Suy ngẫm
021.12. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - CHƯƠNG MƯỜI MỘT
 

CHƯƠNG MƯỜI MỘT

Acharya đến sớm hơn bình thường mười phút, trong lúc tôi chưa ăn sáng xong. Tôi phải mất một thời gian đáng kể để đánh máy chi tiết những gì diễn ra trong tuần, và tôi không dám cạo râu hay tắm trước khi làm xong việc đó, vì sợ lỡ ký ức về hoạt động tối qua phai mờ và mất đi phần nào. Có vẻ ông không quan tâm lắm về việc tôi chưa sẵn sàng với ông, thầy xin lỗi là đến sớm, ngồi xuống thảm vào chỗ thông thường của ông và hỏi xem có thể đọc bài tôi đã ghi lại. Tôi đưa cho ông mấy trang đánh máy gồm chi tiết những kinh nghiệm tôi đã trải qua từ khi thầy đến thăm vào thứ hai trước. Tôi hỏi tại sao ông muốn xem chúng, và thêm rằng thầy biết rất rõ những gì tôi đã làm kia mà.

– Phải, tôi giữ liên lạc với anh vì tôi được phép liên kết với anh về trí não trong suốt giai đoạn đảm trách việc chỉ dẫn anh. Sau đó dây liên kết giữa thể trí của anh và của tôi bị đứt ngay tức khắc, vì chúng ta không được phép nhìn vào tâm trí người khác, ngoại trừ những trường hợp rất đặc biệt, tương tự như sự liên kết giữa hai chúng ta trong hai tuần rồi. Mỗi người chịu trách nhiệm về chính mình và với Thượng Đế về những gì họ đã làm và như anh biết, người ta được thưởng hay phạt tùy theo tư tưởng biểu lộ và hành vi thực hiện. Tôi hỏi xem bài ghi của anh vì tôi muốn biết anh nhớ lại bao nhiêu những gì đã làm – nếu không đọc bài viết của anh thì tôi không biết được.

Ông cẩn thận xem kỹ đến cuối và tiếp tục nói:

– Bài ghi của anh về tối thứ ba hay lắm, vì anh nhớ gần hết những gì xẩy ra trong lúc đến thăm Kim Đô. Tuy nhiên anh bỏ quên một điều quan trọng, là không đề cập tới việc người hướng dẫn đưa anh và Daphne ra vùng ven biên thành phố, chỉ cho thấy một đám đông đang lắng nghe hình tư tưởng mà họ tạo nên, là Đức Chúa đang nói chuyện với họ. Cả anh và Daphne nghe lời giảng một lúc ngắn. Anh ngỏ ý với người hướng dẫn là tất cả những gì Đức Chúa đang nói đều đã ghi trong các phúc âm khác nhau của kinh Tân Ước.

"Chuyện ấy tự nó là bằng chứng đủ cho anh thấy đó không phải là đấng Cao Cả dưới trần ta gọi là Đức Chúa đang nói, mà chỉ là cái biểu lộ về vị Giáo chủ Thiên Chúa giáo, là một phần của tư tưởng và tâm trí các tín đồ ngoan đạo nhất của ngài. Tôi tin chắc nếu đó chính là Đức Chúa đang nói – mà ngài vẫn đang sống và trông coi sự phát triển tinh thần của địa cầu– cảm tưởng về những gì ngài nói sẽ không dễ dàng bị xoá sạch khỏi ký ức của anh. Lần tới gặp Daphne hãy hỏi cô về chuyện này. Chắc chắn cô còn nhớ nó.

"Tôi hài lòng về sự mô tả của anh về thí nghiệm tối thứ tư, vì nó khá hơn là tôi tưởng. Tôi có khuyến cáo anh về những khó khăn sẽ gặp phải khi tìm chữ để diễn tả sinh hoạt trí tuệ, nhưng tôi nghĩ rằng ai đọc bài ghi của anh sẽ hiểu một chút việc anh muốn diễn tả. Tôi rất hài lòng là anh nắm được phần lớn những gì tôi cố công trình bày với anh trong lần nói chuyện mới rồi.

"Chi tiết anh ghi tối qua không cần tôi cho ý kiến mấy. Nó có giá trị của nó vì nay anh hiểu là phải xem xét quan điểm của người khác, và ở một mức nào đó phải hoà hợp với họ ở cõi trung giới cũng như cõi trần. Tôi tin chắc là cô gái Mary được anh chăm sóc sẽ gọi anh lần nữa trong tương lai rất gần, và tôi biết anh sẽ gắng công giúp cô với nhiều vấn đề cô gặp phải. Nó sẽ là kinh nghiệm rất tốt đẹp cho anh.

"Hôm nay trong buổi nói chuyện cuối của tôi, trước hết tôi sẽ trình bày về 'cái chết thứ ba' và chuyện gì xảy ra cho chân nhân khi nó bỏ vận cụ còn lại của tâm thức là thể hạ trí, và sống một thời gian trong cơ thể vĩnh viễn duy nhất mà nó có là căn thể (causal body) hay thể thượng trí. Tôi muốn anh lắng nghe chuyện kỹ lưỡng, vì nhiều người xem ra gặp khó khăn với chi tiết này.

"Cái chết thứ ba rất giống với việc đi từ cõi trung giới lên thượng giới (hay cõi tình cảm sang cõi trí), vì con người chỉ từ từ mất tâm thức và sau khi trôi ra ngoài thể trí, thấy nay mình ở trong căn thể. Ta gọi đó là căn thể vì nó chỉ linh hoạt ở cảnh giới của nguyên nhân, gồm hai bầu thứ sáu và thứ bẩy của cõi trí từ dưới đếm lên. Căn thể được biết là thể vĩnh viễn của người vì họ có nó từ khi cá nhân hóa, thoát kiếp thú làm người, và thành con người thực thể riêng biệt. Cảnh giới của nguyên nhân là quê hương định sẵn của linh hồn hay chân nhân, nó trụ ở đó trong các giai đoạn mà ta gọi là kiếp sống dưới trần, khi một phần của nó biểu lộ ở các mức thấp hơn của tâm thức, và thu thập kinh nghiệm cần thiết khiến cho linh hồn được tự do, thoát khỏi việc tái sinh tới lui nhiều lần trong các thể xác khác nhau.

"Mỗi kiếp sống căn thể thay đổi chỉ bằng cách thêm vào đó kinh nghiệm mà con người thu thập được trong kiếp vừa xong, vì lý do ấy thỉnh thoảng người ta gọi là 'kho kiến thức'. Một ai tiến hóa có thể sử dụng kho này theo ý muốn, và rút ra ở cõi trần kinh nghiệm những kiếp đã qua, làm vậy cho phép họ tránh không phải học một số điều mỗi lần có não bộ mới, vì tự nó thì não bộ không có ký ức về kinh nghiệm xưa.

"Nhờ lý do này mà người tiến hóa có lợi thế to tát so với ai chưa tiến hoá bằng – nhưng mỗi chúng ta sẽ ở cùng vị trí khi đạt tới những giai đoạn phát triển đó. Bài học quan trọng nhất cho chúng ta là tiến bộ chỉ có nhờ công sức của riêng mỗi người.

"Những chuyện này sẽ được chú ý nhiều hơn nếu người ta hiểu chúng hơn, và được ai đang phụng sự nhân loại chỉ dẫn rõ hơn. Chỉ có ít người trong chúng ta đủ sức hiểu sự kiện là phàm ngã, phân biệt được ở cõi trần, lại chỉ là một phần nhỏ của con người thật hay chân ngã; mà chân ngã này hay cá nhân phù trợ và hướng dẫn phàm ngã theo hết khả năng của nó, trong giới hạn mà tự do ý chí cho phép, điều ban cho tất cả mọi ai khi họ đạt tới tiêu chuẩn thành người.

"Nơi cảnh của căn thể, quá khứ, tương lai và hiện tại là một trong thực tại. Tôi sẽ cho anh thí dụ nơi cõi trần để diễn tả ý đó. Hãy tưởng tượng một con sông cứ vài trăm thước lại uốn lượn quanh co. Một người đứng trên sàn chiếc tàu hơi nước chạy trên sông, đang phì phò trong lộ trình nó phải hoàn tất, chỉ có thể thấy khúc sông mà tàu đi lúc đó. Họ không thấy được khúc sông nằm sau điểm uốn ở phía đuôi tàu, phần mà tàu đã đi qua, và cũng y vậy không thấy được khúc sông nằm quá điểm uốn ở phía trước mũi, nơi tàu đang dần đi tới.

"Ta hãy giả dụ là có một người khác đi cùng lộ trình ấy mà bằng phản lực cơ, họ sẽ thấy trọn con sông bằng cái nhìn quét mắt bao quát, phần đằng sau cũng như phần đằng trước của vị trí đang có đều được tầm nhìn của họ thấy rõ ràng. Với người này khung cảnh mà tàu đã qua thì rõ ràng y như cảnh mà hành khách thấy vào lúc này, hay trong tương lai sắp đến. Như thế đối với ai trên phi cơ chuyện không có quá khứ hay tương lai, tất cả thực ra nằm trong hiện tại. Người chưa tiến hoá so với người tiến hoá thì giống như hành khách trên tàu hơi nước so với người trên phi cơ.

"Ở cảnh của căn thể, chân nhân được cho thấy trọn hồ sơ của quá khứ của nó dưới dạng một loạt nhiều hình, giống như các tấm phim trong xi nê. Những hình này cho nó thấy chính xác đã thất bại ở kiếp nào và thành công ở đâu; chúng cũng cho thấy kiếp tới có dụng ý ra sao cho linh hồn, thay đổi nào trong cá tính phải đạt được trước khi có thể có tiến bộ thêm. Người chưa tiến hóa thấy hết những việc ấy, nhưng bởi trí tuệ còn giới hạn nên họ chưa nắm được ý nghĩa của nó như người phát triển trí năng đã hiểu. Họ giống như hành khách trên tàu.

"Mặt khác người tiến hoá thì như những người đi trên chiếc phản lực, thấy lập tức tại sao mình phạm lỗi trong quá khứ, và không phải chỉ thấy hậu quả những lỗi lầm này mà thôi. Họ nhất quyết rằng sẽ không thất bại như vậy nữa trong kiếp tới. Thế thì bài học đã học được từ những bức hình của kiếp đã qua được đem vào cấu trúc của những hạt nguyên tử trường tồn– cái kho hiểu biết chứa đựng tinh tuý của những kinh nghiệm trong mọi kiếp qua– và khi ngày giờ tới trong một kiếp tương lai phải quyết định vấn đề tương tự, tiếng nói lương tâm là cái khuyến cáo mà chân nhân gửi cho họ, từ cõi cao nơi kho dự trữ hiểu biết đang hiện hữu, giúp bảo đảm là sai lầm tương tự sẽ không tái phạm nữa.

"Họ ý thức tại sao kiếp tới mình nên sinh vào một nhóm đặc biệt hay một quốc gia nào đó, vì nhờ hoàn cảnh chào đời ấy họ có thể có được môi trường họ cần; vì lý do là chân nhân không hề thiếu hợp tác khi được cho thấy kiếp tương lai. Nó biết rất rõ là cuộc đời được dàn xếp cho nó là cái thích hợp nhất, để bảo đảm là cái tiến bộ nhiều nhất. Đạt tới tiến bộ này trong khoảng thời gian ngắn nhất là điều mà mỗi chân nhân đều ước ao.

"Tuy tất cả chúng ta vui hưởng thời gian sống ở cõi của chân nhân, ta phải rời nó lần nữa để tuân theo luật tiến hoá. Tất cả chúng ta đều muốn rời khỏi nơi ấy khi ngày giờ đến, vì cảm thấy trong tâm lòng ham muốn có tiến bộ và kinh nghiệm thêm; chúng ta biết tiến bộ trong cuộc tiến hoá chỉ đạt được qua vô số kiếp sống ở cõi trần. Ta ý thức rằng mình không thể đáp ứng trọn vẹn với làn rung động chế ngự ở cõi của căn thể, cho tới khi nào ta tiến hóa đến mức không cần phải tái sinh nữa.

"Thời điểm ấy sẽ tới khi ta học được tất cả những bài học mà cuộc sống ở cõi trần có thể dạy ta, và rồi sự chú ý của ta hướng về những bầu hoạt động khác, vượt ra bên ngoài cõi trần hay cõi tình cảm. Chân nhân nào đã tới mức toàn thiện này của con người, đôi khi quyết định theo ý muốn riêng của nó là vẫn tiếp xúc với những cõi tâm thức thấp, chỉ vì lòng Từ bao la đối với nhân loại, và mong muốn giúp đỡ nhân loại trong cuộc tiến hoá của nó. Tốt lành biết bao khi có những linh hồn cao cả như vậy, bằng không sự tiến bộ của con người sẽ chậm hơn so với hiện giờ.

"Nay lời mô tả của tôi về cách tái sinh hẳn sẽ không khó hiểu đối với anh, nếu anh nhớ lại thí dụ nêu ra trước đó. Chân nhân trần trụi nay phải khoác lấy những vận cụ của nó trở lại, nói khác đi là tạo ba thể mới để nhờ vậy có thể sinh hoạt ở những cõi tâm thức thích hợp với chúng. Thể đầu tiên nó phải tạo làm bằng chất liệu cõi trí (quần áo lót), và để làm việc này nó hướng tâm về hạt nguyên tử trường tồn mà như anh còn nhớ, nó đã giữ lại những phân tử tương ứng với mọi cảnh giới có ở cõi trí.

"Chân nhân lấy hạt nguyên tử cõi trí, làm nó linh hoạt và bắt đầu lôi kéo vào quanh hạt những nguyên tử khác từ chất liệu ở cõi trí, theo cùng cách thức như một tinh thể khi thả vào dung dịch sẽ khiến những hạt tinh thể khác tạo ra chung quanh nó. Vật chất được thu hút về chung quanh nó sẽ tạo thành hình của thể trí kiếp vừa xong, vật nó bỏ lại sau giai đoạn sống ở cõi trí, nhưng với một khác biệt nhỏ; đó là thể trí tốt đẹp hơn cái vừa thải ra, vì nó chứa đựng trong đó kết quả những nỗ lực trí tuệ trong kiếp vừa rồi.

"Chân nhân trở lại cuộc đời mới với thể trí chứa đựng tất cả hiểu biết nó đã thu thập trong bao kiếp đã qua, nhưng vẫn chưa có chút kiến thức nào về những môn mà tới nay nó vẫn chưa học. Điều này giải thích tại sao người trong thế giới lại khác nhau rất nhiều; trí tuệ của họ khác nhau vì họ có những thể trí thuộc các hạng khác nhau. Vì thế ai có trí tuệ nhạy bén, thu thập được qua kinh nghiệm nhiều kiếp sống, chớ bao giờ nên lợi dụng ai có ít kinh nghiệm hơn mình, mà phần việc của họ là giúp đỡ thay vì gây cản trở cho các linh hồn non trẻ hơn.

"Sau khi tạo cho mình một thể trí mới, chân nhân tiến sang bước kế. Nó hướng tâm về hạt nguyên tử tình cảm và khiến nó linh hoạt. Lập tức hạt này tụ tập quanh nó chất liệu cõi trung giới thuộc cùng loại như đã có trong thể tình cảm của kiếp vừa xong, vào lúc mà họ vứt bỏ nó. Chuyện có nghĩa là tất cả những tiến bộ về mặt tình cảm mà họ có được ở kiếp vừa rồi, được gồm trong thể tình cảm mới (y phục thông thường), vật sẽ giúp linh hồn sinh hoạt trong kiếp mới này.

"Thể mới ấy chứa đựng trong đó kết quả công việc họ làm trong những năm sống ở cõi tình cảm, thí dụ nếu họ học hỏi sâu rộng về nhạc thì trong kiếp sau ở cõi trần, họ có sự thúc giục muốn học nhạc như là một nghề hay để giải trí, và phát triển năng khiếu về nhạc là chuyện rất dễ dàng đối với họ. Thể tình cảm mới này nhạy cảm nhiều lần so với thể có trước đây, theo nghĩa nó có thể ghi nhận tình cảm mạnh mẽ hơn thể đã bỏ.

"Kế tiếp chân nhân phải có một thể xác (áo khoác ngoài). Vật này có được nhờ sinh ra theo cách bình thường vào một gia đình trên thế giới. Thể xác không nhất thiết phải là loại tốt đẹp hơn thể xác của kiếp vừa qua, mà phần nhiều tuỳ thuộc vào những bài học phải học trong cuộc đời mới, và thể xác có được là thể cần có vào lúc ấy. Quyết định đầu tiên phải làm là thực hiện các thay đổi về tính khí. Câu trả lời cho việc này ấn định nhiều chuyện khác nhau, đầu tiên là chân nhân sẽ sinh vào quốc gia nào vì mỗi quốc gia có những đặc tính nổi bật.

"Vì anh là người Anh, tôi sẽ lấy nước của anh làm thí dụ cho việc này. Lòng tận tụy với bổn phận có lẽ là tính chất trội hơn hết của người Anh. Nếu chân nhân sắp tái sinh, trong những kiếp vừa qua từ chối không chịu đương đầu với khó khăn – nó có thể còn hèn nhát đến mức tự tử trong một kiếp trước – thì hiển nhiên nó thiếu các đặc tính là một phần nổi bật của nước Anh; thế thì một kiếp làm con dân nước này chắc chắn sẽ tạo dựng cho đặc tính của họ điều cần có vào lúc ấy, để tới cuối đời tính khí của họ sẽ thay đổi đáng kể.

"Khi đã có quyết định về quốc gia đã sinh vào, nay chuyện cần thiết là chọn gia đình thích hợp trong nước ấy, đây là vấn đề phức tạp đòi hỏi đến chi tiết và là điều không hề do may rủi mà ra. Có thể có hàng chục gia đình cho linh hồn cùng môi trường mà nó cần, nhưng có thể nó không chọn được những gia đình ấy, vì hành động trong quá khứ của nó khiến nó không có đặc ân được sinh ra trong hoàn cảnh đáng ước ao. Gia đình phải được chọn sao cho linh hồn tiếp xúc được với một số dây liên kết mà cá nhân đã tạo trong quá khứ. Dây liên kết hay duyên sinh ra do tình thương, lòng thù ghét, hôn nhân, cha mẹ, là cha của trẻ ngoại hôn, bỏ rơi thiếu nữ lúc cô gặp lúc khó khăn, v..v.., và bất cứ karma nào tạo ra trong những trường hợp này đều cần được giải quyết.

"Quyết định khác phải làm là câu hỏi về tính di truyền, sự việc được xem xét là chân nhân có xứng được hưởng sức khỏe tốt lành hay phải chịu bệnh tật, mặt mũi xinh đẹp hay chỉ có diện mạo trung bình, trí não đáng được thông minh tới đâu. Việc khác được cân nhắc là linh hồn có được cha mẹ thích hợp ra sao, loại cha mẹ và cuộc hôn nhân giữa hai người có hòa hợp; chân nhân có nên sinh ra với bà mẹ muốn có con và do đó bà làm hết sức mình cho con có buổi đầu đời thuận lợi; hoặc nên sinh ra với cha mẹ đối đãi nó như linh hồn riêng biệt, xem xét những khả năng của nó lúc nhỏ như có thúc đẩy muốn học nhạc – điều mà không chừng linh hồn có được trong thời gian sinh sống vừa qua ở cõi trung giới –, hoặc có cha mẹ làm nó nản lòng vì không quan tâm đến ước muốn đó, và can thiệp vào sinh hoạt của con ngay cả khi nó đã trưởng thành; cha mẹ cũng được chọn là người có tính khoan hoà về tôn giáo hay không khoan hoà.

"Những xếp đặt ấy được thực hiện, ngày tháng thuận lợi theo khoa chiêm tinh được chọn và linh hồn chào đời. Nay công việc của chân nhân là vượt qua những trở ngại do hoàn cảnh lúc sinh ra tạo nên; đôi khi có người sau này là vị lãnh đạo quốc gia lại sinh ra trong cảnh nghèo hèn và khốn khó. Ai khắc phục được khó khăn trên con đường của họ, chắc chắn sẽ liên kết với gia đình có nguyên tắc cao đẹp và trong hoàn cảnh đáng ước ao, khi trường hợp của họ lại được xem xét trong lần tái sinh tới.

"Trước khi kết thúc tôi phải đề cập tới đề tài hệ trọng là Dạy Con. Dựa theo những gì đã nói, hẳn anh có thể ý thức là do thái độ của cha mẹ đối với việc này, linh hồn được trợ lực hay ngăn trở rất nhiều trong cuộc tiến hoá của nó. Tương đối thì không có mấy người chú tâm vào nhu cầu của trẻ, nên hiện nay việc tìm gia đình thích hợp để hướng dẫn linh hồn đã tiến hoá theo đường của nó trở thành khó khăn. Để anh có thể nhận thức tầm quan trọng tột bực của việc dạy con, trước hết tôi sẽ nhắc tới vài điểm chính yếu liên hệ đến sự phát triển của con người.

"Sự phát triển của con người được chia thành giai đoạn từng bẩy năm một, mỗi chặng đánh dấu bằng việc xuất hiện một khả năng hay tính chất mới. Những bước này liên hệ chặt chẽ với sự phát triển về sinh hoạt của tuyến nội tiết trong cơ thể. Chuyện mà ta gọi là 'sinh ra' thì thật sự chỉ là việc sinh ra hình hài thể chất, thân xác đạt được hiệu năng cao độ trong thời gian tương đối ngắn so với những thể vô hình của linh hồn. Thai nhi nằm gọn trong lòng mẹ, là cái che chở nó suốt thời kỳ thai nghén, cũng y vậy những thể thanh hơn là thể sinh lực, tình cảm và trí mà tôi cố gắng giúp anh hiểu chút ít trong những buổi nói chuyện trước, được bao bọc trong vỏ bằng chất ether, chất liệu cõi trung giới, thượng giới trong lòng vũ trụ hay thiên nhiên, cho tới khi nó phát triển đủ để chịu được tình trạng của cõi trần.

"Ta không thể thúc ép sự phát triển thể chất bên trong lòng mẹ thì cũng tương tự vậy, không nên có nỗ lực nào nhằm thúc ép sự nẩy nở của những thể thanh lúc chúng còn nằm trong lòng thiên nhiên, mà phải để nó diễn ra tự nhiên theo sự hướng dẫn thích hợp cho trẻ. Bởi thế cha mẹ phải sẵn lòng làm người hướng dẫn, cố vấn và là bạn của con mình cho tới khi chúng được 21 tuổi, khi ấy thể trí của chúng phát triển đầy đủ và để cho con có thể thành người lớn tự tin, mọi kiểm soát của cha mẹ phải ngưng hẳn. Sau đó cha mẹ chỉ nên có lời khuyên nếu con hỏi xin, do việc họ có kinh nghiệm hơn. Ràng buộc con vào mình như cha mẹ ích kỷ hay làm, viện cớ này hay cớ kia, là gây tổn hại cho cả con và cha mẹ.

"Ba giai đoạn (mỗi cái dài bẩy năm) đầu tiên trong sự phát triển của người được đánh dấu bằng việc sinh ra, việc hoàn tất thể sinh lực lúc bẩy tuổi, thể tình cảm lúc 14 tuổi là tuổi dậy thì, còn thể trí chỉ hoạt động đầy đủ từ lúc 21 tuổi. Nơi trẻ sơ sinh, chỉ những tính chất tiêu cực của các thể này linh hoạt và trước khi linh hồn có thể sử dụng trọn vẹn các thể khác nhau, đặc tính tích cực của mỗi thể phải được chín muồi.

"Trong bẩy năm đầu tiên của kiếp sống, lực sinh hoạt dọc theo cực âm của chất ether được linh động, nên trẻ trong lứa tuổi này có thông nhãn (clairvoyance) mang tính âm giống như người đồng cốt; ấy là lý do tại sao trẻ nhỏ có bạn vô hình chơi với chúng mà người lớn không thấy là điều hết sức tự nhiên.

"Về sau theo cùng cách thức, lực làm việc trong thể tình cảm chỉ khiến cảm giác có tính thụ động cho đến khi tính chất tích cực phát triển; tuy tình cảm tự do biểu lộ trong thời gian này nhưng chúng có tính thoảng qua chứ không lâu bền. Thời gian giữa năm 14 và 21 tuổi khi bản tính ham muốn phát ra sôi nổi không kiềm chế, có lẽ là năm tháng phải đối phó khó khăn nhất cho cha mẹ, vì họ phải học tính khoan dung và hiểu biết hết mức trong lúc ấy.

"Trẻ con rất nhậy cảm với lực tác động theo cực âm của cái trí, ấy là lý do tại sao chúng rất dễ dạy, dễ bắt chước và ta phải thông cảm trong cách đối phó cho tới khi các đặc tính tích cực thắng thế. Khi điều này xẩy ra thì linh hồn sẵn sàng và hăng hái muốn độc lập, và nó phải được cho làm vậy. Nó sẽ phạm lỗi lầm, mà tất cả chúng ta đều đã làm lỗi, ấy là một trong những cách thức quan trọng nhất để học bài học của mình.

"Trong những ngày đầu dưới trần, con người không được cha mẹ giúp đỡ mấy vì chính cha mẹ không có đủ kinh nghiệm về tiến hoá để giúp ai khác, nhưng lúc này hoàn cảnh đã thay đổi tới mức thuật làm cha mẹ (parenting) cần phải xem là khoa học ai ai cũng phải biết. Cha mẹ nào thực hành việc kế hoạch hoá gia đình và chỉ có hai hay ba con để chăm sóc, có thì giờ cần thiết để học tập và sẵn sàng làm vậy, là có thể tự trang bị cho mình hiểu biết để trở thành người hướng dẫn thích hợp cho con.

"Cha mẹ cần ý thức rằng trẻ con không phải đồ chơi được giao cho họ để muốn làm gì thì làm, mà họ là người đồng hành được thiêng liêng tin cẩn giao phó việc chăm sóc và hướng dẫn chúng. Cho trẻ có được hướng dẫn thích hợp là một trong những việc làm hệ trọng mà nhân loại được trao cho thực hiện; theo luật karma cha mẹ chịu trách nhiệm bằng cách họ thực hiện phần việc này, và theo đó mà cuộc tiến hoá riêng của họ diễn ra được mau hơn hay chậm lại.

"Trách nhiệm trong gia đình cần được chia sẻ đồng đều giữa cha và mẹ, mỗi người có phần việc phải làm và đóng góp vào việc nuôi dạy con. Thuật làm cha mẹ khôn ngoan chỉ thực hiện được với cha mẹ nào ít nhất đã học hỏi về sự phát triển con người, và sẵn lòng làm những hy sinh cá nhân. Để làm tròn phần việc giao phó cho mình, cha mẹ phải chuẩn bị để dạy bằng chính gương của họ. Bởi không có gì dễ bắt chước trong đời như một đứa trẻ, và thật ra bắt chước là phương pháp chính của nó để khôn lớn, thế nên cha mẹ phải tự luyện mình không bao giờ làm việc gì mà họ không muốn thấy con bắt chước.

"Để hướng dẫn sự phát triển tình cảm của trẻ, có hai đề tài cần được tự do thảo luận trong gia đình ngay từ những năm đầu tiên của trẻ, một là tính dục và cái kia là tôn giáo. Khi chuẩn bị làm cha mẹ, cha mẹ đã học khoa sinh học về cây cỏ, thú vật và con người và do đó hẳn không gặp khó khăn trong việc giải thích cho các con nguyên tắc về sinh sản trong các loài khác nhau, theo cách hợp với tuổi và mức hiểu biết của chúng. Cho trẻ rất nhỏ thì cha mẹ có thể tưởng tượng ra chuyện thần tiên lý thú trong loài thảo mộc, cho con xem nhụy cái và ví nó với thiếu nữ, nhụy đực với thanh niên; cho thấy phấn hoa và túi đựng phấn hoa ở chân con ong.

"Cha mẹ có thể nghĩ ra chuyện về nam và nữ, như so sánh noãn sào bên trong nhụy cái là công chúa bị nhốt trong lâu đài mong ước được giải cứu thoát cảnh cô độc, và thanh niên như nhụy đực sẵn sàng làm kỵ mã mặc áo giáp lên ngựa (tức con ong) đi tìm công chúa mà khi gặp thì thành hôn, để tới phiên cả hai có gia đình sinh con trai và con gái. Nghe có vẻ quá đơn giản và sơ đẳng nhưng dầu vậy không kém phần quan trọng, vì nguyên tắc sinh sản giống y như nhau ở các loài trong thiên nhiên, thế thì khi trình bày theo cách đơn giản này, phương pháp truyền giống nơi loài vật và loài người sau đó sẽ theo đúng diễn tiến và là chuyện hết sức bình thường.

"Tôn giáo có thể được giảng giải theo cùng cách thức. Ta không thể mong một trẻ nào hiểu được triết lý và tín điều của những tôn giáo khác nhau, điều ấy có thể đợi tới khi trẻ đến tuổi biết tự suy nghĩ. Trong thời đại này việc dạy giáo lý nên là dạy về cuộc đời và lời giảng của Đức Chúa lúc ngài dưới thế sử dụng thân xác của Đức Jesus, hay Đức Phật và giáo chủ của những tôn giáo khác. Nếu ta không biết gì khác hơn thì bấy nhiêu đó cũng đủ là khuôn mẫu tuyệt diệu cho người noi gương. Vì vậy hãy dạy giáo lý cho trẻ nhỏ bằng cách kịch hóa cuộc đời các vị giáo chủ, chúng là những bài học tinh tế về nhiều mặt cho người.

"Cũng giống như khi dạy về tính dục, giáo lý cần được đưa ra dưới hình thức thích hợp cho mức hiểu biết của trẻ, như chuyện viết bằng ngôn ngữ giản dị và trên hết thẩy lấy cha mẹ làm thí dụ. Nếu cha mẹ thực hành lời giảng trong kinh sách thì con cái sẽ làm theo, và chỉ dạy trong kinh sách tạo thành nền tảng vững chắc cho hiểu biết về Lòng Từ bao la và Tình Huynh Đệ đại đồng.

"Cha mẹ nào có được lòng khoan hoà và hiểu biết nhờ xem xét sự việc theo cái nhìn của con trẻ, theo quan điểm của chúng, nhận định theo cái trí của con, thì khi việc dạy con đã xong, họ ở trong vị thế thuận lợi nhất để biết chính mình và giúp người chung quanh một cách khoan hoà và khôn ngoan, đây chính là phần việc của cha mẹ vào giai đoạn phát triển của chính họ, phần việc mà tới phiên nó mang lại những đặc tính tích cực về mặt tinh thần cho cha mẹ.

"Tôi chỉ có thể cho anh nét đại cương rất ngắn gọn, về tầm quan trọng của sự hướng dẫn mà cha mẹ cho ra và làm gương trong việc dạy con, tôi không có giờ đi sâu vào câu hỏi về phương pháp giáo dục. Tất cả việc tôi có thể làm là vạch ra rằng chưa bao giờ nhu cầu đó lại to tát hơn, hay cấp bách hơn lúc này trên thế giới. Nếu cha mẹ tiếp tục từ chối bổn phận của mình, không muốn hy sinh 'thú vui' để nhận lấy việc làm cha mẹ, và nếu tiếp tục có đổ vỡ gia đình như hiện nay, khiến không còn tình thương và sự hiểu biết cần cho việc này, thì ta phải nghĩ đến câu hỏi là nuôi dạy trẻ trong viện và họp nhóm theo tuổi, do người được huấn luyện và thông cảm trẻ, không chừng là giải pháp khôn ngoan nhất cho vấn đề. Ít nhất đây có vẻ là thắc mắc cần phải được thăm dò. Tự nhiên là có biện luận đưa ra biện hộ cho cả hai cách, nhưng nếu quyết định nghiêng về việc dạy trẻ ở nhà thì phải có những biện pháp để vun trồng, và dạy thuật làm cha mẹ cho khôn ngoan.

"Tôi hài lòng là anh hiểu rằng con người không ngẫu nhiên mà có mặt trên đời. Anh đã ý thức rằng cần có vô số kiếp ở cõi trần nếu ta muốn có đủ kinh nghiệm để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử cần thiết, tái đi tái lại mãi. Anh đã tự mình chứng nghiệm rằng cái chết mà nhiều người trần sợ hãi, chỉ là việc chuyển từ trạng thái tâm thức này sang tâm thức khác, và không ai nên kinh sợ sự thay đổi ấy, ngay cả khi trước đó dù rằng thỉnh thoảng có đau đớn thể xác một chút.

"Anh đã biết rằng sự bất bình đẳng trong đời không do Tạo hóa Thiêng Liêng gây ra, thương người này và ghét kẻ nọ, mà bất bình đẳng là do mức độ khác nhau của người trên đường tới sự toàn thiện, hoặc sinh ra do hành động thiếu khôn ngoan của cá nhân trong những kiếp qua. Tôi tin chắc nay anh hiểu rằng không việc gì anh làm ở cõi trần bị phí phạm, vì vào cuối mỗi cuộc đời anh mang thành quả theo mình, chúng trở thành một phần của hạt nguyên tử trường tồn, là kho chất chứa hiểu biết của anh.

"Sau khi tôi rời anh hôm nay, một lần nữa anh lại là người duy nhất làm chủ vận mạng của mình. Tôi hy vọng là anh vẫn tiếp tục giữ mối liên kết đã nối lại giữa anh và Daphne, vì anh có thể giúp cô nhiều chuyện và đổi lại cô cũng giúp được anh. Định mạng xếp đặt cho hai người sẽ cùng nhau làm việc trong một kiếp tương lai, và hai bạn càng hiểu nhau thêm lúc này thì càng có tiến bộ khi tới ngày giờ cho hai người sống chung với nhau dưới thế.

"Trước khi qua đời không chừng anh sẽ gặp ở cõi trần một người anh cảm thấy bị thu hút, và có thể còn muốn lập gia đình. Nếu có việc ấy, hãy giải thích với Daphne điều anh muốn làm, vì sự dối gạt mang lại hậu quả của nó, ngay cả khi một người sống ở cõi tình cảm và người kia còn ở cõi trần. Dối gạt luôn luôn là chuyện không khôn ngoan vì nó tạo ra sự khó khăn, có thể sẽ mất nhiều kiếp mới giải trừ được hoàn toàn.

"Tôi không nghĩ là Charles sẽ làm anh bận tâm nhiều thêm. Bởi anh là linh hồn già dặn hơn em, hắn sẽ thấy khó mà theo anh trên con đường anh tưởng là thích hợp nhất cho hắn, nhưng anh vẫn có thể giúp được cho em và nối kết với hắn trong một kiếp mai sau, vì tình thương tạo nên dây ràng buộc rất mạnh. Đừng quên trách nhiệm anh đã nhận với Mary, vì tuy tôi không nghĩ là nó có gì nặng nhọc nhưng không thể lơ là vì anh đã nhận lấy cơ hội. Người cứu trợ ở cõi trung giới anh gọi là Jim có thể rất có ích cho anh và anh cho họ, vậy hãy vun trồng tình bạn đối với anh chàng khi nào có cơ hội.

"Hãy nhớ rằng hiểu biết được trao cho anh không phải để dành cho riêng mình mà thôi. Anh có trách nhiệm với những ai kém may mắn hơn anh, và tôi thật lòng tin rằng anh sẽ không bao giờ quên điều này. Mọi hiểu biết chân thật phải được chia xẻ mà không giữ làm lợi riêng cho người có nó; tôi có thể đoan chắc với anh rằng chẳng những anh sẽ hạnh phúc hơn khi chia xẻ hiểu biết với người khác, mà họ cũng vậy, họ sẽ có lợi nhờ sự giúp đỡ của anh. Anh có thể thấy là nhiều người khi được trao cho bánh hiểu biết này lại không muốn ăn nó. Kẻ như thế chưa sẵn sàng với hiểu biết mà anh trao tặng, nhưng điều ấy không nên ngăn anh cho họ cơ hội lắng nghe điều anh muốn trình bầy.

"Nay tới lúc tôi chào từ giã. Nó không có nghĩa là chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nữa, bởi mối dây chúng ta tạo nên trong những tuần qua sẽ có hệ quả tất nhiên của nó. Duyên một khi sinh ra thì khó mà gẫy đổ hoàn toàn. Sau khi rời anh tôi sẽ không còn biết anh làm gì, như đã từng được phép biết trong giai đoạn ngắn ngủi này hầu chỉ dẫn giúp anh, nhưng tôi tin chắc là tiến bộ anh đã có sẽ được duy trì.

"Nếu trong tương lai bất cứ khi nào thấy cần đến tôi, hãy tạo hình tư tưởng thật mạnh tượng hình của tôi, và phát ra vào không trung ước muốn tiếp xúc với tôi. Có thể tôi không tiện đáp lời kêu gọi của anh ngay tức khắc, nhưng anh có thể tin chắc là tôi đã nhận được nó, và sẽ tiếp xúc với anh ngay khi công việc cho phép làm như vậy. Tôi rất cám ơn sự hiểu biết anh tỏ ra vào những lúc mà lời nói của tôi tỏ ra chỉ trích anh và người khác trong đời. Xin hãy tin rằng tôi không có ý đó.

"Một trong những triết gia cao cả có lần nói rằng: "Khi đệ tử sẵn sàng thì Chân Sư luôn có đó". Điều ấy rất đúng vì dù khó khăn của anh có là bao đi nữa, anh vẫn không hề phải một mình đối đầu với việc. Các Ngài không bỏ rơi kẻ nào làm việc cho các Ngài. Nỗ lực của anh đã khiến anh tiếp xúc được với vài đấng Cao Cả đang gắng sức hướng dẫn bước chân của chúng ta, trên đường thích hợp cho tiến triển của ta. Phản ứng của anh đối với sự giúp đỡ của các Ngài đã khiến cho anh được tiếp xúc gần hơn với các Vị ấy. Các Ngài biết giới hạn và khó khăn của ta, các Ngài chỉ chờ đợi ta hỏi xin trợ lực tức cho phép các Ngài trợ giúp, và lập tức sự trợ giúp đó tới ngay.

"Mong sao sự Bình An mà các Ngài kiên nhẫn làm việc để mang lại cho thế gian, ở cùng anh và những ai tìm cách làm nhẹ bớt gánh nặng của nhân loại. Tôi tạm biệt anh, cho đến khi theo ý Trời ta sẽ gặp nhau lần nữa."

Một tháng đã trôi qua kể từ khi tôi viết xong những ghi chú về cuộc nói chuyện sau cùng của Acharya, và ngay cả lúc này tôi thấy khó mà cảm nhận là thầy không còn đến thăm nữa. Tôi đã quen mong chờ những buổi gặp gỡ hàng ngày ấy theo cách mà tôi không thể tin được là có được hồi hai tháng trước đó; tôi vô cùng sung sướng thấy mình có vẻ nhớ vào mỗi sáng nhiều chuyện đã làm hồi đêm, vì ban đầu tôi tự hỏi khả năng nhớ lại chuyện sẽ có mất chăng sau khi sự liên kết về trí não của tôi và Acharya bị cắt đứt.

Mấy đêm trước, khi tới thăm Daphne, tôi hỏi nàng về những phần tôi quên trong chuyến đi thăm Kim Đô của hai chúng tôi. Như Acharya đã nói thật đúng, nàng nhớ chuyện đức Chúa làm như hiện ra giảng trước đám đông đang tụ họp, nhớ rõ ràng những chuyện khác chúng tôi làm trong đêm ấy. Vì vậy tôi quyết định rằng những đêm nào mà tôi thí nghiệm cùng với Daphne, sau đó tôi phải nhớ kiểm lại với nàng. Tôi đã làm bạn với vài người sống trong thung lũng như Daphne, thấy rõ là họ không phản đối việc lâu lâu tôi đến chơi, dù vào lúc này tôi chưa phải là cư dân thường trực trong cộng đồng của họ.

Hai đêm trước tôi quyết định tự mình đi lên cảnh thứ sáu vì trong một thời gian dài tôi từng mong ước có một chuyến đi trên một trong những chiếc thuyền nhỏ neo bên bờ hồ. Khi tới nơi tôi thấy hai chiếc còn trống, chiếc thứ ba có một người đơn độc dùng và đã đi gần phân nửa chặng đường. Tôi lấy một chiếc thuyền còn lại, gỡ dây buộc neo thuyền, nó lướt ngay đi không chờ tôi làm gì thêm, đi vòng quanh hồ theo hướng ngược chiều kim đồng hồ, và lúc nào cũng không xa bờ hơn 50 thước, y như tôi được nghe nói về thuyền.

Tôi cố công tham thiền và thấy rằng tuy dưới trần tôi chưa hề thành công về mặt đó, điều kiện ở cảnh này nơi cõi trung giới làm cho sự việc hóa dễ hơn. Tôi thử gieo ấn tượng về Hoà Bình cho những ai vào lúc này lèo lái vận mạng đất nước của họ, tôi thấy làm kẻ thù của ta muốn có hoà bình thì cũng quan trọng như làm chính phe ta muốn có. Chắc tôi không sao biết được nỗ lực của mình có lợi ích gì, nhưng ít nhất tôi đã xử dụng quyền năng tư tưởng, cái sinh ra kết quả hết sức kỳ diệu ở những cảnh cao. Tám giờ đồng hồ trôi qua, tôi cảm thấy có thúc giục phải trở về và dường như tôi không có hành động chi, lập tức tôi bị buộc phải rời thuyền quay lại cõi trần. Từ đó tôi thắc mắc cái gì xẩy ra cho con thuyền, nó vẫn còn trôi quanh hồ hay dòng nước ngưng không ảnh hưởng thuyền nữa khi vòng đi đã xong?

Tôi gặp Mary nhiều bận trong tháng qua, vì lời tiên đoán của Acharya rằng cô sẽ nhờ tôi nữa trong tương lai gần, hóa đúng trong vòng hai tuần sau khi tôi gặp cô lần cuối ở bệnh viện. Tôi ráng hết sức để cho Mary lời khuyên mà cô cần, và may mắn là bé Irene cũng có mặt trong đa số các buổi nói chuyện với chúng tôi. Em nhậy cảm hơn Mary rất nhiều nên tôi thấy là rất có thể em nhớ phần lớn những gì tôi chỉ dẫn, và sẽ nhắc lại cho chị nghe khi thức dậy buổi sáng.

Một đêm Jim trưng dụng tôi để phụ anh vì có nhiều người bỏ xác hơn. Công việc rất lạ lùng thích thú, tưởng tượng là diễn biến của những trường hợp thanh niên trẻ tuổi bị đẩy ra khỏi thân xác một cách đột ngột hẳn lúc nào cũng y hệt nhau, tuy nhiên tôi lại thấy cách thức thay đổi theo mỗi cá nhân. Dần dần tôi học được phải làm gì và cho Jim hay anh có thể gọi tôi bất cứ khi nào thiếu người; tôi nghĩ đây là cách khác để tỏ lòng biết ơn với sự giúp đỡ tôi đã nhận được, và hoan nghênh nó như bất cứ cơ hội nào đến với tôi.

Tôi không gặp Charles nữa, cũng như không có cách nào tiếp xúc được với em ngoại trừ gửi hắn tín hiệu S.O.S khi cần. Có lẽ hắn đang sống đời bình thường của mình ở cõi trung giới, và tôi thành tâm tin rằng chẳng những em hạnh phúc ở đó mà theo với thời gian, tôi sẽ có thể giúp đỡ ít nhiều cho em. Điều lý thú là nguyên nhân khiến tôi vô cùng đau khổ đến nỗi khiến Acharya đến chỉ dạy, nay lại có vẻ không quan trọng bằng những duyên khác mà tôi tạo nên. Nó cho thấy dù hiểu biết chỉ có chút ít lại có thể thay đổi trọn cái nhìn của ta.

Việc sống trong hai cảnh giới này làm tôi vô cùng bận rộn và tự nhiên là cũng hết sức lý thú. Đôi khi tôi cảm thấy cuộc sống ngoài thân xác mới là chuyện thật, và cuộc đời tôi ở thế giới cõi trần không quan trọng bằng. Tôi phải giữ cho mình đừng mê muội tin như thế, bằng không tôi sẽ thành người mơ mộng viễn vông, và có thể không thấy được tầm quan trọng của những bài học mà kiếp sống này sẽ dạy tôi.

Tôi không sao bầy tỏ được hết lòng biết ơn đối với những đấng Cao Cả cai quản hành tinh này. Trọn kế hoạch của việc quản trị địa cầu thật hữu lý, mỗi bước ta có xem ra là hệ quả tự nhiên của bước trước đó, và khó mà tưởng tượng là làm sao chuyện có thể khác hơn được. Điều tôi không hiểu là tại sao những chỉ dẫn đưa ra cho tôi lại không có nhiều người hơn biết đến trong thế giới. Thỉnh thoảng tôi mong được gặp Acharya, nhưng tôi dằn lại ước muốn phát ra ý kêu gọi thầy. Ông sống đời tuyệt diệu biết bao !

Đôi khi tôi tự hỏi ngày nào đó tôi có thể được dùng cho những mục đích tương tự chăng; nếu ước nguyện của tôi thành sự thật tôi hy vọng sẽ phụng sự Chân Sư, bất kể đó là Vị nào, tận tụy như Acharya đang làm, vẫn chưa quên lời dặn là phải chia sẻ với người khác bất cứ hiểu biết nào thâu thập được, và bằng cách ấy tỏ lòng biết ơn đối với sự giúp đỡ đã đến với tôi. Tôi sẽ tiếp tục ghi lại kinh nghiệm mà nếu thấy chúng lý thú với người khác, chắc chắn tôi sẽ nghĩ đến việc xuất bản cuốn tiếp theo cuốn này.

Bổn phận ghi lại những điều lạ lùng xẩy ra cho tôi trong mấy tuần qua nay đã hoàn tất. Còn ai đọc lời thuật này có chấp nhận chuyện đã diễn ra là thật hay không, thì không phải là việc của tôi.Tôi hài lòng là khi ghi chép nó tôi đã làm tròn phận sự của mình. Tôi tin chắc là ai có tai để nghe sẽ nhờ vậy được lợi ích.

Ta chớ quên lời mà vị Chân Sư Cao Cả nhất đã hứa với chúng ta khi Ngài nói:

Hãy Mừng Vui Bởi Những Vị Canh Giữ Vận Mạng Thế Giới

Không Hề Ngơi Nghỉ.

 


 
Suy ngẫm
  021.13. HÀNH TRÌNH MỘT LINH HỒN - GHI CHÚ  
  022. Tiền kiếp và luân hồi  
  023. Những bí ẩn của cuộc đời  
  10 bí quyết cho hạnh phúc  
  10 Bí Quyết Của Người Thành Ðạt Cao  
  10 Bước tìm kiếm bản thân  
  10 chuẩn mực đạo đức cơ bản của phật giáo  
  10 chướng nạn của Đức Phật Thích Ca  
  10 khác biệt giữa tầng lớp trung lưu và những người giàu có  
  10 loại người mà bạn kg nên giúp đỡ  
  10 lời khuyên để thành đạt!  
  10 lý do ngăn cản bạn làm giàu  
  10 nghịch lý của cuộc sống  
  10 nghịch lý thời đại!  
  10 phương pháp tạo phước đức  
  10 điều lãng phí nhất trong cuộc đời bạn  
  10 điều tâm yếu (10 hạnh lành) của người phật tử  
  10 điều vô giá không thể mua bằng tiền  
  11 thứ có thể cho đi khi bạn nghĩ bạn chẳng còn gì ..?  
  12 duyên lành trong cuộc sống  
  12 điểm nhận diện tướng mạo người phụ nữ giàu có và may mắn  
  12 điều bạn sẽ hối hận nếu không làm ngay bây giờ  
  12 điều cần biết về nghiệp (có thể sẽ thay đổi được cuộc sống của bạn)  
  14 bí quyết để luôn chiến thắng trong các cuộc tranh luận  
  14 nguyên tắc khởi nghiệp thành công  
  18 câu hỏi giúp bạn khám phá bản chất và ý nghĩa cuộc sống của mình  
  18 điều tạo nên nhân cách tốt đẹp trong mỗi chúng ta  
  2 từ Cám ơn và Xin lỗi  
  20 điều thuộc về bạn  
  24 bài học đáng giá về hôn nhân bạn không nên bỏ qua  
  24 điều cần ghi nhớ trong cuộc sống  
  26 điều quý hơn tiền bạc và danh vọng  
  26 Điều thú vị trong cuộc sống  
  4 bài thể dục tinh thần  
  4 chữ "tự" cần khắc cốt ghi tâm nếu muốn thành công  
  4 quy tắc tâm linh của người Ấn Độ  
  5 cách giữ gìn tình bạn đẹp  
  5 cách để trở nên tự tin!  
  5 chìa khoá vàng mở toang cánh cửa bế tắc  
  5 chữ Bình  
  5 chữ D cho một sự nghiệp thành công  
  5 việc cần làm trong đời  
  5 điều khiến bạn hạnh phúc hơn  
  6 cách tạo ra nghiệp thiện lành  
  6 câu hỏi định hướng cuộc đời  
  6 nguyên tắc làm chủ cảm xúc  
  6 nguyên tắc sống còn để lấy được chồng tốt  
  6 thời điểm thích hợp để im lặng  
  6 điều những người hạnh phúc không bao giờ làm  
  6 điều phật dạy về tình thương  
  6 điều quyết định hạnh phúc  
  66 câu cửa Phật mà bạn nên biết.  
  7 bài học sâu sắc từ người xưa  
  7 bước để thành đạt  
  7 lời dạy của Đạo Phật cho cuộc sống tốt đẹp hơn  
  7 việc nhất định không làm, nếu làm thì sớm hay muộn cũng bị báo ứng  
  7 điều giúp bạn tìm được mục đích của cuộc sống  
  7 điều hạnh phúc mà ta hay lãng quên  
  7 điều không ai nói với bạn về hôn nhân  
  72 Phép Thần Thông  
  8 cách tư duy cho kết quả vượt trội  
  8 điều cần nhớ khi bạn thấy bế tắc  
  8 Điều về thế giới  
  9 ân đức của cha mẹ  
  9 bài học làm người dành cho con trẻ  
  9 kỹ năng cần thiết với sinh viên  
  9 sai lầm của văn hóa đọc  
  A friend... - Định nghĩa qua 24 chữ cái...  
  Ai cho tôi sống trung thực?  
  Ai cũng có thể gặp may mắn  
  Ai cũng có thể thương yêu  
  Ai là người bạn nghĩ đến đầu tiên!  
  Ăn chay chuyển hóa được tướng yểu  
  Ân tình trong sự tha thứ  
  Ánh Sáng Chân Tâm - MIND OF CLEAR LIGHT  
  Ảo tưởng nhiều quá nên khổ đấy!  
  Áp dụng thuyết Nhân-Quả để cuộc sống tốt đẹp hơn  
  Ba câu chuyện đáng để ta suy ngẫm  
  Ba điều giá trị  
  Bài học  
  Bài Học Cho Cuộc Sống  
  Bài học từ hươu cao cổ  
  Bài học từ thiền sư: Làm sao để bạn luôn vui vẻ và hạnh phúc  
  Bài học từ trò chơi ghép hình  
  Bài học đạo đức  
  Bạn bè  
  Bản chất của thành công  
  Bạn có bao giờ để ý rằng...  
  Bạn có sợ... cô đơn?  
  Bạn hay thù  
  Bạn may mắn hơn bao nhiêu người???  
  Bạn nên có  
  Bạn thấy gì ở tấm hình này ?  
  Bàn về sự Dối Trá  
  Bạn xứng đáng  
  Bạn, tôi và triết lí Cà Chua  
  Bảng Chữ Cái Cho Cuộc Sống  
  Báo hiếu và bồ đề tâm  
  Bát Chánh  
  Bất công vấp ngã  
Trang 1/9 : 1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9  Trang sau