Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 75
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Tôn Tĩnh & Chu Nhiên
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 75
Quang Vân Trường cạo xương chữa thuốc;
Lã Tử Minh áo trắng sang đò.
 

Tào Nhân thấy Quan Công bị tên ngã ngựa, vội vàng kéo quân ra thành, bị Quan Bình đánh một trận dữ dội phải lộn trở vào.


Quan Bình cứu được Quan Công đem về trại, rút mũi tên ra.


Nguyên đầu mũi tên có thuốc độc, đã thấm vào xương cánh tay phải sưng lên xám ngắt, không cử động được.

Quan Bình vội vàng bàn với các tướng rằng:

- Phụ thân tôi nếu bị hỏng cánh tay thì đánh giặc sao được? Chi bằng tạm lui về Kinh Châu điều trị đã.


Nói đoạn, cùng kéo vào trướng ra mắt Quan Công.

Quan Công hỏi:

- Các ngươi vào đây có việc gì?

Các tướng bẩm:

- Chúng tôi thấy cánh tay quân hầu đau nặng, ngại khi lâm trận không tiện, bàn nhau nên rút nhau về Kinh Châu, chữa thuốc cho khỏi rồi sẽ hay.

Quan Công nổi giận mắng rằng:

- Ta chỉ nay mai lấy được Phàn Thành, lấy xong Phàn Thành, thì kéo ùa vào ngay Hứa Đô, giết phăng Tào Tháo, để yên nhà Hán. Có đâu vì một vết thương nhỏ, mà bỏ mất việc lớn, sao các ngươi dám làm nản bụng quân ta?


Quan Bình nín lặng trở ra. Các tướng thấy Quan Công không chịu rút quân về, mà vết thương thì mãi không khỏi, mới sai người đi khắp mọi nơi tìm danh sư về chữa.


Bỗng một hôm, có người từ Giang Đông bơi một chiếc thuyền nhỏ đến thẳng trước trại. Lính canh đưa vào ra mắt Quan Bình. Bình thấy người ấy đội khăn vuông, mặc áo rộng tay xách một cái túi xanh, tự xưng là người ở Tiêu Quận họ Hoa tên Đà, tự là Nguyên Hoá. Nhân thấy Quan tướng quân là anh hùng thiên hạ, nay trúng phải tên thuốc độc, cho nên xin lại chữa thuốc.


Bình hỏi:

- Có phải trước ông đã chữa cho Chu Thái ở Đông Ngô đó không?

Đà thưa:

- Phải.

Bình mừng lắm, lập tức dẫn các tướng Hoa Đà vào ra mắt Quan Công.

Bây giờ Quan Công đau cánh tay nặng lắm, nhưng sợ bụng quân xôn xao phải cố gượng ngồi đánh cờ với Mã Lương cho tiêu khiển.


Thấy có thầy thuốc đến. Quan Công liền cho mời vào. Hoa Đà ra mắt, lạy xong, mời ngồi chơi uống nước. Đà xin coi bệnh. Quan Công cởi áo giơ tay ra cho Đà xem.

Đà nói:

- Đây là mũi tên có thuốc độc bằng vị ô đà, đã thấm vào xương rồi, nếu không chữa nhanh, thì cánh tay này hỏng mất.


Quan Công nói:

- Dùng cách gì chữa cho được?

Đà nói:

- Tôi đã có phép chữa, nhưng chỉ ngại ngài ghê sợ mà thôi.

Quan Công cười, nói rằng:

- Ta coi cái chết như bỡn, có việc gì mà lo sợ?


Đà nói:

- Phải tìm một chỗ yên tĩnh, chôn một cái cột, trên cột đóng một cái vòng sắt, rồi ngài xâu cánh tay vào cái vòng ấy, lấy dây buộc chặt lại rồi đem chăn trùm kín đầu đi, để tôi dùng dao nhọn rạch chỗ thịt ấy tới xương, cạo sạch chất độc, rịt thuốc vào và khâu lại; có thế mới chữa được khỏi ngay, nhưng chỉ ngại ngài sợ hãi thôi.

Quan Công cười, nói rằng:

- Tưởng thế nào? Chớ dễ như thế, thì can gì phải dùng đến cột với vòng sắt!

Bèn sai mang rượu ra thết đãi Hoa Đà. Đà uống xong vài chén. Quan Công vẫn cứ việc đánh cờ với Mã Lương và giơ cánh tay ra cho Hoa Đà rạch.


Đà tay cầm một con dao con, sai một tiểu hiệu bưng chậu hứng máu.


Đà nói:

- Tôi hạ thủ đây, xin quân hầu chớ ngại.

Quan Công nói:

- Tha hồ cho thầy chữa, ta không như kẻ tầm thường sợ đau đâu!

Đà cầm dao rạch miếng thịt vào đến xương thì thấy trên chỗ xương đã xanh cả ra, Đà cạo trên xương tiếng kêu ken két, xung quanh ai trông thấy cũng lè lưỡi sởn gai. Quan Công thì cứ uống rượu đánh cờ, cười nói như không, tựa hồ không đau đớn chút nào.


Một lát, huyết chảy ra đầy một chậu. Đà cạo hết chất độc, rịt thuốc vào lấy chỉ khâu lại. Quan Công cười to một tiếng, đứng dậy bảo với các tướng rằng:

- Cánh tay này co ruỗi như thường rồi, không thấy đau nữa, tiên sinh quả thật là thần y!


Đà nói:

- Tôi đi chữa thuốc một đời người, chưa thấy gan như thế, quân hầu quả thật là người nhà trời!

Người sau có thơ khen rằng:

Khoa trong cũng phải có khoa ngoài,
Thuốc giỏi trên đời dễ mấy ai?
Quan tướng người thần duy có một,
Hoa Đà thuốc thánh cũng không hai!

Quan Công khỏi đau, mở tiệc yến khoản đãi Hoa Đà. Đà dặn rằng:

- Cái nhọt tên của ngài, tuy rằng khỏi, nhưng còn phải giữ gìn, chớ có quá tức giận mà vỡ vết thương ấy thì khốn. Ngoài trăm ngày mới bình phục được như cũ.


Quan Công tạ Hoa Đà một trăm lạng vàng, Đà không chịu nhận, nói rằng:

- Tôi nghe ngài là người cao nghĩa, cho nên đến chữa giúp đó thôi, chứ có mong gì ngài báo ơn đâu!

Nói rồi, nhất định không chịu nhận một ly nào, lại để lại một phong thuốc để rịt vào vết thương, rồi từ biệt ra đi.


Quan Công lại đòi thân hành ra đánh, Quan Bình hết lời năn nỉ, khuyên can rồi mình cùng Liêu Hóa dẫn quân, ngày đêm vây đánh Phàn Thành.


Lại nói Quan Công từ khi bắt sống Vu Cấm, chém chết Bàng Đức, uy danh lừng lẫy, khắp vùng Hoa Hạ đều kinh sợ. Tin ấy báo về Hứa Đô, Tào Tháo giật mình, hội cả văn võ lại bàn định rằng:

- Ta vẫn biết Vân Trường trí dũng trùm một đời, nay chiếm được cả Kinh Tương, khác nào hổ kia mọc cánh. Vu Cấm bị bắt, Bàng Đức bị chết, quân Nguỵ mất cả nhuệ khí. Phòng thử y kéo ùa đến Hứa Đô, thì làm thế nào? Ta phải thiên đô tránh trước đi mới được.


Tư Mã Ý can rằng:

- Đại vương chớ nên thiên đô. Bọn Vu Cấm thua vì bị nước ngập, chớ không phải tại lỗi đánh nhau, chưa tổn hại gì đến việc lớn nhà nước. Nay Tôn, Lưu hai bên không hoà với nhau; Vân Trường đắc chí, Tôn Quyền tất không bằng lòng, đại vương nên sai sứ sang Đông Ngô, bày tỏ lợi hại, sai Tôn Quyền ngầm cất quân chặn đường của Vân Trường; hứa rằng khi nào thành việc sẽ cắt Giang Nam phong cho Tôn Quyền, như thế thì Phàn Thành tự nhiên giải được vây.


Chủ bộ là Tưởng Tế nói rằng:

- Trọng Đạt nói phải đấy! Nay nên sang sứ sang Đông Ngô ngay đi, chớ đừng thiên đô mà náo động nhân dân!

Tháo nghe lời, không dời đô nữa; rồi than thở bảo với mọi người rằng:

- Vu Cấm theo ta hơn ba chục năm trời, ai ngờ gặp lúc nguy nan lại hoá ra không bằng Bàng Đức. Nay một mặt sai sứ sang Đông Ngô, một mặt phải có đại tướng ra chống nhau với giặc mới được.

Tháo nói vừa dứt lời, thì Từ Hoảng bước ra thưa rằng:

- Tôi xin cự nhau với Vân Trường!


Tháo mừng lắm, sai ngay Từ Hoảng làm đại tướng, cho Lã Kiền làm phó tướng, dẫn năm vạn tinh binh đi liền ngay hôm ấy đến đóng ở gò Dương Lăng, chờ khi nào mặt đông nam có quân tiếp ứng, thì sẽ tiến đánh.


Lại nói, Tôn Quyền tiếp được thư của Tào Tháo, xem xong mừng rỡ, nhận lời ngay, viết thư giao cho sứ giả về trước, rồi hôi văn võ lại bàn bạc.


Trương Chiêu nói:

- Vân Trường mới bắt Vu Cấm, chém Bàng Đức uy danh lừng lẫy vùng Hoa Hạ, Tào Tháo muốn thiên đô để lánh đi. Nay Phàn Thành nguy cấp, mới sai sứ đến cầu cứu, chỉ sợ xong việc rồi, thì y lật lọng chăng?

Quyền chưa kịp nói, thì có Lã Mông bơi chiếc thuyền nhỏ từ Lục Khẩu đến, xin vào bẩm một việc.

Quyền đòi hỏi việc gì. Mông thưa rằng:

- Vân Trường hiện đang vây Phàn Thành, ta nên thừa lúc y vắng nhà, mang quân sang đánh úp lấy Kinh Châu.


Quyền hỏi:

- Ta muốn sang mặt bắc lấy Từ Châu, nên không?

Mông thưa:

- Tào Tháo nay ở Hà Bắc, chưa rỗi mà trông nom đến mặt đông, quân giữ Từ Châu cũng chẳng có mấy, nếu đánh là lấy được ngay, nhưng địa thế ở đó, đánh trên bộ thì tiện hơn đánh mặt thuỷ, mà dù có lấy được, nhưng khó giữ lắm. Chi bằng hãy lấy Kinh Châu trước, giữ suốt cả sông Trường Giang, rồi sau sẽ liệu.


Quyền nói:

- Ta vẫn muốn lấy Kinh Châu, nói thế là thử ngươi đấy mà thôi! Ngươi nên tính ngay việc ấy cho ta, ta cũng cất quân ngay để tiếp ứng cho.

Lã Mông từ biệt Tôn Quyền, về đến Lục Khẩu. Có tiễu mã về báo rằng:

- Trước dưới ven sông, cứ cách hai chục dặm, hoặc ba chục dặm, trên các gò cao, đều có ụ đốt lửa cả. Lại nghe quân mã Kinh Châu tề chỉnh lắm, chắc là có chuẩn bị rồi.


Lã Mông giật mình, nói rằng:

- Nếu như thế thì khó đồ được mất rồi! Trước mặt Ngô hầu, ta trót khuyên lấy Kinh Châu, nay biết xử trí làm sao cho được?


Mông nghĩ ngợi mãi, không có mẹo gì mới cáo ốm và cho người về báo với Tôn Quyền


Quyền thấy vậy trong bụng buồn rầu lắm.

Lục Tốn thưa rằng:

- Tử Minh giả ốm đó, không phải ốm thật đâu!

Quyền nói:

- Bá Ngôn đã biết là giả, thì thử đi xem ra sao.

Lục Tốn lĩnh mệnh, đến Lục Khẩu ra mắt Lã Mông, quả nhiên Mông không có dáng gì đau ốm cả, Tốn nói:

- Tôi phụng mệnh Ngô hầu đến thăm quý thể ra làm sao.


Mông nói:

- Tôi hơi yếu một chút, dám đâu phiền đến hỏi thăm!

Tốn nói:

- Ngô hầu mang trách nhiệm to giao phó cho ông, ông không nhân lúc này mà làm phăng ngay đi còn để bận bịu trong bụng làm gì?

Lã Mông giương mắt nhìn Lục Tốn, nín lặng hồi lâu.

Tốn lại nói:

- Tôi có một phương thuốc, trị được bệnh của tướng quân, không biết ông có dùng không?

Mông mới đuổi tả hữu ra ngoài, rồi hỏi rằng:

- Bá Ngôn có phương nào hay, xin dạy bảo ngay cho!

Tốn cười, nói:

- Bệnh của Tử Minh, chẳng qua chỉ vì quân Kinh Châu nghiêm chỉnh, và ven sông lại có ụ khói lửa đó thôi. Tôi có một mẹo này, khiến cho những quân giữ bờ sông, không đốt được lửa lên, mà quân Kinh Châu phải bó tay chịu hàng, thì thế nào?


Mông giật mình nói:

- Bá Ngôn nói vậy, như trông thấy cả gan phổi tôi, vậy thì mẹo mực ra sao, xin dạy ngay cho.

Tốn nói:

- Vân Trường cậy mình là anh hùng, nhưng chỉ còn e có tướng quân đấy thôi. Giá thử tướng quân thử ốm, từ chức lui về, giao công việc cho người khác, để cho người ấy phỉnh phờ Quan Công còn làm cho y kiêu ngạo hơn nữa; y tất rút hết quân Kinh Châu kéo ra Phàn Thành. Nếu Kinh Châu không có phòng bị gì, ta chỉ dùng một đạo quân, tìm mưu lạ sang sông mà đánh úp lấy, chắc chắn Kinh Châu ở trong tay ta rồi.


Lã Mông mừng rỡ, nói rằng:

- Thế mới thực là mẹo giỏi!

Sau đó, Lã Mông giả vờ ốm nặng, dâng thư từ chức.

Lục Tốn về ra mắt Tôn Quyền, thuật lại kế ấy. Quyền cho triệu Lã Mông về Kiến Nghiệp dưỡng bệnh. Mông về đến nơi, Quyền hỏi rằng:

- Trách nhiệm ở Lục Khẩu, ngày xưa Chu Công Cẩn tiến Lỗ Túc để thay chân. Khi Lỗ Túc mất, lại tiến ngươi để kế vào chức ấy. Nay ngươi cũng nên tiến một người nào có tài có tiếng, để thay ngươi, thì chẳng hay lắm ru?

Mông thưa:

- Nếu dùng người danh vọng, thì Vân Trường tất nhiên phải đề phòng. Có Lục Tốn ý tứ sâu xa, mà chưa có danh tiếng gì, Vân Trường tất không coi vào đâu. Nếu dùng người ấy thay tôi, thì việc ắt xong.

Quyền mừng lắm, ngay hôm ấy phong cho Lục Tốn làm thiên tướng quân hữu đô đốc, thay Lã Mông coi giữ Lục Khẩu.


Tốn từ tạ nói rằng:

- Tôi còn ít tuổi, học hành chưa có gì, sợ không gánh nổi việc to.

Quyền nói:

- Tử Minh đã cử ngươi lên, tất không nhầm lẫn, ngươi không được từ chối nữa.

Tốn phụng mệnh nhận lĩnh ấn thụ, ra ngay Lục Khẩu.


Bàn giao công việc trong ba quân mã, thuỷ, bộ đâu đấy, Tốn lập tức viết một phong thư, sai người mang ngựa quý, gấm lạ, rượu ngon và đồ lễ vật khác, đem đến Phàn Thành vào lễ Quan Công.


Bấy giờ, Quan Công đang chữa vết thương, đóng quân một chỗ chưa động. Chợt có tin vào báo rằng:

- Tướng giữ Lục Khẩu bên Đông Ngô là Lã Mông đau nặng, Tôn Quyền đem về Kiến Nghiệp điều trị, sai Lục Tốn thay chân Lã Mông. Tối nay đến nhậm chức sai người đem thư và lễ vật đây, xin vào bái kiến tướng quân.

Quan Công đòi sứ giả vào, bảo rằng:

- Tôn Quyền nay sao quẫn thế, sai thằng trẻ con làm tướng à?

Sứ giả phục xuồng đất kêu rằng:

- Lục tướng quân tôi, có đồ lễ và thư đến đấy dâng trình quân hầu. Một là mừng quân hầu, hai là cầu đôi bên được hoà hiếu với nhau, xin quân hầu chiếu cố đến cho.

Quan Công mở thư ra xem, thấy lời lẽ khiêm tốn lắm.


Xem xong, ngẩng mặt cười ấm cả lên, rồi sai tả hữu thâu lễ vật, cho sứ giả về.


Vương Phủ nói:

- Tướng quân hãy đề phòng, sợ bên trong có sự gian trá.

Quan Công nói:

- Ta đã tính cả rồi, My Phương và Phó Sĩ Nhân giữ Công An, Nam Quận, ven sông lại có các phong hỏa đài. Quân Ngô có động tĩnh gì thì chỉ việc đốt lửa nơi phong hỏa đài, ta đích thân nghênh chiến thì lo gì bọn Ngô chứ?


Vương Phủ hai, ba lần khuyên can, Quan Công vẫn không nghe. Thấy không còn cách nào khác Phủ đành phụng mệnh đi Kinh Châu.


Sứ giả về nói với Lục Tốn rằng:

- Quan Công vui mừng, có ý không lo gì đến Đông Ngô nữa.


Tốn mừng lắm, sai người sang Kinh Châu do thám xem sao. Quan Công quả nhiên rút quân Kinh Châu ra Phàn Thành, chỉ đợi khỏi đau thì tiến binh.


Tốn biết được đích xác như thế, sai ngay người về báo với Tôn Quyền.

Quyền đòi Lã Mông vào bàn bạc rằng:

- Nay Vân Trường đã rút quân khỏi Phàn Thành, ta nên tìm kế đánh úp Kinh Châu. Ngươi nên cùng với em ta là Tôn Hiệu dẫn đại quân sang có được không?


Tôn Hiệu tự là Thúc Minh, nguyên là con hai Tôn Tĩnh, mà Tĩnh là chú Tôn Quyền. Mông nói:

- Nếu chúa công cho tôi là hữu dụng thì cứ dùng một mình tôi thôi; nếu Thúc Minh có tài thì cứ dùng một mình Thúc Minh. Chúa công không nhớ chuyện Chu Du và Trình Phổ khi xưa đó ư? Tuy công việc do Chu Du chủ trương, nhưng Trình Phổ nghĩ mình là cựu thần mà lại kém Du nên vẫn không bằng lòng, sau thấy Chu Du có tài, bấy giờ mới phục. Nay tài tôi không được bằng Chu Du, mà Thúc Minh lại thân hơn Trình Phổ, tôi ngại vị tất đã đỡ nhau được việc.


Tôn Quyền nghĩ ra, bèn phong cho Lã Mông làm đại đô đốc, thống lĩnh các đạo quân mã, sai Tôn Hiệu đi sau tiếp ứng lương thảo.


Mông lạy tạ, điểm ba vạn quân và tám chục chiếc thuyền tốt, kén những tay thuỷ thủ nhà nghề, cho mặc toàn áo trắng, giả làm lái buôn, ngồi trên thuyền chéo lái; còn tinh binh thì phục cả ở trong khoan thuyền. Lại sai Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Nhiên, Phan Chương, Chu Thái, Từ Thịnh, Đinh Phụng, cả thảy bảy đại tướng, lần lần tiến binh sang theo; còn bao nhiêu quân sĩ theo cả Ngô hầu để đi sau tiếp ứng.


Một mặt sai người đưa thư cho Tào Tháo, xin cất quân đánh tập hậu Vân Trường. Một mặt báo tin cho Lục Tốn biết trước, rồi mới sai bọn áo trắng bơi thuyền đi ra sông Tầm Dương.

Thuyền đi miết cả ngày lẫn đêm, thẳng đến bờ phía bắc.


Quân canh ụ hỏi, thì người Ngô đáp rằng:

- Chúng tôi là khách buôn, nhân đi sông gặp phải sóng gió, đến đây tránh ẩn, xin cho ở nhờ một chút.


Nói rồi mang đồ lễ lên biếu những quân canh ở đó.


Quân sĩ tin là thực, bằng lòng cho thuyền Ngô đỗ cả ven bờ sông.


Canh hai đêm hôm ấy, tinh binh ở trong khoang thuyền kéo ồ cả lên bờ, bắt trói hết quân giữ ụ; rồi nổi ám hiệu cho tám chục chiếc thuyền cùng đổ lên chia nhau bắt hết những quân canh giữ các nơi hiểm yếu đem cả xuống thuyền, không một người nào chạy thoát.



Rồi kéo thẳng đến lấy Kinh Châu, mà vẫn không có một người nào hay. Khi đến gần thành, Lã Mông dỗ dành và trọng thưởng cho quân sĩ bắt được ở ngoài sông, sai chúng đánh lừa quân trong thành mở cửa, đốt lửa làm hiệu. Quân sĩ vâng lệnh. Lã Mông bèn cho chúng đi trước dẫn đường.


Chừng nửa đêm, chúng đến nơi gọi cửa. Quân trong thành lấy là người nhà, liền mở cửa ra.


Quân sĩ reo ầm một tiếng, đốt lửa lên làm hiệu, quân Ngô kéo ùa cả vào, úp được Kinh Châu. Trong thành Kinh Châu bỗng chốc náo loạn. Tướng giữ Kinh Châu là Phan Tuấn đang ngủ, bỗng giật mình thức giấc, đang định tra hỏi thì đã thấy quân lính vào báo quân Đông Ngô đã chiếm Kinh Châu rồi.


Phan Tuấn cuống cả lên, không biết phải làm sao, muốn đánh thì không có quân, muốn chạy thì quân pháp của Quan Công rất nghiêm, khó giữ được tính mạng. Suy đi tính lại, liền đem ấn tín đến trước quân Lã Mông xin hàng.


Lã Mông mừng lắm, cho giữ nguyên chức cũ rồi cấm quân sĩ không được xâm phạm một tí gì của dân. Mông lại sai người đem gia quyến Quan Công để ở riêng một, cấm không ai được quấy nhiễu. Một mặt sai người về báo tin với Ngô hầu.


Một hôm mưa to, Mông dẫn vài tên kỵ mã đi diễu xem bốn cửa thành, chợt trông thấy một tên lính lấy cái nón lá của dân để che áo giáp. Mông quát tả hữu bắt tên lính ấy lại, hỏi ra thì người cùng làng với Mông. Mông mắng rằng:

- Mày tuy là người làng với tao, nhưng hiệu lệnh tao đã truyền ra như thế mày mà che còn cố ý phạm vào, thì phải đem quân pháp mà trị mới được!

Tên lính ấy khóc và kêu rằng:

- Tôi sợ mưa ướt mất đồ của nhà nước, mới lấy một cái nón mà che, chớ không dám đem dùng riêng, xin tướng quân nghĩ tình cùng làng mà tha tội cho.

Mông nói:

- Tao vẫn biết mày lấy để che đồ vật của nhà nước, nhưng cũng không được vì thế mà lấy của dân.

Nói đoạn, sai lôi tên lính ấy ra chém, bêu đầu hiệu lệnh cho ba quân. Xong đâu đấy, mới thu thây sỏ, khóc lóc và chôn cất tử tế. Vì thế, quân sĩ sợ hãi, giữ gìn kỷ luật rất nghiêm.

Được ít lâu, Tôn Quyền dẫn quân đến. Mông ra ngoài thành đón rước vào. Quyền uý lạo một hồi, rồi lại dùng Phan Tuấn cho coi việc Kinh Châu, mở ngục tha cho Vu Cấm về Nguỵ. Quyền yên dân, thưởng cho quân sĩ, mở tiệc ăn mừng.

Quyền bảo Lã Mông rằng:

- Kinh Châu đã lấy được rồi, còn Phó Sĩ Nhân ở Công An, My Phương ở Nam Quận, làm thế nào lấy được nốt hai nơi ấy?

Quyền hỏi vừa dứt lời, thì một người bước ra thưa rằng:

- Không phải cần đến một bộ cung, một mảnh tên, tôi chỉ xin uốn ba tấc rưỡi, sang dụ Phó Sĩ Nhân về hàng với chúa công, có được không?

Chúng trông xem ai, thì là Ngu Phiên.


Quyền hỏi:

- Trọng Tường có mẹo gì cao, dụ được Phó Sĩ Nhân về hàng với ta?

Phiên nói:

- Tôi thuở nhỏ chơi rất thân với Sĩ Nhân, nếu đem đường lợi hại mà bảo, thì chắc y phải lại hàng thôi.

Quyền mừng lắm, sai Ngu Nhiên dẫn năm trăm quân đến Công An.

Lại nói, Phó Sĩ Nhân từ khi nghe tin Kinh Châu đã mất, sai đóng chắc cửa thành lại để giữ, Ngu Phiên đến, thấy cửa thành đóng kỹ rồi, mới viết một bức thư buộc vào đầu tên, bắn vào trong thành.


Quân sĩ nhặt được, đưa cho Phó Sĩ Nhân. Sĩ Nhân mở thư ra xem, thì là thư chiêu hàng. Xem xong, nghĩ đến sự tình khi trước Quan Công đánh đập mắng mỏ, mới quyết ý ra hàng.


Liền sai quân mở cửa thành rước Ngu Phiên vào.


Hai người chào hỏi xong, cùng nhau kể lể tình xưa nghĩa cũ.

Phiên kể chuyện Ngô hầu yêu người hiền, kính kẻ sĩ. Sĩ Nhân mừng rỡ, mang ngay ấn thụ theo Ngu Phiên lại Kinh Châu xin hàng.

Tôn Quyền mừng lắm, lại cho Sĩ Nhân trấn giữ Công An.


Lã Mông nói nhỏ với Tôn Quyền rằng:

- Vân Trường chưa trừ được, nếu để Sĩ Nhân ở Công An lâu tất sinh biến, chi bằng sai y sang Nam Quận mà dụ My Phương ra hàng nhân thể.


Quyền mới bảo Sĩ Nhân rằng:

- My Phương chơi thân với ngươi, ngươi nên đến Nam Quận dụ y về hàng, ta sẽ trọng thưởng.


Sĩ Nhân vui vẻ lĩnh mệnh, dẫn hơn một nghìn tên kỵ mã đến dụ My Phương.

Thế mới là:

Kinh Châu xảy việc tang thương thế,
Vương Phủ hôm nào nói chẳng sai!

Chưa biết My Phương có chịu hàng hay không, xem hồi sau sẽ rõ.


Tả Hàm & Lã Mông & Tôn Quyền & Trương Chiêu & Ngô Sứ & Mã Trung


Tôn Quyền


Vương Phủ & Phan Tuấn


Tôn Hiệu & Hoa Đà

 
Cát Bình chặt ngón tay mắng giặc, đó là tay lương y mà có hành động liệt hán. Quan Công gọt xương trị độc: Đó là bậc liệt hán gặp được lương y. Như thế đủ biết trung thần nghĩa sĩ không sợ đau đớn. Nếu sợ đau đớn, thì không phải nghĩa sĩ trung thần. Tuy nhiên, lâm nạn không sợ đau, ắt bình nhật đã là người không sợ đau. Người nào có thể không sợ đau như Quan Công, thì khi lâm nạn mới có thể không sợ đau như Cát Bình vậy.

Hoa Đà chữa cho Chu Thái, vừa được mời đã đến ngay. Chữa cho Quan Công, thì không mời cũng tự tìm đến. Các bậc danh y xưa lòng chỉ muốn cứu giúp người. Thật khác hẳn các “thầy giỏi” đời nay, chỉ “giỏi” làm cao, khéo mưu lợi, mời mọc bao lần mới chịu đến nhà coi bệnh, đặt giá, vòi tiền trước rồi mới chữa. Cát Bình biết ái mộ trung thần như Đổng Thừa, thì Bình chính là trung thần. Hoa Đà biết cứu nghĩa sĩ như Quan Công, Chu Thái… thì Đà chính là nghĩa sĩ. Hoa Đà với Cát Bình, hai người chính là một vậy.

Đọc hồi này thấy Quan Công đau bệnh mà coi như không có bệnh. Lã Mông thì chẳng đau ốm gì, lại giả vờ mắc bệnh. Vừa thấy Hoa Đà chữa bệnh thật, lại thấy Lục Tốn chữa bệnh giả. Hoa Đà biết có thuốc độc ở mũi tên nên nạo độc đi. Đó là lấy thuốc trị thuốc. Lục Tốn biết Lã Mông giả đau, lại xúi Mông thác cớ đau mà tạm lui. Đó là lấy bệnh trị bệnh vậy. Ly kỳ hơn nữa là: Quan Công đã mắc bệnh ở cánh tay, lại mắc thêm cái bệnh trong lòng: Tự tôn và khinh đời, ấy là cái bệnh trong thâm tâm vậy. Lục Tốn có phương thuốc trừ bệnh (cho Lã Mông) lại có phương thuốc gây thêm bệnh (cho Quan Công). “Của nhiều nói ngọt” là thứ thuốc gieo bệnh cho người khác. Thấy Lã Mông từ chức, Quan Công tưởng như ông dứt được một chứng bệnh, còn khoái chí hơn là khỏi vết đau ở cánh tay. Nhưng Kinh Châu hết phòng bị, chính là Quan Công bị trúng một liều thuốc độc, còn nặng hơn thuốc độc ở cánh tay nhiều. Khổng Minh mượn “gió” chữa bệnh Chu lang thì Chu lang khỏi; Bàng Thống lấy “vòng sắt” chữa bệnh quân Tào, thì quân Tào tan tành. Hai ông phân công mỗi ông một việc. Đằng này Lục Tốn một mình làm cả hai việc (vừa chữa Lã Mông, vừa trị Quan Công) ấy mới càng xuất sắc hơn!

Tôn Quyền nghe lời Lã Mông, khiến cho Ngô cũng thành giặc nhà Hán như Ngụy vậy. Chứ nếu Quyền thừa lúc Quan Công đánh mạnh quân Tào ở Phàn Thành, mà kéo lên chiếm Từ Châu, chia nhau Trung Nguyên, thì có phải là khôi phục được Hán, tiêu diệt được giặc Tào không? Ai ngờ Quyền nỡ quên lời thề lúc rút gươm chém bàn, quên cả lời nguyền ngày trước, đến nỗi thông đồng ngầm với Tào, hẹn nhau diệt Quan Công! Mà làm như thế, có mục đích cao cả to tát gì đâu? Chẳng qua chỉ vì tranh một mảnh đất Kinh Châu!

Xét kỹ ra, thì Lưu Bị trước kia đoạt Kinh Châu ở tay Tào Tháo chứ đâu có ngửa tay “mượn” của Tôn Quyền? Nói “mượn” nói “trả” chẳng qua là Khổng Minh vì quyền biến nhất thời mà nói thế để lấy lòng Quyền, mong Quyền kết liên cùng đánh Tào Tháo vậy. Thế mà Quyền cứ coi như Khổng Minh “mượn” đất thật, cứ ngồi ngong ngóng chờ Lưu Bị “trả” đất. Bị đã cắt chia cho một phần vẫn chưa lấy làm đủ. Quyền còn a dua theo giặc Ngụy để đánh úp Kinh Châu, khiến cho chí lớn khuông phò nhà Hán của Huyền Đức không thành, công sức của Quan Công hóa uổng, đáng hận lắm thay!

Chu Du còn, thì Tôn, Lưu lìa nhau, Chu Du chết, Tôn, Lưu lại giao hảo. Lỗ Túc cầm quyền, thì Tôn, Lưu hợp, Lỗ Túc chết, Tôn, Lưu lại lìa nhau. Thế là kiến thức Chu Du, Lỗ Túc khác nhau. Mà kiến thức Lỗ Túc khác hẳn Lã Mông vậy. Túc muốn kết liên với Lưu Bị để chống Tào Tháo, thì kiến thức Túc giống như Khổng Minh. Cho nên suốt thời Lỗ Túc còn sống, Ngô, Thục chưa hề đánh nhau. Cho đến khi Túc mất, Lã Mông nắm giữ binh lực, Tôn Quyền mới trái lời thề, phản đại nghĩa đến nỗi gây ra thảm cảnh vậy.

Tào Nhân toan bỏ Phàn Thành mà chạy thì Mãng Sủng can ngăn. Tào Tháo toan bỏ Hứa Đô thì Tư Mã Ý can ngăn. Ôi! Nếu bỏ Phàn Thành thì toàn cõi từ Hoàng Hà trở xuống phía nam đều rung động lâm nguy. Nếu phải bỏ Hứa Đô dời triều đình lên Hà Bắc, thì từ Hoàng Hà trở lên phía Bắc cũng lung lay chấn động! Và một tay Quan Công đủ khôi phục thiên hạ nhà Hán, còn gì? Thế mà Hàn Tín phá nước Triệu, thanh thế làm rung động và chiếm luôn được nước Yên. Quan Công phá Tương Dương uy danh làm chấn động Trung Nguyên mà rốt cuộc không hạ được Tào Tháo. Có phải Quan Công dùng binh không bằng Hàn Tín chăng? Chẳng phải thế đâu! Chỉ vì không gặp thời vậy. Thi sĩ đời Đường có câu thơ: “Quan, Trương vô mệnh dục hà như?” Chính đúng như thế vậy.

Trước khi Tiên chúa thất bại vì khinh Lục Tốn “trẻ con”, đã có việc Quan Công thua vì khinh Lục Tốn ít tuổi. Trước khi Lã Mông dùng áo trắng qua đò chiếm Kinh Châu, đã có chuyện Chu Thiện dùng áo trắng qua sông để lừa đón Tôn phu nhân về. trước khi có việc lớn, đã có việc nhỏ diễn ra để khơi điềm vậy.
 
Hồi 74
Đầu trang
Hồi 76
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại