Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 51
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Ngưu Kim & Tào Thuần
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 51
Tào Nhân đại chiến quân Đông Ngô;
Khổng Minh chọc tức Chu Công Cẩn.
 

Lại nói Khổng Minh định chém Vân Trường. Huyền Đức nói:

- Trước kia khi ba anh em tôi kết nghĩa, đã thề cùng sống chết có nhau. Nay Vân Trường tuy phạm pháp, nhưng tôi không nỡ trái lời thề trước. Vậy xin hãy tạm ghi tội lại đấy, để lập công chuộc tội.

Khổng Minh mới tha.


Nói về Chu Du quân điểm tướng, xét thưởng công lao rồi báo tin cho Ngô hầu biết. Bao nhiêu quân hàng Du đem cả sang sông Trường Giang mở tiệc rất to, khao thưởng ba quân, rồi tiến đánh Nam Quận.


Tiền đội đến bờ sông, trước sau đóng năm trại. Chu Du ở trại giữa.


Du đang cùng tướng sĩ bàn kế đánh, thì có tin báo Huyền Đức sai Tôn Càn đến mừng. Du cho mời vào. Càn chào hỏi xong, nói rằng:

- Chúa công tôi sai đến bái tạ đức lớn của đô đốc, có chút lễ mọn dâng lên.

Du hỏi:

- Huyền Đức nay ở đâu?

Càn thưa:

- Hiện đã đóng quân ở cửa Du Giang.

Du giật mình hỏi:

- Khổng Minh có ở đó không?


Càn thưa:

- Chúa công tôi và Khổng Minh cùng có ở đó.

Du nói:

- Ông hãy về trước, tôi cũng thân đến tạ lễ.


Túc hỏi:

- Vừa rồi đô đốc làm sao mà giật mình thế?

Du nói:

- Lưu Bị đóng quân ở Du Giang, tất có ý muốn lấy Nam Quận. Chúng ta tốn bao nhiêu tiền lương, quân mã, nay Nam Quận chỉ trở bàn tay là lấy được. Thế mà bọn Lưu Bị mang lòng bất nhân, chực ăn cỗ sẵn. Thà ta chết rồi thì thôi, chớ ta còn đây, sao chịu cái nước thế!


Túc nói:

- Dùng kế gì để quân bên kia chịu rút lui?

Du nói:

- Ta đến chơi nói chuyện phải chăng cho họ nghe. Họ biết điều thì thôi, bằng không thì ta phải sửa trước Lưu Bị đi mới được!

Túc nói:

- Tôi xin đi theo.

Thế rồi Chu Du cùng với Lỗ Túc dẫn ba nghìn quân lính kỵ sang cửa Du Giang.


Trước hết nói Tôn Càn về ra mắt Huyền Đức, thuật chuyện Chu Du muốn lại tạ ơn. Huyền Đức hỏi Khổng Minh:

- Chu Du muốn đến đây là ý thế nào?

Khổng Minh cười, nói:

- Có phải vì một chút lễ nhỏ mà đến tạ đâu, chỉ vì Nam Quận đấy thôi.


Huyền Đức nói:

- Họ đem quân mã đến thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Họ đến thì chúa công cứ nói như thế, như thế…

Bàn định rồi, sai dàn chiến thuyền ra cửa Du Giang; trên bờ cũng bố trí quân mã nghiêm chỉnh. Một lát có tin báo Chu Du, Lỗ Túc dẫn quân đến. Khổng Minh sai Triệu Văn dẫn vài tên lính kỵ ra tiếp. Du trông thấy quân mã hùng tráng lắm, trong bụng áy náy không yên.


Đến cửa ngoài dinh, Huyền Đức, Khổng Minh cùng ra đón vào trong trướng, chào hỏi xong xuôi, mở tiệc khoản đãi.

Huyền Đức nâng chén cảm ơn Chu Du đã giúp mình đem quân đánh lui Tào Tháo. Rượu được vài tuần, Chu Du hỏi rằng:

- Dự Châu dời quân đến đây, có ý muốn lấy Nam Quận chăng?


Huyền Đức đáp:

- Nghe tin đô đốc có ý lấy Nam Quận, nên tôi dẫn quân đến giúp. Nếu đô đốc không lấy, thì tôi lấy vậy.

Du cười, nói:

- Đông Ngô tôi muốn chiếm cả Hán Giang đã lâu. Nay Nam Quận đã ở trong tay rồi, lẽ đâu lại không lấy.


Huyền Đức nói:

- Được, thua cũng chưa biết đâu mà nói trước được. Khi Tào Tháo về, giao các xứ Nam Quận cho Tào Nhân giữ, thế nào chẳng có kế lạ để lại. Lại thêm Tào Nhân sức khoẻ vô địch, e rằng đô đốc không lấy nổi.

Du nói:

- Nếu tôi không chiếm được Nam Quận, bấy giờ ngài muốn thế nào tuỳ ý.


Huyền Đức nói:

- Có Tử Kính, Khổng Minh ở đây làm chứng, sau này xin đô đốc đừng có hối.

Lỗ Túc ngần ngừ chưa lên tiếng, Du nói:

- Đại trượng phu đã hứa ra một lời, can chi mà phải hối.


Khổng Minh nói:

- Đô đốc nói phải lắm. Ta hãy nhường Đông Ngô lấy trước, nếu không xong, chúa công sẽ lấy, có ngại gì đâu!


Du và Túc từ biệt Huyền Đức và Khổng Minh, lên ngựa ra về.

Huyền Đức hỏi Khổng Minh:

- Vừa rồi tiên sinh bảo tôi nói như thế, nhưng nghĩ cho kỹ thì thấy chưa hợp lý lắm. Tôi nay cô cùng, không nơi nương náu, muốn được một xứ Nam Quận này để lấy chốn dung thân. Nếu để Chu Du lấy trước, thì thành trì đã về tay Đông Ngô rồi, ta ở vào đâu cho được?

Không Minh cả cười, nói:

- Chúa công đừng ngại, cứ mặc sức cho Chu Du quần nhau với Tào Nhân. Nay mai sẽ rước chúa công vào ngồi chễm chệ ở trong thành Nam Quận.


Huyền Đức hỏi:

- Kế ấy thế nào?

Khổng Minh đáp:

- Chỉ cần như thế, như thế…


Huyền Đức mừng lắm, cứ đóng quân ở cửa Du Giang, không động tĩnh gì nữa.

Lại nói Chu Du, Lỗ Túc về đến trại. Túc hỏi:

- Làm sao đô đốc hứa cho Lưu Bị lấy Nam Quận?

Du nói:

- Ta gảy móng tay cũng lấy nổi Nam Quận, ta nói thế chẳng qua để lấy lòng họ đó thôi.


Và hỏi luôn các tướng:

- Ai dám đi lấy Nam Quận trước?

Một người xin đi bước ra: đó là Tưởng Khâm.

Du nói:

- Ngươi làm tiên phong, Từ Thịnh, Đinh Phụng làm phó tướng, dẫn năm nghìn quân mã tinh nhuệ sang sông trước. Ta sẽ dẫn quân theo sau tiếp ứng.


Nói về Tào Nhân ở Nam Quận, sai Tào Hồng giữ Di Lăng để làm thế ỷ dốc. Bỗng có tin báo quân Đông Ngô đã qua Hán Giang, Nhân nói:

- Cứ giữ vững không ra đánh là tốt hơn cả!


Có tên kiện tướng là Ngưu Kim đứng phắt lên nói rằng:

- Giặc đến dưới thành mà không ra đánh, thế là nhát. Vả lại quân ta mới thua, cần phải lấy lại nhuệ khí. Tôi xin mượn năm trăm tinh binh, quyết một trận sống mái.


Nhân nghe theo, sai Kim Ngưu dẫn năm trăm quân ra đánh. Đinh Phụng tế ngựa lại địch. Đánh nhau với nhau mới chừng năm hiệp, Phụng vờ thua bỏ chạy. Ngưu Kim dẫn quân đuổi theo đến giữa trận.


Phụng hô quân bao vây chặt chẽ. Kim tả xung hữu đột, không sao ra được vòng vây.


Tào Nhân ở trên mặt thành thấy thế, liền mặc giáp, lên ngựa, dẫn vài trăm tráng sĩ kéo ra, ra sức khua đao, đánh xốc vào trận Ngô.


Từ Thịnh ra địch không lại. Nhân đánh vào giữa vòng vây, cứu được Ngưu Kim ra.


Khi ngảnh lại, thấy còn vài chục quân kỵ chưa ra được Nhân lại quay ngựa đánh vào, cứu ra nốt.


Vừa gặp Tưởng Khâm chận đường, Tào Nhân và Ngưu Kim cố sức đánh tan.


Lại thêm Tào Thuần là em Tào Nhân cũng đem quân ra tiếp ứng, hai bên đánh lộn một trận, quân Ngô thua chạy, Tào Nhân thắng trận trở về.


Tưởng Khâm bị thua, về ra mắt Chu Du. Du nổi giận định chém. Các tướng kêu van, Khâm mới được tha.


Du lập tức điểm binh, muốn quyết chiến với Tào Nhân. Cam Ninh nói:

- Đô đốc chưa nên vội vàng. Nay Tào Nhân sai Tào Hồng giữ Di Lăng, làm thế ỷ dốc. Tôi xin lĩnh ba nghìn tinh binh, đến chiếm Di Lăng trước, rồi đô đốc lấy Nam Quận sau.


Du nghe theo, sai Cam Ninh dẫn quân đánh Di Lăng.


Quân thám báo tin cho Tào Nhân biết. Nhân bàn với Trần Kiều. Kiều nói:

- Nếu mất Di Lăng thì Nam Quận cũng khó giữ, phải đi cứu mau mới được.


Nhân sai Tào Thuần và Ngưu Kim đi lẻn đến cứu Tào Hồng.


Tào Thuần sai người báo tin cho Tào Hồng biết trước, và báo Tào Hồng ra ngoài thành dử giặc.


Cam Ninh dẫn quân đến Di Lăng, Tào Hồng ra thành tiếp chiến: đánh nhau độ hai chục hiệp, Hồng thua chạy.


Cam Ninh cướp được Di Lăng.


Chiều tối hôm ấy, Tào Thuần, Ngưu Kim vừa dẫn quân đến nơi, liền hợp với quân Tào Hồng vây chặt Di Lăng.


Thám mã phi báo với Chu Du rằng Cam Ninh bị vây ở trong thành nguy cấp lắm. Du nghe giật mình.


Trình Phổ nói:

- Phải cấp tốc chia quân đến cứu mới được!

Du nói:

- Đây chính là chỗ xung yếu, nếu chia quân đi cứu lỡ Tào Nhân kéo đến đánh úp thành thì làm thế nào?


Lã Mông nói:

- Cam Hưng Bá là đại tướng Giang Đông, không cứu sao được?

Du nói:

- Ta muốn thân đi cứu, nhưng không biết có ai thay được ta ở đây không?

Mông nói:

- Để Lăng Công Tục trông coi. Tôi xin làm tiên phong, đô đốc chặn hậu. Chỉ độ mười ngày, chắc chắn thắng trận trở về thôi!

Du nói:

- Không biết Công Tục có chịu đỡ việc cho ta ở nhà không?

Lăng Thống thưa:

- Trong mười ngày, tôi có thể đảm đương được; ngoài mười ngày thì không sao kham nổi.

Du mừng lắm, để lại hơn một vạn quân, giao cho Lăng Thống, rồi kéo quân sang ngay Di Lăng.


Lã Mông nói với Chu Du rằng:

- Mé nam thành Di Lăng có con đường nhỏ, thông sang Nam Quận. Ta nên sai năm trăm quân chặt cây cối chận đường ấy trước. Quân địch bị thua, tất chạy ra đường ấy. Ngựa không đi được, tất phải bỏ ngựa chạy tháo thân, ta sẽ bắt được cả ngựa.


Du nghe lời, sai quân theo kế mà làm.


Kéo đến gần thành. Du hỏi các tướng:

- Ai dám phá vòng vây xông vào cứu Cam Ninh?

Chu Thái xin đi, và lập tức cắp đao lên ngựa, đánh thốc vào giữa quân Tào, đế thẳng dưới thành.


Cam Ninh trông thấy Chu Thái đến, mở cửa thành ra đón.


Thái hỏi:

- Đô đốc tự khởi binh đến cứu đấy.

Ninh ra lệnh cho quân sĩ nai nịt chỉnh tề, ăn uống no nê, sẵn sàng nội ứng.

Tào Hồng, Tào Thuần và Ngưu Kim nghe tin quân Chu Du sắp đến, một mặt sai người sang Nam Quận báo tin cho Tào Nhân, một mặt chia quân ra cự địch. Khi quân Ngô đến, quân Tào ra đánh, Cam Ninh, Chu Thái ở trong thành, chia làm hai đường kéo ra. Quân Tào rối loạn, quân Ngô bốn mặt đánh giết kịch liệt.


Quả nhiên Tào Hồng, Tào Thuần, Ngưu Kim chạy theo đường nhỏ, nhưng bị nghẽn đường, ngựa không sao đi được, phải bỏ luôn cả ngựa mà chạy.


Quân Ngô bắt được hơn năm trăm ngựa chiến.


Chu Du thúc quân cấp tốc đuổi đến Nam Quận, vừa gặp Tào Nhân đến cứu Di Lăng. Hai bên hỗn chiến một trận. Trời gần tối, hai bên cùng thu quân về.


Tào Nhân vào thành, bàn bạc với các tướng. Tào Hồng nói:

- Nay mất thành Di Lăng, nguy cấp lắm rồi, sao không bóc cẩm nang của thừa tướng để lại cho mà xem, để gỡ nạn này.

Nhân nói:

- Lời các ngươi hợp ý ta lắm!

Rồi mở thư ra xem.


Xem xong thư, Nhân có ý mừng rỡ, truyền lệnh:

- Canh năm thổi cơm ăn, sáng rõ thì quân mã lớn nhỏ bỏ ra ngoài thành. Trên mặt thành cứ việc dàn cắm tinh kỳ nghiêm chỉnh, hư trương thanh thế; quân thì chia làm ba cửa kéo ra.


Lại nói, Chu Du cứu được Cam Ninh, dàn quân ở ngoài thành Nam Quận, thấy quân Tào chia làm ba cửa kéo ra. Du trèo lên tượng đài quan sát, thấy trên mặt thành cờ quạt chi chít, nhưng không có người nào đứng giữ.


Lại thấy quân sĩ người nào cũng thắt hầu bao. Du đoán Tào Nhân đang chuẩn bị chạy, liền xuống đài ra lệnh chia quân làm hai cánh tả hữu, nếu tiền quân thắng trận thì cứ việc đuổi đến, khi nào nghe tiếng chiêng khua mới được trở về. Lại sai Trình Phổ đốc thúc hậu quân. Còn Du thì tự mình đem quân vào lấy thành.

Hai bên dàn trận, trống đánh thùng thùng, Tào Hồng tế ngựa ra thách đánh. Du thân đến cửa mở, sai Hàn Đương ra địch Tào Hồng. Giao chiến độ ba chục hiệp, Hồng thua chạy. Tào Nhân lại ra tiếp chiến, bên này Chu Thái phóng ngựa đón đánh. Được chừng mười hiệp, Nhân cũng thua chạy nốt. Thế trận bên Tào rối loạn, Du thúc hai cánh quân đánh ùa ra, quân Tào đại bại.


Du đuổi mãi đến thành Nam Quận, quân Tào không vào thành, chạy cả về phía tây bắc.


Hàn Đương, Chu Thái dẫn tiền quân cố sức đuổi theo. Du thấy cửa thành ở toang, trên mặt thành lại không có ai liền truyền quân sĩ cướp thành. Vài chục quân kỵ mã vào trước, Du tế ngựa theo sau.

Bấy giờ Trần Kiều ở trên chòi canh trông thấy Chu Du vào thành, mừng thầm nói:

- Thừa tướng tính toán như thần!

Lập tức hiệu mõ nổi lên, quân phục hai bên bắn ra như mưa.


Những tên vào trước ngã lăn cả xuống hào, Chu Du vội vàng quay ngựa chạy ra, thì bị một phát tên trúng cạnh sườn, nhào xuống ngựa.


Ngưu Kim ở trong thành đánh ra toan bắt Chu Du. Từ Thịnh, Đinh Phụng lăn xả vào cứu thoát.


Quân Tào ở trong thành đổ ra, quân Ngô giày xéo lẫn nhau, sa xuống hố không biết bao nhiêu mà kể. Trình Phổ vội vàng thu quân về. Tào Nhân, Tào Hồng chia làm hai cánh quân đánh bất ngờ chận đường quân Ngô. Tào Nhân thắng trận dẫn quân vào thành.


Trình Phổ thu binh bại về trại. Đinh, Từ hai tướng dìu được Chu Du đem về trướng, gọi thầy thuốc lấy kìm rút mũi tên ra, rồi đắp thuốc vào. Du đau đớn quá, không ăn uống gì được.


Thầy thuốc dặn rằng:

- Đầu mũi tên có thuốc độc, chưa khỏi ngay được đâu. Nếu trái ý điều gì mà nổi cơn tức giận lên, thì vết thương lại vỡ ra đó!


Trình Phổ truyền lệnh cho ba quân phải giữ gìn các trại cho vững, không đâu được khinh động. Được ba hôm Ngưu Kim dẫn quân đến khiêu chiến. Trình Phổ nín thinh, không động tĩnh gì hết, Ngưu Kim chửi mắng mãi đến chiều tối mới về. Hôm sau lại đến chửi mắng thách đánh. Trình Phổ sợ Chu Du biết uất lên, nên không dám báo cho biết.


Ngày thứ ba, Ngưu Kim đến tận trước trại chửi bới, hò reo.

- Chúng ta phải bắt sống Chu Du!

Trình Phổ bàn với các tướng muốn tạm rút quân để về ra mắt Ngô hầu rồi sẽ định đoạt sau.


Chu Du tuy bị đau, nhưng trong bụng vẫn có chủ trương. Du vẫn biết quân Tào đến sỉ nhục, nhưng không thấy các tướng vào bẩm.


Một hôm Tào Nhân dẫn đại quân đánh trống reo hò ầm ầm kéo đến khiêu chiến, Trình Phổ giữ trại không ra.


Du gọi các tướng vào trướng hỏi:

- Ở đâu đánh trống hò reo thế?

Các tướng bẩm:

- Đó là quân ta thao diễn đấy.

Du nổi giận lên nói rằng:

- Sao dám dối ta làm vậy? Ta vẫn biết quân Tào hàng ngày đến trước trại chửi mắng. Trình Đức Mưu đã cùng cầm binh quyền với ta, sao cứ ngồi đó mà nhìn cho được?

Lập tức sai gọi Trình Phổ đến hỏi.


Phổ thưa:

- Tôi thấy đô đốc còn yếu, mà thầy thì dặn đừng để cho đô đốc tức giận, bởi thế quân Tào đến thách đánh, không dám bẩm cho đô đốc biết.

Du nói:

- Các ông không muốn đánh, là ý thế nào?

Phổ thưa:

- Các tướng đều muốn tạm thu quân về Đông Ngô, đợi đô đốc khoẻ hẳn, sẽ định đoạt sau.


Du nghe xong, đang ngồi trên giường choàng ngay dậy, nói:

- Đại trượng phu đã ăn lộc của chúa, nên chết ở đám chiến trường, lấy da ngựa bọc thây mới sướng! Lẽ đâu vì một mình ta mà bỏ cả việc lớn nhà nước?


Nói đoạn, mặc áo giáp nhảy lên ngựa, các tướng thấy vậy ai cũng rùng mình.


Du dẫn vài trăm kỵ mã ra cửa trại, thấy quân Tào đã dàn thế trận, Tào Nhân đang dừng ngựa dưới cửa cờ, trỏ roi mắng lớn:

- Thằng nhãi con Chu Du kia! Mi chắc sẽ chết yểu, không dám coi thường quân tao nữa!

Tào Nhân vừa nói dứt lời, Chu Du đã từ trong đám quân kỵ nhảy vọt ra, nói:

- Thằng thất phu Tào Nhân đã biết Chu lang chửa?


Quân Tào trông thấy Chu Du, ai cũng ngạc nhiên. Tào Nhân ngoảnh lại bảo các tướng rằng:

- Cứ chửi mắng tợn vào!


Quân sĩ xúm lại mắng nhiếc om sòm. Du giận lắm, sai Phan Chương ra đánh, nhưng Chương chưa kịp giao phong, thì Du bỗng rú lên một tiếng, mồm đổ máu tươi, ngã quay xuống ngựa.


Quân Tào xô lại; các tướng đổ ra, đánh túi bụi một trận, cứu được Chu Du đem về trong trướng.


Trình Phổ vào hỏi:

- Quý thể đô đốc ra sao?

Du bảo thầm với Trình Phổ rằng:

- Đó là mẹo của ta đấy!

Phổ hỏi:

- Mẹo ấy thế nào?

Du nói:

- Ta vốn không đau đớn gì lắm; ta làm ra thế, là có ý để cho quân Tào cho là ta đau nặng, tất nhiên khinh địch. Nên sai quân sĩ vào trong thành trá hàng, nói rằng ta đã chết. Đêm nay Tào Nhân tất đến cướp trại, ta phục quân bốn mặt, chắc một trận bắt sống được Tào Nhân.


Trình Phổ nói:

- Kế ấy hay lắm!

Liền sai quân tướng khóc lóc ầm ĩ.


Ai nấy giật mình, đồn tin đô đốc bị vỡ nhọt chết. Các trại đều để tang.

Tào Nhân ở trong thành, bàn với các tướng rằng:

- Chu Du cơn tức uất lên, nhọt tên bật vỡ, đến nỗi mồm thổ ra huyết, ngã lăn xuống dưới ngựa, chẳng mấy bữa tất chết!

Mọi người đang bàn bạc, thì có vài chục tên lính kỵ bên Ngô sang hàng, trong đó có hai tên nguyên là lính cũ bên Tào bị Đông Ngô bắt được.


Tào Nhân vội gọi vào hỏi, chúng bẩm rằng:

- Chu Du hôm nay vỡ cái nhọt tên, về đến trại thì chết. Hiện các tướng đã cử ai, để trở. Chúng tôi bị Trình Phổ ức hiếp quá, cho nên đến hàng và báo tin ấy.


Tào Nhân mừng lắm, bàn định đến đêm đi cướp trại, và chém lấy đầu Chu Du đưa về Hứa Đô.

Trần Kiều nói:

- Kế ấy phải làm ngay không nên trì hoãn!


Tào Nhân sai ngay Ngưu Kim làm tiên phong; tự mình cầm trung quân; Tào Hồng, Tào Thuần làm hợp hậu. Bao nhiêu quân kéo đi cả, chi còn Trần Kiều và một ít quân ở lại giữ thành.


Đầu canh một, quân Tào trong thành kéo thẳng đến trại Chu Du, nhưng không thấy một người nào, chỉ có cờ giáo cắm dàn ra đó thôi. Tào Nhân biết là mắc mẹo, vội vàng rút lui.


Bỗng đâu bốn mặt pháo nổ ầm ầm. Rồi mé đông Hàn Đương, Tưởng Khâm kéo vào; mé tây Chu Thái, Phan Chương đổ lại; mé nam Từ Thịnh, Đinh Phụng đánh sang; mé bắc Trần Vũ, Lã Mông ập đến.


Quân Tào liểng xiểng, ba lộ quân tan vỡ, đầu đuôi không cứu được nhau. Tào Nhân dẫn vài mươi tên quân kỵ chọc thủng vòng vây, gặp ngay Tào Hồng, liền cùng nhau dắt một toán quân mã linh tinh mà chạy.


Mãi tới canh năm gần tới Nam Quận, bỗng lại một hồi chiêng trống nổi lên, rồi Lăng Thống dẫn quân ra chận đường, đánh giết một hồi.


Tào Nhân lẻn chạy theo đường tắt, lại gặp Cam Ninh bồi luôn cho trận nữa. Tào Nhân không dám về Nam Quận. Chạy tắt ra đường lớn Tương Dương, quân Ngô đuổi theo một quãng nữa, rồi trở về.


Chu Du, Trình Phồ thu cả quân mã, kéo nhau đến Nam Quận.


Vừa đến nơi đã thấy trên mặt thành tinh kỳ đỏ rực cả, một tướng trên chòi canh gọi to lên rằng:

- Xin lỗi đô đốc, tôi phụng mệnh quân sư lấy được thành đã lâu rồi. Tôi là Triệu Tử Long ở Thường Sơn đây.


Chu Du giận lắm, liền sai đánh thành. Trên thành tên bắn xuống rào rào.


Du truyền rút quân về để bàn bạc, và sai Cam Ninh dẫn một nghìn quân đến lấy Kinh Châu; Lăng Thống dẫn một nghìn quân đến lấy Tương Dương; rồi sẽ tính đến Nam Quận cũng vừa.


Du đang cắt đặt mọi việc thì có thám mã lại báo rằng.

- Gia Cát Lượng lấy được Nam Quận, liền dùng binh phù của Tào Nhân cấp tốc điều quân giữ thành Kinh Châu đến cứu, rồi sai Trương Phi úp lấy Kinh Châu.


Lại có một thám mã về báo rằng:

- Hạ Hầu Đôn giữ ở Tương Dương, Gia Cát Lượng cho người đem binh phù đến, nói dối rằng Tào Nhân cầu cứu, dụ cho Hạ Hầu Đôn ra khỏi thành, rồi sai Vân Trường úp lấy Tương Dương. Thành trì hai nơi đều rơi vào Huyền Đức mà Huyền Đức không hề tốn một chút công sức nào!


Chu Du hỏi:

- Gia Cát Lượng làm thế nào mà lấy được binh phù?

Trình Phổ nói:

- Hắn tóm được Trần Kiều, thì binh phù lọt vào tay hắn chớ gì!

Chu Du nghe nói, kêu to một tiếng, nhọt đau vỡ tung ra.


Rõ là:

Mấy lớp thành trì đâu mất cả,
Đôi phen cay đắng bõ hay chưa?

Chưa biết tính mệnh Chu Du thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Kim Toàn & Củng Chi


Lưu Bị & Tào Tháo & Tôn Quyền


Tào Nhân & Trần Kiều

 
Người quân tử xem chiến cuộc ở Nam Quận mà than rằng: Sự thắng bại của nhà binh thật không thể nào biết trước được.

Sau khi thua trận lớn Xích Bích, Tào Tháo để mật kế lại cho Tào Nhân, khiến cho Chu lang vừa đại thắng ở Xích Bích đã bị trúng tên và thất bại ở Nam Quận. Đầy đủ chư tướng với tám mươi ba vạn quân không thắng nổi Chu Du, mà chỉ một Tào Nhân đủ thắng Du. Về phần Du thì đánh khắp Tam Giang, Ô Lâm không chỗ nào thất lợi, mà đánh một thành Nam Quận lại thua! Điều đó đã lạ, lại thêm những việc ly kỳ nữa.

Như trước kia, Hoàng Cái bị trúng tên lăn xuống sông, tức là trong lúc thắng lớn bị một cái thua nhỏ. Chu Du trúng tên ở Nam Quận cũng là sau cái thắng lớn, bị cái thua nhỏ. Xem việc sau này, thì Tào Tháo để mật kế, lừa được Chu Du tức là sau trận đại bại, vớt được chút thắng nhỏ. Tào Nhân đánh mất Nam Quận tức là sau trận thắng nhỏ bị ngay trận thua lớn! Ôi việc đời khó liệu lường đến như vậy, thì con nhà tướng dùng binh, lý nào vì thua mà nản, vì thắng mà kiêu?

Đọc hồi trước thấy hai nhà Tôn, Lưu hòa hợp. Đọc hồi này thấy Tôn, Lưu chia rẽ. Thì ra: cùng trong hoạn nạn thì thân nhau, cùng chung mối lợi lại tranh nhau. Nhân tình thế thái đại để là thế. Như cái lúc Tào Tháo kéo quân xuống miền Nam, khí thế hùng hổ, lăm le nuốt trửng Ngô Hội, thì Đông Ngô đánh trận Xích Bích không phải vì Lưu, mà thực là vì mình. Đến khi Tháo bỏ chạy, Bắc quân đã tan, thì chín quận Kinh Châu, Lưu Bị muốn chiếm, Tôn Quyền cũng muốn chiếm. Khổng Minh muốn chiếm cho Bị, Chu Du, Lỗ Túc lại muốn đạt cho Quyền. Thế là lấy việc phá Tào, mượn lời tạ nhau để toan lấy Kinh Châu làm vật đền công. Cho đến nỗi Lưu, Tôn bất hòa hầm hè nhau, thật là đáng tiếc!

Khổng Minh nhường Đông Ngô đi lấy Kinh Châu trước, thì Huyền Đức lo ngại. Chu Du hứa để Huyền Đức lấy sau, thì Lỗ Túc lại lo ngại. Thì ra Huyền Đức trước kia không nỡ cướp đất Lưu Biểu, Lưu Tông, cũng như Lỗ Túc không muốn giết Huyền Đức, không muốn giết Khổng Minh, cả hai cùng có lòng nhân, nhưng cả hai đều không muốn để Khinh Châu cho người khác. Đó là cái “trí” của hai bậc nhân vậy. Nhưng Huyền Đức không biết rằng Khổng Minh đã tính toán ăn chắc. Lỗ Túc cũng không biết rằng Chu Du chỉ nói lấy “lòng”, thì cái “trí” của Huyền Đức, Lỗ Túc không bằng cái “trí” của Gia Cát, Chu lang vậy. Thế mới biết người đã trung hậu thì dù khôn khéo đến đâu, vẫn có chỗ trung hậu. Người thật thà thì lập tâm sâu xa đến đâu, vẫn có tính chất thật thà!

Lã Bố mở cửa thành Bộ Dương để lừa Tào Tháo, Tào Nhân cũng mở cửa thành Nam Quận để lừa Chu Du. Một bên lừa địch vào thành để đốt. Một bên lừa địch vào để bắn. Lã Bố sai người trá hàng để dụ Tháo. Tào Nhân giả vờ thua chạy để dụ Du. Điểm khác nhau là thế. Nhưng Lã Bố cho người đi hàng giả, mà sau té ra người ấy hàng thật! Tào Nhân giả thua chạy, mà sau té ra phải thua chạy thật. Trong điểm khác nhau lại có chỗ giống nhau, thật là diệu sự diệu văn.

Tào Nhân giả chạy để lừa Chu Du, thì Chu Du liền giả chết để lừa Tào Nhân. Cũng là lừa nhau. Nhưng Nhân giả chạy là theo mẹo Tào Tháo. Chu Du giả chết là tự ý mình. Vả hồi này Du giả chết để lừa Nhân, thì trước kia Tháo cũng từng giả chết để lừa Lã Bố. Thế thì trí Tào Nhân kém Chu Du, mà trí Chu Du ngang với Tào Tháo. Tuy nhiên Tháo giả chết thì không đến nỗi chết thật. Du giả chết thì cái “điềm” xấu đã bày ra. Trước Du giả vờ ngã ngựa, vỡ vết thương, mà đến nỗi sau này ngã ngựa thật, vết thương bị xé thật sự! Trước thì giả đau, giả uất, giả chết, sau này lại đau thật, uất thật, chết thật. Thế là trong chỗ giống nhau này cũng có điểm khác nhau.

Xem việc Khổng Minh đánh úp Nam Quận, ta thấy có giống việc Lã Mông đánh úp Kinh Châu chăng?

Chu Du lăn vào chỗ đánh giết, gánh lấy nguy nan vất vả. Khổng Minh ung dung ngồi mát mà đoạt lợi tay trên! Như thế thì Du làm sao không uất ức cho nổi? Đông Ngô làm sao không trả miếng cho được? Tuy nhiên, Khổng Minh đã có lý lẽ để biện bác: Khổng Minh cướp Nam Quận ở tay quân Tào, chứ không cướp của Đông Ngô. Khổng Minh cũng chiếm cái đất mà Đông Ngô đang muốn chiếm. Thế thì cũng là đánh úp, nhưng cái lối đánh úp của Khổng Minh khác cái lối đánh úp của Lã Mông. Chu Du mất Nam Quận thì không nên oán Khổng Minh, mà chỉ nên tự oán mình, vì mưu kế của mình còn chỗ sơ hở: Như xưa kia, quân nước Triệu bỏ trống thành trì, đi đuổi Hàn Tín, thì Tín sai người lẻn vào trước, kéo cờ đỏ lên thành nước Triệu, rồi chiếm được. Nay Chu Du dụ Tào Nhân tới cướp trại mình, nếu biết phục sẵn một cánh quân ở gần thành Nam Quận, thì đâu đến nỗi bị Triệu Tử Long đoạt tay trên như thế? Trước đã vì khinh tiến mà trúng tên, sau lại vì chậm chạp mà mất đất! Thế thì trí Chu Du kém trí Hàn Tín vậy.

Trong những lúc Chu Du lăn lưng ra đánh nhau với Tào Nhân, chính là lúc Khổng Minh điều binh khiến tướng đi lấy ba thành Nam Quận, Kinh Châu, Tương Dương. Thế mà tác giả chỉ tả các trận đánh giữa Ngô với Tào bằng thực bút, còn việc làm của Khổng Minh đều được tả bằng hư bút. Bên hư bên thực như thế, thật là khéo.
 
Hồi 50
Đầu trang
Hồi 52
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại