Tấm gương
Về giáo dục của Việt Nam trong nền kinh tế thị trường

Để tìm ra giải pháp hiệu quả chấn hưng nền giáo dục Việt Nam trong nền kinh tế thị trường, ta cần phải phân tích hệ thống giáo dục một cách toàn diện từ tư duy đến cơ chế tổ chức, xác định nguồn gốc phát sinh các cải cách không hợp lý đã được áp dụng; từ đó tác động đồng bộ và sửa đổi căn bản từ gốc, để việc bước vào nền kinh tế tri thức trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu hiệu quả hơn. Bài này giới thiệu một cách nhìn hệ thống cho các chủ đề đó nhằm tìm được tiếng nói chung cho hoạch định chính sách và tổ chức thực hiện. Trước tiên, ta cần làm rõ một số quan niệm.

Về triết lý giáo dục và một số quan niệm

Mục đích của hệ thống giáo dục là đào tạo nhân lực cho xã hội và cho nền kinh tế. Giáo dục công dân bao gồm phát hiện, bồi dưỡng, và sử dụng nhân tài một cách hợp lý. Nhờ được giáo dục, mỗi người vào đời không chỉ được học văn hoá hoặc học nghề phù hợp với năng khiếu, sở thích cá nhân và điều kiện xã hội, mà còn có đạo đức, tư duy và các kiến thức cần thiết để làm một công dân tốt có ích cho xã hội. Đối với giáo dục phổ thông, lâu nay Việt Nam đã có nguyên lý “khoa học; dân tộc và đại chúng”, trước đây dùng từ bình dân nhưng cụ thể hơn là “khoa học; cơ bản và Việt Nam”. Dùng từ “cơ bản” dễ hiểu hơn và tránh được cách hiểu cái gì cũng dạy như hiện nay. Ở Hoa kỳ, các công dân trên 18 tuổi mà chưa tốt nghiệp phổ thông chỉ cần thi bằng giáo dục đại cương (general education), bao gồm các kiến thức cơ bản, chủ yếu về tiếng Anh, Toán, giáo dục công dân là có thể vào học đại học. Những kiến thức còn thiếu cho ngành học thì họ sẽ tự bổ túc lấy. Vì trường học chỉ đào tạo cơ bản nên các học sinh sau khi tốt nghiệp cần thời gian làm việc “tập sự”.

Kiến thức học được là có hạn, còn những kiến thức cần thiết cho cuộc sống là vô cùng. Vì thế, nhà trường cần trang bị cho người học những kiến thức cơ bản và phương pháp suy nghĩ để người học tự học suốt đời. Như vậy, giáo dục không còn là việc riêng của nhà trường mà còn là của cả gia đình và toàn xã hội (các hoạt động thông tin đại chúng, giải trí, ví dụ như Sesame Street, Barney, Pooh, v.v. của Hoa kỳ, đều chứa nội dung giáo dục) nên gọi là xã hội hoá giáo dục. Việc xã hội hoá giáo dục không có nghĩa là yêu cầu phụ huynh đóng các kiểu tiền hay mở trường tư, hoặc các liên kết đào tạo như cách nghĩ của nhiều người hiện nay.

Vai trò của nhân tài đối với sự phát triển của xã hội đã rất rõ ràng. Người ta thường nói “phát hiện, bồi dưỡng và trọng dụng nhân tài” chứ không phải “đào tạo nhân tài” như một số người vẫn dùng. Sự phát hiện nhân tài ở Việt Nam hiện nay thường theo kiểu hớt bọt qua đào tạo đại chúng hoặc thi tuyển hay kết hợp cả hai. Thông thường, thầy giỏi và môi trường tốt thì mới có trò giỏi nên việc gửi học trò tới các trường lớn ở các nước phát triển về lĩnh vực tương ứng để học là một phương thức bồi dưỡng tốt và phổ biến nhất. Những người này có thể trở thành nhân tài chứ nhân tài không thể chỉ đào tạo là có được. Điều quan trọng nhất là phải trọng dụng nhân tài vì theo quy luật cung-cầu của thị trường, khi có cầu cao thì nhiều nguồn lực sẽ huy động cho cung, mỗi cá nhân có tiềm năng sẽ nỗ lực để thành nhân tài và mọi cá nhân tổ chức khác đều có thể tạo điều kiện tốt để họ trở thành nhân tài, vì vậy cả xã hội cùng có lợi. Xã hội mà không dùng được nhân tài thì việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài cũng có thể bị phản tác dụng.

Những vấn đề hiện tại trong nền giáo dục Việt Nam

A. Giáo dục phổ thông

Chương trình và sách giáo khoa (CT&SGK)

a. CT&SGK phổ thông phải phù hợp với sự phát triển tâm sinh lý của từng lứa tuổi, vì vậy, theo tôi, cần phải được nghiên cứu kỹ và phải thận trọng khi chỉnh sửa. Mặc dù kiến thức nhân loại tăng lên nhanh chóng, các kiến thức cơ bản dùng cho phổ thông thay đổi không nhiều, đặc biệt là ở mức tiểu học và trung học cơ sở. Vì vậy, sách giáo khoa nên có tính kế thừa cao để phụ huynh có thể hướng dẫn, giúp đỡ và dạy được con em. Các cải cách không hợp lý của Việt Nam đã làm cho phụ huynh (kể cả những giảng viên đại học và giáo viên bậc trung học) không thể dạy được con em nữa. Điều nầy đã dẫn đến việc lãng phí một nguồn lực giáo dục rất lớn từ phía gia đình.

b. Việc dùng chung một bộ SGK với nội dung và thời lượng thống nhất trên cả nước đi ngược với phương châm lấy học trò làm trung tâm của giáo dục. Nội dung phù hợp với điều kiện của trẻ ở Hà Nội thì chưa chắc phù hợp với trẻ ở nông thôn và miền núi. Do đó, với tình hình dùng chung SGK hiện nay, học sinh học hết tiểu học mà chưa biết đọc biết viết là điều không khó hiểu.

c. Nội dung nặng trong CT&SGK chủ yếu dùng để “luyện thi học sinh giỏi”, không có tính khoa học, không cơ bản và nặng về “học thuộc lòng” mà thiếu hẳn tính ứng dụng vào đời sống thực tế. Thêm vào đó, xưa nay, người ta chỉ nói “văn hay” chứ không ai dám nói văn mình là “văn mẫu”, thế nhưng ở Việt Nam lại cho xuất bản các “bài văn mẫu” và ra đề và chấm theo kiểu “học thuộc và chép vào” là được điểm cao.

Các vấn đề khác

a. Ngoại ngữ là chìa khoá để hòa nhập vào “ngôi nhà toàn cầu” nhưng hiệu quả việc dạy môn này còn rất kém. Đa số học sinh tốt nghiệp đại học vẫn chưa đọc được tài liệu nước ngoài, và giao tiếp còn khá yếu.

b. Các lớp chuyên toán đầu tiên được thành lập vào khoảng năm 1965 với mục tiêu đào tạo là “chọn lọc tinh hoa” những học sinh có năng khiếu khoa học. Chủ trương này phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam lúc ấy. Nhiều cán bộ khoa học giỏi hiện nay đã trưởng thành từ đó. Tuy nhiên, do nguyện vọng mong muốn con em mình được đào tạo tốt của các phụ huynh, nó đã phát triển thành hệ thống trường chuyên và lớp chọn với mục đích là đào tạo học sinh “thi” giỏi bằng mọi giá. Ví dụ, đối với môn toán, thay vì dạy học sinh phát triển tư duy, tìm tòi, sáng tạo thì người ta luyện thi theo kiểu “khổ luyện”: học thật nhiều dạng toán để đề thi kiểu gì cũng làm được. Sự phát triển quá độ này tạo nên cách học không cân bằng. Thêm vào đó, các chính sách ưu tiên điểm cho học sinh giỏi trong tình trạng xã hội còn nhiều tiêu cực càng gây ra cho học sinh nhiều áp lực hơn.

c. Các kiến thức phổ thông có mục đích giúp trẻ phát triển tốt theo lứa tuổi. Khi lớn trẻ sẽ quên đi, chỉ còn lại những kiến thức thiết yếu và cách tư duy để vào đời. Do hiểu sai về giáo dục toàn diện, chúng ta thường cho rằng mọi thứ đều phải học thật chắc nên các học sinh thường phải “học ôn” trong những ngày hè. Học sinh ở các nước khác đến Việt Nam chưa có điểm các môn xã hội thì phải theo học lại ở lớp dưới, trong khi đó học sinh Việt Nam ra nước ngoài thậm chí chưa biết ngoại ngữ vẫn có thể học ở lớp tương đương. Ở các nước khác, học sinh học vượt và tốt nghiệp phổ thông sớm rất nhiều. Trong khi đó, Việt Nam có nhiều học sinh giỏi quốc tế ở lớp 11 nhưng không ai học vượt được cả.

d. Trước đây, đời sống giáo viên Việt Nam vốn khó khăn, lại phải thường xuyên thích nghi với những thay đổi về CT& SGK dẫn đến chất lượng giáo dục giảm sút và tình trạng học thêm phát triển tràn lan theo kiểu cân bằng hai đầu. Các phương pháp giáo dục khoa học chỉ nằm trên giấy, còn trong thực tế, cách giáo dục bằng công cụ “điểm”, “phạt kiểm điểm” và cho học sinh giám sát, moi móc nhau để “thi đua” trở nên phổ biến ngay từ lúc mới vào trường.

B. Phân luồng đào tạo và hệ thống dạy nghề

Mặc dù dư luận đã bàn nhiều về vấn đề “thiếu thợ”, tình trạng “đào tạo liên thông” đã lôi hết các “thợ khá” vào đại học theo các hình thức đào tạo tại chức kiểu “nửa thầy nửa thợ” mà vẫn chưa có biện pháp nào để khắc phục. Việc hầu hết các cơ quan yêu cầu bằng đại học cho các công việc mà thực chất không cần đến trình độ đại học càng làm trầm trọng thêm tình trạng này. Chẳng hạn, công việc lưu trữ và xử lý thông tin đơn giản trong các trường đại học chỉ cần các nhân viên hành chính hay thư ký được đào tạo trong một vài năm có thể sẽ làm việc tốt, nhưng nhiều nơi vẫn tuyển người có bằng đại học.

C. Giáo dục ở các trường đại học và đổi mới

Các cải cách quan trọng và hậu quả của nó: Trước đổi mới, Việt Nam đào tạo đại học theo mô hình của Liên Xô, các ngành gồm nhiều chuyên ngành hẹp và sinh viên ra trường được nhà nước phân công công tác. Khi đổi mới, học sinh ra trường phải tự tìm việc nên cách đào tạo này cần được thay đổi. Nhưng thay vì mở rộng phạm vi đào tạo theo ngành học thì Việt Nam lại du nhập và triển khai mô hình đào tạo hai giai đoạn trên cả nước, thành lập hai đại học quốc gia theo mô hình đại học lớn và xem việc viết giáo trình làm trọng tâm để nâng cao chất lượng đào tạo. Thay vì tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng cán bộ giảng dạy thì cán bộ ở mọi trường đều phải tập trung vào các đổi mới có tính hình thức từ khung chương trình, chương trình chi tiết, sắp xếp và ổn định tổ chức đến việc viết giáo trình và đổi mới phương pháp giảng dạy. Điều nầy đã dẫn đến tình trạng cạn kiệt sức lực mà hơn mười năm vẫn chưa hoàn thiện được. Đến nay đã có đủ thời gian để ta thấy được hậu quả.

a. Về đào tạo hai giai đoạn: Việc đào tạo theo hai giai đoạn đã thất bại và bị loại bỏ vào năm 1998. Tuy vậy, đại học đại cương vẫn để lại di sản là 67 đơn vị học trình của khối kiến thức chung (sẽ được bàn đến ở các mục sau).

b. Về đại học quốc gia: Việc thành lập Đại học quốc gia Hà nội với nhiều ban giám hiệu mới đã lấy mất đi nhiều cán bộ giảng dạy có kinh nghiệm và càng làm trầm trọng thêm sự yếu và thiếu cán bộ giảng dạy trong trường, tiêu phí nhiều nguồn lực cho các công việc tách, nhập và ổn định tổ chức. Nếu các nguồn lực và các chi phí này được dành để đầu tư nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu theo hướng tự chủ hợp lý thì đến nay chất lượng của Đại học có lẽ đã tốt hơn nhiều.

c. Về giáo trình: Tương tự như đối với sách giáo khoa ở phổ thông, chuẩn hoá giáo trình đại học đã được xem là quan trọng. Trước đó, bài giảng của giảng viên được biên soạn dựa theo tài liệu hoặc sách có sẵn. Bộ lại đưa ra quy định soạn 3 trang giáo trình cho mỗi tiết dạy. Theo đó, nếu một môn được dạy cho hai ngành với thời lượng khác nhau thì phải có hai giáo trình khác nhau. Trường hợp này trước đây chỉ cần một tài liệu tham khảo. Kết quả của việc này là gây lãng phí thời gian, sức lực và kinh phí mà đến nay vẫn chưa có đủ giáo trình. Cho đến gần đây, Bộ giáo dục đã có quan điểm nâng cao chất lượng “Thầy giáo” làm trọng. Mặc dù đây là một bước đi đúng, nhưng khá muộn.

d. Về đổi mới phương pháp giảng dạy: Công việc này có lẽ rất lãng phí. Chi phí viết một giáo trình 60 tiết là khoảng 10 triệu đồng Việt Nam. Đề án đổi mới phương pháp giảng dạy theo cách viết lại bài giảng dùng máy chiếu có chi phí lên đến 60 triệu đồng Việt Nam. Điều bất hợp lý là giáo viên thậm chí có thể ký hợp đồng đổi mới phương pháp giảng dạy cho các môn học của các ngành mới ngay cả khi chưa được đào tạo.

Tình trạng liên kết đào tạo và các loại hình đào tạo tư thục, công lập phi chính quy: Các loại hình đào tạo liên kết giữa các trường với các địa phương hoặc liên kết trong nước và ngoài nước cũng như tư thục, tại chức, chuyên tu về lý thuyết là hay nhưng trên thực tế lại nặng tính vụ lợi và chất lượng không cao, thậm chí có tính chất lừa đảo. Việc đánh đồng giá trị mọi loại bằng tốt nghiệp đại học của các loại hình đào tạo đã tạo điều kiện cho nạn bằng dởm phát triển.

Đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu: Đầu những năm 1990, các cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học phải lo kiếm sống dẫn đến tình trạng sa sút về chất lượng.2 Đội ngũ kế cận tuổi dưới 40 vừa thiếu lại vừa không được đào tạo sau đại học. Trước đó, ở các trường có nhiều chỉ tiêu đi thực tập hoặc đào tạo ở Liên Xô, nhưng phần lớn chúng được phân phối như là “lộc” cho các nhân viên phòng ban kề cận với lãnh đạo nên các cán bộ chuyên môn rất khó được đề cử. Hơn mười năm nay, Việt Nam loay hoay với các đổi mới mang tính hình thức trong khi số lượng sinh viên tăng nhanh làm cho đội ngũ cán bộ vừa thiếu lại vừa yếu. Tình trạng thiếu trung thực trầm trọng đã cho ra nhiều bằng dởm, đặc biệt là các hệ thống sau đại học. Việc tổ chức, quản lý nghiên cứu khoa học và học hàm bất hợp lý càng làm tình hình trầm trọng thêm.

D. Đặc điểm của công luận trong các phương tiện thông tin đại chúng.

Nhờ đổi mới, những luồng ý kiến phản ánh các bức xúc trong dư luận bây giờ đã đa dạng hơn. Tuy vậy, đa số các ý kiến phê bình trong dư luận là của các cán bộ đã về hưu hoặc các trí thức Việt kiều. Những ý kiến này chứa đựng nhiều tâm huyết và có nhiều ý hay nhưng do họ không hiểu rõ thực tế Việt Nam nên một số ý kiến có nhiều điểm không phù hợp. Chẳng hạn ý kiến “nhập thi tốt nghiệp trung học và thi tuyển sinh đại học làm một” đã không tính đến thực tế là trong tình hình hiện nay ở Việt Nam không thể tổ chức một kỳ thi tốt nghiệp mang tính khách quan, và thi tuyển đại học là một kỳ thi hiếm hoi trên phạm vi cả nước phần nào còn giữ được tính chính xác và trung thực.

Các ý kiến đã được đưa ra không được tranh biện, xem xét kỹ nên ít hiệu quả. Ở Việt Nam thiếu hẳn những ý kiến tranh luận về phân tích một cách có hệ thống. Ở các nước khác, khi tranh cử các vị trí quan trọng, các ứng cử viên phải đánh giá thực tại và đề xuất giải pháp cho cử tri xem xét. Nhờ có tranh luận nên có thể đánh giá thực tại chính xác hơn và các giải pháp đưa ra phù hợp hơn. Qua đó, cộng đồng dễ nhận thức đúng vấn đề, vì vậy giải pháp đưa ra hay và hiệu quả hơn.

Nguyên nhân và các yếu tố tác động

Ngày nay, chúng ta dễ dàng nhận thấy nhiều lỗi sai trong hệ thống giáo dục ở Việt nam, với lỗi quan trọng nhất là những tư duy còn tồn đọng từ thời bao cấp. Ở thời ấy, mục đích của cách mạng tư tưởng và văn hoá là xây dựng con người mới và nền văn hoá mới phù hợp với quan hệ sản xuất mới theo phương pháp tuyên truyền và giáo dục tuân thủ. Hệ thống thông tin nầy chủ yếu là đưa thông tin một chiều để làm nhân lên các “điển hình “ mà người ta xây dựng. Đánh giá và sử dụng con người bằng cách lấy sự trung thành làm trọng mà coi nhẹ tài năng. Những người dù làm việc tốt mà hay “có ý kiến” thì không được đánh giá tốt vì “lập trường không kiên định” theo kiểu tiểu tư sản. Các quan niệm như “một lần cơ cấu hơn phấn đấu cả đời” có thể tìm thấy khắp nơi. Kết quả tích cực của phương pháp này là tạo nên xã hội với những con người có văn hoá tư tưởng tương đối thuần nhất, đồng lòng thực hiện nhiệm vụ được giao, nhờ đó mà tăng sức mạnh khi giành chính quyền và duy trì sức mạnh quyền lực nhà nước. Nhược điểm lớn nhất của nó là không khuyến khích sáng tạo và nâng cao hiệu quả lao động; tài năng và sự trung thực không được phát huy; sản xuất trì trệ.

Công cuộc đổi mới của Việt nam đến nay chỉ mới hình thành được nền kinh tế thị trường sơ khai với pháp quyền chưa đủ mạnh. Do hệ thống pháp luật chưa đầy đủ nên đã tạo điều kiện tốt cho các mặt trái của cơ chế tập trung quan liêu và thị trường tự do phát tác. Điều nầy ảnh hưởng xấu đến đạo đức xã hội nói chung và giáo dục nói riêng, đặc biệt, khi bộ máy quản lý giáo dục còn mang nặng tính tập trung quan liêu.

Giải pháp

Việt Nam đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Do đó, nền giáo dục Việt Nam cũng phải được điều chỉnh dựa trên các quy luật của nó.

Tư duy mới và phương pháp tiếp cận

Do đặc thù của “công nghệ giáo dục” không thể chờ đợi sự giải quyết vấn đề giáo dục khi cởi bỏ gánh nặng về ngân sách và sự tổ chức, điều tiết của nhà nước cho sự điều chỉnh của thị trường tự do như quan điểm của nhiều ngừời hiện nay, đặc biệt khi Việt nam còn là một nước nghèo. Như đã chỉ ra trong 3, trong nền kinh tế thị trường, phương thức điều chỉnh của cơ chế thị trường ưu việt hơn cơ chế tập trung.

Trong cơ chế thị trường, ta cần phân tích thực trạng bằng tư duy một cách có hệ thống và điều chỉnh nó nhờ sử dụng linh hoạt pháp luật một cách giàu tính trí tuệ để tác động vào lợi ích chủ thể. Cần thay “chủ nghĩa hình thức” bằng cách nhìn thẳng và đánh giá đúng sự thật để điều tiết hợp lý, thay “theo dõi và giám sát” bằng “đánh giá hiệu quả”, thay các khuôn mẫu cứng nhắc và các phong trào bằng cách tác động thường xuyên vào lợi ích chủ thể qua các chính sách. Theo ý tôi, đây là một số nguyên tắc có thể làm ví dụ khi vận dụng:

a. Thay các giải pháp kiểu “cấm chợ ngăn sông” bằng cách "rút củi đáy nồi” hoặc “khơi sông thoát lũ”. Chẳng hạn, trước đây tình trạng luyện thi đại học xảy ra rất trầm trọng và phổ biến vì đề thi do các trường ra rất khó, đòi hỏi các thí sinh phải luyện với các thầy ra đề mới làm được. Giải quyết vấn đề bằng cách “thi ba chung” với đề thi cơ bản là một giải pháp thuộc loại thứ nhất. Giải pháp thuộc loại thứ hai là tìm các nhu cầu lao động kỹ thuật mới và đào tạo nghề để giảm áp lực thi đại học.

b. Thay cách điều khiển bằng “mệnh lệnh và giám sát” bằng cách “tin cậy giao việc và đánh giá hiệu quả”. Chẳng hạn, trách nhiệm của việc lựa chọn nghiên cứu sinh ở các nước ngoài thuộc về giáo sư hướng dẫn và người ta đánh giá hiệu quả của giáo sư qua kết quả nghiên của họ với nghiên cứu sinh. Ở Việt Nam, do chức vụ giáo sư, cán bộ hướng dẫn không đủ để tin cậy nên phải qua nhiều thủ tục rắc rối.

c. “Tự chủ để tiến hoá có giới hạn” thay cho “áp đặt theo khuôn mẫu”; chấp nhận sự tồn tại và phát triển đa dạng thay cho việc áp dụng, triển khai thống nhất. Thay vì cưỡng bức mọi người theo một mô hình định sẵn mà lãnh đạo cho là tốt, nên xác định tiêu chí đánh giá, phân loại để các cá nhân và chủ thể tự vận động một cách thường xuyên để tiến hoá. Chẳng hạn, xây dựng các tiêu chí đánh giá chất lượng đào tạo của các trường, khi có các phương pháp đào tạo hay thì có thể giới thiệu cho các giáo viên và tuỳ hoàn cảnh của họ mà lựa chọn phương pháp thích hợp để áp dụng sáng tạo và tăng hiệu quả.

d. Với một chủ trương đúng, các biện pháp thực hiện có tính trí tuệ sẽ có hiệu quả hơn biện pháp cưỡng bức. Ví dụ, lịch sử châu Âu còn ghi nhận sự kiện hai nước cùng muốn người dân trồng khoai tây. Nước thứ nhất đem một số ít về trồng ở vườn hoàng gia và phao tin đó là loại thực phẩm quý dành cho Vua và hoàng tộc, kết quả là dân lấy trộm ra ngoài trồng và việc trồng khoai tây lan nhanh ra cả nước. Nước thứ hai nhập khẩu về và phát cho dân trồng. Do thủ tục phức tạp nên khoai bị nảy mầm và người dân lại nghi ngại chính quyền có “ẩn ý” nên ăn thử và bị ngộ độc. Do đó họ không chịu thực hiện và chủ trương của chính phủ bị thất bại.

e. Giáo dục đạo đức một cách tế nhị của gia đình, xã hội quan trọng hơn các bài giảng đạo đức suông. Phong cách và lối sống của giáo viên, phụ huynh và văn hoá ứng xử của xã hội luôn tác động mạnh tới trẻ hơn các bài giảng đơn thuần. Cần chú ý giáo dục từ các hoạt động văn hoá trong xã hội một cách tế nhị, một chương trình táo quân cuối năm hay sẽ có tác dụng tích cực và hiệu quả hơn một giáo trình “Đạo đức” được truyền đạt một cách máy móc trong trường học.

Các giải pháp chung cho hệ thống giáo dục

a. Chiến lược giáo dục: Dựa trên chiến lược kinh tế xã hội, ta phải dự đoán được nhu cầu nhân lực từng thời kỳ để điều chỉnh cân đối cung-cầu trong giáo dục. Bộ giáo dục cần có các điều tra thường xuyên về hiệu quả giáo dục và sử dụng nhân lực để hiểu rõ thực trạng và điều tiết vĩ mô thích hợp thay cho việc áp đặt vi mô về khung chương trình và phương pháp giảng dạy như đang làm.

b. Vấn đề lương giáo viên: Các nhà giáo vẫn có truyền thống “an bần lạc đạo” nhưng với mức lương hiện nay thì lương giáo viên ở đô thị quá thấp so với mặt bằng chung còn lương giáo viên ở các vùng nông thôn thì tạm chấp nhận được. Do vậy, phải dựa vào mức sống của từng vùng mà có chiến lược thu học phí thích hợp để bù cho khoản chênh lệch này. Với các trường đại học, có thể hỗ trợ dựa vào kết quả nghiên cứu đạt được. Xem lại cách sử dụng kinh phí cho các đề tài, dự án để sử dụng có hiệu quả và thiết thực nâng cao đời sống giáo viên.

c. Tạm chấp nhận một số nhược điểm: Mặt bằng về kỹ thuật ở Việt Nam còn thấp là một hạn chế cho sự nghiệp phát triển giáo dục. Giáo dục Việt Nam vừa phải theo kịp các tiến bộ của thế giới vừa phải thích ứng với nhu cầu thực tế là hai mục tiêu khó dung hoà. Việt Nam buộc phải chấp nhận dạy “lý luận suông” một số kiến thức hiện đại có tính cơ bản và đào tạo một số kỹ năng thấp mà ở nước ngoài học sinh tự nhiên đã biết mà không thể cầu toàn giữa “học với hành” như nhiều người đang phê phán. Nội dung học ở phổ thông cũng không cầu toàn được như họ mà phải chấp nhận một số kiến thức chưa được trang bị, khi lớn sẽ bổ sung dần. Ví dụ như trong thời kỳ chiến tranh, học sinh Hà Tĩnh, Quảng Bình và khu vực Vĩnh Linh chỉ được học các môn chính nhưng những học sinh này khi vào đại học hoặc ra nước ngoài vẫn theo học được và có nhiều người hiện nay là những chuyên gia giỏi.

d. Chuyển bớt các môn học có tính dân trí sang giáo dục khéo léo trong các hoạt động xã hội. Như đã nói ở điểm (e) của mục trước, cần nghiên cứu dùng phương pháp giáo dục qua hoạt động xã hội thay cho các bài giảng cứng nhắc. Đặc biệt, cần tạo không khí cạnh tranh trong các cuộc bầu cử, để qua đó, toàn thể cử tri có thể đánh giá thực trạng và chính sách liên quan. Các cách sống và tư duy tốt nhờ đó được tuyên truyền một cách thiết thực.

e. Cần hiểu đúng nghĩa của giáo dục toàn diện để vận dụng. Thường chỉ có thể có người đa tài hoặc dốt toàn diện chứ không có người giỏi toàn diện. Theo một vài quy định hiện nay, một học viên cao học muốn được chuyển tiếp sinh phải không có điểm thi dưới 7, trong khi phẩm chất cần cho nghiên cứu sinh là năng lực nghiên cứu lại không được coi trọng. Vì việc sơ suất của tuổi trẻ gây ảnh hưởng tới một điểm thi là chuyện bình thường, quy định như thế sẽ bỏ sót nhân tài.

Giáo dục phổ thông

Cần hiểu đúng nguyên lý khoa học, dân tộc và đại chúng, trong đó chú trọng tính cơ bản. Chương trình phải xác định rõ nội dung cơ bản cho từng lớp và cho phép giáo viên chủ động mở rộng một cách mềm dẻo theo điều kiện cụ thể. Ngoài giờ học, học sinh phải cần có thời giờ vui chơi và cảm thụ cuộc sống ngoài xã hội.

Giáo dục đạo đức nên được lồng một cách tế nhị vào các môn khoa học xã hội theo kiểu “văn dĩ tải đạo” thì sẽ có hiệu quả hơn. Ở giáo dục bậc thấp (tiểu học và trung học cơ sở) chúng ta nên tập trung chú trọng ba môn tiếng việt, ngoại ngữ và toán, vì các môn này là chìa khoá cho phát triển tư duy, cảm xúc và là chìa khoá hội nhập. Ở bậc trung học, học sinh có thể học vượt nội dung của nước ngoài một chút về khoa học tự nhiên để khi học sinh đi du học thì họ sẽ dễ tiếp thu bài giảng hơn trong thời kỳ đầu (khi ngoại ngữ của họ chưa tốt). Theo tôi, không nên chú trọng vào cuộc đua học sinh giỏi quốc tế và phải chấp nhận một số yếu kém trước mắt cho sự phát triển toàn cục.

Giáo dục đại học

Việc đổi mới phải được tác động bằng các chính sách dựa trên quy luật thị trường để phát triển tiến hoá, không nên dùng các biện pháp cưỡng bức, áp đặt, gây đảo lộn lớn như hiện nay. Theo tôi, đây là một số biện pháp trước mắt để tham khảo:

a. Về cán bộ quản lý và hành chính: Thay đổi cách chọn cán bộ quản lý để đảm bảo dùng đúng mặt mạnh của từng người qua thể hiện thực tế. Cần có tổng kết, đánh giá lại thực trạng ở mỗi kỳ bổ nhiệm để tìm phương hướng giải pháp mới. Cán bộ hành chính ở các trường phải được đào tạo theo chuyên môn để sử dụng, đề bạt theo kiểu chuyên môn hoá.

b. Về cán bộ giảng dạy và nghiên cứu: Hiện nay Việt Nam quá tập trung vào chuyện bằng dởm mà quên rằng nếu không có cơ chế đánh giá cán bộ giảng dạy và nghiên cứu hợp lý thay cho kiểu “thi đua” hiện nay thì các cán bộ có bằng thật cũng sẽ trở nên dởm sau một thời gian ngắn. Ở tình trạng hiện tại, chúng ta cần có nơi để phê bình các công trình công bố có tính “chạy điểm” để phong học hàm hoặc nghiệm thu đề tài. Thêm vào đó, ta cần có chính sánh đào tạo và đãi ngộ cán bộ đầu ngành để họ không chạy đua vào đội ngũ quản lý như hiện nay.

c. Thường xuyên đánh giá chất lượng các trường theo tiêu chí thích hợp: Tiêu chí để đánh giá các trường đại học trên thế giới hiện nay là tương đối thống nhất, chỉ khác một chút ở cách đánh giá đào tạo chọn lọc hay đại chúng mà thôi. Thực hiện đánh giá chất lượng các trường và từng ngành học là công việc rất cần thiết để có cạnh tranh giữa các trường đại học và bảo vệ quyền lợi cho người đi học trong tình trạng “bùng nổ” đại học ở Việt Nam hiện nay.

d. Phân biệt loại bằng: Ở Việt Nam phát triển đào tạo theo nhiều loại hình để tạo nên xã hội học tập nhưng không thể xem mọi bằng đại học hiện nay như nhau. Việc thi tuyển công chức hiện nay chỉ có tác dụng hình thức mà không ngăn chặn được tiêu cực.

e. Tự chủ chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy. Bộ nên để cho các trường tự chủ về chương trình, giáo trình và phương pháp giảng dạy theo nguyên tắc chỉ dạy những gì xã hội cần. Nếu có thể nên đưa các môn thuộc khối kiến thức chung vào ngoại khoá để dành thời lượng cho đào tạo chuyên môn sâu hơn hoặc rèn kỹ năng thực hành.

f. Gắn đào tạo công nghệ với thực tập ở doanh nghiệp. Hiện nay mặt bằng kỹ thuật của Việt Nam còn thấp nên sinh viên không tìm được nơi thực tập, hơn nữa thời gian đào tạo đã đầy nên không bố trí thực tập được. Nếu giảm giờ khối kiến thức chung thì sinh viên có thể có thời gian thực tập, định hướng chọn việc sau này.

Hệ thống dạy nghề

Cùng với chiến lược giáo dục, nhà nước cần nắm vững nhu cầu lao động có đào tạo trong xã hội và định hướng phát triển hệ thống dạy nghề thích hợp. Hiện nay thanh niên nông thôn có nhu cầu được đào tạo nghề rất lớn nhưng thu nhập của họ còn thấp nên khó có điều kiện học. Đối với các loại lao động có nguồn cầu rõ ràng (chẳng hạn xuất khẩu lao động), nhà nước nên hỗ trợ kinh phí đào tạo và thu hồi sau.

Khoa học và công nghệ

Quản lý đề tài và dự án: Hiện nay việc quản lý đề tài, dự án và triển khai ứng dụng vẫn theo cơ chế xin-cho tạo nên nhiều tiêu cực và ít có giá trị thực tiễn. Nghị định 115 theo hướng khoán cũng chưa là giải pháp tốt. Việc hưởng phần trăm quản lý đề tài, dự án, làm cho những người quản lý trở nên đặc quyền, đặc lợi và không muốn sửa đổi như dư luận đã nhận xét. Ở nước ngoài việc ứng dụng chủ yếu là các hãng đảm trách, khi cần thì họ ký hợp đồng với các trường và cơ quan nghiên cứu để tìm giải pháp mà họ cần. Kinh phí chủ yếu do nơi dùng hoặc các hãng cấp; nhà nước có thể hỗ trợ một phần. Vì vậy, nguồn kinh phí đề tài dưới các dạng sau:

· Nhà nước hỗ trợ hoàn toàn: thường áp dụng cho các nghiên cứu cơ bản hoặc dự án cho các vấn đề lớn.

· Do công ty hoặc nơi có nhu cầu ứng dụng cấp qua các hợp đồng nghiên cứu.

· Dựa trên các hợp đồng với công ty hoặc nơi dùng và xin thêm hỗ trợ của nhà nước.

· Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu tự cấp kinh phí dựa trên hạch toán và xem như đầu tư kinh doanh.

Tuỳ theo định hướng từng nước mà nhà nước hỗ trợ nhiều hay ít. Chẳng hạn, ở Hoa kỳ các đề tài cơ bản được tài trợ rất lớn so với Canada. Như vậy sản phẩm đề tài ứng dụng đi được vào cuộc sống. Quy trình ứng dụng theo kiểu thuyết minh đề tài-duyệt-bao cấp ở Việt Nam là làm ngược nên không có hiệu quả thực tế. Quy chế làm và duyệt đề tài rất phức tạp nhưng cuối cùng đề tài nào cũng nghiệm thu được. Theo chúng tôi, các kết quả nghiên cứu cơ bản nên được thưởng theo thành phẩm dựa trên đặc trưng từng ngành. Cơ sở vật chất cho nghiên cứu và hội nghị cấp theo hạn ngạch thường xuyên có tính đến thành tích nghiên cứu của mỗi người trong quá khứ. Đối với các ứng dụng, nhà nước cần cho vay có hỗ trợ một phần hoặc do nơi dùng cấp. Nếu nhà nước hỗ trợ thì cấp qua nơi dùng.

Sử dụng sản phẩm nghiên cứu: Các nghiên cứu ứng dụng về nông, lâm thuỷ sản không nên phổ biến lên tivi hoặc các phương tiện đại chúng theo kiểu tuyên truyền mà nên theo kiểu thị trường. Theo cách hiện nay, nhà nào cũng làm thì không điều khiển được cung và cuối cùng nông dân chịu hậu quả. Việc các cơ sở ứng dụng tiếp thu thành quả nghiên cứu sẽ có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất và biến nông dân thành công nhân nông nghiệp thay cho kinh tế tiểu nông hiện thời.

Định hướng phát triển và kích cầu: Ngoài việc phát triển khoa học-công nghệ theo nhu cầu phát triển tự nhiên, Việt Nam nên phát triển nghiên cứu nông-lâm-thuỷ sản nhiệt đới và chuyển giao công nghệ. Bên cạnh đáp ứng nhu cầu trong nước, các trung tâm nghiên cứu nông-lâm-thuỷ sản mạnh có thể cung cấp dịch vụ kỹ thuật và giống cho các nước chưa phát triển và có điều kiện tương tự Việt Nam. Làm như vậy sẽ tránh được cạnh tranh với các nước lớn và kích cầu đào tạo nghề và nghiên cứu. Việc nghiên cứu chuyển giao công nghệ cho các nước chưa phát triển có hoàn cảnh giống Việt Nam cũng cho kết quả tương tự. Tận dụng các cơ hội xuất khẩu các chuyên gia giáo dục, y tế và nông nghiệp để tìm hiểu thị trường mới và tăng cầu lao động có đào tạo.

Kết luận

Trên đây chúng tôi đưa ra một cách tiếp cận có hệ thống để xem xét nền giáo dục Việt Nam hiện thời. Để nền giáo dục Việt Nam phát triển, có ba yếu tố chính cần được thay đổi kịp thời: trước tiên Việt Nam cần thay đổi các quan niệm cũ, sau đó phải loại bỏ cách làm máy móc của kiểu quản lý tập trung quan liêu; và cuối cùng phải vận dụng linh hoạt các quy luật của kinh tế thị trường với đội ngũ cán bộ quản lý giàu trí tuệ và tâm huyết. Giải pháp đề xuất ở trên mới ở mức ý tưởng. Nhiều biện pháp cần huy động sức mạnh của toàn xã hội nhưng cũng có những biện pháp có thể áp dụng ngay trong phạm vi Bộ giáo dục và đào tạo cùng Bộ khoa học và công nghệ Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

1. Nguyễn Văn Hảo và Nguyễn Đình Khang chủ biên (nhiều tác giả), Giáo trình kinh tế chính trị Mác-Lênin. Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội , 2003.

2. Hoàng Xuân Huấn, Suy nghĩ về xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu trong các trường đại học, Kỷ yếu hội thảo khoa học về chuyên đề: Chương trình giảng dạy và mô hình tổ chức hệ thống trường lớp trong nền giáo dục Việt Nam, 1998, 93-100.

3. Hoàng Xuân Huấn, Suy nghĩ về chủ nghĩa xã hội và đổi mới kinh tế xã hội ở nước ta, Tạp chí quản lý kinh tế số 7 tháng 3+4 / 2006, 3-10.

4. Kornai János, Hệ thống xã hội chủ nghĩa, Nhà xuất bản văn hoá- thông tin, 2002.

5. Đỗ Nguyên Phương chủ biên (nhiều tác giả ), Giáo trình chủ nghĩa xã hội khoa học, Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2005.

TÁC GIẢ

Tiến sĩ Hoàng Xuân Huấn hiện đang là giảng viên chính của Khoa công nghệ thông tin, trường Đại học Công nghệ, Đại Học Quốc Gia Hà Nội. Lĩnh vực nghiên cứu chính của ông hiện nay là Vận trù học, Trí tuệ nhân tạo và Công nghệ tri thức. Ông nhận bằng Tiến sĩ về Tối ưu hóa tại Khoa Toán - Cơ từ Đại học Tổng hợp Hà nội. Liên hệ tại:

Khoa Công Nghệ Thông Tin

Trường Đại học Công nghệ

Đại Học Quốc Gia Hà Nội

144 Xuân Thuỷ, Cầu Giấy,

Hà Nội, Việtnam

Email: huanhx@vnu.edu.vn

 


 
Tấm gương
  Về một số bất cập trong giáo dục  
  Về nghệ thuật - 1  
  Về nghệ thuật - 2  
  Vì một nền giáo dục “tốt và công bằng” - phần 1  
  Vì một nền giáo dục “tốt và công bằng” - phần 2  
  Vị Tha & tâm từ & đạo đức  
  Vị thần tượng thời nay - ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA - His Holiness Dalai Lama  
  Việc nước mà dân không biết thì không thể dân chủ được  
  Võ Quốc Thắng - Tôi chia sẻ với người dám làm doanh nhân  
  Vỏ quýt dày có móng tay nhọn  
  Vượt bão 2009: Đảng phải tập hợp sức dân bằng trí tuệ và gương mẫu  
  Đã đến lúc không thể tránh né những vấn đề cốt tử  
  Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt  
  Đạo Phật nguyên thủy và các tư tưởng chính  
  Đạo Phật và sự đau khổ trong cuộc sống  
  Để hành chính không còn “hành là chính”  
  Để lãnh đạo sáng tạo và chính trực  
  Điều gì quan trọng hơn: Ít bực mình hay hạnh phúc?  
  Đổi Mới II: Ý chí lãnh đạo và đồng thuận xã hội  
  Đôi tay đẹp  
  Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc  
  Đối thoại với Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Breath, breath, you’re online  
  Đối thoại với trí thức không cần treo bảng  
  Đột phá tư duy để tiến xa hơn  
  Đức Pháp Vương: Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương!  
  Đức phật dạy con  
  Đức Phật dạy con như thế nào?  
  Đừng biến bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí  
  “Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh xem lại mình”  
  “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”  
  “Dân cần nhưng quan không vội, dân vội thì lội mà sang”  
  “Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"  
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4