Tấm gương
Con người tự do vẫn là ý niệm xa lạ
 
TS Giáp Văn Dương. Chân dung hội họa: Hoàng Tường/ SGTT


Tự do là khởi nguồn của giải pháp

-Xã hội biến động mạnh đã tác động rất lớn đến hệ giá trị của người trẻ. Anh nhìn nhận thế nào về hệ giá trị hiện nay của giới trẻ, nó có bị cuốn theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài? Giới trẻ có đang thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước, xã hội như nhiều "người lớn" vẫn nói?

TS Giáp Văn Dương: Đúng là đang có hiện tượng xã hội đang chạy theo các giá trị ảo, nặng về hình thức bên ngoài. Điều này đã được nhiều người lên tiếng và cảnh báo như một sự xuống cấp chung về đạo đức, lối sống, văn hóa...

Sự xuống cấp này không chỉ ở trong giới trẻ, mà ở mọi tầng lớp khác, kể cả lãnh đạo. Với những người có địa vị và quyền lực, điều này còn hiển hiện rõ ràng hơn, vì đơn giản là họ có phương tiện để thực hiện nó. Vì thế, nói giới trẻ đang chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài, dù là một mô tả đúng thì cũng không đủ sâu, và có phần né tránh vì không xét đến bối cảnh chung.

Trước khi quy kết cho người trẻ chạy theo giá trị ảo, hời hợt bên ngoài thì thế nào là giá trị ảo, hời hợt cũng là điều cần bàn xét. Nói một giá trị là ảo chỉ khi có một giá trị thật bền vững làm đối chứng. Giá trị thật này phải được thử thách qua thời gian, không gian, tức có tính phổ quát.

Nhưng các giá trị phổ quát đó chưa chắc đã được chào đón, và được coi là giá trị thật ở Việt Nam. Cái truyền thống thì bị quy kết là phong kiến cổ hủ, cái đương đại thì ngăn chặn và gắn mác ngoại lai thù địch. Người trẻ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên chán nản, mất định hướng.

Nhiều lúc tôi thấy người trẻ như con cá trong giỏ cua, quay bên nào cũng bị cặp, nên chỉ biết giãy giụa.

Đây không hẳn chỉ là một quán tính văn hóa, mà dường như còn là cả một kế hoạch.

Trong hoàn cảnh đó, giới trẻ sẽ làm gì?

Họ sẽ chạy theo bất cứ thứ gì mới lạ mà họ tiếp xúc, như thần tượng các cầu thủ bóng đá, các ca sĩ nước ngoài. Vậy nói rằng người trẻ đang chạy theo những giá trị ảo, hời hợt bên ngoài là không công bằng. Họ làm vậy vì trong sâu thẳm, họ không có lựa chọn nào khác. Họ cũng chưa đủ trưởng thành để tạo ra các lựa chọn cho mình và người xung quanh.

Không thể bắt một dòng sông chảy ngược. Cho nên cũng không thể bắt người trẻ trẻ lại những giá trị cũ, dù là đúng với các thế hệ trước, nhưng lại trở nên lạc hậu trong đời sống đương thời. Nếu thực sự vì người trẻ và vì đất nước, cái duy nhất mà "người lớn" nên làm là hãy để cho người trẻ được tự do lựa chọn, tự do định đoạt số phận mình.

Có thể bạn sẽ lấy ví dụ người trẻ chỉ biết chạy theo tiền để minh chứng cho việc giới trẻ chạy theo các giá trị ảo bên ngoài. Điều này cũng lại không công bằng nữa. Khi không có một thang giá trị tinh thần đủ mạnh làm định hướng, hoặc không có các giá trị tâm linh có tính cách thiêng liêng để tôn thờ, thì họ sẽ chọn thứ gì dễ nhìn thấy nhất, dễ đo đạc nhất, có quyền năng tức thời nhất để làm chuẩn. Đó là tiền. Vì vậy, nên hiểu việc chạy theo tiền như một chỉ dấu về tình trạng khô hạn trong đời sống tinh thần của toàn xã hội, chứ không phải là chạy theo một giá trị ảo, hời hợt bên ngoài của giới trẻ.

Làm giàu không phải là xấu, càng không phải là ảo. Làm giàu là xu hướng tất yếu nếu đất nước muốn giàu mạnh lên. Làm sao một đất nước có thể giàu mạnh nếu những công dân của nó không muốn làm giàu, không khát khao một sự trỗi dậy??

Do đó, nếu phải nói gì về hệ giá trị hiện nay của người trẻ, thì đó là không có hệ giá trị nào cả. Không có hệ giá trị chủ đạo. Những câu chuyện lớn, lý tưởng lớn đã không còn sức thuyết phục. Cái mường tượng, cái được rao giảng quá khác với thực tế. Những mệnh đề chắc nịch như chân lý bỗng chỗng trở thành vô nghĩa trong hoàn cảnh mới. Tất cả đều nhảm nhí hết rồi!

Điều đáng quan tâm hiện giờ chỉ là những mảnh vụn cuộc đời. Kiếm tiền, ăn, chơi, lên Facebook tán gẫu chuyện đời, than thở, khoe con, khoe quần áo, khoe người yêu... tích cực lắm thì cũng lang thang đây đó như trào lưu "phượt" cho đỡ tù túng. Tức là những câu chuyện nhỏ, những chia sẻ nhỏ, những mảnh vụn cuộc đời mới là cái đáng quan tâm và khả tín. Bạn có thể gọi nó bằng một tên gọi đầy tính thời thượng, như "hậu hiện đại" chẳng hạn, hay bất kể một cái tên nào khác mà bạn muốn.

Điều này không xấu. Điều này cũng không đáng trách. Nếu so với điều vô nghĩa vĩ mô thì đây lại là cứu rỗi. Trong những mảnh vụn nhỏ, ý nghĩa sẽ trỗi dậy để thay cho điều vô nghĩa vĩ đại sáo mòn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh Việt Nam đang đòi hỏi một sự vượt lên, một sự quy tụ nguồn lực để phát triển, thì đây là một trở ngại lớn.

Còn người trẻ có thờ ơ với những vấn đề lớn của đất nước không ư? Nhiều người cho rằng có, và buộc tội người trẻ như vậy. Nhưng họ đã không xét đến một thực tế: bằng cách này hay cách khác, người trẻ đang bị tước đoạt quyền tham gia định đoạt những vấn đề lớn của đất nước.

Trật tự hiện tại đang muốn người trẻ tuân thủ, chứ không phải là định đoạt.

-Anh thường nhấn mạnh đến vai trò của của tự do nội tại. Với giới trẻ, tự do quan trọng đến mức nào trong việc định vị bản thân? Và nó giúp gì cho họ khi đối mặt với khó khăn, khủng hoảng?

Với riêng tôi, việc khám phá ra tự do nội tại là một bước tiến đáng kể trong đời sống cá nhân, đặc biệt trong việc nhận thức bản thân mình. Thường thì tự do nội tại bị các tầng nấc luật lệ, văn hóa, thói quen, quán tính... che khuất; hoặc bị quên lãng bởi sự bận rộn của đời sống thường ngày. Nhưng khi được khám phá ra, tự do nội tại sẽ là khởi nguồn cho một đời sống tươi mới đầy tỉnh thức.

Có thể ví tự do nội tại, tuy vô hình nhưng lại như cánh đồng mênh mông cho mỗi người tự do khai phá gieo trồng. Thành quả của sự gieo trồng này chính là sự trù phú trong đời sống tinh thần của ai tìm ra nó. Nếu đời sống tinh thần nghèo nàn hay đang bị sa mạc hóa, thì nguyên nhân có một phần đến từ sự bỏ quên và bỏ hoang cánh đồng này.

Vì là tự do nội tại, nên nó là thứ tự do bất khả tước đoạt. Chính vì thế, đây là pháo đài cuối cùng mỗi người dùng để bảo vệ phẩm giá và các giá trị cá nhân của mình. Nói cách khác, đó chính là nơi để mình phát triển một cách trọn vẹn nhân cách của mình.

Với người duy lý, tự do nội tại tạo ra một điểm tựa lý thuyết cho người ta tự tin, vượt qua các rào cản tâm lý và cả sự sợ hãi, để định đoạt cuộc đời mình, và sống cuộc đời mình mong muốn.

Thật may mắn, tự do nội tại là thứ tự do bất khả tước đoạt, tồn tại trên cơ sở lý tính của con người, nên về mặt lý thuyết, trong mọi hoàn cảnh con người ta đều có thể lựa chọn để sống như mình muốn. Đây chính là cơ sở để con người tự giải phóng mình và chủ động định đoạt cuộc đời mình theo chiều hướng mà mình cho là tốt nhất.

Với người trẻ, khi nhân cách còn đang trong quá trình định hình, gương mặt và thân phận mình còn đang được tạc vẽ, thì tự do nội tại, và sau đó là tự do của môi trường bên ngoài, đóng vai trò quyết định trong việc định hình và định vị bản thân mình. Tự do cho phép họ thực hiện những việc mà họ cho là phù hợp nhất với cá nhân họ. Nói cách khác, tự do cho phép mỗi người tự đúc tạc cuộc đời mình.

Vì sao ư? Vì tự do bao giờ cũng gắn liền với lựa chọn, nên khi có tự do, người ta sẽ có lựa chọn. Và khi lựa chọn, người ta đã thực hiện hành động đầu tiên và cơ bản nhất trong đời sống của mình với tư cách một con người.

Nếu phân tích sâu hơn sẽ thấy, lựa chọn chính là hành động ở cấp độ cơ bản nhất. Lựa chọn chính là bản lề giữa cái bên trong và bên ngoài, giữa cá nhân và xã hội. Vì thế, về mặt logic, mọi hoạt động của con người đều có thể phân tích thành một chuỗi các lựa chọn liên tiếp.

Tự do cho phép con người ta được lựa chọn, vì thế giúp con người được thực hiện những hành động có lý trí, có ý nghĩa, có nhân tính một cách chủ động. Nói cách khác, tự do giúp cho con người ta được tự định đoạt số phận mình để sống một cuộc sống chủ động và có ý nghĩa.

Còn tự do có giúp gì trong khó khăn khủng khoảng hay không ư? Khi gặp khó khăn, chính tự do sẽ là khởi nguồn của giải pháp. Vì tự do cho phép lựa chọn, mà giải pháp suy cho cùng chỉ là một chuỗi các lựa chọn tối ưu.

Vì thế có thể nói, tự do chính là nguyên ủy sâu xa của mọi sáng tạo, mọi giải pháp trong lúc khó khăn, khủng hoảng.

Khởi đầu bằng biết đặt câu hỏi

-Anh đã học tập và tham gia giảng dạy tại một số nước trên thế giới. Theo quan sát của anh, nền giáo dục tại các quốc gia này đã trang bị cho tự do của người trẻ cũng như khả năng, kỹ năng vượt qua khủng hoảng ra sao?

Trong những nơi tôi đi qua, không hẳn nơi nào cũng chủ động trang bị cho sinh viên một hành trang về tự do. Nhưng ở các nền giáo dục tiên tiến, tinh thần tự do đã thấm vào máu mỗi người. Nhà trường chỉ tạo điều kiện cho tinh thần đó được sinh sôi, luân chuyển trơn tru và rèn luyện cho thêm vững chắc.

Họ có các chương trình và phương pháp thích hợp để giúp người trẻ tự do thể hiện mình, tự do chủ động định hình tính cách và cuộc đời mình. Từ đó người trẻ hiểu được vai trò và giá trị của tự do. Đó là lý do vì sao khi tự do bị đe dọa họ, dù là tự do cá nhân hay tự do chung của cộng đồng, họ lại thường có những phản ứng không nhân nhượng.

Song song với việc làm cho người trẻ thấm nhuần tinh thần tự do, các nền giáo dục đó cũng giáo dục cho người trẻ của mình về trách nhiệm công dân. Con người tự do và trách nhiệm công dân là hai đặc trưng không thể tách rời của một người trưởng thành. Nếu con người tự do giúp mỗi người hoàn thiện bản thân mình với tư cách một cá nhân, thì trách nhiệm công dân giúp cho xã hội mà cá nhân đó là một thành viên thêm bền vững.

Đã là con người thì bao giờ cũng có hai thuộc tính cá nhân và xã hội, do đó, con người tự do và trách nhiệm công dân luôn gắn chặt với nhau, như hình với bóng. Vì thế có thể nói ngắn gọn, với các nền giáo dục tiên tiến, con người tự do và trách nhiệm công dân là đích đến của giáo dục.

Khi có con người tự do và trách nhiệm công dân, người trẻ sẽ tự động tìm ra giải pháp để vượt qua khó khăn, khủng hoảng. Còn vượt qua như thế nào thì chỉ là những vấn đề mang tính kỹ thuật.

-Xét về khía cạnh trên, giới trẻ Việt Nam có quá thiệt thòi?

Quả thật là giới trẻ Việt Nam rất thiệt thòi khi ý niệm về con người tự do vẫn là một điều xa lạ, và xa xỉ, trong xã hội. Trong suốt thời phổ thông và đại học, tôi chưa từng một lần nghe các thày cô của mình nói đến con người tự do, vì bản thân họ cũng không có ý niệm này.

Cái được nói đến thường xuyên hơn là trách nhiệm công dân. Vì thế, cân bằng giữa con người tự do và trách nhiệm công dân bị phá vỡ. Con người tự do bị bóp nghẹt, chỉ còn trách nhiệm công dân.

Điều này đã thể hiện ra dưới rất nhiều dạng thức khác nhau, như sự triệt tiêu của sáng tạo cá nhân, coi thường cá nhân mà chỉ đề cao tập thể. Mô hình kinh tế tập trung bao cấp, mô hình hợp tác xã nông nghiệp, cách tổ chức nghiên cứu khoa học, giáo dục theo kiểu "hợp tác xã khoa học" v.v. cũng là những dạng tồn tại cụ thể của sự mất cân bằng này.

Vì thế, với những giá trị là hiển nhiên của thế giới, thì người trẻ Việt Nam vẫn còn phải làm quen và chật vật tiếp thu, nhiều khi trong cấm cản vì động chạm đến những trật tự cũ. Đó thực sự là một điều rất thiệt thòi.

-Giới trẻ phải tự giáo dục và đào tạo cho mình những gì để vượt qua được khủng hoảng? Anh có kinh nghiệm nào có thể chia sẻ từ những gì bản thân anh đã trải qua?

Giới trẻ phải tự đào tạo những gì ư? Mỗi người sẽ có câu trả lời riêng. Không có giải pháp vạn năng cho các vấn đề của tất cả mọi người. Nhưng giải pháp cho mỗi người sẽ đến từ việc biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh. Vì biết đặt câu hỏi và biết hoài nghi lành mạnh là đã khởi đầu cho việc tự giáo dục và đào tạo mình rồi.

Từ việc đặt câu hỏi sẽ dẫn đến các câu trả lời, hoặc ít nhất cũng là hành trình đi tìm câu trả lời. Mọi việc sẽ sáng dần ra. Đến một lúc nào đó, mọi cái u mê bùng nhùng sẽ tan biến. Mọi việc sẽ trở nên rõ ràng. Bạn sẽ biết mình là ai, mình cần phải làm gì, và vì sao mình lại làm như vậy. Tức là bạn đã được khai minh và trưởng thành.

Kinh nghiệm của tôi là đừng tin bất cứ thứ gì mà mình chưa trực tiếp kiểm chứng hoặc trải nghiệm. Nếu bạn nói về vấn đề nào đó mà chưa từng đặt câu hỏi đó là gì và tìm cách trả lời nó, thì mọi điều bạn nói đều không khả tín. Vì đơn giản đó không phải là tri thức của bạn, đó chỉ là thông tin bạn nhặt nhạnh đâu đó, hoặc thông tin dội vào đầu bạn trong vô thức. Mà thông tin thì không phải lúc nào cũng khả tín và có ý nghĩa.

Vậy nên, giữa một rừng thông tin, một rừng sự kiện, một rừng giá trị tốt xấu đúng sai cùng pha trộn, thì cách hữu hiệu nhất để minh định chúng là tự đặt câu hỏi và tự dùng lý trí của mình để trả lời chúng. Mỗi câu hỏi và mỗi câu trả lời sẽ là một ngọn đuốc nhỏ để mỗi người tự thắp sáng đường đi của mình.

Đến đây ta lại thấy hé lộ vai trò của tự do báo chí, tự do tư tưởng và tự do học thuật, mà nếu nói thêm thì e là quá dài. Vậy xin hẹn vào một dịp khác.

Hải Tâm(thực hiện)

 


 
Tấm gương
  Công chức "cộng sinh" và những nẻo đường ly tán  
  Công nhận GS, PGS: Nhiều tiêu chuẩn không cần thiết  
  Công đức sám hối  
  Cò cưa đàm phán  
  Cuộc bầu cử mang sắc màu Hollywood  
  Cuộc gặp gỡ giữa hai Đức Phật: Đức Phật nhiên đăng (DIPANKARA) và tiền kiếp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (GOTAMA)  
  Cuộc đời của Đức Khổng Tử  
  Cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni  
  Cựu Chủ tịch Quốc hội bàn việc sửa Hiến pháp  
  Dalai Lama - Những lời khuyên tâm huyết - Lời nói đầu  
  Dalai Lama với dự định mới trong việc chọn người kế vị  
  Danh vọng kết thúc và bắt đầu từ trường kinh doanh  
  David  
  Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (công bố năm 1969)  
  Diễn văn chiến thắng của ông Barack Obama  
  Diễn văn của Thượng nghị sỹ John McCain  
  DN Nhà nước: Muốn "chủ đạo" phải tạo áp lực cạnh tranh  
  Doanh nhân nói chuyện phong thủy  
  Doanh nhân trước hết phải thành thật với chính mình  
  Doanh nhân và chuyện hình thức  
  Doanh nhân với việc học tập  
  Donald Trump - tỷ phú hay ngôi sao truyền hình  
  Dù khó khăn lúc đầu, cái tiến bộ rồi sẽ thắng  
  Giám đốc Deloitte bắt bệnh doanh nghiệp Việt  
  Giảng viên "lãng quên" và sinh viên "trộn lẫn"  
  Giáo dục lòng say mê làm việc  
  Giới tỉ phú làm gì với tiền tỉ?  
  GS Michael Porter: Nước Mỹ cần một chiến lược kinh tế dài hạn (P1)  
  GS Michael Porter: Nước Mỹ cần một chiến lược kinh tế dài hạn (P2)  
  GS TS VŨ GIA HIỀN - GIÁM ĐỐC TRUNG TÂM NGHIÊN CỨU VÀ ỨNG DỤNG VĂN HOÁ – DU LỊCH: Bạo lực xã hội thể hiện tâm trạng bất an  
  GS.Kaplan: GS.Kaplan:  
  GS.Michael Porter: "VN nên bớt phụ thuộc vào nhân công giá rẻ"  
  Gs.Michael Porter: VN phải cải cách từ thôi thúc bên trong  
  Gương hy sinh  
  Gương người xưa: Dùng từ bi và đức độ để cảm hóa dân chúng  
  Hạc giấy ở HIROSHIMA  
  Hai mươi câu hỏi dành cho TS. Alan Phan  
  Hạn chế danh mục  
  Hạnh phúc chân thật là gì?  
  Hãy suy ngẫm  
  Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi !  
  HLV Calisto: "Lương tâm là ông chủ duy nhất của tôi"  
  Hóa giải suy nghĩ sai lầm: Chúng ta là công việc của mình  
  Hoàn cảnh không may giúp ta nghị lực  
  Học mà không suy nghĩ là phí công  
  Học sinh cần học kỹ năng gì?)  
  IQ quan trọng hay EQ?  
  Khám phá tư duy của những người đột phá sáng tạo  
  Khi đam mê trở thành động lực sống  
  Khởi nghiệp từ 1 xu  
  Không có sự phát triển nào đi trước tự do  
  Không có tầm nhìn, đừng nói chuyện kinh doanh  
  Không có tư duy phản biện, không phải là trí thức!  
  Không có ý tưởng mới, thì mãi theo sau người khác  
  Không gian tinh thần  
  Không nên cộng thêm cái gì vào tư tưởng Hồ Chí Minh  
  Không thể đi tắt  
  Không đẽo chân cho vừa giày  
  Khuyết điểm của VN là để mô hình phát triển theo chiều rộng quá lâu  
  Kim Woo Choong: Đỉnh cao và vực thẳm  
  Làm chủ vận mạng  
  Làm gì để có một Chính phủ mạnh?  
  Làm giàu, ai bảo không khó?  
  Lãnh đạo có trộm cắp?  
  Lời Bụt dạy về Tam bảo - Ngũ giới - Giáo pháp  
  Lời Bụt dạy về tình thương và sự hiểu biết  
  Lời Dạy Của Khổng Tử  
  Lời dạy của Đức Phật về lối sống  
  Lời khuyên của 10 tỷ phú dành cho thế hệ trẻ  
  Lời khuyên từ nhà hiền triết Warren Buffett  
  Lời phật dạy - (tám điều giác ngộ)  
  Lối sống  
  Lòng từ bi và con người  
  Luật hóa quyền tiếp cận thông tin của công dân  
  Lý Quang Diệu nói về nhân tài  
  Lý Quang Diệu: Xã hội chỉ tồn tại nếu có sự công bằng  
  Mạn đàm về chuyện ăn của doanh nhân  
  McCain dồn dập tấn công Obama trong tranh luận lần chót  
  Mẹ & Con  
  Michael Porter: "Cần thích nghi với chiều hướng xấu"  
  Một cách nhìn khác về con người Alan Phan  
  Một cách nhìn khác về cuộc đời  
  Một câu chuyện đẹp  
  Một người nô lệ da đen mù lòa  
  Mười điều nên học từ ALBERT EINSTEIN  
  Muốn Lấy Mật Đừng Phá Tổ Ong  
  Năng lực triển vọng  
  Nelson Mandela: 8 bài học cho nhà lãnh đạo  
  Nét chung của những nhà lập quốc Hoa Kỳ: Không cuồng tín  
  Nếu không thấy hạnh phúc, đó là lỗi của bạn  
  Nếu mỗi bạn trẻ đều đọc cuốn sách này  
  Nếu nghèo đói là trường đại học tốt nhất...  
  Nếu xa dân thì chúng ta không còn lí do gì để tồn tại  
  Nếu được phép tôi xin thay 'tôn giáo' bằng niềm tin  
  Ngăn cỗ xe giáo dục lao dốc  
  Nghệ thuật lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình  
  Nghèo đói và trốn thuế  
  Nghĩ khác, làm khác và làm tốt hơn  
  Ngôi nhà đích thực của ta là sự an bình trong tâm.  
  Ngũ giới - năm nguyên tắc vàng của người phật tử (THE FIVE PRECEPTS ~ THE BUDDHIST GOLDEN RULE)  
Trang 1/4 : 1 - 2 - 3 - 4  Trang sau