Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 41
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Văn Sính & Hạ hầu Ân
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 41
Lưu Huyền Đức đưa dân qua sông;
Triệu Tử Long một ngựa cứu chúa.
 

Lại nói Trương Phi thấy nước ở thượng lưu đổ về, vội vàng đem quân lên chặn đường Tào Nhân, thì gặp ngay Hứa Chử đến. Hai tướng giao phong.


Hứa Chử không dám ham đánh, cướp đường chạy thoát.


Trương Phi quay lại đuổi, gặp ngay Huyền Đức cùng Khổng Minh men bờ sông đi ngược lên. Lưu Phong, My Phương đi sắp thuyền sẵn. Mọi người xuống cả đò sang sông, kéo về Phàn Thành. Khổng Minh sai đem thuyền bè đốt sạch.


Tào Nhân thu nhặt tàn quân, đóng ở Tân Dã, sai Tào Hồng về ra mắt Tào Tháo, trình việc thua trận.


Tháo nổi giận nói:

- Gia Cát thôn phu, to gan thực!

Lập tức khởi ba quân đông như kiến cỏ, kéo đến Tân Dã đóng trại; rồi sai quân sĩ, một mặt kiểm soát trên núi, một mặt lấp sông Bạch Hà, đoạn chia đại quân làm tám đường, nhất tề đến lấy Phàn Thành.


Lưu Hoa can rằng:

- Thừa tướng mới đến Tương Dương, trước hết hãy mua lấy lòng dân đã. Nay Huyền Đức dời hết cả dân Tân Dã vào Phàn Thành, nếu ta đến ngay thì dân hai huyện ra cám cả. Chi bằng, sai người chiêu hàng Lưu Bị, dù Bị không hàng, mình cũng được cái tiếng là thương dân. Nếu Bị hàng, thì có phải đất Kinh Châu không đánh cũng được không?


Tháo nghe lời ấy, liền hỏi:

- Ai đi sứ được?

Lưu Hoa nói:

- Từ Thứ rất thân với Lưu Bị, nay hắn cũng có mặt ở đây, sao không sai hắn đi một chuyến?

Tháo nói:

- E hắn đi không trở về?

Hoa nói:

- Nếu hắn đi không trở về, thiên hạ sẽ chê cười hắn, thừa tướng không phải lo điều ấy.

Tháo lập tức gọi Từ Thứ đến bảo rằng:

- Ta muốn san phẳng Phàn Thành, nhưng nghĩ lại thương dân. Ông hãy đến dụ Lưu Bị, nếu y lại hàng, sẽ được tha tội và phong tước; ví bằng y ngoan cố thì quân dân đều chết, đá ngọc nát tan. Tôi biết ông là người trung nghĩa, nên mới nhờ ông việc này, xin chớ phụ nhau.


Từ Thứ lĩnh mệnh đến Phàn Thành. Huyền Đức, Khổng Minh ra đón, hai bên cùng kể lể tình xưa nghĩa cũ. Thứ nói:

- Tào Tháo sai tôi đến đây dụ sứ quân, chẳng qua giả danh mua chuộc lòng người đó thôi. Nay Tháo chia quân làm tám đạo, lấp sông Bạch Hà mà tiến, tôi e Phàn Thành không giữ được, nên liệu mà đi chỗ khác.


Lưu Bị muốn lưu Từ Thứ ở lại. Thứ tạ nói rằng:

- Nếu tôi không trở về, tất thiên hạ chê cười. Nay mẹ già đã mất, thôi đành ôm hận suốt đời. Vả thân tôi tuy ở bên đó song thề chết không bày một kế gì. Sứ quân đã có Ngoạ Long giúp đỡ, lo gì nghiệp lớn chẳng thành.


Thứ xin từ biệt. Huyền Đức không dám ép nài.

Từ Thứ về ra mắt Tào Tháo, nói Lưu Bị không chịu hàng.

Tháo giận lắm, ngay hôm ấy hạ lệnh tiến quân.

Huyền Đức hỏi kế Khổng Minh, Khổng Minh nói:

- Phải cấp tốc bỏ Phàn Thành, lấy Tương Dương tạm trú.

Huyền Đức lại hỏi:

- Thế còn trăm họ đi theo đã lâu, sao nỡ bỏ?

Khổng Minh lại bảo:

- Nên sai người thông báo cho nhân dân biết là ai muốn đi theo thì đi, ai không muốn đi thì ở lại.


Trước hết sai Quan Vũ ra bờ sông sắp sẵn thuyền bè.


Tôn Càn, Giản Ung thì đi loan báo khắp thành rằng:

- Nay quân Tào sắp đến, thành trì trơ trọi này không thể cầm cự lâu được, trăm họ ai muốn đi theo thì cùng sang sông.

Dân hai huyện đồng thanh reo lên rằng:

- Dù chết, chúng tôi cũng vui lòng theo sứ quân.

Liền đó, trăm họ khóc lóc ra đi. Già trẻ dắt díu, trai gái bế bồng, lũ lượt sang đò. Hai bờ sông, tiếng khóc như ri.


Huyền Đức ở trên thuyền trông thấy, rất cảm động nói:

- Chỉ vì một mình ta, mà để trăm họ mắc nạn lớn, ta sống làm chi?

Nói rồi, định đâm đầu xuống sông. Tả hữu vội vàng ngăn lại. Nghe thấy thế ai cũng đau lòng xót ruột. Khi thuyền đi đến bờ phía nam, ngoảnh lại thấy những người ở lại, đều hướng cả về nam mà khóc. Huyền Đức lại sai Vân Trường giục thuyền sang chở nốt rồi mới lên ngựa. Đi đến cửa đông thành Tương Dương, chỉ thấy trên mặt thành tinh kỳ phấp phới, trên bờ hào gài chông chà kín mít. Huyền Đức dừng ngựa gọi to rằng:

- Hiền điệt Lưu Tôn! Ta chỉ vì trăm họ mà đến đây, không có bụng gì đâu, mở cửa ra mau.


Tôn nghe Huyền Đức đến, sợ không dám ra. Sái Mạo và Trương Doãn lên thẳng chòi canh, thét quân sĩ bắn như mưa.


Trăm họ ở ngoài thành đều trông lên chòi canh mà khóc.


Bỗng trong thành, có một tướng dẫn vài trăm quân lên thẳng lầu thành quát to:

- Sái Mạo, Trương Doãn, những thằng giặc bán nước kia! Lưu sứ quân vốn người nhân đức, nay vì cứu dân đến đây, sao dám chống cự?


Mọi người nhìn xem ai thì là Nguỵ Diên, tự là Văn Tràng mình cao tám thước, mặt đỏ như gấc, quê ở Nghĩa Dương.


Diên múa đao công đến chém chết tướng sĩ canh cửa, mở toang cửa thành, bỏ cầu treo xuống, gọi to lên:

- Xin Lưu hoàng thúc mau mang quân vào thành cùng giết những thằng giặc bán nước.


Trương Phi tế ngựa định vào, Huyền Đức vội ngăn lại nói:

- Không được làm trăm họ sợ hãi!


Nguỵ Diên cứ mải gọi quân mã vào thành, bỗng có một tướng tế ngựa ra, quát lên rằng:

- Nguỵ Diên, mày là một thằng vô danh tiểu tốt, sao dám làm loạn? Có biết tao là đại tướng Văn Sính đây không?


Nguỵ Diên giận lắm, vác thương tế ngựa đến đánh. Quân sĩ hai bên đánh lộn nhau dưới thành, tiếng reo ầm ĩ, Huyền Đức nói:

- Ai ngờ muốn cứu dân lại hoá ra hại dân! Ta không muốn vào Tương Dương nữa.


Khổng Minh nói:

- Giang Lăng là một nơi hiểm yếu ở Kinh Châu, chi bằng ta hãy ra lấy trước làm nơi căn cứ đã!

Huyền Đức nói:

- Chính hợp ý ta.


Lập tức đem trăm họ dời Tương Dương, chạy đến Giang Lăng. Nhiều dân ở Tương Dương, nhân lúc rối ren, trốn ra theo Huyền Đức.


Nguỵ Diên đánh nhau với Văn Sính từ giờ tỵ đến giờ mùi, quân sĩ chết sạch, Diên tế ngựa chạy trốn, tìm mãi không thấy Huyền Đức, phải sang Tràng Sa theo thái thú Hàn Huyền.


Lại nói Huyền Đức cùng đi với hơn mười vạn quân dân, vài nghìn cỗ xe lớn nhỏ và rất nhiều gồng gánh, đồ đạc. Đi qua mộ Lưu Biểu, Huyền Đức đem các tướng đến lạy trước mộ, khóc mà than rằng:

- Đứa em nhục nhã là Bị, không tài đức gì, phụ lòng anh ký thác, tội ở một mình em, không can gì đến trăm họ, xin linh hồn anh cứu lấy trăm họ Kinh Tương!

Huyền Đức khấn thảm thiết lắm, quân dân đều ứa nước mắt.


Chợt lại có tin báo rằng:

- Đại quân Tào Tháo đã đóng ở Phàn Thành, đương sai người chuẩn bị thuyền bè, sắp sửa sang đò đuổi theo.


Các tướng nói:

- Giang Lăng hiểm yếu, đủ cự được với giặc. Nay đem mấy vạn dân, ngày đi được hơn mười dặm, thì bao giờ mới đến nơi? Nếu quân Tào kéo đến thì làm thế nào? Chi bằng hãy tạm bỏ dân lại mà đi trước.


Huyền Đức khóc rằng:

- Ta mưu việc lớn, chẳng qua cũng lấy dân làm gốc. Nay người ta theo mình sao nỡ bỏ!

Trăm họ nghe nói, ai cũng cảm động.


Đời sau có thơ than rằng:

Gặp loạn tỏ lòng thương bách tính
Lên thuyền gạt lệ cảm ba quân.
Đến nay thăm hỏi Tương Giang khẩu
Phụ lão còn truyền nhớ sứ quân.

Lại nói Huyền Đức dẫn trăm họ từ từ tiến đi. Khổng Minh nói:

- Quân Tào sắp đuổi đến nơi, nên sai Vân Trường sang Giang Hạ cầu cứu công tử Lưu Kỳ, bảo Kỳ cấp tốc đi thuyền về hội ở Giang Lăng.


Huyền Đức theo lời, liền viết thư sai Vân Trường cùng với Tôn Càn đem năm trăm quân đến Giang Hạ cầu cứu.


Trương Phi đi chặn hậu. Triệu Vân bảo vệ gia thuộc, còn các tướng đi trông nom trăm họ. Mỗi ngày chỉ đi được hơn mười dăm lại nghỉ.


Tào Tháo ở Phàn Thành, sai người sang sông đến Tương Dương triệu Lưu Tôn đến. Tôn sợ hãi không dám đi.


Sái Mạo, Trương Doãn xin đi, Vương Uy mật nói với Tôn rằng:

- Tướng quân đã theo hàng, Huyền Đức lại chạy, Tào Tháo tất lơ là không phòng bị gì. Xin tướng quân phục kỵ binh ở nơi hiểm mà đánh, chắc bắt được Tháo. Bắt được Tháo rồi thì uy danh sẽ lừng lẫy thiên hạ; Trung Nguyên dẫu rộng, nhưng chỉ phát một tờ hịch là định xong. Cơ hội này không mấy khi gặp, xin tướng quân chớ để nhỡ.


Tôn đem lời ấy, nói với Sái Mạo. Mạo mắng Vương Uy rằng:

- Ngươi không biết mệnh trời, sao dám nói càn?

Uy giận lắm, mắng lại:

- Thằng giặc bán nước kia! Ta chỉ giận không nuốt sống được mày thôi!


Mạo muốn đem giết, Khoái Việt ngăn lại.


Mạo cùng Trương Doãn đến Phàn Thành vào bái kiến Tào Tháo, thái độ hết sức xu nịnh. Tháo hỏi:

- Quân mã, tiền lương Kinh Châu, ước được bao nhiêu?

Mạo thưa:

- Kỵ binh được ba vạn, quân bộ mười lăm vạn, quân thuỷ tám vạn, cả thảy hai mươi sáu vạn. Lương thảo quá nửa ở Giang Lăng; còn các nơi cũng đủ dùng một năm.

Tháo lại hỏi:

- Chiến thuyền có bao nhiêu, do ai quản lĩnh?

Mạo thưa:

- Chiến thuyền lớn nhỏ cả thảy bảy nghìn chiếc, do hai chúng tôi quản lĩnh.


Tháo liền phong cho Sái Mạo làm Trấn nam hầu thuỷ quân đại đô đốc; Trương Doãn làm Trợ thuận hầu thuỷ quân phó đô đốc.

Hai người mừng lắm, lạy tạ.

Tháo lại hỏi:

- Lưu Cảnh Thăng mất rồi, mà còn lại biết hàng thuận, ta sẽ tâu với thiên tử cho làm chủ Kinh Châu mãi mãi.

Hai người lạy tạ lui ra.

Tuân Úc nói:

- Sái Mạo, Trương Doãn là đồ xiểm nịnh, sao chúa công phong cho tước cao như thế, lại cho làm đô đốc thuỷ quân?

Tháo cười, nói:

- Ta sao lại chẳng biết người, chỉ vì quân đất bắc không quen đánh thuỷ, nên phải tạm dùng bọn chúng. Khi nào việc xong, ta sẽ định liệu.


Sái Mạo, Trương Doãn về gặp Lưu Tôn nói:

- Tào thừa tướng hứa phong cho chúa công làm chủ Kinh Châu mãi.

Tôn mừng lắm, hôm sau cùng với mẹ là Sái phu nhân đem ấn tín sang sông đón rước Tào Tháo.


Tháo phủ dụ xong, lập tức đem quân tướng sang đóng ngoài thành Tương Dương.


Sái Mạo, Trương Doãn, sai trăm họ trong thành đốt hương đón rước. Tháo lấy lời ngọt ngào uỷ lạo, rồi vào thành. Đến phủ ngồi với Khoái Việt, Tháo lại phủ dụ rằng:

- Ta không mừng được Kinh Châu, chỉ mừng được Di Độ đó thôi.

Nói xong, phong cho Việt chức thái thú Giang Lăng, tước Phàn Thành hầu. Bọn Phó Tốn, Vương Sán đều được làm quan nội hầu, và cử Lưu Tôn làm thứ sử Thanh Châu, bắt phải đi ngay lập tức.


Tôn nghe lệnh thất kinh, từ chối nói rằng:

- Tôn nay không muốn làm quan, xin cho ở nhà giữ quê hương cha mẹ.

Tháo nói:

- Thanh Châu gần kinh đô, cho ngươi vào triều đình làm quan, kẻo ở Kinh Tương có kẻ mưu hại.


Tôn hai ba lần từ chối, Tháo không cho, bất đắc dĩ phải cùng Sái phu nhân đi Thanh Châu; chỉ có tướng cũ là Vương Uy đi theo, còn bao nhiêu quan viên đều tiễn đến cửa sông rồi quay về.


Tháo gọi Vu Cấm đến dặn rằng:

- Ngươi dẫn khinh kỵ đuổi theo, giết cả hai mẹ con đi để khỏi lo hậu hoạn.

Vu Cấm được lệnh, mang quân đuổi theo, thét lớn:

- Ta phụng mệnh thừa tướng theo giết mẹ con mày! Mau sớm nộp thủ cấp đi!


Sái phu nhân ôm Lưu Tôn khóc ầm ĩ.


Vu Cấm thét quân sĩ hạ thủ, Vương Uy tức giận cố sức chống cự, cũng bị giết nốt.


Vu Cấm về báo, Tháo trọng thưởng cho, lại sai đem quân vào Long Trung tìm bắt cho được gia quyến Khổng Minh, nhưng chẳng biết đã dời đi đâu rồi.


Số là Khổng Minh biết trước đã sai người mang gia quyến đến lánh ẩn ở Tam Giang.

Tháo tức lắm.

Tương Dương đã yên, Tuân Du nói:

- Giang Lăng là đất hiểm ở Kinh Tương, tiền lương rất nhiều, nếu Lưu Bị chiếm cứ chỗ ấy, thì khó lòng lấy nổi.

Tháo nói:

- Ta có quên đâu!


Liền sai chọn một người trong số các tướng ở Tương Dương để dẫn đường. Thấy vắng mặt Văn Sính. Tháo sai người đi tìm, bấy giờ Sính mới chịu lại hầu. Tháo hỏi:

- Sao ngươi chậm trễ thế!

Sính đáp:

- Làm bầy tôi mà không giúp được chủ giữ lấy giang sơn, xấu hổ lắm, không mặt nào đến sớm được.

Nói xong, sụt sùi khóc.

Tháo khen:

- Thật là trung thần!

Và cho ngay làm thái thú Giang Hạ tước quan nội hầu, sai đem quân đi mở đường.

Thám mã chạy về báo rằng:

- Lưu Bị dẫn bách tính đi chậm lắm, mỗi ngày chỉ đi được hơn mười dặm; tính đến nay mới đi được hơn ba trăm dặm.

Tháo sai kén lấy năm nghìn thiết kỵ cấp tốc đuổi theo, hẹn cho một ngày một đêm phải đuổi kịp Lưu Bị. Đại quân lục tục kéo sau.


Bấy giờ, Huyền Đức dẫn hơn mười vạn dân và hơn ba nghìn quân mã, từ từ kéo sang Giang Lăng. Triệu Vân thì bảo vệ gia quyến Huyền Đức; Trương Phi đi chặn hậu.

Khổng Minh nói:

- Vân Trường sang Giang Hạ không thấy tin tức gì cả, không biết ra sao?

Huyền Đức nói:

- Xin phiền quân sư đi cho một chuyến. Lưu Kỳ nhớ ơn quân sư dạy cho khi trước, công việc tất có kết quả.

Khổng Minh vâng lời, liền cùng Lưu Phong đem ngay năm trăm quân sang Giang Hạ cầu cứu.


Hôm ấy, Huyền Đức cùng đi với Giản Ung, My Chúc, My Phương, bỗng một cơn gió lốc kéo đến trước mặt, đất cát bay mù mịt lấp cả mặt trời.


Huyền Đức thất kinh hỏi rằng:

- Thế là điềm gì đó?

Giản Ung giỏi tính âm dương, bấm một quẻ, rồi hoảng sợ nói rằng:

- Điềm này hung dữ lắm! Chỉ nội đêm nay sẽ xảy ra. Chúa công đành phải bỏ bách tính mà chạy mới thoát.

Huyền Đức nói:

- Trăm họ theo ta từ Tân Dã đến đây, bỏ rơi sao đành?

Ung nói:

- Chúa công cứ lưu luyến mãi thì tai vạ tới nơi mất.


Huyền Đức hỏi rằng:

- Trước mặt kia là đâu?

Tả hữu đáp:

- Trước mặt là huyện Đương Dương, có một trái núi, gọi là Cảnh Sơn.

Huyền Đức truyền quân tạm đến đóng ở đó.

Bấy giờ, trời cuối thu sang đông, gió lạnh thấu xương, mặt trời sắp lặn, tiếng khóc dậy đất.

Độ canh tư, thấy góc tây bắc có tiếng reo hò ầm ĩ vang lại. Huyền Đức giật mình, dẫn hơn hai nghìn tinh binh ra nghênh địch.


Quân Tào ùa đến. Không sao địch nổi, Huyền Đức liều chết cầm cự. Đương khi nguy cấp, may được Trương Phi dẫn quân đến, đánh mở một đường máu, cứu được Huyền Đức rồi nhằm phía đông chạy miết.


Văn Sính ra chặn đường. Huyền Đức ra mắng rằng:

- Thằng phản chủ kia! Mày còn mặt mũi nào trông thấy người ta nữa?

Văn Sính hổ thẹn quá chừng, dẫn quân chuồn thẳng về phía đông bắc.

Trương Phi bảo vệ Huyền Đức, vừa đánh vừa chạy, mãi đến sáng thấy tiếng hò reo đã xa. Huyền Đức mới nghỉ ngựa, nhìn lại thủ hạ thì chỉ còn vẻn vẹn hơn trăm kỵ binh đi theo. Trăm họ, gia quyến và bọn My Chúc, My Phương, Giản Ung, Triệu Vân tất cả hơn nghìn người không biết lạc lõng đâu cả.


Huyền Đức khóc ầm lên, nói:

- Hơn mười vạn nhân dân, chỉ vì mến ta, nên gặp nạn lớn này; các tướng cùng gia quyến không biết sống chết ra sao, dẫu gỗ đá cũng phải đau xót!


Đương lúc buồn rầu, bỗng thấy My Phương mặt vẫn còn cắm mấy cái tên, lò dò đi đến, nói:

- Tử Long đi theo Tào Tháo rồi!

Huyền Đức mắng rằng:

- Tử Long là bạn cũ của ta, lẽ đâu phản bội!


Trương Phi nói:

- Nay hắn thấy chúng ta thế cùng sức hết, hoặc giả ham phú quý mà theo Tào Tháo chăng?

Huyền Đức nói:

- Tử Long theo ta trong cơn hoạn nạn, lòng như sắt đá, phú quý không thể lung lạc được.


My Phương nói:

- Thật mắt tôi trông thấy hắn chạy về phía tây bắc.

Trương Phi nói:

- Tôi xin đi tìm, nếu gặp chỉ đâm cho một nhát kích là xong đời.

Huyền Đức nói:

- Không nên hồ đồ như thế. Em há không nhớ chuyện Vân Trường giết Nhan Lương, Văn Sú đó sao? Tử Long bỏ đi ắt có rủi ro gì đấy. Ta chắc Tử Long không khi nào bỏ ta.

Trương Phi không chịu nghe, dẫn hai mươi quân kỵ mã đến cầu Trường Bản.


Tới nơi, thấy mé đông cầu có một dãy cây cối, Phi nghĩ ngay ra một kế, liền sai quân chặt cành cây buộc vào đuôi ngựa, rồi thúc ngựa chạy tứ tung trong rừng, cho bụi mù lên để làm nghi binh.


Trương Phi vác mâu, cưỡi ngựa đứng trên cầu, nhìn trừng trừng về phía tây.


Lại nói, từ lúc canh tư Triệu Vân cự nhau với quân Tào, đi lại xông xáo, đánh vừa đến sáng, tìm không thấy Huyền Đức, lại bỏ lạc cả gia quyến Huyền Đức. Vân nghĩ bụng rằng:

- Chủ ta đã đem Cam, My hai phu nhân cùng A Đẩu uỷ thác cho ta, nay lạc mất cả, ta còn mặt nào trông thấy chủ nữa. Chi bằng ta liều chết đánh giặc, cứu cho được hai phu nhân và A Đẩu.


Vân nhìn lại tả hữu thì chỉ còn có ba bốn mươi quân kỵ mã đi theo, Vân tế ngựa vào trong đám loạn quân tìm kiếm, dân hai huyện kêu khóc như ri, người trúng tên, kẻ bị đâm, bỏ cả con cái, anh em, chạy tán loạn.


Vân đương đi, thấy có một người nằm trên bãi cỏ, trông xem thì là Giản Ung.


Vân vội hỏi:

- Có thấy hai chúa mẫu đâu không?

Ung nói:

- Hai phu nhân bỏ cả xe, ôm A Đẩu mà chạy; ta tế ngựa chạy theo, đi qua sườn núi, chẳng may bị một tướng đâm nhát kích ngã nhào, ngựa bị cướp mất, ta không lấy lại được, nên chịu nằm đây.


Vân bảo lính nhường ngựa cho Giản Ung cưỡi, và đỡ Ung đi trước, nhờ báo với chủ nhân rằng: "Tôi dù lên trời, xuống đất, thế nào cũng quyết tìm cho được hai phu nhân và A Đẩu; bằng không tìm thấy, xin chết trên bãi chiến trường!”

Nói xong tế ngựa chạy thẳng về phía gò Trường Bản, chợt thấy một người gọi to rằng:

- Triệu tướng quân đi đâu thế?

Vân dừng ngựa lại hỏi:

- Ngươi là ai?

Người ấy đáp:

- Tôi là lính hầu của Lưu sứ quân, sai đi hộ tống xa trượng, bị tên lăn xuống đây.

Vân hỏi luôn tin tức hai phu nhân, tên lính nói:

- Mới rồi thấy Cam phu nhân xoã tóc đi chân không theo một lũ đàn bà con gái thường dân chạy ở phía nam.

Vân nghe xong không hỏi gì nữa, tế ngựa theo phía nam đi tìm, thấy một đám đông dân chúng chừng vài trăm người, vừa đàn ông, vừa đàn bà đang chạy tất tả.


Vân gọi to lên rằng:

- Trong đám có Cam phu nhân không?


Phu nhân đi cuối cùng, trông thấy Triệu Vân, oà lên khóc.


Vân xuống ngựa, bỏ giáo, khóc mà rằng:

- Để cho chủ mẫu thất lạc, chính là tội Vân… My phu nhân cùng ấu chúa đâu rồi?

Cam phu nhân nói:

- Ta cùng với My phu nhân bị giặc đuổi, bỏ cả xe cộ, lẩn vào đám thường dân, lại gặp một toán quân mã xô vào. My phu nhân cùng A Đẩu không biết lạc vào đâu, duy chỉ có một mình ta trốn chạy đến đây.


Đương nói chuyện lại thấy dân chúng kêu khóc ầm lên, nhìn ra thấy một người bị trói trên lưng ngựa, chính là My Chúc, theo sau, một tướng tay cầm mã tấu, dẫn thêm một nghìn quân tên là Thuần Vu Đạo, là bộ tướng của Tào Nhân. Đạo bắt được My Chúc đem nộp để lấy công.


Triệu Vân quát to một tiếng, tế ngựa xông tới.


Đạo không địch nổi, bị Vân đâm một giáo chết.


Vân cứu được My Chúc, lấy được đôi ngựa, mời Cam phu nhân cưỡi, đánh giết mở một con đường đi thẳng đến gò Trường Bản. Đến nơi, chỉ thấy Trương Phi cưỡi ngựa đứng trên cầu, cầm ngang ngọn mâu gọi to rằng:

- Tử Long sao dám phản anh ta?

Vân nói:

- Ta còn tìm chưa thấy chủ mẫu và A Đẩu, nên rớt lại sau, sao lại bảo là phản?

Phi nói:

- Nếu không có Giản Ung cho biết trước thì ta không làm ngơ đâu!

Vân hỏi:

- Chúa công đâu?

Phi đáp:

- Ở ngay phía trước kia, cách đây không xa.

Vân bảo My Chúc rằng:

- My Tử Trọng hãy bảo vệ Cam phu nhân đi trước, để ta đi tìm nốt My phu nhân và ấu chúa đã.


Nói xong, dẫn vài quân kỵ mã theo lối cũ trở lại. Đương chạy, gặp một tướng tay cầm giáo sắt, lưng đeo gươm, dẫn vài chục quân kỵ tế ngựa đến. Triệu Vân chẳng nói chẳng rằng, xốc tới đánh luôn. Mới được một hiệp, Vân đâm chết tướng ấy, quân đi theo chạy tan cả.

Nguyên tướng đó là Hạ Hầu Ân, cận vệ đeo gươm của Tào Tháo. Nguyên Tháo có hai thanh gươm báu, một thanh gọi là "Ỷ Thiên”, một thanh gọi là "Thanh Công”. Thanh "Ỷ Thiên” Tháo đeo luôn bên mình, còn thanh "Thanh Công” thì giao cho Hạ Hầu Ân. Thanh gươm này chém sắt như chém bùn, sắc bén vô cùng. Hôm ấy Hạ Hầu Ân cậy mình có sức khoẻ, đi cách xa Tào Tháo, chỉ chực xông vào đám bách tính cướp giật, không ngờ gặp phải Triệu Vân. Vân đâm chết Ân rồi đoạt lấy thanh gươm xem, thấy có hai chữ "Thanh Công”, mạ vàng, biết ngay là gươm báu, liền giắt vào mình, rồi xông vào vòng vây, ngoảnh lại xem thủ hạ thì không còn ai nữa, chỉ trơ trọi có một mình.


Nhưng Vân vẫn không chồn dạ chút nào, cứ xông xáo đi tìm, gặp ai cũng hỏi tin tức My phu nhân và A Đẩu.


Có một ngưới trỏ bảo rằng:

- Vừa thấy phu nhân ôm một đứa bé, đùi bên trái thì bị thương, chạy không được, đến ngồi ở trong bức tường đổ trước mặt kia.


Vân vội vàng theo đến, chỉ thấy một cái nhà cháy có bức tường đất đổ. My phu nhân ôm A Đẩu ngồi ở bờ giếng cạn khóc lóc.


Vân xuống ngựa, lạy thụp xuống đất.

Phu nhân nói:

- Thiếp được gặp tướng quân đây, thực là số mệnh A Đẩu còn sống. Tướng quân nên thương lấy cha nó, long đong nửa đời rồi mà mới có một mụn con. Xin tướng quân giữ gìn thế nào, cho nó còn được trông thấy mặt cha thì thiếp chết cũng cam tâm.


Vân nói:

- Phu nhân đến nỗi này, cũng là tội Vân, xin phu nhân không nên nói nhiều, hãy mau lên ngựa. Vân đi bộ theo, cố sức đánh để bảo vệ phu nhân cùng A Đẩu ra khỏi vòng vây.


My phu nhân nói:

- Không xong rồi! Tướng quân không thể không có ngựa. Đứa trẻ này hoàn toàn trông cậy vào tướng quân. Vả thiếp bị thương nặng, dù chết cũng chẳng đáng tiếc; xin tướng quân hãy bế A Đẩu đi cho mau, đừng vì thiếp mà mang luỵ nữa.

Vân nói:

- Tiếng reo đã gần, quân đuổi theo sắp đến, xin mời phu nhân mau mau lên ngựa.


My phu nhân nói:

- Quả thật thiếp không sao đi được, xin tướng quân đừng để lỡ cả hai.

Liền đưa A Đẩu cho Triệu Vân và nói rằng:

- Tính mệnh đứa trẻ này hoàn toàn nằm trong tay tướng quân đó.


Triệu Vân năm lần bảy lượt mời phu nhân lên ngựa nhưng phu nhân cứ nằng nặc không nghe. Bốn bề tiếng hò reo lại nổi dậy.

Vân nói lớn lên rằng:

- Phu nhân không nghe lời tôi, quân giặc kéo đến thì làm thế nào?

My phu nhân liền bỏ con xuống đất, rồi gieo ngay mình xuống giếng khô mà chết.


Đời sau có thơ than rằng:

Chiến tướng toàn nhờ vào sức ngựa,
Chân không bảo vệ ấu quân ư?
Hy sinh cứu lấy dòng Lưu Bị,
Dũng cảm ai bằng nữ trượng phu!

Triệu Vân thấy phu nhân chết rồi, sợ quân Tào đến cướp mất xác, liền đạp đổ bức tường xuống, lấp kín giếng.


Rồi cởi dây lưng thắt áo giáp ra, bỏ miếng hộ tâm kính xuống, đem A Đẩu buộc vững vào lòng, vác giáo nhảy lên ngựa.


Giữa lúc ấy, một tướng dẫn đội bộ quân đến, chính là Yến Minh, bộ tướng của Tào Hồng.


Minh vác một thanh đao ba ngạc hai lưỡi, đến đánh Triệu Vân, chưa đầy ba hiệp, bị Vân đâm một nhát giáo chết.


Vân lại đánh tan cả quân tướng, mở một đường chạy. Đương chạy, trước mặt lại có một toán quân chặn đường, môt viên tướng đi đầu, cờ hiệu đề bốn chữ lớn "Hà Gian Trương Cáp”.


Vân chẳng đôi hồi, khua giáo đánh liền. Được hơn mười hiệp, Vân không dám ham đánh nữa, cướp đường mà chạy.


Trương Cáp đuổi theo, Vân ra roi chạy miết, không ngờ đánh huỵch một cái cả người lẫn ngựa sa xuống hố sâu.


Trương Cáp vội vác giáo lại đâm. Bỗng nhiên một đạo hồng quang từ dưới hố bốc lên, con ngựa nhảy vọt lên khỏi hố.



Đời sau có thơ than rằng:

Hồng quang chói lọi cánh rồng bay
Vó ngựa xông pha thoát khỏi vây
Bốn chục hai năm thiên tử mệnh
Tướng quân được dịp trổ thần oai.

Trương Cáp thấy thế, sợ hãi rút lui.


Triệu Vân đương tế ngựa chạy, bỗng sau lưng lại thấy có hai tướng gọi to rằng:

- Triệu Vân đừng chạy nữa!

Trước mặt cũng lại thấy hai tướng, mỗi tướng cầm một thứ binh khí, chặn ngang đường. Hai tướng đuổi sau lưng là Mã Diên, Trương Dĩ; hai tướng chặn trước mặt là Tiêu Súc, Trương Nam. Bốn người cùng là thủ hạ cũ của Viên Thiệu.


Triệu Vân cố sức đánh với bốn tướng. Quân Tào kéo ùa cả đến.


Vân rút gươm "Thanh Công” chém tứ tung, chém vào đâu, người và áo giáp cứ đứt phăng phăng, máu chảy như suối. Vân đánh tan được các quân tướng, ra khỏi vòng vây.


Bấy giờ Tào Tháo đứng trên đỉnh núi Cảnh Sơn, trông thấy một tướng đi đến đâu người giãn ra đến đấy, vội hỏi tả hữu người đó là ai?


Tào Hồng tế ngựa xuống hỏi rằng:

- Chiến tướng kia tên họ là gì?

Vân nói:

- Ta là Triệu Tử Long ở Thường Sơn.


Hồng về báo với Tào Tháo. Tháo nói:

- Thực là hổ tướng, ta nên bắt sống lấy.

Liền sai ngươi tế ngựa đi truyền báo cho các nơi rằng:

- Triệu Vân đi đến đâu, không ai được bắn lén, chỉ cốt bắt sống thôi.


Nhờ lệnh ấy, Triệu Vân thoát được nạn. Đó cũng là phúc của A Đẩu nữa.

Trong trận này, Triệu Vân đem chúa ở trong bọc ra khỏi vòng vây, chém gãy được hai lá cờ to, cướp được ba ngọn giáo; giáo đâm gươm chém, trước sau cả thảy giết được hơn năm mươi danh tướng của quân Tào.


Đời sau có thơ khen rằng:

Máu đỏ chan hoà áo giáp hồng
Đương Dương ai kẻ dám tranh hùng?
Xưa nay cứu chúa xông trăm trận
Chỉ có Thường Sơn Triệu Tử Long.

Khi ấy Triệu Vân ra thoát vòng vây, cách xa trận địa chính, máu me đỏ ngòm cả áo chiến bào. Vân đương đi dưới sườn núi, lại thấy hai toán quân tràn ra: đó là anh em Trung Tấn, Trung Thân, bộ tướng của Hạ Hầu Đôn, một người dùng lưỡi tầm sét, một người dùng ngọn hoả kích, quát to lên rằng:

- Triệu Vân mau mau xuống ngựa chịu trói!


Ấy mới là:

Hang hổ vừa yên cơn khốn đốn
Vực rồng lại nổi trận phong ba…

Chưa biết Tử Long làm thế nào thoát thân, xem đến hồi sau mới rõ.


Triệu Vân


Triệu Vân & Lưu Thiền & Lã Bố


Vương Uy & Vương Cán


Lưu Công & Tiêu Súc

 
Trước đây, Khổng Minh mách kế cho Lưu Kỳ, lấy “chước chạy là hơn hết”, đến hồi này mách kế cho Huyền Đức cũng là “tẩu vi thượng sách”. Nhưng Lưu Kỳ chạy thì thoát nạn, Huyền Đức chạy mấy chặng vẫn chưa hết nạn, là vì sao? Đó là vì Huyền Đức mấy lần không nỡ làm việc trái lòng nhân, cho nên phải mang lụy. Nếu không vì bất nhẫn, mà cướp đất Lưu Biểu thì đã khỏi phải chạy. Nếu nhẫn tâm cướp đất Lưu Tông, ắt cũng khỏi phải chạy. Nếu nhẫn tâm bỏ trăm họ, ắt đã chạy được nhẹ mình và chạy thoát xa quân thù, khỏi hao binh tổn mã. Cho đến nỗi quân tướng tản lạc, vợ bỏ mình vì nạn… đều chỉ vì Huyền Đức quá nhân ái chứ không phải Khổng Minh thấp mưu đâu.

Giết Thái thị, trời không mượn tay Huyền Đức; kết liễu đời Lưu Tông, trời không mượn tay Lưu Kỳ, mà cả hai đều chết về tay Tào Tháo. Đó là cái “khéo” của tạo vật vậy. Nhưng về phần Tháo, thử hỏi Trương Tú cũng hàng sao Tháo không giết? Trương Lỗ hàng, Tháo cũng không giết. Cho đến Viên Đàm lúc mới hàng, chưa lộ ý phản trắc, Tháo cũng chưa giết. Thế mà chỉ riêng mẹ con Lưu Tông, vừa hàng đã bị Tháo giết ngay lập tức! Vì sao lại như thế? Thưa rằng: Ý Lưu Tông muốn làm chúa Kinh Châu vĩnh viễn. Nếu không được thế, ắt hối hận. Hối hận ắt oán hờn. Tông đã oán Tháo, thì những bề tôi cũ của Tông chưa chịu hàng ắt nhóm lại mồi lửa… Đó là mối nguy cho Tháo. Còn những bề tôi đã hàng Tháo, mà thấy chủ cũ vẫn còn sờ sờ ra đó, cũng sinh ra hai lòng, chân trong chân ngoài rình chờ thời cơ. Đó là hai mối lo của Tháo. Vả Tháo đang sắp qua sông đánh Giang Nam mà lỡ ra Lưu Tông lại hòa hợp với Lưu Kỳ, kết liên thêm Lưu Bị… thành cái tai vạ sát nách. Đó là ba điều đáng sợ. Tháo đã tính toán kỹ càng như thế rồi. Và đã thế, thì Lưu Tông dù có muốn thoát cái chết cũng không sao thoát nổi.

Ở Đàn Khê, Triệu Vân có ba trăm quân mà không cứu được Huyền Đức, ở Đương Dương Trương Bản, Vân chỉ trơ một mình một ngựa mà lại cứu được A Đẩu. Thật là việc không thể lường trước được. Quan Công đưa hai vị phu nhân qua suốt năm cửa ải mà bảo hộ được bình yên. Tử Long chỉ việc đưa một phu nhân tới cầu Trường Bản mà không đưa được. Đó lại là một việc không ngờ nữa. Hoặc có người bảo rằng: “Cứu được Huyền Đức ở Đàn Khê, không phải là nhờ sức con ngựa tài. Cứu được A Đẩu ở Đương Dương không phải là nhờ sức viên tướng giỏi. Đó toàn là nhờ trời cả, chẳng phải do người…” Xin thưa rằng: Quan Công đem hết nghĩa thờ anh, Tử Long hết lòng trung cứu chúa, là do trời mà cũng do người nữa. Huyền Đức bỏ Kinh Châu, đã bỏ mất cái “địa lợi”, nhưng còn may được nhờ trời thương, nhờ người giúp vậy.

Tôn Sách tin chắc Thái Sử Từ dù mới hàng cũng không dối trá. Huyền Đức tin Tử Long dù gặp hoạn nạn cũng không đổi lòng. Một đằng vì nhận xét nhất thời mà tin nhau. Một đằng vì xét kỹ hành động hàng ngày mà tin nhau. Thường thường, văn tự ảo diệu ở chỗ có những mâu thuẫn nghịch chiếu nhau. Nếu My Phương không tố cáo, Trương Phi không nghi ngờ Triệu Vân, thì cái tài “biết người” của Huyền Đức chưa cao lắm, mà lòng trung của Vân cũng chưa nổi trội. Văn tự sự “Tam Quốc Chí” thường khéo ở chỗ dùng nghịch cảnh như thế.

Từ Thị không tự tử, là sống để báo thù cho chồng. My phu nhân tự tử là chết để cho con chồng sống. Hai người đều là vợ hiền. Ngô phu nhân sắp chết, đem con lớn phó thác cho bề tôi giỏi. My phu nhân sắp chết đem con thơ phó thác cho danh tướng. Cả hai cùng là hiền mẫu. Nhưng xét ra thì liều chết khó hơn là không chết. Phó thác con trong lúc lâm nạn còn khó khăn hơn là phó thác con lúc nằm trên giường bệnh. Cho nên có thể nói rằng My phu nhân hiền đức còn hơn hai vị phu nhân bên Đông Ngô vậy.

Việc Huyền Đức chiếm Trường Sa, Ngụ Diên cứu Hoàng Trung còn cách nhiều hồi nữa mới đến, thế mà ở hồi này Ngụy Diên đã sớm xuất hiện trên mặt thành Tương Dương, rồi bỗng chốc lại đi khỏi. Kể việc này không phải là vô ích cho chuyện, mà chính là mắc sẵn mối dây cho chuyện sau này vậy.

Kể chuyện không khó ở chỗ thâu gồm, tụ hợp, mà khó ở chỗ kể phân tán. Như trận Đương Dương Trường Bản, Huyền Đức cùng hai phu nhân, A Đẩu và các tướng tán lạc đi năm nơi bảy chốn, mà kể cho khắp được thật là khó thay! Thế mà tác giả chỉ tả một Triệu Vân xông pha đi tìm, rồi mượn lời người này kể việc thất tán của người kia… mà lần lượt kể được đầy đủ rõ ràng. Ngoài phần chính bút còn có phần bàng bút tả gió heo lạnh lẽo tiếng đêm thu xạc xào, tiếng khóc văng vẳng khắp đồng nội… Mấy ngàn chiến sĩ với trăm họ chạy loạn trong cảnh tang thương, chỗ nào cũng được chấm phá bằng vài nét bút để vẽ nên bức tranh đầy đủ.

Ta đã đọc sách “Sử Ký”, thấy đoạn tả trận Cai Hạ, có tả Hạng Vũ xúc động, tả Ngu Cơ liều mình, tiếng “Sở ca” nổi dậy, núi Cửu Lý rộn rã, tám ngàn đệ tử bàng hoàng, Hàn Tín điều khiển ba quân, các gia tướng mai phục mười mặt… rồi đến cảnh Bá Vương tự vẫn ở Ô Giang… văn ký sự thật là tuyệt diệu, những tưởng không văn nào sánh kịp. Nay đọc văn “Tam Quốc Chí” tới đoạn tả trận Đương Dương Trường Bản… bất giác khâm phụ, lại tưởng Long Môn tiên sinh sống lại vậy.
 
Hồi 40
Đầu trang
Hồi 42
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại