Tấm gương
Vượt bão 2009: Đảng phải tập hợp sức dân bằng trí tuệ và gương mẫu

Vượt lên thử thách 2009 để tiếp tục phát triển, hay bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ đều không thể thành công nếu không biết dựa vào nhân dân. Đảng phải đóng vai trò tập hợp sức mạnh toàn dân tộc, bằng trí tuệ và sự gương mẫu của mình. Sức dân chỉ được phát huy khi người lãnh đạo biết chủ động lắng nghe, đối thoại và nắm bắt tâm tư thật của dân.


Trải nghiệm 2008 giúp nhìn sáng rõ những bài học.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Thưa quý bạn đọc, hôm nay VietNamNet rất vui mừng gặp lại một vị khách mời đã quen thuộc và có nhiều tình cảm với bạn đọc VietNamNet: Nguyên PTT Vũ Khoan. Chắc nhiều bạn đọc còn nhớ giao thừa năm 2005 nguyên PhóThủ tướng (PTTg)Vũ Khoan đã trực tuyến trên VietNamNet, lúc đó ông là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trao đổi trực tuyến với người dân. Cách đây 1 năm, trước khi từ nhiệm ông cũng giành cho cho bạn đọc VietNamNet một buổi trò chuyện rất nhiều ý nghĩa.

Hôm nay chúng ta vui mừng gặp lại ông sau một năm 2008 nhiều biến động, ghi nhận nhiều nỗ lực trong khó khăn của một dân tộc, và cùng nhìn về năm 2009 với nhiều thách thức để bàn luận, suy ngẫm xem vậy dân tộc ta sẽ vươn lên như thế nào? Đảng và Chính phủ sẽ dẫn dắt dân tộc và đất nước đi lên trong khó khăn như thế nào?

Với tư cách là một cựu lãnh đạo được bạn đọc yêu mến, một người giờ đây có điều kiện gần dân hơn, ông cảm nhận thế nào về năm 2008 vừa qua?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Trước hết, phải nói là tôi rất vui được lên đối thoại trực tuyến với bạn đọc VietNamNet. Tôi cũng là người bạn cũ của VietNamNet, cũng có 2 dịp được trò chuyện với bạn đọc VietNamNet, thông qua đó để chuyển tải tới các bạn độc giả những tâm tư, suy nghĩ của bản thân mình.

Hôm nay trên ngưỡng cửa năm 2009, tôi có dịp trở lại VietNamNet để chia sẻ suy nghĩ của mình, trên cương vị một người công dân bình thường. Chúng ta ai cũng vậy, bất kỳ người nào, ở cương vị nào cũng đều quan tâm đến vận mệnh của đất nước.
Nhìn lại, năm 2008 là một năm đầy xáo động về nhiều mặt như khí hậu, giá cả, kinh tế, tài chính..., một năm để lại dấu ấn không những với nước ta mà còn với toàn thế giới. Có thể nói năm qua là một năm đặt ra rất nhiều vấn đề mới mẻ cho chúng ta và cho cả loài người.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Bên cạnh nhiều xáo động, theo ông, cái ĐƯỢC lớn nhất của chúng ta trong năm 2008 là gì?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Là những bài học. Từ thực tế này, đây là lần đầu tiên chúng ta phải ứng phó với 2 khó khăn cùng lúc: Khó khăn trong nước đồng thời phải đối phó với khó khăn trên thế giới.
Năm 2008 là năm thứ hai chúng ta hội nhập với kinh tế thế giới. Tình hình khó khăn ấy đã dạy cho chúng ta rất nhiều bài học.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy cái MẤT lớn nhất của chúng ta trong năm 2008 là gì, thưa ông?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Cái mất cơ bản là đà tăng trưởng từ những năm trước mà chúng ta đã tạo được. Như chúng ta đã thấy, trước và sau ĐH 10, chúng ta rất phấn khởi thấy đất nước tăng trưởng khá nhanh sau khi chúng ta gia nhập WTO, nhưng sau chỉ một thời gian ngắn, chúng ta vấp phải rất nhiều khó khăn, và phải vật lộn trong năm 2008.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông, với những bài học chúng ta nhận được đó, liệu chúng ta đã học tốt không? Có học đến nơi đến chốn không?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tất nhiên, những khó khăn của 2008 đưa ra rất nhiều bài học và tôi nghĩ rằng không phải một lúc mà chúng ta có thể nhận thức được hết.
Cần có quá trình vấp váp thử nghiệm thì chúng ta mới hiểu rõ và hiểu thấu hơn tất cả những kinh nghiệm điều hành nền kinh tế thị trường, nhất lại là nền kinh tế thị trường hội nhập với nền kinh tế thế giới. Đó là một cái gì đó rất là mới mẻ với chúng ta. Trải nghiệm 2008 và tới đây là 2009 sẽ giúp chúng ta nhìn sáng rõ và thấu đáo hơn những bài học đã qua.

Bạn Lê Văn Chương (37/5 Lý Thường Kiệt, P8, Tân Bình, Tp.HCM): Xin ông cho biết yếu kém nội tại nào là khó nhận diện và khó nhất trí nhất của hệ thống quản lý Nhà nước Việt Nam hiện nay? Để khắc phục yếu kém đó thì theo ông cần phải làm thế nào và tính khả thi của giải pháp mà ông đề xuất?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Khó nhận diện nhất chính là sự không minh bạch trong cơ chế chính sách. Một chủ trương đưa ra không thật công khai, rõ ràng sẽ tạo nên tiêu cực ngay lập tức.
Cần công khai, minh bạch trong bất cứ chính sách nào cho người dân được biết và có sự chọn lựa, cạnh tranh, đấu thầu thì mới có thể đem lại hiệu quả được. Còn tù mù theo cơ chế xin cho, quan hệ thì chắc chắn sẽ mang lại những cái không rõ ràng, từ đó sinh ra những tiêu cực.

Dự cảm 2009: Khó khăn sẽ mách bảo Việt Nam đổi mới con đường phát triển

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2009 dự báo rất nhiều khó khăn, phức tạp và dông bão với không chỉ dân tộc và đất nước Việt Nam mà đến với toàn thế giới. Cảm nhận của ông về 2009 là thế nào?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Thường thì khi kết thúc năm cũ, bước vào năm mới, người ta có cảm giác đầy niềm hi vọng vào năm mới. Nhưng riêng với năm Kỷ Sửu này, tâm tư của tôi nghiêng về phía lo lắng nhiều hơn.
Đất nước phải đứng trước khó khăn kép, một mặt chúng ta đang phải khắc phục những khó khăn trong nước, sau khi lạm phát tăng quá cao, chúng ta đã kiềm chế được chừng mực nào đó thì giờ đây lại vấp phải hiện tượng giảm sút về kinh tế. Thoát khỏi khó khăn này không hề đơn giản.

Chưa kịp xử lý xong vấn đề này thì những tác động tiêu cực của kinh tế thế giới lại ập đến. Năm 2009 hứa hẹn một năm đầy thử thách và hiện nay, trong tất cả các dự báo thì chưa ai dám khẳng định kinh tế thế giới năm 2009 sẽ sáng sủa. Tuyệt đại đa số các dự báo của các nhà kinh tế, các viện nghiên cứu, các thể chế tài chính quốc tế như WB, IMF... đều nói rằng chưa có triển vọng và cơ sở nào cho thấy kinh tế thế giới 2009, thậm chí đến quý 4 sẽ sáng sủa cả.

Cá nhân tôi có lo lắng là chính. Tuy vậy cũng không nên nhìn bức tranh quá tối. Trong cái khó có thể ló cái khôn. Tôi nghĩ có thể kể ra mấy điểm lợi thế của Việt Nam trong năm tới như sau:

Thứ nhất, dù sao nước ta cũng duy trì được sự ổn định chính trị, xã hội. Đây cũng là cơ hội để chúng ta phát triển trong nước, đồng thời cũng là sức hút với những người quan tâm hợp tác với Việt Nam.

Thứ hai, tốc độ tăng trưởng có giảm sút nhưng vẫn là dương, chứ chưa đến mức suy thoái, trong khi rất nhiều nước đã rơi vào tình trạng suy thoái. Điều này không làm chúng ta hài lòng nhưng vẫn có thể khai thác được tiềm năng này. Điều đó cho thấy tiềm năng phát triển về dài hạn ở Việt Nam vẫn là có.

Thứ ba, trước những khó khăn đó, chúng ta có những biện pháp tháo gỡ tình hình, trong đó có một hướng mà tôi cũng đã ủng hộ từ rất lâu là ủng hộ khai thác nội địa, kích cầu trong nước... Nếu tất cả các biện pháp nếu làm tốt thì cũng khơi dậy được những khả năng ở trong nước để điều chỉnh phần nào yếu kém của nền kinh tế nước ta.

Nhìn về 2009, cái lo lắng là chính nhưng bên cạnh đó cũng loé ra những khả năng mà chúng ta có thể tận dụng được, chứ không phải chỉ toàn màu tối, xám.

Muốn phát huy sức dân thì phải lắng nghe dân

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều bạn đọc VietNamNet đã tỏ vui mừng khi thấy gần đây, trong lãnh đạo Đảng đã nói đến chuyện phát huy sức mạnh toàn dân, như TBT Nông Đức Mạnh trong buổi Hội nghị Quân chính Toàn quân cũng nói "bảo vệ tổ quốc dựa vào phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân". Đó là chủ trương lớn của Đảng và xuyên suốt lịch sử của dân tộc, Đảng làm nên những giá trị lịch sử, thành quả to lớn với dân tộc cũng là nhờ nhân dân hi sinh, che chở, đùm bọc, cống hiến và tìm ra những mô hình mới trong phát triển kinh tế.
Thưa ông, trong bối cảnh hôm nay, chúng ta sẽ làm những gì để phát huy sức mạnh của dân tộc bằng những hành động cụ thể?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Quan điểm này không phải là mới. Đó có thể là một trong những nguyên tắc cơ bản của Đảng ta. Mọi thành công của Việt Nam đều dựa vào sức mạnh của nhân dân.

Hôm qua (22/12), chúng ta vừa kỷ niệm ngày quốc phòng toàn dân và ngày thành lập QĐND Việt Nam. Quân đội chúng ta ra đời vốn là một đội quân rất nhỏ, do sức mạnh của nhân dân mà làm nên những sự nghiệp rất lớn.

Sự nghiệp đổi mới cũng vậy, nếu không khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân thì làm sao có được những thành công to lớn như vậy được. Hơn lúc nào hết, chúng ta phải tin vào và khơi dậy tiềm năng của nhân dân.
Có mấy nhân tố để làm được điều này: Thứ nhất là cần tạo được sự đồng thuận, tin tưởng rộng lớn của nhân dân vào những biện pháp mà Đảng và Chính phủ đề ra.

Bất kỳ làm việc gì, dù nhỏ dù lớn, trong lúc này mà nhân dân hiểu, ủng hộ và đồng tình làm thì chắc chắn sẽ làm được. Chủ trương của chúng ta phải minh bạch, công khai, phải làm cho nhân dân hiểu rõ tình hình, biện pháp mà chính phủ thực hiện.

Thứ 2, khi đề ra các biện pháp cụ thể trong lĩnh vực kinh tế, thì các biện pháp ấy phải nhằm vào đại đa số nhân dân. Ví dụ kích cầu, theo quan điểm của tôi thì phải nhằm vào nông dân vì nước ta vẫn là nước nông nghiệp, với 70% là nông dân.
Nếu chúng ta tháo gỡ khó khăn cho bà con nông dân, để họ tiêu thụ được sản phẩm, có thể tiếp tục sản xuất và vay vốn được đỡ sức ép từ giá cả. Đấy là sức mua lớn nhất của xã hội chứ không nên là tập trung vào doanh nghiệp lớn. Kể cả doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tạo ra đại đa số công ăn việc làm trong xã hội. Thành ra nếu chúng ta sử dụng những biện pháp nhằm vào đại đa số ấy như kích cầu vào đại đa số, cụ thể là hỗ trợ những người nông dân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì sẽ khơi dậy được tiềm năng của nhân dân.
Thứ 3, muốn phát huy sức mạnh của nhân dân thì phải lắng nghe nhân dân. Những ý kiến của nhân dân chính là những sáng kiến, tâm tư, tình cảm của họ. Sự sáng tạo của nhân dân thể hiện trong các ý kiến, đề xuất, nguyện vọng của họ. Biết nghe và biết chọn lọc những ý kiến đề xuất ấy của người dân thì chúng ta sẽ tìm được lối ra. Đây là chân lý không thay đổi với đất nước ta. Nếu sử dụng chân lý này có hiệu quả thì chúng ta sẽ thoát ra khỏi mọi tình huống khó khăn.

Giải quyết khó khăn trước mắt nhưng đừng quên dài hạn

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Có nhiều người so sánh năm 1986, là năm chúng ta đổi mới, lúc đó chúng ta đã vấp phải những khó khăn rất to lớn trong đời sống kinh tế xã hội và chúng ta cũng dựa vào nhân dân để vượt qua. Còn hôm nay, chúng ta đã khó khăn đến mức như năm 1986, phải suy nghĩ đến đoạn buộc phải đổi mới hay chưa? Buộc phải tiếp tục đổi mới cao hơn nữa? Buộc phải dựa vào nhân dân hơn nữa hay chưa?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Năm nay chúng ta cũng khó khăn, nhưng không thể so sánh với năm 1986 được. Tôi đã từng sống trong giai đoạn đó, thấy tình hình lúc đó khác bây giờ nhiều về cả thế và lực. Lạm phát ngày ấy là hàng nghìn % chứ không phải chỉ khoảng 20% như bây giờ, không có hàng hoá. Chúng ta không coi thường lạm phát nhưng so với năm 1986 thì con số dự tính lạm phát 2008 là 22% cũng chưa phải là lớn lắm. Kinh tế của nước ta dù sao cũng đã tăng trưởng rất tốt trong những năm qua. Chúng ta đã có dự trữ ngoại tệ.

Mặt khác, về thế ngày ấy chúng ta bị bao vây cô lập, còn ngày nay Việt Nam có quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia, quan hệ kinh tế thương mại với hơn 130 quốc gia, đầu tư cũng hơn 70 quốc gia... Nói chung bây giờ ta có cơ may để khắc phục kinh tế hơn năm 1986 rất nhiều.

Còn về đổi mới, thì phải nhận thức rằng đổi mới phải là một quá trình vận động không ngừng, cũng giống như con người muốn tiến bộ thì cũng phải liên tục hoàn thiện mình. Nói đến một xã hội thì lại càng phải như thế. Không nên hiểu đổi mới là dừng lại ở chỗ này, hay đã tốt rồi thì không cần phải tiếp tục đổi mới.
Cuộc sống luôn luôn phát triển, ngày hôm nay tốt, ngày mai đã có thể không tốt rồi. Tôi cho rằng khó khăn 2008 sẽ mách bảo ta sửa tiếp một số cái nữa:

Thứ nhất, đó là cơ cấu kinh tế, được hiểu theo nghĩa rộng bao gồm cơ cấu ngành, sản phẩm, vùng miền, thị trường... nhưng ở đây tôi chỉ đề cập tới cơ cấu sản xuất thôi.
Rõ ràng khó khăn của 2008 cho thấy trong cơ cấu công nghiệp của chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu hàng thô và gia công. Trong khi đó công nghiệp phụ trợ nói mãi cũng vẫn chưa làm được. Chúng ta càng xuất nhiều thì càng phải nhập lớn. Điều này cũng sẽ ép buộc chúng ta phải thay đổi vì nếu chúng ta không thay đổi thì mãi mãi kinh tế của chúng ta sẽ thua thiệt, kém hiệu quả.

Hay chúng ta phải hội nhập vào cơ thể thế giới, không thể khác được nhưng mức độ tuỳ thuộc vào kinh tếthế giới đến đâu thì phải phấn đấu để thay đổi.
Phụ thuộc cả xuất lẫn nhập khẩu đến 148 - 150% với kinh tế thế giới như hiện nay thì chúng ta sẽ còn phải chịu rất nhiều khó khăn. Đầu vào, vốn nước ngoài chiếm tỷ trọng quá cao. Chúng ta phải phấn đấu để tiết kiệm trong nước cao để tự lực hơn.
Tự lực không có nghĩa là đóng cửa, mà nền kinh tế phải tự đứng trên đôi chân của mình thì mới có thể ứng phó với tình hình được.

Thứ hai, hơn lúc nào hết phải xử lý tốt mối quan hệ giữa tốc độ và hiệu quả; giữa tăng trưởng và bền vững. Trong đó hiệu quả và bền vững mới là quan trọng. Lần này, chúng ta cũng phải chỉnh sửa lại để khắc phục tình trạng đó.

Quá trình đổi mới là quá trình không ngừng. Khó khăn năm 2008 mách bảo cho chúng ta phải sửa những gì để nền kinh tế hoàn thiện hơn.

Khi khó khăn thì phải tập trung vào giải quyết khó khăn trước mắt là đúng, nhưng vẫn phải để một phần trí tuệ để giải quyết khó khăn dài hạn.
Khủng hoảng đối với các quốc gia đều giống nhau, khủng hoảng kinh tế chỉ như một quy luật của kinh tế thị trường, là quy luật mang tính chu kỳ. Sau khó khăn thì nó lại được cơ cấu lại và phát triển có hiệu quả hơn. Đó là quy luật mà chúng ta phải nắm bắt để khi ra khỏi khó khăn này thì nền kinh tế lành mạnh hơn. Nhưng không lúc nào nên rời mục tiêu dài hạn của phát triển đất nước. Phải nghĩ đến chặng đường 2010 - 2020 chúng ta phải làm gì, làm thế nào để phát triển bền vững, đưa nước ta trở thành nước về cơ bản là nước công nghiệp vào năm 2020.

Nói con người là trung tâm nhưng không có giải pháp rõ thì Việt Nam vẫn mãi lạc hậu

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Nhiều người vẫn nói con đường đi của chúng ta rất khó khăn, chưa tìm ra con đường để phát triển. Người ta nói rằng chúng ta không thể nào đi theo con đường sản xuất đại trà để trở thành đại công xưởng như của Trung Quốc, cũng như không thể trở thành quốc gia đi đầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng như Singapore, Hong Kong. Có người lại nói Việt Nam có thể đi theo con đường tạo nên giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... Nhưng về mặt con người, chúng ta lại chưa chuẩn bị kịp, còn bộn bề khó khăn, chưa định hình con đường đi riêng cho Việt Nam. Suy nghĩ của ông thế nào về vấn đề này?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi cho rằng sắp tới còn phải bàn bạc nhiều. Chúng ta đưa ra những ý tưởng vĩ mô nhưng nội hàm thì không rõ ràng và ý tưởng thì rất khác nhau. Ta nói đến năm 2020, biến nước ta về cơ bản trở thành nước công nghiệp và hiện đại. Nhưng thế nào là công nghiệp, hiện đại? Cho đến nay cũng chưa có sự bàn bạc kỹ lưỡng và sự nhận thức thống nhất.

Hoặc chúng ta đưa ra khẩu hiệu "Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" nhưng nội hàm của "dân giàu", "nước mạnh", "dân chủ", "công bằng" và "văn minh" là thế nào? Ngay cả nội hàm ấy cũng rất nhiều người hiểu không rõ và khác nhau.
Sắp tới, trong dịp chuẩn bị cho thập kỷ tới, những nội hàm như vậy phải được định rõ. Tôi chưa sẵn sàng nói rằng chúng ta nên đi theo con đường nào, nhưng rõ ràng đây là vấn đề cần bàn rất kỹ.

Chúng ta đã từng trải qua con đường côn nghiệp hoá công nghiệp nặng quá mức, không chú ý đến hiệu quả giờ phải chỉnh sửa lại.

Sau đó, chúng ta cũng công nghiệp hoá theo hướng xuất khẩu mạnh, cũng mang lại một số thành quả nhưng cũng đồng thời đặt ra nhiều vấn đề.

Có dạo chúng ta cũng bàn về "đi tắt đón đầu" và "sử dụng kinh tế tri thức để phát triển", gần đây thì theo gợi ý của nhóm chuyên gia Harvard thì chúng ta lại nhắc đến việc tham gia chuỗi giá trị toàn cầu... Bây giờ là lúc mà chúng ta phải ngồi lại với nhau và bàn bạc.

Tôi cũng đang suy nghĩ về vấn đề này, nhưng có một điều cốt tử mà tôi vẫn nghĩ, đó là nước ta tài nguyên không nhiều, đa dạng nhưng mỗi thứ chỉ có một tí, lao động rẻ cũng giờ đây cũng không rẻ nữa và cũng không thể dựa mãi vào thế mạnh này được.
Cái chính hiện nay là phải phát triển đầu tư con người có năng lực và trí tuệ cao. Nếu không chịu đầu tư vào lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì dù chọn con đường nào chúng ta cũng không thể thành công được.

Cơ bản nhất hiện nay là phải tập trung vào làm cho rõ con đường chúng ta đổi mới giáo dục như thế nào để nguồn nhân lực của Việt Nam có thể bắt kịp được với thế giới.
Quan sát những nước không có tài nguyên, nhưng họ vẫn làm nên nhiều sự nghiệp như Singapore, Thuỵ Sĩ, Nhật Bản và một số các nước Bắc Âu. Quyết định nhất vẫn là nguồn lực con người. Con người ở đây phải được hiểu theo nghĩa toàn diện vừa được đào tạo, chăm lo sử dụng và chính sách... Nếu cứ nói con người là trung tâm nhưng không có những biện pháp rõ ràng thì mãi mãi chúng ta sẽ vẫn lạc hậu.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Hiện nay, trong khu vực kinh tế dân doanh, dường như khả năng phát huy tiềm lực con người trội hơn hẳn khu vực nhà nước. Tuy nhiên khu vực này chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn chịu nhiều định kiến của xã hội. Trong khi nguồn lực quốc gia, kinh tế, tài chính ngân hàng, đất đai, khoáng sản... đều tập trung vào doanh nghiệp nhà nước. Liệu có phát huy được nguồn lực con người không khi khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn trì trệ và chưa phát huy tốt sức mạnh của mình?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng là hiện nay những khu vực dân doanh là khu vực tạo ra sản phẩm, nhiều công ăn việc làm. Có một hiện tượng đáng chú ý là chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước sang lĩnh vực tư nhân. Điều đó chứng tỏ ở đây làm ăn hiệu quả hơn, thu nhập cao hơn.

Tất nhiên so với trước đây, cơ chế chúng ta đã thông thoáng hơn rất nhiều. Mỗi người đều có điều kiện lựa chọn nơi làm việc cho riêng mình. Điều này sẽ tạo sức ép lên doanh nghiệp nhà nước phải đổi mới cơ chế chính sách để thu hút, giữ chân và sử dụng nhân tài.
Tất nhiên điều này cũng không dễ dàng vì bản thân các DNNN cũng vướng phải những quy định mà ta quen gọi là "cơ chế". Phải tháo gỡ những cái này để họ có thể sử dụng nhân tài.

Đồng thời, với những lĩnh vực ngoài nhà nước, thì chính sách nhất quán từ trước đến nay ta luôn nói là bình đẳng trước pháp luật, nhưng đi vào từng lĩnh vực, hoạt động thì vẫn có những hạn chế, thậm chí là kỳ thị còn chưa khắc phục được.
Những biện pháp trước mắt như kích cầu, cũng đã nhấn mạnh tạo cơ hội bình đẳng cho DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn nhưng đi kèm đó phải là những thay đổi nhiều trong hệ thống trong các ngân hàng. Vì các DN này tính bảo đảm không dễ dàng như các DN lớn. Các ngân hàng phải thay đổi thế nào để họ có điều kiện tiếp cận nguồn vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh.

Tôi cho rằng tình hình thực tế sẽ ép các ngân hàng phải đổi mới vì nếu không chính họ cũng không kinh doanh được.
 

Không thắt lưng buộc bụng thì Việt Nam khó giàu được

Bạn đọc Phạm Bá Hùng, Paris Pháp: Thưa ông, giống như trong một gia đình đông con cha mẹ thì chăm chỉ làm và cố gắng tiết kiệm chi tiêu nhưng một số đứa con không cùng suy nghĩ với cha mẹ, chúng ham chơi và phá phách...dẫn đến gia đình luôn trong cảnh túng thiếu và nợ nần. Vấn đề muốn nói ở đây là sự đồng thuận của các thành viên trong gia đình chung sức cùng cha mẹ vượt qua khó khăn mà có được thì ắt gia đình đó sẽ đứng vững. Do vậy ở cấp quốc gia nếu đại bộ phận nhân dân đồng tâm hiệp lực với chính phủ sẽ giúp cho đất nước phát triển bền vững.
Câu hỏi của tôi là: Chính phủ có nên coi trọng hơn nữa về việc ổn định và định hướng tư tưởng trong dân như một giải pháp mạnh ngay lúc này để bình ổn kinh tế hiện tại, cũng như là một giải pháp lâu dài giúp phát triển kinh tế bền vững?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Trước sau như một, chúng ta phải trông cậy vào sự đóng góp của nhân dân. Muốn có được cái đó phải có được đồng thuận trong xã hội.

Cá nhân tôi cho rằng, một trong những suy nghĩ phải hướng người dân nhận thức được và làm cho tất cả nhân dân ta hiểu rằng chúng ta là một nước nghèo và phải bằng mọi cách xoá nỗi nhục là một nước nghèo. Cần tằn tiện, thắt lưng buộc bụng để xây dựng đất nước này ngày một giàu mạnh lên.

Tôi thấy rất lạ là thu nhập dân ta thì còn thấp, các doanh nghiệp được gọi là "đại gia" thì so với thiên hạ thì cũng chưa là gì, nhưng tiêu xài thì sang quá, quá mức làm ra. Điều này thể hiện trên rất nhiều mặt. Cái này khác hẳn một số nước tôi đến như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đức... họ đều thắt lưng buộc bụng, nổi tiếng thế giới là những quốc gia tiết kiệm... Còn ở Việt Nam, không chỉ người dân mà cả các cơ quan nhà nước cũng có hiện tượng ăn tiêu lãng phí như chiêu đãi, tốn kém, liên hoan... rất tốn kém.

Nếu chúng ta không làm cho nhân dân hiểu rằng đất nước ta còn rất nghèo, không thắt lưng buộc bụng thì rất khó để đất nước ta trở thành nước giàu được.

Tạo cơ chế trách nhiệm mới mong chống tham nhũng

Bạn đọc Ngô Thuỷ (Thanh Hoá): Là công dân nước Việt Nam, cháu không khỏi lo lắng khi nước ta gia nhập WTO nhưng điều kiện cơ sở vật chất , giao thông còn quá lạc hậu. Đến khi nào nước ta với ngang tầm với các nước trung bình? trong khi tệ nạn tham nhũng của nước ta còn quá nhiều và công khai như hiện nay, rồi lãng phí trong đầu tư xây dựng các công trình hàng ngàn tỉ đồng mà chưa kịp thời đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng. Còn quá nhiều việc cần làm... Là thế hệ trẻ đang ở tuổi cống hiến, chúng cháu muốn có lời giải thích để chúng cháu thêm vững bước trên con đường đi của mình?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi xin trả lời từng ý trong câu hỏi của bạn như sau, thứ nhất, khó khăn hiện nay của chúng ta đang phải đối mặt không phải vì chúng ta gia nhập WTO mà mới có, mà chủ yếu là do yếu kém của nền kinh tế nước ta. Giả dụ chúng ta chưa vào WTO thì chúng ta sẽ gặp khó khăn hơn bây giờ, chúng ta sẽ bị phân biệt đối xử, chịu thuế suất rất cao của các nước trên thế giới, chúng ta càng khó xuất khẩu hơn. Vào WTO khiến cho hàng rào thuế quan đối với Việt Nam giảm xuống, từ đó có thể đẩy mạnh xuất khẩu.

Dù không gia nhập WTO thì kinh tế của chúng ta vẫn phụ thuộc vào nền kinh tế thế giới rất lớn.
Nhân đây tôi cũng xin chia sẻ một tâm tư. Chúng ta dường như có thói quen là mỗi khi có một sự kiện gì chúng ta hơi thiếu trầm tĩnh, đề cao quá mức, hoặc khi không thành thì bi quan quá mức. Khi chúng ta gia nhập WTO thì tưởng như ngày hôm sau đất nước sẽ thay đổi ngay lập tức. Nhưng thực tế lại không phải như vậy.
Trong bóng đá chẳng hạn, khi chúng ta được 1 trận thì tưng bừng, nhưng khi thua một trận thì các cầu thủ, huấn luyện viên đều bị chỉ trích rất nặng nề. Theo tôi, cả hai thái cực ấy đều không đúng cả.

Cũng nên trầm tĩnh hơn một chút trước các sự kiện, đối với WTO cũng như vậy.

Thứ hai, thực trạng mà mọi người hiện nay đang rất bức xúc là tệ tham nhũng, lãng phí rút ruột nhà nước, công trình. Hiện nay chúng ta cũng đang cố gắng để đẩy lùi những hiện tượng này nhưng kết quả chưa cao.

Cá nhân tôi thì cho rằng phải tạo được cơ chế trách nhiệm: người làm sai phải bị trừng trị thích đáng, người làm đúng được động viên thích đáng. Không có cơ chế xin cho, không có cơ chế không minh bạch thì mới có thể khắc phục tình trạng này từng bước. Không thể chỉ hô hào mà đẩy lùi được tệ nạn này.

Phải đi sâu vào xây dựng cơ chế thật minh bạch, rõ ràng, phải có địa chỉ rõ ràng và biện pháp thiết thực, nếu cứ nương nhẹ những sai phạm thì sai phạm thì sẽ tiếp diễn. Tôi mong việc này mọi người đều xúm vào nhưng nhà nước phải có trách nhiệm chủ yếu thì mới được vượt qua được những tệ nạn như vậy.

Thiếu cơ chế khuyến khích sáng tạo

BạnHoàng Anh Dũng (120 Hàng Trống - Hoàn Kiếm - Hà Nội): Cháu chào bác! Cháu là một người trẻ ngưỡng mộ trí tuệ và nhân cách của bác. Cháu chúc bác luôn mạnh khỏe để tiếp tục đóng góp cho sự thành công của Việt Nam.

Năm 2009 sẽ rất khó khăn, vậy đây đã phải là lúc chúng ta phải nhìn lại quá trình phát triển kinh tế của mình chưa? Và cần phải thay đổi những gì? Khi mà nền kinh tế tăng trưởng với hàm lượng chất xám chưa cao.

Và một vấn đề nguồn nhân lực của Việt Nam (lực lượng lòng cốt là những người trẻ) được nhận định là dồi dào, chăm chỉ, thông minh nhưng phần lớn là chưa sáng tạo. Vậy đâu là nguyên nhân chúng ta thiếu sáng tạo và liệu có nguyên nhân kìm hãm sự sáng tạo không? Cháu xin cảm ơn!

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi đồng tình với ý kiến của bạn. Chính khó khăn này sẽ mách bảo và yêu cầu chúng ta đổi mới con đường phát triển. Chúng ta phải chuyển chú trọng quá nhiều đến tốc độ sang hiệu quả và chất lượng phát triển.

Hiệu quả phát triển được hay không nhờ sự sáng tạo vào khoa học công nghệ. Tiếc rằng trong lĩnh vực này chúng ta còn quá yếu kém. Nếu nói chúng ta lạc hậu về kinh tế 1 thì lạc hậu về KHCN 10.
Sở dĩ có tình trạng này thì có rất nhiều nguyên nhân, cơ bản là chưa tạo được thể chế khuyến khích sáng tạo, ngay cả những công trìnhnghiên cứu khoa học cũng còn mang rất nhiều hình ảnh của cơ chế bao cấp. Ví dụ chi phí cho đề án nọ, kia cấp nhà nước, ngành... nhưng không hề tính đến hiệu quả thực tế. Vẫn lấy số lượng là chính, chất lượng không để ý thì sản phẩm đầu ra cho nền kinh tế chắc chắn cũng sẽ rất thấp.

Cơ bản là chúng ta phải thay đổi hẳn cách tiếp cận với sáng tạo, để cơ chế đó khuyến khích những người làm tốt thì được thưởng cao, còn những người không hoàn thành thì không những không được hưởng mà thậm chí còn bị phạt.

Ví dụ dự báo kinh tế vừa rồi có rất nhiều dự báo không chính xác, thậm chí rất sai được trình lên chính phủ, qua quốc hội. Vì sao lại tồn tại tình trạng như vậy? Vì người làm dự báo không có trách nhiệm gì cả.

Đáng ra Chính phủ có thể "đặt hàng" các cơ quan kinh tế dự báo, nếu dự báo đúng mới trả tiền, sai thì không trả tiền, thậm chí là phạt. Nhưng đằng này sai hay đúng gì thì đều như nhau thì làm sao có dự báo đúng được. Cơ chế sử dụng chất xám, sáng tạo không thay đổi đi thì không thể có sự sáng tạo trong khoa học được.

Đảng phải là người tập hợp sức mạnh toàn dân tộc để vượt khó

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Năm 2009 như ông đã nêu, có rất nhiều khó khăn đang chờ đợi, nhưng chúng ta có một niềm tin rằng dân tộc Việt Nam luôn luôn vượt khó được. Mỗi khi khó khăn nếu dân tộc ta đoàn kết và Đảng tập hợp được dân tộc và tạo nên động lực để toàn dân chung sức chung lòng cố gắng cùng nhau vượt qua khó khăn. Vậy theo ông, vai trò của đảng Cộng sản Việt Nam lúc này là phải làm gì để tập hợp và khai phóng tất cả sức mạnh dân tộc?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Đúng là những lúc khó khăn nhất, chúng ta đều cụm lại với nhau, kiên cường khắc phục khó khăn và vượt qua được. Lịch sử hàng bao nhiêu năm nay của chúng ta đều chứng tỏ như vậy. Về kinh tế, như tôi đã nói, hồi những năm 1980 khó khăn đến như thế nào mà rồi chúng ta cũng vẫn tháo gỡ được, khắc phục được. Khó khăn hiện nay so với năm 1986 cũng không lớn lắm, chắc chắn là chúng ta cũng sẽ khắc phục được thôi.

Nhưng nói nhân dân chung chung như thế thì khó hình dung. Phải có người tập hợp và đương nhiên, vai trò tập hợp của đảng là quan trọng nhất.

Đảng muốn tập hợp được nhân dân, trước hết phải có nhân tố trí tuệ. Đảng phải đưa ra được nhưng đường hướng, biện pháp chuẩn xác, còn chính phủ là người thực hiện. Điều đó sẽ động viên được nhân dân.

Điều thứ hai rất quan trọng là các đảng viên phải gương mẫu. Nếu giữ được đúng nguyên tắc "Đảng viên đi trước, làng nước đi sau" thì chúng ta sẽ khắc phục được khó khăn. Trong chiến tranh chúng ta đã thực hiện được tốt điều đó. Hiện nay cũng vậy, cơ sở nào giữ được nguyên tắc đó thì đều có thể vững bước tiến lên.

Cá nhân tôi thấy có hai nhân tố đó. Một là đảng đưa ra được những đường hướng đúng đắn, tập hợp toàn dân và được toàn dân đồng thuận tán thành, tạo được niềm tin trong nhân dân. Hai là đảng viên gương mẫu thì chúng ta sẽ làm được.

Đối thoại để tập hợp sức dân

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Theo ông làm cách nào chúng ta có thể tập hợp được tất cả trí tuệ của người dân, và đặc biệt chọn lựa ra được những ngườixứng đáng nhất, ưu tú nhất của dân tộc tham gia hàng ngũ lãnh đạo các cấp của chúng ta?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Không phải mọi vấn đề đều có thể đưa ra tham khảo ý kiến được, nhưng với những vấn đề lớn, nên tổ chức các cuộc đối thoại rộng rãi với chất xám của đất nước. Ví dụ lĩnh vực tài chính tiền tệ, không phải ai cũng hiểu được lĩnh vực phức tạp này, nhưng có một lực lượng khá đông trí thức hiểu rõ, có kiến thức sâu về lĩnh vực này.

Vì vậy, trong những trường hợp khó khăn, bên cạnh việc tham khảo ý kiến các chuyên gia quốc tế, thì chúng ta phải rất coi trọng, có thể nói là coi trọng hàng đầu là thu thập ý kiến của các nhà trí thức về lĩnh vực đó. Những sinh hoạt này đã có diễn ra, nhưng chưa ngang tầm với đòi hỏi, cần có nhiều những đối thoại như vậy. Đó là một kênh.
Một kênh nữa là đối thoại công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, với sự tham gia của không những các nhà chuyên gia mà cả các nhà quản lý nữa. Thông qua đối thoại đó, không những có thể hiểu được tâm tư tình cảm của nhân dân mà còn có thể thu lượm được rất nhiều ý tưởng rất hay.

Thứ ba là, chúng ta chưa có luật trưng cầu dân ý nhưng đến lúc nào đó chúng ta cũng phải nghĩ đến cách làm này để có thể thu thập ý kiến rộng rãi của nhân dân. Hiện nay chúng ta cũng đã tham khảo ý kiến nhân dân về một số đạo luật, một số chủ trương, chiến lược một cách công khai. Nhưng cũng cần phải xem xét đến những hình thức khác nữa để có công bố rộng rãi và thu lượm được nhiều ý kiến của nhân dân. Tôi thấy đó là ba kênh có thể làm được rất nhiều.

Thiếu một cơ chế phản hồi ngược với dân

Bạn đọc Nguyễn Văn Hùng (Biên Hoà, Đồng Nai): Chúng tôi có theo dõi Đảng đã mở được nhiều cuộc vận động đóng góp ý kiến, đặc biệt là trước Đại hội X và nhiều cuộc trưng cầu ý kiến khác của người dân. Nhưng chúng tôi cảm nhận là chưa có phản hồi lại là nhân dân đóng góp những gì và Đảng đã tiếp thu những gì, mà vẫn là nói chung chung. Nhiều khi chúng tôi thấy giữa bản dự thảo và bản chính thức sau khi tham khảo ý kiến nhân dân không thay đổi mấy. Theo ông, vấn đề hiệu quả góp ý của nhân dân đã được đặt ra chưa?
Nguyên PTT Vũ Khoan: Bây giờ tôi không có cơ sở để nói, nhưng khi tôi còn làm việc cũng có được đọc, được tham khảo những ý kiến đóng góp về văn kiện này hay văn kịện khác của Đảng, đạo luật này hay đạo luật khác của nhà nước. Những người quản lý tất nhiên không thể tiếp thu từng điểm thật rành mạch, có thể có hàng trăm hàng nghìn ý kiến khác nhau, nên thường tổng hợp lại những ý kiến khác nhau rồi từ đó suy xét vận dụng xem cái gì có thể tiếp thu, thể hiện trong văn bản cuối cùng đưa ra.

Tiếc rằng là chưa tìm được cơ chế hồi âm lại đối với những ý kiến đóng góp, có những ý kiến rất đúng được tiếp thu, có những ý kiến chưa thực đầy đủ lắm cần bổ sung, hoặc có những ý kiến sai cần phải nói lại.

Đối thoại ngược chiều là chưa có nhiều. Mới là tiếp thu vào, chứ còn mình nhận cái gì, cái gì đúng cái gì sai thì chưa có hồi âm lại. Vì vậy cần có cách nào đó để phản hồi để người dân biết là những ý kiến họ đóng góp đã tới được với người cần tới, được suy xét và có hồi âm để người ta hiểu họ đã đóng góp đúng hay sai. Thì cơ chế phản hồi là chưa có.

Bạn đọc Hoàng Thu Hương (Huế): Chúng tôi thấy nhiều ý kiến đóng góp của người dân cũng như trên công luận đã nêu, một số ý kiến đã được tiếp thu, chẳng hạn chuyện dừng dự án Posco ở vịnh Vân Phong. Nhưng nhiều vấn đề khác, báo chí, công luận và người dân đã đóng góp ý kiến, chúng tôi thấy vẫn không thay đổi mấy so với những gì đã triển khai?
Nguyên PTT Vũ Khoan: Theo tôi được biết về dự án Posco, sau khi nghe ý kiến của công luận, thì đã có quyết định không xây dựng nhà máy luyện thép ở Vân Phong mà phải chuyển đến địa điểm khác.

Nhưng mà không phải là ý kiến không được lắng nghe đâu. Như tôi đã nói, vấn đề là có phản hồi lại. Người ta phản ảnh lên, mình tiếp thu, suy nghĩ, có cái giúp mình đưa ra quyết định, có cái mình cần cân nhắc thêm, thì không có phản hồi lại nên nhân dân có cảm giác như là không được tiếp thu.

Tất nhiên cũng có điểm này điểm khác, không phải 85 triệu người Việt Nam đều giống nhau hết cả, mà ý kiến rất là khác nhau. Cần đưa công khai những ý kiến khác nhau để giải thích và tuyên truyền, thậm chí để tranh luận, để tìm thấy một chân lý thống nhất.
Một sự việc khó mà đòi hỏi sự đồng thuận 100%, nhưng chí ít sự đồng thuận phải được 70-80% thì công việc sẽ được suôn sẻ. Như tôi đã nói, do cơ chế phản hồi chưa hình thành nên trong dân vẫn có tâm tư là ý kiến đóng góp không được nghe.

Đòi hỏi của đất nước sẽ sản sinh những người lãnh đạo đáp ứng yêu cầu thời cuộc

Một sinh viên Đại học quốc gia Singapore: Chúng cháu rất yêu quý bác Vũ Khoan và rất có tâm huyết với đất nước. Trong trận Việt Nam gặp Singapore vừa rồi, chúng cháu đã cổ vũ khản cổ. Chúng cháu rất hạnh phúc khi đội Việt Nam giành chiến thắng dù rất khó khăn. Từ đó chúng cháu nghĩ rằng người Việt Nam không bao giờ sợ khó khăn, nếu biết đoàn kết chung sức chung lòng và có những thủ lĩnh tốt. Chúng cháu thấy Đảng Cộng sản Việt Nam luôn có những nhà lãnh đạo xuất chúng, được nhân dân yêu mến như Bác Hồ, như những thế hệ lãnh đạo kế nhiệm. Chúng cháu mong tiếp tục được nhìn thấy những nhà lãnh đạo của Đảng được cả dân tộc yêu mến, kính trọng. Bác có tin rằng chúng ta sẽ có những giải pháp chọn lựa người tài và sẽ có những nhà lãnh đạo được tất cả nhân dân yêu mến kính trọng như Bác Hồ trước đây không?

Nguyên PTT Vũ Khoan: Tôi có thể khẳng định là không thể có ai như Bác Hồ. Dân tộc ta nhiều thế kỷ mới sản sinh ra được một nhân vật vĩ đại như vậy. Nhưng người tài thì thời nào cũng có. Mỗi thời có những yêu cầu khác nhau đối với những người lãnh đạo. Tình hình thay đổi thì cuộc sống sẽ đề xuất lên những người lãnh đạo có tầm trí tuệ, đạo

 


 
Tấm gương
  Đã đến lúc không thể tránh né những vấn đề cốt tử  
  Đảng lãnh đạo nhưng không áp đặt  
  Đạo Phật nguyên thủy và các tư tưởng chính  
  Đạo Phật và sự đau khổ trong cuộc sống  
  Để hành chính không còn “hành là chính”  
  Để lãnh đạo sáng tạo và chính trực  
  Điều gì quan trọng hơn: Ít bực mình hay hạnh phúc?  
  Đổi Mới II: Ý chí lãnh đạo và đồng thuận xã hội  
  Đôi tay đẹp  
  Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc  
  Đối thoại với Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Breath, breath, you’re online  
  Đối thoại với trí thức không cần treo bảng  
  Đột phá tư duy để tiến xa hơn  
  Đức Pháp Vương: Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương!  
  Đức phật dạy con  
  Đức Phật dạy con như thế nào?  
  Đừng biến bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí  
  “Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh xem lại mình”  
  “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”  
  “Dân cần nhưng quan không vội, dân vội thì lội mà sang”  
  “Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"  
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4