằng Tàu đánh mình, sẽ đến
lượt chúng. Nghĩ mà sợ. Sợ và buồn. Vì lão nông kia, tôi và con cháu của tôi
không có sự lựa chọn nào khác. Vì chúng tôi, vì tất cả chúng ta, đơn giản chỉ là
những con tốt vô danh trên bàn cờ của các nhà lãnh đạo đất
nước.
Mong sao
cho họ biết thương dân và có những quyết định sáng suốt.