Suy ngẫm
003. Hành trình về phương Đông - phần 03
 
 
 

Số mạng của ông ta hoàn toàn thay đổi từ đó. Các ông hiểu rằng hoán cải số mạng không có nghĩa việc quá khứ sẽ bị xoá bỏ, nhưng đáng lý một biến cố lớn sẽ xảy ra trong kiếp này, lại không xảy ra. Khi ta phát tâm làm một việc hợp với thiên ý thì một ảnh hưởng tinh tú bỗng chói sáng và các từ điện mạnh mẽ đẩy ngược luồng vũ trụ tuyến sang hướng khác. Do đó, con người có thể cải số mệnh dễ dàng, nếu biết làm các việc tốt lành, đẹp đẽ. Dĩ nhiên, ảnh hưởng xấu không mất đi, nhưng sẽ tiềm ẩn, chờ một cơ hội khác sẽ phát hiện lại. Nói một cách khoa học thì đời người có thể ví như một phương trình toán học, A * B = C. A và B là nguyên nhân và C là hậu quả, nhưng nếu ta thêm vào đó một nguyên nhân X thì A * B * X sẽ không thể bằng C nữa, vì đã có thêm nguyên tố X. Đó là nguyên lý hoán cải số mạng mà tôi vừa trình bày. Đời người thực ra đã ghi khắc trên tinh tú nhưng các tinh tú khi sáng khi mờ, và sự mờ tỏ do chính ta quyết định. Khi ta có các hành vi xấu xa nó tạo ra những động lực xấu và số thu hút các điều xấu ghi khắc trên tinh tú, phản chiếu xuống mau lẹ hơn. Dĩ nhiên hậu quả không thể lường. Trái lại, nếu ta ý thức điều này, phát tâm làm việc hữu ích tự nhiên phát sinh các động lực tốt đánh bật các ảnh hưởng xấu sang một bên. Nhờ nghiên cứu chiêm tinh học một cách đứng đắn, khoa học, con người sẽ hiểu biết mệnh trời, biết tin tưởng ở mình, và sống cuộc đời thoải mái, không bi quan, không lạc quan, an vui tự tại.

- Như thế người đi trên đường Đạo, sẽ gặp gì khi đã có nghiệp quả xấu?

- Nghiệp quả xấu ví như một án treo, bất động, nhưng không ai có thể tránh được nó. Đối với những người đã vào cửa Đạo, đã hiểu biết thì họ lại cầu xin được trả quả cho lẹ. Tuy họ không gây các nhân xấu nữa, nhưng họ đủ can đảm để chịu đựng nghiệp quả. Có thế họ mới rút ngắn thời gian trong sinh tử luân hồi. Hiểu biết mệnh trời để sống thoải mái chính là mục đích của khoa chiêm tinh chân chính.

Babu im lặng suy nghĩ. Sau cùng, y bước đến một tủ lớn mang ra một cái hộp nạm vàng rất đẹp. Trong hộp chứa một quyển sách cổ viết trên lá buôn (papyrus), y long trọng tuyên bố:

- Đây chính là một phần của bộ Brahma Chinta mà tôi sưu tầm được. Các ông nên biết huyền môn có hai phần. Công truyền (exoteric) và bí truyền (esoteric). Loại bí truyền chỉ được dạy cho các đệ tử đã bước vào cửa Đạo, đã được tuyển chọn rất kỹ. Hiền triết Bhrigu chỉ truyền cho 4 đệ tử bộ sách này. Tôi tiếc rằng mẫu nhỏ này còn nhiều thiếu sót và rất khó hiểu, mất hơn 20 năm nghiên cứu, mà tôi chỉ hiểu chút ít thôi. Gặp gỡ các bạn bữa nay là một nhân duyên hiếm có, tôi xin dịch vài trang để làm quà cho các bạn: " Vạn vật trong vũ trụ dù ở cõi vô hình hay hữu hình đều được sắp hạng và phân loại theo quy mô của số 7. Tất cả mọi hình thức sinh hoạt trong dãy hành tinh hiện tại đều thuộc một trong 7 cung. Mỗi cung có 7 phân bộ hay 49 nhóm. Toàn thể Thái dương hệ của chúng ta đều là sự biểu lộ của Thượng Đế, mỗi phần tử trong đó đều là một phần của ngài. Ngoài ra có 7 vị tinh quân (logo) mỗi vị kiểm soát một cung. Thật ra các vị này chỉ là những trung tâm thần lực, những con đường vận hà để thần lực Thượng Đế ban rãi ra. Con người có ba thể chính là thể xác, thể vía và thể trí tương ứng với ba cõi giới Hạ giới,Trung giới, và Thượng giới. Thượng Đế cũng thế, tất cả vật chất trong Hạ giới hợp thành thể xác của ngài. Tất cả vật chất cõi Trung giới hợp thành vía của ngài, và tất cả vật chất cõi Thượng giới hợp thành thể trí của ngài. Tóm lại, tất cả đều là thành phần của Thượng Đế từ hạt bụi đến các dãy thiên hà. Mọi nguyên tử vật chất cấu tạo nên chúng ta đều là một phần của Thượng Đế xuyên qua 7 cung – khi qua đây nó bị thay đổi ít nhiều, tùy ảnh hưởng các cung. Khoa chiêm tinh có thể phân biệt người nào chịu ảnh hưởng cung nào tùy số lượng nguyên tử cấu tạo xuất phát từ cung liên hệ.”

Babu nhìn mọi người thấy họ có vẻ ngơ ngác. Y mỉm cười giải thích:

- Đề tài này rất khó hiểu, thôi để tôi giải thích rộng ra vậy. Nói theo danh từ Thiên chúa giáo thì 7 vị tinh quân này đã xuất hiện trong linh ảnh (vision) của Thánh Jean. Sách khải huyền 4.5 nói rõ, "có 7 ngọn đèn thắp trước ngài, đó là 7 vị đại thiên thần của Chúa Trời”. Lúc khởi thủy, mọi người chúng ta đều là thành phần của Thượng Đế, nghĩa là cùng bắt nguồn từ một nơi. Sau đó, chúng ta tách rời ra, xuyên qua 7 con đường vận hà này. Theo sự hiểu biết của tôi, thì 7 con đường biểu lộ 7 đức tính của Thượng Đế, qua 7 vị tinh quân. Vị thứ nhất là thiên thần Michael (sức mạnh), liên hệ đến hỏa tinh. Vị thứ hai là Gabriel (toàn tri) liên quan đến thủy tinh. Vị thứ ba là Raphael (quyền năng) liên quan đến thái dương. Vị thứ tư là Uriel (ánh sáng) liên quan đến mặt trăng. Vị thứ năm là Zakiel (hảo ý) liên quan đến mộc tinh, còn hai vị kia là Jophiel và Samuel thì tôi không biết rõ hành tinh liên hệ. Khoa học thực nghiệm tin rằng các hành tinh đều là sự kết hợp ngẫu nhiên của vật chất. Nếu là ngẫu nhiên tại sao chúng nằm ở các vị trí nhất định trong vũ trụ, và di chuyển theo một quỹ đạo cố định? Mọi vật dường như tuân theo một định luật thiên nhiên, nhưng đằng sau định luật đó luôn luôn có một sức mạnh thiêng liêng cai quản. Tôi cố gắng dùng tên các vị thiên thần và danh từ Thiên chúa giáo để giải thích cho các ông. Điều này có thể được diễn tả khác đi tùy theo quan niệm tôn giáo, văn hóa; nhưng sự thật vẫn là một. Muốn hiểu khoa chiêm tinh phải đi ngược về nguồn cội. Con người từ một chốn nguyên thủy ví như nước cùng một nguồn chảy theo bảy dòng suối khác nhau để ra biển. Mỗi dòng suối sẽ mang một tính chất khác nhau, do đó nước trong suối cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Loài người có thể phân biệt ra 7 đức tính rõ rệt tùy theo con đường vận hà mà họ trải qua. Chiêm tinh nghiên cứu con người và ảnh hưởng hành tinh đến các tính nết nhất định. Cũng như khoa Sinh lý học phân biệt con người qua tính chất nồng nhiệt, lãnh đạm, bạch huyết chất hay đa huyết chất. Thực ra đó chỉ là các phương pháp khác nhau để trình bày tính chất con người. Dĩ nhiên không dễ gì tìm ra cung của mỗi người vì y đã đi sâu trong luân hồi sinh tử, tạo các nghiệp quả phức tạp, và những nguyên nhân này chế ngự, ảnh hưởng đến tính tình y rất nhiều. Chỉ với sự khai mở các giác quan như Thần nhãn hay có một kinh nghiệm sâu xa về huyền môn, ta mới có thể biết rõ họ thuộc cung nào. Nếu một người biết rõ cung của mình và tiếp tục trau dồi bản tính sẵn có, thì y sẽ tiến bộ rất nhanh, vì khí cụ hữu hiệu nhất là phương pháp thuộc về cung liên hệ. Thí dụ như người có khiếu về âm nhạc lại cứ học toán. Không phải y sẽ không tiến bộ gì, nhưng nếu đi về âm nhạc y sẽ tiến nhanh hơn vì hợp với khả năng hơn. Sự hiểu biết mình là ai, có những khả năng tiềm ẩn nào sẽ giúp ta định hướng đi cho chính xác. Đó mới là mục đích của khoa chiêm tinh. Đa số con người hành động không ý thức, chịu ảnh hưởng ngoại cảnh, nên luôn bất mãn, không thoải mái. Họ tự đóng kịch với chính mình, hoặc sống theo một lề lối khuôn khổ không thích hợp. Trong Kinh thánh có câu: "Nếu các ngươi không hồ nhiên như trẻ con, các ngươi không thể vào nước thiên đàng”. Điều này khuyên ta nên sống thật với chính mình. Chiêm tinh học có thể giúp ta biết ta là ai, thích hợp với những công việc gì? Sự nghiên cứu chiêm tinh như thế mới gọi là đứng đắn chứ không phải chỉ xem quá khứ, vị lai, may rủi.

- Làm sao con người có thể biết họ thích hợp với cung nào?

- Một nhà chiêm tinh giỏi có thể lấy lá số tử vi để xem cá nhân liên hệ với cung nào, điều này đòi hỏi rất nhiều thời giờ, kinh nghiệm. Một phương pháp khác là hãy nhìn hành động mỗi người. Người thuộc cung 1 sẽ đạt đến mục đích bằng sức mạnh ý chí. Người thuộc cung 2, phân tích kỹ lưỡng vấn đề để lựa chọn phương pháp nào hữu hiệu nhất. Người thuộc cung 3 nghiên cứu rất kỹ về thời gian, giờ khắc thuận lợi nhất v.v… Một thí dụ khác như trong việc chữa bệnh, người cung 2 sẽ tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp nào thích hợp nhất để chữa bệnh, khi người ở cung 3 sẽ nghiên cứu thời gian nào thuận lợi để chữa. Người ở cung 6 sẽ tìm cách chữa bệnh bằng đức tin. Người thuộc cung 7 sẽ chữa bằng các nghi lễ, cúng tế, v.v.. Tuy nhiên, cách tốt hơn hết là tự mình xét lấy mình. Hãy dẹp bỏ những điều mình vẫn khoác lên bản ngã như danh vọng, địa vị, ham muốn. Hãy thành thật với chính mình thì ta có thể xem được mình thuộc về cung nào. Nếu ta là người có ý chí mạnh mẽ, cương quyết làm việc trong tinh thần khoa học thì có lẽ ta ở cung 1. Nếu là người khôn khéo, thích lý luận và làm việc một cách hiệu quả thì có lẽ ở cung 2. Nếu là người nhạy cảm, thích hoạt động xã hội, từ thiện thì có lẽ ta thuộc cung 5. Nếu là người có đức tin mạnh mẽ, cẩn thận, có thể ta thuộc cung 7, v..v… Đề tài các cung rất khó giải thích trong một thời gian ngắn. Tôi chỉ có thể nói vắn tắt thôi. Cái vật chất sơ khai nguyên thủy bắt đầu tiến hóa qua 7 con đường vận hà hay 7 đức tính quan trọng. Chỉ khi nào con người phát triển toàn vẹn cả 7 đức tính này, y sẽ trở nên toàn thiện. Dĩ nhiên, chúng ta đều bất toàn dù mỗi cá nhân đã nảy nở các đức tính cần thiết căn bản. Người Âu tây đã khai mở rất nhiều khả năng suy luận, khoa học, nhưng thiếu khả năng sùng tín, bác ái. Vì lý trí nảy nở nhiều hơn tình cảm nên họ có vẻ thiếu thiện cảm, lạnh lùng, thích chống báng thay vì dung hoà. Trong khi đó, người Á châu phát triển mạnh mẽ về sự sùng tín, bác ái, nhưng thiếu khả năng suy luận, để tình cảm chi phối nên họ có vẻ chịu đựng, nhượng bộ, khoan dung, dễ dãi. Cả hai đều không quân bình tuyệt đối, nên trong tương lai sẽ có các biến chuyển mạnh, xáo trộn để cả hai dân tộc có dịp học hỏi, hòa hợp với nhau.

Babu im lặng suy nghĩ một lúc rồi trầm giọng:

- Trong cuộc đời nghiên cứu sách vở bí truyền của các tôn giáo, tôi không hề thấy có sự khác biệt giữa các giáo lý, nếu không nói là giống hệt nhau. Tiếc thay, con người chỉ thích đi tìm sự khác biệt để chỉ trích, phê bình và càng ngày càng đi xa đến chỗ vô minh cùng cực.

- Nhưng các tôn giáo có khác biệt nhau chứ?

Babu nhẹ nhàng:

- Này các bạn, mỗi quốc gia có phong tục, tập quán riêng biệt. Mỗi thời buổi đều có các thay đổi, giá trị khác nhau. Do đó, một chân lý cũng có thể được giảng dạy bằng các phương pháp khác nhau. Phương pháp, ngôn ngữ có thể khác, nhưng chân lý vẫn là một, cũng như Thượng Đế có 7 con đường vận hà khác nhau qua bảy cung. Nguyên tử mỗi cung có các rung động khác nhau, có màu sắc khác nhau, tính chất khác nhau, nhưng nó đều là nguyên tử xuất phát từ Thượng Đế. Nếu bạn thay đổi áo mặc khác nhau thì bạn đâu có thay đổi, chiếc áo có thể khác nhưng người mặc áo vẫn chỉ là một. Nếu các ông đi ngược về cội nguồn các ông sẽ hiểu sự thay đổi từng thời kỳ qua ảnh hưởng tinh tú.

Giáo sư Allen thắc mắc:

- Xin ông giải thích thêm về việc này.

Babu trầm ngâm suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Trong 7 vị tinh quân có những biến đổi diễn ra từng thời kỳ giống như sự tuần hoàn của hơi thở trong bộ máy hô hấp, hay sự vận động của quả tim. Các sự biến đổi này diễn ra vô cùng phức tạp, dưới thiên hình vạn trạng. Vì lẽ thể vía con người được cấu tạo cùng một nguyên tử với thể vía các vị tinh quân, nên khi vị tinh quân thay đổi, tự nhiên mọi người trên thế gian cũng ít nhiều ảnh hưởng theo. Nói một cách khác, khi vị tinh quân cai quản một cung thay đổi thì những người đã đi qua cung đó, nguyên tử cấu tạo có chứa đựng nhiều tỷ lệ của cung đó sẽ thay đổi theo. Trong lịch trình tiến hóa, đã có những sự thay đổi trong đầu óc loài người, từng thời kỳ và do đó, văn minh nhân loại cũng đổi thay. Theo sự nghiên cứu của tôi thì mỗi chu kỳ kéo dài khoảng 100 năm, nhưng cứ 25 năm cuối lại có các biến chuyển gây ảnh hưởng cho chu kỳ kế tiếp.

- Như vậy thì sự biến chuyển kỳ này sẽ bắt đầu vào khoảng 1975 cho đến năm 2000 và ảnh hưởng đến thế kỷ 21?

Babu gật đầu:

- Thật ra chu kỳ không hoàn toàn trùng hợp từng năm, từng tháng, vì niên lịch thông thường không chính xác. Khoa chiêm tinh sử dụng một thứ lịch khác theo sự vận chuyển của các tinh tú. Tuy nhiên, để giản dị hóa vấn đề này ta có thể nói rằng cứ 25 năm cuối của mỗi thế kỷ là buổi giao thời có nhiều sự thay đổi mãnh liệt.

Giáo sư Mortimer buộc miệng:

- Nhưng đã có bằng chứng nào rằng cuối thế kỷ này sẽ có các thay đổi lớn?

Babu mỉm cười nhìn tất cả mọi người:

- Các ông đều là người Âu, tôi xin dẫn chứng bằng lịch sử Âu châu cho dễ hiểu. Các ông có thể coi nó là sự trùng hợp ngẫu nhiên cũng được. Năm 1275, Roger Bacon phát động phong trào phục hưng văn hóa, rồi suốt 100 năm sau, toàn thể Âu châu đều thay đổi. Năm 1375, Chirstian Rosenkreuz phổ biến nền văn hóa này khắp từng lớp dân chúng, đưa Âu châu thoát khỏi nền tảng hắc ám của thời kỳ Trung cổ. Năm 1275 và 1375 chả là 25 năm chót của thế kỷ 13 và 14 hay sao?

Giáo sư Mortimer, một nhà bác học về cổ ngữ và lịch sử Âu châu suy nghĩ:

- Quả thế, phong trào phổ thông văn hóa bằng đường lối phục hưng đã cứu nguy cho sự suy đồi của Âu châu, nhưng đó chỉ là hai trường hợp. Tôi thiết nghĩ muốn kết luận ta cần nhiều dữ kiện rõ ràng hơn.

Babu mỉm một nụ cười bí mật và xác định:

- Thế thì ông nghĩ sao về việc phát minh ra máy in, kỹ thuật ấn loát vào năm 1473? Nhờ thế tư tưởng các triết gia, giáo sĩ mới phổ thông khắp quần chúng, nâng cao dân trí Âu châu? Ông nghĩ sao về Francis Bacon và cao trào nghiên cứu khoa học năm 1578, sử dụng Anh ngữ thay vì Latin để phổ biến kiến thức khoa học. Có phải những việc này đã đem khoa học vào xã hội để cải thiện cuộc sống hay không? Việc này xảy ra vào 25 năm cuối của thế kỷ 15 và 16. Phải phục hưng văn hóa, đưa Âu châu khỏi các thành kiến bảo thủ đã, rồi cải cách, phát triển khoa học để mọi người biết suy luận, sau đó mới thay đổi xã hội được chứ. Văn hóa đi trước phổ biến tư tưởng để dọn đường cho các thay đổi chính trị, xã hội về sau. Năm 1675, các Hội Kín bắt đầu mọc lên, kêu gọi san bằng giai cấp, dẹp tan bất công xã hội, gây nên bởi chế độ Bảo Hoàng. Năm l789, cuộc cách mạng Pháp đã bùng nổ, và thay đổi hẳn lịch sử Âu châu. Hai biến cố này đều xảy ra trong vòng 25 năm cuối của thế kỷ 17 và 18. Từ đó đến nay chắc các ông đã thấy?

Giáo sư Mortimer toát mồ hôi trán. Lịch sử Âu châu đối với ông nào có xa lạ gì, nhưng sự giải thích của Babu đã làm ông bừng tỉnh.

Toàn thể phái đoàn đều bàng hoàng, khâm phục Babu. Trong một buổi chiều, nhà chiêm tinh xứ Ấn đã hùng biện, dẫn chứng về toán học, sinh vật học, triết học, tôn giáo và cả lịch sử Âu châu như một học giả uyên bác nhất. Kiến thức của y đã chinh phục tất cả mọi người.

Giáo sư Mortimer run giọng:

- Vậy thì theo ông việc gì sẽ xảy ra cho thế kỷ 20 này?

Babu im lặng suy nghĩ một lúc rồi trả lời:

- Năm 1875 đánh dấu một bước tiến quan trọng, đó là sự phát triển khoa học văn minh cơ giới cùng thuyết "Tiến hóa” của Darwin, và phong trào Thiên chúa giáo tự do. Từ đây bắt đầu một cuộc tranh chấp giữa tinh thần và vật chất. Có hai mãnh lực rất mạnh phát xuất từ hai bầu tinh tú đối cực, gây nên phong trào Duy tâm và Duy vật. Thế kỷ 20 bắt đầu với sự phát triển cực thịnh của thuyết Duy vật. Con người sẽ bị thúc đẩy vào các sự kiện vật chất, họ sẽ gặp các thử thách mà nhu cầu bao tử, khoái cảm xác thân tranh đấu với nhu cầu tâm linh một cách mãnh liệt. Đến khoảng 25 năm cuối, từ 1975 trở đi thì phong trào Duy tâm sẽ phát triển mạnh mẽ và được phổ biến sâu rộng để thúc đẩy sự tiến hóa tâm linh. Cuối thế kỷ 20, phong trào Duy vật sẽ sụp đổ, hiện tượng nghiên cứu các giáo lý bí truyền sẽ bắt đầu. Này các ông bạn, các bạn đều là những người tiên phong. Trước khi một sự phổ thông Bí giáo được thực hiện phải có những hạt giống gieo sẵn và nẩy mầm. Đó là lý do các bạn được thúc đẩy để nghiên cứu các hiện tượng huyền bí phương Đông. Tôi không thể tiết lộ thêm điều gì, nhưng qua lá số tử vi của Oliver, tôi quả quyết những điều tiên đoán đều sẽ thành sự thật. Chắc chắn trong 25 năm cuối của thế kỷ này, sẽ có nhiều thay đổi và có những cố gắng giúp cho sự tiến bộ của nhân loại, giai đoạn này rất quan trọng. Có hai loại người trên thế gian. Một loại đã thấy ánh sáng rực rỡ nơi cuối chân trời và định hướng để tiến tới đó. Dĩ nhiên, họ sẽ phải chiến đấu cam go với các cám dỗ, các hoàn cảnh bất lợi xảy ra chung quanh. Nhưng ở họ, hy vọng luôn luôn sáng rỡ. Hạng thứ hai, không cảm xúc được các tư tưởng thanh cao, không tin tưởng những điều cao thượng. Họ là những người lạc lõng, đáng thương vì họ sẽ phải học các bài học hết sức đau khổ cho đến khi họ hiểu biết và quay đầu về phía ánh sáng. Điều này đã và đang xảy ra.

- Chuyện gì sẽ xảy ra cho những người không hiểu biết này?

Babu bật cười:

- Các ông nghĩ rằng Thượng Đế sẽ trừng phạt họ ư? Không đâu, họ sẽ phải tự học lấy những bài học trong lầm lỗi, trong đau khổ. Thí dụ như một người muốn đi từ quê lên tỉnh. Y có thể đi theo các đường lộ xây cất sẵn sàng, theo bản đồ chỉ dẫn. Nhưng có người cứ khăng khăng đi theo ý mình bất tuân theo luật lệ, đường dọn sẵn không đi, bản đồ có sẵn không thèm nhìn. Y sẽ đi vào rừng, dẫm lên gai góc, đau đớn, lạc lối lung tung. Sau đó, mới ý thức được sự ngu xuẩn của mình. Đời là một bài học vô cùng quý giá mà ai cũng phải học. Cõi đời đầy những vô thường, khi thế này, lúc thế khác chứ đâu êm xuôi bằng phẳng.

Babu ngưng nói đưa mắt nhìn về sông Hằng. Bên kia bờ sông là một câu lạc bộ với những ánh đèn màu cùng tiếng nhạc dập dìu. Y thở dài:

- Đó là nơi hội họp của một hội đồng thương mại. Hội này quy tụ toàn các thương gia, các bậc thượng lưu, trí thức, giàu có bậc nhất thành phố này. Tuần nào họ cũng hội họp ăn uống. Đa số đều đã ngoài 60 mà vẫn còn ham vui. Cơ thể họ đã suy nhược, nhưng lòng hưởng thụ vật chất còn mãnh liệt. Họ tụ tập nhau để nói chuyện mưa gió, thời tiết, thú vui đời người. Không ai ý thức được rằng chỉ ít lâu nữa, ai cũng phải từ giã cõi trần. Nghe họ vui đùa, tưởng như họ có thể lột da như giống rắn để sống mãi mãi như thế.

Babu nhìn lên bầu trời đầy sao trầm ngâm:

- Mọi vật trong vũ trụ đều quân bình tuyệt đối, không dư, không thiếu, từ hạt bụi bé nhỏ đến những dãy thiên hà vĩ đại. Đời người quá ngắn, và luôn bị lôi cuốn vào sinh hoạt quay cuồng. Đâu mấy ai ý thức được sự phung phí hôm nay dọn đường cho sự đau khổ ngày mai. Tất cả chỉ là những ảo ảnh chập chờn, thế mà người ta cứ coi như thật. Nếu biết thức tỉnh quan sát, ta có thể học hỏi biết bao điều hay. Tiếc rằng khi đắc thời người ta quên đi quá khứ rất nhanh. Chỉ trong đau khổ, nhục nhã ê chề mới chịu học. Có thể đó cũng là lý do luôn luôn có các biến động vô thường, thúc dục con người học hỏi.

- Ông nghĩ rằng con người sẽ học hỏi trong đau khổ.

Babu thở dài:

- Đúng thế, chúng ta có tính hay quên, nên cứ phải học đi, học lại cái bài học khổ. Chỉ khi bị khổ sở, bị đàn áp, tự do bị chà đạp, con người mới quay về với niềm hy vọng cuối cùng là đức tin. Khi sung sướng ít ai nghĩ đến việc tu thân cầu giải thoát. Khi cơ thể bệnh hoạn, ta mới thấy khỏe mạnh là hạnh phúc. Khi bị tù đày, ta mới thấy giá trị của tự do. Tiếc rằng khi khỏi bệnh, ta không ý thức nguyên nhân đã gây nên bệnh đó, mà lại tiếp tục một đời sống như trước; do đó, ta cứ bị bệnh hoài.

- Nhưng con người cũng học hỏi rất nhiều, và đã có tiến bộ lớn lao.

Babu ngắt lời:

- Các ông gọi như thế nào là tiến bộ? Trên phương diện vật chất, con người ta đã tiến bộ chút ít so với những thế kỷ trước. Nhưng phương diện tinh thần vẫn nghèo nàn như xưa, chả tiến được chút nào, bằng cớ là họ vẫn tiếp tục các lỗi lầm quá khứ.

- Ông muốn nói đến chiến tranh ư?

Babu im lặng nhìn lên bầu trời đầy tinh tú, ngẫm nghĩ một điều gì.

Toàn thể mọi người im lặng chờ đợi. Sau cùng, giáo sư Allen lên tiếng:

- Theo ông, thì hòa bình có thể thực hiện một ngày gần đây không?

Babu mỉm cười trả lời:

- Các ông nghĩ rằng, với khả năng bé nhỏ của tôi mà có thể biết hết được ư? Từ khi con người có mặt trên trái đất này, đã có hết cuộc chiến này đến cuộc chiến khác. Chiến tranh có bao giờ chấm dứt được? Thực ra chiến tranh chỉ là sự biểu lộ trạng thái bên trong chúng ta, là sự phóng đại các động tác hàng ngày của chúng ta. Sở dĩ mỗi ngày nó một trầm trọng hơn, là do kết quả các hoạt động kỹ nghệ, và óc sáng tạo của con người. Chiến tranh không thể chấm dứt nếu các nguyên nhân gây nên cuộc chiến vẫn còn. Nếu có một cây cổ thụ thật lớn và ta muốn tiêu diệt nó. Ta không thể leo lên vặt hết lá cây được, vặt lá này nó lại mọc lá khác phải không các bạn? Cách duy nhất là đốn tận gốc rễ. Nguyên nhân chiến tranh bắt nguồn từ các tham vọng, giận dữ, oán hận, đầu óc quốc gia, bộ lạc, tinh thần phe phái, đố kỵ, ganh ghét, v.v… Tận diệt được các thói xấu này là chấm dứt chiến tranh. Phương pháp duy nhất là làm một cuộc cách mạng trong tâm hồn. Chỉ khi nào loài người ý thức điều này và thay đổi quan niệm sống, xóa bỏ lòng thù hận, thì họ sẽ thấy bình an. Tiếc rằng ai cũng chỉ nhìn thấy sự sai quấy nơi người khác, nên mới có tình trạng ngày nay. Hòa bình và thiện chí cần đi đôi với nhau, nên không ai có thể thực hiện hòa bình khi lòng còn đầy oán thù, ghen ghét, muốn bốc lột kẻ khác để mưu lợi cho cá nhân mình hay phe phái mình. Tất cả các hội nghị, các mưu tính để mang lại hòa bình cho nhân loại đều thất bại, vì con người không chịu thực hiện hòa bình ở chính mình.

Babu mỉm cười nhìn tất cả mọi người một lúc, rồi trầm giọng:

- Các ông đều biết Đại đế Alexander, người đã chinh phục thế giới. Trong việc xây dựng hòa bình cho Hy Lạp, ông đã càn quét, tiêu diệt tất cả những nước láng giềng, có thể đe dọa xứ sở của ông. Rồi cứ thắng xong trận này, lại phải lo đến trận khác, và cuộc chiến tranh để mang lại hòa bình cứ kéo dài. Alexander là một người thông minh theo học với hiền triết Aristotle. Khi lên ngôi hoàng đế, ông đã tâm sự với thầy: "Con sẽ chiến thắng Ai cập và Thổ nhĩ kỳ”. Aristotle hỏi: "Rồi sao nữa?”. Alexander suy nghĩ: "Sau đó, con có thể ngủ một cách bình an”. (Thời đó người Hy Lạp chỉ biết đến Ấn Độ, chưa biết đến các nước khác ở Á châu). Aristotle mỉm cười: "Con hỡi, tại sao con không ngủ bình an ngay đêm nay có hơn không?”

Babu kết luận:

- Tôi nghĩ con người cần đặt cho mình một câu hỏi tương tự. Hãy quan sát lòng mình một cách thành thật xem mình muốn gì? Chúng ta muốn bình an hay kích động? Phải chăng chúng ta đều náo nức muốn cái gì? Mỗi buổi sáng, chúng ta vội vã cầm lấy tờ báo để tìm các tin tức sôi nổi nhất. Nếu không có tin gì về chiến tranh, thiên tai, xáo trộn, khó khăn kinh tế… thì chúng ta vất tờ báo xuống đất, và than rằng chả có gì đáng xem. Có phải thế không? Chúng ta muốn sống yên ổn, không thích xáo trộn, nhưng rất thích thú nghe nói về các sự xáo trộn của kẻ khác. Chúng ta dành nhiều giờ để bàn cãi sôi nổi về người này, người nọ, chê bai ông này, diễu cợt bà kia. Phải chăng chúng ta vẫn làm thế? Có bao giờ chúng ta đặt câu hỏi, tại sao chúng ta lại làm thế không? Lòng ta còn ham tiền bạc, danh vọng, địa vị, sức khỏe, và chỉ cầu bình an cho chính mình thôi, nên chẳng bao giờ thỏa mãn. Nếu ai có hỏi thì ta cũng sẽ chối quanh như đại đế Alexander chỉ xin một giấc ngủ bình an mà thôi. Giấc ngủ bình an nào có khó, nào xa xôi diệu vợi, tốn công nhọc sức mới có. Làm sao ta có thể lao đầu vào vật chất phù du, xây dựng danh vọng địa vị, thỏa mãn cái phàm ngã hữu hình hữu hoại đồng thời tìm sự bình an, yên tĩnh? Chính các điều trên đã phá vỡ sự yên tĩnh sung mãn của nội tâm ta. Phiền não là do chính ta tạo nên, chứ đâu phải hoàn cảnh phải không các bạn? Ngày hôm nay chúng ta đã nói chuyện rất lâu rồi. Các bạn sẽ còn trải qua một hành trình dài, gặp gỡ nhiều bậc danh sư, hiền triết. Tôi chúc các bạn tìm được niềm an tĩnh của tâm hồn.

Babu mỉm cười, giơ tay tiễn khách, vầng trăng đã lên cao, lấp loáng phản chiếu trên sông Hằng.

 

Chương 4 - Trên Đường Thiên Lý

 

Cuộc gặp gỡ Brahmananda và Sudeih Babu đã thay đổi tất cả. Cho đến lúc đó, phái đoàn mới công nhận rằng đằng sau khu rừng mê tín dị đoan, còn có những chân lý cao siêu đáng học hỏi và nghiên cứu. Sự hiện diện của một vị Chân sư bí mật gửi thông điệp bằng tư tưởng cho Brahmananda và Sudeih Babu, làm phái đoàn phấn khởi, tin tưởng rằng cuộc khảo cứu sẽ còn vượt xa hơn điều họ dự tính.

Cuộc tiếp xúc với Sudeih Babu đã khiến mọi người bắt đầu cởi bỏ các thành kiến dị biệt, các quan niệm bảo thủ và lòng tự hào của người Âu, để bắt đầu quan sát, học hỏi thêm về nền minh triết bí truyền của Á châu.

Phái đoàn bắt đầu cuộc hành trình nhắm hướng Rishkesh trực chỉ. Lúc đầu, đường xá còn tốt nên sự di chuyển còn nhanh chóng, nhưng về sau có những đoạn đường bị ngắt quãng, phái đoàn phải dùng lừa, ngựa hoặc đôi khi phải đi bộ qua các eo núi. Sự kiện một nhóm người Âu, di chuyển trên những con đường độc đáo, hẻo lánh là một điều chưa hề xảy ra. Các sĩ quan quân lực Hoàng Gia đã hết sức ngăn cản vì lý do an ninh. Mặc dù Ấn Độ là thuộc địa của Anh, nhưng nhiều địa phương vẫn không hợp tác với chính quyền. Việc di chuyển đòi hỏi sự hộ tống của lực lượng quân đội võ trang đầy đủ. Có nhiều vùng, ngay cả dân địa phương cũng ít dám qua lại, vì có những đảng cướp hoạt động mạnh mẽ. Để đề phòng, phái đoàn đã võ trang cẩn thận, nhưng trong suốt thời gian di chuyển, không hề có một sự kiện đáng tiếc nào xảy ra. Toàn thể mọi người có cảm tưởng như được che chở bởi một quyền năng mạnh mẽ vô hình.

Trên đường, phái đoàn đi qua một đền thờ của đạo Jain. Căn bản của tôn giáo này xây dựng trên chủ trương mở rộng lòng từ bi (Ahimsa). Tín đồ đạo Jain thực hành lý tưởng Ahimsa triệt để, đôi khi có vẻ quá khích. Đạo Jain được thành lập hơn 2000 năm, do đức Mahavira, một vị hoàng tử đã từ bỏ cung vàng, điện ngọc vào rừng tu hành và đắc đạo. Ngay khi bước chân vào đền, người ta đã thấy ngay pho tượng đức Mahavira ngồi thiền, trên trán có gắn một viên kim cương lớn. Trước khi vào đây, du khách phải cởi thắt lưng, giày dép, những vật gì làm bằng da thú, sừng, ngà voi, v.v… tất cả các vật do sự giết chóc mà ra. Sở dĩ phải làm thế, vì giáo lý Ahimsa dạy các tín đồ phái này không được sát sinh, ăn thịt cá, mà ngay trong nhà cũng không được chứa một thứ gì của sự giết chóc. Các giáo sĩ đạo Jain mặc toàn đồ trắng, trên mặt bịt một miếng vải thưa chỉ chừa đôi mắt. Họ làm thế để tránh loài ruồi, muỗi khỏi bay lọt vào mũi, miệng. Vì lòng từ bi (Ahimsa) bao trùm tất cả, lỡ có sâu bọ nào vô phúc bay lọt vào rồi nằm lì trong đó thì phạm tội sát sinh. Không những thế, các giáo sĩ đạo Jain mỗi năm phải nhập thất một lần trong suốt ba tháng hè, vì thời gian đó côn trùng sinh sản nhiều, nếu di chuyển sợ dẫm lên chúng.

Đối với người Âu, việc thực hành Ahimsa có vẻ quá khích và vô lý, nhưng phần đông tín đồ đạo Jain thực hành giới luật rất nghiêm chỉnh. Họ tin rằng nếu các giới luật mà không giữ được thì không hy vọng gì đi xa hơn trên đường tu học.

Một số giáo sĩ Jain còn "quá khích” hơn nữa. Sau một thời gian tu ở trong đền, họ phát nguyện vào rừng tu và sống lõa thể. Họ chỉ uống nước suối, ăn trái cây, và dành trọn thời giờ thiền định. Họ quan niệm rằng khi còn ăn cơm gạo, mặc y phục là còn mang nợ xã hội. Còn hưởng những vật dâng cúng của tín đồ là còn mang nợ loài người. Khi tu là phải ly khai với đời, từ bỏ tất cả, không bận tâm đến bất cứ chuyện gì của thế gian, như của cải, vật chất, và ngay cả mảnh vải che thân. Đạo Jain cho rằng xuất gia phải tuyệt tất cả ý niệm sở hữu, vì sở hữu bất cứ gì đều là ràng buộc, níu kéo đưa đến sự quyến luyến, gây chướng ngại cho việc tu hành giải thoát. Ngay cả các đền thờ đẹp đẽ cũng phải từ bỏ để vào rừng lấy đất làm giường, lấy trời làm nhà, và thú rừng làm bạn. Họ dành tất cả thời giờ để thiền định về ý niệm mở rộng lòng thương đến muôn loài. Nhiều tu sĩ ngồi thiền mà thú rừng kéo đến quấn quít chung quanh, không hề sợ hãi. Các học giả người Âu đã gọi tôn giáo này là phái "Lõa thể”, vì quan niệm từ bỏ triệt để này. Điều đáng tiếc là danh từ "Lõa thể” thường bị đồng hóa với các sự kiện xấu xa, mọi rợ, thiếu văn minh. Khi người Anh đến cai trị xứ này, rất nhiều tu sĩ đạo Jain đã bị bắt giam vì tội xâm phạm thuần phong mỹ tục, mặc dù họ chỉ sống trong rừng không tiếp xúc với xã hội. Khi gác bỏ các thành kiến dị biệt, phong tục và tập quán, phái đoàn thấy đạo Jain chủ trương rất thực tế. Giáo phái này tin tưởng rằng sức mạnh của tình thương có thể san bằng mọi khó khăn, trở ngại. Tuy nhiên, tình thương phải hết sức tuyệt đối. Mục đích của nó không giới hạn vào một hạng người nào riêng biệt, mà phải được ban rải đồng đều cho tất cả, không phân biệt giai cấp, chủng tộc hay tín ngưỡng. Đây là một cải cách hết sức lớn lao vì phong tục Ấn Độ vốn rất thiên vị, và chủ trương dị biệt giai cấp. Tín đồ đạo Jain tin rằng, con người dù mạnh hay yếu, sang hay hèn, trung lưu hay hạ lưu, bình dân hay vua chúa, đều thụ hưởng lòng thương như nhau. Lòng thương chẳng những phải bao la, mà còn nồng nàn như tình mẹ con, không quản ngại khó khăn, nguy hiểm. Lòng thương phải chân thành, thâm thúy phát ra từ đáy lòng, không thể giả dối, hay vị nể một hoàn cảnh nào. Sau khi ban rãi tình thương khắp đồng loại, còn phải ban rãi đến loài vật, từ con voi to lớn đến các côn trùng nhỏ nhen. Do đó, họ tránh sát sinh đã đành mà còn không sử dụng bất cứ vật dụng gì do sự giết chóc mang lại. Đạo Jain cho rằng chiến thắng kẻ thù bằng sức mạnh là một thú tánh cần loại trừ, nhưng chinh phục bằng tình thương là đường lối duy nhất để giải quyết mọi việc.

Đạo Jain có khá đông tín đồ, phát triển mạnh tại miền bắc Ấn Độ, nhưng không đi đến các nơi khác, vì gặp phải sức chống đối của Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Lịch sử Ấn Độ ghi nhận Hồi giáo đã tiêu diệt Phật giáo và đạo Jain một cách hết sức dã man. Hơn nữa, quy luật khắc khe của tôn giáo này không mấy ai theo nổi, và các tu sĩ bịt mặt, lõa thể dễ bị người đời ngộ nhận. Có lẽ thế, nên tôn giáo này chỉ bành trướng trong các vùng hẻo lánh miền sơn cước.

Ashmah là một làng nhỏ, nằm sát chân núi. Phái đoàn dừng chân ở đây một thời gian cho lừa, ngựa nghỉ ngơi. Một lý do nữa là gần đó có một di tích lịch sử quan trọng: Ngôi đền yên lặng.

Đó là một ngôi đền kiến trúc bằng đá trắng, xây cất hơn 4000 năm nay. Trong đền không có hình tượng gì, mà chỉ là một căn phòng to lớn, trang nghiêm. Bước vào ngôi đền yên tĩnh, tất cả mọi người đều thấy trong lòng bỗng lắng xuống một cảm giác bình an khôn tả. Tục truyền, hoàng đế Rapoor mang quân đi chinh phục các nước láng giềng, đã gặp một vị đạo sĩ nơi đây. Đạo sĩ khuyên vua nên bỏ ý định chinh phục bằng sức mạnh, mà chỉ nên lấy nhân nghĩa mà đối xử với người. Nhà vua nghe theo, ra lệnh bãi binh, khuyến khích dân chúng sống theo đạo hạnh. Từ đó vương quốc Rapoor được hưởng một nền thái bình, thịnh trị.

Thời gian trôi qua, đến nay chẳng còn mấy ai biết đến thời đại của hoàng đế này, nhưng ngôi đền xây cất để kỷ niệm sự tỉnh ngộ của nhà vua vẫn còn tồn tại. Khi bước chân vào đây, không ai được nói một lời nào, mà phải tuyệt đối giữ yên lặng. Lý do ngôi đền không có hình tượng gì là để nói lên cái chân lý tuyệt đối vốn vô hình, vô tướng. Vị đạo sĩ giữ đền đã giải thích cho phái đoàn.

- Đền yên lặng là nơi chỗ của quyền năng, vì yên lặng đồng nghĩa với quyền năng. Khi con người đạt đến chỗ im lặng trong tư tưởng thì họ đã đến chỗ mà tất cả đều là sự hợp nhất với quyền năng thiêng liêng. Con người có sức mạnh tư tưởng nhưng vì vô ý thức, họ đã để cho nó hao tán. Quyền năng hao tán là Động, còn tập trung là Tĩnh. Khi tập trung mọi sức mạnh tư tưởng vào một trung tâm sinh lực duy nhất, con người tiếp xúc với Thượng Đế. Khi hợp nhất với đấng thiêng liêng, ta hợp nhất với mọi quyền năng và đó là di sản tâm linh tối hậu. Phương pháp duy nhất để hòa hợp với đấng thiêng liêng là tiếp xúc với ngài một cách ý thức, từ bỏ ngoại cảnh, để quay về với nội tâm, vì đấng thiêng liêng ẩn tàng trong tâm con người. Khi con người từ bỏ ảo giác của kiêu mạn, bản ngã, nhận thức sự vô minh, hèn kém của mình và sẵn sàng học hỏi, sửa đổi, đó là tu thân. Người ta không thể dạy bảo điều gì cho những cá nhân kiêu căng, tự phụ, vì chỉ có người khiêm tốn mới thấy được chân lý. Đấng thiêng liêng không nghe các lời cầu xin ồn ào, lập đi lập lại mà chỉ nghe những lời cầu nguyện chân thành của những kẻ đến với Ngài bằng trái tim, sùng kính Ngài bằng tâm hồn và sự im lặng. Kẻ nào tiếp xúc với Ngài trong ầm thầm sẽ nhận biết quyền năng của Ngài do sự thực hiện các điều mong muốn của họ.

- Nhưng nếu không cầu nguyện theo mọi sách vở, thánh kinh, làm sao tín đồ có thể hiểu biết về tôn giáo mà họ đang theo đuổi?

- Minh triết phát sanh từ sự yên lặng. Thượng Đế không cần ta phải tuyên dương ngài một cách ồn ào hay bằng một ngôn ngữ gì. Khi một tín đồ thành tâm trong tĩnh lặng, y sẽ hòa hợp tư tưởng với ảnh hưởng thiêng liêng, và ảnh hưởng này chỉ có thể nhận biết được khi lòng ta vắng lặng. Khi tâm hồn hoàn toàn an tĩnh, ta có thể tự phân tích mình, trau dồi phẩm hạnh và đón nhận những mặc khải từ cõi trên. Chỉ trong sự vắng lặng, con người mới ý thức năng lực trong mình, và chung quanh mình. Chỉ trong yên lặng các quyền năng tiềm ẩn mới phát sinh và nẩy nở. Tâm có an thì việc bên ngoài mới không vọng động, dục vọng mới chịu yên tĩnh. Con người có giải thoát các ồn ào, náo nhiệt bên ngoài, thì mới đón nhận được các hòa âm tuyệt diệu đến từ cõi vô biên. Con người cần khám phá rằng hạnh phúc ở trong tâm mình. Hiện nay phần lớn đều tìm kiếm hạnh phúc bên ngoài, nhưng ngoại cảnh chỉ đem lại các giải trí trong chốc lát, thay vì hạnh phúc vô biên. Tất cả phương pháp tìm kiếm bên ngoài đều vô vọng. Con người phải biết quay về nội tâm vì mọi hình tướng, nghi thức đều là sự áp chế.

- Nhưng làm sao tìm thấy điều gì khi ngồi yên lặng?

- Con người sẽ dần dần ý thức được chính mình. Dĩ nhiên, điều này đòi hỏi một thời gian. Họ sẽ tìm thấy ở mình một thứ hạnh phúc không lệ thuộc ngoại vật, cũng không lệ thuộc tha nhân. Một tâm trạng giải thoát không ai có thể cướp được, đó là tâm trạng "tôn giáo”, kết tinh bởi sự nẩy nở, thăng hoa các ý thức sâu kín trong nội tâm. Con người sẽ tự mình tìm thấy câu giải đáp khi họ ý thức thực chất của chính mình, và ảnh hưởng cao cả của Thượng Đế. Chỉ khi đó, mọi sự tìm kiếm ở ngoại cảnh sẽ chấm dứt.

- Những điều ông nói rất hay, nhưng nếu không có sách vở chỉ dẫn, làm sao con người biết đâu mà tìm để đạt đến trạng thái đó?

- Đa số người Âu chỉ quen hoạt động và ỷ lại vào một phương pháp, giáo lý hướng dẫn cuộc đời. Do đó, họ dễ bị hướng dẫn sai lạc, lầm lẫn. Phải tự mình suy gẫm và tìm lấy con đường cho chính mình mới là phương pháp đứng đắn. Con đường giải thoát đòi hỏi can đảm và nổ lực cá nhân, vì không đường nào giống đường nào. Lịch sử cho thấy có biết bao tôn giáo rao truyền chân lý cực kỳ tốt đẹp, nhưng có mấy tín đồ nghiên cứu tường tận? Đa số đều ỷ lại vào các giáo sĩ chỉ dẫn. Chính các giáo sĩ còn chưa giải thoát chính mình, thì còn cứu độ cho ai nữa? Đó là lý do hoàng đế Rapoor xây dựng ngôi đền yên lặng và trong đó không có một pho tượng, một hình ảnh hay ngôn ngữ nào, để tránh đi vào con đường của các tông phái Ấn giáo. Thượng Đế ở khắp mọi nơi và tuyệt đối, ngôn ngữ, hình ảnh không thể diễn tả được. Chỉ trong sự im lặng hoàn toàn phá bỏ tất cả hình tướng, nghi thức, con người mới tự do sống bình an với nhau, hiểu sự liên quan giữa y và những người đồng loại. Con người thường suy tư về sự liên hệ giữa người với người, nhưng sự suy tư này ít nhiều đều thiên vị. Nó luôn luôn sai lạc nếu nó khảo sát sự vật xuyên qua bản ngã. Tư tưởng con người chỉ chân chính khi họ giải thoát khỏi các thành kiến, điều kiện bao bọc bên ngoài. Tự do tư tưởng không phải chỉ là muốn nghĩ thế nào thì nghĩ, mà còn là giải thoát ta ra khỏi các áp lực bắt ta phải suy nghĩ theo một lề lối riêng. Đây là một chân lý chỉ tìm thấy trong sự yên lặng, trong sự cởi bỏ mọi nghi thức, hình tướng, ngôn từ, các thành kiến dị biệt, các cưỡng bách tư tưởng, các sợ hãi bắt nguồn từ vô minh. Chỉ khi nào hoàn toàn tự do, con người mới thực sự bình an và giải thoát.

Phái đoàn từ giã vị giáo sĩ coi đền. Cuộc viếng thăm tuy ngắn ngủi nhưng đã gây một ấn tượng tốt đẹp với mọi người. Hình như có một luồng từ điện vô hình phảng phất quanh ngôi đền, khiến ai cũng thấy trong lòng dào dạt một sự bình an khó tả. Lối tu trong yên lặng không còn là một vấn đề trừu tượng, vô ích như họ nghĩ. Quả thật xứ Ấn còn rất nhiều điều để cho người Âu học hỏi và suy nghĩ.

 
 


 
Suy ngẫm
  004. Hành trình về phương Đông - phần 04  
  005. Hành trình về phương Đông - phần 05  
  006. Hành trình về phương Đông - phần 06  
  007. Hành trình về phương Đông - phần 07  
  008. Hành trình về phương Đông - phần 08  
  009. Hành trình về phương Đông - phần 09  
  010. Hành trình về phương Đông - phần 10  
  011. Huyền thuật và các đạo sĩ Tây Tạng  
  012. Minh triết trong đời sống  
  013. Ngọc sáng trong hoa sen  
  014. Tây Tạng huyền bí  
  015. Thiền sư và triết gia  
  016. Trở về từ cõi sáng  
  017. Trở về từ xứ tuyết  
  018. Truyện Phật giáo nói về triết lý sống  
  019. Việc lớn của đời người  
  020. Tử thư Tây Tạng  
  021. Chết & tái sinh  
  021.01. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - DẪN NHẬP + LỜI GIỚI THIỆU + MỞ ĐẦU  
  021.02. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG MỘT  
  021.03. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG HAI  
  021.04. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG BA  
  021.05. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG BỐN  
  021.06. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG NĂM  
  021.07. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG SÁU  
  021.08. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG BẢY  
  021.09. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG TÁM  
  021.10. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG CHÍN  
  021.11. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG MƯỜI  
  021.12. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG MƯỜI MỘT  
  021.13. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - GHI CHÚ  
  022. Tiền kiếp và luân hồi  
  023. Những bí ẩn của cuộc đời  
  10 bí quyết cho hạnh phúc  
  10 Bí Quyết Của Người Thành Ðạt Cao  
  10 Bước tìm kiếm bản thân  
  10 chuẩn mực đạo đức cơ bản của phật giáo  
  10 chướng nạn của Đức Phật Thích Ca  
  10 khác biệt giữa tầng lớp trung lưu và những người giàu có  
  10 loại người mà bạn kg nên giúp đỡ  
  10 lời khuyên để thành đạt!  
  10 lý do ngăn cản bạn làm giàu  
  10 nghịch lý của cuộc sống  
  10 nghịch lý thời đại!  
  10 phương pháp tạo phước đức  
  10 điều lãng phí nhất trong cuộc đời bạn  
  10 điều tâm yếu (10 hạnh lành) của người phật tử  
  10 điều vô giá không thể mua bằng tiền  
  11 thứ có thể cho đi khi bạn nghĩ bạn chẳng còn gì ..?  
  12 duyên lành trong cuộc sống  
  12 điểm nhận diện tướng mạo người phụ nữ giàu có và may mắn  
  12 điều bạn sẽ hối hận nếu không làm ngay bây giờ  
  12 điều cần biết về nghiệp (có thể sẽ thay đổi được cuộc sống của bạn)  
  14 bí quyết để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận  
  14 nguyên tắc khởi nghiệp thành công  
  18 câu hỏi giúp bạn khám phá bản chất và ý nghĩa cuộc sống của mình  
  18 điều tạo nên nhân cách tốt đẹp trong mỗi chúng ta  
  2 từ Cám ơn và Xin lỗi  
  20 điều thuộc về bạn  
  24 bài học đáng giá về hôn nhân bạn không nên bỏ qua  
  24 điều cần ghi nhớ trong cuộc sống  
  26 điều quý hơn tiền bạc và danh vọng  
  26 Điều thú vị trong cuộc sống  
  4 bài thể dục tinh thần  
  4 chữ "tự" cần khắc cốt ghi tâm nếu muốn thành công  
  4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ  
  5 cách giữ gìn tình bạn đẹp  
  5 cách để trở nên tự tin!  
  5 chìa khoá vàng mở toang cánh cửa bế tắc  
  5 chữ Bình  
  5 chữ D cho một sự nghiệp thành công  
  5 việc cần làm trong đời  
  5 điều khiến bạn hạnh phúc hơn  
  6 cách tạo ra nghiệp thiện lành  
  6 câu hỏi định hướng cuộc đời  
  6 nguyên tắc làm chủ cảm xúc  
  6 nguyên tắc sống còn để lấy được chồng tốt  
  6 thời điểm thích hợp để im lặng  
  6 điều những người hạnh phúc không bao giờ làm  
  6 điều phật dạy về tình thương  
  6 điều quyết định hạnh phúc  
  66 câu cửa Phật mà bạn nên biết.  
  7 bài học sâu sắc từ người xưa  
  7 bước để thành đạt  
  7 lời dạy của Đạo Phật cho cuộc sống tốt đẹp hơn  
  7 việc nhất định không làm, nếu làm thì sớm hay muộn cũng bị báo ứng  
  7 điều giúp bạn tìm được mục đích của cuộc sống  
  7 điều hạnh phúc mà ta hay lãng quên  
  7 điều không ai nói với bạn về hôn nhân  
  72 Phép Thần Thông  
  8 cách tư duy cho kết quả vượt trội  
  8 điều cần nhớ khi bạn thấy bế tắc  
  8 Điều về thế giới  
  9 ân đức của cha mẹ  
  9 bài học làm người dành cho con trẻ  
  9 kỹ năng cần thiết với sinh viên  
  9 sai lầm của văn hóa đọc  
  A friend... - Định nghĩa qua 24 chữ cái...  
  Ai cho tôi sống trung thực?  
  Ai cũng có thể gặp may mắn  
Trang 1/9 : 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9  Trang sau