Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 24
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Mao Giới & Viên Đàm
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 24
Quốc tặc hành hung giết quý phi;
Hoàng thúc thua chạy sang Viên Thiệu.
 

Tào Tháo xem chiếu xong, bàn với các mưu sĩ muốn bỏ Hiến đế đi, tìm người nào có đức lập nên. Trình Dục can rằng:

- Minh công sở dĩ oai khắp bốn phương, hiệu lệnh được thiên hạ, cũng là bởi phụng danh hiệu nhà Hán. Nay minh công chưa dẹp được các chư hầu, mà làm ngay việc phế lập, tất là gây cái cớ cho thiên hạ khởi binh đó.

Tháo mới thôi, chỉ đem bọn Đổng Thừa năm người và già trẻ mấy họ ấy, điệu ra các cửa thành chém hết. Cả thảy bảy trăm người bị tàn sát. Quan dân trong thành ai trông thấy cũng ứa nước mắt.


Đời sau có thơ than Đổng Thừa rằng:

Mật chiếu trong đai dặn
Lời vua cửa cấm truyền
Công to từng cứu giá
Nay lại đội ơn trên
Nạn nước lo thành bệnh
Trừ gian mộng chẳng quên
Chớ kể thành hay bại
Nghìn thu trung nghĩa bền!

Lại có thơ than bọn Vương Tử Phục bốn người rằng:

Ký tên mảnh lụa phận tôi con,
Khảng khái mong đền nghĩa bể non.
Trăm miệng khá thương buồng mật đỏ,
Nghìn năm còn mãi tấm lòng son!

Tào Tháo giết bọn Đổng Thừa rồi, cũng chưa nguôi hết cơn giận, đeo gươm vào cung để giết Đổng quý phi.


Quý phi là em gái Đổng Thừa đã có mang năm tháng.

Hôm ấy, vua ngồi trong hậu cung, đang cùng với Phục hoàng hậu bàn việc Đổng Thừa, chưa biết tin tức làm sao. Bỗng thấy Tào Tháo đeo gươm vào cung, mặt hầm hầm giận, vua sợ thất sắc.


Tháo hỏi:

- Đổng Thừa mưu làm phản, bệ hạ biết không?

Vua tảng nghe nhãng, nói:

- Đổng Trác đã bị giết rồi kia mà!

Tháo quát to:

- Không phải Đổng Trác, mà là Đổng Thừa!


Vua run cầm cập nói:

- Trẫm thực không biết.

Tháo lại hỏi:

- Cắn ngón tay lấy máu viết mật chiếu, đã quên rồi à?

Vua không biết trả lời thế nào.


Tháo thét võ sĩ bắt Đổng phi đến.


Vua vội vàng nói:

- Đổng phi có mang năm tháng, xin thừa tướng thương cho.


Tháo nói:

- Nếu không phải lòng trời làm cho mưu gian bại lộ, thì ta đã bị hại rồi. Há lại cho đứa con gái này sống để gây vạ về sau cho ta.

Phục hậu nói:

- Xin hãy đem Đổng phi giam ra ngoài lãnh cung, cho nó sinh nở xong giết cũng chưa muộn.

Tháo nói:

- Muốn lưu cái giống nghịch ấy lại để về sau báo thù cho mẹ hay sao?


Đổng phi khóc nói:

- Xin cho vẹn toàn thân thể mà chết, đừng lột áo xống.

Tháo sai đem tấm lụa trắng đến để trước mặt Đổng phi.


Vua khóc bảo phi:

- Ái khanh xuống suối vàng đừng có oán trẫm!

Nói xong khóc như mưa, Phục hậu cũng nức nở khóc.


Tháo giận nói:

- Lại còn giở cái thói đàn bà con trẻ à?

Rồi quát võ sĩ đưa Đổng phi ra thắt cổ ở cửa cung.

Người sau có thơ than rằng:

Ân ái đền xuân cũng uổng thôi,
Trứng rồng tan vỡ đáng thương ôi!
Đường đường đế chủ không sao cứu,
Che mặt nhìn suông nước mắt trôi…

Tào Tháo giết Đổng phi rồi truyền lệnh cho quân giữ cung rằng:

- Từ nay về sau những người ngoại thích và tôn tộc nhà vua không được phép ta mà tự tiện vào cung thì cứ chém. Những người canh giữ không cẩn thận cũng bị tội như thế.


Tháo lại sai ba nghìn quân tâm phúc sung làm quân ngự lâm, cho Tào Hồng thống lĩnh để đề phòng và tra xét.


Tào Tháo sắp đặt xong xuôi, trở ra khỏi cung, hậm hực dẫn tùy tùng lên xe trở về tướng phủ.


Tháo lại bảo Trình Dục rằng:

- Nay bọn Đổng Thừa tuy đã bị giết, nhưng còn Mã Đằng, Lưu Bị là những người còn sót ở trong bọn ấy, không trừ không xong.

Dục nói:

- Mã Đằng hiện đóng quân ở Tây Lương, chưa dễ trừ được. Nên đưa thư uý lạo, đừng cho họ sinh nghi, rồi dụ vào kinh đô, sẽ tìm cách trị. Còn Lưu Bị, hiện ở Từ Châu, chia quân giữ thế ỷ giốc, cũng không nên khinh địch. Vả lại Viên Thiệu đóng quân ở Quan Độ, thường có ý dòm ngó Hứa Đô. Nếu ta đánh Lưu Bị, Bị tất nhiên sẽ cầu cứu Viên Thiệu, Thiệu sẽ nhân dịp kinh đô bỏ trống, đem quân đến đánh úp thì làm thế nào?


Tháo nói:

- Lưu Bị là kẻ hào kiệt, nếu không đánh ngay, đợi nó thành vây cánh rồi, thì khó lòng trị nổi. Viên Thiệu dẫu bây giờ thế mạnh, nhưng làm việc hay hồ nghi rụt rè, không đáng sợ.


Trong khi đang bàn luận, Quách Gia ở ngoài vào. Tháo hỏi:

- Ta muốn sang đánh Lưu Bị, lại sợ Viên Thiệu thì làm thế nào?

Gia nói:

- Thiệu tính chậm chạp mà lại đa nghi; bọn mưu sĩ ghen ghét lẫn nhau, có lo ngại gì. Lưu Bị mới sửa sang quân bị, lòng người chưa phục, bây giờ thừa tướng cứ đem binh sang đánh, chỉ một trận là xong.


Tháo mừng rỡ:

- Chính hợp ý ta lắm!


Rồi khởi hai mươi vạn quân chia làm năm đường đi đánh Từ Châu.


Quân do thám về Từ Châu báo tin. Tôn Càn trước hết đến Hạ Phì. Huyền Đức bàn với Tôn Càn:

- Ta phải đến Viên Thiệu cầu cứu mới giải thoát được nguy này.


Liền viết một phong thư sai Tôn Càn đến Hà Bắc.


Càn đến gặp Điền Phong trước, nói rõ tình đầu, nhờ tiến dẫn hộ. Phong dẫn Càn vào yết kiến Viên Thiệu, dâng thư.


Phong thấy Viên Thiệu hình dong tiều tuỵ, áo mũ xốc xếch bèn hỏi:

- Hôm nay chúa công làm sao thế?

Thiệu nói:

- Ta sắp chết đây!

Phong ngạc nhiên quá hỏi:

- Sao chúa công lại nói thế!


Thiệu nói:

- Ta sinh được năm con, duy có thằng út là vừa ý ta! Nay bị ghẻ lở sắp chết, ta còn bụng nào nghĩ đến việc khác nữa?

Phong nói:

- Nay Tào Tháo sang đông đánh Lưu Bị, Hứa Xương bỏ không, nếu ta cất ngay nghĩa binh, thừa cơ tiến vào, trên giúp thiên tử, dưới giúp muôn dân, đó là cơ hội không mấy khi gặp. Xin minh công xét cho.

Thiệu nói:

- Ta cũng biết thế là hay, nhưng trong bụng đương bối rối thế này, sợ đi có điều bất lợi chăng?

Phong nói:

- Việc gì mà bối rối?

Thiệu nói:

- Trong năm thằng con, chỉ có thằng này là kỳ khôi hơn cả, nếu có điều gì, ta cũng chết mất.


Thiệu nhất quyết không cất quân và bảo Tôn Càn:

- Ngươi về gặp Huyền Đức nói rõ duyên cớ như thế. Nhỡ ra có điều gì không được như ý, cứ lại đây, ta sẽ giúp cho.


Điền Phong lấy gậy đập xuống đất và nói:

- Gặp được dịp may mắn thế này, lại lấy nê đứa trẻ ốm, bỏ mất cơ hội, khá tiếc lắm thay!

Rồi giẫm chân, thở dài, đi ra.


Tôn Càn thấy Viên Thiệu không chịu cất quân, vội vàng về ngay Tiểu Bái trình với Huyền Đức. Huyền Đức sợ lắm, nói:

- Như thế thì làm thế nào?


Trương Phi nói:

- Huynh trưởng chớ lo. Quân Tào đi đường xa, tất nhiên mỏi mệt. Ta nhân lúc mới đến, đi cướp trại ngay làm gì không phá tan được.


Huyền Đức nói:

- Ta vẫn tưởng em chỉ là một dũng phu, nhưng ngày nọ bắt Lưu Đại, đã biết dùng mẹo; nay bày kế này cũng hợp binh pháp.

Bèn nghe lời Trương Phi, chia quân đi cướp trại.


Tào Tháo vừa đem quân đến Tiểu Bái. Lúc đang đi đường, bỗng có cơn dông nổi lên, chợt nghe đánh ầm một tiếng, một lá nha kỳ bị gãy. Tháo truyền lệnh cho quân sĩ dừng lại, rồi họp các mưu sĩ hỏi điềm lành dữ làm sao. Tuân Úc hỏi:

- Gió từ phương nào đến? Lá cờ gãy sắc gì?

Tháo nói:

- Gió từ mé đông nam lại, thổi gãy một lá nha kỳ, sắc cờ vừa xanh vừa đỏ.

Úc tính một lát rồi thưa:

- Đêm nay tất Lưu Bị đến cướp trại.

Tháo gật đầu, chợt có Mao Giới vào trình:

- Vừa rồi gió đông nam thổi gãy lá nha kỳ xanh đỏ, chúa công bảo là điềm lành hay dữ?

Tháo không nói, hỏi:

- Ông nghĩ thế nào?

Mao Giới thưa:

- Tôi thiết nghĩ đêm nay tất có người đến cướp trại.

Có thơ rằng:

Ngán cho thế Hán đã cô cùng!
Cướp trại còn mong một chút công,
Cờ gãy báo điềm cho biết trước,
Trời già sao tựa đứa gian hùng?

Tháo nói:

- Điềm trời đã báo trước, ta nên đề phòng cẩn thận.

Bèn chia quân làm chín đội, chỉ để một đội đi lên trước, lập trại bỏ trống, còn tám mặt thì chia quân mai phục.

Đêm hôm ấy, trăng sáng lờ mờ, Huyền Đức bên tả, Trương Phi bên hữu, chia quân làm hai đội kéo đến, chỉ để một mình Tôn Càn giữ Tiểu Bái.


Trương Phi tự lấy làm đắc kế, lĩnh quân khinh kỵ đi trước, xông ngay vào trại Tào Tháo, chỉ thấy lơ thơ quân mã, bốn mặt lửa cháy sáng rực, tiếng reo rầm rĩ. Phi biết là trúng kế, vội vàng chạy ra thì đông Trương Liêu, tây Hứa Chử, nam Vu Cấm, bắc Lý Điển, đông nam Từ Hoảng, tây nam Nhạc Tiến, đông bắc Hạ Hầu Đôn, tây bắc Hạ Hầu Uyên, quân mã tám mặt đánh dồn lại. Trương Phi xông bên nọ xáo bên kia, che đằng trước đỡ đằng sau.


Quân Trương Phi vốn là thủ hạ cũ của Tào Tháo, thấy thế đã nguy, đầu hàng Tháo hết. Khi đang xung đột gặp ngay Từ Hoảng. Phi đánh nhau với Hoảng, đằng sau Nhạc Tiến lại kéo đến. Phi đánh riết mở một đường máu, chỉ còn có vài mươi tên kỵ mã đi theo. Phi muốn về Tiểu Bái, nhưng đường đi nghẽn mất rồi. Muốn sang Từ Châu hay Hạ Phì, lại sợ quân Tào chẹn đường. Nghĩ mãi không biết đi đằng nào, phải chạy về phía núi Mang Đãng.


Còn Huyền Đức cũng dẫn quân đến cướp trại Tào, khi gần đến cửa trại, nghe thấy tiếng reo, sau trại có một toán quân xông ra, chẹn ngay mất một nửa quân mã.


Hạ Hầu Đôn lại kéo quân đến. Huyền Đức vội vàng chạy ra, Hạ Hầu Uyên từ đằng sau đuổi lại. Huyền Đức ngoảnh lại, chỉ thấy có hơn ba mươi tên kỵ mã chạy theo. Muốn chạy về Tiểu Bái; muốn về Từ Châu, Hạ Phì, lại thấy quân Tào khắp núi đầy đồng nghẽn cả đường đi. Huyền Đức không còn đường nào về, bụng nghĩ:

- Viên Thiệu trước đó có dặn ngộ sau này có điều gì bất như ý thì sang đó mà nương tựa. Hay là nay ta hãy chạy sang đấy, tạm làm chỗ nương thân, rồi sẽ liệu kế khác về sau.

Nói rồi quay ngựa chạy về Thanh Châu.


Đương đi lại gặp Lý Điển chẹn đường, Huyền Đức một mình một ngựa lạc lõng chạy về phía bắc, những tên kỵ mã đi theo, đều bị Lý Điển bắt mất cả.


Lưu Bị một mình một ngựa, đi ba trăm dặm tới Thanh Châu, đến dưới thành gọi cửa.


Quân canh hỏi tên họ, rồi vào báo với thứ sử. Thứ sử là con cả Viên Thiệu, tên là Viên Đàm. Đàm vốn kính phục Huyền Đức, nghe thấy Huyền Đức một mình cưỡi ngựa đến, vội vàng mở cửa ra đón, mời vào công đường, hỏi rõ duyên cớ. Huyền Đức kể hết sự tình. Đàm mời Huyền Đức nghỉ trong nhà khách, rồi viết thư báo cho bố biết, một mặt sai quân mã hộ tống Huyền Đức đến Bình Nguyên. Viên Thiệu tự đem quân ra khỏi Nghiệp Quận ba mươi dặm đón rước, Huyền Đức lạy tạ, Thiệu vội vàng đáp lễ, nói:

- Bữa nọ vì đứa trẻ sài ghẻ, không đến cứu viện được, trong bụng rất là áy náy không yên. Nay may được gặp nhau, thực là được thoả lòng ái mộ bấy nay.

Huyền Đức nói:

- Bị nay cô cùng, vẫn muốn nương nhờ dưới cửa ngài, nhưng chưa gặp được cơ hội nào. Nay bị Tào Tháo đến đánh, vợ con đều bị thất lạc, nghĩ rằng tướng quân rộng lượng dung nạp kẻ sĩ bốn phương, cho nên cũng chẳng ngại thẹn thùng, xin đến nương nhờ, mong tướng quân thu dụng, thế nào tôi cũng xin có ngày báo đáp lại.

Thiệu mừng lắm, khoản đãi rất hậu, rồi mời về Ký Châu.

Tào Tháo đương đêm lấy được thành Tiểu Bái, liền cho tiến quân ngay đi đánh Từ Châu.


My Chúc và Giản Ung giữ thành không nổi, đành bỏ thành chạy trốn.


Trần Đăng dâng ngay Từ Châu. Tào kéo quân vào thành phủ dụ dân chúng, rồi gọi các mưu sĩ bàn mưu lấy Hạ Phì.

Tuân Úc nói:

- Vân Trường trông nom vợ con Huyền Đức, tất cố chết giữ thành. Ta không lấy ngay, e sẽ bị Viên Thiệu cướp mất.

Tháo nói:

- Ta vẫn mến tài võ nghệ của Vân Trường, chỉ mong được hắn về với ta. Sao bằng hãy cho người dụ hắn quy hàng.


Quách Gia nói:

- Vân Trường là người nghĩa khí, chắc không chịu hàng, sai người đến dụ không khéo bị hại.

Dưới trướng có một người bước ra nói:

- Tôi cùng Quan Vũ có hơi quen nhau, xin đi dụ.

Các tướng ngoảnh lại xem ai, thì là Trương Liêu.


Trình Dục nói:

- Văn Viễn tuy quen Vân Trường, nhưng tôi e người ấy không phải lấy lời mà dụ được. Tôi có một kế làm cho Vân Trường tiến lui không còn đường nào, bấy giờ Văn Viễn hãy đến dụ, Vân Trường tất phải về với thừa tướng.


Ấy là:

Giương phòng nỏ cứng rình hùm dữ,
Mắc sẵn mồi thơm giật cá ngao.

Chưa biết mẹo Trình Dục ra làm sao, xem đến hồi sau phân giải.


Hán Hiến Đế & Tào Tháo & Trương Hoành

Trương Phi



Lưu Bị


 
Thường đọc Đường thi thấy bài “Điếu Mã Ngôi” có câu rằng:

“Khả liên tứ kỷ vi thiên tử,
Bất cập Lư gia hữu mạc sầu!”

Lời thơ quả là bi ai thống thiết vậy. Tuy nhiên Dương quý phi chết là vì nàng sai lầm việc nước. Đổng quý phi chết vì anh nàng cứu nước, yêu vua. Ôi, vì cái tội của anh mà Dương phi bị giết, người đời cũng đã than tiếc lắm rồi. Huống chi vì anh trung nghĩa mà Đổng phi bị giết, thì đáng thương xót biết bao nhiêu! Ta cho rằng Đổng phi chết oan uổng đau đớn hơn nàng Thái Chân: Hiến Đế “Trường hận miên miên” còn hơn Huyền Tôn nữa vậy.

Từ sau khi tờ “y đái chiếu” bị lộ, nghe tin Đổng phi bị giết, thì chính là lúc người trung thần phải gan óc lầy đất, bậc nghĩa sĩ phải nổi giận lập công. Thế mà những tay hào kiệt hùng cường bốn phương cứ trì trệ thiên diên năm này qua tháng khác, để lỡ mất cơ hội. Than ôi! Trong khi thiên tử không giữ nổi phi tần, thì chư hầu cũng còn lo giữ vợ con, nhà cửa! Thậm chí như Viên Thiệu, chỉ vì đứa con thơ sài lở, mà không nghĩ đến nỗi đau xót của quân phụ khi cái bào thai nối dõi hoàng gia bị giết chết, chẳng chịu động binh. Ngẫm lại dòng dõi bốn đời là tam công ăn lộc nhà Hán như Viên Thiệu mà không bằng một viên thầy thuốc Cát Bình! Thật đáng buồn thay!

Đọc “Tứ Thanh Viên” của Từ Văn Trường thấy có cả một bài Nễ Hành mắng Tào Tháo. Sau khi chết, cả một thiên văn tự được bổ tả lại, gây thêm một phen thống khoái. Thế mà tiếc thay, bài hịch của Trần Lâm đã viết, sau lại xảy ra nhiều việc nữa, sao không bổ tả thêm vào một đoạn?

Tuy nhiên, chính cái kẻ trì nghi vô đoán như Viên Thiệu còn đáng chê hơn. Viên Thiệu không có mệnh vua mà lừa Hàn Phúc, cướp đoạt Ký Châu, không có mệnh vua mà tự đi diệt Công Tôn Toản, đó là một tội. Lý Thôi, Quách Dĩ làm loạn, mà Thiệu không khởi nghĩa cần vương. Đó là cái tội. Viên Thuật tiếm xưng đế hiệu mà Thiệu không đánh, đến khi Thuật nhường “ngôi vua”, Thiệu lại muốn đón nhận. Đó là ba tội. Như vậy, nếu ai vì Thiệu mà kể tội Tháo thì e rằng ta hết lời mắng Tháo, Tháo cũng hết lời mắng ta. Vì thế, chỉ nên mắng Tháo một lần rồi thôi vậy.
 
Hồi 23
Đầu trang
Hồi 25
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại