Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 48
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Hàn Đương & Chu Thái
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 48
Mở tiệc yến, Tào Tháo ngâm thơ;
Khóa chiến thuyền, bắc quân dùng võ.
 

Bàng Thống nghe người đó nói giật nảy mình, vội ngoảnh lại trông thì là bạn cũ Từ Thứ. Trong bụng Thống bấy giờ mới yên.


Nhìn trước nhìn sau không có ai, Thống mới nói:

- Nếu anh làm lộ kế của tôi, thì nhân dân tám mươi mốt châu bên Giang Nam đều do tay anh giết cả đấy!

Từ Thứ cười, nói:

- Thế còn tính mạng tám mươi ba vạn quân mã ở đây sẽ ra sao?

Thống nói:

- Nguyên Trực! Anh định phá kế của tôi thật à?

Thứ nói:

- Tôi đội ơn sâu Lưu hoàng thúc, không lúc nào quên. Tào Tháo làm mẹ tôi chết, tôi đã thề suốt đời không bày một mưu kế gì cho y cả; lẽ đâu tôi lại phá kế của anh? Chỉ vì tôi cũng ở trong đám quân này, một mai giao tranh gay go khốc liệt thì tránh sao khỏi tai nạn? Anh hãy bày cho tôi một kế thoát thân, tôi sẽ xin gắn miệng lại mà đi ngay chỗ khác.

Thống cười, nói:

- Nguyên Trực nghĩ xa lắm, nhưng kế ấy thì có khó gì!

Thống liền ghé vào tai Từ Thứ nói nhỏ vài câu. Thứ mừng rỡ, vái tạ. Thống từ biệt xuống thuyền về Giang Đông.


Lại nói, chiều hôm ấy, Từ Thứ sai người lẻn đến các trại, phao một tin đồn. Hôm sau, quân lính túm năn tụm ba, chỗ nào cũng ghé tai, chạm trán thì thầm với nhau. Quân do thám về báo với Tháo rằng: trong quân có tin đồn Hàn Toại, Mã Đằng ở Tây Lương làm phản đang kéo về đánh Hứa Đô.

Tháo giật mình, vội vàng họp các mưu sĩ lại bàn bạc:

- Ta dẫn quân sang đánh mặt nam, lúc nào cũng lo lắng về bọn Mã Đằng, Hàn Toại. Tin đồn chưa biết hư thực thế nào, nhưng cũng nên đề phòng mới được.

Tháo vừa dứt lời. Từ Thứ bước ra thưa:

- Tôi từ khi đội ơn thừa tướng thu dùng, chưa lập được chút công lao nào. Nay tôi xin lãnh ba nghìn quân mã, ra giữ ải Tản Quan, nếu xảy việc gì khẩn cấp, sẽ xin báo tin lên thừa tướng.

Tháo mừng, nói:

- Nếu Nguyên Trực chịu khó đi cho, ta không còn lo ngại gì nữa. Hiện ở cửa ải cũng đã có quân sĩ, ông thống lĩnh cả một thể. Ta cấp cho ông ba nghìn quân mã bộ nữa, cùng Tang Bá làm tiên phong, ông nên lập tức đi ngay, đừng trì hoãn.

Từ Thứ từ biệt Tào Tháo, cùng Tang Bá lĩnh quân đi. Đó chính là kế Bàng Thống cứu Từ Thứ.

Đời sau có thơ rằng:

Tào Tháo nam chinh dạ những sầu,
Lo vì Đằng, Toại nổi qua mâu.
Một lời Bàng Thống xui Nguyên Trực,
Có khác chi như cá thoát câu.

Tào Tháo từ khi sai Từ Thứ đi khỏi, trong bụng tạm yên. Một hôm, cưỡi ngựa đi xem xét chung quanh các trại trên bộ, rồi đến thuỷ trại. Tháo đi trên chiếc thuyền to, giữa cắm cờ hiệu chữ Suý. Hai bên bày thuỷ trại, trên thuyền phục hơn một nghìn tay cung nỏ. Tháo ngồi chót vót tầng trên.


Hôm 15 tháng 11 năm Kiến An thứ mười hai (207) khí trời tạnh tẽ, sóng gió êm lặng, Tháo sai mở một tiệc rượu có cả ca nhạc trên thuyền to để hội các tướng. Trời tối dần, vầng trăng hiện trên đỉnh núi phía Đông, vằng vặc như ban ngày: dải sông Trường Giang nằm vắt ngang như tấm lụa. Tháo ngồi trên thuyền, ta hữu vài trăm người, mặc toàn gấm vóc, vác qua, cầm kích đứng hầu hai bên. Các quan văn võ ngồi theo ngôi thứ. Tháo đứng ngắm bốn phương trời mênh mông, bát ngát: dãy núi Nam Bình lồ lộ như tranh vẽ; phía Đông bờ cõi Sài Tang, phía Tây sông dài Hạ Khẩu; phía Nam dãy núi Phàn Sơn; phía Bắc khu rừng Ô Lâm. Tháo lấy làm khoan khoái, nói với quan quân:

- Ta từ khi khởi nghĩa, vì nước trừ những kẻ hung bạo, thề quyết quét sạch bốn biển, san phẳng thiên hạ, duy chỉ còn Giang Nam là chưa lấy được thôi! Nay ta có trăm vạn hùng binh, lại nhờ sức các ông, lo gì chẳng thành công? Sau khi ta thu phục được Giang Nam, thiên hạ yên ổn rồi, ta sẽ tha hồ cùng với các ông chung hưởng phú quý, vui vẻ đời thái bình!

Văn võ cùng đứng dậy nói:

- Chúng tôi chỉ mong sao thừa tướng chóng thành công, trọn đời chúng tôi đều được nhờ phúc ấm của thừa tướng.


Tháo mừng lắm, sai tả hữu đi rót rượu mời các quan. Uống mãi đến đêm, Tháo say, trỏ sang phía Nam, nói:

- Bớ Chu Du! Lỗ Túc! Chúng mày không biết lòng trời. Nay may có người của chúng mày đến hàng ta làm nội ứng, phá từ trong phá ra, đó là trời giúp ta vậy!


Tuân Du thưa:

- Thừa tướng không nên nói, e bị tiết lộ.

Tháo cười ha hả, nói:

- Mọi người có mặt ở đây đều là tâm phúc của ta cả, nói ra có ngại gì!

Lại trỏ sang Hạ Khẩu nói:

- Bớ Lưu Bị, Gia Cát Lượng kia! Bọn mày không biết sức mình như con sâu cái kiến, cứ hòng đẩy núi Thái Sơn. Sao ngu lắm thế?

Rồi ngoảnh lại bảo các quân:

- Ta nay đã 54 tuổi rồi, nếu lấy được Giang Nam thì sở nguyện của ta cũng đạt được. Khi xưa, ta quen thân với Kiều công ở Giang Nam, biết ông có hai người con gái xinh đẹp tuyệt trần. Về sau, không ngờ về tay Tôn Sách và Chu Du. Ta vừa xây xong đài Đồng Tước trên bờ sông Chương, nếu hạ được Giang Nam, ta sẽ bắt hai nàng Kiều ấy đem về đài Đồng Tước, để vui hưởng tuổi già, ta mới mãn nguyện!


Nói rồi cười ầm cả lên!

Ông Đỗ Mục ở đời nhà Đường có vịnh một bài thơ rằng:

Dưới cát gươm chìm, sắt chửa tiêu,
Giữa mài nhận biết việc tiên triều.
Gió đông nếu chẳng vì Công Cấn,
Đồng Tước đêm xuân khoá nhị Kiều!

Tào Tháo đang vui cười, bỗng thấy con quạ vừa kêu vừa bay về phía Nam. Tháo hỏi:

- Quạ ấy làm sao mà đang đêm lại kêu?

Tả hữu bẩm:

- Quạ thấy sáng trăng, tưởng trời đã sáng, cho nên bay ra kêu.

Tháo lại cười ầm lên.

Bấy giờ, Tháo đã quá say, cầm một ngọn giáo, đứng trên mũi thuyền, đổ một chén rượu xuống sông rồi lại uống luôn ba chén đầy nữa, cắp ngang ngọn giáo, nói với các tướng:

- Từ khi ta cầm ngọn giáo này, phá Khăn vàng, bắt Lã Bố, diệt Viên Thuật, thu Viên Thiệu, thọc sâu vào Tái Bắc, ruỗi thẳng đến Liêu Đông, tung hoành bốn bể, thật không phụ ý chí của kẻ đại trượng phu! Ta làm một bài hát, các ông đều hoạ chơi cho vui.


Bài hát rằng:

Cuộc vui có được là mấy chốc?
Có khác chi hạt móc sáng ngày.
Nguồn sâu lai láng vơi đầy,
Giải phiền hoạ có rượu này làm vui!
Tràng áo xanh ngậm ngùi lòng tớ.
Hươu ngoài đồng hớn hở gọi nhau.
Khách ta, ta đã gặp nhau,
Gảy đàn, thổi sáo ngó hầu thêm vui!
Trăng sáng tỏ, bùi ngùi trong dạ,
Nỗi lo này biết ngỏ cùng ai?
Chuyện trò kể lể xa xôi,
Nhớ người nghĩa cũ cười vui đề huề…
Quạ đêm trăng bay về nam hậu,
Lượn ba vòng biết đậu cành nao?
Nước càng sâu, núi càng cao,
Chu công trọng khách xôn xao kéo về…

Tháo hát đoạn, mọi người hoạ theo, cười đùa vui vẻ. Bỗng một người bước vào, nói:

- Giữa lúc hai bên đang đối địch, tướng sĩ đang cố sức, sao thừa tướng nói gở vậy?

Tháo nhìn xem thì là Lưu Phúc, thứ sử Dương Châu. Phúc trước làm quan ở Hợp Phì, xây đắp nhiều thành quách, tập họp những dân xiêu tán, mở trường học, khai khẩn ruộng đất, dạy dỗ nhân dân. Phúc theo Tào Tháo đã lâu, lập được nhiều công trạng.

Khi ấy, Tháo cắp ngang ngọn mâu, hỏi lại rằng:

- Ta nói gở điều gì?

Phúc thưa:

- Những câu: "Trăng sáng… Quạ bay lượn ba vòng… Không biết đậu vào đâu…”, là những câu gở.

Tháo nổi giận, nói:

- Mày sao dám bẻ tao?

Nói rồi phóng một ngọn giáo, đâm chết Lưu Phúc. Ai cũng kinh hãi, bữa tiệc cũng tan.

Hôm sau, Tháo tỉnh rượu, hối hận quá. Con Phúc là Lưu Hy kêu xin đem thây cha về táng. Tháo khóc, nói:

- Hôm qua, ta say rượu quá, lỡ giết mất cha ngươi, giờ hối lại không kịp mất rồi. Vậy nên dùng lễ tam công làm ma cho cha ngươi.

Lại sai quân sĩ hộ tống linh cữu đưa về an táng.

Hôm sau, thuỷ quân đô đốc Mao Giới và Vu Cấm vào bẩm rằng:

- Các thuyền lớn nhỏ đã ghép đâu vào đấy, tinh kỳ khí giới cũng đủ cả. Xin thừa tướng điều khiển cho quân sĩ luyện tập để nay mai cất quân.

Tháo ra trại thuỷ, ngồi trên một chiến thuyền to ở chính giữa đòi các tướng đến nghe lệnh. Quân thuỷ và quân bộ đều chia làm năm hiệu cờ. Quân thuỷ, tướng trung quân cờ vàng là Mao Giới, Vu Cấm; tướng tiền quân cờ đỏ là Trương Cáp; tướng hậu quân cờ đen là Lã Kiền; tướng tả quân cờ xanh là Văn Sính; tướng hữu quân cờ trắng là Lã Thông. Quân mã bộ thì Từ Hoảng làm tướng tiền quân, cờ đỏ; Lý Điển làm tướng hậu quân, cờ đen; Nhạc Tiến làm tướng tả quân, cờ xanh; Hạ Hầu Uyên làm tướng hữu quân, cờ trắng; Hạ Hầu Đôn, Tào Hồng thì tiếp ứng cả hai đường thuỷ lục; Hứa Chử, Trương Liêu hộ vệ và đi lại đốc chiến. Còn bao nhiêu tướng tá, đội nào cứ theo đội ấy mà đi.


Lệnh truyền vừa dứt, trong trại thuỷ nổi ba hồi trống, các đội thuyền buồm lần lượt theo từng cửa tiến ra. Hôm ấy nổi gió tây bắc, buồm vải kéo lên, các thuyền xông pha sóng gió vững chắc như đi trên mặt đất. Quân sĩ trên thuyền nhảy nhót ra oai, kẻ phóng giáo, người múa gươm tả hữu, trước sau, đội nào cơ ấy, rất là nghiêm chỉnh. Lại có hơn năm chục chiếc thuyền nhỏ ở ngoài, đi lại tuần phòng, đốc thúc. Tháo đứng trên tường đài quan sát quân tập luyện, trong bụng vui mừng, cho rằng quân tướng thế này đánh đâu chẳng được. Liền sai hạ buồm, thuyền nào lại theo đội ấy kéo về trại.


Tháo lên trướng, nói với các mưu sĩ:

- Nếu không có trời giúp, thì sao ta được diệu kế của Phượng Sồ? Dây xích ghép thuyền thành cụm, quả nhiên đi dưới nước như đi trên đất bằng!

Trình Dục thưa:

- Thuyền ghép cả lại làm một tuy vững chắc thật, nhưng nếu bị đánh hoả công thì khó bề xoay xở, không thể không đề phòng được.


Tháo cười lớn, nói:

- Ngươi tuy cũng đã lo xa, nhưng chưa hiểu biết đầy đủ.

Tuân Du nói:

- Trọng Đức nói phải đấy, sao thừa tướng còn cười?

Tháo nói:

- Phép đánh hoả công phải nhờ sức gió. Đang mùa này, chỉ có gió tây bắc, làm gì có gió đông nam. Nếu nó dùng hoả công tức là nó lại đốt quân nó, đây ta có sợ gì? Giả thử vào tiết tiểu xuân tháng mười thì ta đã phòng bị từ lâu rồi!


Các tướng đều phục lắm, nói:

- Thừa tướng cao kiến lắm, chúng tôi còn kém xa!

Tháo ngoảnh lại bảo các tướng:

- Quân các châu Thanh, Từ, Yên, Đại, xưa nay không quen cưỡi thuyền. Nay không dùng kế ấy, thì qua thế nào được đại Trường Giang hiểm trở?

Bỗng hai tướng nhảy ra, bẩm rằng:

- Tiểu tướng tuy sinh trưởng ở U, Yên, nhưng ngồi thuyền đánh thuỷ cũng được. Nay xin thừa tướng cho mượn hai chục chiếc thuyền tuần tiễu, bơi thẳng sang bờ nam, cướp lấy cờ trống đem về, để mọi người biết quân miền bắc đánh thuyền cũng giỏi.

Tháo nhìn xem thì là Tiêu Súc và Trương Nam tướng cũ Viên Thiệu, Tháo nói:

- Các ngươi sinh trưởng miền bắc, e đánh thuyền không quen. Quân Giang Nam qua lại trên mặt nước, luyện tập thành thạo, chớ nên khinh thường mà đùa với tính mạng.

Hai người kêu to rằng:

- Nếu không đánh được, xin chịu thi hành quân pháp.

Tháo nói:

- Chiến thuyền đã ghép liền cả rồi, chỉ còn thuyền nhỏ, chở độ vài chục người, e đánh nhau không tiện.

Tiêu Súc bẩm:

- Nếu dùng thuyền to, sao gọi là tài? Chúng tôi chỉ xin lĩnh hai chục chiếc thuyền nhỏ, chia đôi mỗi người dẫn một nửa, sang thẳng trại thuỷ Giang Nam, cướp được cờ chém được tướng trở về mới nghe.

Tháo nói:

- Ta trao cho các ngươi hai chục chiếc thuyền và năm trăm quân tinh tráng, mang toàn giáo dài nỏ cứng; sáng mai sẽ huy động các thuyền trong trại thuỷ ra giữa sông làm thanh thế và sai Văn Sính dẫn ba chục chiếc thuyền đi tuần để tiếp ứng cho hai người về.


Tiêu Súc, Trương Nam mừng rỡ lui ra.

Hôm sau, canh tư thổi cơm, canh năm nai nịt gọn gàng, trong trại thuỷ chiến trống nổi lên thuyền bè ùa ra, dàn trên mặt sông. Một dải Trường Giang, cờ hiệu xanh đỏ rợp trời. Tiêu Súc và Trương Nam dẫn hai chục chiếc thuyền tuần tiễu, xuyên qua trại tiến lên, nhắm Giang Nam lướt tới.


Nói về bên Giang Nam, từ hôm trước nghe tiếng trống đánh ầm ầm; ở xa trông sang thấy Tào Tháo điểm duyệt quân thuỷ; quân sĩ vào báo với Chu Du. Du trèo lên núi cao quan sát, nhưng quân Tào đã thu cả về trại rồi. Hôm sau trống lại thúc ầm ĩ, quân sĩ trèo lên gò cao nhòm sang thấy một số thuyền nhỏ rẽ sóng bơi đến. Du hỏi các tướng ai dám ra địch, thì Hàn Đương, Chu Thái, hai người cùng đứng ra nói:

- Tôi xin tạm làm tiên phong phá địch!

Du mừng rỡ truyền lệnh cho các trại phải giữ gìn cẩn thận, không đâu được khinh động. Hàn Đương, Chu Thái, mỗi người lĩnh năm chiếc thuyền tuần tiễu chia làm hai ngả kéo ra.

Lại nói Tiêu Súc, Trương Nam cậy có sức mạnh, chèo thuyền như bay sang bờ nam. Hàn Đương chỉ mặc một áo giáp che ngực, tay cầm giáo dài, đứng trên đầu thuyền. Thuyền Tiêu Súc đến trước, sai quân bắn tới tấp sang thuyền Đông Ngô, Đương giơ lá mộc lên đỡ.


Tiêu Súc khoa giáo dài đâm Hàn Đương, bị Đương đâm lại một mũi, chết gục ngay xuống.


Trương Nam ở phía sau, thét lên ruổi tới. Chu Thái chèo thuyền ra địch. Trương Nam vác giáo đứng trên mũi thuyền, hai bên cung nỏ bắn nhau tới tấp.


Chu Thái tay mộc tay đao, khi hai thuyền còn cách nhau độ bảy tám thước, Chu Thái nhảy ngay sang thuyền Trương Nam, chém một nhát, Nam ngã lăn xuống nước.


Thái múa đao chém lia lịa, thuyền địch tan chạy. Hàn Đương, Chu Thái thúc thuyền đuổi đánh, ra đến giữa sông vừa gặp thuyền Văn Sính đến, hai bên lại dàn thuyền kịch chiến.


Chu Du dẫn các tướng trèo lên đỉnh núi trông sang bờ bắc, thấy thuyền to dàn khắp mặt nước, cờ hiệu phấp phới, hàng ngũ chỉnh tề. Lại ngoảnh xem Hàn Đương, Chu Thái cầm cự với Văn Sính; hai người dốc toàn lực ra đánh, Văn Sính phải bỏ chạy. Hai người thúc thuyền đuổi theo. Du sợ đuổi vào nơi nguy hiểm, liền phất cờ trắng và sai khua chiêng thu quân. Hai người mới quay thuyền về trại.


Chu Du vẫn còn đứng trên núi, nhìn chiến thuyền bên kia vào cả thuỷ trại, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Chiến thuyền Giang Bắc nhiều hơn lá tre, Tào Tháo lại nhiều mưu kế, ta tìm cách gì phá cho được?


Mọi người chưa kịp thưa lại, bỗng thấy lá cờ vàng giữa trại Tào bị cơn gió to thổi gãy gục, bay ra giữa sông. Du cười lớn, nói:

- Đó là điềm không hay rồi!

Du đang mải quan sát, bỗng một trận gió đùng đùng thổi đến, sóng vật tới bờ. Cái dải cờ bay tạt vào mặt Chu Du.


Du sực nghĩ tới điều gì, bỗng kêu rú lên một tiếng rồi ngã vật ra phía sau, miệng thổ máu tươi.

Các tướng vội vàng vực Du đứng dậy, thì Du đã mê man không biết gì nữa rồi.

Rõ là:

Vừa mới cười xong sao bỗng ngất,
Quân nam đâu dễ phá quân Tào.

Chưa biết tính mạng Chu Du thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Lưu Bị & Tào Tháo & Chu Du


Văn Sính & Lã Kiền


Hàn Đương & Lưu Phúc

 
Hồi trước, sau đoạn “chính văn” tả Hám Trạch lừa Tào Tháo lại có một đoạn “bàng văn” kể việc lừa anh em họ Thái để thêu điểm thêm. Hồi này, sau đoạn “chính văn” kể việc Bàng Thống bày “Liên hoàn kế”, lại thêm đoạn “bàng văn” cứu Từ Thứ để tô điểm. Chính văn được coi trọng và bàng văn không quan trọng vậy. Tuy nhiên, kể việc lừa anh em họ Thái, thì nhắc lại được Cam Ninh. Thế là không những vai trò Cam Ninh khỏi bị lu mờ, mà vai trò Hoàng Cái cũng được tô thắm cho nổi trội. Kể việc Bàng Thống cứu Từ Thứ, thì nhắc lại được tên tuổi Mã Đằng. Như thế không những vai trò Từ Thứ khỏi bị lu mờ, mà vai trò Mã Đằng cũng khỏi bị quên lãng. Có diệu sự thiên nhiên nên có diệu văn thiên nhiên như vậy. Các nhà viết truyện dài đời này ít ai viết được chu đáo như thế.

Cái lúc Tào Tháo múa ngọn dáo mà làm thơ ca hát, chính là lúc đắc chí lắm lắm. Thế mà bài ca lại có câu: “Lo lắng khôn nguôi” với lại “Lấy gì giải mối lo?” Rồi lại: “Mối lo tự trong lòng”… Sao đang lúc nên vui lại nói lo buồn như thế? Thì ra “khi vui đã sẵn cơn sầu”. Cái vui đang diễn ra, mà cái buồn đã ngấp nghé sẵn vậy. Trong thiên Đàn Cung (sách Lễ Ký) có câu “Mừng thì vui, vui thì ngâm vịnh, ngâm vịnh rồi ca múa, ca múa rồi bực bội, bực bội rồi buồn rầu, buồn rầu rồi than thở…” (Lạc tư đào, đào tư vịnh, vịnh tư vũ, vũ tư vấn, vấn tư thích, thích tư thán). Thuần Vu Khôn thường can ngăn Tề Uy Vương nên bỏ những cuộc yến ẩm thâu đêm, cũng nói: “Vui không nên vui quá. Vui quá thì sinh sầu bi”. (Lạc bất khả cực. Cực bất sinh bi). Cho nên không những con quạ bay về Nam là điềm bất lợi cho cuộc Nam chinh, mà ngay cả việc Tháo đổ rượu xuống sông cũng đủ tỏ rõ nỗi lo sẽ đến vậy.

Trong thiên hạ thường có chuyện này: Con người trước khi sắp bị một việc đau đớn vì bất như ý, đã gặp ngay một việc rất khoái trí để khơi mào. Trước khi tả trận đại bại của Tháo ở Xích Bích, tác giả đã tả cả một rừng chiến thuyền dưới nước với ba trăm dặm trại bộ liên tiếp, gươm đao như rừng chông… đèn đuốc rực đêm trường, cờ quạt che rợp nắng. Sắp tả cảnh Tháo chạy chốn thảm hại ở Hoa Dung, trước hãy tả cử chỉ ngạo nghễn đắc chí của Tháo khi nhìn qua Vũ Xương ngó qua Hạ Khẩu bên bờ Nam Trường Giang. Thì ra chí chưa tự đắc, lòng chưa tự mãn, chưa khoa tay múa chân, ba hoa cười nói… thì cái vạ chưa đến, cái hại chưa đau vậy. Cũng như tả Vua Ngô Phù Sai say sưa hoan hỉ “hái sen” không phải là chủ ý tả việc hái sen: chính là tả cái chết thảm nhục của nhà vua ở đất Dũng Đông đấy. Và cũng như tả Sở Bá Vương khi vui say yến ẩm ban đêm, không phải là chủ ý tả buổi dạ yến: chính là làm cho nổi trội cái cảnh chết thảm ở Ô Giang vậy. Thế thì cái cảnh Tào Tháo đắc chí cầm ngang ngọn dáo ca hát trên sông… có khác gì cảnh Phù Sai hái sen, Hạng Vương uống rượu?

Người xưa cũng đã từng mượn ý văn của người “trước nữa”, mà mượn rất khéo. Như bài ca trên bến Xích Bích mà Tào Tháo cầm ngang ngọn dáo ứng khẩu ngâm lên… có nhiều câu được rút trong thơ Phong, thơ Nhã của Kinh Thi. Rồi đời sau, Đông pha công (Tô Tử) làm hai bài phú Tiền, Hậu Xích Bích… ngay trong một bài “Tiền Xích Bích phú” đã mượn ý bài phú của Tháo rất khéo rất hay. Tô Tử viết: “như oán, như mộ, như khấp, như tố…” tức là lấy ý ở câu: “Ưu tòng trung lai, bất khả đoạn tuyệt” của Tháo đến câu: “Ai ngô sinh chi tu du…” tức là lấy ý ở câu: “Thí như triêu lộ, khứ nhật vô đa”. Và câu: “Doanh hư giả như bỉ nhi tốt mạc tiêu trưởng” tức là lấy ý ở câu: “Giảo giảo như nguyệt, hà thời khả chuyết” của Tháo vậy. Lấy văn cổ nhân để làm văn mình mà hay như vậy, chứ đâu có như người nay tự sáng tác mà chẳng ra gì, thì thà đừng “sáng tác” cho xong!

Muốn cho địch mắc mẹo của mình mà thua lớn, thì trước hãy làm cho địch thua một trận nhỏ, mà không phải thua vì mẹo chính của mình: Như Đông Ngô đánh chết Tiêu Xúc, Trương Nam là thế. Mẹo của Ngô lừa Tào, là cái mẹo “khóa thuyền”. Thế mà Tiêu, Trương hai tướng Tào bị thua vì “thuyền rời không khóa”, thì Tháo càng không nghi sợ cái mẹo khóa thuyền nữa, và Tháo càng quyết chí dùng kế ấy: hết sức cột chặt, khóa vững hơn…

Mưu mẹo còn khéo ở chỗ biết rằng dùng mẹo ấy thì thắng, nhưng chưa dùng vội. Cứ tạm gác chưa dùng, mà vẫn thắng địch được trận nhỏ. Như Hàn Đương, Chu Thái thắng thủy quân Tào là thế. Cái mẹo chính yếu của Đông Ngô là mẹo “hỏa công”. Thế mà Hàn, Chu không dùng hỏa công để thắng trận, thì Tháo càng không ngờ Đông Ngô lại dùng đến hỏa công sau này. Cho nên khi Ngô dùng lửa bất thần, Tháo không kịp trở tay nữa vậy. Nhiều ngừơi đọc truyện chỉ biết Chu Du phá Tháo bằng cách “buộc thuyền” ở hồi trước và phóng hỏa Xích Bích ở hồi sau, mà coi hồi này như một đoạn “gián văn”, chẳng liên lạc gì đến mưu kế lớn ấy cả! Có biết đâu rằng sự việc trong hồi này rất quan hệ, đã nối liền hồi trước với hồi sau đấy!

Cái mẹo hỏa công không phải chỉ Khổng Minh, Chu Du, Bàng Thống, Hoàng Cái, biết với nhau, mà cả Từ Thứ, Trình Dục, Tuân Du cũng biết nữa. Thứ không vạch cho Tháo biết, nhưng Dục với Du nói cho Tháo hay rồi. nhưng trước khi hai người mách, chính Tháo cũng biết rồi. Biết rồi mà Tháo còn mắc mẹo, là vì sao? Ôi! Chỉ vì Tháo chắc chắn rằng gió không thổi từ phương Đông sang, mà Tháo cũng không ngờ rằng gió lại có thể… “mượn được! Tháo yên chí rằng lửa sẽ đốt cháy thuyền Nam, mà không ngờ rằng lửa có thể “ chuyển hướng” về Bắc! Thì ra có con người “xoay ngược nổi trời đất” mà Tháo không biết! Có ông trời giúp sức người mà con người cũng không hay!

Có việc trước trái với việc sau, lại cũng có nhưng việc trước dùng để dẫn việc sau: Như Tháo ăn tiệc trên thuyền mà ca múa vui vẻ: Như Du sực nghĩ đến hướng gió mà kinh hãi ngất lăn: Đó là hai việc trái hẳn với kết quả sau này. Như Lưu Phức chê câu: “Quạ bay không chỗ đậu” là điềm gở; như Chu Du coi việc lá cờ vàng gẫy là điềm nguy cho quân thù… lại là những việc mở mối trước cho cuộc đại thắng của quân ngô. Đó là những việc dẫn dắt lẫn nhau. Nếu văn không có những đoạn tương phản, thì việc kém ly kỳ. Nếu văn không có những đoạn dẫn mối, thì việc xảy ra sau đó không nổi trội. Văn “Tam Quốc Diễn Nghĩa” ở mấy hồi này quả là biến ảo, văn biến ảo nhờ sự việc biến ảo… làm cho người đọc gặp những bất ngờ thú vị thay!
 
Hồi 47
Đầu trang
Hồi 49
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại