Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 73
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Quan Ngân Bình & Vương Phủ
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 73
Huyền Đức lên ngôi Hán Trung vương;
Vân Trường đánh chiếm Tương Dương quận.
 

Lại nói, Tào Tháo rút quân về Tà Cốc.

Khổng Minh liệu chừng Tào Tháo phải bỏ Hán Trung, cho nên sai bọn Mã Siêu và các tướng chia binh làm vài mươi đường, bất thình lình đánh cướp. Bởi thế Tào Tháo không dám ở dai; lại bị Nguỵ Diên bắn gãy răng, nên phải lật đật rút quân về. Bấy giờ nhuệ khí ba quân đã nhụt cả. Tiến quân vừa kéo đi, hai bên sườn núi lửa lại bốc lên ngùn ngụt, thì ra quân của Mã Siêu đuổi theo quân Tào rụng rời hết vía.

Tháo truyền lệnh quân sĩ đi gấp ngày đêm không nghỉ lúc nào, về đến Kinh Triệu mới vững dạ.


Nói về Huyền Đức sai Lưu Phong, Mạnh Đạt, Vương Bình đánh các quận Thượng Dung. Tướng giữ quận ấy là bọn Thân Đam, nghe tin Tào Tháo đã bỏ chạy bèn ra hàng. Huyền Đức vào thành yên dân, khao thưởng ba quân, nhân dân ai nấy cũng vui vẻ.

Bởi thế các tướng cùng muốn tôn Huyền Đức lên làm vua, nhưng chưa dám nói, bèn cùng vào bẩm trước với Khổng Minh. Khổng Minh nói:

- Việc này ta đã định liệu cả rồi!

Bèn dẫn bọn Pháp Chính vào ra mắt Huyền Đức, mà nói rằng:

- Nay Tào Tháo chuyên quyền, trăm họ không có chủ. Chúa công nhân nghĩa lừng lẫy thiên hạ, lại có cả đất hai Xuyên; lại nên thuận đạo trời, theo bụng người, lên ngôi hoàng đế cho danh chính ngôn thuận để dẹp giặc nước. Việc này không nên chậm trễ, xin chúa công chọn ngày ngay cho.

Huyền Đức giật mình, nói:

- Lời quân sư sai rồi! Bị tuy là tôn thất nhà Hán, nhưng là phận tôi con, nếu làm việc ấy, chẳng hoá ra phản nhà Hán mất ư?

Khổng Minh thưa:

- Không phải thế! Hiện nay thiên hạ chia xẻ, anh hùng nổi dậy, mỗi người chiếm cứ một phương. Những người tài trí trong bốn bể, liều sống chết mà thờ chúa, cũng mong vịn vào vây rồng, bám vào cánh phượng để lập lấy một chút công danh. Nếu chúa cứ giữ đạo thường, tôi e rằng chúng hết trông mong. Xin chúa công thử nghĩ kỹ mà xem!


Huyền Đức nói:

- Muốn cho ta chiếm đoạt ngôi tôn, ta quyết nhiên không dám. Các ngươi nên bàn kế khác.

Các quan cùng nói rằng:

- Chúa công cứ từ chối mãi, thì bụng mọi người sẽ trễ nải cả bây giờ!

Khổng Minh nói:

- Chúa công xưa nay vốn giữ điều nghĩa làm gốc, xưng ngay hoàng đế cũng chưa tiện, nay mới có Kinh Tương và hai đất Xuyên nên hãy tạm xưng làm Hán Trung vương.

Huyền Đức nói:

- Các ngươi muốn tôn ta là vương, nhưng không có chiếu của thiên tử phong cho, thì cũng là chiếm ngôi đó!

Khổng Minh nói:

- Nay hãy quyền nghi, chớ không nên cầu chấp lẽ thường cho lắm!

Trương Phi mới nói to lên rằng:

- Những người khác họ đều còn muốn làm vua, huống chi kha kha là tôn nhà Hán. Chẳng cứ là Hán Trung vương, cho dẫu xưng ngay là hoàng đế, cũng không làm sao, việc gì mà phải từ chối.

Huyền Đức quát mắng rằng:

- Chớ có nói càn!

Khổng Minh nói:

- Chúa công nên hãy quyền nghi, trước hãy tiếm ngôi Hán Trung vương, rồi sẽ dâng biểu tâu với thiên tử cũng chưa muộn.

Huyền Đức hai ba phen từ chối mãi không được, đành phải nghe lời.

Năm Kiến An thứ 24 (219) mùa thu, tháng bảy, Khổng Minh sai đắp đàn ở Miện Dương, chu vi cả thảy chín dặm, bốn mặt đàn cắm những tinh kỳ nghi trượng, các văn võ chia ngôi thứ đứng dàn ra hai bên.


Hứa Tĩnh, Pháp Chính mời Huyền Đức lên đàn, dâng đồ miện phục, tỷ phục. Huyền Đức nhận xong, ngồi ngoảnh mặt về nam, chịu văn võ trăm quan lạy mừng; tiếm tước làm Hán Trung vương, lập con là Lưu Thiện làm thế tử, phong Hứa Tĩnh làm phái phó, Pháp Chính làm thượng thư lệnh; Khổng Minh làm quân sư, trông coi các việc quân quốc. Lại phong cho Quan Vân Trường, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung làm ngũ hổ đại tướng quân; Nguỵ Diên thì làm thái thú Hán Trung. Ngoài ra, các quan ai cũng được định công phong tước cả.

Huyền Đức xưng vương rồi, viết một đạo biểu, sai người mang đến Hứa Đô, dâng lên vua Hiến đế. Trong biểu kể rõ tình hình những người bộ hạ tôn lên làm vương và tình nguyện hết sức đánh giặc Tào để giúp nhà Hán. Xong đâu đấy, Huyền Đức rút quân về Thành Đô.


Tào Tháo ở Nghiệp Quận, được tin ấy bèn nổi giận nói rằng:

- Quân bán dép sao dám xấc láo làm vậy? Ta thề giết cho kỳ được mày, mới nghe!

Lập tức truyền lệnh khởi hết quân trong nước sang hai Xuyên để quyết sống mái với Hán Trung vương.

Có một người bước ra can rằng:

- Đại vương không nên nhân cơn giận một lúc, mà phải khó nhọc xa giá đi đánh nơi xa! Tôi có một kế này, không cần gì đến một cái cung, một mũi tên. Lưu Bị tự nhiên phải khốn. Đợi khi nào thế y đã suy, sức y đã kiệt, chỉ sai một tướng đi đánh cũng phá xong, lọ là đại vương phải khó nhọc.

Tháo nhìn xem ai, thì là Tư Mã Ý. Tháo mừng hỏi rằng:

- Trọng Đạt có mẹo gì cao kiến thế?

Ý thưa:

- Tôn Quyền ở Giang Đông, gả em cho Lưu Bị, rồi lại thừa cơ bắt em về. Lưu Bị thì chiếm giữ Kinh Châu, không trả Đông Ngô. Bởi thế hai bên vẫn thù oán nhau. Nay ta nên sai người đến dụ Tôn Quyền, xui hắn cất quân sang đánh Kinh Châu. Lưu Bị tất phải mang quân ở hai Xuyên đến cứu. Bấy giờ ta sẽ dẫn quân đến lấy Hán Trung. Lưu Bị đầu đuôi không cứu được nhau, tất nhiên phải nguy khốn.

Tháo mừng lắm, viết ngay thư, sai Mãn Sủng đi gấp sang Đông Ngô, ra mắt Tôn Quyền. Quyền được tin Mãn Sủng đến, liền họp các mưu sĩ lại bàn bạc. Trương Chiêu nói:

- Ngô, Nguỵ xưa nay không thù hằn gì với nhau, chỉ vì nghe lời Gia Cát thành ra hai bên hiềm khích đánh nhau mãi, nhân dân khổ sở. Nay Mãn Bá Ninh đến đây có ý giảng hoà, ta nên tiếp đãi tử tế.

Quyền nghe lời, sai các mưu sĩ ra đón. Mãn Sủng vào. Chào hỏi xong. Quyền đãi Sủng vào hàng tân khách.


Sủng dâng trình thư Tháo, nói:

- Ngô, Nguỵ xưa nay không thù hằn gì nhau, chỉ vì chuyện Lưu Bị, nên sinh hiềm khích. Nguỵ vương sai tôi đến đây, ước với tướng quân cất quân sang đánh Kinh Châu, Nguỵ vương tôi đến đánh Hán Xuyên, hai bên dánh dồn lại. Phá xong Lưu Bị, hai bên sẽ chia bờ cõi với nhau, thề rằng không ai xâm phạm của ai nữa.


Tôn Quyền xem xong, đặt tiệc khoản đãi Mãn Sủng tử tế, rồi đưa ra ngoài nhà khách nghỉ ngơi.

Quyền hội các mưu sĩ lại bàn. Cố Ung nói:

- Trong thư Tào Tháo, tuy là những lời dỗ dành ta nhưng nói cũng có lẽ. Nay một mặt ta cho Mãn Sủng về, ước với Tào Tháo, hai bên cùng khởi quân, một mặt sai người sang sông dò xem tình ý Vân Trường thế nào, rồi sẽ liệu.


Gia Cát Cẩn nói:

- Tôi nghe Vân Trường từ khi đến nhậm Kinh Châu, Lưu Bị lấy vợ cho, sinh được một trai một gái. Người con gái còn nhỏ chưa gả cho ai, tôi xin sang cầu hôn cho thế tử chúa công. Nếu Vân Trường chịu gả, thì nên hiệp lực với Vân Trường mà đánh nhau với Tào Tháo, nhược bằng không nghe, ta sẽ giúp Tào Tháo để đồ Kinh Châu.


Quyền dùng kế ấy, cho Mãn Sủng về Hứa Đô, rồi sai Gia Cát Cẩn làm sứ sang Kinh Châu.


Cẩn vào thành ra mắt Vân Trường. Vân Trường hỏi:

- Tử Du đến đây có việc gì?

Cẩn thưa:

- Tôi đến đây, có ý muốn kết hiếu hai nhà. Chúa công tôi có một con trai thông minh lắm, nghe tướng quân có cô con gái, nên đến cầu hôn để hai nhà kết hiếu với nhau, hiệp lực lại đánh Tào Tháo. Đó là một việc rất hay, xin tướng quân xét cho.


Vân Trường nổi giận lên mắng rằng:

- Con gái ta, ví như loài hổ, lại thèm gả cho con loài chó à! Nếu ta không nể mặt em ngươi, thì đầu ngươi ra củ chuối! Chớ có nói lôi thôi!


Nói đoạn, sai tả hữu đuổi Cẩn ra.


Cẩn ôm đầu lủi thủi về ra mắt Ngô hầu, không dám giấu giếm câu gì cứ thưa chuyện thật như thế.

Tôn Quyền tức đầy ruột nói rằng:

- Sao dám vô lễ quá làm vậy!


Liền hội các văn võ, bàn định sang đánh Kinh Châu.


Bộ Trắc nói:

- Tào Tháo xưa nay vẫn muốn cướp ngôi nhà Hán, nhưng còn e có Lưu Bị. Nay sai sứ sang bảo ta cất quân thôn tính đất Thục, đó là muốn đổ vạ lây cho ta đó!

Quyền nói:

- Ta cũng muốn lấy Kinh Châu đã lâu rồi!

Trắc nói:

- Hiện nay Tào Nhân đóng quân ở Tương Dương Phàn Thành không bị sông Trường Giang cách trở, ngay đường bộ cũng lấy được Kinh Châu, làm sao không đánh chiếm lấy, lại phải xui Đông Ngô ta? Cứ lẽ ấy mà suy, thì đủ biết bụng Tào Tháo. Chúa công nên sai sứ sang Hứa Đô, xui Tào Tháo cất quân mặt bộ trước đến lấy Kinh Châu. Vân Trường tất kéo quân ra đánh Phàn Thành. Nếu Vân Trường đi rồi, chúa công sai một tướng đến ngầm lấy Kinh Châu, như thế chỉ một trận là phá xong.

Quyền nghe theo, sai người sang sông dâng thư nói với Tào Tháo việc ấy.

Tháo mừng rỡ. Lập tức cho sứ giả về trước và sai Mãn Sủng làm tham mưu ra Phàn Thành giúp Tào Nhân bàn việc cất quân. Một mặt đưa hịch sang Đông Đô, sai cất quân đi đường thuỷ tiếp ứng để lấy Kinh Châu.

Lại nói, Hán Trung vương sai Nguỵ Diên tổng đốc quân mã, phòng phủ mặt Đông Xuyên, còn mình thì dẫn quân về Thành Đô. Lại sai người xây dựng cung điện và sửa sang các nơi kho tàng, quán xá, tự Thành Đô đến miền Bạch Thuỷ, tất cả hơn bốn trăm sở, thu chứa tiền lương, rèn sửa khí giới, để sắp sửa sang lấy Trung Nguyên.

Quân do thám nghe được tin Tào Tháo kết liên với Đông Ngô, định đánh Kinh Châu, lập tức báo vào Thục. Hán Trung vương vội bàn bạc với Khổng Minh. Khổng Minh nói:

- Tôi cũng đã liệu Tào Tháo tất có mưu ấy, nhưng Đông Ngô cũng lắm mưu sĩ, thế nào cũng xui Tào Tháo sai Tào Nhân cất quân sang đánh trước.

Hán Trung vương nói:

- Nếu thế thì làm thế nào?

Khổng Minh nói:

- Chúa công nên cho người mang quân lệnh cho Vân Trường, sai cất quân đến đánh Phàn Thành trước đi, quân giặc khiếp đảm, tự nhiên phải tan vỡ thôi.

Hán Trung vương mừng lắm, sai quân tiền bộ tư mã là Phí Thi đem cao sắc sang Kinh Châu. Vân Trường ra ngoài quách nghênh tiếp Phí Thi vào thành, đến nơi công sảnh ngồi chơi.


Vân Trường hỏi rằng:

- Hán Trung vương phong cho tôi chức tước gì?

Phí Thi thưa:

- Ngài đứng đầu ngũ hổ đại tướng.

Vân Trường hỏi:

- Ngũ hổ tướng gồm những ai?


Thi nói:

- Quan, Trương, Triệu, Mã, Hoàng.

Vân Trường giận, nói:

- Trương Dực Đức là em ra, Mạnh Khởi là dòng dõi thế gia, Tử Long theo anh ta đã lâu, thì cũng như em ta, ba người ấy cùng hàng với ta đã đành, còn như Hoàng Trung là anh nào mà cũng dám ngang hàng với ta. Đại trượng phu lại thèm ngang hàng với một tên lính già à?

Nói rồi, nhất định không nhận ấn thụ.


Phí Thi cười, nói:

- Tướng quân lầm rồi! Ngày xưa Tiêu Hà, Tào Tham và vua Cao tổ cùng dựng nghiệp lớn rất là thân thiết với nhau, Hàn Tín thì chỉ là một tướng nước Sở đi trốn mà thôi, thế mà Tín được phong vương, ngồi trên Tiêu, Tào. Vậy mà hai người không hề oán giận. Nay Hán Trung vương tuy rằng phong cả năm người làm hổ tướng, nhưng cùng với tướng quân có nghĩa anh em ruột thịt một nhà. Hán Trung vương cũng như tướng quân, tướng quân cũng như Hán Trung vương, người khác ngang hàng thế nào được! Tướng quân đội ơn dày của Hán Trung vương, nên phải hay dở có nhau, hoạ phúc cùng chịu, chớ không nên kể cái chức tước cao thấp làm chi, xin tướng quân thử nghĩ cho kỹ!

Vân Trường bấy giờ mới tỉnh ra, lạy Phí Thi hai lạy mà nói rằng:

- Tôi thiền nghĩ, không thấu, nếu không có ngài dạy cho thì hỏng mất việc lớn.


Nói đoạn, xin nhận lĩnh ấn thụ.

Phí Thi bấy giờ mới đưa dụ chỉ ra sai Vân Trường dẫn quân đến đánh Phàn Thành.


Vân Trường vâng mệnh, sai Phó Sĩ Nhân, My Phương làm tiên phong, dẫn một đạo quân ra ngoài thành cắm trại trước. Còn mình thì ở trong thành, mở tiệc yến thết đãi Phí Thi.


Khi ấy uống rượu mãi đến canh hai chưa tan tiệc, bỗng ở ngoài thành lửa bốc cháy.


Vân Trường vội vàng mặc áo giáp lên ngựa ra xem.


Thì ra hai tướng tiên phong ngồi uống rượu để tàn lửa sau trướng bén vào chỗ thuốc đạn, nên lửa cháy lan ra khắp trại, bao nhiêu lương thảo, khí giới cháy sạch.

Vân Trường dẫn quân vào cứu hoả, đến mãi canh tư mới dập tắt hết.

Vân Trường vào thành, đòi Phó Sĩ Nhân, My Phương vào trách mắng rằng:

- Ta sai hai người làm tiên phong, chưa cất quân đi, đã để cháy mất biết bao nhiêu là lương thảo khí giới, thuốc đạn bắn ra chết hai quân sĩ, hai người làm hỏng như thế, thì để làm gì?

Liền quát sai lôi ra chém.


Phí Thi kêu đỡ cho hai tướng, nói rằng:

- Chưa ra quân, mà đã chém đại tướng của nhà thì bất lợi, xin ngài hãy tạm xá tội cho hai người ấy.


Vân Trường vẫn chưa nguôi giận, mắng rằng:

- Nếu ta không nể có quan tư mã ở đây, thì các ngươi khó toàn được phen này!

Bèn sai quân lôi hai người ra, đánh mỗi người bốn mươi trượng, rồi lột lấy ấn thụ tiên phong, bắt My Phương giữ ở Nam Quận, Phó Sĩ Nhân giữ ở Công An, và dặn rằng:

- Khi nào ta thắng trở về, hễ có lầm lỡ điều gì thì hai tội sẽ trị làm một!

Hai tướng hổ thẹn, dạ dạ trở ra.


Vân Trường sai Liêu Hoá làm tiên phong. Quan Bình làm phó tướng, tự mình thống tĩnh trung quân, Mã Lương, Y Tịch làm tham mưu, kéo quân đi.


Khi trước có con Hồ Hoa là Hồ Ban đến Kinh Châu theo hàng với Vân Trường. Vân Trường nghĩ đến ơn Hồ Hoa cứu mình khi xưa, lấy làm yêu mến lắm, liền cho theo Phí Thi về Xuyên, ra mắt Hán Trung vương để được phong tước, Phí Thi mang theo Hồ Ban đi luôn về Thục.

Hôm ấy, Vân Trường tế cờ "suý” xong nằm nghỉ trong trướng. Chợt thấy một con lợn trong vừa bằng con trâu, mình mẩy đen kịt, chạy xộc vào trong trướng, cắn vào chân. Vân Trường tức giận rút gươm ra chém con thú ấy, thì nó kêu the thé như xé lụa, Vân Trường giật mình tỉnh dậy, té ra một giấc mộng. Thấy chân trái vẫn còn hơi đau đau, Vân Trường nghi lắm, gọi Quan Bình vào thuật lại mộng ấy. Quan Bình giải rằng:

- Lợn cũng có hình tượng giống rồng, rồng cuốn vào chân, là điềm bay nhảy, làm nên thế này thế khác, bất tất phải lo nghĩ làm gì!

Vân Trường lại hội các quan lại hỏi mộng ấy. Người thì nói là hay, kẻ thì đoán là dở, mỗi người nói mỗi phách.

Vân Trường nói:

- Ta nay đã ngót sáu mươi tuổi, dẫu có chết cũng không còn oán hận gì!

Đang nói chuyện, thì có sứ giả ở Thục đến đem tờ sắc của Hán Trung vương, gia phong cho Vân Trương làm tiền tướng quân, được dùng cờ tiết, lưỡi phủ việt, đô đốc cả chín quận Kinh Tương.

Vân Trường bái mạng xong, các quan cùng mừng nói rằng:

- Thế là ứng vào mộng rồng cuốn chân rồi đó!

Bởi thế Vân Trường cũng không nghi kỵ gì nữa, dẫn quân ruổi thẳng đường Tương Dương.

Tào Nhân đang ở trong thành, nghe tin Vân Trường dẫn binh đến, sợ lắm, định giữ trong thành không ra. Phó tướng Địch Nguyên nói rằng:

- Nguỵ vương sai tướng quân ước nhau với Đông Ngô để đánh Kinh Châu. Nay hắn tự dẫn đến là để chịu chết mà thôi, việc gì tướng quân phải tránh?

Tham mưu Mãn Sủng can rằng:

- Tôi biết Vân Trường đã dũng cảm mà lại có mưu trí, không nên khinh địch, cứ giữ thành cho vững là hơn.

Kiện tướng Hạ Hầu Tồn nói:

- Thật là giọng anh học trò! Ngươi há không nghe có câu rằng: "Nước tràn đất lấp, giặc đến quân ngăn” đó ru? Quân ta thong dong ở một chỗ, mà quân kia tự xa đến đây, vất vả tất tưởi, đánh thì tất được, việc gì phải ngồi giữ một xó thành!

Tào Nhân nghe phải tai, sai Mãn Sủng ở nhà giữ thành, còn mình thì dẫn quân ra nghênh địch.

Vân Trường thấy quân Tào đến bèn gọi Quan Bình, Liêu Hoá dặn dò mẹo mực, rồi cho đi trước, cùng với quân Tào dàn trận đánh nhau.


Liêu Hoá ra ngựa khiêu chiến, Địch Nguyên ra địch. Hai tướng đánh nhau được vài hiệp.


Liêu Hoá giả thua chạy. Địch Nguyên đuổi theo, quân Kinh Châu lui về hai mươi dặm.

Hôm sau Liêu Hoá, Quan Bình lại đến, Hạ Hầu Tồn, Địch Nguyên cùng ra đánh, bốn người chia hai cặp kịch chiến bất phân thắng bại.


Quân Kinh Châu lại thua, lui hơn hai mươi dặm nữa.


Quân Tào đuổi theo; bỗng đâu nghe ở mé sau, có tiếng hò reo, trống đánh tù và om ả, Tào Nhân vội vàng thu quân về.


Phía sau Quan Bình, Liêu Hoá thừa thế đánh ập lại, quân Tào bối rối.


Tào Nhân biết là mắc phải mẹo, thúc quân chạy về Tương Dương.


Khi chạy gần đến thành, còn cách vài dặm, thì đã thấy ở mé trước, có một lá cờ thêu bay phấp phới, Vân Trường cầm thanh long đao dùng ngựa đứng chặn ngang đường.


Tào Nhân sợ mất vía, không dám chống cự, Hạ Hầu Tồn không biết lượng sức, xông vào đánh nhau với Vân Trường.


Chỉ một hiệp, bị Vân Trường chém chết.


Địch Nguyên tế ngựa chạy trốn. Quan Bình đuổi kịp, cho một đao nhào xuống ngựa, rồi thừa thế đuổi giết.


Quân Tào lăn xuống sông Tương Giang chết đuối hơn một nửa. Tào Nhân rút về giữ Phàn Thành, thủ hạ đi theo chỉ còn mười mấy kỵ mã.


May mắn tìm được một chiếc thuyền chài, vội vàng qua sông, gặp được Mãn Sủng mang quân tiếp ứng mới vững dạ.


Vân Trường hạ được thành Tương Dương, dụ yên dân chúng, khao thưởng quân sĩ.

Tuỳ quân tư mã là Vương Phủ vào bẩm rằng:

- Tướng quân đánh một trận, hạ được Tương Dương, quân Tào tuy rằng mất vía, nhưng cứ ý tôi nghĩ, thì Lã Mông bên Đông Ngô, hiện đang đóng quân ở cửa Lục Khẩu, có ý muốn dòm Kinh Châu của ta. Nếu hắn đem quân lẻn đến Kinh Châu thì làm thế nào?

Vân Trường nói:

- Ta cũng đã nghĩ đến, ngươi nên về lo liệu việc ấy cho ta: Cứ men theo bờ sông, hoặc cách hai mươi dặm, hoặc cách ba mươi dặm, nên tìm chỗ nào có gò cao, xây mỗi chỗ một cái ụ đốt lửa, mỗi một ụ dùng năm mươi tên lính canh giữ. Khi nào quân Ngô sang sông, đêm thì đốt lửa lên cho sáng, ngày thì đốt cho khói lên để làm hiệu, ta sẽ kéo quân về cứu.


Vương Phủ lại nói rằng:

- My Phương, Phó Sĩ Nhân giữ hai cửa ải, sợ không hết sức, nên dùng một người nữa, để tổng đốc cả Kinh Châu mới xong.

Vân Trường nói:

- Ta đã sai thị trung là Phan Tuấn giữ rồi, việc ấy không phải lo nữa!


Phủ nói:

- Phan Tuấn tính hay ghen ghét, mà lại hám lợi, không nên dùng người ấy. Nên sai quan đô đốc lương thảo là Triệu Luỹ thay vào chức ấy mới xong. Triệu Luỹ là người thành thực liêm chính, nếu dùng người ấy thì mười phần chắc chắn cả mười.

Vân Trường nói:

- Ta cũng biết Phan Tuấn như thế, nhưng đã trót cử rồi, bất tất phải thay đổi nữa. Triệu Luỹ đang coi lương thảo, cũng là việc trọng, ngươi chớ đa nghi quá, cứ về đắp ụ cho ta thôi!


Vương Phủ rầu rầu sắc mặt từ tạ trở ra.

Vân Trường sai Quan Bình sắm sửa thuyền bè, để qua sông Tương Giang đánh Phàn Thành.


Lại nói, Tào Nhân tổn mất hai tướng, lui về giữ Phàn Thành, bảo với Mãn Sủng rằng:

- Tôi không nghe lời ông, đến nỗi hao quân tổn tướng, lại mất cả Tương Dương, bây giờ làm thế nào?

Sủng thưa:

- Vân Trường là hổ tướng ở đời, lắm mưu nhiều trí, ta không nên địch, cứ giữ vững trong thành là hơn cả.

Đang bàn bạc thì được tin Vân Trường kéo quân qua sông đến đánh Phàn Thành. Nhân sợ lắm.


Sủng nói:

- Chỉ nên giữ vững thôi!

Bộ tướng Lã Thường nhảy xổ ra nói rằng:

- Tôi xin lĩnh vài nghìn quân, ra bờ sông đánh giặc.


Sủng can rằng:

- Không nên!

Lã Thường giận, mắng rằng:

- Cứ như bọn quân văn các anh, chỉ biết giữ nhà, thì làm sao đánh lui được giặc? Vả lại không nghe binh pháp có câu rằng: "Binh sang đò nửa chừng nên đánh” đó là! Nay Quan Vân Trường đang sang sông, không đánh còn đợi đến bao giờ nữa? Nếu để giặc kéo đến tận dưới thành, vào đến cạnh hào, thì khó lòng chống cự.

Nhân bèn cấp cho Lã Thường hai nghìn quân, sai ra ngoài thành nghênh địch.


Lã Thường dẫn quân đến cửa sông, trông thấy Vân Trường cưỡi ngựa cầm long đao đứng trước mặt.


Lã Thường muốn lại giao chiến, nhưng quân sĩ trông thấy oai phong Vân Trường lẫm liệt lắm, chưa kịp đánh nhau đã tan chạy.



Lã Thường quát quân cản lại cũng không được. Vân Trường thừa thế đánh sang. Quân Tào thua to, người ngựa dẫm nhau mà chạy, chết mất quá nửa.


Tàn quân chạy về Phàn Thành báo tin.


Tào Nhân sai người về cầu cứu.


Sứ giả đi luôn về Hứa Đô dâng trình tờ thư nói:

- Vân Trường đã phá vỡ Tương Dương, đang vây Phàn Thành nguy cấp lắm. Xin cho một đại tướng đi giải vây.

Tháo trỏ một tướng trong bàn mà rằng:

- Ngươi nên ra đánh giải vây Phàn Thành cho ta!

Tướng ấy dạ một tiếng bước ra, chúng nhìn xem ai thì là Vu Cấm.


Cấm nói:

- Tôi xin đại vương cho một tướng nữa để làm tiên phong, cùng đi với tôi.

Tháo hỏi các tướng:

- Có ai dám làm tiên phong không?

Một người rảo bước ra ngay, nói rằng:

- Tôi xin gắng sức khuyển mã, phen này bắt sống được Vân Trường, về nộp dưới cờ.


Tháo mừng rỡ.

Thế là:

Chửa thấy Đông Ngô sang đánh lén,
Đã trông Bắc Nguỵ lại thêm quân.

Chưa biết người đó là ai, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Mã Lương & Y Tịch & Lưu Bị & Gia Cát Lượng & Quan Vũ


Gia Cát Lượng & Hoàng Trung & Trương Phi & Triệu Vân
& Lưu Bị & Quan Vũ & Mã Siêu & Tào Tháo & Tôn Quyền


Phó Sĩ Nhân & Triệu Lũy


Phí Thi & Hồ Ban

 
Lưu Bị làm Từ Châu mục, Dự Châu mục, là được Tào Tháo mượn chiếu thiên tử phong cho. Khi Bị làm Kinh Châu mục, lại có Tôn Quyền giả bộ dâng biểu xin thiên tử giùm cho, nhưng Tháo thì chưa cho. Đến khi Bị làm Ích Châu mục, thì chỉ tự mình xưng lấy chức. Tuy nhiên, tự xưng chức còn hơn là được Tháo giúp cho. Vì đã coi Tháo là quốc tặc, thì chức tước nhờ Tháo mà có, chẳng quý gì. Lưu Bị làm Tả tướng quân Nghi thành đình hầu, là do chính thiên tử phong cho. Đến khi làm Hán Trung Vương thì chỉ là tự xưng. Nhưng Bị chủ trương đánh quốc tặc, thì chính hợp với ý muốn của thiên tử rồi.

Tờ biểu tâu Hiến Đế có nhắc lại việc Bị cùng vâng mật chiếu với Đổng Thừa. rồi vừa lên ngôi vương, sai ngay Vân Trường đánh Tào, công phá Phàn Thành. Thế là đại nghĩa sáng tỏ như mặt trăng mặt trời. cho nên cuốn sử Cương Mục không chê trách Lưu Bị về việc tự lĩnh Ích Châu mục và xưng Hán Trung Vương vậy.

Tào Tháo áp bức nhà vua để lấy tước công, tước vương. Rồi sau khi chết, lại được con cháu truy tôn là “Đế”. Nhưng các danh hiệu ấy chỉ được xưng ở triều đình. Thiên hạ không thèm biết đến. Chỉ được xưng ở một thời. Đời sau không thèm biết đến. Thiên hạ đời sau không gọi Tháo là đế, là vương, là công, mà gọi là “giặc Tháo”. Đến như Quan Công làm tiền tướng quân là được nước Thục ban cho, thiên hạ không dị nghị gì cả. Được ban tước một thời, mà đời sau thiên hạ cũng không dị nghị. Không những thời ấy phong hầu, phong tướng cho mà đời sau lại còn tôn làm vương, làm đế (Quan Thánh đế). Thế mới biết chỉ có người hay là được kính trọng đời đời. Còn chức cao tước lớn đâu có được trọng mãi mãi?

Tôn Quyền cầu thân với Quan Công: chúng ta hãy thử vì Quan Công mà trả lời rằng: “Hai nhà hòa hay không hòa, chẳng phải vì kết thân hay không kết thân gia! Kìa, Hán Trung Vương chẳng làm rể Đông Ngô đó là gì? Nếu Ngô hầu nghĩ đến tình nghĩa, thì đã có Tôn phu nhân đó. Hà tất phải cầu hôn với họ Quan nữa mới là thân! Thế mà Ngô hầu nỡ đón em gái về, toan tính gây hấn. Không thực lòng với nhau, thì có thêm một cuộc hôn nhân nữa cũng vô ích”. Nếu đem ý ấy mà từ chối cho mềm mỏng khéo léo, thì không đến nỗi thương tổn thể diện Đông Ngô. Tuy nhiên, nếu nói rằng Kinh Châu mất là vì Quan công từ hôn thì cũng không đúng. Con gái Tào Nhân đã lấy em trai Tôn Quyền, mà trận đánh Xích Bích vẫn xảy ra. Con gái Tào Tháo đã làm chánh hậu của Hiến Đế, mà họ Tào vẫn không bỏ cái bụng cướp ngôi Hán. Hai việc này không đủ chứng nghiệm sao? Vả lại, khi Huyền Đức bỏ Đông Ngô trốn về, Tôn Quyền đã sai tướng đuổi theo, muốn giết đi. Đã không nghĩ đến em gái mà tha cho Huyền Đức, thì đời nào Quyền nghĩ đến con gái Quan Công mà không cướp Kinh Châu! Thế thì Quan Công cự tuyệt cuộc hôn nhân không phải là quá. Chỉ có lời nói “con hùm, con chó” là quá đáng vậy.

Lã Phạm làm mối vờ, mà hóa thật. Gia Cát cẩn có hảo ý làm mối thực mà việc không thành, lại gây thù oán. Hoặc nói rằng: “Con trai Tôn Quyền nên nhờ bà cô làm mối, để con gái Quan Công nhờ ông bác chủ hôn”. Nếu muốn “đã thân càng thêm thân” thì sao không nhờ ngay người thân đi thuyết thân? Xin thưa rằng: Bà cô đã bỏ chú dượng mà về. Bà bác chẳng trở lại ông bác nữa. Người trên đã thế thì kẻ dưới rồi cũng đến vậy. Dù Đông Ngô có nhờ Tôn phu nhân cũng không xong đâu!

Nếu Khổng Minh không sai Quan Công tiến chiếm Phàm Thành, thì Kinh Châu có thể không mất. Sai ông lên mặt Bắc đi chiếm Phàm Thành, nhưng nếu cho một đại tướng khác từ Tây Thục ra thay thế ông để giữ Kinh Châu, thì có lẽ Kinh Châu cũng không mất. Thế mà Khổng Minh không nghĩ đến kế ấy. Đó không phải lỗi ở Khổng Minh, chẳng qua là vì… trời vậy. Nếu Quan Công nghe lời Vương Phủ, đừng dùng Phan Tuấn thì ông không đến nỗi chết. Nếu không dùng My Phương, Phó Sĩ Nhân thì ông cũng có thể không chết. Thế mà quan Công cũng không nghĩ ra. Đó không phải vì Quan Công. Cũng chính là vì… trời vậy. Ôi! Người muốn nhà Hán trung hưng, nhưng trời không tựa nhà Hán nữa. Việc đã do trời, còn tránh đường nào?

Hồi này kể chuyện Quan Công đại thắng ở Tương Dương. Hồi sau lại kể việc ông chém Bàng Đức, bắt sống Vu Cấm. Hai việc đều thú vị. Thế mà khi chưa ra quân, đã có hỏa tai báo điềm xấu, lại thêm ác mộng báo tai nạn. Những điều này là mối dây mắc sẵn cho hồi thứ bảy mươi sáu vậy. khơi mối dây cho việc buồn, mà khơi ngay ở lúc chuyện buồn bắt đầu diễn ra… thì không kỳ diệu. Khơi mối dây chuyện buồn, mà khơi ngay ở lúc chuyện vui mở đầu, ấy mới là kỳ. Đây không phải tác giả hữu ý mà viết văn. Thực ra việc thiên nhiên, cổ lai hiếm có. Con người đời nay sao mà nhãn quang ngắn ngủi! Chỉ nhìn rõ cách một tấc mà không nhìn rõ cách một thước. Nhìn xa được một thước, thì cách một trượng lại mù mờ!...
 
Hồi 72
Đầu trang
Hồi 74
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại