Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 20
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Đổng Thừa & Hán Hiến Đế
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 20
Tào A Man ra săn ruộng Hứa Điền;
Đổng quốc cữu vâng chiếu trong nội các.
 

Người vít cánh tay Tào Tháo là Lưu Bị; người quỳ trước mặt Tào Tháo là Quan Vũ.

Lưu Bị nói:

- Người có lòng son như thế nên giữ lại.

Quan Vũ nói:

- Tôi vốn biết Văn Viễn (Trương Liêu) là người trung nghĩa, tôi xin lấy tính mệnh đảm bảo.

Tháo vứt gươm xuống, cười và nói rằng:

- Ta cũng biết Văn Viễn là người trung nghĩa, cho nên đùa đấy thôi.

Tháo bèn tự tay cởi trói cho Trương Liêu, cởi áo ra mặc cho Trương Liêu rồi mời ngồi lên ghế.


Liêu cảm phục, bèn xin hàng.

Tháo cất Liêu lên làm trung lang tướng, cho tước Quan nội hầu, sai đi chiêu dụ Tang Bá. Bá thấy Lã Bố đã chết, Trương Liêu đã hàng, cũng đem quân bản bộ về hàng. Tào Tháo thưởng cho rất hậu.

Tang Bá lại chiêu an được Tôn Quan, Ngô Đôn và Doãn Lễ, chỉ còn có Xương Hi là chưa phục.

Tháo phong cho Tang Bá làm tướng huyện Lương Gia. Lũ Tôn Quan cũng được làm quan cả, Tháo sai lũ ấy giữ mạn bể hai châu Thanh và Từ, rồi sai đem vợ con Lã Bố về Hứa Đô. Tháo mở tiệc khao quân, nhổ trại mang quân về.


Khi Tháo qua Từ Châu, nhân dân đốt hương bái vọng, đông chật cả đường, xin để Lưu Bị ở lại làm thân mục.


Tháo nói:

- Lưu sứ quân công to, hãy vào chầu vua phong tước, rồi sẽ ra nhậm Từ Châu cũng chưa muộn.


Trăm họ lạy tạ. Tháo sai xa kỵ tướng quân là Xa Trụ, quyền lĩnh chức mục Từ Châu.


Tháo đem quân về Hứa Đô, phong thưởng cho các tướng sĩ.


Còn Lưu Huyền Đức thì để nghỉ ngơi ở nhà bên cạnh tướng phủ.


Hôm sau vua Hiến đế khai trào.

Tháo dâng biểu tâu quân công của Huyền Đức và đem Huyền Đức vào chầu vua.

Huyền Đức mặc đồ trào phục, lạy dưới thềm son. Vua truyền cho lên điện, rồi hỏi rằng:

- Tổ người là ai?

Huyền Đức tâu rằng:

- Tôi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh vương, cháu xa đức Hiếu Cảnh hoàng đế, cháu Lưu Hùng và con Lưu Hoằng.


Vua sai lấy sổ tôn tộc ra kiểm xem, rồi sai quan tông chính khanh tuyên đọc:

Hiếu Cảnh hoàng đế sinh mười bốn con, con thứ bảy là Trung Sơn Tĩnh vương tên là Lưu Thắng; Thắng sinh ra Lục Thành đình hầu là Lưu Chính; Chính sinh ra Bái hầu là Lưu Ngang; Ngang sinh ra Chương hầu là Lưu Lộc; Lộc sinh ra Nghi Thuỷ hầu là Lưu Luyến; Luyến sinh ra Khâm Dương hầu là Lưu Anh; Anh sinh ra An Quốc hầu là Lưu Kiến; Kiến sinh ra Quảng Lăng hầu là Lưu Ai; Ai sinh ra Giao Thuỷ hầu là Lưu Hiến; Hiến sinh Tổ Ấp hầu là Lưu Thư; Thư sinh Kỳ Dương hầu là Lưu Nghị; Nghị sinh Nguyên Trạch hầu là Lưu Tất; Tất sinh Dĩnh Xuyên hầu là Lưu Đạt; Đạt sinh Phong Linh hầu là Lưu Bất Nghi; Bất Nghi sinh Tế Xuyên hầu là Lưu Huệ; Huệ sinh ra quan lịnh ở Đông Quận là Lưu Hùng; Hùng sinh Lưu Hoằng; Hoằng không làm quan, sinh ra Lưu Bị.

Vua so trong thế phả thì Huyền Đức vào hàng chú. Vua mừng lắm, mời vào thiên điện, làm lễ nhận họ. Vua bấy giờ nghĩ bụng rằng:

- Tào Tháo lộng quyền, việc nước không tự ta làm chủ. Nay được người chú anh hùng, may ra ta có người giúp.

Vua cho ngay Lưu Bị làm tả tướng quân Nghi Thành đình hầu, mở yến khoản đãi.


Tiệc tan, Lưu Bị tạ ơn trở ra. Tự bấy giờ ai cũng gọi là Lưu hoàng thúc.

Tào Tháo về phủ, Tuân Úc và bọn mưu sĩ vào nói rằng:

- Thiên tử nhận Lưu Bị là chú, chúng tôi sợ có điều bất lợi cho minh công.

Tháo nói:

- Người ấy đã được nhận làm hoàng thúc, ta lấy chiếu vua sai khiến, lại càng phải phục tùng ta lắm. Vả ta lại để cho ở Hứa Đô, tiếng rằng gần vua, nhưng thực ra là ở trong tay ta, ta còn ngại gì. Chỉ lo thái uý Dương Bưu, vốn là thân thích với Viên Thuật. Nếu Bưu làm nội ứng cho hai anh em họ Viên, thì có lẽ hại to, nên phải trừ trước đi.


Bàn thế rồi, Tháo sai ngay người vu cáo cho Dương Bưu thông với Viên Thuật, rồi bắt bỏ ngục, sai Mãn Sủng xét án.

Bấy giờ thái thú Bắc Hải là Khổng Dung ở Hứa Đô, nhân thấy việc ấy, vào can Tháo rằng:

- Dương công vốn bốn đời nay vẫn có đức thanh liêm, há vì nhân việc họ Viên mà bắt tội?

Tháo nói:

- Việc ấy là tự triều đình chớ có tại tôi đâu!

Dung hỏi:

- Ngày xưa, giả thử Thành vương giết Thiệu công, thì Chu công có chối được rằng không biết chăng?

Bất đắc dĩ Tháo phải cách chức Bưu, đuổi về quê.


Bấy giờ có quan Nghi lang là Triệu Phạm thấy Tháo chuyên quyền, làm sớ tâu vua hạch Tháo rằng:

- Tháo tự tiện không tâu vua dám làm tội đại thần, thế là mạn phép quá!

Tháo giận lắm, lập tức bắt Triệu Phạm đem giết. Vì thế các quan ai cũng sợ hãi. Mưu sĩ là Trình Dục nói:

- Nay minh công uy danh mỗi ngày mỗi thịnh, sao không nhân lúc này mà làm việc vương bá?

Tháo nói:

- Thủ tục triều đình còn nhiều, chưa nên kinh động. Ta nên mời vua đi săn, để xem ý tứ các quan ra sao đã.


Tháo liền sai chọn ngựa tốt và chim ưng giỏi, chó săn hay, cung tên đủ cả, trước họp binh ở ngoài thành, rồi mời thiên tử đi săn.

Vua nói:

- Săn bắn không phải là chính đạo.

Tháo thưa:

- Đế vương ngày xưa mùa xuân đi săn gọi là sưu, mùa hạ đi săn gọi là miêu, mùa thu đi săn gọi là kiển, mùa đông đi săn gọi là thú; bốn mùa cùng ra ngoài cõi để biểu thị võ lực với thiên hạ. Nay bốn bể đương lúc nhiễu loạn, bệ hạ chính nên đi săn để giảng việc võ.


Vua chẳng nghe chẳng được, liền lên ngựa Tiêu Diêu, đeo cung khảm ngọc và tên bịt vàng, bày đồ loan giá ra thành. Huyền Đức cùng Quan, Trương ba người đeo cung, dắt ngựa, trong mặc áo giáp che bụng, tay cầm đồ binh khí, dẫn vài chục quân kỵ mã theo vua ra Hứa Xương.

Tào Tháo cưỡi ngựa Phi Diện sắc vàng, dẫn mười vạn quân, cùng vua đi săn ở Hứa Điền. Quân sĩ vây vòng quanh, rộng hơn hai trăm dặm. Tháo sóng ngựa cho đi chỉ kém ngựa vua có một đầu, sau lưng toàn là tướng tâm phúc của Tháo đi theo. Trăm quan văn võ đi tận đằng xa không ai dám đến gần.


Khi vua đi đến Hứa Điền, Lưu Bị nhảy ngựa xuống đứng cạnh đường hỏi thăm sức khoẻ của vua. Vua nói:

- Trẫm muốn xem tài săn bắn của hoàng thúc.


Lưu Bị lĩnh mệnh lên ngựa. Bỗng trông đám cỏ có một con thỏ chạy ra. Bị bắn một mũi tên trúng ngay.


Vua reo lên một tiếng.

Đi qua một cái gò, chợt thấy trong bụi gai một con hươu lớn chạy ra vua bắn luôn ba phát không tin, bèn ngoảnh lại bảo Tháo rằng:

- Ngươi bắn đi!


Tháo xin mượn cung ngọc tên vàng của vua, giương lên bắn một phát, tin ngay giữa lưng, hươu ngã trong đám cỏ.



Các đại thần và các tướng trông thấy lưng hươu có tên bịt vàng, tưởng vua bắn tin, cùng chạy lên trước mặt vua reo: Vạn tuế!

Tào Tháo tế ngựa ra đứng trước mặt vua để nhận lấy những lời chúc mừng.


Trăm quan thấy vậy ai nấy đều tái mặt. Sau lưng Huyền Đức, Quan Vân Trường giận lắm, mày tằm dựng ngược, mắt phượng giương to, cầm đao, thúc ngựa định ra chém Tào Tháo. Huyền Đức biết ý, vội vàng vẫy tay đưa mắt. Quan Công thấy anh ra hiệu, phải chịu đứng im.


Huyền Đức ngoảnh lại mừng Tào Tháo rằng:

- Thừa tướng bắn tài trong đời hiếm có!

Tháo cười nói nhún rằng:

- Ấy cũng nhờ phúc lớn của thiên tử.

Rồi Tháo quay ngựa ngoảnh vào vua chúc mừng, nhưng từ đấy giữ lấy cung khảm ngọc, không trả vua nữa.


Săn bắn xong, Tháo mở một tiệc yến ở Hứa Điền, rồi rước vua về Hứa Đô.

Khi các quan tướng đâu đã về đấy rồi, Quan Vũ mới hỏi Lưu Bị rằng:

- Thằng giặc Tào nó dối vua khinh trên, tôi toan giết nó để trừ hại cho nước, sao anh lại ngăn tôi?

Lưu Bị nói:

- Ném chuột còn phải lo vỡ đồ quý, Tháo đứng cách vua chỉ có một đầu ngựa, mà những người tâm phúc nó đi xúm xít cả chung quanh, nếu em nhân cơn giận làm liều không nghĩ, nhỡ việc không xong, hại đến thiên tử thì có phải tội tại chúng ta không?


Quan Vũ nói:

- Nay không giết thằng giặc ấy tất sinh vạ về sau.

Lưu Bị nói:

- Hãy giữ kín, không được nói một cách vội vàng.


Vua về cung, nghĩ đến việc đi săn hôm ấy, tủi mà khóc, bảo với vợ là Phục hoàng hậu rằng:

- Ta từ khi lên ngôi đến giờ, gặp nhiều gian hùng. Trước thì Đổng Trác, sau thì Thôi, Dĩ. Những điều khổ ải mà người ta chưa từng thấy bao giờ, ta và hoàng hậu đều nếm trải cả. Đến nay gặp Tào Tháo, tưởng nó là bầy tôi xã tắc, không ngờ nó lộng quyền, tác oai tác phúc. Ta trông thấy nó bao giờ là như chông gai cắm vào lưng bấy giờ. Hôm nay đi săn, nó ra nhận lấy lời chúc mừng của các quan, thật là vô lễ. Nay mai tất có vạ, vợ chồng ta chưa biết chết chỗ nào.

Phục hoàng hậu nói:

- Công khanh đầy triều đều ăn lộc nhà Hán, chẳng nhẽ lại không có ai cứu được quốc nạn hay sao?


Phục hoàng hậu chưa nói dứt lời thì có một người ở ngoài bước vào tâu rằng:

- Xin vua và hoàng hậu đừng lo. Tôi xin cử một người có thể cứu được nạn nước.


Vua trông ra thì là bố đẻ Phục hoàng hậu là Phục Hoàn. Vua gạt nước mắt hỏi rằng:

- Quốc trượng cũng biết giặc Tào nó chuyên quyền à?

Hoàn nói:

- Xem như việc bắn hươu ở Hứa Điền thì ai chẳng biết, chỉ vì cả triều văn võ, phi là họ hàng Tháo thì là đầy tớ nó. Nếu không phải quốc thích thì ai chịu hết lòng đánh giặc. Lão thần không có quyền thế gì, khó mà làm nổi việc ấy, nhưng có xa kỵ tướng quân là Đổng Thừa, có thể tin cậy.


Vua nói:

- Đổng quốc cữu nhiều lần liều mình với nạn nước ta vốn đã biết, nên vời vào trong cung để bàn việc lớn.

Hoàn nói:

- Tả hữu ở đây đều là tâm phúc của giặc Tháo, nếu việc tiết lộ sẽ xảy ra vạ to.

Vua hỏi:

- Thế thì nên làm thế nào?

Hoàn nói:

- Tôi có một kế: Bệ hạ nên cho may một cái áo bào và làm một cái đai ngọc, mật ban cho Đổng thừa; ở trong đai để tờ mật chiếu, khi về nhà thấy tờ chiếu, Thừa sẽ ngày đêm nghĩ kế tiến hành, thế thì dù quỷ thần cũng không biết được.


Vua lấy làm phải. Phục Hoàn lui ra.

Vua tự làm tờ chiếu, cắn đầu ngón tay lấy máu viết, mật sai Hoàng hậu may vào trong lần lót gấm tía ở trong đai ngọc; rồi sai nội sứ triệu Đổng Thừa vào.



Thừa vào ra mắt, lễ xong, vua nói:

- Tối hôm qua, trẫm và hoàng hậu nói chuyện lại những sự khổ ải ở Bá Hà khi trước, nhân nhớ đến công to của quốc cữu, nên cho vời vào có mấy lời uý lạo.

Thừa rập đầu lạy tạ. Vua dắt Thừa ra điện đến Thái miếu rồi lên gác công thần. Vua đốt hương lễ xong, dẫn Thừa đến xem tranh truyền thần, bức tranh giữa vẽ tượng Hán Cao tổ.

Vua nói:

- Cao Tổ hoàng đế ta xuất thân ở đâu? Sáng nghiệp thế nào?


Thừa giật mình tâu rằng:

- Bệ hạ hỏi bỡn tôi, việc thánh tổ sao ngài lại chẳng biết. Cao hoàng đế xuất thân làm đình trưởng ở Tứ Thuỷ, cầm thanh gươm ba thước chém rắn khởi nghĩa, tung hoành bốn bể, ba năm phá được nhà Tần, năm năm diệt được nước Sở, bởi vậy mới có thiên hạ, lập cơ nghiệp muôn đời.

Vua bèn nói:

- Quốc cữu thử ngẫm xem: tổ tôn anh hùng như thế mà con cháu thì hèn mạt thế này, chẳng xót lắm ru!

Vua nói thế, rồi trỏ vào hai bức tranh hai bên mà hỏi Thừa rằng:

- Đây có phải Lưu hầu Trương Lương không? Đây có phải Tản hầu Tiêu Hà không?

Thừa tâu rằng:

- Phải, đức Cao tổ khi xưa cũng nhờ sức hai người ấy mà dựng nên cơ đồ.

Vua ngoảnh lại, thấy tả hữu đứng xa cả, mới sẽ bảo Thừa rằng:

- Ngươi cũng nên đứng bên cạnh trẫm như hai người ấy.


Thừa nói:

- Tôi chẳng có tấc công nào, đâu dám sánh với các ông ấy?

Vua nói:

- Trẫm nghĩ công ngươi cứu giá ở Tây Đô, không bao giờ quên, chưa lấy gì trả lại được.

Rồi trỏ vào áo bào và đai bảo Thừa:

- Ngươi mặc áo này, thắt đai này cũng như thường đứng bên cạnh mình trẫm.


Thừa rập đầu lạy tạ. Vua cởi áo cởi đai đưa cho Thừa vào bảo thầm rằng:

- Người về nên nhìn cho kỹ, đừng phụ lòng trẫm!


Thừa biết ý, mặc áo đeo đai, rồi bái từ xuống gác trở ra.

Có người báo với Tào Tháo rằng:

- Thấy vua cùng Đổng Thừa lên gác công thần nói chuyện.

Tháo lập tức vào triều xem.

Đổng Thừa đi ra, vừa qua cửa cung, gặp ngay Tào Tháo đến, không thể ẩn núp vào đâu được, phải đứng ở cạnh đường, vái chào. Tháo hỏi:

- Quốc cữu đi đâu vậy?

Thừa nói:

- Thiên tử vừa cho vời vào ban cho áo gấm và đai ngọc này.


Tháo nói:

- Nhân việc gì mà vua ban cho thế?

Thừa nói:

- Nhân thiên tử nhớ đến công cứu giá ở Tây Đô ngày xưa nên ban cho những đồ quý ấy.

Tháo nói:

- Cởi đai cho ta xem!


Thừa cũng đoán trong đai có mật chiếu, sợ Tháo khám thấy, ngần ngừ không cởi. Tháo sai tả hữu lột ra, cầm trong tay lật đi lật lại, xem xét tủ mỉ, không thấy manh mối khả nghi nào.


Tào Tháo buộc đai ngọc vào mình rồi hỏi tùy tùng:

- Các ngươi trông thế nào?

Đám tùy tùng đồng thanh:

- Đẹp, rất đẹp


Tào Tháo đòi Đổng Thừa tặng đai ngọc cho mình. Đổng Thừa bảo rằng của chúa thượng ban cho, không dám trao tặng. Tào Tháo cười nói:

- Chắc rằng trong đai có gì đó.

Đổng Thừa giật mình nói:

- Đâu dám thế, nếu thừa tướng muốn thì xin hãy giữ lấy.


Tào Tháo cười nói:

- Ta nói đùa thôi, chúa thượng ban cho ông, ta sao nỡ lấy.

Bèn cởi đai ngọc trả lại Đổng Thừa.


Thừa từ biệt Tháo về nhà, đến đêm ngồi một mình trong thư phòng, đem áo bào ngắm đi ngắm lại, chẳng thấy gì. Thừa nghĩ: "Vua cho áo và đai, dặn xem kỹ, tất là có thâm ý nay không thấy dấu vết gì là cớ làm sao”. Lại đem đai ngọc ra xem, chỉ thấy ngọc trắng lóng lánh, thêu con rồng nhỏ vờn trong đám hoa, đằng sau lót gấm đỏ, đường chỉ thực vuông vắn phẳng phiu, tịnh không có một dấu vết nào.


Thừa lấy làm ngờ, đặt ở trên án thư, giở đi giở lại tìm tòi. Lúc lâu, mỏi lắm, Thừa toan nằm xuống nghỉ, bỗng nhiên hoa đèn rơi vào đai, cháy đến lần lót. Thừa vội vàng gạt đi, nhưng đã cháy hết một chỗ, lộ ra lần lụa trắng, trông hình như có vết máu.


Thừa lấy ngay dao tách ra xem, thì thấy tờ mật chiếu của vua, viết bằng máu. Trong chiếu nói rằng:

"Trẫm nghe: Trong đạo nhân luân, cha con là trọng; trong phận tôn ty, vua tôi là trọng. Lâu nay giặc Tháo hống hách lộng quyền, khinh rẻ quân phụ, kết hợp bè đảng, làm nát chính thế của triều đình; thưởng, phạt, sắc, phong, lấn cả chủ quyền của trẫm. Trẫm đêm ngày lo nghĩ, sợ thiên hạ nguy cấp đến nơi. Ngươi là đại thần nhà nước, lại là chí thân với trẫm, nên nhờ đến Cao Đế ngày xưa, dựng nghiệp khó nhọc, tập hợp lấy người trung nghĩa, trừ giết kẻ gian thần, để yên xã tắc, thì may cho tổ tông nhà Hán lắm.

Trẫm cắn ngón tay lấy máu, viết thư cho ngươi, ngươi nên nghĩ ba bốn lần cho kỹ, chớ phụ ý trẫm.

Niên hiệu Kiến An, năm thứ bốn, tháng ba, viết tờ chiếu này”.

Đổng Thừa xem xong, nước mắt chảy ròng ròng, suốt đêm không ngủ được.


Sớm ngày đứng dậy, Thừa lại đến thư phòng xem lại tờ chiếu hai ba lần, chưa nghĩ được mưu kế gì. Thừa bèn đặt tờ chiếu trên ghế, lo tìm kế trừ Tào, nhưng chưa nghĩ được kế gì thì nhọc quá gục xuống kỷ ngủ thiếp đi.


Chợt có quan thị lang là Vương Tử Phục đến chơi. Người nhà biết Tử Phục với Đổng Thừa là chỗ bạn thân, không dám ngăn trở. Tử Phục vào thẳng tư phòng, thấy Thừa ngủ say, ở dưới tay áo lại để một mảnh lụa trắng hơi lộ ra chữ "Trẫm”.


Tử Phục lấy làm nghi, sẽ nâng tay áo, cầm lấy mảnh lụa, xem xong, giấu vào ống tay áo mình, rồi đánh thức Thừa dậy:

- Quốc cữu thật là rỗi quá! Sao mà ngủ được kỹ thế?


Thừa giật mình, nhìn không thấy tờ chiếu, sợ hãi mất vía, chân tay luống cuống.

Tử Phục nói:

- Ngươi định giết Tào công, ta phải ra thú!

Thừa khóc nói rằng:

- Nếu anh làm thế, nhà Hán hỏng mất!

Tử Phục nói:

- Ta nói đùa đó, tổ tôn ta mấy đời ăn lộc nhà Hán, há lại không có lòng trung? Ta xin giúp anh một tay để giết thằng quốc tặc.

Thừa nói:

- Anh có bụng ấy, thực là may lớn cho nhà nước!

Tử Phục cầm tay Đổng Thừa, dắt vào nhà trong mà nói rằng:

- Nên vào mật thất, để cùng lập nghĩa trạng, liều bỏ ba họ để báo ơn vua.

Thừa mừng lắm, lấy ngay một bức lụa trắng, trước ký tên mình vào, rồi Tử Phục cũng ký tên.


Ký xong, Tử Phục nói:

- Tôi có người bạn thân là tướng quân Ngô Tử Lan, nên để cho ông ấy cùng bàn mưu với ta.

Thừa nói:

- Trong cả đám đại thần chỉ có tràng thuỷ hiệu uý Chủng Tập và nghị lang Ngô Thạc là tâm phúc với tôi. Hai người ấy tất cũng cùng bàn mưu với ta được.

Đang bàn chuyện, người nhà vào báo có Chủng Tập và Ngô Thạc đến chơi.

Thừa nói:

- Thực là trời giúp ta đó!


Thừa bảo Tử Phục hãy núp vào sau bình phong, mời hai người vào thư viện, ngồi chơi uống nước. Uống nước rồi, Chủng Tập hỏi Đổng Thừa rằng:

- Việc đi săn ở Hứa Điền, ông có tức không?

Thừa nói:

- Tức thì tức, nhưng làm gì được?

Thạc nói:

- Ta muốn giết nó đi, nhưng giận rằng chẳng có ai giúp đỡ.

Tập lại nói:

- Trừ hại cho nước, dù có chết cũng không tiếc gì thân.


Bấy giờ Vương Tử Phục núp ở sau bình phong mới chạy ra nói rằng:

- Các ngươi muốn giết Tào công, ta phải ra thú, hiện có Đổng quốc cữu làm chứng.

Chủng Tập nổi giận nói rằng:

- Chúng ta là trung thần có sợ gì chết! Chúng ta chết làm ma nhà Hán, còn hơn nhà ngươi sống mà a dua với đứa phản tặc.


Đổng Thừa cười nói rằng:

- Chúng tôi cũng vì việc ấy mà muốn tiếp hai ông ở đây để bàn, Vương thị lang nói đùa đó.

Nói rồi móc ống tay áo, lấy tờ mật chiếu ra đưa cho hai người xem. Hai người đọc chiếu, nước mắt tuôn ra hai hàng.

Thừa mời hai người ký tên. Tử Phục nói:

- Xin ba ông hãy ở đây, để tôi đi mời Ngô Tử Lan nữa.


Tử Phục đi được một hồi, rồi cùng với Tử Lan đến. Mọi người chào nhau, cùng ký tên cả. Thừa mời vào nhà trong uống rượu.


Chợt có quân vào báo rằng:

- Có thái thú Tây Lương là Mã Đằng đến thăm.

Thừa bảo đầy tớ ra nói dối rằng Thừa mệt không ra tiếp kiến được.


Lính canh cửa ra bảo thế, Mã Đằng giận nói rằng:

- Tối hôm qua ở ngoài cửa Đông Hoa, trông thấy mặc áo gấm đeo đai đi ra, nay cớ sao lại nói dối rằng ốm? Ta không phải vô cớ đến đây, sao lại từ chối ta?

Lính canh vào lại kể rõ Mã Đằng giận và nói những gì, Thừa mới đứng dậy nói rằng:

- Xin các ông ngồi chờ tôi đây, để tôi ra một lát thôi.


Rồi Thừa ra mời Mã Đằng vào công đường. Chào lễ xong, ngồi yên rồi. Đằng mới trách rằng:

- Tôi vào chầu sắp trở về, cho nên lại đây để từ biệt, sao lại cáo bệnh không muốn tiếp?

Thừa nói:

- Vì mới bị đau cho nên không ra nghênh tiếp được, xin chịu tội với sứ quân.

Đằng nói:

- Mặt phớn phở xuân sắc thế kia, bệnh ở đâu thế?


Thừa không biết trả lời thế nào. Đằng vung tay áo đứng dậy, than thở bước xuống thềm nói rằng:

- Lũ này không phải là những kẻ cứu nước!

Thừa thấy nói thế, cố giữ lại hỏi rằng:

- Ông bảo ai không phải là người cứu nước?


Đằng nói:

- Việc đi săn ở Hứa Điền ta còn tức đầy ruột, ông là chí thích của nhà nước, cứ mê mải về tửu sắc, chẳng lo gì đến việc giết giặc, sao được gọi là người phù tai cứu nạn của nhà vua?

Thừa còn sợ Đằng đánh lừa, giả cách giật mình nói rằng:

- Tào thừa tướng là đại thần nhà nước, triều đình trông cậy vào cả, sao ông dám nói thế?

Đằng hầm hầm mặt lại mắng rằng:

- Ngươi còn cho thằng giặc Tào là người tốt à!


Thừa xua tay nói:

- Ở đây tai vách mạch rừng, xin ông nói khẽ chứ!

Đằng lại mắng rằng:

- Đối với đồ ham sống sợ chết không thể cùng bàn việc lớn!

Nói xong đứng dậy toan về. Thừa biết Mã Đằng là người trung nghĩa, mới nói rằng:

- Ông hãy nguôi cơn giận, xin xem cái này!


Liền mời Mã Đằng vào thư phòng, lấy tờ chiếu cho xem. Đằng đọc xong, tóc lông dựng ngược cả lên, nghiến răng rít lưỡi, máu chảy đầy mồm, bảo Thừa rằng:

- Hễ ông khởi sự, tôi xin đem cả quân Tây Lương đến làm ngoại ứng.


Đoạn Mã Đằng trỏ vào năm người ngồi trên nói rằng:

- Giá ta được mười người cùng như thế này cả thì việc tất phải xong.

Thừa nói:

- Người trung nghĩa không thể có nhiều, nếu cộng sự với những người không ra gì thì lại làm hỏng việc.


Mã Đằng mượn sổ tên các quan trong triều xem một lượt, từng tên một, để tính xem đồng mưu ước được bao nhiêu người. Xem đến chỗ tôn tộc họ Lưu, Đằng vỗ tay lên hỏi rằng:

- Sao không bàn với người này?

Mọi người hỏi:

- Người nào vậy?

Mã Đằng thong thả nói tên người ấy ra.

Thế thực là:

Vốn là quốc cữu vâng lời chiếu
Lại gặp tôn thần giúp việc vua.

Chưa biết Mã Đằng nói ai, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Phục Hoàn & Quản Ninh & Khước Lự


Lưu Bị


Trương Liêu

 
Đời Tần Nhị Thế, Triệu Cao trỏ con hươu mà nói rằng… con ngựa, để dò ý các quan triều thần thuận, nghịch thế nào. Đời Tam Quốc, Tào Tháo lại “bắn hươu” để dò lòng các quan, coi ai theo ai chống. Tâm địa kẻ gian hùng sao mà trước sau giống nhau như một vậy? Đến như việc “mượn cung không trả”, trước giả mượn để rồi sau chiếm lấy thực thụ, há phải chỉ một cây cung mà thôi đâu! Cái ngôi thiên tử rồi cũng bị “mượn” như vậy đó. Việc tuần thú Hà Dương là do bầy tôi “mời vua”. Việc săn bắn ở Hứa Điền cũng là người trên phải theo ý kẻ dưới. Cả hai việc đều không dọ ý thiên tử. Tuy nhiên Trùng Nhĩ đem chư hầu ra để chầu vua, Tào Tháo thì thay thế thiên tử mà nhận những lời chúc mừng. Tào Tháo không đáng được ví với Trùng Nhĩ vậy.

Quan Công muốn chém đầu Tào Tháo ở Hữu Điền tức là muốn làm bổn phận kẻ thần để nêu rõ đại nghĩa. Lưu Huyền Đức không giết Tào Tháo lúc ấy là muốn mưu việc vạn toàn chắc chắn cho đấng quân phụ vậy. Kẻ ác ở ngay bên vua, thật khó trừ vô cùng. Phía trước, phía sau, bên tả, bên hữu đều là kẻ tâm phúc, là nanh nhọn vuốt sắc của kẻ quyền gian; giết quyền gian mà vạ vào thân mình còn tai hại vừa. Chứ giết quyền gian mà gieo vạ cho quân phụ, thì chẳng những không lập được “công chi thủ” mà còn mang lấy “tội chi khôi”. Không thận trọng sao được!

Đổng Thừa trước đã đánh Lý Thôi, Quách Dĩ để cứu giá. Nay nếu lại giết được Táo Tháo, ấy là cứu giá lần thứ hai vậy. Mã Đằng trước đã cùng Hàn Toại đánh Thôi, Dĩ, đã từng vâng mật chiếu một lần. Nay lại cùng Đổng Thừa mưu giết Tháo, tức là Đằng vâng mật chiếu lần thứ hai vậy. Ở trên tác giả (bộ Tam Quốc) tả rõ việc cứu giá bằng “thực bút”. Đến đoạn này tác giả tả cứu giá bằng “hư bút”. Việc dâng chiếu lúc trước (Mã Đằng) được trình bầy bằng hư văn, việc vâng chiếu lần sau (Đổng Thừa) được tả bằng thực bút. Khi hư, khi thực, đắp đổi biến hóa thật là kỳ diệu. Lại khéo ở chỗ bẩy người vâng “chiếu đai áo”, người thì trực tiếp nhận tờ chiếu, người thì nhận lại qua tay người khác, người thấy tờ chiếu trước, kẻ thấy sau, người ước hẹn đến nơi, kẻ tự mình tìm đến. Hai người cùng đến cũng có, một người đến riêng cũng có. Người đau lòng tê tái mà sa lệ, kẻ nghiến răng cắn môi chảy máu căm hờn. Văn quang rõ ra thái độ văn quan; võ tướng rõ vẻ khí khái của võ tướng. Không ai giống ai, mà người nào cũng như được tác giả vẽ nên. Chuyện Tam Quốc thật là một tác phẩm tự sự hảo diệu vậy.

Cái tội “vô quân” của Tháo, đến việc “bắn hươu” ở Hứa Điền mới rõ rệt sờ sờ ra. Nếu kẻ nhân thần (Lưu Bị) không nghĩ tới kế lớn cao xa là đế vương sự nghiệp, ắt đã giết Tháo ngay. Việc Viên Thuật tiếm đế hiệu đã mặc nhiên rõ rệt. Việc Tháo soán nghịch thì cũng đã thấy dấu hiệu báo trước, sắp rõ rệt rồi. “Sắp rõ” với “đã rõ” thì tội cũng như nhau. Cho nên bắt đầu từ khi có “tờ chiếu trong đai áo” này về sau, phàm những vụ khởi binh chống Tháo, đều được gọi là khởi binh đánh “giặc” vậy.

Trước kia đã có Hà quốc cữu mưu tru diệt lũ hoạn quan. Đến đoạn này lại có Đổng quốc cữu mưu tru diệt gian tướng. Hai việc thấp thoáng đối chiếu nhau, nhưng hai người không thể cùng được đánh giá như nhau. Vì Hà Tiến có tội đánh thuốc độc giết Đổng thái hậu. Đổng Thừa có công đánh Lý Thôi, Quách Dĩ. Tiến bị Linh Đế ngờ ghét, thường muốn giết đi. Thừa được Hiến Đế nghiêng lòng phó thác tin cậy. Thừa với Tiến, kẻ hiền người xấu, không giống nhau. Chỉ giống nhau ở điểm… cùng thất bại cả! Hà Tiến thất bại vì không quyết đoán. Đổng thừa thất bại vì không cẩn mật đề phòng. Vua không kín đáo thì thiệt mất bề tôi. Bề tôi không kín đáo thì thiệt mất… thân mình!

Ôi! Việc vâng một chiếu, lo trừ gian tướng là việc tối cần thận trọng, kín đáo, sao lại tụ tập năm, sáu người ngồi uống rượu bàn bạc ồn ào chích máu thề thốt, và còn lập tờ nghĩa trạng ghi họ ký tên rành rành như thế? Tránh sao cho khỏi tiết lộ?

Tuy Nhiên, “mưu sự tại nhân, thành sự tại… thiên”. Khi số nhà Hán đã hết, thì Đổng Thừa không thể cứu vãn được nữa vậy.
 
Hồi 19
Đầu trang
Hồi 21
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại