Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 49
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Lăng Thống & Đinh Phụng
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 49
Đàn Thất tinh, Gia Cát cầu phong;
Cửa Tam Giang, Chu Du phóng hỏa.
 

Lại nói Chu Du đứng trên đỉnh núi, quan sát hồi lâu, bỗng nhiên ngã vật về phía sau, miệng thổ máu tươi, bất tỉnh nhân sự. Tả hữu vực vào trướng, các tướng đến thăm; ai nấy đều ngơ ngác nhìn nhau, nói:

- Quân Tào hàng trăm vạn, khác nào hổ rình kình đớp. Không may, đô đốc bị tai nạn thế này, nếu quân Tào kéo đến, thì làm thế nào?

Lập tức một mặt sai người về báo với Ngô hầu; một mặt tìm thấy thuốc điều trị.


Lỗ Túc thấy Chu Du nằm một chỗ, trong lòng buồn bã, đến chơi Khổng Minh, thuật chuyện Chu Du bị bệnh bất ngờ.

Khổng Minh nói:

- Theo ý ông thì ra làm sao?

Túc nói:

- Đó cũng là phúc Tào Tháo mà vạ Đông Ngô thôi!

Khổng Minh cười, nói:

- Bệnh Công Cẩn, tôi có thể chữa được.

Túc nói:

- Nếu được như thế, thì may cho Đông Ngô quá!


Liền mời Khổng Minh cùng đến thăm Chu Du.

Lỗ Túc vào trước ra mắt Chu Du, thấy Du trùm chăn kín đầu. Túc hỏi:

- Bệnh tình đô đốc ra sao?

Du nói:

- Ruột gan đau quặn, thỉnh thoảng lại mê mẩn.

Túc hỏi:

- Đô đốc đã dùng thuốc gì rồi?

Du nói:

- Uống vào lại nôn oẹ ra, không thuốc nào chịu.

Túc nói:

- Tôi vừa đến chơi Khổng Minh, Khổng Minh nói có thể chữa được bệnh đô đốc. Ông ta đang ở ngoài trướng, xin cho mời vào khám chữa!

Du sai mời vào, rồi bảo tả hữu đỡ dậy ngồi trên giường.

Khổng Minh nói:

- Mấy bữa nay không đến hầu, ngờ đâu ngọc thể bất an!

Du nói:

- Người ta hoạ phúc sớm tối khôn lường, biết đâu mà giữ cho xuể!


Khổng Minh cười, nói:

- Trời kia gió mưa bất thường, người ta có liệu trước được không?

Du nghe nói tái mặt đi, rên khừ khừ.

Khổng Minh hỏi:

- Trong bụng đô đốc, nghe như hơi đầy có phải không?


Du đáp:

- Phải.

Khổng Minh nói:

- Nên uống những vị thuốc mát mới được.

Du nói:

- Tôi đã uống nhưng đều vô hiệu.

Khổng Minh nói:

- Trước hết phải chữa cái khí, nếu khí thuận, thì thở hít cũng dễ, rồi tự nhiên sẽ khỏi bệnh.

Du tin chắc Khổng Minh hiểu được ý mình, liền hỏi thử rằng:

- Muốn cho thuận được khí, nên uống thuốc gì?

Khổng Minh cười, nói:

- Tôi có một phương thuốc, làm cho đô đốc thuận được khí.

Du hỏi:

- Phương thuốc gì, xin tiên sinh cho biết?

Khổng Minh mượn giấy bút, bảo tả hữu lui ra ngoài rồi viết mười sáu chữ như sau:

"Muốn đánh Tào công

Phải dùng hoả công

Muôn việc đủ cả

Chỉ thiếu gió đông”.

Viết xong, đưa cho Chu Du và nói:

- Căn bệnh của đô đốc ở đây!


Du xem xong giật mình, nghĩ rằng:

- Khổng Minh thật là thần thánh, biết hết cả ruột gan ta! Cần phải nói rõ sự thật mới xong!


Rồi cười, nói với Khổng Minh:

- Tiên sinh đã biết gốc bệnh của tôi, vậy phải dùng thuốc gì trị được? Việc gấp đến nơi rồi, xin dạy cho.

Khổng Minh nói:

- Tôi tuy rằng bất tài, nhưng có gặp được một dị nhân truyền cho quyển "Kỳ môn độn giáp thiên thư” có thể gọi được gió, bảo được mưa. Đô đốc muốn cần đến gió đông nam, thì phải lập đàn tại núi Nam Bình, gọi là đàn Thất tinh, bề cao chín thước, chia làm ba tầng, dùng một trăm hai chục người cầm cờ đứng xung quanh. Tôi xin lên đàn, dùng phép, mượn gió đông nam thật to ba ngày ba đêm để đô đốc dùng binh. Đô đốc nghĩ thế nào?

Du nói:

- Chẳng cần đến ba ngày ba đêm, chỉ một đêm gió to là xong việc. Nhưng xin tiên sinh phải làm ngay cho, chớ để chậm chạp.


Khổng Minh nói:

- Ngày 20 tháng 11 là ngày giáp tý, bắt đầu tế gió, đến ngày 22 là ngày bính dần thì gió im, có được không?

Du nghe nói mừng lắm, đứng choàng dậy, lập tức sai quân đến núi Nam Bình đắp đàn, và điều một trăm hai mươi tên lính cầm cờ giữ đàn, sẵn sàng nghe lệnh.


Khổng Minh từ biệt Chu Du, cùng với Lỗ Túc lên ngựa đến núi Nam Bình, xem xét địa thế. Rồi sai quân sĩ lấy đất đỏ ở phương đông nam đắp đàn, chu vi rộng 24 trượng mỗi tầng cao ba thước, cả thảy là chín thước.

Tầng dưới cắm 28 lá cờ sao.

Phương đông 7 lá cờ xanh, theo hình chòm sao Thanh long là: giốc, cang, đê, phòng, tâm, vĩ, cơ. Phương bắc 7 lá cờ đen, theo hình chòm sao Huyền vũ là: đẩu, ngưu, nữ, hư nguy, thất, bích. Phương tây 7 lá cờ trắng, theo hình chòm sao Bạch hổ là: khuê, lâu, vị, mão, tất, thuỷ, sâm. Phương nam 7 lá cờ đỏ, theo hình chòm sao Chu tước là: tỉnh, quỷ, liễu, tính, trương, dực, chẩn.

Tầng thứ hai 64 lá cờ cắm xung quanh, theo phương vị 64 quẻ, đứng dàn ra tám mặt.

Tầng trên nữa dùng bốn người; người nào cũng phải đội mũ bịt tóc, mặc áo the thâm, áo dài đai rộng, giày đỏ quần vuông. Mé trước, một người đứng bên tả, cầm cái cần dài, trên đầu cầm cắm lông gà, để chiêu gió; một người đứng bên hữu cũng cầm cái cần dài, trên đầu cần buộc cờ hiệu thất tinh, để khiến chiều gió. Mé sau, một người bên tả cắp thanh bảo kiếm, một người bên hữu bưng cái lư hương. Ở dưới chân đàn lại có 24 người vác cờ xí và khí giới đứng quanh bốn phía.


Đến ngày 20 giáp tý, tháng 11, giờ tốt, Khổng Minh tắm gội sạch sẽ, mặc áo phù thuỷ, xoã tóc đi chân không đến trước đàn, dặn Lỗ Túc:

- Ông về giúp Chu Du điều quân, nếu tôi cầu không được gió cũng đừng nên trách.

Lỗ Túc từ biệt ra về. Khổng Minh dặn các tướng sĩ coi đàn:

- Không ai được tự tiện bỏ chỗ đứng mà đi chỗ khác; không ai được quay đầu ghé tai, nói năng bậy bạ; không ai được thất kinh sợ hãi. Ai trái lệnh sẽ bị chém đầu!

Chúng đều tuân lệnh răm rắp:

Khổng Minh khoan thai bước lên đàn, quan sát phương hướng đâu đấy, đốt hương rót nước, ngẩng mặt lên trời khấn thầm một hồi, rồi xuống đàn vào trướng nghỉ. Lại truyền cho quân sĩ thay đổi nhau ăn uống.

Mỗi ngày Khổng Minh lên đàn ba lần, xuống đàn ba lần, mà mãi vẫn không thấy có gió đông nam.


Đây nói Chu Du mời Trình Phổ, Lỗ Túc và các tướng chực sẵn dưới trướng, chỉ đợi có gió đông nam là cất quân đi. Một mặt báo tin cho Tôn Quyền để tiếp ứng. Hoàng Cái đã dự sẵn hai chục chiếc hoả thuyền, mũi thuyền cắm chông sắt, trong thuyền chứa đầy lau sậy, củi khô tẩm dầu mỡ, trên rắc lưu hoàng, diêm tiêu, dùng vải xanh che kín. Trên mũi thuyền cắm cờ xanh, đuôi thuyền đóng sẵn một cái xuồng dự bị, sẵn sàng đợi lệnh Chu Du.

Cam Ninh, Hám Trạch kèm riết Sái Trung, Sái Hoà trong thuỷ trại, ngày nào cũng uống rượu, không cho một tên lính nào lên đến bờ; xung quanh toàn là quân mã Đông Ngô bao vây chặt chẽ, chờ lệnh cấp trên.

Chu Du đang ngồi bàn việc trong trướng, có thám tử vào báo rằng:

- Thuyền của Ngô hầu đã bỏ neo cách trại tám mươi lăm dặm, chỉ đợi tin lành của đô đốc.


Du liền sai Lỗ Túc truyền báo cho quan quân, tướng sĩ: ai nấy đều phải thu xếp thuyền bè, khí giới cho đủ; khi nào có lệnh xuống, không được chậm chạp một phút nào, nếu ai lầm lỡ, lập tức chiếu quân pháp trị tội. Các tướng được lệnh ấy, ai nấy khoa chân múa tay, sẵn sàng chiến đấu.

Hôm ấy, trời gần tối, bầu trời sáng sủa, không phe phẩy một tí gió nào.


Du nói với Lỗ Túc:

- Khổng Minh nói sai rồi, trời đông tháng rét thế này, làm gì có được gió đông nam?

Túc nói:

- Tôi chắc Khổng Minh không phải là người nói bậy.


Gần đến canh ba, bỗng nhiên nghe thấy tiếng gió thổi, cờ quạt tung bay. Du ra trướng xem, thấy đuôi cờ bay về phía tây bắc. Một lát, gió đông nam nổi lên ầm ầm, Du giật mình nói:

- Người này có phép đoạt được trời đất, có thuật tài hơn quỷ thần. Nếu để sống thì thế nào cũng gây vạ lớn cho Đông Ngô, chi bằng giết trước để khỏi lo về sau.

Nói rồi, lập tức gọi hai tướng bộ quân đô uý là Đinh Phụng, Từ Thịnh, đến bảo rằng:

- Hai người dẫn một trăm quân, Từ Thịnh đi đường thuỷ, Đinh Phụng đi đường bộ, cùng đến cả đàn Thất tinh ở núi Nam Bình, không hỏi han chi cả, cứ việc chặt phăng ngay đầu Gia Cát Lượng, đem về đây lấy thưởng.


Hai tướng lĩnh mệnh. Từ Thịnh dẫn một trăm tay đao phủ, nhổ thuyền đi trước, Đinh Phụng dẫn một trăm tay cung nỏ lên ngựa đi sau, đến cả núi Nam Bình. Dọc đường thấy gió đông nam đang nổi to lắm.

Người đời sau có thơ rằng:

Xoã tóc lên đàn khấn gió đông.
Gió đâu phút chốc nổi đùng đùng,
Ví không Gia Cát dùng mưu lạ,
Công Cẩn khôn ngoan luống uổng công?

Quân mã Đinh Phụng đến trước; trông lên thấy tướng sĩ đang cầm cờ đứng đón gió trên đàn. Phụng xuống ngựa, cắp gươm lên đàn, không thấy Khổng Minh đâu, đâm hoảng, hỏi các tướng sĩ ở đó, thì họ nói Khổng Minh vừa xuống đàn đi rồi.


Phụng vội vàng xuống đàn đi tìm thì thuyền Từ Thịnh cũng vừa đến. Hai người tụ ở bờ sông. Tiểu tốt báo rằng chiều hôm qua, có một chiếc thuyền đỗ ở bến trước mặt và mới rồi thấy Khổng Minh xoã tóc xuống thuyền, thuyền ấy vừa ngược sông.


Hai tướng lập tức chia làm hai đường thuỷ lục đuổi theo.


Từ Thịnh sai kéo căng buồm, lướt nhanh như gió. Đuổi cách thuyền trước không xa mấy, Thịnh đứng trên mũi thuyền gọi to lên rằng:

- Quân sư đừng đi vội, đô đốc tôi có lời mời!


Khổng Minh đứng ở sau thuyền cười ha hả nói:

- Ông hãy về bẩm với đô đốc dùng binh cho khéo, Lượng tôi tạm về Hạ Khẩu, khi khác sẽ xin đến hầu.

Từ Thịnh nói:

- Xin hãy dừng thuyền một chút, có việc khẩn cấp muốn nói.

Khổng Minh nói:

- Ta đã biết đô đốc chẳng dung, thể nào cũng sai giết ta, nên đã dặn trước Tử Long đến đón, tướng quân không cần phải đuổi theo nữa!


Từ Thịnh thấy thuyền Khổng Minh không có buồm nên cố sức đuổi theo; khi đuổi gần kịp, thấy Triệu Tử Long giương cung đặt tên, đứng ở lái thuyền, gọi to lên rằng:

- Ta là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây! Ta phụng mệnh đến đón quân sư, sao ngươi dám đuổi theo? Đáng lẽ ta cho một phát tên kết liễu đời người mới phải, nhưng e mất tình hoà khí giữa hai nhà. Song cũng phải cho ngươi biết tay ta mới được!


Nói đoạn bắn một phát, đứt phăng dây cột buồm ở thuyền Từ Thịnh; cánh buồm rơi xuống sông, thuyền quay ngang ngay ra.


Triệu Tử Long liền sai giương buồm theo chiều gió mà đi, thuyền bay vùn vụt như tên, đuổi cũng không kịp.


Đinh Phụng ở trên bờ, gọi Từ Thịnh ghé thuyền vào, bảo rằng:

- Gia Cát Lượng mưu thần tài thánh, không ai bì được. Lại có Triệu Vân, sức địch muôn người. Ngươi có biết trận đánh ở Đương Dương, Trường Bản không? Chúng mình chỉ việc quay về báo là hơn cả.

Hai tướng bèn về ra mắt Chu Du, thuật lại việc Khổng Minh đã hẹn trước Triệu Vân sang đón. Chu Du giật mình nói:

- Người này đa mưu quá, làm cho ta chẳng yên tâm chút nào.

Lỗ Túc nói:

- Hãy để phá xong Tào Tháo, rồi ta sẽ liệu.


Du đồng ý, đòi các tướng đến nghe lệnh. Trước hết, sai Cam Ninh đem Sái Trung và hàng binh đi men theo bờ phía nam, mang toàn cờ hiệu, đến thẳng rừng Ô Lâm là kho lương của Tào Tháo, kéo sâu vào đến nơi, đốt lửa lên làm hiệu. Chỉ để một mình Sái Hoà ở lại trong trại, có việc dùng đến.


Thứ nhì, gọi Thái Sử Từ vào dặn:

- Ngươi lĩnh ba nghìn quân, đến thẳng địa giới Hoàng Châu, chặn đường quân Tào ở Hợp Phì đến tiếp ứng. Lúc nào giáp chiến quân Tào thì đốt lửa làm hiệu; trông thấy cờ đỏ tức là quân tiếp ứng của Ngô hầu tới. Hai đội này đi xa hơn cả, phải đi trước.

Thứ ba, gọi đến Lã Mông, lĩnh ba nghìn quân đi ra rừng Ô Lâm để tiếp ứng Cam Ninh, đốt trại Tào Tháo.

Thứ tư, sai Lăng Thống lĩnh ba nghìn quân, chặn ngang biên giới Di Lăng, hễ thấy Ô Lâm nổi lửa, thì dẫn quân đến tiếp ứng.

Thứ năm, gọi Đổng Tập lĩnh ba nghìn quân đến thẳng Hán Dương theo đường Hán Xuyên đánh vào trại Tào Tháo, hễ nhìn thấy cờ trắng, kéo ra Hán Dương tiếp ứng Đổng Tập.

Sáu đội chiến thuyền chia đường cùng tiến.

Lại sai Hoàng Cái chuẩn bị hoả thuyền chất đầy cỏ lau, củi khô, tưới sẵn dầu, trên phủ lưu huỳnh rồi lấy vải xanh che lại, một mặt cho quân mang thư hẹn với Tào Tháo đêm nay đến hàng; một mặt điều bốn đội thuyền đi theo Hoàng Cái để tiếp ứng.



Đội nhất là Hàn Đương, đội nhì là Chu Thái, đội ba là Tưởng Khâm, đội tư là Trần Vũ. Mỗi đội mang ba trăm chiếc thuyền, hai chục chiếc hoả thuyền đi hàng đầu. Chu Du cùng với Trình Phổ ngồi trên chiếc thuyền to đốc chiến; Từ Thịnh, Đình Phụng làm tả hữu hộ vệ. Còn Lỗ Túc, Hám Trạch và bọn mưu sĩ ở nhà giữ trại. Trình Phổ thấy Chu Du có tài điều khiển quân sĩ rất lấy làm kính phục.

Lại nói, Tôn Quyền sai sứ mang ấn tín đến báo Chu Du là đã cử Lục Tốn làm tiên phong, tiến thẳng ra Kỳ Hoàng, Ngô hầu tự đem quân làm tiếp ứng. Du lại sai người đốt hoả pháo ở núi Tây Sơn, và phất cờ hiệu ở núi Nam Bình. Đâu đấy chuẩn bị đầy đủ, chỉ đợi đến chập tối là khởi sự.

Nói về Lưu Huyền Đức ở Hạ Khẩu, đương chờ Khổng Minh về, chợt thấy một đội thuyền kéo đến, là thuyền Lưu Kỳ lại thăm dò tình hình. Huyền Đức mời ngồi trên lầu và nói:

- Gió Đông Nam nổi đã lâu, mà Tử Long đi đón Khổng Minh vẫn chưa thấy về, tôi rất lo ngại.

Quân sĩ chỉ đằng xa về phía Phàn Khẩu nói:

- Chiếc thuyền buồm căng gió tiến lại kia, chắc là thuyền quân sư rồi!

Huyền Đức, Lưu Kỳ vội vàng xuống đón. Phút chốc thuyền ghé vào bờ. Khổng Minh và Tử Long bước lên. Huyền Đức mừng rỡ, hỏi han trò chuyện, Khổng Minh nói:

- Các việc khác xin hãy để thư thả; khi trước, tôi có hẹn quân mã và chiến thuyền, đã thu xếp xong chưa?

Huyền Đức nói:

- Xong đã lâu, chỉ đợi quân sư về cắt đặt.


Khổng Minh cùng với Huyền Đức, Lưu Kỳ lên trướng ngồi, rồi bảo Tử Long:

- Tử Long đem ba nghìn quân mã sang sông, đi tắt đến đường hẻm Ô Lâm, tìm chỗ nào cây cối rậm rạp mai phục. Cuối canh tư đêm nay, Tào Tháo thế nào cũng chạy qua đường ấy, đợi quân Tào đi được nửa chừng thì đốt lửa lên, đổ ra mà đánh. Tuy không giết được cả, nhưng chắc giết được một nửa.

Vân nói:

- Ô Lâm có hai đường, một đường sang Nam Quận, một đường về Kinh Châu, biết đón ở đường nào?

Khổng Minh nói:

- Nam Quận địa thế hiểm lắm, Tào Tháo không dám qua, tất phải sang Kinh Châu, để kéo về Hứa Đô.

Triệu Vân lĩnh kế đi trước.

Khổng Minh lại gọi Trương Phi đến, bảo rằng:

- Dực Đức lĩnh ba nghìn quân mã sang sông, mai phục trong hang Hồ Lô, Tào Tháo không dám qua nam Di Lăng, tất chạy qua bắc Di Lăng. Ngày mai, lúc tạnh mưa, quân Tào đến đó thổi cơm; hễ thấy có khói thì đốt lửa ở sườn núi rồi đổ ra mà đánh. Tuy không bắt được Tào Tháo, nhưng công của Dực Đức cũng không phải là nhỏ.

Phi lĩnh kế đi ngay.


Lại dặn My Chúc, My Phương, Lưu Phong phải mang thuyền đi quanh sông vây bắt bại quân, tước lấy khí giới. Ba người lĩnh kế tiến quân.

Khổng Minh đứng dậy bảo Lưu Kỳ rằng:

- Một dải Võ Sương vô cùng hiểm yếu, xin công tử dẫn quân về ngay, bố trí ở các cửa bến. Quân Tào thua chạy đến đó, xông ra mà bắt, nhưng chớ nên đi xa thành luỹ của mình.

Lưu Kỳ từ biệt Huyền Đức và Khổng Minh đem quân đi.

Khổng Minh bảo Huyền Đức rằng:

- Chúa công nên đóng quân ở cửa Phàn Khẩu, lên núi cao mà xem Chu Du đêm nay thành công lớn.

Bấy giờ, Vân Trường đứng cạnh, Khổng Minh không đả động gì đến. Vân Trường không sao nhịn được, nói to lên rằng:

- Tôi từ khi theo anh tôi đi đánh dẹp đến nay kể cũng đã lâu, chưa khi nào tôi phải lùi lại sau. Nay gặp trận đánh to thế này, không thấy quân sư hỏi han gì đến là ý làm sao?


Khổng Minh cười, nói:

- Vân Trường đừng trách, tôi muốn nhờ tướng quân giữ cho một chỗ hiểm yếu, nhưng còn hơi ngại một chút, chưa dám phiền đến.

Vân Trường nói:

- Nghi ngại điều gì, xin cho tôi biết?

Khổng Minh nói:

- Khi xưa, Tào Tháo đãi tướng quân hậu lắm, thế nào tướng quân chẳng nhớ ơn. Nay Tào Tháo thua trận, tất chạy qua đường Hoa Dung. Nếu sai túc hạ đi, tất nhiên túc hạ tha cho hắn thoát, bởi thế, chưa dám phiền tới.

Vân Trường nói:

- Quân sư nghĩ thế, thật là có bụng tốt. Khi xưa Tào Tháo có trọng đãi tôi. Nhưng tôi đã chém Nhan Lương, Văn Sú, giải vây thành Bạch Mã để báo ơn rồi. Nay nếu có gặp y, tôi đâu dám dễ dàng tha y được.

Khổng Minh nói:

- Nếu tướng quân tha thì làm sao?

Vân Trường nói:

- Xin theo quân luật.

Khổng Minh nói:

- Nếu thế, phải làm giấy cam đoan.

Vân Trường xin ký giấy cam đoan, rồi hỏi lại rằng:

- Tào Tháo không chạy qua đường ấy, thì quân sư dạy thế nào?

Khổng Minh nói:

- Tướng quân nên tìm trái núi nào cao ở đường hẻm Hoa Dung, chất cỏ đốt lửa lên, để dử quân Tào đến.

Vân Trường nói:

- Tào Tháo thấy có lửa, biết có mai phục, sao hắn chịu đến?

Khổng Minh cười, nói:

- Tướng quân không nhớ trong binh pháp có câu "Hư hư thực thực” đó ru? Tháo giỏi dùng binh, có thể mới lừa được hắn. Hắn trông thấy lửa, cho là ta hư trương thanh thế, tất nhiên tìm đến lối đó. Tướng quân không được thả cho hắn đi!

Vân Trường lĩnh mệnh dẫn Chu Thương, Quan Bình và năm trăm quân đao phủ ra đường Hoa Dung mai phục.


Huyền Đức nói nhỏ với Khổng Minh rằng:

- Em tôi là người nghĩa khí lắm. Nếu Tào Tháo quả nhiên đi qua đó, chỉ sợ em tôi lại tha mất thôi!

Khổng Minh thưa:

- Tôi xem thiên văn, biết số Tào Tháo chưa chết, nên mới để một mối tình nghĩa ấy cho Vân Trường làm, cũng là một việc hay.

Huyền Đức nói:

- Tiên sinh mưu kế như thần, trên đời hiếm có!

Khổng Minh cùng Huyền Đức sang cả Phàn Khẩu xem Chu Du đánh trận, để Tôn Càn, Giản Ung ở lại giữ thành.

Nói về Tào Tháo ở trong thuỷ trại, cùng tướng tá bàn bạc, chỉ đợi tin Hoàng Cái. Hôm ấy gió đông nam nổi to, Trình Dục vào bẩm rằng:

- Hôm nay có gió đông nam, xin thừa tướng đề phòng mới được.

Tháo cười, nói:

- Hôm nay là ngày đông chí, khí nhất dương mới sinh ra, trách nào chẳng có gió đông nam, có gì lạ!


Chợt quân sĩ vào báo có thuyền Giang Đông đưa mật thư của Hoàng Cái đến.


Tháo gọi vào. Người ấy dâng thư lên, trong thư nói: "Chu Du phòng bị cẩn mật lắm, chưa tìm được kế thoát thân. Nay nhân có lương thảo ở hồ Phiên Dương mới tải đến, Chu Du sai tôi đi ra tiếp nhận, dịp may đã tới, sớm tối gì tôi cũng giết được danh tướng Giang Đông, đem thủ cấp sang hàng. Chỉ vào khoảng canh hai đêm nay hễ thấy thuyền nào cắm cờ xanh thì chính là thuyền lương”.


Tháo mừng lắm, họp các tướng trên thuyền to, đợi xem thuyền Hoàng Cái đến.

Lại nói bên Giang Đông, chiều tối hôm ấy, Chu Du gọi Sái Hoà ra, sai quân trói lại. Hoà kêu là vô tội. Du mắng rằng:

- Mày là thằng nào, dám đến đây trá hàng? Nay ta đang thiếu một thứ lễ vật tế cờ, hãy mượn cái đầu mày đấy!

Hoà cố cãi không được, kêu to lên rằng:

- Cam Ninh, Hám Trạch cũng đồng mưu với tôi!

Du nói:

- Đó là do ta sai khiến đấy!

Nói đoạn, sai điệu Sái Hoà ra bờ sông dưới cột cờ đèn, rót rượu đốt vàng, chém đầu lấy máu tế cờ, xong dong thuyền kéo đi.

Hoàng Cái ngồi trên chiếc hoả thuyền thứ ba, chỉ mặc một áo giáp che bụng, tay cầm dao cực sắc, trên cờ hiệu để bốn chữ "Tiên phong Hoàng Cái”, thuận gió giương buồm đến thẳng núi Xích Bích.

Bấy giờ, gió đông thổi mạnh, sóng cuốn ầm ầm. Tháo ngồi trên thuyền, trông sang phía nam, mặt trăng lấp ló, toả sáng dòng sông, tựa hồ muôn vạn rắn vàng giỡn trên mặt nước.


Tháo đón gió vui cười, tỏ vẻ đắc chí lắm.

Chợt một tên quân chỉ tay nói:

- Phía nam sông có cánh buồm nhấp nhô xuôi gió tiến lại.


Tháo lên cao đứng trông. Quân nói:

- Thuyền cắm toàn cờ xanh, giữa có một lá cờ to đề mấy chữ lớn "Tiên phong Hoàng Cái”.

Tháo mừng, nói:

- Công Phúc lại hàng, thật là trời giúp ta!


Thuyền Đông Ngô lướt tới gần. Trình Dực đứng ngắm hồi lâu, bỗng bảo Tháo:

- Thuyền này khả nghi lắm, không nên cho vào gần trại.

Tháo hỏi:

- Sao ngươi biết?

Dực thưa:

- Thuyền tải lương thì nặng mới phải, thuyền này đã nhẹ lại nổi bồng bềnh. Vả lại, đêm nay gió đông nam to lắm, nếu có âm mưu gì, thì làm thế nào?

Tháo nghe ra, liền hỏi các tướng:

- Ai dám ra cản thuyền ấy lại cho ta?

Văn Sính nói:

- Tôi quen nghề sông nước, xin đi một chuyến!

Nói xong, lập tức nhảy xuống chiếc thuyền nhỏ, tay vẫy vài mươi chiếc thuyền tuần tiễu đi ra. Sính đứng đầu thuyền, gọi to lên rằng:

- Thừa tướng truyền cho các thuyền kia không được vào gần trại vội, hãy thả neo đậu cả lại giữa sông!


Quân sĩ cũng đều quát lớn:

- Hạ buồm xuống cho mau!

Quân nói chưa dứt lời, cung nỏ đã bắn sang rào rào, Văn Sính bị tên trúng cánh tay trái, ngã ngay xuống thuyền.


Quân Tào rối loạn chạy về. Thuyền bên này còn cách trại Tào độ hai dặm, Hoàng Cái cầm dao vẫy một cái, các thuyền mé trước nhất tề đốt lửa. Lửa được gió, gió bốc lửa, thuyền bay vùn vụt như tên, rực cháy ngút trời: hai chục chiếc hoả thuyền tràn vào thuỷ trại.


Thuyền trong trại Tào Tháo bén lửa bốc cháy tứ tung, lại bị xích sắt khoá chặt, không sao chạy thoát. Bên kia sông, pháo nổ đùng đùng, bốn mặt hoả thuyền ùa đến.


Trên mặt sông Tam Giang gió cuốn lửa bay, trên trời dưới nước đỏ rực như mặt trời mọc. Tào Tháo trông lên các trại trên bờ lại thấy mấy chỗ bốc cháy.


Hoàng Cái ngồi trên chiếc thuyền nhỏ với vài thuỷ thủ bơi thuyền, xông vào trong đám lửa, tìm bắt Tào Tháo.


Tháo thấy thế nguy cấp lắm, định bỏ thuyền to chạy lên bờ; chợt có Trương Liêu chở một chiếc thuyền con đến, đỡ Tháo xuống; Tháo vừa xuống được thì chiếc thuyền to đã bắt lửa cháy rồi.


Trương Liêu và vài chục người bảo vệ Tào Tháo chạy lên bờ. Hoàng Cái thấy có người mặc áo cẩm bào đỏ xuống thuyền, biết là Tào Tháo, sai bơi mau ngay thuyền đến, tay cầm dao sắc gọi to lên rằng:

- Tào tặc chớ chạy, Hoàng Cái đã đến đây!


Tào Tháo luôn miệng kêu khổ, Trương Liêu giương cung lắp tên, đợi Hoàng Cái tới gần, bắn ra một phát. Lúc này gió thổi vù vù, Hoàng Cái đang ở trong đám lửa, nghe sao thấy tiếng tên bắn, nên bị trúng ngay vào giữa vai, ngã lăn xuống sông.


Ấy là:

Vạ lửa đang nguy lây vạ nước,
Đau đớn chưa khỏi lại đau tên.

Chưa biết tính mệnh Hoàng Cái sống thác thế nào, xem đến hồi sau sẽ biết.


Kiều Phu Nhân & Ngô Thái Phu Nhân & Chu Du
& Tôn Quyền & Cố Ung & Lỗ Túc & Gia Cát Cẩn


Quân Đông Ngô khai hỏa trên sông Trường Giang trong đại chiến Xích Bích


Hoàng Cái & Cam Ninh & Tôn Thượng Hương

 
Tào Tháo giả có bệnh, Cát Bình đem thuốc tới “chữa” mà Tháo… không chết, ấy là Bình không biết Tháo giả vờ. Chu Du mắc bệnh thật, Khổng Minh lại không chữa bằng thuốc, thế mà Du sống được, ấy là Khổng Minh biết Du ốm thật vậy.

Cái bệnh của bắc quân là bệnh sợ nước, Bàng Thống lấy “kim” (sắt) ra khóa, mà trị được “thủy”. “Thủy đã bị dẹp yên, thì khi bệnh “hỏa” phát lên, “thủy” không còn chế được “hỏa” nữa.

Cái bệnh của Chu lang là bệnh sợ gió. Khổng Minh chữa cho “khí” thuận mà trị được “phong”, khiến cho gió lạnh (bắc) ngừng im, gió ấm (nam) phát sinh, ấy là gió được việc lắm vậy.

Cái bệnh trong mình Chu lang, người đời không hiểu được. Làm “thầy thuốc” như Khổng Minh, người đời thật hiếm!

Ta thường đọc kinh Dịch, thấy gió với nước là “người nhà”. Lửa với gió làm thành cái vạc. Thiết nghĩ lý ấy phảng phất ứng với trận Xích Bích vậy. Vì hai họ Tôn, Lưu hợp lại “một nhà” mà thành cái hình “chân vạc” của thiên hạ. Tôn hợp với Lưu cũng giống như lửa hợp với gió. Gió thêm sức lửa thì gió càng mạnh, lửa nhờ sức gió thì lửa cháy càng dữ. Thế thì Du không thể thiếu (sự giúp đỡ của) Lượng cũng như Lượng không thể thiếu Du vậy.

Chu lang đánh trận Xích Bích, chưa điều binh đi phá TàoTháo đã điều binh đi bắt Khổng Minh. Đi đánh tám mươi ba vạn quân mã, chỉ đem tất cả mười hai đội thủy lục, mà đánh một mình Khổng Minh cũng phải đem tới hai đội thủy lục.

Thì ra Chu lang coi một con người Khổng minh lợi hại bằng một đại đội trong tám mươi ba vạn quân địch vậy. Thế mà Chu lang thắng được tám mươi ba vạn quân, lại không thắng nổi một Khổng Minh. Ôi! Ghét sợ người mình không thể hơn được, mà muốn giết đi, bậc văn nhân chê Chu lang khắc nghiệt. Biết mình không thắng nổi người, mà còn miễn cưỡng tìm cách giết người, riêng ta cười Chu lang… ngu dốt vậy.

Công việc xây cái “lò sát sinh” khổng lồ ở Xích Bích, đã khởi đầu từ hai hồi trước, và do nhiều bàn tay góp vào: Lấy Đại Giang làm bếp, lấy bến Xích Bích làm lò. Hoàng Cái làm chàng đốn củi, Hám Trạch làm kẻ gánh than, rồi Bàng Thống lại tưới dầu thêm nữa. Người bên Ngô đã thế, bên Tào còn có những kẻ cho là chưa đủ, nên Tưởng Cán còn đi rước thêm than củi của người về nhóm. Thái Trung, Thái Hòa còn đi gánh dùm rơm khô, diên tiêu, lưu huỳnh cho người đem về rắc lên. Thế là Khổng Minh cầm quạt, quạt thốc cho một hồi. Chu Du xắn tay áo vào châm lửa bùng lên, và thần gió ra oai, hỏa tinh nổi giận (Phong Bá thi uy, Chúc Dung bằng nộ) khiến cho tám mươi ba vạn quân Tào biến thành cá rán thịt nướng, bốc mùi khét lẹt cả trời đất!

Khổng Minh “tế gió” thật là Khổng Minh mượn binh vậy. Cầm kiếm lên đàn, ra hiệu lệnh nghiêm túc, coi giống như vị nguyên nhung lên sai chư tướng. Yên định ngôi vị cho hai mươi bốn vì sao và sáu mươi bốn quẻ cũng giống như bố trí một trận đánh lớn. Tầng dưới đàn, lấy bốn sắc xanh, đỏ, trắng, đen, chia cho cờ xí bốn phương, trông phảng phất như bốn đạo kỳ binh bố trí bốn mặt. Tầng giữa đàn lại lấy năm sắc xếp lộn lẫn, rồi bày ra tám phương, coi giống như tám lộ kỳ binh. Tầng trên nhất, dùng bốn người, chia ra hai cánh tả hữu, cũng phảng phất giống hai cánh kỳ binh nữa. Tuy chưa dùng binh mà cũng giống như dùng binh rồi. Chỉ dùng một trăm hai mươi người mà khí thế không khác gì muôn người ngàn ngựa, lại coi tám mươi ba vạn địch quân như đống cỏ khô củi nỏ, tiêu diệt chẳng khó khăn gì vậy.

Tác giả tả Chu lang dùng binh, không tả kỹ khi lâm trận mà tả kỹ càng tường tận ngay cái lúc chưa đánh nhau. Tả cái lúc gió Đông chưa nổi, với sự chỉnh điểm các đội, chuẩn bị đóng ngựa răn binh, sửa thuyền mặc giáp… chưa đánh mà đã rõ khí thế như sắp lăn vào chém giết. Tả cái lúc gió Đông đã thổi, chư tướng nghe lệnh, các đoàn quân ra đi, bộ này ban nọ răm rắp như sao rời sấm chuyển, mới sắp sửa đánh nhau, mà đã rõ cái khí thế tất thắng. Thì ra việc dùng binh có thắng lợi hay không đã được quyết đoán từ lúc còn chưa lâm trận và sắp lâm trận, chứ không phải đợi đến khi thắng rồi mới rõ. Nếu chỉ xem trận đánh, thì bất quá chỉ là xem người này bắn người kia lăn xuống sông, kẻ kia chém người nọ rụng đầu xuống chân ngựa mà thôi. Còn thấy rõ cái sĩ khí mạnh mẽ của quân Giang Đông sao được? Còn thấy rõ cái tài thao lược của Chu lang là như thế nào?

Chu lang điều binh chia làm hai giai đoạn. Khổng Minh điều binh, cũng chia làm hai giai đoạn: Trước khi đánh Tào, Chu lang đã đưa binh đi bắt Khổng Minh. Khổng Minh sau khi khiển tướng phát binh xong, mới sai đến Quan Vân Trường. Nhưng Chu lang không hiểu cái lợi kết liên với Huyền Đức, lại cũng không hiểu cái mệnh còn dài của Khổng Minh, thì Chu lang không hiểu nổi người mà cũng không hiểu nổi trời. Khổng Minh đã biết số Tháo chưa chết, lại còn biết Vân Trường sẽ bắt gặp Tháo và sẽ buông tha. Thế là đã biết trời lại biết cả người. Coi thế, đã biết Du kém Lượng rất xa vậy.

Hồi này tả gió to lửa lớn, thật là kỳ vậy. Đến như cơ mưu khi mới dự định, thì thật bí mật. Chu Du viết ngầm một chữ vào lòng bàn tay. Rồi Khổng Minh lại “kê” ngầm một “đơn thuốc” trên giấy. Ai có ngờ đâu cái chữ “phong” trên tờ giấy là nguồn gốc trận gió lớn, cái chữ “hỏa” trong lòng bàn tay chính là mồi lửa châm thành trận cháy kinh hồn!

Hồi này tả sự chờ đợi gió đông với rất nhiều khúc chiết và sự thấy gió đông với nhiều lời điểm nhiễm thêm: Khổng Minh lên đàn, xuống đàn ba lần một ngày mà chưa có gió. Chu Du đợi đến chiều gần tối chưa thấy gió, phải đâm ngờ. Đợi đến canh ba mới thấy ngàn trướng rung động, rồi bước ra nhìn mới thấy đuôi cờ hướng về bắc. Khi Chu Du đã kinh ngạc vì tài Gia Cát, Tào Tháo bên kia sông lại cho là chuyện thường: Đang tiết “Đông chí” một “hơi dương” nẩy sinh, cơn gió trái chiều có gì là lạ! Đó là những khúc chiết.

Đinh Phụng, Từ Thịnh kéo quân ra, gặp gió đông thổi tạt vào mặt; các quân sĩ đứng trước gió rần rật mà cầm cờ trên đàn Thất Tinh; Triệu Vân bắn đứt dây buồm thuyền địch, rồi lướt thuyền mình như bay; người lính nhìn thấy cánh buồm xa xa, rồi bỗng thấy Khổng Minh bước lên bến… Đó đều là những nét điểm tô cho văn tự sự.

Đến như việc Tào Tháo ngắm ánh trăng rọi các làn sóng nước như muôn ngàn con rắn vàng; Hoàng Cái còn cách trại địch hai dặm đã nổi lửa xông tới; tiếng gió gào át cả tiếng át cả tiếng dây cung bật; đó đều là những nét vẽ nổi bật trên bức tranh.

Hồi này tả trận gió, là để tiếp theo trận sương mù ở hồi trước và nối liền với những trận mưa ở hồi sắp tới sau đây. Ngoài ra, còn tả cảnh trăng sáng, sao thưa, mây bay, sóng vỗ… nhất nhất đều vì trận gió mà tả, để cho nổi bật trận gió lên. Ta thường than rằng: các họa sĩ chỉ giỏi vẽ hoa, vẽ tuyết, vẽ nguyệt, vẽ mây mà không ai vẽ được gió. Nay đọc đến hồi “cầu gió” của truyện Tam Quốc, mới thấy rõ ràng: gió được vẽ nên tranh vậy.
 
Hồi 48
Đầu trang
Hồi 50
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại