Tấm gương
“Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh xem lại mình”
 

“Bức xúc của cuộc sống đã đủ nhiều để những người phần nào nguội lạnh phải xem lại mình. Anh không thể tiếp tục né tránh, ỷ lại mà phải dõng dạc tranh luận, làm sáng tỏ những vấn đề hệ trọng của đất nước”. Phần kết bàn tròn, hai vị khách mời đề cập tới trách nhiệm “truyền lửa” từ xã hội vào các hội nghị và Đại hội Đảng của các ủy viên trung ương.

Uỷ viên trung ương, anh là ai?

Nhà báoNguyễn Anh Tuấn: Vừa rồi, chúng ta đã đề cập đến tiêu chí và cơ chế để lựa chọn người đứng đầu. Nhưng có câu hỏi của một độc giả ở Hà Nội nêu vấn đề rằng, không lẽ chúng ta chỉ chăm chăm vào Bộ Chính trị và người đứng đầu. Còn vai trò của các ủy viên trung ương, những người sẽ tham dự các hội nghị Trung ương và Đại hội sắp tới, có tiếng nói trong việc quyết định những vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhìn nhận về hộ thế nào ?

GS. Dương Phú Hiệp: Đây là câu hỏi khó. Hồi Đại hội 6, lúc đó là ông Trần Xuân Bách giảng trong Học viện Nguyễn Ái Quốc là: ưu điểm của Đại hội 6 là đã trẻ hóa được một bước, tức là thay các ông lọm khọm bằng các cụ lụ khụ; hoặc đưa các cụ lụ khụ để thay các cụ lọm khọm.

Nhưng đó là chuyện xưa, còn giờ đã khác nhiều. Ta đã tiến bộ nhiều trong việc lựa chọn ủy viên trung ương. Ví dụ như việc đưa nhiều người trẻ vào mà ta gọi là trẻ hóa đội ngũ cán bộ của Đảng.

Xu hướng ấy chúng ta phải ủng hộ. Đừng e ngại gì cả. Sự nghiệp của chúng ta là ở thanh niên. Cái câu khẩu hiệu mà thanh niên phản ứng là "thanh niên là cánh tay phải của Đảng". Họ bảo: chúng tôi không phải chỉ là cánh tay, chúng tôi còn là cái đầu nữa.

Những khẩu hiệu kiểu ấy giờ cần được chỉnh lại để thanh niên là cái đầu chứ không phải chỉ là cái tay cái chân. Nhưng sử dụng họ thì phải tin, cần nhất là lòng tin.

Tướng Nguyễn Chí Thanh và trước đó là Lê Nin từng nói: muốn dạy người để biết bơi, cứ để họ nhảy xuống nước. Nghĩa là họ tập bơi thế nào mặc kệ họ, có thể uống nước hay chìm một lúc, cuối cùng đào tạo được người biết bơi.

Tướng Nguyễn Chí Thanh khi đánh giặc có quan điểm: cứ đánh đi chứ giờ cứ ngồi run thế này thì làm thế nào. Cứ đánh rồi sẽ rút kinh nghiệm. Việc chọn người cũng phải như vậy.

Sợ gì mà không dám tranh luận thẳng thắn những vấn đề bức xúc?

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Vậy hai ông nghĩ thế nào về trách nhiệm của Ủy viên Trung ương trong hội nghị tới? Trách nhiệm của họ thế nào khi đứng lên phát biểu, khi họ là những người có điều kiện gần cơ sở, gần dân, nắm được hơi thở của cuộc sống. Các vị ấy phải có tách nhiệm như thế nào, ứng xử ra sao trong việc phản ánh, đưa những vấn đề từ thực tế của thời cuộc vào hội nghị?

TS. Mai Liêm Trực: Theo tôi, ở những cấp  như vậy đòi hỏi trách nhiệm rất lớn. Vậy thì không có lý do gì mà những bức xúc cuộc sống, về những cơ chế phù hợp, mà các ông ủy viên trung ương ấy lại không dám phát biểu một cách dõng dạc trước hội nghị. Làm sao để chúng ta phải nhìn nhận thẳng thắn và thấu đáo vào những cản ngại mà lâu nay chúng ta vẫn nói là khiến cho chưa phát huy được hết những tiềm năng của đất nước, của dân tộc, chưa xứng tầm với tiềm năng, lịch sử truyền thống và ý chí của ta.

Sợ gì, e ngại gì mà chúng ta không dám nói rõ ra, những cơ chế nào, thách thức nào từ tầm nhìn, từ chiến lược cho đến những đối sách đối nội và đối ngoại, cho đến công tác tuổi trẻ trong vấn đề cán bộ?

Phải thể hiện ra, phải tranh luận đối thoại, ít nhất trong nội bộ Đảng. Như vậy mới là dân chủ thực chất.

Tôi nghĩ mỗi đồng chí phải có trách nhiệm nêu ra và làm sáng tỏ những bức xúc của xã hội, những thách thức cũng như những thời cơ của đất nước để từ đấy tạo thành sức mạnh cộng hưởng.

Đừng bảo: Vấn đề này phức tạp, nhạy cảm lắm, thôi để nhiệm kỳ sau bàn tiếp.

Những người dân không chờ đợi được. Cuộc sống cũng không thể chờ anh được nữa.

Tôi hy vọng rằng Hội nghị trung ương lần này cũng như những hội nghị trung ương tiếp theo cho đến Đại hội sẽ là một đợt thảo luận sôi nổi, dân chủ thực sự, vì dân vì nước.

Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh phải xem lại mình

Từ nay đến Đại hội phải tạo được không khí cho xã hội nói thẳng nói thật như thời kỳ đầu, từ đó mới tạo được động lực cho ý chí của dân tộc để mà từ đấy cái gì cần sửa chúng ta sửa, cái gì cần làm chúng ta dứt khoát làm.

Không nên lý luận xa vời quá. Đừng ngồi tranh luận với nhau những câu chữ. Kể cả những ví dụ như "Con đường đi lên xã hội chủ nghĩa" mà GS Hiệp đã đề cập thì ngay cả đương kim Tổng bí thư cũng nói: "Tôi cũng còn thấy chưa rõ" thì chúng ta không nên mất thời gian vào đó.



TS.Mai Liêm Trực. Ảnh: Lê Anh Dũng

Thay vì thế, chúng ta nên tranh luận cho rõ những vấn đề của nhiệm kỳ tới: ta làm những cái gì, những đối sách phải rõ ràng. Hàng ngày đất nước đang chịu những sức ép khác nhau, chịu những tổn thương khác nhau, chịu mất những thời cơ khác nhau. Sẽ phải làm gì đây? Tôi cho rằng, chúng ta phải bàn cho ra bàn những vấn đề hệ trọng đó từ giờ cho đến Đại hội.

Tình thế, thời cuộc cũng như tâm nguyện của nhân dân không cho phép anh né tránh được nữa rồi. Dân tộc đang đòi hỏi trách nhiệm ngày một cao hơn của Đảng.

Nhiều đồng chí phát biểu trọng trách của Đảng là phải khởi xướng Đổi Mới lần thứ 2. Vậy thì đổi mới lần thứ hai là gì, hay là lại trở lại như cũ. Không có gì mới so với nhiệm kỳ đã qua hay đại hội này sẽ tạo một bước ngoặt cho 25 năm sắp tới nữa?

Phải làm sao để sau cuộc Đổi Mới hai, lãnh đạo có thể tự hào mà nói rằng: dân tộc Việt Nam chúng ta từ nay có thể ngẩng cao đầu, là một nước giàu mạnh và văn minh.

Không lẽ với truyền thống đó, lịch sử hào hùng đó, ý chí đấu tranh đó của một dân tộc đã tổn hao bao nhiêu xương máu giành độc lập, mà chúng ta chấp nhận cứ phát triển túc tắc mãi như thế này hay sao?

Tôi nghĩ bức xúc của cuộc sống đã đủ nhiều để những người phần nào nguội lạnh phải xem lại mình. Những cán bộ hôm nay đang được hưởng những thành qủa mà nhiều thế hệ đã làm nên. Nhà cửa có rồi, lương bổng sống thế cũng tạm ổn. Lý do gì chúng ta phải lo thu vén cá nhân? Đến nỗi nào mà còn phải lo mất ghế của mình, để hàng ngày phải nhìn xuống chân ghế? Tại sao không có dũng khí như các thế hệ cha anh đã làm cho sự nghiệp này của Đảng và của dân tộc chúng ta.

Tôi nghĩ rằng chắc rồi với cái "truyền lửa" đó của xã hội, của bức xúc xã hội thì những đồng chí ấy sẽ đủ sức để cảm nhận để chuyển tải, để làm cho Đại hội tạo nên bước ngoặt đột phá cho cuộc đổi mới lần thứ hai này.

GS. Dương Phú Hiệp: Tôi không đòi hỏi gì cao xa từ những đại biểu đi dự Đại hội. Tôi chỉ mong họ sẽ góp phần vào việc đánh giá cho bằng được mấy đầu đề tại Đại hội 10 đã nêu ra là Đảng nâng cao được cái tầm của đội ngũ lãnh đạo, hay là nâng cao được năng lực của Đảng chưa. Nếu được là được bao nhiêu? Nếu không được thì là vì sao. Đó là điều quan trọng.

Thứ hai là Đảng đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc đến đâu rồi?

Thứ ba, Đảng phải đổi mới toàn diện. Trước đây chúng ta đổi mới kinh tế. Bây giờ chúng ta bắt đầu vừa đổi mới kinh tế, vừa đổi mới chính trị, vừa đổi mới trong các lĩnh vực khác. Vậy thì hãy kiểm điểm xem kinh tế đã đổi mới ở mức nào. Chính trị đổi mới ở mức nào, đã đồng bộ với kinh tế chưa, và các lĩnh vực khác. Tức là khẩu hiệu đổi mới trong giai đoạn toàn diện đã thực hiện được chưa hay là vẫn chỉ ở vài lĩnh vực nào đó thôi.



GS. Dương Phú Hiệp. Ảnh: Lê Anh Dũng

TS. Mai Liêm Trực: Vì thời gian có hạn nên nhân đây tôi rất cảm ơn bạn đọc VietNamNet đã quan tâm và chia sẻ với những ý kiến của tôi nêu ra trong bài phỏng vấn trên VietNamNet tuần trước. Buổi tọa đàm hôm nay không có điều kiện để trả lời hết ý kiến của độc giả.

Nhân đây tôi cũng vui mừng trả lời: các cơ quan chức năng của Việt Nam đã tổng hợp báo chí và đã gửi lên những lãnh đạo cấp cao nhất, trong đó có bài phỏng vấn của tôi. Một số đồng chí lãnh đạo đã đọc và thể hiện sự hoan nghênh về những ý kiến này.

Tôi xin được trả lời như vậy để bạn đọc yên tâm là các lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng rất quan tâm và có thái độ cầu thị tiếp thu những góp ý. Nhân đây tôi cũng muốn nói rằng, mọi người hãy tiếp tục có ý kiến đóng góp, nhất là sau khi Hội nghị trung ương đã xem xét để đưa ra những đóng góp cho văn kiện cho toàn dân thảo luận.

Tôi tin rằng, trở lại câu chuyện lúc nãy là "nói phải có cãi cũng phải nghe", tôi tin những góp ý của chúng ta, dù có thể có những hạn chế nhất định nhưng cần tiếp tục được nêu lên để từ đó cộng hưởng, góp phần vào trí tuệ toàn dân đưa đất nước vượt qua những khó khăn để mở mày mở mặt, như khát vọng của Bác Hồ: "Dân tộc ta có sánh vai với cường quốc năm châu hay không". Một lần nữa xin cảm ơn độc giả VietNamNet.

Nhà báo Nguyễn Anh Tuấn: Xin cảm ơn ông Mai Liêm Trực. Những tâm huyết , những lời nói đầy chất lửa từ đáy lòng của ông Mai Liêm Trực chính là lời kết, lời gửi gắm của VietNamNet tới Hội nghị trung ương sắp tới và tới Đại hội Đảng lần thứ 11. Xin cảm ơn hai vị khách mời đã có buổi trò chuyện rất cởi mở và đầy tâm huyết với bạn đọc VietNamNet.

 


 
Tấm gương
  “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”  
  “Dân cần nhưng quan không vội, dân vội thì lội mà sang”  
  “Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"  
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4