Tấm gương
Đổi Mới II: Ý chí lãnh đạo và đồng thuận xã hội

“Ngay tại thời điểm này thì các bộ máy cấp trên đã ý thức được việc phải thay đổi” - Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển. "Quyết tâm của lãnh đạo tạo ra những cơ chế chất lượng cao để động viên được trí tụê và các nguồn lực của toàn dân là yếu tố tiên quyết cho công cuộc phát triển trong thời gian tới" - GS Trần Văn Thọ

Tin vào bản lĩnh dân tộc và ý thức lãnh đạo

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có luận điểm là tình thế đã trở nên thúc bách buộc phải làm mạnh tay, làm quyết liệt để có cơ chế mới. Nhưng luận điểm khác cho rằng, chúng ta sẽ vượt qua khủng hoảng một cách nhẹ nhàng, rồi từng bước ổn định. Chúng ta có an ninh chính trị ổn định nên không việc gì phải vội vàng, cứ nhích từng bước rồi cuối cùng sẽ đến đich. Theo hai ông, thời điểm hiện nay có giống với năm 1986 không?

Dựa trên những tư tưởng của Bác Hồ để có một pha phát triển mới.

guyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Tôi không bi quan như vậy. Có hai lí do. Một là, dân tộc chúng ta mỗi khi đến những bước phát triển đều thể hiện rất rõ bản lĩnh, tôi rất tin vào bản lĩnh Việt Nam. Hai là, ngay tại thời điểm này thì các bộ máy cấp trên đã ý thức được việc phải thay đổi.

Tôi có dự một buổi thảo luận của Hội đồng lí luận Trung ương bàn về chủ thuyết phát triển của Việt Nam. Tư tưởng nêu rõ trong thảo luận là phải tiếp tục có sự đổi mới mạnh hơn, dựa trên những tư tưởng của Bác Hồ để có một pha phát triển mới. Tôi nghĩ hiện nay đang có chuẩn bị rất tích cực.

Đương nhiên, đây là vấn đề rất lớn, rất phức tạp và phải có sự lựa chọn, cách đi thật đúng. Đúng không có nghĩa là thận trọng, mà đúng phải được hiểu là bước đi táo bạo, cương quyết nhưng phù hợp. Chúng ta sẽ vượt qua, sẽ đưa đất nước sang một pha phát triển mới.

Tình thế tạo áp lực buộc đổi mới

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vấn đề là liệu quyết tâm của một số nhà lãnh đạo như ông nói có nhận được sự đồng thuận không, cùng thống nhất một ý chí, một hành động như năm 1986 đã đồng lòng thay đổi, phá vỡ cơ chế bao cấp để vượt lên?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Trước hết là phải dân chủ hơn. Vào thời điểm cụ thể, mức độ tự do khác nhau. Nhưng xét trong một thời kì, giai đoạn tương đối dài thì xã hội chúng ta dân chủ hơn, cởi mở hơn, chứ không phải như trước đây. Tất nhiên, có những thời điểm cụ thể, chúng ta cảm thấy dân chủ bị bớt đi…nhưng trong một thời đoạn dài, những năm gần đây thì xã hội đã có không khí dân chủ hơn. Nhưng vẫn cần dân chủ nhiều hơn nữa.

Thứ hai, chúng ta chưa làm tốt công khai minh bạch. Công khai minh bạch là tiền đề cho cơ chế thị trường. Ngay trong các nguyên tắc của WTO thì nguyên tắc hàng đầu là công khai minh bạch, để mọi người có thể tiếp cận, góp ý. Đây là một xu hướng nếu nhà lãnh đạo khôn ngoan phải biết nắm lấy và phát huy.

Tôi không còn là thành viên chính phủ nữa, không tham gia trung ương nữa, nên không có điều kiện tiếp xúc với nhiều nhà lãnh đạo để biết được quan điểm cụ thể, ý nghĩ sâu xa của họ.

Nhưng ngay cả trong các phát biểu công khai thì tôi thấy các nhà lãnh đạo của chúng ta đều mong muốn tiếp tục sự đổi mới. Thủ tướng rất quyết tâm.

Quan trọng nhất là quyết tâm đó chuyển thành hành động cụ thể. Chúng ta hi vọng là sẽ chuyển. Tình thế buộc chúng ta phải chuyển. Hiện nay nhiều tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng phát triển trung hạn của Việt Nam rất sáng sủa. Tôi nghĩ họ đánh giá có cơ sở.

Một là tình hình chính trị ổn định của nước ta, không có nước nào ổn định chính trị như Việt Nam. Đây là môi trường rất quan trọng.

Đưa cơ chế đất nước vận hành theo đúng cam kết.

Hai là chúng ta đã gia nhập WTO, dù muốn hay không cũng buộc phải đưa cơ chế đất nước vận hành theo đúng cam kết. Không những thế, chúng ta còn có ý định tham gia vào một số hiệp định thương mại thế giới khác. Tất cả những điều này tạo ra một áp lực buộc phải đổi mới.

Hãy so sánh giữaViệt Nam và Trung Quốc. Trung Quốc là cải cách mở cửa. Chúng ta là đổi mới và hội nhập. Chúng ta nói rất khôn ngoan là: đổi mới từ bên trong để hội nhập.Trung Quốc nói lấy mở cửa với bên ngoài để thúc đẩy cải cách bên trong, tức là họ tạo ra một thứ ngoại áp buộc phải cải cách. Chúng ta nói rất khôn ngoan, rất chính trị là:Đổi mới từ bên trongđể hội nhập với bên ngoài. Nhưng hội nhập vớibênngoài rồi màđổi mới bên trong vẫn còn chậm chạp. Còn Trung Quốc nói rất trực diện: Phải lấy mở cửa bên ngoài để thúc đẩy cải cách bên trong.

Tôi cho rằng, chúng ta nhấn mạnh độc lập tự chủ nhưng phải tạo ra được những ngoại áp đúng để thúc đẩy sự nghiệp đổi mới bên trong. Việc ta tham gia EPA với Nhật Bản, đàm phán mậu dịch tự do trong ASEAN, tới đây là đàm phán mậu dịch tự do với Chilê... thể hiện ta đang tạo ra những ngoại áp để thúc đẩy sự nghiệp bên trong. Chuyển đổi mới sang một pha khác sâu rộng hơn.

Không thể kéo dài tư duy của thời Đổi Mới

Giáo sư Trần Văn Thọ: Qua hơn 20 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu phát triển. Thu nhập đầu người tăng, mức sống người dân được cải thiện, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, vị trí của Việt Nam trên vũ đài quốc tế được nâng cao. Nhưng ta cũng thấy ngay những mất cân đối trầm trọng giữa phát triển và môi truờng, giữa nông thôn và thành thị, giữa người dân lao động và các thành phần khác.

Tuy tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, nhưng số người cận nghèo còn nhiều, khi có biến động kinh tế họ sẽ rơi ngay xuống dưới giới tuyến nghèo. Cơ cấu xuất khẩu chủ yếu còn là nguyên liệu thô, nông lâm thủy sản và các hàng công nghiệp có hàm lượng lao động giản đơn cao như giày dép, may mặc. Ngoài ra có hai điểm rất quan trọng cần nhấn mạnh.

Một là, nhiều cơ chế, chính sách hình thành và tác dụng sâu đậm trong quá trình đổi mới nếu không thay đổi và tiếp tục áp dụng sẽ không đem lại sự phát triển bền vững cho Việt Nam. Chẳng hạn vấn đề chọn quan chức, chọn người phụ trách quản lý hành chánh các cấp.

Sau 1975, rất nhiều người thiếu tiêu chuẩn về năng lực quản lý vẫn được bổ nhiệm vào các cương vị quan trọng, sau đó mới cho đi học tại chức để tiêu chuẩn hóa cán bộ. Cách làm này lẽ ra chỉ nên áp dụng trong thời gian ngắn, nhưng hiện nay vẫn tồn tại và chưa có chiều hướng chấm dứt.

Chính sách này là một trong những nguyên nhân làm cho hệ thống giáo dục đại học xuống cấp, nhiều đại học sống dựa vào học sinh tại chức, đạo đức học đường, quan hệ thầy trò bị đảo lộn. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cho giaiđoạn tới do đó gặp nhiều khó khăn.

Một ví dụ khác nổi lên trong quá trình đổi mới là chính sách đối với doanh nghiệp, tậpđoàn kinh tế nhà nước. Trong một thời kỳ nhất định, sự hiện diện của các hình thái kinh tế này có thể được chấp nhận nhưng rõ ràng nếu từ nay hình thái này vẫn tiếp tục kéo dài thì thị trường không phát triển lành mạnh, đặc quyền đặc lợi phát sinh, sự bất công giữa các thành phần kinh tế trầm trọng hơn nữa.

Hai là, đổi mới trong hơn 20 năm qua là một quá trình mò mẫm rất mất thời gian, tuy là ở giai đoạn đó chuyện mò mẫm là không tránh được. Luật đầu tư nước ngoài, Luật doanh nghiệp, và nhiều đạo luật khác hầu như năm nào cũng có sửa đổi. Điều đó cho thấy không có sự mạnh dạn trong cải cách. Ta có thể kéo dài lối tư duy tiệm tiến, thận trọng, mất nhiều thời gian như trong thời kỳ đổi mới không?

Vào lúc mới bắt đầu đặt ra kế hoạch phát triển, Hàn Quốc là một trong những nước có thu nhập đầu người thấp nhất thế giới mà chỉ sau có 35 năm họ đã trở thành thành viên khối OECD, là tổ chức của những nước tiên tiến. Ta đã qua gần 35 năm kể từ năm 1975 , và đã gần một phần tư thế kỷ từ lúc khởi động chính sách đổi mới, nhưng GDP đầu người vẫn còn ở mức 1.000 USD với những mất cân đối trầm trọng như đã nói.

Như vậy, vấn đề của chúng ta hiện nay là gì thì đã quá rõ. Ta không thể kéo dài tư duy của thời đổi mới, không thể tiếp tục các chính sách hình thành và triển khai trong thời kỳ đổi mới. Chúng ta khôngđoạn tuyệt với quá khứ nhưng phải mạnh dạn dứt bỏ những chính sách, cơ chế không thích hợp và tìm một tư duy, một sự đồng thuận mới cho giai đọan phát triển mới của Việt Nam.

Vậy giai đoạn sắp tới làm sao giải quyết được những vấn đề nêu trên? Lãnh đạo chính trị nếu thấy được vấn đề, có quyết tâm thật và biến quyết tâm thành hành động thật thì chúng ta lạc quan. Còn ngược lại nếu không có quyết tâm đó và nếu có cũng không biến thành hành động.

Trong quá khứ, từngcó nhiều trường hợp các nhóm lợi ích và tư duy nhiệm kì của lãnh đạo làm cho quyết tâm không thành hiện thực. Ta không biết tư duy nhiệm kì và các nhóm lợi ích có xoá bỏ được không. Tuỳ vào đó mà lạc quan hay không lạc quan.

Phê phán củaxã hội sẽ thức tỉnh người lãnh đạo

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Như vậy là quyết tâm, tâm huyết của nhà lãnh đạo có. Nhưng lực cản bây giờ không phải là tư duy làm hay không làm. Tư duy, nhận thức thống nhất nhưng vấn đề gây đau đầu là liệu chân tay có cử động hay là chống lại những ý tưởng từ hệ thần kinh trung ương đưa xuống vì những lợi ích của nhóm nọ nhóm kia, vùng nọ vùng kia?

Giáo sư Trần Văn Thọ.

GS Trần Văn Thọ: Kết cục vẫn là vấn đề lãnh đạo. Lãnh đạo phải thấy được vấn đề và quyết làm cho được. Lãnh đạo Việt Nam có thể phá vỡ những lực cản của các nhóm lợi ích và vượt qua giới hạn của tư duy nhiệm kỳ để thay đổi cơ chế, đưa ra quyết sách chiến lược vì sự nghiệp phát triển của dân tộc không?

Điều quan trọng là trong nhiệm kì của mình lãnh đạo có thể không đạt được những chỉ tiêu gì đó, nhưng về trường kì gây dựng được những cơ sở để đất nước tiến lên. Tư duy nhiệm kì có thể làm cho những người lãnh đạo sợ mất địa vị đang có.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Trần Duy Long ở TP Hồ Chí Minh hỏi: Có phải tư duy nhiệm kì là sau 5 năm tôi phải làm được cái gì, có thành tích gì. Và theo dư luận xã hội, tư duy nhiệm kì là lợi ích của chính bản thân mình sau một nhiệm kì được cái gì, khi trở về có cái gì. Mặt tích cực là sau nhiệm kì làm được gì, để lại dấu ấn gì. Nhưng tệ hơn là khi tôi ra về hết nhiệm kì đó thì tôi có cái gì đó cho gia đình, cho người thân?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Không loại trừ có những cán bộ tính toán trong nhiệm kì được gì cho mình, nhưng đó không phải là xu hướng chủ đạo. Mà xu hướng chủ đạo với khái niệm tư duy nhiệm kì người ta nói đến là cố gắng trong nhiệm kì của mình đạt được những thành tích mang tính bề nổi, mà không tính đến hiệu quả lâu dài sau này. Thứ hai là, có thể nhiệm kì của mình yên ổn, không có gì xấu để có thể tiếp tục một nhiệm kì nữa. Khái niệm này mới được đặt ra.

Tôi tin rằng với phê phán của xã hội sẽ thức tỉnh những người lãnh đạo. Và tôi tin tới đây sẽ có những người lãnh đạo không chạy theo những chỉ tiêu này nọ, mà chủ yếu tạo ra cơ sở tăng trưởng bền vững cho những người kế tiếp. Người tốt có nhiều, nhưng có khi cái tốt chưa mạnh, chứ không phải là không có người tốt.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Giáo sư có lạc quan như nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển không?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Tôi chỉ dám hi vọng như vậy. Còn khẳng định lạc quan hay không thì phải có cơ sở. Hiện nay rất tiếc tôi chưa có đủ cơ sở để lạc quan hay không lạc quan. Có thể tôi không hiểu hết hệ thống chính trị và các tầng lớp lãnh đạo hiện nay nhưông Tuyển.

Tôi chỉ mong là lãnh đạo cần lắng nghe ý kiến của trí thức nhiều hơn nữa. Và trí thức trong và ngoài nước cần tiếp tục phát biểu về những vấn đề của đất nước để các lãnh đạo chính trị hiểu và thấy trách nhiệm của mình hơn nữa.

Đất nước đang ở trong bước ngoặt, hoặc là trì trệ, hoặc là phát triển mạnh mẽ. Trong trì trệ có phát triển lưng chừng. Nhìn lịch sử thế giới ta thấy những nước vươn được đến đỉnh cao phát triển chỉ có 15, 16 nước thôi (chỉ kể những nước có qui mô dân số trên 20 triệu), gần 60 nước vẫn luẩn quẩn trong vòng nghèo khó.

Những nước thường thường bậc trung thì có cả trăm. Những nước này sở dĩ không vươn lên được là họ bị vướng cơ chế, và các lãnh đạo chính trị thiếu bản lĩnh, thiếu tinh thần yêu nước, thiếu năng lực động viên… Tôi chỉ mong lãnh đạo Việt Nam thấy được những chuyện như vậy. Tương lai lịch sử sẽ đánh giá các vị lãnh đạo bây giờ.

Quyết sách lớn phải có sự đồng thuận xã hội

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy theo GS. Trần Văn Thọ, cơ chế chất lượng cao và hệ thống năng lực xã hội mà ông đã đề cập trong các bài viết có phải là chìa khoá để tạo ra đổi mới hay không?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Cho đến bây giờ tôi vẫn nghĩ đó là chìa khoá. Quyết tâm của lãnh đạo tạo ra những cơ chế chất lượng cao để động viên được trítuệ và các nguồn lực của toàn dân là yếu tố tiên quyết cho công cuộc phát triển trong thời gian tới. Cơ chế chất lượng cao bảo đảm được tính minh bạch, công khai và sự tham gia của dân chúng, nhất là của trí thức, trong quá trình lập chính sách.

Việt Namcó vẻ còn khá xa trên con đường xây dựng được cơ chế chất lượng cao. Hiện nay, trí thức Việt Nam có tư duy, có trách nhiệm nhưng chưa được phát huy thực sự. Năm ngoái, chính phủ đưa ra những quyết sách lớn mà không có được sự tham gia của trí thức, không có sự đồng thuận của xã hội. Ví dụ như quyết định mở rộng Hà Nội, hay hiện nay là vấn đề khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Xã hội đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng dường như các nhà lãnh đạo đã quyết định theo ý của mình.

Nếu những quyết sách lớn vẫn tiếp tục được quyết định trong hoàn cảnh như vậy, thì rõ ràng trí tuệ, tri thức dân tộc không được động viên.

Hay là phong trào tỉnh tỉnh xây bến cảng, sân bay hiện nay. Lãnh đạo đi thăm địa phương nào thấy địa phương yêu cầu cũng đồng ý làm hết. Thấy tỉnh nào cũng muốn có đại học thế là nhà nước cho phép mở đại học tràn lan, bất chấp chất lượng đào tạo. Nếu lãnh đạo vẫn tiếp tục cách làm như vậy thì tôi không thấy lạc quan.

Quyết tâm của lãnh đạo tạo ra những cơ chế chất lượng cao.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Lê Xuân Khoaở Hà Nội hỏi: Giáo sư có nói là trí thức cần được nói, được góp ý và được lắng nghe. Nhưng rõ ràng không ai phủ định quyền góp ý của trí thức cả. Tại sao mọi người không lên tiếng? Một người viết chưa được thì nhiều người viết, nhiều người cùng lên tiếng và có trách nhiệm. Tôi nghĩ, điều quan trọng là làm sao tạo được sự đồng thuận, tâm huyết, quyết liệt của toàn xã hội, chứ không chỉ lãnh đạo?

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Thứ nhất, không phải là các lãnh đạo không tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu tham gia ý kiến, mặc dù cần phải làm tốt hơn nữa.

Chẳng hạn như tham gia Hội đồng tài chính tiền tệ hiện nay không chỉ có những người đang làm việc trong bộ máy nhà nước, mà còn có những người từ viện nghiên cứu, trường đại học hoặc các chuyên gia độc lập.

Trong những cuộc họp như vậy, ý kiến của các vị khác nhau lắm, không biết nghe ông nào cả. Cũng không thể có hội đồng tư vấn, bỏ phiếu. Vì tư vấn là nêu ý kiến, trên cơ sở ý kiến đó Thủ tướng phải quyết định.

Tất nhiên, tôi không phủ nhận việc chúng ta phải mở rộng dân chủ để có thể lắng nghe được nhiều ý kiến.

Thứ hai là các nhà lãnh đạo cũng phải phân biệt hai trạng thái khác nhau đó là đồng ý và đồng thuận. Đồng ý và đồng thuận rất khác nhau.

Ví dụ: tôi đồng ý với ông Thọ do rất nhiều nguyên nhân, vì tôi nể ông nên đồng ý với ông, bỏ phiếu thông qua. Còn đồng thuận là bản thân tôi cũng có ý kiến như vậy.

Vì thế, các nhà lãnh đạo phải nhạy cảm để biết rằng đồng ý và đồng thuận rất khác nhau. Tạo ra đồng thuận mới là điều quan trọng. Bởi đồng thuận tạo ra động lực để người ta thực hiện tốt. Còn nếu đồng ý miễn cưỡng, khẩu phục nhưng tâm không phục thì không tạo ra động lực.

Vượt lên dấu ấn tiểu nông

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Ngô Hoàng Minh ở Huế hỏi: Hình như tính đố kị hẹp hòi của chúng ta cũng rất nặng nề. Có khi là một ý kiến trí thức này đóng góp rất xác đáng nhưng bị người khác đố kị, phản bác?

Nguyên Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Thực ra đó là đặc tính của một xã hội tiểu nông. Chúng ta đã đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nền tiểu nông rất nặng nề. Văn hóa tiểu nông này ghi dấu ấn không phải chỉ là người nông dân, công nhân, thanh niên, trí thức… mà hằn lên ngay cả các cấp lãnh đạo. Bởi đây là một sản phẩm của lịch sử.

Tôi từng làm Bộ trưởng đàm phán quốc tế, hội nhập… nhưng thực ra sinh ra trong một gia đình nông dân, sống trong môi trường tiểu nông.

Do vậy nếu không vượt qua được hạn chế lịch sử đã ấn vào mình thì cũng vứt dễ, điều này cũng dễ hiểu thôi. Không phải là bản tính riêng của người Việt Nam, bản tính này do nền sản xuất nhỏ quy định. Chúng ta phải ý thức được việc đấy để khắc phục.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bạn đọc Bùi Thu Hà ở Đồng Nai hỏi: Như ông Trần Văn Thọ nói Hàn Quốc vượt lên với tinh thần quật khởi, không thua kém người khác bằng ý chí nghị lực, không muốn nhục nhã so với dân tộc khác về kinh tế, về đói nghèo. Dân tộcta có làm được như vậy không? Có bảo vệ và chỉ sử dụng hàng Việt Nam?

Nguyên Bộ Trưởng Trương Đình Tuyển: Hàn Quốc là một điển hình của ý chí và niềm tự hào dân tộc. Chúng ta sẽ sai lầm nếu cho rằng ý chí của người Việt Nam thua Hàn Quốc. Chúng ta đã phải đương đầu với kẻ thù rất mạnh và đã chiến thắng, vậy không thể nói ý chí người Việt Nam kém được. Nhưng quan trọng phát huy thế nào để ý chí đó vươn lên, cùng với Đảng và Nhà nước vượt qua khó khăn.

Yêu nước từ ý thức dùng hàng Việt Nam

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Lúc đó rất cần vai trò của người lãnh đạo?

Giáo sư Trần Văn Thọ: Không chỉ lãnh đạo, mà các tầng lớp khác cũng phải thống nhất vươn lên. Tôi đã có nói là các nhà doanh nghiệp Việt Nam lúc giàu lên thì hay chi tiêu xa xỉ, mua sắm những đồ đắt tiền.

Người Nhật hay Hàn Quốc thường không như vậy, trong quá trình phát triển, cái gì họ chưa sản xuất được thì họ không dùng. Đây không phải là chính sách, có ai bắt buộc đâu mà là họ tự giác.

Vì vậy, ở Việt Nam, các nhà lãnh đạo, quan chức cũng phải tỏ ra tiết kiệm ngoại tệ, ưu tiên dùng hàng trong nước để dân chúng noi theo.

Nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển: Người Nhật Bản đúng là như vậy. Người Ấn Độ cũng thế! Nhân dân các nước này rất có ý thức bảo vệ hàng hoátrong nước. Ấn Độ đã từng tẩy chay hàng của Anh,thậm chí chấp nhận việc mặc bằng vỏ cây chứ không chịu mặc vải của Anh sản xuất. Đây là ý thức của người dân để hỗ trợ cho sự phát triển của đất nước.

Chính phủ rất khó để ra chỉ thị phải mua hàng trong nước, trừ khi là mua sắm từ tiền ngân sách của chính phủ. Quan trọng nhất là ý thức người dân. Mong rằng mỗi người dân có ý thức ủng hộ, khuyến khích việc sử dụng hàng trong nước.

Nhưng mặt khác, việc quan trọng nhất, kích thích lớn nhất là ở chỗ các nhà sản xuất Việt Nam cần nâng cao khả năng cạnh tranh về giá cả và chất lượngsản phẩm. Khôngviệc gì phải tìm mua hàng ngoại nếu hàng trong nước vẫn tốt, rẻ. Đấy mới là vấn đề chính.

Giáo sư Trần Văn Thọ: Hôm nay chúng ta nêu một số vấn đề hơi nghiêm khắc đối với những người có trách nhiệm. Nhưng tôi nghĩ điều đó rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay. Khi ta đặt vấn đề nghiêm túc thì ta cũng cảm thấy có trách nhiệm hơn đối với đất nước. Khi ai cũng đặt vấn đề nghiêm túc và người lãnh đạo tiếp thu các ý kiến nghiêm túc thì chúng ta sẽ thấy lạc quan trong tương lai hơn.

Cám ơn VietNamNet đã mở bàn tròn này để tôi có cơ hội phát biểu những ý kiến của mình.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có lẽ, tất cả chúng ta cùng chung niềm hi vọng đất nước sẽ vượt lên trong thời điểm này, tạo ra những cơ chế, năng lực xã hội đủ mạnh cũng như bốn điểm mà nguyên Bộ trưởng Trương Đình Tuyển đã nêu. Hi vọng tất cả chúng ta: từ các nhà lãnh đạo đến mỗi người dân nỗ lực vượt lên chính mình, để thế hệ con cháu khi nhìn lại sẽ thấy tự hào với giai đoạn lịch sử này. Để chúng ta không hổ thẹn với lịch sử .

Chúng tôi rất cám ơn bạn đọc đã gửi ý kiến tham gia bàn tròn. Có những câu hỏi ngoài chủ đề, có những câu hỏi trong phát biểu của hai khách mời đã phần nào giải đáp. Nhưng do thời gian có hạn, chúng tôi không thể trả lời hết các câu hỏi. Xin cảm ơn các vị khách mời!

Tuần Việt Nam.

 


 
Tấm gương
  Đôi tay đẹp  
  Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc  
  Đối thoại với Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Breath, breath, you’re online  
  Đối thoại với trí thức không cần treo bảng  
  Đột phá tư duy để tiến xa hơn  
  Đức Pháp Vương: Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương!  
  Đức phật dạy con  
  Đức Phật dạy con như thế nào?  
  Đừng biến bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí  
  “Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh xem lại mình”  
  “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”  
  “Dân cần nhưng quan không vội, dân vội thì lội mà sang”  
  “Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"  
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4