Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 46
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Lỗ Túc & Hoàng Cái
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 46
Dùng chước lạ, Khổng Minh mượn tên;
Dâng kế mật, Hoàng Cái chịu nhục.
 

Lỗ Túc vâng lời Chu Du xuống thuyền thăm dò Khổng Minh, Khổng Minh đón vào khoang thuyền ngồi chơi. Túc nói:

- Mấy bữa nay bận việc quân, chưa lúc nào rảnh đến hầu chuyện tiên sinh được.

Khổng Minh nói:

- Chính tôi cũng chưa đến mừng đô đốc được.

Túc hỏi:

- Có việc gì mà mừng?

Khổng Minh nói:

- Việc Công Cẩn sai ông đến dò tôi xem có biết hay không, việc ấy chính nên mừng.

Lỗ Túc tái mặt hỏi:

- Sao tiên sinh biết?

Khổng Minh đáp:

- Mẹo ấy chỉ lừa được Tưởng Cán. Tào Tháo tuy cũng mắc mẹo, nhưng hắn tất nghĩ ra, song không chịu nhận lỗi đâu. Nay Trương, Sái hai người đã chết, Giang Đông không phải lo gì nữa, sao chẳng mừng được! Tôi lại nghe Tào Tháo cho Vu Cấm, Mao Giới lên thay lĩnh chức thuỷ quân đô đốc. Hai người ấy chỉ có mang tính mệnh cả thuỷ quân Tào Tháo mà quẳng đi, chớ làm chi được!


Lỗ Túc nghe xong, nói một vài câu qua loa rồi từ biệt ra về. Khổng Minh dặn Lỗ Túc:

- Tử Kính có về, đừng nói với Công Cẩn rằng tôi biết trước việc ấy nhé! Sợ rồi Công Cẩn mang lòng ghen ghét. Lại kiếm chuyện để mưu hại tôi.


Lỗ Túc vâng lời trở về, ra mắt Chu Du, kể hết đầu đuôi, Du thất kinh, nói:

- Người này quyết không sao để được, ta phải chém đi mới xong.

Lỗ Túc can:

- Nếu ta giết Khổng Minh, sẽ bị Tào Tháo cười cho.

Du nói:

- Ta sẽ lấy phép công mà chém, cho hắn chết cũng không oán được ta.


Lỗ Túc hỏi:

- Phép công gì?

Du nói:

- Tử Kính không phải nói, đến mai sẽ biết.

Hôm sau, Du hội cả các tướng dưới trướng, mời Khổng Minh đến bàn việc. Khổng Minh đến, Du hỏi:

- Nay sắp đánh nhau với Tào Tháo ở trên mặt sông, nên dùng vũ khí gì đánh cho tiện?

Khổng Minh thưa:

- Trên mặt sông lớn, cốt lấy cung tên làm đầu.

Du nói:

- Lời tiên sinh hợp ý tôi lắm! Hiện trong quân đang thiếu tên bắn, phiền tiên sinh trông nom giúp cho việc làm mười vạn chiếc tên. Đây là việc công, xin tiên sinh chớ nên từ chối.


Khổng Minh nói:

- Đô đốc đã sai, tôi xin hết sức. Xin hỏi mười vạn tên khi nào dùng đến?

Du hỏi:

- Trong mười hôm, có làm xong không?

Khổng Minh nói:

- Quân Tào nay mai sắp đến, nếu đợi mười ngày, việc lớn hỏng mất.

Du hỏi:

- Tiên sinh liệu độ mấy hôm thì xong?

Khổng Minh thưa:

- Trong nội ba ngày sẽ nộp đủ mười vạn tên.

Du nói:

- Việc quân không phải trò đùa đâu!


Khổng Minh nói:

- Đâu có dám đùa với đô đốc, tôi xin làm giấy cam đoan, nếu ba ngày không xong, cam chịu trọng tội.

Du mừng lắm, gọi ngay quan chính tư[1] mang giấy tờ ra làm cam kết, rồi mở tiệc khoản đãi và nói:

- Khi nào xong việc, sẽ có hậu thưởng.


Khổng Minh nói:

- Hôm nay đã không kịp rồi, ngày mai bắt đầu làm, đến ngày thứ ba, xin đô đốc sai năm trăm quân đến bờ sông nhận tên đem về.

Khổng Minh uống thêm vài chén rồi từ biệt.


Lỗ Túc hỏi Chu Du:

- Người này nói khoác chăng?

Du nói:

- Rõ ràng hắn tự mua lấy cái chết, chứ ta cũng không bắt ép gì hắn. Hôm nay đông đủ mặt các quan, làm tờ cam kết, dù hắn có mọc cánh cũng không bay thoát. Ta dặn bọn thợ cố làm dây dưa, và không cấp đủ cho đồ dùng, tất nhiên hắn lỡ hẹn. Khi ấy ta trị tội, xem có kêu ca được nữa không? Tử Kính thử sang thăm dò tình hình, về báo cho ta biết.


Lỗ Túc vâng lệnh, đến gặp Khổng Minh.

Khổng Minh nói:

- Ta đã bảo Tử Kính đừng nói chuyện gì với Công Cẩn, e Công Cẩn lại tìm kế hại ta. Không ngờ Tử Kính không chịu giấu giếm hộ, hôm nay, quả nhiên lại có chuyện. Trong ba ngày, làm sao vót nổi mười vạn tên, Tử Kính phải cứu ta mới được.

Túc nói:

- Ông tự rước lấy tội, tôi biết cứu làm sao bây giờ?


Khổng Minh nói:

- Tử Kính cho ta mượn hai chục chiếc thuyền, mỗi chiếc dùng ba chục tay thuỷ thủ tốt. Trên thuyền căng vải xanh che chung quanh, và xếp hơn nghìn bó cỏ ở hai bên mạn thuyền. Ta sẽ có kế. Đến ngày thứ ba bảo đảm có đủ mười vạn tên cho mà xem. Nhưng chớ để cho Công Cẩn biết nữa, nếu hắn biết thì kế ta hỏng mất đó.

Túc vâng lời, nhưng chưa hiểu rõ mưu mô khổng Minh ra sao.


Lúc về gặp Chu Du, quả nhiên Túc không đả động gì đến việc mượn thuyền, chỉ bảo không thấy Khổng Minh dùng đến tre, gỗ, lông chim và sơn nhựa gì cả, chỉ nói rằng đã có cách.


Du rất ngạc nhiên nói:

- Thử đợi đến hôm thứ ba xem sao.

Lỗ Túc cắt riêng hai chục chiếc thuyền nhanh nhẹ, mỗi chiếc ba chục người bơi, đủ đồ vải căng, cỏ bó, dự bị sẵn sàng cho Khổng Minh.


Ngày thứ nhất không thấy gì, ngày thứ hai cũng vậy. Mãi đến hôm thứ ba, độ canh tư, Khổng Minh mới lén sai người mời Lỗ Túc xuống thuyền. Túc hỏi:

- Ông gọi tôi đến có việc gì?

Khổng Minh nói:

- Mời ông cùng đi lấy tên một thể.

Túc hỏi:

- Lấy tên ở đâu?

Khổng Minh nói:

- Tử Kính không phải hỏi, cứ đi sẽ biết.


Nói rồi, sai lấy thừng chạc dàng cả hai chục thuyền làm một, cho bơi thẳng lên phía bắc.


Đêm ấy, sương mù phủ kín trời, trên mặt sông lại càng mờ mịt, giáp mặt không trông thấy nhau. Khổng Minh giục quân chèo thuyền đi thật gấp. Quả thật là sương mù rất đẹp, rất nên thơ.

Lỗ Túc sợ hãi hỏi:

- Quân Tào ùa ra thì làm thế nào?


Khổng Minh cười đáp:

- Tôi chắc Tào Tháo thấy sương mù thế này, không dám cho quân ra. Chúng mình cứ yên trí uống rượu làm vui, đợi khi nào sương tan thì về.


Canh năm đêm ấy, thuyền đến sát thuỷ trại của Tào Tháo. Khổng Minh sai đổ thuyền quay mũi về hướng tây, dàn thành hàng chữ nhất, rồi đánh trống và hò reo ầm ĩ.


Trong trại Tào, nghe thấy tiếng trống đánh, tiếng reo hò, Mao Giới, Vu Cấm vội vàng phi báo với Tào Tháo.

Tháo truyền lệnh rằng:

- Sương mù dày đặc, quân giặc kéo đến bất thần, tất có mai phục, không nên khinh động.


Tháo chỉ ra lệnh cho quân cung nỏ bắn tứ tung ra, lại sai người lên trại cạn gọi Trương Liêu, Từ Hoảng mỗi người dẫn ba nghìn quân cung nỏ cấp tốc đến bờ sông trợ chiến. Hiệu lệnh đến nơi thì Vu Cấm, Mao Giới sợ quân nam tràn vào thuỷ trại, đã sai quân bắn rào rào ra rồi một lát quân trên cạn cũng đến, ước hơn vạn người, đều chĩa vào chỗ có tiếng trống bắn xuống như mưa.


Khổng Minh một mặt lại sai quay mũi thuyền về phía tây, áp vào trại thuỷ đỡ lấy tên; một mặt vẫn cứ thúc trống hò reo ầm ĩ.


Khi mặt trời đã mọc, sương mù dần tan, Khổng Minh sai thu thuyền kéo về. Các bó cỏ trên hai chục chiếc thuyền, bó nào cũng chi chít những tên cắm.

Khổng Minh sai quân sĩ đồng thanh reo to lên rằng:

- Tạ ơn thừa tướng giúp tên!


Khi quân vào báo cho Tháo biết, thì thuyền nhẹ nước xuôi, đã đi xa hàng hai chục dặm rồi, đuổi không kịp nữa. Tào Tháo tức bực vô cùng.

Khổng Minh quay thuyền về nói với Lỗ Túc rằng:

- Mỗi thuyền được ước chừng năm sáu nghìn tên mà không hề tốn chút công sức nào của Đông Ngô cả. Thế là đã được hơn mười vạn tên, nay mai lại đem tên bắn lại quân Tào, chẳng tiện lắm ư?

Túc nói:

- Tiên sinh thực là thần thánh. Làm sao lại biết đêm nay có sương mù lớn thế?

Khổng Minh nói:

- Làm tướng mà không biết thiên văn, không tường địa lý, không biết được thuật pháp, không hiểu được âm dương, không tính trận đồ, không giỏi binh thế, đó là tướng xoàng. Từ ba hôm trước, ta đã tính biết hôm nay có sương mù lớn, nên mới dám nhận thời hạn ba hôm. Công Cẩn hạn cho ta mười ngày, mà thuyền thợ, đồ dùng không có gì đủ, chực đem một tội lỗi nhỏ để hại ta; nhưng số mệnh ta đã có trời, hại làm sao nổi!


Lỗ Túc chịu là giỏi.

Thuyền vừa cập bến, đã thấy năm trăm quân của Chu Du đứng chực lĩnh tên. Khổng Minh bảo lên thuyền mà lấy, được hơn chục vạn chiếc đem về nộp.


Lỗ Túc vào ra mắt Chu Du, thuật lại cả việc đi lấy tên. Du giật mình, thở dài than rằng:

- Khổng Minh mẹo thần, tính giỏi, ta thật không bằng!


Ngày sau có thơ rằng:

Sương mù mờ mịt khắp Trường Giang
Gần xa không rõ nước mênh mang
Tên bắn như mưa thuyền không núng
Khổng Minh tài trí vượt Chu lang.

Một lát, Khổng Minh cũng vào gặp Chu Du. Du ra ngoài trại đón và khen rằng:

- Mưu kế tiên sinh tài tình lắm, khiến người ta phải kính phục.

Khổng Minh nói:

- Đó chỉ là một chút mẹo vặt, có gì là lạ đâu?


Du mời Khổng Minh vào trướng uống rượu, rồi hỏi rằng:

- Hôm qua, chúa công tôi cho người đến thúc giục tiến quân, tôi chưa nghĩ được mẹo gì lạ, xin tiên sinh dạy cho.

Khổng Minh thưa:

- Tài tôi thường lắm, nghĩ sao được diệu kế?

Du nói:

- Hôm trước, tôi xem thuỷ trại của Tào Tháo cực kỳ nghiêm chỉnh, rất hợp binh pháp, không dễ phá được. Tôi đã nghĩ ra một mẹo, chưa biết có dùng được hay không, xin tiên sinh quyết định giúp.


Khổng Minh nói:

- Đô đốc đừng nói vội, xin hãy cùng viết vào lòng bàn tay, xem có khớp nhau không đã.

Du mừng lắm, sai đem nghiên bút ra, viết ngầm vào bàn tay một chữ, rồi đưa bút cho Khổng Minh. Khổng Minh cũng viết một chữ.


Hai người ngồi lại gần, xoè bàn tay ra, rồi cùng cười ầm cả lên. Té ra trong tay Chu Du đề một chữ "Hoả”, trong tay Khổng Minh cũng một chữ "Hoả”.


Chu Du nói:

- Hai chúng ta đã hợp ý nhau, chắc không còn nghi ngờ gì nữa, xin đừng tiết lộ cho ai biết.

Khổng Minh nói:

- Việc là việc chung cả hai nhà, có lẽ đâu lại để lộ chuyện. Tào Tháo đã hai phen mắc mẹo của tôi, nhưng chắc lần này hắn cũng không phòng bị. Đô đốc cố gắng lên thì thế nào cũng được.

Tan tiệc đâu về đấy, các tướng không ai biết câu chuyện ra sao.


Tào Tháo, từ khi mất mười lăm mười sáu vạn tên, trong lòng buồn tức lắm. Tuân Du hiến kế rằng:

- Giang Đông có Chu Du, Gia Cát Lượng, hai người hợp mưu với nhau, khó lòng phá nổi. Ta hãy sai người đến Giang Đông trá hàng, làm tay trong, dò xét đầy đủ tình hình mới có thể phá được.

Tháo nói:

- Ngươi nói chính hợp ý ta. Vậy ngươi thử xem ai đi làm được việc ấy?

Tuân Du thưa:

- Sái Mạo bị giết, em hắn là Sái Trung, Sái Hoà hiện đang làm phó tướng. Thừa tướng nên ban ơn cho họ vui lòng gắn bó với ta, rồi sai sang trá hàng, tất Đông Ngô không nghi kỵ.

Tháo theo lời ấy, đang đêm, gọi hai người vào trướng dặn rằng:

- Hai người hãy dẫn một số quân sang Đông Ngô trá hàng, hễ thấy động tĩnh gì, sai người về mật báo ngay. Khi nào thành công, ta sẽ ban thưởng thêm; chớ có ăn ở hai lòng nhé!

Sái Trung, Sái Hoà bẩm:

- Xin thừa tướng chớ nghi, vợ con chúng tôi ở cả Kinh Châu, chúng tôi có đâu dám thế! Hai chúng tôi quyết lấy đầu Chu Du, Gia Cát Lượng về dâng dưới trướng.

Tháo trọng thưởng cho hai người.

Hôm sau, hai người đem năm trăm tên quân, chở vài chiếc thuyền, thuận gió xuôi xuống bờ phía nam. Chu Du đang tính toán việc tiến quân, chợt có tin báo có thuyền ở Giang Bắc sang, tự xưng tên là Sái Hoà, Sái Trung, em ruột Sái Mạo, đến hàng. Du cho gọi vào.


Hai người vừa khóc vừa lạy, nói:

- Anh chúng tôi là Sái Mạo, không có tội gì, tự dưng bị Tào Tháo giết mất. Chúng tôi muốn báo thù cho anh, nên sang đầu hàng. Mong đô đốc thu dụng cho, chúng tôi xin làm tiền bộ.


Du mừng rỡ, trọng thưởng cho hai người rồi sai dẫn quân theo Cam Ninh làm tiền bộ. Hai người lạy tạ, chắc mẩm Du đã trúng kế rồi.

Du gọi Cam Ninh vào dặn rằng:

- Hai thằng này không mang theo vợ con, chẳng phải thực bụng hàng đâu, đúng Tào Tháo sai đến làm gian tế đây. Nay ta muốn biến kế của nó thành kế của mình, để nó báo tin về cho Tào Tháo. Ngươi phải ân cần khoản đãi chúng nó, nhưng phải đề phòng. Đợi khi nào ta cất quân đi, sẽ đem giết chúng để tế cờ. Ngươi phải cẩn thận, không được để lỡ việc.


Cam Ninh vâng lời trở ra. Lỗ Túc vào gặp Chu Du, nói:

- Việc Sái Trung, Sái Hoà đến hàng chỉ là giả dối, không nên dùng vội.

Du mắng rằng:

- Hai người ấy vì Tào Tháo giết oan mất anh, nên đến hàng để trả thù, giả gì mà giả? Ngươi hay đa nghi thế, dùng làm sao được người giỏi trong thiên hạ?

Túc nín lặng lui ra, đến nói với Khổng Minh. Khổng Minh chỉ cười.

Túc nói:

- Ông cười gì thế?

Khổng Minh nói:

- Tôi cười ông không biết đó là Công Cẩn dùng mưu. Sông to cách trở, do thám đi lại khó khăn. Tháo sai hai người sang trá hàng để dò xét quân ta. Công Cẩn lại muốn mượn kế nó làm kế mình, dùng chúng thông báo tin tức đỡ mình. Binh pháp cần phải dối trá, mưu của Công Cẩn rất hay.

Túc bấy giờ mới hiểu.

Đêm hôm ấy, Chu Du đang ngồi trong trướng, bỗng thấy Hoàng Cái lẻn vào ra mắt, Du hỏi:

- Công Phúc đang đêm đến đây, tất có mưu hay bàn bạc.

Cái thưa:

- Quân giặc nhiều, quân ta ít, không nên cầm cự lâu. Sao không dùng kế hoả công?

Du hỏi:

- Ai xui ông hiến kế ấy?

Cái thưa:

- Tôi tự nghĩ ra, không có ai bày vẽ cho cả.


Du nói:

- Ta vẫn muốn dùng kế ấy, cho nên mới giữ Sái Trung, Sái Hoà ở đây, để chúng nó đưa tin tức về cho nhau; nhưng hiềm vì không có ai thi hành kế trá hàng cho ta cả.

Cái thưa:

- Tôi xin đảm nhận.

Du nói:

- Nếu không chịu khổ sở một chút, thì khi nào Tào Tháo chịu tin?


Cái thưa:

- Tôi đội hậu ân của họ Tôn, dẫu gan óc lầy đất cũng cam.

Du lại tạ rằng:

- Ông chịu thực hiện kế khổ nhục này, thật là may mắn cho Giang Đông quá.

Cái thưa:

- Tôi chết cũng không oán hận chút nào!


Nói rồi tạ trở ra.

Hôm sau, Chu Du nổi trống họp các tướng. Khổng Minh cũng đến, Chu Du nói:

- Tháo dẫn hàng trăm vạn quân, doanh trại liên tiếp hơn ba trăm dặm, không phải một ngày mà phá xong được. Nay truyền cho các tướng, mỗi người phải lĩnh lương thảo ba tháng, phòng chống nhau với giặc.


Du nói vừa dứt lời, Hoàng Cái tiến ra nói:

- Đừng nói ba tháng, dẫu cấp cả ba mươi tháng lương thảo cũng chẳng làm trò gì? Nội trong cả tháng này, có thể phá được thì phá, nếu không phá nổi, thì chi bằng theo lời Tử Bố, bỏ giáp quẳng gươm, ngoảnh mặt về bắc mà hàng đi cho rảnh!


Chu Du nghe nói tái mặt lại, nổi giận đùng đùng, thét lớn:

- Ta đây phụng mệnh chúa công, chỉ huy ba quân phá Tào, ai dám nói đến hàng là chém. Nay đang lúc hai bên đối địch, mày dám mở mồm ra nói câu ấy, làm ngã lòng quân, không chém đầu mày thì còn bảo được ai!

Liền quát võ sĩ lôi Cái ra chém.

Cái cũng tức giận nói lớn:

- Ta từ khi theo Phá lỗ tướng quân[2] đến nay, tung hoành miền đông nam trải qua ba đời rồi, khi ấy đâu đã có ngươi?


Du giận quá, thét chém cho mau.

Cam Ninh bước lên can rằng:

- Công Phúc là cựu thần của Đông Ngô, xin hãy khoan thứ cho.


Du quát lên rằng:

- Sao mày dám nói lôi thôi, làm loạn phép tắc của tao?

Lập tức thét tả hữu lấy roi vụt Cam Ninh túi bụi rồi đuổi ra.


Các quan đều quỳ xuống can rằng:

- Tội Hoàng Cái thực là đáng chết, nhưng giết Cái thì không có lợi cho việc quân. Xin đô đốc hãy khoan thứ cho, tạm ghi tội lại đó, đợi phá xong Tào Tháo, sẽ đem chém cũng chưa muộn.


Chu Du vẫn hầm hầm, các quan nằn nì kêu van mãi, Du mới nói:

- Nếu không nể mặt các quan, thì ta quyết lấy đầu mày đó! Nay hãy tha cho mày tội chết!

Du bèn sai tả hữu vật cổ Hoàng Cái xuống đánh một trăm roi.

Các quan lại kêu van, Du hất đổ cả bàn đi, quát mắng các quan, và thét bảo đánh đập. Tả hữu lật áo Hoàng Cái, vật sấp xuống đánh, đánh năm chục roi.


Các quan lại xúm vào xin tha. Du đứng dậy, chỉ mặt Hoàng Cái nói:

- Mày còn dám coi thường tao chăng? Hãy cho chịu năm chục trượng đó, nếu còn vô lễ, hai tội sẽ trị nhân thể.

Rồi vừa đi vừa mắng nhiếc om sòm trở vào trong trướng.


Các tướng ra vực Hoàng Cái dậy, thấy da thịt tả tơi, máu me đầm đìa.


Khi về đến trại, ngất đi mấy lần. Ai đến hỏi thăm cũng ứa hai hàng nước mắt.


Lỗ Túc cũng đến thăm, rồi xuống thuyền trách Khổng Minh rằng:

- Hôm nay Công Cẩn giận đánh Hoàng Cái như thế, chúng tôi là bộ hạ Công Cẩn nên không ai dám mạnh dạn can ngăn đã đành; tiên sinh là khách, sao chỉ thu tay đứng xem, không nói giúp cho một câu gì?


Khổng Minh cười nói:

- Tử Kính còn dối ta!

Túc nói:

- Từ khi tôi cùng với tiên sinh sang sông đến giờ, chưa hề có câu gì dối nhau, sao tiên sinh lại nói thế?

Khổng Minh nói:

- Thế ra Tử Kính không biết Công Cẩn đánh đau Hoàng Cái là mưu kế đó ư? Tại sao còn cần đến tôi khuyên can?


Lỗ Túc bấy giờ mới biết, Khổng Minh nói:

- Không dùng mẹo khổ nhục, làm sao đánh lừa được Tào Tháo? Nay đô đốc tất sai Hoàng Cái sang trá hàng, và mượn bọn Sái Trung đưa tin về trước. Tử Kính có đến chơi với Công Cẩn, chớ có nói là ta biết mẹo ấy nhé! Chỉ nên nói rằng ta cũng oán Công Cẩn ác quá là xong.

Túc về, vào gặp Chu Du. Du mời vào sau trướng ngồi chơi. Túc nói:

- Hôm nay, làm sao đô đốc đánh Công Phúc đau quá thế?

Du hỏi:

- Các tướng có ai oán ta không?

Túc nói:

- Nhiều người thắc mắc lắm!

Du hỏi:

- Ý Khổng Minh thế nào?

- Khổng Minh cũng oán đô đốc bạc đãi tướng sĩ.


Du cười, nói:

- Phen này ta mới lừa được Khổng Minh!

Túc hỏi làm sao, Du nói:

- Đánh Hoàng Cái là kế của ta đó. Ta muốn sai hắn trá hàng, nên trước hết dùng kế khổ nhục để đánh lừa Tào Tháo, rồi sau dùng kế hoả công thì mới có thể thắng được.

Túc trong bụng phục Khổng Minh là cao kiến, nhưng không dám nói rõ.

Hoàng Cái đau nằm trong trướng, các tướng đều đến hỏi thăm. Cái chẳng nói năng gì cả, cứ thở dài sườn sượt. Chợt báo có quan tham mưu là Hám Trạch lại thăm. Cái sai mời vào tận chỗ nằm, đuổi tả hữu lui ra ngoài. Hám Trạch hỏi:

- Tướng quân có thù hằn gì với đô đốc chăng?

Cái nói:

- Không thù hằn gì cả.

Trạch nói:

- Thế thì vừa rồi ông bị đòn có phải là kế khổ nhục không?

Cái hỏi:

- Sao ông biết?

- Tôi xem bộ dạng Công Cẩn, mười phần đã đoán được chín.


Cái nói:

- Tôi chịu hậu ân họ Tôn đã ba đời, không lấy gì báo được, nên hiến kế ấy để phá Tào Tháo. Thân tôi tuy đau khổ, nhưng lòng tôi hả hê. Tôi xem trong đám tướng sĩ, không ai là tâm phúc của tôi; duy có ông là người trung nghĩa, nên tôi mới dám thổ lộ can trường.

Trạch nói:

- Phải chăng ông muốn dùng tôi dâng thư trá hàng?

Cái đáp:

- Quả thị tôi có ý đó, chưa biết ông có chịu giúp cho không?

Hám Trạch hớn hở nhận lời.


Ấy thực là:

Dũng tướng quên mình mong báo chúa,
Mưu thần vì nước lại đồng tâm.

Chưa biết Hám Trạch sang dâng thư làm sao, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Vu Cấm & Sái Hòa


Hoàng Cái

 
Chu Du sai Khổng Minh đi đốt lương Bắc quân, nhưng đã dư biết không đốt được, Du là bậc trí, Khổng Minh hứa chế tạo tên cho Nam quân nhưng đã dư biết không chế nổi, Khổng Minh cũng là bậc trí. Nhưng không đi đốt lương, thì không thể làm cho Bắc quân hết lương. Mà Khổng Minh không chế tạo tên, vẫn làm cho Nam quân có tên để dùng. Thế thì trí Khổng Minh cao hơn vậy. Du muốn mượn lưỡi dao của Tào Tháo để giết Khổng Minh, nhưng sớm đã bị Khổng Minh biết rõ mà phá mưu ấy, Khổng Minh muốn mượn tên của Tào Tháo để giết Du mà Du không biết, thì trí Khổng Minh càng cao hơn trí Du nhiều. Ôi! Cái hạn mười ngày phải có đủ mười vạn tên, đã đáng sợ. Cái hẹn ba ngày lại càng nguy nữa. Thế mà Khổng Minh lại bỏ qua mất hai ngày không hành động gì, thì xem đến tối ngày thứ ba, độc giả đã chắc Khổng Minh trăm phần trăm nguy khốn, như người đến chỗ sơn cùng thủy tận, tuyệt đường hết ngõ… nào ngờ Khổng Minh trong khoảnh khắc thành công, một sớm về phục mệnh đầy đủ! Thật là diệu sự diệu văn!

Cái mưu “mượn tên” được ba cái lợi lớn: Một là làm cho Đông Ngô bỗng dưng có mười vạn mũi tên để dùng. Hai là đã được mười vạn tên, ắt khỏi phải chịu mười vạn tên bắn, thì cũng như được lợi hai mươi vạn mũi. Ta được thì lợi về ta. Dù ta không lấy được đi nữa mà khiến cho địch bị mất, thì lợi cũng về ta. Huống chi nay ta được mười vạn cái tên để dùng, bớt được công của chế tạo mười vạn cái, mà lại khiến địch mất đi mười vạn cái, tức là ta được ba mươi vạn cái! Đó là ba cái lợi vậy. Chỉ nhờ một kế nhỏ của Khổng Minh mà được cái lợi lớn đến thế, bớt thay đổi được gì! Những người như thế, nên đọc kỹ lối dùng “chữ nghĩa” của Chu lang, Gia Cát trong hồi này mà bắt chước.

Cái kế “đau đớn da thịt”, nếu Hoàng cái không tự hiến, thì Chu Du đâu có sai khiến được Cái phải làm? Du muốn thi hành kế này lắm lắm, nhưng chưa biết làm thế nào, nhờ có Cái chịu liều mình mà sau mới làm được cái kế “khổ nhục” ấy. Ở đây tác giả không tả cái trí của Du (bộc lộ với Hoàng Cái) chính là tả cái lòng trung dũng của Cái. Mà cũng chỉ tả một Hoàng Cái trung dũng, chứ không tả một Hoàng Cái trí mưu.

Cái kế phản gián của Chu Du diễn ra trong đêm tối để lừa Tưởng Cán. Cái kế “khổ nhục” của Hoàng Cái diễn ra giữa ban ngày ban mặt mà che giấu được mọi người. Vì lẽ không lừa được mọi người, sợ không lừa nổi Tào Tháo. Tháo giết Mạo, Doãn là giết thật. Du nhận cho Hòa, Trung, là nhận vờ. Hoàng Cái ngạo với Du là ngạo giả. Thái Hòa lại coi sự giận dữ của Du là giận dữ thật! Thì ra muốn che mắt được Tào Tháo, ắt Du phải làm sao che được mắt Hòa, Trung đã. Che mắt được mọi người, lừa được Hòa, Trung, nhưng không che được mắt Khổng Minh! Không những Du không che được mắt Khổng Minh, mà Khổng Minh còn dặn Lỗ Túc để che mắt Du! Như thế biết trí Khổng Minh cao hơn trí Chu Du, đến mấy đầu vậy.

Ngẫm lại cái kế “khổ nhục” của Hoàng Cái mà thành tựu được, ta cho rằng có trời giúp vậy. Vì cái kế này có ba điều đáng sợ hỏng: Giả sử Cái bị đánh đau quá mà chết đi ấy là thiệt thân mà chẳng ích gì cho việc nước, gây mối ân hận vô cùng. Đó là một điều đáng lo. Giả sử các tướng không biết đó là mưu mẹo, lại căm giận Chu Du mà sinh biến, ấy là “việc giả hóa thật”. Du chưa làm gì được quân Tào, quân Ngô đã phản loạn. Đó là hai điểm đáng lo. Nếu Tào Tháo sau khi bị Tưởng Cán làm hỏng việc, bị lừa một vụ, phải giữ gìn e dè, như mới “đạp vỏ dưa” mà sợ “vỏ dừa”, rồi cự tuyệt Hoàng Cái, không nhận cho hàng… thì Cái bị trận đòn uổng, Du toi công lập mưu, lại tổ làm trò cười cho Tháo. Đó là ba điều đáng lo.

Thế mà Hoàng Cái không chết, các tướng không làm phản. Tào Tháo không nghi ngờ khiến cho Chu lang được thành công toàn thắng! Há chẳng phải nhờ trời ru?

Khổng Minh quả không hổ với cái danh “quân sư” vậy.

Khổng Minh dùng mẹo, cái mẹo “mượn” là thần diệu vô cùng. Muốn phá quân Tào thì “mượn” binh Giang Đông. Muốn giúp Giang Đông thì “mượn” tên của Bắc quân. Thế là đã “mượn” của miền Đông, lại “mượn” của miền Bắc. Khi đi lấy tên địch, đã “mượn” thuyền của Lỗ Túc, lại “mượn” cả trận sương mù để cho Tào Tháo phải nghi sợ. Thế là đã “mượn” của người, lại “mượn” của trời nữa. Binh đã mượn được, tên đã mượn được, rồi gió Đông cũng mượn được, và đến Kinh Châu sau này ắt cũng không khó gì không “mượn” được vậy.

Chu Du đem lá thư giả lừa Tào Tháo, Tháo lại đem Thái Trung, Thái Hòa trá hàng để lừa Du. Du liền mượn ngay lấy việc Thái Trung, Thái Hòa trá hàng để lừa lại Tháo. Đó là cái mánh lới chọi nhau. Nhưng Thái Mạo, Trương Doãn một lòng thành thực, chưa hề phản Tháo mà Tháo đi tin lầm lá thư do Du tạo ra. Thái Trung, Thái Hòa đến đầu hàng Du, có cớ xác đáng rành rành, mà Du biết là giả dối. Thế thì cái mánh lới của Tháo còn kém mánh lới Du vậy.

Tháo sai người qua địch quốc du thuyết, mà té ra địch nhân việc đó, lập mưu giết được người giúp việc đắc lực của Tháo. Du thâu nhận quân trá hàng của địch, rồi nhân đấy mượn làm tay sai để thông tin tức bịa đặt của mình, khiến mình đưa được người nhà sang trá hàng trót lọt. Du đã khôn ngoan hơn Tháo vậy. Coi việc hai trí chọi nhau, hai mánh khóe tung ra lừa nhau thật là ngoạn mục!

Chữ viết trong lòng bàn tay Khổng Minh với chữ trong tay Chu Du, không hẹn mà giống nhau. Như thế, có thể gọi là văn tự hai bên “hợp chưởng”. Sau lại thêm lời nói của Hoàng Cái, tức là văn ba người cùng “hợp chưởng”. Khổng Minh đốt đồi Bác Vọng và đốt huyện Tân Dã, việc giống nhau về đại cương, nhưng khác nhau về tiểu tiết. Đó cũng như lối viết văn “trùng phức”. Sau này lại thêm trận hỏa công ở Xích Bích, ấy là một người mà làm văn “trùng phức” ba bốn lần. Tuy nhiên chữ nghĩa như chữ Chu Du mới đáng là “hợp chưởng”. Chữ nghĩa như chữ nghĩa Khổng Minh mới là “không nề trùng phức”. Chỉ lạ cho người đời nay làm văn, cứ động ngoáy tay là “hợp chưởng”, động hạ bút là “trùng phức”, chỗ này giống hệt chỗ kia, đoạn đầu y như đoạn cuối, chẳng thêm.
CHÚ THÍCH
1. Quan giữ hình luật trong quân.
2. Chỉ Tôn Kiên.
 
Hồi 45
Đầu trang
Hồi 47
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại