Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 112
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Tôn Lâm & Tư Mã Vọng
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 112
Cứu Thọ Xuân, Vu Thuyên tử tiết;
Lấy Trường Thành, Bá Ước dùng binh.
 

Tư Mã Chiêu thấy Gia Cát Đản hội với quân Ngô kéo lại, liền vời quan tản kỵ trưởng sử là Bùi Tú và hoàng môn thị lang là Chung Hội đến bàn bạc đánh giặc.

Chung Hội nói:

- Quân Ngô giúp Gia Cát Đản, chỉ vì lợi thôi. Nếu ta lấy lợi mà dử, thì tất đánh được.


Chiêu nghe lời sai Thạch Bào, Chu Thái dẫn hai toán quân phục ở trước thành Thạch Đầu, Vương Cơ, Trần Khiên lĩnh tinh binh ở mặt sau, cho tì tướng là Thành Tốt dẫn vài vạn quân ra trước dụ địch. Lại sai Trần Tuấn dẫn xe trượng, trâu, ngựa, lừa, la chở đồ tụ sẵn trong trận, đợi giặc đến thì bỏ chạy.


Hôm ấy, Gia Cát Đản sai Ngô tướng Chu Dị ở mặt tả, Văn Khâm ở mặt hữu, còn mình đi giữa.


Đản thấy quân mã bên Ngụy lộn xộn không được tề chỉnh, mới thúc quân kéo tràn sang. Thành Tốt chạy lui về. Đản kéo quân đuổi đánh. Bỗng thấy trâu, ngựa, lừa, la thả ra, nhan nhản khắp cánh đồng. Quân Ngô tham lợi, tranh nhau đuổi bắt, không còn bụng nào đánh nhau nữa.


Chợt có tiếng pháo nổ, quân hai mặt kéo đến, tả thì Thạch Bào, hữu thì Chu Thái. Đản giật mình, kíp rút quân về. Vương Cơ, Trần Khiên dẫn tinh binh đổ lại, Tư Mã Chiêu tiếp ứng thêm vào.


Đản thua to, chạy vào thành Thọ Xuân, đóng cửa giữ vững không dám ra.


Chiêu sai quân bốn mặt vây đánh thành.


Bấy giờ quân Ngô lui về đóng ở An Phong. Ngụy chủ xa giá đóng ở Hạng Thành.

Chung Hội nói:

- Nay Gia Cát Đản tuy thua, nhưng trong thành Thọ Xuân lương thảo còn nhiều, lại có quân Ngô đóng ở An Phong, làm thế ỷ giốc. Quân ta bốn mặt vây đánh, nếu đánh thong thả thì giặc giữ vững, đánh kíp quá thì họ cố chết chống cự với ta. Quân Ngô lại thừa cơ đến đánh. Như thế quân ta đánh thành có ích gì? Không bằng ta chỉ đánh ba mặt, chừa ra một lối to cửa nam cho giặc chạy, rồi sẽ đuổi theo mà đánh, thì mới toàn thắng được. Quân Ngô từ xa đến đây, lương thảo tiếp ứng không đều. Ta dẫn quân khinh kỵ lẻn ra mé sau mà chặn đường, thì không phải đánh cũng vỡ.


Chiêu vỗ vào lưng Chung Hội mà rằng:

- Ngươi thật là Tử Phòng của ta!

Liền sai Vương Cơ triệt quân mặt cửa nam không vây nữa.


Hôm ấy, Gia Cát Đản bị thiệt hại rất nhiều quân mã, tinh thần binh sĩ hoang mang, thấy ở cửa nam quân Ngụy lui đi bèn sai người lẻn ra ngòai thành sang An Phong cầu viện quân Ngô.


Quân Ngô đóng ở An phong. Tôn Lâm gọi Chu Dị đến trách mắng rằng:

- Có một thành Thọ Xuân, còn không cứu nổi, thì thôn tính làm sao được Trung Nguyên. Nếu không đánh được lần nữa thì ta chém đó.


Chu Dị về trại, bàn với Vu Thuyên. Thuyên nói:

- Nay cửa thành Thọ Xuân không vây, tôi xin giữ một toán quân lại giúp Gia Cát Đản chống giữ. Tướng quân ở ngoài này, khiêu chiến với quân Ngụy. Tôi từ trong thành đánh ra, hai mặt giáp lại, thì có thể phá được.


Dị cho làm phải. Bởi vậy cả bọn Toàn Dịch, Toàn Đoan, Văn Khâm, đều xin vào thành, bèn cùng với Vu Thuyên dẫn một vạn quân tự cửa nam kéo vào.


Quân Ngụy được lệnh không đánh cứ để cho mặt quân Ngô vào, rồi mới báo tin với Tư Mã Chiêu.

Chiêu nói:

- Đây tất là họ vào thành, rồi hợp trong ngoài để phá quân ta.

Bèn gọi Vương Cơ đến dặn rằng:

- Nhà ngươi dẫn năm nghìn quân chặn ngang đường Chu Dị đến, rồi theo sau mà đánh.


Cơ lĩnh mệnh đi.

Chu Dị dẫn quân đang đi, bỗng ở mé sau nổi tiếng reo, Vương Cơ kéo quân đến.


Chu Dị không đề phòng, chỉ thấy bốn mặt lửa sáng rực, tiếng reo vang trời, quân Ngô hỗn chiến được một chập thì thua to.


Chu Dị trở về ra mắt Tôn Lâm.

Lâm nổi giận, mắng rằng:

- Tướng thua liểng xiểng kia, còn cần ngươi làm chi nữa?

Bèn quát võ sĩ lôi ra chém.


Lại trách con Toàn Đoan và Toàn Vĩ rằng:

- Nếu không đánh đuổi được quân Ngụy đi, cha con mày đừng nhìn đến mặt tao nữa.

Tôn Lâm trở về Kiến Nghiệp.


Chung Hội nói với Tư Mã Chiêu rằng:

- Nay Tôn Lâm đã lui về, ngoài không có quân cứu, lại nên vây thành mà đánh.

Chiêu nghe lời, sai quân vây thành. Toàn Vĩ muốn dẫn quân vào Thọ Xuân, thấy quân Ngụy to thế lắm, nghĩ mình tiến thoái hai đường cũng khó, mới ra hàng Tư Mã Chiêu.


Chiêu gia phong cho Toàn Vĩ làm thiên tướng quân. Vĩ cảm ơn đức ấy, viết thư đưa cho cha là Toàn Đoan và chú là Toàn Dịch, nói Tôn Lâm bất nhân, không bằng hàng Ngụy cho xong, rồi buộc thư bắn vào trong thành.


Toàn Dịch được thư, cùng với Đoan dẫn vài nghìn người mở cửa ra hàng. Quân Ngụy kéo đến cướp thành gặp đại tướng Hoài Nam là Tưởng Ban, Tiêu Di liều chết đánh nhau, quân Ngụy không sao vào được thành đành rút lui.


Đánh lui quân Ngụy xong, Tưởng Ban, Tiêu Di đến báo với Gia cát Đản. Đản kinh hoàng gọi Văn Khâm, Vu Thuyên đến, lớn tiếng trách mắng. Tưởng Ban can rằng:

- Toàn Đoan hàng Ngụy là bởi tình cha con, hai vị tướng quân này vô can, nay phải đồng lòng giữ thành, hà tất phải nghi kỵ.


Gia Cát Đản vẫn còn bực tức, lệnh cho quân Ngô xuống thành, dùng quân Hoài Nam giữ thành. Tiêu Di nói:

- Nếu không tín nhiệm quân Ngô thì nên thả họ về nước, đừng để đồn trú trong thành.

Đản cho rằng, nếu thả ra, quân Ngô sẽ sang hàng địch nên không nghe theo.


Quân Ngụy vây cả bốn mặt thành, đánh ráo riết suốt ngày đêm. Đản thấy thế quân Ngụy mạnh, sợ quân Ngô lâu ngày đã mệt mỏi sẽ sinh biến nên cố chết giữ thành, không dám ra đánh. Lương thảo trong thành ngày một cạn dần.


Tưởng Ban, Tiêu Di mấy lần đòi ra đánh nhưng Đản không cho mà chỉ tay ra ngoài thành nói:

- Trời sắp sang thu, nước sông Hoài Thủy dâng cao tràn lên bờ, quân Ngụy sẽ thành tôm, cá hết, cần gì phải đánh.


Tưởng Ban, Tiêu Di lại nói:

- Trong thành lương còn ít mà quân thì nhiều, không thể giữ lâu được; vạn nhất nước sông Hoài Thủy không dâng lên thì chúng ta chịu đói hay sao? Nên cho quân Ngô Sở ra thành, thà quyết một trận tử chiến với quân Ngụy còn hơn.

Đản nổi giận, nói:

- Tao muốn giữ, mày lại muốn đánh, chẳng là có bụng khác sao? Hễ còn nói đánh nữa thì tao chém đầu!


Hai người ngẩng mặt lên trời than rằng:

- Đản sắp chết đến nơi, chúng ta nên hàng Ngụy cho sớm, kẻo chết uổng!


Canh hai đêm hôm ấy, Tưởng, Tiêu hai người trèo qua thành ra hàng Ngụy. Tư Mã Chiêu đều trọng dụng cả. Đản nghe tin, trong lòng bối rối.


Trong thành Thọ Xuân, từ bấy giờ dù có người muốn đánh nhau cũng không dám nói đến đánh. Đản ở trong thành thấy quân Ngụy đắp thành chung quanh bốn mặt, đề phòng nước sông Hoài tràn vào. Đản mong đợi nước sông tràn lên, cho đổ thành đất, rồi mới kéo quân ra đánh, không ngờ tự thụ sang đông, tịnh không có trận mưa nào, nước sông không tràn được. Lương ở trong thành đã gần cạn. Văn Khâm ở riêng góc thành nhỏ, cùng với hai con giữ vững không ra. Thấy quân sĩ dần dần nhiều người đói lả. Khâm mới vào nói với Gia Cát Đản rằng:

- Lương đã khan, quân sĩ lắm kẻ chết đói, nên đuổi quân phương bắc ra ngoài thành để bớt ăn đi.

Đản giận, nói:

- Người xui ta bỏ bắc quân đi, muốn mưu hại ta sao?


Liền quát tả hữu lôi ra chém.


Gia Cát Đản chém xong Văn Khâm, lại sai quân đến bắt các con là Văn Ương, Văn Hổ. Hai anh em hay tin cha bị chết, điên tiết rút đao giết sạch vài chục lính đến bắt.


Giết xong, hai anh em nhảy xuống thành, đến trại Ngụy xin hàng.


Tư Mã Chiêu nhớ đến khi xưa Văn Ương một ngựa đánh lùi được quân Ngụy, căm giận muốn giết để báo thù.

Chung Hội can rằng:

- Việc xưa là tội tự Văn Khâm, nay hắn đã mất rồi, hai con cùng thế phải ra hàng. Nếu ta giết đi, thì càng làm vững bụng người trong thành lắm.


Chiêu nghe lời, gọi Văn Ương, Văn Hổ vào trướng lấy lời ngọt ngào phủ dụ, ban cho ngựa tốt áo gấm, gia chức làm thiên tướng quân, phong làm quan nội hầu.


Hai người lạy tạ, cưỡi ngựa đi chung quanh thành, gọi to lên rằng:

- Hai chúng ta đội ơn đại tướng quân tha tội, lại phong tước cho, chúng mày sao không hàng đi cho sớm?


Người trong thành nghe vậy, bàn với nhau rằng:

- Văn Ương là người có thù với Tư Mã Chiêu, nay cũng được trong dụng, huống chi chúng ta?

Bởi thế nhiều người trốn ra thành hàng Ngụy.

Gia Cát Đản thấy vậy giận lắm, đến đêm tự mình đi tuần quanh mặt thành, động ai có lỗi thì giết đi để răn đe quân sĩ.


Chung Hội thấy trong thành nhân tâm đã biến, vào trướng bẩm với Tư Mã Chiêu rằng:

- Nên nhân dịp này mà đánh dấn ngay đi.


Chiêu mừng lắm, truyền lệnh ba quân vây kín bốn mặt thành mà đánh cho riết. Pháo đá, tên bay bắn như mưa vào thành.


Tướng giữ cửa thành là Tăng Tuyên dâng cửa bắc, mở toang cửa cho quân Ngụy kéo vào.


Đản thấy quân Ngụy vào thành, vội vàng dẫn vài trăm thủ hạ, từ con đường nhỏ trong thành chạy trốn.


Vừa đến bên cầu, thì gặp Hồ Phấn, Đản bị Phấn chém chết ngã xuống ngựa.


Vài trăm hạ thủ Đản cũng bị trói cả.

Vương Cơ kéo quân đến cửa tây, gặp Ngô tướng là Vu Thuyên. Cơ quát lên rằng:

- Sao không hàng đi cho mau?

Thuyên nổi giận, nói:

- Chịu mệnh ra cứu bạn cho người, đã không cứu được thì chớ, lại đi theo hàng người khác. Thế là nghĩa lý gì?

Nói đoạn, quẳng mũ xuống đất kêu to lên rằng:

- Người ta sinh ở đời, được chết tại nơi chiến trường là may!


Liền khoa đao vào đánh, được hơn ba mươi hiệp, quân Ngụy tràn đến mỗi lúc một đông, Thuyên vẫn gắng sức đánh, không chút sợ hãi.


Đánh mãi đến tối, người ngựa mỏi mệt, ngựa lại bị thương, không thể trụ vững. Quân Ngụy xung quanh hò hét kêu gọi đầu hàng.


Vu Thuyên ngửa mặt lên trời than rằng:

- Đại trượng phu thà chết chứ không bao giờ bán rẻ mạng sống.

Nói xong, rút bảo kiếm tự vẫn.


Người sau có thơ khen rằng:

Tư Mã năm xưa vây Thọ Xuân,
Hàng binh chen chúc vái xe trần.
Đông Ngô tuy lắm anh hùng giỏi,
Ai sánh Vu Thuyên dám liều thân.

Tư Mã Chiêu vào thành Thọ Xuân, bắt hết già trẻ ba họ nhà Gia Cát Đản giết sạch. Võ sĩ điệu bộ tốt của Gia Cát Đản vài trăm người đến.

Chiêu hỏi:

- Chúng mày có chịu hàng không?

Chúng kêu rằng:

- Chúng ta tình nguyện chết theo Gia Cát công, nhất định không hàng mày!

Chiêu nổi giận quát võ sĩ trói điệu cả ra ngoài thành, rồi bảo từng người rằng:

Hễ ai chịu hàng thì tha cho! Trong vài trăm người, cứ chém người này thì lại hỏi người khác, chém kỳ đến hết, không một người nào chịu hàng cả.

Chiêu than thở, trọng cái nghĩa khí của bọn ấy cũng không biết ngần nào, sai mai táng tươm tất.

Có thơ than rằng:

Ơn chúa hề chi cái sống thừa!
Một niềm trung nghĩa tiếng nghìn xưa,
Câu ca Cửu Lộ còn văng vẳng,
Vết cũ Điền Hoành để đến giờ!

Quân Ngô về hàng Ngụy rất nhiều. Bùi Tú nói với Tư Mã Chiêu rằng:

Quân Ngô vợ con ở cả Giang Hoài, nếu cho ở đây, lâu ngày tất sinh biến. Không bằng chôn sống ráo cả chúng nó đi.

Chung Hội can rằng:

- Thế không xong! Phép ngày xưa dùng binh, chỉ giết một người đầu sỏ là đủ. Nếu chôn cả đi, thì độc ác bất nhân lắm. Chi bằng đuổi cả chúng nó Về Giang Nam, để tỏ cái lượng rộng rãi của Trung Nguyên.


Chiêu khen lời lấy phải, liền tha cả quân Ngô cho về bản quốc.


Đường Tư sợ Tôn Lâm bắt tội, không dám về Ngô, phải đến hàng Ngụy. Chiêu cũng trọng dụng, sai chia nhau ra giữ các nơi Tam Hà.

Hoài Nam bình định xong đâu đấy, quân Ngụy rút quân về.


Chợt có báo tin Khương Duy ở Tây Thục dẫn quân đến lấy Trường Thành, chặn đường vận lương của quân Ngụy.

Chiêu giật mình cùng với các quan bàn kế đánh Thục.

Bấy giờ là năm Hiên Di thứ hai mươi nhà Thục Hán, đổi là năm Cảnh Diệu thứ nhất. Khương Duy ở Hán Trung kén được hai tướng trong Xuyên, một người là Tưởng Thư, một người là Phó Thiêm, hai người sức lực khỏe mạnh mà có can đảm. Duy yêu lắm, dùng làm tướng, ngày ngày rèn tập quân mã, chờ dịp sang đánh Ngụy.


Chợt có tin báo về rằng:

- Gia Cát Đản cất binh đánh Tư Mã Chiêu. Tôn Lâm ở Đông Ngô mang quân sang giúp. Chiêu cất hết quân ở hai miền Hoài, đem cả Ngụy chủ và Ngụy Thái Hậu đi đánh giặc.


Duy mừng rỡ, nói:

- Phen này việc ta chắc xong!

Liền dâng biểu tâu với hậu chủ, xin cất quân sang đánh Ngụy.


Đại Phu và Tiêu Chu nghe chuyện làm vậy, than rằng:

- Lâu nay chúa thượng ham mê tửu sắc, tin dùng hoạn quan là Hoàng Hạo, không nhìn gì đến việc nước, chỉ chuộng lấy sự vui chơi. Bá Ước thì mai đánh nay dẹp, không thương gì đến quân sĩ, thế là cái cơ nước sắp đổ mất rồi.

Bèn làm ra một bài luận gọi là "Thủ quốc luận" kể những sự không nên đánh nữa, đưa cho Khương Duy để can ngăn việc cất quân.

Luận rằng:

Có người nói: Xưa nay thuật lấy yếu thắng mạnh là thế nào? Trả lời:

Trị nước lớn mà không cần lo là phải có bao nhiêu điều rộng lượng, cái hay của nước nhỏ là luôn nghĩ điều lành. Làm nhiều điều khinh suất thì sinh loạn, nghĩ nhiều điều lành thì sẽ yên, đó là lẽ thường. Cho nên Chu Văn nuôi dân bỏ ít lấy nhiều, Câu Tiễn thương dân lấy yếu diệt mạnh. Đó là thuật vậy.

Có người nói:

Xưa Sở mạnh Hán yếu thề ước phân chia hồng câu. Trương Lương cho rằng dân chí đã định thì khó đổi thay, đem quân đánh Vũ; há phải việc của Văn Vương Câu. Tiễn ru? Trả lời: Giữa thời Thương Chu, vương hầu thế tôn quân thần đã ổn. Bây giờ tuy có Hán tổ sao có thể vung kiếm giành thiên hạ. Đến lúc Tần diệt các chư hầu và chiếm thiên hạ, nhân dân bị Tần làm khổ, trời đất ngửa nghiêng, hào kiệt nổi lên tranh nhau. Nay ta với họ đều thay nhau trị nước đã không phải là lúc nước sôi lửa bỏng cuối Tần, cũng không phải thời sáu nước tranh nhau xưng hùng bá. Cho nên đã làm văn Vương, khó làm Hán tổ. Lúc thế loạn rồi lại yên hòa rồi lại đánh. Cho nên quân Thang Võ không đánh mà lại thắng, thành thật coi trọng dân cày mà giúp cho thời thế. Nếu dùng lối binh độc võ chẳng may gặp nạn tuy là người có trí lực cũng không sao mưu được.

Duy xem bài luận nổi giận mà rằng:

- Lời lẽ này rõ ra giọng hủ nho!

Nói đoạn quẳng tờ giấy xuống đất rồi cất quân sang lấy Trung Nguyên.


Khương Duy hỏi Phó Thiêm rằng:

- Ý ngươi nghĩ nên ra xứ nào phải hơn?

Thiêm thưa rằng:

- Lương thảo của quân Ngụy, chứa cả trong thành. Nay nên đi tắt tới Lạc Cốc, vượt qua núi Trầm Lĩnh đến thẳng Trường Thành, trước hết đốt sạch lương thảo, rồi kéo thẳng đến lấy Tần Xuyên, thì Trung Nguyên có thể hẹn ngày lấy được.

Duy nói:

- Ngươi nói hợp ý ta lắm!

Tức thì để binh đi tắt hang Lạc Cốc, qua núi Trầm Lĩnh kéo đến Trường Thành.


Tướng giữ Trường thành là Tư Mã Vọng, anh họ Tư Mã Chiêu. Trong thành lương thảo rất nhiều mà quân mã thì ít. Bây giờ, Tư Mã Vọng nghe tin quân Thục đến, liền cùng với hai tướng là Vương Chân, Lý Bằng dẫn quân ra khỏi thành hai mươi dặm hạ trại.


Hôm sau, quân Thục đến. Vọng dẫn hai tướng ra trận. Khương Duy trỏ tay sang, nói:

- Tư Mã Chiêu đem chúa đi đánh giặc, tất có ý như Lý Thôi, Quách Dĩ. Ta nay phụng chiếu triều đình, đến đây hỏi tội. Mày nên hàng ngay đi, nếu còn u mê, tao sẽ giết chết cả ổ nhà mày!

Vọng quát mắng lại rằng:

- Chúng mày vô lễ, dám đến xâm phạm thượng quốc. Nếu không về ngay đi, tao sẽ đánh cho mảnh giáp cũng không còn!

Nói vừa dứt lời, Vương Chân vác giáo quất ngựa ra. Bên trận Thục thì Phó Thiêm đón đánh.


Được mười hiệp, Thiêm đánh miếng lừa cho Vương Chân đâm sang, liền quay mình tránh khỏi ngọn giáo, rồi đưa tay lôi thốc Vương Chân sang ngựa mình, cắp đem về trận.


Lý Bằng nổi giận, thúc ngựa múa đao lại cứu. Thiêm cứ đi thông thả, đợi cho Lý Bằng đến nơi, rút một cây quất sắt bốn ngạnh cầm sẵn trong tay.


Lý Bằng sấn vào giơ đao chực chém, Thiêm quẳng Vương Chân xuống đất rồi quay phắt lại phía sau, vút một quất vào giữa mặt Lý Bằng, Bằng bật nổ con ngươi ra ngoài, ngã gục xuống đất.


Vương Chân bị quân Thục xúm vào đâm chết, Khương Duy thúc quân đánh tràn sang, Tư Mã Vọng phải bỏ chạy vào trong thành đóng chặt cửa phòng giữ.


Duy truyền lệnh rằng:

- Quân sĩ hôm nay, hãy cho nghĩ một đêm, để dưỡng sức khỏe, ngày mai phải cố gắng đánh thành.

Sáng sớm hôm sau, quân Thục kéo cả đến dưới thành, dùng tên thuốc dẫn lửa bắn vào. Những nhà lá trong thành cháy bùng cả lên. Quân Ngụy đã thấy xốn xáo, Duy lại sai chất rơm củi dưới thành mà đốt, lửa cháy đùng đùng, thành đã sắp đổ. Quân Ngụy gào khóc ầm ĩ, tiếng vang bốn phía.


Khi đang đánh bỗng đâu mé sau tiếng reo nổi lên như sấm. Duy quay ngựa lại xem sao, thì thấy quân Ngụy đánh trống hò reo, cờ bay phấp phới kéo đến đông như kiến. Duy đổi hậu đội làm tiền đội, kìm ngựa đứng dưới cửa cờ, chờ quân Ngụy đến.


Một lát, trong trận Ngụy có một tướng trẻ tuổi, nai nịt gọn ghẽ, cầm đao thúc ngựa xông đến. Tướng ấy ước chừng ngoài hai mươi tuổi, mặt trắng như phấn, môi đỏ như son, quát lên rằng:

- Có biết Đặng tướng quân là ai không?

Duy đoán chắc là Đặng Ngải, liền cũng thúc ngựa múa thương lại địch.


Hai người tinh thần mạnh mẽ, đánh nhau ba bốn mươi hiệp chưa phân thắng phụ. Thương pháp của tướng trẻ tuổi ấy, không hở kẽ một chút nào. Duy nghĩ thầm muốn dùng mẹo lừa, mới quay ngựa chạy rẽ vào trong đường núi. Tướng ấy thúc ngựa đuổi sấn tới.


Duy cắp chắc ngọn thương, rút bộ cung tên ra bắn. Tiểu tướng nhanh mắt, vừa nghe cung tách một tiếng, đã lộn mình bổ ra mé trước, tránh được mũi tên.


Duy trông xuống thì tướng ấy cầm giáo đâm đến cạnh mình rồi. Duy vội vàng né mình sang một bên, ngọn giáo đâm sượt qua nách. Duy dùng hết sức kẹp chặt ngọn giáo.


Tướng ấy thấy Khương Duy rút nhanh gươm sắp sửa chém, liền buông ngay ngọn giáo, chạy một mạch về bản trận.


Duy tắc lưỡi phàn nàn rằng:

- Tiếc quá! Tiếc quá!

Liền lại quay ngựa đuổi theo, vừa ra đến cửa trận, thì thấy một tướng cầm đao xông tới thét rằng:

- Khương Duy sất phu! Chớ đuổi con ta nữa, Đặng Ngải ở đây!


Duy giật mình, mới nghĩ ra tướng trước là Đặng Trung con Đặng Ngải. Duy trong bụng lấy làm kỳ, muốn đánh nhau với Đặng Ngải, nhưng sợ sức ngựa đã mỏi, mới trỏ sang mà rằng:

- Hôm nay ta mới biết mặt bố con nhà mày. Giờ hãy thu quân, mai sẽ sống mái với mày một trận!


Ngải thấy thế đánh chưa được lợi, cũng kìm ngựa lại mà rằng:

- Có phải thế thì hãy thu quân về. Hễ ai lừa nhau thì không phải là kẻ trượng phu.

Bởi vậy đôi bên cùng rút quân: Đặng Ngải hạ trại cạnh sông Vị. Duy thì cắm trại giữ hai mặt núi.

Đặng Ngải lên núi cao xem địa thế bên trại Thục, thấy quân Thục bố trí rất vững vàng, trong lòng thầm khen ngợi.


Về đến trại, Ngải sai người đưa thư cho Tư Mã Vọng, trong thư nói:

- Chúng ta không nên đánh vội, hãy cứ giữ cho vững đợi khi nào quân ở Quan Trung đến, mà lương thảo của Thục cạn rồi, bấy giờ sẽ họp ba mặt mà đánh, thì mới phá được. Nay tôi hãy cho con tôi là Đặng Trung giữ thành với ông, để cho người về cầu cứu Tư Mã đại tướng quân mới xong.


Khương Duy sai người đưa chiến thư đến trại Đặng Ngải, hẹn ngay mai đánh nhau. Ngải giả vờ nhận lời.


Canh năm đêm hôm ấy, Duy sai ba quân thổi cơm ăn cho sớm. Sáng rõ, dàn trận đợi quân Đặng Ngải đến. Trong trại Đặng Ngải ngả cờ im trống, làm như dáng không có người canh giữ mà cũng không thấy ai ra. Duy chờ mãi cho đến chiều mới về.

Hôm sau, Duy đã sai người đưa chiến thư, trách rằng sai hẹn. Ngải sai dọn cơm rượu, thết đãi sứ giả, rồi bảo rằng:

- Tôi hơi khó ở, lỡ sai mất hẹn, xin để ngày mai hội chiến.


Hôm sau, thám mã báo rằng Duy dẫn binh đến thách đánh.


Ngải vẫn như trước, nhất định không ra. Năm sáu phen hẹn cũng thế cả.


Phó Thiêm bảo với Khương Duy rằng:

- Đây tất có mẹo mực gì đây, phải phòng mới được.

Duy nói:

- Đây chỉ đợi quân Quan Trung đến, hợp ba mặt lại đánh ta, ta nên cho người cầm thư sang Đông Ngô nói với Tôn Lâm dồn sức lại mà đánh.


Sực có thám mã về báo rằng:

- Tư Mã Chiêu đánh vỡ Thọ Xuân, đã giết mất Gia Cát Đản, quân Ngô hàng hết cả Ngụy rồi. Chiêu rút quân về Lạc Dương, nay sắp dẫn quân đến cứu Trường Thành.

Duy thất kinh, nói:

- Phen này đánh Ngụy, lại ra thành xôi hỏng bỏng không rồi! Chẳng thà về cho rảnh.


Ấy là:

Bốn phen trước đã không ra việc,
Năm thứ nay đà lại uổng công.

Chưa biết Khương Duy rút quân về rồi ra làm sao, xem hồi sau phân giải.


Hồ Phấn & Chu Dị


Trần Khiên & Toàn Đoan

 
Trước đây, Gia Cát Khác tiến binh đánh Tân Thành, là lúc mà Ngụy không có nội chiến. Hồi này Tôn Lâm tiến quân đánh Thọ Xuân là do Ngụy có nội hấn mà Ngô động binh vậy. Khi Quán Khâu Kiệm đánh Tư Mã Sư, còn lo quân Ngô đánh úp phía sau mình. Nay Gia Cát Đản đánh Tư Mã Chiêu, lại được cả Ngô sai tướng mang quân giúp. Việc của Lâm dễ dàng hơn việc của Khác. Thời cơ của Đản dễ xoay hơn thời cơ của Kiệm. Thế mà rồi đều không thành công là tại sao? Thưa: Vì tài Tôn Lâm kém Gia Cát Khác, tài Gia Cát Đản kém xa Quán Khâu Kiệm vậy. Lại xem nước Ngô có tướng không chịu hàng giặc là Vu Thuyên. Thuyên đáng là trung thần. Ngụy có một số quân sĩ cùng là nghĩa sĩ. Vậy nên bậc quân tử đã nói: “Một người nước Ngô có thể làm cho bao người không trung nghĩa xấu hổ.”

Bọn gia tướng tâm phúc của Đản hơn hai trăm người đã nêu rõ cái giá trị cho một người là Gia Cát Đản vậy.

Đạo làm tướng phải có: “Uy khắc quyết ái”, nhưng nếu dùng luật pháp quá nghiêm đãi người một cách quá ngặt, thì cũng là một lối rước lấy thất bại.

Nếu Tôn Lâm đừng giết Chu Dị, thì đâu đến nỗi các tướng Ngô phải đổi lòng? Gia Cát Đản đừng giết Văn Khâm thì các tướng Ngụy theo Khâm ai chịu thay chí? Người sau đọc truyện đến đây, cũng nén lấy sự việc để răn mình mà đừng quá ngặt nghèo nghiêm khắc vậy.

Tào Tháo đánh Mã Siêu, thì đắp thành đất ở gần ải Đồng Quan, thành đắp trên đất cao không có nạn nước lụt. Tư Mã Chiêu cũng đắp thành đất ở phía nam cửa bể, đất thấp thường có nạn nước lũ . Không có nạn nước lụt thì thành không vỡ, sợ nạn nước lũ thì thành dễ bị đổ. Thế mà trời không mưa, nước sông Hoài không dâng lên. Cầm cự ở Thọ Xuân hơn hai tháng mà không có lấy ngày mưa như ở Thượng Phương cốc. Cả sông Hoài đầy ăm ắp mà không dâng nước bằng một cái giếng ở Thiết Lung Sơn. Như vậy là ý trời tựa họ Tư Mã, thì người ta cưỡng sao được? Vì thế Tiêu Chu mới làm bài luận “thù quốc” đưa cho Khương Duy vậy.

Bài luận “thù quốc” của Tiêu Chu chẳng qua cũng chỉ nói về sự thành, bại hơn thua, để khuyên can người trên chớ trái ý trời mà động can qua. Nhưng sao Chu không làm luận ấy dâng lên Vũ hầu lúc đem quân đánh Ngụy, mà chỉ làm để đưa cho Khương Duy? Vì Vũ hầu không phải là người vì một câu nói mà ngừng sự quyết tâm. Vả lại nếu cứ “khôn ngoan” hết mực, thì còn ai chịu giữ phận “ngu trung”? Nếu cứ vì biết hết việc trời, mà hành động theo, thì còn ai chịu tận tụy về nhân sự? Cho nên, người đời sau làm kẻ nhân thần mà có chí báo đền ơn nước, thì xin đọc biểu “Xuất sư” chứ đừng đọc bài luận “ Thù quốc”.
 
Hồi 111
Đầu trang
Hồi 113
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại