Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 59
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Mã Siêu & Hứa Chử
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 59
Hứa Chử cởi trần đánh Mã Siêu;
Tào Tháo xóa thư lừa Hàn Toại.
 

Đêm hôm ấy, hai bên đánh nhau mãi đến sáng mới thu quân.


Mã Siêu đóng quân ở Vị Khẩu, thường thường chia quân đến đánh trại Tào Tháo. Tháo sai ghép cả thuyền bè ở trong sông Vị Hà thành ba lớp cầu nổi nối liền với bờ nam.


Lại sai Tào Nhân lập một trại ở cạnh sông, bố trí hàng rào xe tải lương chung quanh. Mã Siêu được tin, truyền cho quân sĩ mỗi người mang một bó cỏ và đồ dẫn hoả, cùng với Hàn Toại kéo quân đến trước trại xếp cỏ thành đống rồi châm lửa đốt cháy đùng đùng.


Quân Tào địch không nổi phải bỏ trại chạy. Xe cộ, cầu nổi, đều bị cháy sạch cả. Quân Tây Lương được to, chẹn ngang Vị Hà.

Tào Tháo lập trại không được, trong bụng lo buồn, Tuân Du hiến kế rằng:

- Nên lấy đất cát Vị Hà đắp một toà thành thì mới giữ vững được!


Tháo sai ngay ba vạn quân gánh đất đắp thành. Mã Siêu lại cho Bàng Đức, Mã Đại, mỗi người dẫn năm trăm quân mã, đến quấy rối. Đất cát không chắc, quân Tào đắp xong lại đổ. Tháo không biết tính thế nào.


Bấy giờ vào cuối mùa thu, khí trời lạnh ngắt, mây đỏ dày đặc, suốt mấy ngày chưa thấy quang đãng. Tháo đương ngồi buồn trong trại bỗng có tin báo một ông cụ già xin vào ra mắt để hiến kế!

Tháo sai mời vào, thấy người ấy hình thông cốt bạc, dáng điệu gầy gò. Hỏi ra thì là người ở Kinh Triệu, ẩn náu ở núi Chung Nam, tên là Lâu Tử Bá, đạo hiệu là Mộng Mai cư sĩ. Tháo tiếp đãi tử tế. Tử Bá nói rằng:

- Thừa tướng muốn qua Vị Hà lập trại đã lâu, sao không nhân dịp này đắp thành ngay đi?

Tháo nói:

- Đất đây toàn cát, đắp mãi không xong, ẩn sĩ có kế gì hay chỉ bảo giúp cho.

Tử Bá nói:

- Thừa tướng dùng binh như thần, há lại không biết thiên văn? Mấy hôm nay mây mù dày đặc, hễ động có gió bắc là nước đông lại thành băng. Thừa tướng nên đợi lúc có gió sai quân sĩ gánh đất múc nước, trộn vào, chỉ một đêm là đắp xong được thành.

Tháo mừng lắm, hậu thưởng cho Tử Bá. Tử Bá không chịu nhận, đi ngay.

Đêm hôm ấy, quả nhiên có gió bắc thổi. Tháo sai hết thảy quân sĩ ra gánh đất, khiêng nước, khâu những túi đựng nước tưới vào, đắp đến đâu đông đến đấy. Vừa sáng thành đã đắp xong.


Quân do thám báo tin cho Mã Siêu, Siêu dẫn quân lại xem, giật nảy mình, ngờ có thần giúp đỡ. Hôm sau, triệu cả quân sĩ đánh trống tiến lên. Tháo cỡi ngựa ra cửa trại, chỉ có một mình Hứa Chử theo sau. Tháo giơ roi gọi lớn:

- Tào Mạnh Đức một mình đến đây, mời Mã Siêu ra nói chuyện.


Siêu cưỡi ngựa vác giáo xông ra. Tháo nói:

- Ngươi tưởng ta không lập nổi dinh trại, nay có một đêm, trời đã đã giúp cho ta xong rồi, sao ngươi không hàng đi cho sớm sủa?


Mã Siêu giận lắm, muốn xốc tới bắt sống lấy Tào Tháo, bỗng thấy sau lưng Tào Tháo có một tướng trợn mắt tròn xoe, tay lăm lăm thanh đại đao, kìm ngựa đứng nhìn.

Siêu đoán là Hứa Chử, trỏ roi hỏi rằng:

- Ta nghe trong đám này, có một Hổ hầu, ở đâu?

Hứa Chử vác đao thét lớn:

- Ta là Hứa Chử ở Tiêu Quận đây!

Mắt Chử nảy hào quang, oai phong thật lẫm liệt. Siêu không dám xông sang nữa, phải quay ngựa trở về.


Tháo cũng đem Hứa Chử về trại. Quân đôi bên thấy vậy, ai cũng ngạc nhiên.

Tháo bảo với các tướng rằng:

- Giặc cũng biết Trọng Khang là Hổ hầu!

Từ đó, ai cũng gọi Hứa Chử Hổ hầu.

Hứa Chử nói:

- Ngày mai tôi quyết bắt sống Mã Siêu.

Tháo nói:

- Mã Siêu khoẻ mạnh dị thường, không nên khinh địch!

Chử nói:

- Tôi tình nguyện đánh nhau với nó, chết thì thôi!

Lập tức sai người đưa chiến thư, nói Hổ hầu thách Mã Siêu ngày mai quyết chiến.


Siêu xem thư, nổi giận nói:

- Sao dám khinh nhau thế?

Bèn phê vào thư là ngày mai thề giết chết con "hổ dại”.


Hôm sau đôi bên kéo nhau ra dàn trận. Siêu sai Bàng Đức làm cánh tả, Mã Đại làm cánh hữu, Hàn Toại áp quân đứng giữa. Siêu vác giáo ghìm ngựa trước cửa trận, gọi to rằng:

- Hổ dại! Ra đây mau!

Tào Tháo đứng dưới cửa cờ, ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Mã Siêu không kém gì Lã Bố khi xưa!


Tháo nói chưa dứt lời, Hứa Chử đã múa đao tế ngựa chạy ra. Mã Siêu vác giáo xông lại đánh. Hai bên đấu nhau hơn một trăm hiệp, chưa phân thắng bại, mà ngựa đã kiệt sức. Hai người đều phải trở về thay ngựa, rồi lại ra trận đánh nhau non trăm hiệp nữa, vẫn chưa ngã ngũ ra sao.


Chử nổi xung lên chạy ngay về, cởi cả áo giáp và mũ, mình trần trùng trục, vác giáo tế ngựa ra quyết chiến. Hai bên quân sĩ rất sợ hãi.


Đánh được ba mươi hiệp, Chử ráng sức giơ đao bổ xuống đầu Mã Siêu. Siêu tránh ngay được, đâm luôn một giáo vào giữa rốn Chử. Chử vội vàng quẳng đao, túm luôn ngọn giáo.


Hai người ngồi trên ngựa giằng nhau, Chử khoẻ quá, bẻ ngọn giáo đánh rắc một cái gãy ngay làm đôi. Mỗi người cầm nửa cán giáo gãy, giọt nhau lộn bậy.


Tháo sợ Chử núng thế, sai Hạ Hầu Uyên, Tào Hồng ra đánh giúp. Bên này hai cánh quân thiết kỵ của Bàng Đức, Mã Đại thấy vậy cũng xô cả vào đánh tới tấp. Quân Tháo rối loạn. Cánh tay Hứa Chử bị hai mũi tên.


Các tướng hoảng sợ rút về trại, Siêu đuổi riết đến bờ sông. Quân Tháo thiệt hại quá nửa. Tháo sai đóng chặt cửa lại, không ra nữa.

Mã Siêu về đến Vị Khẩu, nói với Hàn Toại rằng:

- Tôi chưa thấy ai đánh nhau dữ dội như Hứa Chử, quả thực là "hổ dại”.

Lại nói, Tào Tháo liệu không dùng sức đánh Mã Siêu được, thấy phải dùng mẹo mới xong. Bèn sai Từ Hoảng, Chu Linh sang mé tây Vị Hà lập trại để đánh kẹp lại.


Một hôm, Tháo đứng trên mặt thành trông thấy Mã Siêu dẫn vài trăm quân kỵ đến thẳng dưới thành, đi lại như bay. Nhìn một lúc lâu, Tháo quẳng mũ xuống đất, than rằng:

- Thằng ranh này còn sống thì ta chưa biết chết chôn vào đâu đây!


Hạ Hầu Uyên nghe Tháo nói thế, trong bụng căm giận, kêu lên rằng:

- Tôi thà rằng chết ở chỗ này, thề quyết giết giặc Mã!

Nói đoạn, dẫn hơn một nghìn quân bản bộ, mở tung cửa thành kéo đi. Tháo ngăn lại cũng không được, sợ xảy ra rủi ro, vội vàng cũng lên ngựa kéo ra tiếp ứng.


Mã Siêu thấy quân Tào Tháo kéo đấn, liền đổi tiền quân làm hậu quân, hậu quân làm tiền quân, xếp hàng chữ nhất. Hạ Hầu Uyên đến, Mã Siêu đón đánh.


Siêu đang đánh, liếc mắt trông thấy Tào Tháo liền bỏ ngay Uyên, xông tới bắt Tào Tháo. Tháo thất kinh, quay ngựa chạy. Quân Tào rối loạn tơi bời.


Đang mải đuổi đánh, sực có tin báo Tháo có một đạo quân, đã sang mé tây. Vị Hà, hạ trại xong rồi.


Siêu giật mình, không dám đuổi nữa, lập tức thu quân về trại, bàn với Hàn Toại rằng:

- Quân Tào thừa cơ lẻn sang mé tây Vị Hà, quân ta trước sau cùng bị đánh cả, thì làm thế nào?

Bộ tướng của Hàn Toại là Lý Kham nói rằng:

- Chi bằng hãy cắt đất xin hoà, đôi bên tạm thu quân, đợi sang xuân ấm áp, bấy giờ sẽ lại liệu.

Hàn Toại nói:

- Lý Kham nói phải lắm, nên nghe.


Mã Siêu còn dùng dằng chưa quyết, Dương Thu, Hầu Tuyển cũng khuyên thêm.


Bởi thế Hàn Toại sai ngay Dương Thu mang thư sang trại Tào Tháo, xin cắt đất cầu hoà.


Tháo nói:

- Ngươi hãy về trại, ngày mai ta sẽ trả lời.

Dương Thu từ biệt ra về.


Giả Hủ vào ra mắt Tào Tháo, nói rằng:

- Chủ ý thừa tướng thế nào?

Tháo hỏi lại:

- Ngươi nghĩ thế nào?

Hủ thưa:

- Phép binh tha hồ lừa dối, nên giả vờ cầu hoà, rồi dùng kế phản gián, khiến cho Hàn, Mã nghi ngờ lẫn nhau, chỉ một trận là phá được.


Tháo vỗ tay, reo lên:

- Những người cao kiến trong thiên hạ có nhiều điều hợp ý nhau thật! Mưu của Văn Hoà cũng đúng như ý ta.

Rồi sai người đưa thư cho Mã Siêu, nói:

- Đợi ta dần dần rút quân về, và trả lại cho ngươi mảnh đất phía tây Hoàng Hà.


Một mặt sai bắc cầu nổi, làm ra vẻ chuẩn bị rút quân thật.

Mã Siêu được thư, bàn với Hàn Toại rằng:

- Tào Tháo tuy bằng lòng giảng hoà, nhưng hắn nham hiểm lắm, nếu không đề phòng, e có điều lừa dối gì chăng? Vậy tôi với chú, nên thay phiên nhau: ngày hôm nay, tôi địch với Tào Tháo, thì chú địch với Từ Hoảng, ngày mai tôi địch với Từ Hoảng, thì chú địch với Tào Tháo, chia nhau phòng bị kẻo lại mắc lừa.


Hàn Toại theo đúng kế ấy.

Có người báo cho Tào Tháo biết. Tháo bảo với Giả Hủ rằng:

- Mẹo ta chắc xong!

Liền hỏi tả hữu xem ngày mai quân địch cử ai giữ về mặt mình? Tả hữu bẩm Hàn Toại.

Hôm sau,Tháo dẫn các tướng ra trại, tướng tá vây quanh, Tháo một mình oai vệ đi giữa.


Quân Hàn Toại nhiều người không biết mặt Tào Tháo, tranh nhau dòm xem. Tháo gọi to bảo rằng:

- Quân chúng bay muốn xem Tào công à? Ta cũng là người, không phải bốn mắt hai miệng gì, chỉ có nhiều mưu mẹo thôi.

Quân sĩ nghe thấy cùng sợ hãi. Tháo sai người sang nói với Hàn Toại rằng:

- Thừa tướng muốn Hàn tướng quân ra nói chuyện.

Hàn Toại ra trận, thấy Tào Tháo không mặc áo giáp và cầm đồ khí giới gì cả, cũng cởi áo giáp và mặc đồ nhẹ. Hai người cầm cương ngựa đứng đối diện nói chuyện.

Tháo nói:

- Tôi khi xưa cùng với tướng quân đỗ một khoa hiếu liêm. Tôi coi tiên quân như hàng chú tôi. Tôi với tướng quân cùng làm quan triều đình, đến nay cũng đã lâu lắm rồi, không biết tướng quân năm nay bao nhiêu tuổi nhỉ?

Hàn Toại đáp:

- Tôi năm nay đã bốn mươi tuổi.


Tháo nói:

- Khi xưa ở kinh đô đều thanh xuân trai trẻ cả, ngày tháng thấm thoắt thế mà nay tuổi đã trung tuần rồi, ước gì thiên hạ được thái bình, để được vui vẻ với nhau thì hay lắm!

Tháo chỉ nói tỉ mỉ việc ngày xưa, không hề đả động đến việc việc đánh nhau chút nào. Nói xong lại cười ầm lên. Hai người trò chuyện một lúc lâu mới từ biệt nhau, quay ngựa ai về trại ấy.


Có người báo với Mã Siêu. Siêu vội vàng lại hỏi Hàn Toại rằng:

- Hôm nay Tào Tháo nói chuyện gì với chú thế?

Toại đáp:

- Chỉ nói chuyện cũ ở kinh sư thôi.

Siêu hỏi:

- Làm sao không nói gì đến việc quân?

Toại đáp:

- Tào Tháo không nói, chả lẽ ta nói một mình?


Siêu trong bụng nghi ngờ lắm, nín lặng ra về.

Tào Tháo về đến trại bảo với Giả Hủ rằng:

- Ngươi có biết ý ta hôm nay nói chuyện ở trước trận không?

Hủ thưa rằng:

- Ý ấy tuy rằng khôn, nhưng chưa ly gián được hai người. Tôi có một mẹo này, khiến Hàn, Mã phải giết lẫn nhau.


Tháo hỏi mẹo gì, Hủ thưa rằng:

- Mã Siêu là một đứa dũng phu, biết đâu được việc cơ mật. Thừa tướng nên viết một phong thư theo lối đá thảo đưa cho Hàn Toại, chỗ nào quan trọng thì xoá bỏ đi, nhưng cố ý để lộ cho Mã Siêu biết. Thế nào, Siêu chẳng đòi xem thư, thấy những chỗ khẩn yếu xoá bỏ lèm nhèm, tất nhiên nghi là Hàn Toại có tư tình với thừa tướng, nên sửa đổi đi; thế mới ăn khớp với cuộc nói chuyện bữa trước. Đã nghi thì tất phải sinh loạn, ta lại bí mật liên kết với các tướng bộ hạ của Hàn Toại, khiến hai bên ly gián lẫn nhau, chắc chắn phá được Siêu.

Tháo khen rằng:

- Kế của ngươi hay lắm!


Lập tức viết thư, sai một toán tuỳ tùng đưa sang, rồi trở về.

Quả nhiên có người báo với Mã Siêu. Siêu càng nghi lắm, đến ngay trại Hàn Toại đòi xem thư. Hàn Toại lấy thư đưa cho Siêu. Siêu thấy trong thư chỗ thì dập chỗ thì xoá bèn hỏi Toại rằng:

- Trong thư làm sao xoá bỏ lèm nhèm thế này?

Toại nói:

- Nguyên thư đưa lại vẫn thế, không biết tại sao?


Siêu nói:

- Không có lẽ Tào Tháo đưa bản nháp cho chú, đây chắc là chú sợ tôi biết rành mạch cho nên xoá đi đó thôi.

Hàn Toại nói:

- Hoặc giả Tào Tháo đưa nhầm bản nháp chăng!

- Như thế càng không thể tin được! Tào Tháo là người cẩn thận, đâu có lầm lẫn làm vậy? Tôi với chú chung sức lại để đánh giặc, bỗng dưng chú lại thay lòng thế?


Toại nói:

- Nếu cháu không tin chú, thì để ngày mai, chú gọi Tào Tháo ra nói chuyện, cháu bất thình lình nhảy ra đâm cho nó một ngọn giáo, là êm chuyện.

Siêu nói:

- Nếu được như thế, chú mới là thực bụng.


Hai người hẹn hò xong. Hôm sau Hàn Toại dẫn Hầu Tuyển, Lý Kham, Lương Hưng, Mã Ngoạn, Dương Thu tất cả năm tướng ra trận. Mã Siêu đứng núp trong cửa cờ. Hàn Toại sai người đến trước trại Tào Tháo gọi to lên rằng:

- Hàn tướng quân xin mời thừa tướng ra nói chuyện.

Tháo sai Tào Hồng dẫn ít quân kỵ ra trước trận gặp Hàn Toại. Còn cách vài bước Hồng ngồi trên ngựa nghiêng mình nói:

- Đêm qua thừa tướng tôi có nhờ thưa với tướng quân cứ theo lời trên thư mà làm, xin tướng quân chớ để lỡ việc!


Nói xong, quay ngựa trở về.

Siêu nghe Tào Hồng nói như thế, lập tức nổi giận đùng đùng, vác giáo nhảy xổ ra đâm Hàn Toại.


Năm tướng ngăn lại, khuyên giải Mã Siêu về trại.


Toại nói:

- Cháu chớ nghi ngờ, chú thực không có bụng dạ gì đâu!

Mã Siêu bấy giờ sao chịu tin nữa, căm tức trở về.

Hàn Toại cùng với năm tướng, bàn bạc rằng:

- Việc này làm thế nào cho tỏ được lòng mình?

Dương Thu nói:

- Mã Siêu cậy khoẻ, thường tỏ vẻ khinh rẻ chúa công, nếu thắng được Tào Tháo, sao y chịu nhường nhịn. Cứ như ý tôi, không gì bằng hàng quách ngay Tào Tháo, sau này không đến nỗi mất chức phong hầu.


Toại nói:

- Ta kết anh em với Mã Đằng, nay sao nỡ bỏ tình nghĩa cũ?

Dương Thu nói:

- Việc đến thế này, không còn cách nào khác.


Toại nói:

- Vậy thì ai đi báo tin cho ta được?

Dương Thu xin đi. Toại viết mật thư, sai ngay Dương Thu đến trại Tào Tháo xin hàng.


Tào Tháo mừng lắm, hứa phong cho Hàn Toại làm Tây Lương hầu, Dương Thu làm Tây Lương thái thú, các tướng khác cũng đều được phong quan chức cả. Lại hẹn với nhau đốt lửa lên làm hiệu, hợp sức lại đánh Mã Siêu.


Dương Thu từ về, thuật chuyện lại với Hàn Toại. Toại mừng lắm, sai quân sĩ chất củi khô ở sau trại, để đốt lửa làm hiệu. Năm tướng cùng đeo gươm đứng hầu. Hàn Toại định mở tiệc mời Mã Siêu đến dự rồi giết ngay tại chỗ, nhưng còn phân vân chưa quyết.


Không ngờ Mã Siêu đã biết hết cả, liền dẫn vài tay thủ hạ, đeo gươm đi trước, sai Bàng Đức, Mã Đại làm hậu ứng. Siêu lẻn vào trong trướng Hàn Toại, nghe thấy năm tướng đang thì thầm với Hàn Toại, lại nghe tiếng Dương Thu nói rằng: "Việc này không nên để lâu, nên làm ngay đi!”.


Siêu giận lắm, tuốt gươm xốc thẳng tới, quát lên rằng:

- Bọn giặc kia! Sao dám bàn nhau để hại ta?


Ai nấy đều giật mình. Siêu vung gươm chém vào giữa mặt Hàn Toại. Toại vội giơ tay đỡ, cánh tay liền bị chém gãy đôi. Năm tướng khoa đao xúm đánh, Siêu bước ra ngoài trướng, năm tướng vây quanh đánh Siêu túi bụi.


Siêu một mình vung gươm ra địch, ánh kiếm lấp loáng đến đâu, máu tươi bay toé đến đấy, chém đổ Mã Ngoạn, đâm chết Lương Hưng.


Còn ba tướng bỏ chạy tháo thân cả. Siêu lại trở vào giết Hàn Toại nhưng Toại đã được tả hữu mang đi rồi.

Bỗng nhiên sau trại lửa cháy đùng đùng, quân các trại kéo ùa cả ra. Siêu vội vàng lên ngựa, Bàng Đức, Mã Đại cũng vừa đến nơi, hợp nhau đánh giết.


Khi Mã Siêu dẫn được quân ra, thì quân Tào đã bốn mặt kéo lại, mé trước Hứa Chử, mé sau Từ Hoảng, tả có Hạ Hầu Uyên, hữu có Tào Hồng.


Quân Tây Lương còn đánh lẫn nhau, Siêu chọc thủng vòng vây, không thấy Bàng Đức, Mã Đại đâu liền dẫn hơn trăm quân mã, đứng chẹn ở trên cầu sông Vị.


Bấy giờ đã tảng sáng, chỉ thấy Lý Kham dẫn một toán quân đi qua dưới cầu. Siêu vác giáo tế ngựa đuổi theo, Lý Kham kéo lệch xệch ngọn giáo mà chạy. Sau lưng Mã Siêu, lại có Vu Cấm đuổi theo. Cấm giương cung bắn Mã Siêu, Siêu nghe sau lưng có tiếng cung, né mình tránh khỏi, mũi tên tin ngay vào Lý Kham ở mé trước ngã lộn xuống ngựa.


Siêu quay lại đánh Vu Cấm, Cấm tế ngựa chạy mất. Siêu lại trở về đóng trên cầu. Quân Tào bốn mặt kéo đến đông như kiến, quân hộ vệ đi đầu, cung tên cứ châu cả vào bắn tíu tít. Siêu cầm giáo gạt lia lịa, tên rơi tua tủa xuống đất.


Siêu kéo quân kỵ mã xông vào đánh giết, nhưng quân Tào vây bọc dày lắm, không sao ra được. Đứng trên cầu Siêu reo to một tiếng, rồi đánh bừa vào mé bắc Vị Hà, quân đi theo đều bị chặn cả lại, chỉ còn độc một mình Mã Siêu, xông xáo trong trận, Siêu lại bị một mũi tên tin vào ngựa gục xuống, Mã Siêu ngã lăn ra.


Quân Tào xúm đến, chực bắt. Đang khi nguy cấp, bỗng có một toán quân kéo thốc vào, đó là Bàng Đức và Mã Đại. Hai người cứu được Mã Siêu, rồi lấy một con ngựa của quân sĩ đưa Siêu cưỡi, cùng xông vào đánh giết, mở một đường máu chạy cả về phía tây bắc.


Tào Tháo thấy Mã Siêu chạy được, truyền lệnh cho các tướng rằng:

- Không kể ngày đêm, phải đuổi cho kịp Mã Siêu. Ai lấy được đầu thì thưởng nghìn nén vàng, phong hầu vạn hộ, ai bắt sống được, thì phong làm đại tướng quân.

Các tướng được lệnh, tranh nhau lập công, đuổi theo kỳ cùng mà bắt Siêu. Mã Siêu không còn tưởng gì đến người ngựa mỏi mệt, cứ cắm đầu cắm cổ chạy.


Quân kỵ dần dần tan vỡ, tên nào chạy không kịp thì đều bị bắt cả. Chỉ còn Bàng Đức, Mã Đại và hơn ba chục kỵ mã, chạy thoát được về Lâm Thao, quận Lũng Tây.


Tào Tháo đốc quân đuổi mãi đến An Định, thấy Mã Siêu chạy quá xa rồi mới thu quân về Trường An. Các tướng hội họp đầy đủ. Hàn Toại đã mất cánh tay trái, thành người tàn phế. Tháo cho ở Trường An và phong làm Tây Lương hầu.


Dương Thu, Hầu Tuyển cũng được phong chức liệt hầu, trấn giữ cửa Vị Hà. Rồi Tháo hạ lệnh rút quân về Hứa Đô.


Có quan tham quân ở Lương Châu là Dương Phụ tự Nghĩa Sơn lại Trường An ra mắt Tào Tháo, nói rằng:

- Mã Siêu có sức khoẻ như Lã Bố khi xưa, lại được người rợ Khương mến phục lắm. Thừa tướng nếu không nhân dịp này mà trừ ngay đi, sau này lực lượng y to lớn lên rồi, thì các quận ở Lũng Tây sẽ không còn thuộc quyền thừa tướng nữa. Xin thừa tướng đừng dẫn quân về vội.

Tháo nói:

- Ta cũng muốn lưu quân lại đánh, nhưng trong nước còn nhiều việc, phương nam vẫn chưa định xong, không thể ở lâu được. Ngươi ở đây trông nom giúp ta.

Phụ vâng lời, tiến cử cả Vi Khang làm thứ sử Lương Châu, đề phòng Mã Siêu…

Lúc sắp khởi hành, Phụ bẩm với Tháo rằng:

- Xin thừa tướng hãy để nhiều quân ở lại Trường An, phòng khi cứu ứng cho.

Tháo nói;

- Ta đã dự liệu đâu vào đấy cả rồi, ngươi không phải lo nữa.

Phụ từ biệt đi ra.

Các tướng hỏi Tào Tháo:

- Vừa rồi, lúc đầu giặc mới giữ ở Đồng Quan, đường mé bắc Vị Hà bỏ trống, sao thừa tướng không từ mặt đông Hoàng Hà đánh mặt Bằng Dực mà lại cầm cự ở Đồng Quan mãi, dây dưa ngày tháng, sau mới qua bờ lập trại?

Tháo nói:

- Khi giặc mới đến Đồng Quan, nếu ta vừa đến mà đánh ngay mặt đông Hoàng Hà, giặc tất chia quân giữ các cửa bến, thì mặt tây Hoàng Hà không sao sang được nữa. Cho nên ta tập trung nhiều quân ở Đồng Quan, khiến giặc cũng phải giữ hết cả mé nam, mà để hở mặt tây Hoàng Hà, nên Từ Hoảng, Chu Linh mới sang được. Sau đó, ta dẫn quân sang mặt bắc, cắm trại đắp thành, khiến giặc thấy ta yếu thêm kiêu căng, lơ là phòng bị. Ta lại khéo dùng mẹo phản gián, bồi dưỡng quân sĩ, nên mới phá được như vậy. Đó gọi là "Sét đánh không kịp bưng tai” là thế! Phép binh biến hoá, không cứ một đường nào.

Các tướng lại hỏi rằng:

- Thừa tướng mỗi lần được tin Mã Siêu thêm quân thì lại mừng, là ý làm sao?

Tháo nói:

- Quan Trung cách Hứa Đô xa lắm, nếu giặc cứ giữ vững những nơi hiểm yếu thì đánh đến hai năm cũng không dẹp xong. Nay địch đến tụ cả vào một chỗ này, quân tuy nhiều nhưng mỗi người một bụng, lại càng dễ làm kế chia rẽ, chỉ một trận là phá xong cả, cho nên ta mừng.

Các tướng cùng lạy mà nói rằng:

- Thừa tướng mưu mẹo như thần, không ai theo kịp được!

Tháo cười nói rằng:

- Đó cũng là nhờ tài văn võ các ngươi đấy!

Liền trọng thưởng các tướng sĩ, lưu Hạ Hầu Uyên giữ thành Trường An, bao nhiêu hàng binh đều ghép vào các đội ngũ cả.

Hạ Hầu Uyên tiến cử một người Cao Lăng, quận Bằng Dực, tên là Trương Ký, tự Đức Dung xin cho làm quan doãn ở Kinh Triệu, để cùng với Uyên giữ Trường An. Tháo rút quân về Hứa Đô.

Vua Hiến đế bày loan giá, ra tận ngoài thành tiếp đón; rồi ban chiếu phong cho Tháo được quyền khi vào chầu vua không phải xưng tên, ở trong triều không phải bước rảo, đeo gươm lên cả trên điện, cũng như Tiên Hà, tướng nhà Hán thuở xưa. Tự bấy giờ uy danh Tào Tháo lừng lẫy cả trong ngoài.

Tin ấy truyền đến Hán Trung, kinh động cả quan thái thú ở đó là Trương Lỗ. Mã Siêu cùng mấy vạn bại quân Tây Lương chạy vào Hán Trung, được Trương Lỗ thu dụng cả. Từ đó, binh lực của Hán Trung trở nên hùng hậu.


Lại nói về Đổng Kỷ, Chu Cận đem theo lễ vật đến Hung Nô chuộc Sái Văn Cơ. Tả Hiền Vương và Sái Văn Cơ chung sống với nhau đã hơn hai mươi năm, có hai mặt con. Do sợ uy quyền của Tào Tháo cùng với cam kết của Đan vu Hô Trù Truyền đồng ý để Sái Văn Cơ trở về quê quán nên trong lòng Tả Hiền Vương hết sức buồn rầu.


Sái Văn Cơ thấy đệ tử của cha là Đổng Kỷ đến tìm thì vô cùng cảm động, không nói nên lời.


Đổng Kỷ trình bày rõ lý do đến tìm nàng. Văn Cơ vừa mừng vừa buồn vì từ nay phải chia tay, không còn được thấy mặt các con và chồng là Tả Hiền Vương.


Đổng Kỷ lấy ra di vật của Sái Ung là cuốn Tục Hán Thư, trao cho Văn Cơ, bảo với nàng: "Sư phụ lúc sinh thời luôn ao ước hoàn thành cuốn thư pháp. Mong nàng tiếp tục sứ mệnh của thân phụ”.


Văn Cơ cầm di vật của cha nước mắt rơi lã chã. Nàng nói với tả Hiền Vương: "ý nguyện của thân phụ Văn Cơ này phải theo. Ân tình với đại vương và các con thiếp luôn khắc ghi trong lòng, mãi mãi không bao giờ quên”.


Tả Hiền Vương cùng Đổng Kỷ trò chuyện suốt đêm hôm ấy, cùng Đổng Kỷ kết thân tình, do ngàn trùng xa cách, không có điều kiện qua lại thường xuyên, Tả Hiền Vương ủy thác Văn Cơ cho Đổng Kỷ chăm nom.


Hôm sau, lúc chia tay, Tả Hiền Vương trao tặng Đổng Kỷ cây đao quý vẫn thường đeo bên mình suốt mấy chục năm qua. Đổng Kỷ cũng tặng lại cây kiếm nạm ngọc mà Tào Tháo ban thưởng. Hai người ngậm ngùi từ biệt.


Cát vàng bay mù mịt, Văn Cơ đội mũ lông chồn, mình mặc quần áo người hổ, lên cỗ xe ngựa sang trọng từ biệt Hung Nô sau hơn hai mươi năm gắn bó, lên đường trở về quê hương. Nàng cố ngoái đầu nhìn lại lần cuối, trong lòng không ngớt cầu mong trời phù hộ cho Tả Hiền Vương và hai con.


Trên đường đi, sái Văn Cơ trong lòng tràn ngập cảm xúc đã viết bài Hồ Già Thập Bát Phách còn lưu lại đến đời sau trong đó có đoạn: "Với huyên thảo lo chẳng quên cho được. Đánh minh cầm sao thỏa tình đớn đau. Nay xa con trở về quê cũ. Bỏ oán xưa oán mới lại thêm dài”.


Trên đường đi, Đổng Kỷ không may bị ngã ngựa, bị thương phải nằm lại dọc đường chữa trị bèn dặn Chu Cận đưa Văn Cơ về Nghiệp Thành.


Về đến Nghiệp Thành, Văn Cơ yết kiến Tào Tháo.
 

Tháo mở tiệc ở đài Đồng Tước chiêu đãi Văn Cơ, mời cả văn võ bá quan cùng dự. Tào Tháo nói với mọi người: "Bá Giai có được người con gái như thế thì chết cũng chẳng ân hận”.
 

Tào Tháo ngỏ lời với Văn Cơ tiếp tục viết nốt cuốn Tục Hán Thư. Văn Cơ nhận lời để đền đáp công ơn dành cho mình và thân phụ.


Tiệc tan, Văn Cơ được Biện Phu Nhân, vợ Tào Tháo đón vào hậu đường trò chuyện. Chu Cận sợ Tào Tháo trọng dụng Đổng Kỷ mà khinh rẻ mình bèn tìm cách vu oan cho Đổng Kỷ cùng Tả Hiền Vương có âm mưu hiểm độc hãm hại Tào Tháo, lại gièm pha, dựng chuyện Văn Cơ có tư tình với Đổng Kỷ.


Tào Tháo sẵn có hơi men trong người, nghe nói vậy liền nổi giận lập tức sai Tào Phi đi bắt Đổng Kỷ để hành hình.


Nhưng Tào Phi tinh ý quan sát thái độ của Chu Cận có phần không trung thực, trong lòng nghi ngờ, bèn dặn thủ hạ chưa giết Đổng Kỷ, chỉ bắt giam chờ xét hỏi, đối chất.


Hôm sau, Văn Cơ vừa ngủ dậy, được đám tỳ nữ mách bảo việc ấy nên cảm thấy kinh ngạc, lo lắng cho tính mạng của Đổng Kỷ.


Nàng không kịp trang điểm, mặc vội trang phục rồi lập tức xin gặp Tào Tháo và Biện phu nhân để trình bày, làm rõ ngọn ngành để minh oan cho Đổng Kỷ trước khi quá muộn.


Lúc đó Tào Tháo đang bàn việc cùng văn võ bá quan, thấy Văn Cơ đầu tóc rối bời, quần áo xộc xệch chạy vội đến nên lấy làm lạ. Tào Tháo đích than lấy áo bào khoác cho Văn Cơ rồi thuật lại lời của Chu Cận.


Văn Cơ kể rõ ngọn ngành, Tào Tháo biết được nỗi oan của Đổng Kỷ và âm mưu của Chu Cận nên hết sức giận dữ.


Tào Tháo lập tức đem Chu Cận trị tội, nhưng may có Văn Cơ xin cho nên Chu Cận được tha tội chết.


Tháo truyền lệnh tha tội cho Đổng Kỷ. Được biết Tào Phi đã có ý cẩn thận chờ xét hỏi chứ không giết Đổng Kỷ ngay, Tào Tháo, Văn Cơ cùng các quan nghe nói đều mừng rỡ.


Ít lâu sau, Văn Cơ viết xong cuốn Tục Hán Thư dân lên Tào Tháo. Tháo xem xong mừng lắm đưa mọi người cùng xem. Xem xong ai nấy đều thương cảm cha con Sái Ung, Văn Cơ tài hoa nhưng bạc mệnh.



Mấy năm sau đó, Tả Hiền Vương đánh giặc bị trọng thương rồi mất. Văn Cơ nhận được hung tin, đau khổ trong lòng rồi ốm liệt giường. Đổng Ký hết lòng chăm sóc, đồng thời sai người đến Hung Nô thăm dò tin tức hai con của Văn Cơ. Bệnh tình của Văn Cơ nhờ đó cũng dần khỏi.


Biện phu nhân coi Văn Cơ như con gái liền ngỏ lời với Tào Tháo: "Đổng Kỷ, Văn Cơ quen nhau lâu năm, có lòng quý mến nhau. Nếu kết duyên với nhau sẽ là một việc hay”. Tào Tháo ưng thuận ngay.


Đúng lúc ấy, Đan vu Nam Hung Nô là Hô Trù Truyền đích thân đến Nghiệp Thành triều kiến Tào Tháo xin cho hai con Tả Hiền Vương và Văn Cơ đoàn tụ với mẹ. Tháo mở tiệc khoản đãi Đan Vu. Văn Cơ, Đồng Kỷ cùng đến dự.


Văn Cơ gặp lại các con, lúc này đều đã trưởng thành, hết sức vui mừng, ôm hai con vào long mừng tủi kể lại nỗi nhớ nhung từ khi ly biệt.


Khi hai con Văn Cơ gặp lại Đổng Kỷ, dâng cây kiếm nạm ngọc ngày xưa Đổng Kỷ gửi tặng Tả Hiền Vương. Đổng Kỷ xúc động một tay ôm lấy bọn trẻ, một tay đỡ lấy Văn Cơ.


Tào Tháo và Biện phu nhân chọn ngày lành tháng tốt làm lễ thành hôn cho Đổng Kỷ và Văn Cơ. Hôm ấy trên điện ai nấy đều vui vẻ chúc mừng hai người. Được Tào Tháo coi trọng như người thân thuộc, Văn Cơ dành trọn tài năng, cảm xúc, trải nghiệm của mình vào việc sáng tác văn chương để lại cho đời sau nhiều tác phẩm danh tiếng.


Từ đó, ngoài những lúc bận việc quân, Tào Tháo thường triệu tập quần thần mở tiệc, mời các văn nhân, tri thức tham gia các sinh hoạt văn học nghệ thuật


Trương Lỗ nguyên là người ở đất Phong nước Bái. Tổ Trương Lỗ là Trương Lăng, ẩn ở núi Hộc Minh xứ Tây Xuyên, đặt ra sách đạo để dạy dỗ người ta, ai cũng kính nể. Sau khi Lăng chết, con là Trương Hành nối giữ nghiệp ấy. Nhân dân ai đến học đạo đều phải giúp năm đấu thóc; bấy giờ gọi là "giặc gạo”. Trương Hành mất, Trương Lỗ thay thế, tự xưng là "Sư quân”. Học trò thì gọi là "quỷ tốt”, người cầm đầu các nhóm học trò thì gọi là "tế tửu”, ai thống lĩnh nhiều người hơn gọi là "trị đầu đại tế tửu”, cốt giữ điều thật thà làm gốc, không được dối trá. Ai bị đau ốm gì, phải lập một đàn để cúng vái; người ốm phải ở riêng một nhà tĩnh mịch, tự xét lại lầm lỗi của mình, và thú thực cả ra, rồi mới cúng vái cho. Người coi việc cúng vái gọi là "gian lệnh tế tửu”. Phép cúng thì viết tên họ người ốm, kể tình thú tội, sao ra ba bản văn gọi là "tam quan thủ thư”. Một bản đặt lên trên đỉnh núi để tâu với trời; một bản chôn xuống đất để tâu với đất; một bản bỏ xuống nước để tâu vơi thuỷ quan. Khi khỏi bệnh, phải tạ lại năm đấu thóc. Lại làm ra một cái nhà gọi là "nghĩa xá”, trong nhà chứa đủ cơm gạo, củi lửa, đồ ăn, ai qua lại đó cứ vào lấy mà ăn, ai ăn nhiều quá sẽ bị trời giết.

Trong địa hạt ấy, ai phạm tội được khoan hồng ba lần, nếu không chừa mới bị trị tội. Ở xứ ấy không có quan cai trị, mọi việc đều do tế tửu coi giữ.

Trương Lỗ cứ như thế hùng cứ ở xứ Hán Trung đã ba mươi năm trời. Triều đình cho nơi này xa xôi, không thể đánh dẹp được, nên phải phong cho Trương Lỗ làm Trấn nam trung lang tướng, lĩnh chức thái thú ở Hán Ninh, chỉ phải hàng năm tiến cống mà thôi.

Khi ấy, Trương Lỗ nghe tin Tào Tháo phá được quân Tây Lương, uy danh lừng lẫy, bèn hội các quan lại bàn rằng:

- Mã Đằng ở Tây Lương bị giết, con là Mã Siêu lại mới thua, Tào Tháo tất đến xâm phạm đất Hán Trung của ta. Ta muốn tự xưng là Hán Ninh vương, mang quân ra cự nhau với Tào Tháo, các quan nghĩ sao?

Diêm Phố thưa rằng:

- Dân Hán Xuyên ta dân hơn mười vạn hộ, của giàu, lương nhiều, bốn mặt thì hiểm trở. Nay Mã Siêu mới thua, quân Tây Lương từ hang Tý Ngọ chạy vào ngụ ở Hán Trung, thêm vài vạn nữa. Tôi thiết nghĩ Lưu Chương ở Ích Châu hèn đớn lắm, chi bằng ta hãy lấy bốn mươi mốt châu ở Tây Xuyên trước làm cơ sở rồi sẽ xưng vương cũng chưa muộn.


Trương Lỗ mừng lắm, liền cùng với em là Trương Vệ bàn việc cất quân.


Quân do thám vội báo tin đó vào Hán Trung.

Lại nói Lưu Chương ở Ích Châu, tự là Quý Ngọc tức là con Lưu Yên, dòng dõi vua Hán Cung vương. Khoảng năm Nguyên Hoà đời Cung Đế, Lưu Yên được phong sang ở Cảnh Lăng. Về sau, Yên làm đến chức quan mục ở Ích Châu. Đến năm Hưng Bình thứ nhất, Yên bị bệnh mất. Quan thái sử châu ấy là bọn Triệu Vị, tôn Lưu Chương lên kế vào chức của cha. Khi trước, Lưu Chương giết mất mẹ và em Trương Lỗ, bởi thế hai bên vẫn thù hằn nhau. Chương sai Bàng Hy làm thái thú Ba Tây, để chống cự Trương Lỗ.

Khi ấy, Bàng Hy dò xét Trương Lỗ định cất quân vào lấy Tây Xuyên liền phi báo với Lưu Chương. Chương vốn người nhu nhược, được tin trong bụng lo lắng lắm, vội họp các quan lại bàn bạc.


Bỗng một người ngang nhiên bước ra, nói:

- Chúa công hãy yên tâm, tôi tuy bất tài, xin uốn ba tấc lưỡi, khiến cho Trương Lỗ không dám nhìn đến Tây Xuyên nữa.


Đó là:

Đất Thục mưu thần ra hiến kế
Kinh Châu hào kiệt mới ra tay.

Chưa biết người dâng kế là ai, xem hồi sau sẽ rõ.


Bàng Đức & Mã Siêu & Mã Đại


Hầu Tuyển & Dương Thu


Chu Linh & Trương Vệ


Hàn Toại & Mã Siêu & Hứa Chử & Mã Đại & Tào Tháo & Trương Lỗ


Bàng Nguyên & Lâu Tử Bá

 
Mã Siêu là một trong năm hổ tướng của nước Thục sau này. Hồi này Mã Siêu chưa vào Thục mà cái sức khỏe đã được tả kỹ càng. Trước khi thấy sự anh dũng của Mã Siêu đã thấy cái sức khỏe của Hứa Chử. Vậy thì tả Hứa Chử chính là tả Mã Siêu vậy. Tuy nhiên Chử chỉ cậy sức khỏe, Siêu đấu với Chử chẳng qua cũng chỉ là kẻ khỏe đấu kẻ khỏe mà thôi. Mã Đằng khinh thân, dấn mình vào miệng cọp, thì trung nghĩa có thừa, nhưng trí thức còn kém. Mã Siêu chỉ biết cậy oai cọp của mình thì cũng là hạng sức khỏe có thừa mà mưu trí còn kém vậy.

Phép dùng binh theo chỗ ly gián. Thắng một ngừơi thì khó, mà thắng hai người lại dễ, là vì có một người thì không thể ly gián. Có hai người là có thể ly gián. Để hai người tụ một chỗ thì khó phá, phân rẽ hai người ra hai chỗ ắt dễ phá, cho nên Mã, Hàn còn đóng một chỗ thì Tháo không thể ly gián. Mã, Hàn kéo ra hai nơi, Tháo mới ly gián được vậy. Tuy nhiên, Tháo ly gián không phải chỉ dùng có một chước: Có câu chuyện bâng quơ trên ngựa thì những chữ bị xóa trong thư mới ngờ. Có những chữ bị xóa trong thư thì những câu chuyện trên ngựa mới càng đáng ngờ nữa. Thế thì cũng nhờ có đầu mối câu chuyện mới ly gián được. Trước khi chém sứ của Tháo, Toại đã cho Siêu xem một lá thư. Có lá thư hồi ấy ắt lá thư hồi này càng đáng nghi. Khi đề nghị cắt đất giải hòa, Hàn Toại cũng viết một lá thư. Có thư bên này gửi đi, thì lá thư bên kia gửi lại càng đáng nghi lắm. Tháo sở dĩ làm cho Siêu nghi ngờ được, là vì Tháo thâm hiểu cái phép phản gián trong binh pháp vậy.

Chu Cu lừa Tưởng Cán khéo ở lúc đêm tối. Tào Tháo ly gián Hàn Toại lại khéo ở giữa lúc ban ngày. Lá thư lừa Tưởng Cán khéo ở chỗ rõ ràng minh bạch. Lá thư gửi Hàn Toại khéo ở chỗ hàm hồ vu vơ. Những tiếng thì thầm trong trướng Chu Du có vẻ tối hệ trọng khẩn cấp. Những lời Tào Tháo nói trên ngựa lại khéo ở chỗ vu vơ chẳng quan hệ gì cả. Phép lừa dối mỗi bên có một vẻ kỳ diệu khác nhau.

Trong thiên hạ, đời nào có chuyện dàn quân đối trận với nhau mà chỉ nói rặt những câu thăm hỏi, kể lể chuyện cũ, không hề đả động đến việc quân bao giờ? Vả đời nào lại có chuyện sai sứ đưa thư mà phong lầm bản ráp? Rõ ràng là mưu phản gián! Thế mà Hàn Toại không biết, cứ trả lời vu vơ với Mã Siêu, thì Siêu khỏi nghi ngờ sao được? Thế thì sở dĩ Siêu phải tức giận nghi ngờ, tuy là vì Tháo túc trí đa mưu nhưng cũng vì Hàn Toại ngu nữa, nên Tháo mới thành công như vậy.

Mã Siêu chặt tay Hàn Toại, cũng như tự chặt cánh tay mình. Hàn Toại vì bị Siêu nghi ngờ mà muốn giết Siêu, thì cũng như Toại muốn chặt tay mình. Hai người cứu giúp lẫn nhau, thì phải như tay phải với tay trái. Thế mà lại mâu thuẫn với nhau, để cho Tháo xắn tay thủ thắng rủ tay áo nhìn cái bại của địch! Thật đáng tiếc thay!

Việc binh của Tôn Quyền do đại đô đốc quyết đoán. Việc quân cơ của Lưu Huyền Đức do quân sư quyết đoán. Chỉ có Tào Tháo là tự tay nắm quyền hành quân, một mình quyết đoán. Tuy rằng có các mưu sĩ giúp mưu nhưng quyền quyết định cuối cùng bao giờ cũng do Tháo. Tháo tỏ ra xuất sắc hơn hẳn bề tôi. Thế thì Lưu Bị, Tôn Quyền không thể ví với Tháo được vậy. Cứ xem như mỗi khi Tháo dự định mật kế, lúc đầu các tướng đều không hiểu. Sau khi thành công, các tướng mới thán phục. Vua Đường Thái Tôn có đề trên mộ Tháo rằng: “Nhất tướng chi trí hữu dư, Lương nhiên! Lương nhiên!” khen như thế thật là đúng.

Mỗi khi thấy quân Tây Lương kéo đến, Tào Tháo lại mừng rơn. Thì ra binh nhiều thì lương khó đầy đủ tiếp ứng. Đó là một điều đáng mừng. Binh nhiều quả khó một lòng một chí. Đó là hai điều đáng mừng.

Trận đánh Quan Độ, Ô Sào… Tháo ít quân mà thắng kẻ nhiều quân. Trận Xích Bích, Tháo nhiều binh mà thua đối phương ít binh. Ở Đồng Quan. Tháo sở dĩ biết liệu người, chính là nhờ kinh nghiệm thắng bại của mình mà tự liệu vậy.

Cái “tả đạo” của Trương Giốc mê hoặc lòng dân, đã qua hơn năm mươi hồi rồi. Đến hồi này bỗng lại thấy cái “tả đạo” của Trương Lỗ. Giặc Khăn vàng có ba anh em. “Giặc gạo” có ba đời cha truyền con nối. Trương Giốc có những danh hiệu “Sư quân”, “Tế tửu”, “Quỷ tốt”. Sao không hẹn mà giống nhau thế! Thì ra trước khi Lưu Bị tụ nghĩa Đào viên, có giặc Khăn vàng gây đầu mối. Và khi Lưu Bị sắp vào Tây Xuyên lại có Trương Lỗ gây đầu mối. Pho truyện lớn “Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa” đầu đuôi tương quan liên hợp với nhau lắm vậy.
 
Hồi 58
Đầu trang
Hồi 60
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại