Truyện ngắn
Mối tình đầu - Phần 1
 

(M. GORKI)-NGA

Ngay từ dạo ấy số phận, để giáo dục cho tôi, đã bắt tôi thể nghiệm những nỗi xúc động bi hài kịch của mốt tình đầu.

Một tốp bạn bè quen thuộc rủ nhau đi chơi thuyền trên sông Ôka. Họ giao cho tôi cái nhiệm vụ mời hai vợ chồng K, cùng đi, đôi vợ chồng này mới ở Pháp về được ít lâu, nhưng tôi chưa có dịp làm quen với họ. Tôi đến nhà họ vào một buổi tối.

Họ ở căn hầm của một tòa nhà cũ: trước mặt nhà là một vũng nước bẩn choáng hết cả chiều rộng của mặt đường suốt mùa xuân và gần suốt cả mùa hè không lúc nào khô đi được: quạ và chó dùng nó làm gương soi, lợn thì ra đấy tắm.

Đang mang một tâm trạng có phần đăm chiêu tư lự tôi đường đột buớc vào căn nhà của hai người chưa quen biết này như một hòn đá lăn trên sườn núi xuống và gặp nên một tình trạng thảng thốt lạ thường trong gia đình họ. Một người đàn ông đẫy đà, vóc người tầm thước có bộ râu mầu hung hình rẻ quạt và đôi mắt hiền hậu màu thiên thanh, hấp tấp đóng cánh cửa dẫn vào phòng trong rồi ra đứng trước mặt tôi, vẻ mặt hầm hầm.

Ông ta vừa xốc lại quần áo vừa hỏi tôi một cách không lấy gì làm niềm nở:

- Ông muốn gì?

Đoạn nói thêm, giọng răn dạy:

- Trước khi vào nên gõ cửa!

Sau lưng ông ta, trong bóng tranh tối tranh sáng của gian phòng, có một cái gì đang cuống quít cử động, trông như một con chim rất lớn đang giãy giụa, và một giọng nói lanh lảnh vui tươi vang lên:

- Nhất là khi vào nhà những người có gia đình.

Tôi hỏi gắt, xem họ có phải là những người tôi đang cần gặp không? Và khi người đàn ông, trông giống như một ông chủ hiệu làm ăn khấm khá, trả lời là phải, tôi nói rõ cho ông ta biết tôi đến đây để làm gì.

- Ông bảo là Clac phái ông đến phải không? - Người đàn ông vừa hỏi vừa vuốt bộ râu một cách chững chạc và trầm ngâm, rồi ngay lúc ấy bỗng giật mình quay ngoắt lại, bật lên một tiếng kêu đau đớn:

- Ái! Kìa Onga!

Căn cứ vào cái động tác đột ngột của hai bàn tay ông ta tôi suy ra rằng ông ta bị ai véo mạnh vào cái bộ phận của cơ thể mà người ta thường tránh gọi tên ra, hẳn là vì nó ở vào một vị trí hơi thấp hơn thắt lưng một chút.

Thế chân ông ta là một thiếu nữ thân hình mảnh dẽ đứng vịn tay vào khung cửa mỉm cười nhìn tôi với đôi mắt màu xanh lam.

- Ông là ai? Cảnh sát à?

- Không ạ, chỉ là cái quần thôi, - tôi trả lời một cách lễ phép, còn cô thiếu nữ thì cười phá lên.

Tôi không thấy chạnh lòng, vì trong đôi mắt của cô ta long lanh một nụ cười đặc biệt - chính cái nụ cười mà tôi đã mong đợi từ lâu. Hình như cô ta cười vì cách trang phục của tôi; hôm ấy tôi mặc cái quần rộng màu xanh của cảnh binh, và thay cho áo sơ mi tôi khoác một chiếc áo vét trắng của đầu bếp; áo này rất tiện lợi: nó có thể đóng vai áo vet-tông một cách khá đắc lực, và lại có cúc móc gài đến tận cổ cho nên ở bên trong không cần mặc sơ mi. Một đôi ủng săn đi mượn và một chiếc mũ rộng vành của kẻ cướp Ý bổ sung cho y phục của tôi một cách tuyệt mỹ.

Sau khi cầm tay áo tôi, kéo vào phòng và ấn tôi ngồi xuống một chiếc ghế tựa, người thiếu nữ đứng trước mặt tôi hỏi:

- Tại sao anh mặc buồn cười thế?

- Sao lại buồn cười?

- Anh đừng giận, - cô ta ôn tồn khuyên tôi.

Một cô gái rất kỳ lạ, ai mà có thể giận được?

Người đàn ông có râu đang ngồi trên giường quấn một điếu thuốc lá. Tôi đưa mắt chỉ về phía ông ta, hỏi:

- Đó là bố cô, hay là anh cô?

- Chồng! - người đàn ông trả lời quả quyết.

- Thế thì sao? - Cô cười, hỏi tôi.

Tôi ngẫm nghĩ một lát rồi nhìn kỹ cô, nói:

- Xin lỗi.

Câu chuyện tiếp diễn bằng cái giọng nhát gừng như vậy trong khoảng năm phút, nhưng tôi cảm thấy mình có thể ngồi im lìm trong căn nhà hầm này năm giờ, năm ngày, năm năm cũng được để nhìn khuôn mặt trái xoan thanh tú của người thiếu phụ và đôi mắt dịu dàng của nàng. Miệng nàng nhỏ nhắn, môi dưới dày hơn môi trên như thể mới mọng thêm lên: mái tóc rậm màu hạt dẻ cắt ngắn ngang tai làm thành một cái mũ lộng lẫy, với những món tóc quăn lòa xòa trên đôi vành tai hông hồng và đôi má đỏ hây như má con gái. Hai tay nàng rất đẹp, lúc nãy, khi nàng đứng ở phòng ngoài tựa tay vào khung cửa, tôi đã được trông thấy nó để trần đến tận vai. Nàng ăn mặc một cách đặc biệt giản dị, trên là một chiếc áo ngắn màu trắng có ống tay rộng viền đăng ten, và dưới là một cái váy cũng màu trắng may rất khéo. Nhưng đặc sắc nhất ở nàng là đôi mắt màu xanh lam: nó ánh lên một tia sáng vui tươi, trìu mến biết chừng nào, với một vẻ tò mò thân ái làm sao! Và cái này thì không nghi ngờ gì nữa: nàng mỉm cười chính cái nụ cười hoàn toàn không thể thiếu được đối với trái tim của một người đàn ông hai mươi mốt tuổi, một trái tim đã bị sự thô bạo của cuộc sống dày vò.

- Sắp mưa rào đến nơi rồi đây, ông chồng vừa thông báo vừa phun khói thuốc lá qua bộ râu.

Tôi nhìn ra cửa sổ: sao sáng vằng vặc trên bầu trời không gợn một chút mây. Lúc ấy tôi mới hiểu rằng mình vừa làm phiền người này, bèn ra về với một niềm vui thầm lặng trong lòng như sau khi gặp được một cái gì mình đã tìm từ lâu mà vẫn tự giấu lòng.

Suốt đêm hôm ấy tôi đi lang thang giữa đồng không, trân trọng gợi lại ánh sáng dịu dàng của đôi mắt màu xanh lam và đến khi trời hừng sáng tôi đã tin chắc như đinh đóng cột rằng người thiếu phụ nhỏ nhắn kia hoàn toàn không phải là một người vợ xứng đôi với cái ông phục phịch có bộ râu cằm và đôi mắt hiền lành của một con mèo no đủ kia. Thậm chí tôi còn thấy thương hại nàng tội nghiệp, ai đời phải sống với một người có những mẩu vụn bánh mì giắt trong râu...!

Đến hôm sau chúng tôi bơi thuyền trên dòng sông Ôka đục ngầu, dưới bóng bờ sông dốc đứng làm bằng những lớp đất sét nhiều màu ép lên nhau. Ngày hôm ấy là ngày đẹp nhất kể từ khi khai thiên lập địa. Vầng thái dương rực rỡ lạ thường trên một bầu trời quang đãng tưng bừng như ngày hội, trên sông thoang thoang mùi dâu đất đang chín tới, mọi người đều sực nhớ ra rằng mình quả là những người rất tốt, và điều đó khiến lòng tôi tràn ngập một tình yêu thương trong sáng đối với họ. Ngay đến như ông chồng của người nương tử của lòng tôi té ra cũng là một người đáng quý: ông ta không ngồi vào cùng thuyền với vợ - chiếc thuyền này do tôi chèo và suốt ngày hôm ấy ông xử sự một cách thông minh tuyệt vời: thoạt tiên ông kể cho tất cả mọi người nghe rất nhiều điều thú vị về ông già Clatxôn, rồi uống hết một bình sữa thượng hảo hạng, sau đó ngã lưng dưới một bụi cây và mãi cho đến tối ngủ giấc ngủ yên lành như một đứa con nít.

Lẽ dĩ nhiên là thuyền của chúng tôi đến nơi ”cắm trại” trước tiên, và khi bế công nương của tôi lên bờ, nàng nói :

- Anh khoẻ quá!

Tôi cảm thấy mình đủ sức xô ngã bất cứ tháp chuông nào trong thành phố và cho nàng biết rằng tôi có thể bế nàng về đến tận phố nhà - bảy vơxtơ cả thảy. Nàng cười khe khẽ, mắt nàng mơn trớn tôi, và suốt ngày hôm ấy mắt nàng ánh lên sáng ngời trước mặt tôi, và dĩ nhiên tôi tin chắc rằng nó chỉ sáng cho mỗi mình tôi mà thôi.

Từ đấy về sau mọi việc đều diễn biến với một tốc độ hoàn toàn tụ nhiên đối với một người đàn bà lần đầu tiên gặp được con thú ngộ nghĩnh, chưa từng thấy bao giờ, và đối với chàng trai khoẻ mạnh đang cần đến sự mơn trớn của một bàn tay phụ nữ.

Chẳng bao lâu tôi được biết rằng tuy bề ngoài trông như thiếu nữ chưa chồng, nàng lớn hơn tôi những mười tuổi, đã từng được ăn học trong Học viện dành cho các "thiếu nữ quý tộc” ở Beloxtôc, đã từng là vị hôn thê của quan lãnh binh Cung điện Mùa đông, đã từng sống ở Pari, đã từng học vẽ và đã học xong nghề bà đỡ. Về sau tôi lại được biết thêm rằng mẹ nàng cũng là bà đỡ và đã từng đón lấy tôi trong giờ phút tôi chào đời: trong sự kiện này tôi thấy có một cái gì tiền định và lấy làm vui mừng vô cùng.

Quá trình giao du với những giới giang hồ và lưu vong, mối tình dan díu với một người trong bọn họ, rồi sau đó là cuộc đời lang bạt kì hồ và khi no khi đói trong những căn hầm và những gác xép ở Pari, Pêterbua, Viên - tất cả những cái đó đã làm cho cô nữ sinh cũ của Học viện trở thành một con người phức tạp một cách ngộ nghĩnh, thú vị một cách hiếm có. Nhẹ nhàng, linh hoạt như một con chim vành khuyên, nàng nhìn cuộc sống và nhìn con người với óc tò mò sắc bén của một thiếu niên thông minh, nàng hát những bài hát Pháp một cách say sưa, hút thuốc lá với những tư thế rất đẹp, vẽ rất khéo, đóng kịch khá hay, may vá rất giỏi và làm mũ phụ nữ rất tài. Nghề đỡ đẻ thì nàng lại không làm. Nàng nói:

- Tôi đã đỡ bốn lần nhưng tỷ lệ tử vong lên tới bảy mươi lăm phần trăm.

Điều đó đã khiến nàng vĩnh viễn xa lánh cái việc gián tiếp góp phần vào sự sinh sôi của loài người, còn về phần đóng góp trực tiếp vào đấy thì đã có một bằng chứng là đứa con gái của nàng, một cô bé lên bốn xinh đẹp và dễ yêu. Nàng kể chuyện mình với cái giọng mà người ta vẫn dùng khi nói đến một người mà mình đã biết rõ và đã phát chán lên rồi. Nhưng đôi khi nàng tựa hồ như ngạc nhiên trong lúc nói về mình, đôi mắt nàng tối sầm lại trông thật kiều diễm, và trong đáy mắt nàng thoáng ánh lên một nụ cười ngượng nghịu; trẻ con khi nào ngượng cũng mỉm cười như thế.

Tôi cảm được cái trí thông minh sắc sảo, vững chắc của nàng, tôi hiểu rằng nàng cao hơn tôi về phương diện văn hoá, tôi thấy rõ cái thái độ khoan dung đầy thiện ý của nàng đối với người đời, nàng thú vị hơn tất cả những thiếu nữ và thiếu phụ mà tôi quen không biết bao nhiêu mà kể, cái giọng khing bạc của nàng khi kể chuyện khiến tôi phải ngạc nhiên và tôi có cảm giác là con người ấy biết rõ tất cả những người quen tôi có tư tưởng cách mạng vốn biết, ngoài ra lại còn biết một cái gì khác quý giá hơn, nhưng nàng nhìn mọi sự từ xa, đứng sang một bên mà quan sát, với nụ cười của một người lớn đứng xem những trò đùa nghịch của trẻ con, những trò đùa nghịch đáng yêu tuy đôi khi cũng nguy hiểm.

Căn nhà hầm nàng ở ngăn ra làm hai phòng: một gian bếp nhỏ kiêm phòng lót và một gian lớn có ba của sổ trông ra đường và hai cửa sổ trông ra khoảng sân rác rưởi, bẩn thỉu. Đây là chỗ thuận tiện để dọn một xưởng đóng giày, nhưng chẳng hợp chút nào với một người đàn bà thanh lịch đã từng ở Pari, cái thành phố thần thánh của Cuộc cách mạng vĩ đại, thành phố của Môlic, Bômacse, Huygô, và nhiều doanh nhân khác. Còn có nhiều sự bất tương ứng nữa giữa bức tranh với cái khung hiện tại của nó, và tất cả sự bất tương ứng đó đều làm cho tôi khó chịu và gợi lên trong lòng tôi nhiều ảm xúc khác nhau, đặc biệt là lòng xót thương đối với người phụ nữ. Nhưng bản thân nàng thì dưòng như không hề nhận thấy những điều mà tôi cho là phải làm cho nàng tủi cực.

Nàng làm việc từ sáng đến tối. Buổi sáng nàng nấu nướng và dọn dẹp, xong đâu đấy lại ngồi vào chiếc bàn lớn đặt trước cửa sổ xuốt ngày vẽ những bức truyền thần - dùng bút chì sao lại những bức ảnh chụp mấy ông trưởng giả trong phố, đồ lại những bản đại đồ, tô màu những bản in thạch, giúp chồng lại những tập thống kê về ruộng đất. Từ khung cửa sổ mở rộng, bụi ngoài đưòng phả lên bàn và lên đầu nàng, những đôi chân của khách qua đường hắt cái bóng to lớn hắt qua mấy tờ giấy. Nàng vừa làm việc vừa hát, và hễ ngồi lâu quá mỏi lưng, nàng lại đứng lên cầm chiếc ghế nhảy một bàn van- xơ hay chơi với đứa con gái. Tuy làm rất nhiều việc dễ gây bẩn, nàng cũng bao giờ sạch sẽ tinh tươm như một con mèo.

Chồng nàng là người tốt bụng và luời biếng. Ông ta thích nằm trên giường đọc những cuốn tiểu thuyết dịch, đặc biệt là tiểu thuyết của Đuyma - bố. Ông thường nói rằng loại sách này ”làm cho tế bào não tươi trẻ ra”. Ông thích nhìn nhận cuộc sống "trên quan điểm thuần tuý khoa học”. Ăn thì ông gọi là” hấp thụ chất dinh dưỡng” và ăn xong ông thường nói: ”quá trình vận chuyển dung dịch chất dinh dưỡng từ dạ dày đến các tế bào của cơ thể đòi hỏi trạng thái yên tĩnh tuyệt đối”.

Rồi chẳng buồn rũ cho sạch những mẩu vụn bánh mì mắc trong bộ râu, ông vào giưòng nằm, đọc say sưa một đoạn tiểu thuyết của Đuyma hay Môntêpanh trong dăm bảy phút, rồi sau đó suốt hai tiếng đồng hồ mũi ông thở phì phò thành tiếng nhạc rất trữ tình, bộ ria mềm màu nhạt của ông khe khẽ nhúc nhích như thể ở bên trong có một vật gì hình như đang bò. Tỉnh giấc, ông trầm ngâm nhìn hồi lâu lên những kẽ nứt trần, rồi bỗng sực nhớ ra:

- Hôm qua Kuzma thuyết minh sai tư tưởng của Parnel rồi!

Bèn đi thuyết phục Kuzma. Khi ra đi ông dặn vợ:

- Mình tính nốt hộ tôi số hộ không có nhựa ở Maidane nhé. Tôi về ngay!

Ông ta về nhà vào khoảng nửa đêm, đôi khi muộn hơn, rất hài lòng.

- Mình ạ, hôm nay tôi bác cho Kuzma một trận tơi bời. Cái lão bợm già ấy nhớ được lắm câu trích dẫn thật, nhưng ngay về phương diện này tôi cũng không chịu thua. Có một điều là lão không hiểu chút gì về chính sách phương đông của Glatxtơn, gàn quá đi mất!

Ông ta luôn nói đến Binê, Risê và vệ dinh não bộ. Những khi trời xấu phải ngồi nhà, ông ta chăm lo việc giáo dục đứa con gái của vợ ông - một đứa bé ra đời một cách ngẫu nhiên đâu đó trên chặng đường giữa hai câu chuyện tình.

- Lêlia, khi ăn con phải nhai cho kỹ, sự tiêu hóa sẽ được dễ dàng hơn, nhai kỹ thì dạ dày sẽ biến hợp chất dinh dưỡng thành một tổng hoà háo chất dễ đồng hoá một cách nhanh chóng hơn.

Sau bữa ăn, trong khi đặt mình vào "trạng thái yên tĩnh tuyệt đối”, ông đặt đứa bé vào giường và kể cho nó nghe:

- Như vậy là kẻ tham quyền cố vị khát máu Bônâpactơ cướp lấy chính quyền một cách phi nghĩa…

Vợ ông nghe những bài giảng ấy thì cười ngặt nghẽo, chảy cả nước mắt ra, nhưng ông ta không giận vợ, bởi vì ông không có đủ thì giờ để mà giận; chỉ một lát sau ông đã ngủ thiếp đi. Con bé nghịch bộ râu tơ của bố một lúc rồi cũng ngủ nốt, mình cuộn tròn thu lu. Tôi đã làm thân được với nó rất mực, nó nghe những câu chuyện kể của tôi một cách thích thú hơn là những bài giảng của ông Bôlexlap về tên tiếm vị khát máu và về mối tình bi thảm của hoàng hậu Giôxêphin đờ Bôhacne đối với hắn ta; điều này làm nảy sinh trong lòng ông Bôlêxlap một mối ghen tị rất ngộ nghĩnh.

- Tôi phản đối đấy anh Pêskôp ạ! Thoạt tiên nhất thiết phải truyền thụ cho trẻ em những nguyên lý cơ bản của cách nhìn nhận thực tại, sau đó cho nó làm quen với thực tại. Giá anh biết tiếng Anh và có điều kiện đọc qua cuốn vệ sinh tâm hồn ấu nhi…

Tiếng Anh thì hình như ông ta chỉ biết có hai chữ "gút bai”…

Ông ta nhiều tuổi gấp đôi tôi, nhưng lại có được tính tò mò của một con chó xù non, ông ta thích tháo chuyện và tỏ ra mình là người am hiểu tất cả những điều bí ẩn không riêng gì của các giới cách mạng Nga, mà cả của các giới cách mạng ở nước ngoài nữa. Và chăng cũng có thể ông ta am hiểu tường tận thật: đã khá nhiều lần có những nhân vật bí ẩn đến nhà ông ta, lúc nào họ cũng có thái độ như những diễn viên bi kịch tình cờ phải đóng vai những nhân vật hiền lành chất phác. Ở nhà ông ta tôi đã từng gặp nhà chính trị bất hợp pháp Kabunaiep với một bộ tóc giả màu hung đỏ đội rất vụng, mặc một bộ com-lê vằn chật và ngắn một cách lố bịch.

Lại có một lần đến nhà ông Bôlexlap tôi gặp ở đấy một con người láu lỉnh có cái đầu nhỏ xíu, trông rất giống một anh thợ cắt tóc. Hắn ta mặc cái quần ngựa ca-rô, một chiếc áo Vettông màu xám và đi đôi giày bốt-tin kêu ken két. Bolexlap nháy tôi ra nhà bếp thì thầm:

- Đây là một người từ Pari về, được uỷ thác một nhiệm vụ rất quan trọng, ông ta cần gặp Kôrôlenkô, vậy anh đi tổ chức cuộc gặp gỡ này.

Tôi đi… Nhưng hoá ra là người ta đã chỉ cho Kôrôlenkô xem người này ở ngoài phố và ông đã tuyên bố một cách thâm thúy:

- Không, xin đừng giới thiệu cái thằng công tử bột ấy với tôi làm gì.

Bôlexlap lấy làm chạnh lòng cho người Pari và cho "sự nghiệp cách mạng”, suốt hai ngày liền ngồi viết một bức thư cho Kôrolenkoo, thử dùng đủ các thứ văn phong, từ giọng giận dữ và nghiêm khắc cho đến giọng trách móc dịu dàng, rồi cuối cùng đem đốt những mẫu mực của thể văn thư tín ấy trên nắp lò sưởi. Ít lâu sau bắt đầu xảy ra những vụ bắt bớ ở Matxcơva, ở Nigiơni, ở Vlađimia, và đến đấy mới rõ nhẽ ra rằng con người mặc quần áo ca-rô ấy - ngài Lanđơlen - Hácting, một nhân vật nỗi tiếng sau này, tên khiêu khích đầu tiên mà tôi được gặp.

Bên cạnh những nét đó thì ông chồng của người tôi yêu dấu là một anh chàng tốt bụng, hơi đa cảm và đa mang cái "hành lý khoa học” của mình một cách hài hước.

Ông ta nói:

- Ý nghĩa của đời người trí thức là ở chỗ không ngừng tích luỹ hành lý khoa học nhằm mục đích phân phát nó một cách vô tư trong quảng đại quần chúng….

Mối tình của tôi càng thêm sâu nặng lại càng trở thành một niềm dau khổ. Tôi thường ngồi trong căn nhà hầm nhìn nương tử của lòng tôi cắm cúi trên chiếc bàn làm việc,và say sưa choáng váng với cái ý muốn bế nàng lên, đưa nàmg đi đâu đó cho xa cái căn hầm đáng nguyền rủa này, với cái giường đôi rộng thênh thang, với chiếc đi - văng nặng nề và cũ kỹ nơi con bé nằm ngủ, với mấy cái bàn la liệt những đống sách và giấy tờ bụi bặm. Ngoài cửa sổ những bóng chân người thấp thoáng một cách kỳ quặc, đôi khi ngột ngạt, từ ngoài đường đưa vào mùi bùn bị nắng hun nóng lên. Cái bóng dáng thanh tú, nhỏ nhắn như một thân hình thiếu nữ ấy vừa hát khe khẽ vừa sột soạt đưa ngòi bút chì trên giấy, âu yếm mỉm cưòi với tôi bằng đôi mắt xanh lam kiều diễm. Tôi yêu người đàn bà ấy đến mê sảng, đến điên cuồng và thương nàng đến đau xót, hằn học.

- Anh kể cho tôi nghe một chyện gì về anh đi, nàng bàn.

Tôi kể, nhưng mấy phút sau nàng đã nói:

- Đấy có phải chuyện anh đâu.

Và chính bản thân tôi cũng hiểu rằng tất cả những điều mà tôi nói đến vẫn chưa phải là tôi, mà là một cái gì trong đó tôi vướng mắc một cánh mù quáng, tôi cần tìm thấy mình trong cái mớ bòng bong hỗn tạp của những ấn tượmg và những biến cố mà tôi đã sống qua, nhưmg tôi không biết cách và không dám làm việc đó. Tôi là ai, tôi là cái gì? Vấn đề này làm tôi rất băn khoăn. Tôi đang căm giận cuộc đời: chưa chi nó đã xui tôi làm cái việc nhục nhã là mưu toan tự sát. Tôi không hiểu được những con người, cuộc sống của họ tôi thấy nó vô lý, ngu xuẩn, bẩn thỉu quá. Trong tôi chứa chất cái trí tò mò quá nhạy bén của một người không hiểu tại sao lại cứ nhất thiết phải dòm vào tất cả những ngõ ngách tối tăm của cuộc sống, vào đáy sâu của tất cả những sự bí ẩn đời người, và đôi khi tôi cảm thấy mình có đủ sức phạm một tội ác vì tò mò: sẵn sàng giết người chỉ để biết sau đó mình sẽ ra sao.

Tôi có cảm giác là nếu tôi tìm được mình thì trước mắt người đàn bà tôi yêu sẽ hiện ra một con người ghê tởm, mắc míu trong một mạng lưới dày đặc, vững chắc của những của những cảm xúc và những ý nghĩ kỳ dị: một con người của mê sảng, của ác mộng, nó sẽ làm nàng ghê tởm và khiếp sợ. Tôi cần làm một cái gì đối với bản thân. Tôi tin chắc rằng chính người đàn bà này không những có thể giúp tôi cảm biết được cái bản ngã thật của mình, mà còn có thể làm một điều gì thần diệu mà sau đó tôi sẽ lập tức thoát ra khỏi sự giam cầm của những ấn tượng đen tối của cuộc sống, sẽ vĩnh viễn vứt bỏ được một cái gì đó ra khỏi tâm hồn, và tôm hồn sẽ bừng lên ngọn lửa của một sức mạnh lớn lao, của một niềm vui vĩ đại.

Cái giọng khinh bạc của nàng khi nói về mình cũng như thái độ khoan dung của nàng đối với người đời đã khiến tôi tin chắc rằng nàng biết được một cái gì phi thường. Nàng có chìa khoá riêng để đi vào tất cả những điều bí ẩn của cuộc sống, cho nên nàng bao giờ cũng vui vẻ, bao giờ cũng tự tin. Có lẽ tôi yêu nàng chủ yếu là vì những điều mà tôi không hiểu được ở nàng nhưng tôi vẫn yêu nàng với tất cả sức mạnh và nhiệt tình của tuổi trẻ. Kìm hãm được cái nhiệt tình ấy đối với tôi là một việc khó khăn đến mức đau đớn: Chưa chi nó đã thiêu đốt thể xác tôi và làm cho tôi kiệt quệ. Giả sử tôi đơn giản hơn, thô kệch hơn, thì tôi sẽ đỡ khổ hơn. Nhưng tôi tin rằng mối quan hệ với người đàn bà không bó hẹp trong cái hành động giao hoà sinh lý mà tôi đã từng được biết dưới dạng thô lỗ một cách nghèo nàn, đơn giản một cách thú vật của nó, cái hành động ấy khiến tôi có cảm giác gần như ghê tởm, mặc dầu tôi là một thanh niên khoẻ mạnh và khá hiếu sắc, lại có một trí tưởng tượng dễ kích động.

Tôi không hiểu niềm mơ ước lãng mạn ấy làm sao có thể hình thành và sống mãi trong tôi, nhưng tôi tin chắc mười phần rằng ở phía sau những điều tôi biết được còn có một cái gì mà tôi chưa hề biết, và chính cái đó chứa đựng cái cao cả, huyền bí của sự đồng giao với phụ nữ, một cái gì lớn lao, hoang lạc và thậm chí khủng khiếp ẩn nấp sau cuộc ân ái đầu tiên, sau khi thể nghiệm được niềm hoang lạc ấy, con người đổi mới hoàn toàn.

Tôi nghĩ rằng tôi nảy ra những ý tưởng huyền hoặc ấy không phải vì những cuốn tiểu thuyết tôi đã được đọc: tôi đã nuôi dưỡng và phát triển nó từ cái đầu óc đối kháng với thực tại, bởi vì:

"Tôi đã đến thế gian này để mà không thoả thuận”.

Ngoài ra, tôi còn có một kỉ niệm kì dị, mơ hồ: ở một nơi nào bên ngoài thực tại, và vào một thời gian nào rất sớm sủa của tuổi thơ, tôi đã từng thể nghiệm một sự rung chuyển mạnh mẽ của tâm hồn, một cơn run rẩy hoan lạc của cảm giác hài hoà, hay nói cho đúng hơn, của một linh cảm về sự hài hoà, đã thể nghiệm một niềm vui tươi sáng hơn ánh nắng ban mai, khi mặt trời mọc. Có lẽ điều đó đã xảy ra mãi từ những ngày tôi hãy còn nằm trong bụng mẹ, và đó là một sự rung động diễm phúc của tinh lự thần kinh của mẹ tôi đã chuyền vào tôi thành một luồng nóng hổi, đã sáng tạo nên tâm hồn tôi và lần đầu tiên đã nhen nhóm nó lên cho nó sống, có lẽ đó là một giây phút hạnh phúc mãnh liệt của mẹ tôi đã chiếu rọi vào tôi suốt đời thành cái khát vọng đợi chờ ở người phụ nữ một cái gì phi thường.

Khi người ta không biết thì người ta tưởng tượng ra. Và điều khôn ngoan nhất mà con người đạt đến được là cái khả năng biết yêu người phụ nữ biết ngưỡng mộ sắc đẹp của họ: từ tình yêu đối với phụ nữ đã nảy sinh tất cả những gì đẹp đẽ nhất thế gian.

Một hôm, trong khi tắm, tôi đứng trên một chiếc xà lan nhảy xuống nước, ngực va phải cọc neo, chân vướng phải sợi dây chão, người bị treo ngược trên mặt nước, đầu chìm xuống nước và bắt đầu sặc sụa. Một người đánh xe bò đã lôi tôi lên. Người ta xóc mạnh người tôi cho ra hết nước, làm sây xát hết cả da tôi. Tôi khạc ra máu và phải nằm trên giường nuốt nước đá.

Nàng đến thăm tôi, ngồi bên cạnh giường và vừa hỏi tôi xem sự việc đã xảy ra như thế nào, vừa đưa bàn tay nhẹ nhàng đáng yêu vuốt lên đầu tôi. Đôi mắt nàng tối sẫm lại, nhìn tôi lo lắng.

Tôi hỏi: nàng có thấy tôi yêu nàng không?

- Có, - nàng nói, miệng mỉm cười dè dặt, - tôi có thấy, và như thế không tốt một chút nào, tuy tôi cũng đã đem lòng yêu anh.

Dĩ nhiên là sau câu nói ấy cả đất trời rung chuyển, và hàng cây trong vườn quây nhau lại quay tròn trong một điệu vũ hân hoan. Tôi câm lặng đi vì bất ngờ, dúi đầu vào đùi nàng và giả sử lúc ấy tôi không ôm nàng thật chặt, tôi đã bay qua cửa sổ như một cái bong bóng xà phòng rồi.

- Đừng cử động, như thế rất có hại cho anh! - Nàng lấy giọng nghiêm nghị bảo tôi và cố di chuyển đầu tôi lên gối như cũ. - Và nhất là đừng có xúc động, nếu không tôi sẽ bỏ đi. Nói chung anh là một người rất điên rồ, trước đây tôi không tưởng tượng là có những người như thế. Về những tình cảm và quan hệ giữa chúng ta, ta sẽ bàn sau, khi nào anh bình phục.

Tất cả những điều ấy nàng nói rất điềm đạm và mỉm cười một cách âu yếm lạ lùng bằng đôi mắt sẫm tối. Một lát sau khi lui ra, để lại trong lòng tôi một ngọn lửa hy vọng muôn màu và niềm tin diễm phúc rằng từ nay, với sự giúp đỡ thân ái của nàng, tôi sẽ mọc cánh bay bổng lên thế giới của những tình cảm và tư tưởng khác.

Mấy hôm sau tôi ngồi trên một cánh đồng, bên bờ một cái vực. Ở phía dưới, trong các bụi rậm,gió thổi rì rào. Bầu trời xám xịt hứa hẹn một trận mưa. Bằng những lời lẽ đứng đắn, khô khan, người đàn bà ấy nói về sự cách biệt tuổi tác giữa chúang tôi, phân trần rằng tôi còn phải học, mà bây giờ phải đeo trên cổ một bà người và một đứa con thì quá sớm. Tất cả những điều đó đều đúng một cách khó cãi lại, đều được nói ra bởi cái giọng của một người mẹ, lại càng khiến tôi yêu thêm, kính trọng thêm người đàn bà đáng yêu ấy. Tôi có một cảm giác buồn bã và dịu ngọt trong lòng khi nghe giọng nói, những lời lẽ đằm thắm của nàng. Đây là lần đầu tiên người ta nói năng với tôi như vậy.

Tôi nhìn xuống đáy vực, nơi những bụi cây ngả nghiêng trước gió chảy thành một dòng sông xanh, và thầm tuyên thệ với lòng mình là sẽ đem hết sức lực của tâm hồn ra đền đáp lại mối tình trìu mến của con người này.

- Trước khi quyết định một việc gì, ta cần phải suy nghĩ cho kĩ, - tôi nghe thấy một giọng nói nhỏ nhẹ. Nàng đang cầm một nhành cây dẻ nàng bứt lúc nãy quất quất lên đầu gối, mắt nhìn về phía thành phố nấp sau những khu vườn xanh um nằm vắt trên mấy ngọn đồi.

- Dĩ nhiên tôi phải nói chuyện với Bôlexlap. Ông ấy đã cảm thấy có một cái gì, và đã bắt đầu có những thái độ rất thiếu tự chủ. Mà tôi thì không thích những tấn kịch gia đình.

Tất cả những điều đó đều rất buồn và rất hay ho, nhưng hoá ra giữa lúc này vẫn không thể thiếu được một cái gì đó dung tục và buồn cười.

Chiếc quần tôi đang mặc vốn rộng lưng, tôi phải cài vào thắt lưng một cái kim găm bằng đồng dài khoảng ba phân (bây giờ không thấy có những thứ kim găm như vậy nữa: âu cũng là một điều may cho những kẻ si tình nghèo túng). Cái đầu nhọn của chiếc kim găm đáng nguyền rủa ấy luôn luôn cào khe khẽ vào da tôi. Một động tác bất cẩn - thế là cả chiếc kim găm đâm tuột vào sườn tôi. Tôi đã tìm cách rút nó ra được một cách kín đáo, nhưng tôi kinh hãi nhận thấy rằng từ cái vết đâm khá sâu ấy máu chảy ra rất nhiều, ướt cả cái quần. Tôi không mặc đồ lót, mà cái áo vét đầu bếp thì chui xuống đến ngang thắt lưng. Làm thế nào đứng dậy và đi được với một cái quần ướt dính bết vào người như thế?

Hiểu rõ tính chất hài hước của tìh thế, căm phẫn sâu sắc vì cái dạng phàm tục của nó, trong cơn kích động dữ dội, tôi bắt đầu nói huyên thuyên với cái giọng thiếu tự nhiên của một anh kép hát trót quên mất vở.

Ngồi nghe tôi nói được mất phút, lúc đầu thì chăm chú sau đó thì ngỡ ngàng rõ rệt, nàng nói:

- Sao anh nói năng khoa trương thế? Anh bỗng dưng đâm ra lạ quá!

Câu nói đó làm cho tôi hoàn toàn mất trí, và tôi im bặt như bị ai chẹn cổ.

- Ta về đi thôi, sắp mưa rồi!

- Tôi ở lại đây.

- Tại sao?

Tôi biết trả lời nàng ra sao bây giờ?

- Anh giận tôi à? - Nàng hỏi, đôi mắt dịu hiền nhìn chăm chú vào mặt tôi.

- Ồ không! Giận mình thì có.

- Giận mình cũng không nên, - nàng đứng dậy, khuyên tôi.

Còn tôi thì không thể nào đứng dậy được. Ngồi trong vũng nước âm ấm, tôi có cảm giác là máu của tôi từ chỗ thùng bên sườn đang tuôn ra róc rách như một dòng suối, chỉ một vài giây nữa là người đàn bà ấy sẽ nghe tiếng róc rách này và sẽ hỏi:

"Cái gì thế?”

"Đi đi!” - tôi thầm van lơn nàng trong ý nghĩ.

Nàng độ lượng bố thì thêm cho tôi mấy lời âu yếm nữa rồi bỏ đi, men theo bờ vực, người đung đưa một cách duyên dáng trên đôi chân thon thả. Tôi nhìn theo cái bóng dáng mềm mại của nàng đang xa dần, nhỏ dần lại, rồi nằm lăn ra đất, chợt choáng người đi vì vừa vỡ nhẽ ra rằng mối tình đầu của mình sẽ là một mối tình bất hạnh.

Dĩ nhiên, sự việc đã diễn ra đúng như vậy: ông chồng của nàng tuôn ra một dòng lệ thênh thang hòa lẫn những giọt nước bọt chan chứa tình cảm những lời lẽ não lòng và nàng đã không nỡ bơi sang phía tôi qua cái dòng thác dính như hồ ấy.

- Ông ấy tội nghiệp lắm còn anh thì mạnh mẽ thế kia! Nàng nói, nước mắt rưng rưng, - Ông ấy bảo tôi: "Nếu em bỏ anh mà đi, anh sẽ chết lụi như bông hoa không có ánh mặt trời…”

Tôi cười phá lên, khi nhớ lại đôi chân ngắn cũn cỡn, hai cái đùi đàn bà, cái bụng tròn như quả bí ngô của cái bông hoa ấy. Râu ông ta là nơi trú ngụ của ruồi, ở nơi ấy bao giờ cũng có thứ ăn cho chúng.

Nàng mỉm cười nhận xét:

- Phải nói thế nghe cũng thật buồn cười, nhưng dù sao cũng khổ thân ông ấy lắm.

- Tôi cũng thế.

- Ồ, anh còn trẻ, anh có sức…

Hình như đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy mình là kẻ thù của những kẻ yếu. Về sau, vào những dịp nghiêm trang hơn, tôi đã nhiều lần quan sát thấy rõ những kẻ mạnh bất lực một cách bi đát nhường nào giữa nhưng kẻ yếu, thấy rõ bao nhiêu tinh lực vô cùng qúy báu của con tim và khối óc bị tiêu phí để kéo dài sự tồn tại của những kẻ bị thiên nhiên lên án tử hình.

Ít lâu sau, ốm dở, trong một tình trạng rất gần gũi với sự điên rồ, tôi bỏ thành phố ra đi và gần suốt hai năm tôi vật vờ trên các con đường trường của nước Nga như một bông hoa cù gai. Tôi đi khắp miền sông Vonga, sông Đông, miền Ukrain, miền Krưm, miền Kapkaz, thể nghiệm vô số những ấn tượng, những biến cố khác nhau, trở nên thô lỗ, tâm trạng hằn học càng tăng, nhưng tôi vẫn giữ nguyên vẹn trong tâm hồn cái hình ảnh yêu kiều của người đàn bà ấy, mặc dầu tôi đã gặp những người đẹp hơn, tốt hơn, thông minh hơn nàng nhiều.

Và hơn hai năm sau, vào một ngày thu ở Tiflix, khi có người nói với tôi rằng nàng vừa ở Pari về và rất mừng khi được biết rằng tôi đang ở cùng một thành phố với nàng, tôi, một thanh niên hai mươi ba tuổi khoẻ như vâm, lần đầu tiên trong đời đã ngất đi.

Tôi không dám đến nhà nàng, nhưng chẳng bao lâu chính nàng, thông qua những người quen biết, đã mời tôi đến.

Tôi thấy nàng hình như còn đẹp hơn và đáng yêu hơn trước. Vẫn cái bóng dáng thiếu nữ ấy, vẫn đôi má đỏ ửng mịn màng ấy và vẫn tia sáng êm dịu ấy của đôi mắt màu thiên thanh. Chồng nàng ở lại Pháp, nàng chỉ đem theo đứa con gái, láu lỉnh và duyên dáng như một chú dê non.

Khi tôi đến nhà nàng, một trận bão đang tràn qua thành phố, sấm chớp ầm ầm, mưa trút xuống rào rào trên đường phố, từ trên ngọn núi thánh David đổ xuống một dòng thác mãnh liệt xói bật những phiến đá lát đường lên. Tiếng gió rú, tiếng nước vỗ giận dữ, tiếng những vật gì sụt lở rầm rầm làm rung chuyển cả ngôi nhà, gian phòng phút lại loé sáng lên trong một ánh lửa xanh lè và có thể tưởng chừng như mọi vật xung quanh đều đã rơi vào môt vực thẳm ướt át, không đáy.

Con bé sợ quá chui tuột vào trong đống chăn, còn hai chúng tôi ra đứng bên cửa sổ, mắt quáng loà vì những tia chớp và không hiểu tại sao lại nói chuyện thì thầm.

- Đây là lần đầu tiên tôi được trông thấy một cơn giông như thế này, - giọng nói của người đàn bà yêu dấu thánh thót bên tôi.

Rồi bỗng nhiên nàng hỏi:

- Thế nào rồi, anh đã khỏi cái bệnh yêu tôi chưa?

- Chưa.

Nàng hình như ngạc nhiên, và vẫn thì thầm, nàng nói:

- Trời ơi, anh thay đổi nhiều quá! Một người khác hẳn.

Nàng từ từ buông mình xuống chiếc ghế bành bên cửa sổ, giật mình và nheo đôi mi lại, chói mắt vì một ánh chớp khủng khiếp và thì thào:

- Ở đây người ta nói nhiều đến anh. Anh đến đây ở để làm gì? Anh kể cho tôi nghe đi: thời gian qua anh sống ra sao?

Trời ơi, sao nàng bé bỏng và xinh đẹp đến thế?

Tôi kể cho nàng nghe đến nửa đêm, như thể tự thú. Những hiện tượng dữ dội của thiên nhiên bao giờ cũng có tác dụng kích thích tôi, làm cho tâm hồn tôi tràn đầy một niềm tin dào dạt. Chắc chắn tôi kể khá hay - tôi tin chắc như vậy khi thấy sự chăm chú của nàng và cái nhìn căng thẳng của đôi mắt mở rộng. Chỉ thi thoảng nàng mới thì thào:

- Thế thì khủng khiếp quá.

Khi ra về, tôi nhận thấy nàng từ giã tôi không phải với cái nụ cười bao dung của người lớn tuổi hơn, cái nụ cười trước kia bao giờ cũng làm tôi hơi phật lòng. Tôi đi trên những đường phố ướt át, ngắm vành trăng lưỡi liềm nhọn hoắt cắt đứt những đám mây rách tả tơi, và thấy đầu choáng váng vì vui mừng. Hôm sau tôi gửi qua bưu điện cho nàng một bài thơ. Về sau nàng hay đem nó ra ngâm, cho nên nó đã ghi sâu vào ký ức của tôi:

Thưa quý nương!

Để có được một lời âu yếm

Một khoé nhìn êm dịu của nàng

Nhà ảo thuật phải nộp mình làm nô lệ:

Hắn tinh thông một nghề thú vị

Từ những chuyện vặt, từ hư không

Hắn biết đúc thành niềm vui nhỏ!

Nàng hãy nhận tên tiểu nô vui vẻ!

Biết đâu từ những niềm vui nhỏ bé

Hắn chẳng tạo nên hạnh phúc lớn lao

Cả vũ trụ này, chẳng phải đó sao:

Sinh ra từ những tế bào cỏn con?

Vâng!

Thế giới sinh ra vốn sẵn buồn,

Niềm vui đã hiến lại đau thương,

Nhưng cũng khá nhiều trò ngộ nghĩnh:

Như kẻ tôi đòi của Quý nương.

Lại cũng có một cái gì tuyệt mỹ,

Đó chính là Nàng, hỡi Quý nương

Nàng!

Nhưng hãy lặng im

Có nghĩa gì đâu những chữ cùn

Khi đem so với lòng em?

Trái tim em: đóa hoa đẹp nhất

Trên trái đất này vốn rất nghèo hoa.

Dĩ nhiên những câu này khó có thể gọi là thơ ca được nhưng nó đã được viết ra trong một phút hân hoan chân thành.


< Xem tiếp phần 2 >

 


 
Truyện ngắn
  Mối tình đầu - Phần 2  
  Món quà  
  Món quà của bà  
  Món quà cuối cùng  
  Món quà dành cho những nhà thông thái  
  Món quà sinh nhật  
  Một bức thư tình  
  Một cái hôn  
  Một câu chuyện  
  Một câu chuyện cảm động  
  Một chuyện bí mật  
  Một cử chỉ đẹp  
  Một cuộc đua tài  
  Một hoàn cảnh hai cuộc đời  
  Một hoàn cảnh, hai cuộc đời  
  Một kết thúc có hậu cho một tình yêu chân thành...  
  Một lời khen  
  Một ly sữa  
  Một mẩu truyện ngắn cảm động...  
  Một ngày làm vợ  
  Một thế giới không phải của người lớn  
  Mưa.... và Nước Mắt !  
  MULLA NASRUDDIN học bơi  
  Muốn Sửa hay muốn Bỏ?  
  Này anh .... em không muốn hôn .... Em muốn lên giường !  
  Nếu có kiếp sau  
  Nếu con có thể sống sót, con hãy nhớ rằng mẹ rất yêu con  
  Nếu em chịu yêu anh sớm hơn  
  Ngày cưới trao thân cho tình cũ  
  Ngày lễ của mẹ  
  Ngày sinh nhật cuối cùng  
  Nghệ thuật nói chuyện  
  Nghi người trộm rìu  
  Nghĩa vợ chồng  
  Ngọn nến không cháy  
  Ngụ ngôn thỏ và rùa  
  Người bạn  
  Người bắt quạ thết khách  
  Người bới rác  
  Người cha quét lá  
  Người cha đưa cơm hộp  
  Người chồng bao dung  
  Người con trai  
  Người cưỡi ngựa  
  Người giải mộng thông minh  
  Người hướng dẫn bất đắc dĩ  
  Người mẹ  
  Người mẹ một mắt  
  Người mù sờ voi  
  Người ngày xưa  
  Người phụ nữ anh cần  
  Người phụ nữ hoàn mỹ  
  Người tình của mẹ  
  Người vợ (2)  
  Người đánh cá và đá quý  
  Người đời ai cũng quý tiền bạc  
  Nguồn gốc của sức mạnh  
  Nhân nào quả nấy  
  Nhân Quả  
  Nhân quả 2  
  Nhật ký - nếu con mất trước mẹ  
  Nhật ký về mẹ  
  Nhất định sẽ gọi  
  Nhiều lần  
  Nhìn thấy ánh sáng là năm bạn 16 tuổi  
  Nhờ gió mang cõi lòng của nó đến anh  
  Những câu truyện cực ngắn  
  Những cuộc viếng thăm quý giá  
  Những dấu chấm câu  
  Những hòn đá cuội  
  Những lá thư không được trả lời  
  Những người bạn với cái nắm tay ảo  
  Những niềm vui nhỏ  
  Nhường nhịn  
  Niềm vui  
  Niềm vui của cá  
  Niềm vui khi nào đến?  
  Nó là bạn cháu!  
  Nỗi buồn sau hàng mi  
  Nơi chúng ta cần sống  
  Nối dài những vết cứa sâu...  
  Nỗi lo sợ không tên  
  Nỗi oan dậy đất  
  Nói với con gái trong tình yêu thơ dại đầu đời  
  Nỗi đau  
  Nốt nhạc chỉ vang vọng vào những cơn mưa  
  Nụ cười trên môi  
  Nụ cười đến sau nước mắt  
  Nửa tấm thảm  
  Nước mắt  
  Ông ấy cần tôi  
  Ông bí thư  
  Ở PARIS  
  Phật ở đâu?  
  Phía sau một tình yêu  
  Phim tục  
  Phở chỉ dành cho bố  
  Phỏng Vấn Thượng Đế  
  Phụ nữ thực sự muốn gì?  
  Phượng  
Trang 5/7 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7  Trang sau