Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 36
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Lưu Phong & Lưu Bị
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 36
Huyền Đức dùng mẹo đánh úp Phàn Thành;
Nguyên Trực tế ngựa tiến cử Gia Cát.
 

Lại nói, Tào Nhân tức giận, dẫn binh mã cấp tốc vượt qua sông, định san phẳng Tân Dã.


Đan Phúc thắng trận, về huyện bàn với Huyền Đức rằng:

- Tào Nhân đóng quân ở Phàn Thành, nếu biết hai tướng bị giết, tất huy động đại quân đến báo thù.

Huyền Đức hỏi:

- Nên dùng kế gì bây giờ?

Đan Phúc nói:

- Nếu hắn đem hết quân sang đây, Phàn Thành bỏ ngỏ, ta có thể thừa cơ đánh úp.


Huyền Đức hỏi kế. Phúc ghé vào tai Huyền Đức nói nhỏ mấy câu.


Huyền Đức hớn hở, truyền lệnh chuẩn bị sẵn sàng.

Chợt có thám mã báo Tào Nhân đã dẫn đại quân sang sông kéo đến nơi. Đan Phúc nói:

- Tôi đoán không sai.

Rồi mời Huyền Đức đem quân nghênh địch.


Trận thế dàn xong, Triệu Vân ra ngựa, gọi tướng giặc nói chuyện.


Tào Nhân sai Lý Điển ra giao chiến với Triệu Vân. Được độ vài chục hiệp, Lý Điển biết sức không cự nổi, quay ngựa chạy về. Vân tế ngựa đuổi theo, nhưng quân Tào bắn chặn lại. Đôi bên cùng thu quân về trại.


Lý Điển về gặp Tào Nhân nói:

- Quân giặc tinh nhuệ lắm, không nên coi thường. Chi bằng hãy rút quân về Phàn Thành.

Tào Nhân cả giận, nói:

- Lúc chưa xuất quân, ngươi đã làm ngã lòng quân sĩ ta. Nay lại giả tảng thua, tội đáng chém. Đao phủ đâu, lôi ra chặt đầu nó đi.

Các tướng xúm lại can mãi, Điển mới khỏi chết.


Rồi, Nhân tự dẫn binh đi tiền bộ, cho Lý Điển đi hậu quân. Hôm sau đánh trống tiến binh, bày thành thế trận, sai người hỏi Huyền Đức rằng:

- Có biết thế trận của ta không?


Đan Phúc trèo lên chỗ cao, ngắm một hồi, rồi xuống nói với Huyền Đức:

- Đây là trận "Bát môn kim toả”. Có tám cửa là: hưu, sinh, thương, đỗ, cảnh, tử, kinh, khai. Nếu nhắm các cửa sinh, cửa cảnh, cửa khai mà đánh vào thì thắng, vào các cửa thương, kinh, hưu, thì bị thiệt hại; vào cửa đỗ, cửa tử, thì chết hết. Tám cửa tuy bố trí chỉnh tề, nhưng chỉ thiếu lực lượng chủ chốt ở giữa. Nếu ta tiến váo cửa sinh góc đông nam, rồi đánh sang cửa cảnh góc tây thì trận này phải tan vỡ.


Huyền Đức truyền lệnh cho quân sĩ giữ vững lấy góc trận và sai Triệu Vân đem năm trăm quân từ mặt đông nam tiến vào, lướt qua cửa tây mà ra ngoài trận.


Được lệnh, Vân lập tức vác giáo lên ngựa, đem quân thắng đến góc đông nam, hò reo đánh vào giữa trận. Tào Nhân lui chạy về phía bắc. Vân không đuổi theo, đánh xộc ra cửa tây, rồi lại từ cửa tây đánh sang góc đông nam. Quân Tào đại loạn.


Huyền Đức thúc quân đánh ùa vào: Quân Tào Nhân thua to chạy trốn. Đan Phúc truyền lệnh không đuổi theo, thu quân về.


Tào Nhân bị thua trận ấy, mới tin lời Lý Điển, bèn cho mời Điển đến bảo rằng:

- Trận mới rồi mà cũng phá được, trong quân Lưu Bị tất có người giỏi.

Lý Điển nói:

- Tôi tuy ở đây nhưng bụng vẫn còn lo Phàn Thành.

Tào Nhân nói:

- Đêm nay ta đến cướp trại; nếu thắng ta sẽ liệu kế khác; nhược bằng thua, bấy giờ ta sẽ rút về Phàn Thành.


Lý Điển nói:

- Không nên, Huyền Đức chắc có phòng bị.

Nhân nói:

- Đa nghi như vậy thì dùng binh thế nào được?


Rồi Nhân không nghe lời Lý Điển, tự dẫn quân đi tiền đội, sai Lý Điển đi hậu ứng, canh hai đêm hôm ấy đến cướp trại Huyền Đức.

Đan Phúc đang ngồi bàn bạc với Huyền Đức ở trong trại, bỗng có cơn gió giật đùng đùng nổi lên. Phúc nói:

- Đêm nay Tào Nhân tất đến cướp trại đây!

Huyền Đức nói:

- Ta lấy gì địch lại?

Đan Phúc nói:

- Tôi đã bố trí cả rồi.

Bèn cắt đặt đâu vào đấy.

Đến canh hai, Tào Nhân kéo đến gần trại, thấy bốn mặt lửa cháy ngùn ngụt.


Nhân biết trong trại có phòng bị, vội vã rút lui.


Triệu Vân đuổi theo. Nhân không kịp thu quân về trại, tất tả chạy về phía bắc sông.


Đến bờ sông, đang hoang mang tìm đò, thì một toán quân kéo đến, tướng đi đầu là Trương Phi.


Tào Nhân liều chết đánh nhau. Lý Điển bảo vệ Tào Nhân xuống được thuyền sang sông. Quân Tào chết đuối quá nửa.


Tào Nhân sang khỏi sông, chạy ngay về Phàn Thành sai người gọi cửa.


Bỗng trên thành một hồi trống nổi rồi một tướng xông ra, thét lớn:

- Phàn Thành vào tay ta đã lâu rồi!

Quân Tào giật mình, nhìn ra thì là Vân Trường.


Tào Nhân rụng rời, quất ngựa chạy. Vân Trường đuổi đánh. Tào Nhân lại thiệt một số quân nữa, vội vã chạy về Hứa Xương.


Dọc đường, Nhân mới được tin Huyền Đức có Đan Phúc làm quân sư, bày mưu đặt kế.

Đây nói Huyền Đức toàn thắng, kéo quân vào Phàn Thành.

Quan huyện lệnh Lưu Bật ra đón, Huyền Đức vào thành, phủ dụ dân chúng xong, Lưu Bật rước về nhà mở tiệc khoản đãi. Bật cũng là tôn thân nhà Hán, quê ở Trường Sa. Trong tiệc Huyền Đức thấy một người đứng hầu, tư thế hiên ngang, liền hỏi Bật:

- Người này là ai?

Bật thưa:

- Đó là Khấu Phong, con họ Khấu ở La Hầu, cháu gọi tôi bằng cậu, vì cha mẹ chết cả, nên đến ở với tôi.


Huyền Đức tỏ vẻ yêu mến, muốn nhận làm con nuôi, Lưu Bật mừng rỡ nhận lời ngay và bảo Khấu Phong ra lạy Huyền Đức làm cha nuôi, đổi tên họ là Lưu Phong.


Huyền Đức dẫn về, sai lạy Vân Trường, Dực Đức làm chú.

Vân Trường cười:

- Anh đã có con rồi, hà tất phải nuôi con nuôi, sau này chắc sinh loạn!

Huyền Đức nói:

- Ta đãi nó như con, tất nó phải thờ ta như cha. Việc gì mà loạn?


Vân Trường tỏ vẻ không bằng lòng. Huyền Đức bàn với Đan Phúc, sai Triệu Vân đem một nghìn quân giữ Phàn Thành, còn mình thì dẫn quân về Tân Dã.


Lại nói Tào Nhân, Lý Điển đang đêm chạy, dọc đường dò hỏi tin tức mới biết Lưu Bị mời được Đan Phúc làm quân sư, bày mưu đặt kế nên mới lợi hại như vậy.


Về đến Hứa Đô, Tào Nhân, Lý Điền vào ra mắt Tào Tháo, khóc lạy xuống đất xin chịu tội và thuật đầu đuôi việc hao binh tổn tướng.


Tháo nói:

- Được thua là chuyện thường của nhà binh, nhưng không biết ai bày mưu cho Lưu Bị?

Tào Nhân nói là mẹo của Đan Phúc. Tháo hỏi:

- Đan Phúc là người thế nào?

Trình Dục nói:

- Người ấy không phải là Đan Phúc. Thuở nhỏ hắn tập múa gươm. Cuối năm Trung Bình (đời vua Linh đế) hắn giết người để báo thù cho kẻ khác, rồi xoã tóc bôi nhọ mặt đi trốn. Bị nha lại tóm được, hắn không nói họ tên, liền bị trói bỏ lên xe, đem đi rong chợ, đánh trống gọi loa cho dân phố nhận mặt. Cũng có người biết, nhưng không ai dám nói. Sau được các bè bạn đánh tháo, cứu thoát hắn ra. Hắn mới thay tên đổi họ, đi lánh nạn, gắng sức học hành, tìm kiếm danh sư khắp nơi. Hắn thường đi lại đàm luận với Tư Mã Huy. Hắn quê ở Dĩnh Châu, tên là Từ Thứ, tự là Nguyên Trực, Đan Phúc chỉ là họ tên giả của hắn thôi.


Tháo lại hỏi:

- Tài của Từ Thứ so với ngươi thế nào?


Dục thưa:

- Người ấy mười phần, Dục không lấy được một.


Tháo nói:

- Đáng tiếc hiền sĩ đều về với Lưu Bị cả; vây cánh y đã thành, biết làm thế nào?

Dục đáp:

- Từ Thứ tuy ở với Lưu Bị, nhưng nếu thừa tướng muốn dùng, gọi về cũng dễ.

Tháo hỏi:

- Làm thế nào dụ hắn về được?

Dục thưa:

- Từ Thứ là người chí hiếu. Bố mất sớm, chỉ còn mẹ già ở nhà. Hiện nay em là Từ Khang đã mất, mẹ già không ai phụng dưỡng, thừa tướng nên sai người lừa mẹ hắn đến Hứa Xương, rồi bắt mụ ấy viết thư gọi con về đây, chắc Từ Thứ thế nào cũng phải nghe theo.


Tháo mừng lắm, sai người cấp tốc đi bắt mẹ Từ Thứ. Chẳng bao lâu, quân bắt được mẹ Từ Thứ dẫn về.


Tháo đối đãi rất tử tế, rồi bảo Từ mẫu rằng:

- Ta được biết Từ Nguyên Trực, con trai bà, là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Nay y ở Tân Dã, giúp tên nghịch thần Lưu Bị, phản bội triều đình. Có khác nào viên ngọc quý rơi trong vũng bùn, thật đáng tiếc! Nay ta muốn nhờ bà viết thư gọi y về Hứa Đô, ta sẽ tâu lên thiên tử, nhất định y sẽ được trọng thưởng.


Rồi sai tả hữu lấy nghiên bút, giấy mực lại, bảo Từ mẫu viết thư.

Từ mẫu hỏi:

- Lưu Bị là người thế nào?

Tháo đáp:

- Là một kẻ hèn mọn ở Bái Quận, mạo xưng là "hoàng thúc”, vốn chẳng có tín nghĩa gì. Có thể nói ngoài vỏ là người quân tử, mà trong ruột là một đứa tiểu nhân.


Từ mẫu đùng đùng nổi giận:

- Ngươi xảo quyệt đến thế là cùng! Từ lâu ta đã biết Huyền Đức là con cháu Trung Sơn Tĩnh vương, cháu chắt Hiếu Cảnh hoáng đế. Ông ấy khiêm tốn, quý trọng hiền sĩ, kính cẩn đãi người, tiếng nhân đức lừng lẫy khắp thiên hạ. Từ già đến trẻ, từ kẻ chăn trâu đến người kiếm củi, ai cũng biết ông là một bậc anh hùng đời nay. Con ta phò tá người ấy, thật là xứng đáng. Còn ngươi, tuy là tướng nhà Hán, nhưng thực là giặc nhà Hán, lại còn dám bảo Huyền Đức là nghịch thần? Ngươi định đẩy con ta bỏ chỗ sáng vào hang tối, há chẳng biết nhục lắm sao?


Nói xong bà cầm ngay nghiên mực đá quẳng vào mặt Tào Tháo.


Tháo giận lắm, thét võ sĩ lôi Từ mẫu ra chém.


Trình Dục vội can rằng:

- Từ mẫu nói xúc phạm đến thừa tướng, là cốt để tìm đường chết. Nếu thừa tướng giết đi, không những mang tiếng bất nghĩa, mà lại đề cao cái đức của Từ mẫu. Mẹ chết rồi, Từ Thứ tất đem hết tài trí ra giúp Lưu Bị để trả thù. Chi bằng không giết, làm cho Từ Thứ thân ở một nơi, lòng nghĩ một nơi, dù có giúp Lưu Bị cũng không tận sức. Hơn nữa, để Từ mẫu sống, Dục sẽ có kế lừa Từ Thứ về đây giúp thừa tướng.


Tháo nghe lời, tha chém Từ mẫu và đem nuôi nấng ở riêng một nhà.


Trình Dục ngày ngày đến thăm hỏi, nói dối là anh em kết nghĩa với Từ Thứ, ân cần phụng dưỡng chẳng khác mẹ đẻ.


Thường thường Dục đem biếu Từ mẫu thứ nọ thứ kia, lại kèm theo danh thiếp, Từ mẫu cũng gửi thiếp đáp lại.


Dục có được bút tích của Từ mẫu, liền đem trình Tào Tháo xem. Tào Tháo mừng lắm.


Dục bắt chước đúng được lối chữ của Từ mẫu, lại mạo luôn cách viết của bà, viết một bức thư giả, sai người tâm phúc đem sang Tân Dã, tìm đến hành dinh Đan Phúc.



Quân sĩ dẫn vào gặp Từ Thứ, Thứ biết tin có thư của mẹ vội gọi vào và hỏi. Người đó thưa:

- Tôi là người hầu ở nhà khách, vâng lời của lão phu nhân, mang trình ngài một phong thư.


Thứ bóc ra xem. Thư rằng:

"Gần đây, em con đã mất, mẹ thành tứ cố vô thân. Đang cơn sầu thảm, không ngờ Tào thừa tướng đánh lừa đưa đến Hứa Xương, nói rằng con theo phản Nguỵ, bắt mẹ giam cầm. May nhờ có bọn Trình Dục, mẹ mới được an toàn. Nếu con về hàng, mẹ sẽ thoát chết. Nhận được thư này, con hãy nhớ ơn đức cù lao, gấp rút tới đây cho toàn đạo hiếu. Rồi dần dà sẽ tính việc về quê cày cấy làm ăn, khỏi mắc tai vạ. Tính mạng mẹ lúc này chẳng khác nghìn cân treo sợi tóc, chỉ mong chờ cứu viện. Thư chẳng hết lời”.


Từ Thứ xem xong, nước mắt chứa chan, đem thư vào yết kiến Huyền Đức, nói rằng:

- Tôi vốn người Dĩnh Châu, tên là Từ Thứ, tự Nguyên Trực, vì lánh nạn phải đổi tên là Đan Phúc. Khi trước, nghe thấy Cảnh Thăng chiêu hiền nạp sĩ cũng đã đến gặp, nhưng khi bàn việc, mới biết hắn là đồ vô dụng, nên viết thư từ biệt. Đêm nọ, đến chơi nhà ông Thuỷ Kính, có kể lại chuyện ấy; Thuỷ Kính trách tôi là người không biết chủ, và nói có Lưu Dự Châu ở đây, sao không đi theo. Bởi thế, tôi mới đi hát rong ở chợ để động đến tai sứ quân, nay được sứ quân tin dùng. Không ngờ lão mẫu bị Tào Tháo bày mưu lừa đến Hứa Xương sắp đem sát hại. Mẹ tôi có viết thư lại gọi, tôi không thể không về. Không phải tôi không muốn đem tài khuyển mã để báo đáp sứ quân, nhưng vì thân mẫu bị bắt, không thể làm sao được. Nay xin từ biệt và mong có cơ hội gặp sứ quân sau.



Huyền Đức nghe nói, khóc rống lên:

- Tình nghĩa mẹ con là tính trời, Nguyên Trực đừng có nghĩ ngợi gì đến Bị nữa. Đợi sau khi gặp lão phu nhân rồi, có thể Bị lại được nghe lời chỉ bảo.


Từ Thứ lạy tạ muốn đi ngay. Huyền Đức nói:

- Xin hãy sum vầy một đêm, mai sẽ đi sớm.

Tôn Càn mật bảo Huyền Đức:

- Nguyên Trực là kỳ tài thiên hạ, lại ở Tân Dã đã lâu, tình hình quân ta thế nào đều biết rõ cả. Nay nếu hắn về với Tào Tháo tất nhiên được trọng dụng, nguy cho ta lắm. Chúa công phải cố lưu lại đừng cho đi. Tào Tháo thấy hắn không đến tất đem giết mẹ hắn. Hắn biết mẹ chết, chắc phải báo thù, sẽ cố sức đánh Tào Tháo.


Huyền Đức nói:

- Không được. Mượn tay người khác giết mẹ người ta để ta dùng con là bất nhân; giữ người ta lại không cho đi để cắt đứt cái đạo mẹ con là bất nghĩa. Ta thà chết chứ không khi nào làm những việc bất nhân bất nghĩa.

Tôn Càn cảm thấy xấu hổ bèn lui ra.


Huyền Đức mời Thứ uống rượu, Thứ nói:

- Nay mẹ tôi còn ở trong ngục, dù nước vàng rượu ngọc cũng không sao trôi vào cổ họng được.


Huyền Đức nói:

- Bị thấy ông sắp đi, như mất cả tay phải tay trái, dù gan rồng tuỷ phượng, ăn cũng không ngon.

Hai người ngồi nhìn nhau, nước mắt tầm tã, chờ sáng. Các tướng đã bày tiệc tiễn đưa ở ngoài cõi.

Huyền Đức, Từ Thứ cùng lên ngựa, hai ngựa sóng đôi ra ngoài thành.


Đến cuối tràng đình, hai người xuống ngựa từ biệt nhau.


Huyền Đức bưng một chén rượu bảo Từ Thứ rằng:

- Bị nay phận mỏng duyên hèn, không được cùng tiên sinh tụ hội, chúc tiên sinh khéo thờ chủ mới để chóng nên công danh.

Từ Thứ khóc, nói:

- Tôi tài nhỏ trí mọn, đội ơn sứ quân trọng dụng, nay chẳng may nửa đường phải từ biệt, chỉ vì mẹ già mà thôi. Dù Tào Tháo có ép nài tôi cũng thề trọn đời không bày một mưu kế gì cho y cả.

Huyền Đức đáp:

- Tiên sinh ra đi. Bị này cũng sẽ liệu đường tránh ẩn vào nơi rừng rú.

Thứ nói:

- Tôi sở dĩ muốn cùng sứ quân mưu đồ nghiệp vương bá, là nhờ ở tấm lòng này. Nay vì việc mẹ già, lòng tôi bối rối, dù cố gắng ở lại, cũng vô ích. Sứ quân nên cầu người hiền khác cũng toan nghiệp lớn, việc gì mà đã vội ngã lòng.

Huyền Đức thở dài nói:

- Cao hiền trong thiên hạ, còn có ai hơn tiên sinh!

Từ Thứ nói:

- Tôi tài trí tầm thường, không dám nhận lời khen ấy.


Lúc sắp đi, Từ Thứ ngoảnh lại nói với các tướng:

- Xin các ông hết lòng thờ sứ quân để tên tuổi ghi vào tre lụa[1], sự nghiệp nêu trong sử xanh, đừng có như Thứ này là người hữu thuỷ vô chung.

Các tướng ai cũng thương cảm.

Huyền Đức không nỡ chia tay, tiễn hết cung đường này đến cung đường khác.


Từ Thứ nói:

- Không dám phiền sứ quân đi tiễn xa quá. Đến đây, Thứ xin cáo biệt.

Huyền Đức ngồi trên ngựa, cầm tay Từ Thứ nói:

- Tiên sinh chuyến này đi, mỗi người một phương trời, biết ngày nào lại được gặp nhau?

Nói xong, nước mắt tuôn xuống như mưa. Thứ cũng khóc rồi cáo biệt.


Huyền Đức dừng ngựa bên rừng, trông theo Từ Thứ và bọn tuỳ tùng vội vã kéo đi, khóc mà nói:

- Nguyên Trực đi rồi, ta làm thế nào bây giờ?

Huyền Đức gạt nước mắt trông theo, lại bị rặng cây trước mặt che khuất bèn lấy roi trỏ vào rừng, nói:

- Ta muốn chặt hết cây cối chỗ này đi!

Các tướng hỏi vì cớ gì? Huyền Đức nói:

- Cánh rừng này che khuất Nguyên Trực của ta.


Huyền Đức đang trông theo, chợt thấy Từ Thứ cưỡi ngựa quay lại.


Huyền Đức mừng rỡ, nghĩ thầm:

- Nguyên Trực quay lại, có lẽ không muốn đi chăng?

Liền hớn hở tế ngựa lên trước đón hỏi:

- Tiên sinh trở lại, hẳn là không định đi nữa?


Thứ ghìm ngựa nói với Huyền Đức:

- Lúc tôi ra đi, ruột rối bời bời, quên bẵng đi một việc: Trong vùng này có một bậc kỳ tài ở tại Long Trung, cách Tương Dương hai mươi dặm, sứ quân nên đến mà tìm.

Huyền Đức nói:

- Dám phiền Nguyên Trực mời giúp người đó ra cho Bị.


Thứ nói:

- Người đó không thể gọi ra được, sứ quân phải thân đến mà mời. Nếu được người đó, không khác gì nhà Chu được Lã Vọng[2] nhà Hán được Trương Lương[3].

Huyền Đức lại hỏi:

- Tài đức người đó so với tiên sinh thế nào?

Thứ đáp:

- Tôi mà so với người đó, khác nào ngựa hèn sánh với kỳ lân, quạ đen sánh với phượng hoàng. Người đó thường ví mình với Quản Trọng[4], Nhạc Nghị[5]. Cứ như ý tôi, Quản, Nhạc còn kém xa. Người đó có tài ngang trời dọc đất, thiên hạ chắc chỉ có một không hai.

Lưu Bị mừng, hỏi:

- Xin cho biết tên họ người đó?


Thứ đáp:

- Người ấy quê ở Dương Đô, quận Lang Nha, họ Gia Cát tên Lượng, tự Khổng Minh; vốn là dòng dõi nhà quan Tư lệ hiệu uý Gia Cát Phong ngày xưa. Cha tên là Khuê, tự là Tử Cống, nguyên làm quận thừa ở Thái Sơn, mất sớm. Lượng theo chú là Huyền, Huyền cùng với Lưu Biểu quen biết nhau, nên đến nương tựa, rồi dựng nhà ở Tương Dương. Đến khi Huyền mất, Lượng mới cùng em là Gia Cát Quân ra cày cấy, làm ăn ở Nam Dương, thường hay ngâm bài "Lương phủ ngâm” (Nhạc phủ). Chỗ ở có trái núi Ngoạ Long Cương, nhân thế tự gọi là Ngoạ Long tiên sinh. Người đó là bậc kỳ tài đệ nhất đời nay. Sứ quân phải chịu hạ mình đến đó mà gặp. Nếu được ngưòi ấy giúp cho thì lo gì việc thiên hạ không định xong!

Huyền Đức nói:

- Ngày trước, Thuỷ Kính tiên sinh đã nói với Bị rằng: "Phục Long, Phượng Sồ chỉ cần được một trong hai người cũng đủ định thiên hạ”. Nay theo lời ông có phải người ấy là Phục Long hay Phượng Sồ không?

Thứ nói:

- Phượng Sồ là Bàng Thống ở Tương Dương, còn Phục Long chính là Gia Cát Khổng Minh đó.

Huyền Đức mừng cuống lên, nói:

- Hôm nay mới hiểu được tiếng Phục Long, Phượng Sồ. Ngờ đâu đại hiền ở ngay trước mắt, nếu tiên sinh không nói thì Bị có mắt cũng như mù.

Người đời sau có thơ khen Từ Thứ ruổi ngựa tiến Gia Cát.

Thơ rằng:

Rất tiếc cao hiền không tái ngộ
Trên đường từ biệt lệ tuôn đầy…
Một lời như sấm mùa xuân dậy
Thúc giục rồng nằm cất cánh bay.

Từ Thứ tiến cử Khổng Minh, rồi từ biệt Huyền Đức quay ngựa đi.


Huyền Đức nghe theo Từ Thứ nói mới hiểu những lời của Tư Mã Đức Tháo, lúc ấy như tỉnh được giấc ngủ mê, giải được cơn say rượu. Về đến nhà vội vàng sắm lễ vật rất hậu, cùng Quan, Trương đến Nam Dương mời Khổng Minh.

Lại nói Từ Thứ từ biệt Huyền Đức, cảm tình lưu luyến, lại sợ Khổng Minh không chịu ra giúp, nên đi thẳng đến Ngoạ Long Cương, vào lều tranh gặp Khổng Minh.



Khổng Minh hỏi đến làm gì. Thứ nói:

- Thứ muốn hết lòng thờ Lưu Dự Châu, chẳng may, mẹ già bị Tào Tháo bắt giam, đưa thư đến gọi, nên phải bỏ mà đi. Lúc chia tay, tôi có tiến cử tiên sinh. Thế nào nay mai Huyền Đức cũng đến đây yết kiến, mong tiên sinh đừng từ chối, hãy trổ hết đại tài ra giúp Huyền Đức, Thứ cũng được cảm tạ muôn phần.

Khổng Minh nghe nói, ra vẻ giận, nói:

- Thế ra ngươi coi ta như là vật dùng để cúng tế có phải không?


Nói xong, rũ vạt áo đi vào.

Từ Thứ bẽn lẽn đi ra, lên ngựa ruổi thẳng đến Hứa Xương gặp mẹ.


Một lời dặn bạn, vì yêu chủ
Ngàn dặm thăm nhà, bởi nhớ thân.

Chưa biết việc sau thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Từ Thứ


Quan Vũ

 
Khổng Minh là người tài giỏi nhất đời Tam Quốc. Độc giả hẳn muốn biết những việc về Khổng Minh lắm. Thế mà đọc suốt ba mươi lăm hồi trên, vẫn chưa thấy Khổng Minh xuất hiện, khiến độc giả phải nóng lòng thay! Rồi khi Thủy Kính đả động đến hai tiếng “Phục Long”, vẫn chưa chịu nói rõ tên họ, chúng ta càng nóng ruột hơn. Cho đến hồi này, sau khi Từ Thứ ra đi, mới quay ngựa trở lại, kể rõ tên họ Gia Cát Lượng tức Khổng Minh. Độc giả lại muốn xem ngay đến cảnh Huyền Đức gặp Khổng Minh. Nào ngờ mới có Từ Thứ đến gặp mà Khổng Minh đã biến sắc mặt nổi giận, thì e rằng khó mà cầu được Khổng Minh. Kể chuyện như thế khác nào tả cảnh non tiên giữa biển cả, đang sắp tới gần, bỗng lại thấy xa tít. Đọc nối văn ký sự này, thật hấp dẫn vô cùng.

Hồi này chỉ kể việc Đan Phúc dụng binh bằng vài nét bút mà cũng tả đủ mọi tài: tài liệu địch, phá trận, chiếm thành… được tả sơ lược qua một đoạn. Về sau này sẽ thấy Khổng Minh có vô số thần cơ diệu toán, cho nên Đan Phúc xuất hiện trước với một số tài thao lược vừa phải để dẫn đường. Đó cũng giống như trước khi xem một vở tuồng dài đặc sắc, khán giả hãy được coi trước một kịch ngắn mở đầu vậy.

Hồi này lấy nhân vật Khổng Minh làm “chủ”, Đan Phúc chỉ là “khách”. Mà đến Bàng Thống cũng là khách nữa vậy. Thủy Kính tiến một lúc hai người: “Phục Long, Phượng Sồ” mà Đan Phúc chuyển ra tiến có một Phục Long, chỉ nhân nói về Khổng Minh mà nhắc qua về Phượng Sồ. Về Khổng Minh thì kể lai lịch rõ rệt, về Bàng Thống, chỉ kể qua một lời. Như thế tức là văn tự sự có phân biệt “chủ, khách” phân minh vậy. Đã lấy chủ làm trọng, thì phải lấy khách làm nhẹ. Cho nên Huyền Đức dù đã biết Đan Phúc chính là Từ Nguyên Trực, vẫn không nhắc lại những lời nghe lọt trong cái đêm nghỉ ở trang viện Thủy Kính. Dù đã biết Phượng Sồ chính là Bàng Thống, vẫn không nhắc lại lời nói đã từ miệng đứa mục đồng thốt ra. Đó có lẽ không phải Huyền Đức vì quên không nói, mà chính tác giả không muốn ghi rõ ra đây. Tóm lại, đã chú ý vào “chính bút” thì những “bàng bút” phải được tỉnh lược đi vậy.

Bàng Thống có một người chú, Khổng Minh cũng có chú. Từ Thứ có em trai, Khổng Minh cũng có em trai. Ông chú của Thống kết bạn với Thủy Kính. Ông chú Khổng Minh là bạn của Lưu Biểu. Từ Thứ còn mẹ, nhưng em đã chết. Khổng Minh còn mẹ, nhưng cha đã chết. Lai lịch Bàng Thống do miệng đồng tử nói ra. Lai lịch Từ Thứ do miệng Trình Dục kể lại, Lai lịch Khổng Minh do miệng Từ Thứ kể ra. Nói đến Bàng Thống chỉ nói đến người chú. Kể chuyện Từ Thứ chỉ nhắc đến bà mẹ và người em. Còn kể chuyện Khổng Minh thì không những nói đến em, đến chú, mà còn nhắc đến người cha, và kể đến tổ tiên nữa. Hoặc trước, hoặc sau, hoặc kể sơ lược hoặc kể tường tận… chỗ nào ra chỗ ấy, thật là khéo vậy.

Tào Tháo thả cho Quan Công ra đi để toàn nghĩa anh em. Huyền Đức không giữ Từ Thứ, để Thứ toàn nghĩa mẹ con. Tâm sự hai người có giống nhau không? Thưa rằng không. Tào Tháo đối với Quan Công bề ngoài thả cho đi mà trong lòng ngầm giữ lại, cho đến khi ngăn cản không nổi, mới sai sứ đem công văn đi tiễn. Đến như Huyền Đức tiễn đưa Từ Thứ thì chỉ một mực đưa đi, dù tiếc tài cũng không tìm cách cản trở gì hết. Vả lại trong thâm tâm, Tháo cố ý cho Viên Thiệu giết Huyền Đức. Trái lại Huyền Đức thì chỉ sợ Tháo giết mất Từ mẫu. Một bên xảo quyệt gian hùng, một bên thành thực nhân nghĩa, khác nhau một trời một vực vậy.

Xem cái đoạn Huyền Đức chia tay cùng Từ Thứ ở trạm trường đình, quả là cảm động lâm ly. Chẳng khác gì cảnh huống người ngàn xưa: “Dương Quan đứt ruột, khuất bóng người đi, dừng chân ứa lệ…”. Đọc đoạn ấy cũng như đọc hàng chục bài Đường thi “tống biệt” khiến người ta ứa lệ cảm thương. Rồi thốt nhiên một lời tiến cử Ngọa Long tiên sinh khiến Huyền Đức gạt lệ hân hoan, đổi sầu làm tươi! Chỉ trong một hồi, qua một vài đoạn văn, mà đủ cả ai, lạc thật là kỳ sự, kỳ văn vậy.

Cao Tiệm Ly lấy cây đàn trúc đánh bạo chúa Tần Thủy Hoàng, thì Tần Hoàng giết Tiệm Ly. Mẹ Từ Thứ lấy nghiên mực đá đập mặt Tào Tháo mà Tháo không dám giết bà, thì cái uy của Từ mẫu còn lớn hơn Cao Tiệm Ly vậy! Trương Lương đánh Tần Hoàng không trúng, và không bị bắt vì Lương thuê người vác trùy đập giùm. Từ mẫu đập không trúng mặt Tháo, thì bị bắt, vì tự tay mình đập. Thế thì gan mật bà to lớn hơn Trương Lương nhiều. Ai ngờ có bậc “kỳ phu nhân” hơn cả “kỳ nam tử” như thế! Người như Từ mẫu không những hiếm thấy trong các “Liệt nữ truyện” mà ngay trong các “Hào sĩ truyện” cũng hiếm thấy ai được đến thế!

Thái Mạo làm giả thơ Huyền Đức, thì Lưu Biểu không tin. Trình Dục giả thư Từ mẫu thì Từ Thứ lại tưởng thật! Há phải Thứ không tinh bằng Biểu? Chỉ vì tình mẹ con quá thiết tha nên Thứ mắc lừa vậy. Lòng thư thái thì dễ xét đoán. Ruột rối lòng lo thì khó tìm xét tỉ mỉ cho ra. Nếu Thứ dùng dằng chầm chậm, không hối hả chạy về với mẹ ngay, thì Thứ chưa phải là con chí hiếu. Cho nên bậc quân tử không chê Từ Thứ về điểm sơ sót hấp tấp này.
CHÚ THÍCH
1. Đời xưa chưa có giấy, thường ghi tên tuổi những người có công đức vào mảnh tre hay vuông lụa.
2. Lã Vọng: tướng tài thời Tây Chu, giúp Chu Vũ vương diệt nhà Thương.
3. Trương Lương: mưu sĩ nhà Hán.
4. Quản Trọng: nhà chính trị nước Tề, thời Xuân thu.
5. Nhạc Nghị: thượng tướng quân nước Yên, thời Chiến quốc.
 
Hồi 35
Đầu trang
Hồi 37
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại