Tấm gương
“Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"

Cuối tháng 9-2010, nhân chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên để tìm hiểu thị trường, ông đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi.


Tỉ phú Nga Roustam Tariko trong chuyến thăm TP.HCM chiều 29-9 - Ảnh: Minh Đức


Tôi bán sản phẩm thật

* Đất nước chúng tôi có mối quan tâm sâu sắc tới nước Nga và người Nga, gần đây nghe nhiều về tầng lớp nhà giàu mới tại Nga. Ông có thể chia sẻ điều gì về họ?

- Tôi không biết tầng lớp người giàu mới này có nghĩa gì, dù tôi hiểu ý chị. Nhưng tôi không cho rằng đó là một tầng lớp riêng với những đặc tính về văn hóa, thói quen, mà chỉ là một mảng nhỏ hoặc một nhóm nhỏ ở Nga. Dù tôi tiếp xúc với họ từ rất lâu, tôi lại thích nói về tầng lớp trung lưu hơn.

Ai cũng cần phải làm việc và có được sự may mắn khi mình xuất hiện ở đúng lúc, đúng nơi. Và đúng là nếu bạn ở Nga trong 20 năm qua, rõ ràng bạn có rất nhiều cơ hội so với việc nếu bạn ở một nơi khác. Có thể bây giờ người Việt Nam cũng đang có cảm giác như tôi cách đây 20 năm. Nhưng tôi chưa bao giờ đặt mục tiêu trở thành những người giàu mới mà chỉ làm những gì mình muốn làm, và thành công đến tự nhiên.

* Vốn tự nhận mình là người yêu nước cực đoan, bản thân cái tên của các thương hiệu mà ông gây dựng nên cũng phần nào nói về điều đó: Tiêu chuẩn Nga (Russian Standard Corp - RSC). Ông có nghĩ mình thành công một phần nhờ đã đánh trúng vào tinh thần dân tộc?

- Đúng vậy, nhưng đó không phải là lập luận quan trọng nhất. Nếu sản phẩm của tôi đúng là kích thích lòng tự hào của người Nga và được khách hàng yêu thích thì rất tuyệt vời. Nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là tạo ra sản phẩm tốt, có uy tín tốt, có câu chuyện hay đi kèm, chứ không chỉ tạo ra một sản phẩm và nó được yêu thích bởi lòng yêu nước của người tiêu dùng.

Lòng yêu nước quan trọng, nhưng không phải là phần quan trọng nhất trong sản phẩm. Tôi bán sản phẩm thật.

* Đến Việt Nam, ông đã biết gì về Việt Nam?

- Từ lâu tôi đã muốn tới thăm Việt Nam và cũng có nhiều dịp bàn bạc về cơ hội làm ăn với người Việt Nam cách đây ba năm. Đến Việt Nam là giấc mơ từ lâu của tôi, nhất là khi biết thị trường này đang phát triển. Nhưng quả thật tôi chưa tìm ra thời gian thích hợp để đến, vì tôi luôn muốn vừa thỏa mãn trí tò mò vừa bàn bạc làm ăn. Nay sản phẩm của tôi vào Việt Nam và bước đầu thành công, tôi mới có dịp đặt chân đến đất nước các bạn để tìm hiểu về việc kinh doanh nhiều mặt hàng, như thức uống có cồn, ngân hàng, bảo hiểm...

Tôi rất hào hứng. Điều tuyệt nhất và rõ ràng nhất tôi biết về Việt Nam là không nước nào có thể chiến thắng Việt Nam trong chiến tranh. Tôi bị mê hoặc vì điều đó. Đất nước các bạn đã huy động sức người sức của làm được những điều vô cùng khó khăn ngay cả với nước Nga.

* Nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang khao khát đưa thương hiệu của mình trở thành thương hiệu thế giới, để nhắc tới thương hiệu là nhắc tới Việt Nam. Nếu là họ, ông sẽ để ý đến điều gì quan trọng nhất?

- Tôi không thể đưa ra lời khuyên cụ thể vì không biết người Việt sản xuất mặt hàng nào tốt nhất. Nhưng lấy ví dụ là cà phê. Điều gì là độc đáo, khác lạ nhất trong loại cà phê mà bạn có thể đem tới cho thế giới? Hãy trả lời câu hỏi đó và hãy sản xuất nó với quy trình và kỹ thuật tốt nhất, rồi thông tin dồn dập đến người tiêu dùng để họ biết đến sự độc đáo này.

Sự độc đáo là điều rất quan trọng. Tôi gọi đó là tính cạnh tranh bền vững. Trên bình diện toàn cầu, bạn có bao nhiêu tiền hay đối tác của bạn thành công ra sao không quan trọng, mà sự độc đáo bạn có là gì. Nếu bạn không tìm ra câu trả lời thuyết phục thì đừng đi, đừng leo lưng cọp.

* Được đánh giá là một trong những doanh nhân thành công nhất trong lịch sử Nga, ông có thể chia sẻ một cách ngắn gọn bí quyết của mình?

- Chỉ là làm những gì mình thích. Điều này đặc biệt quan trọng với những người bắt đầu khởi nghiệp kinh doanh. Hãy tìm hiểu xem mình thích làm gì, điều gì khiến mình hứng khởi, sẵn sàng làm ngày làm đêm thì mới thuyết phục được những người xung quanh.

Bạn cần phải chắc chắn 100% là mình đang làm điều mình yêu thích. Chỉ khi ấy bạn mới sẵn sàng trút hết 100% năng lượng. Đừng miệng nói thích cái này, tim lại thích cái khác. Ai có thể tin bạn được?

Ông Roustam Tariko trên đường phố TP.HCM - Ảnh: Minh Đức


Không phải thành công trên thương trường là sẽ thành công trên chính trường

* Ông có định tham gia chính trường và giữ một vị trí nào đó trong Chính phủ Nga không?

- Chắc là không bao giờ. Mỗi người nên làm việc mà mình giỏi. Nhiều người tin rằng cứ thành công trên thương trường thì sẽ thành công trên chính trường. Đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Hai ngày trước, tôi ăn trưa với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, ông ấy chia sẻ điều mà tôi rất tâm đắc, đó là muốn trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp, bạn cần bắt đầu từ rất sớm.

Giáo dục là một chuyện, nhưng quan trọng hơn là bạn sẽ có một cách suy nghĩ hoàn toàn khác. Ông Lý nói doanh nhân hay suy nghĩ về một dự án, ví như tôi đang nghĩ cần phải chinh phục thị trường Việt Nam trong năm năm, kiếm vài triệu USD, đầu tư chỗ này chỗ kia. Chính trị gia thì không nghĩ như vậy, họ nghĩ về chính sách, ví dụ làm thế nào để giáo dục phát triển và quá trình thực hiện ra sao.

Nếu tôi ở tuổi 25, có thể tôi sẽ nghĩ về việc tham gia chính trường.

* Nước Nga và nhiều nước khác đang chứng kiến khoảng cách giàu nghèo thật sự rất lớn. Ông có quan tâm tới quá trình rút ngắn khoảng cách giàu nghèo trong xã hội không?

- Ở khắp nơi trên thế giới khoảng cách này đang ngày càng rộng ra. Vì sao? Công nghệ phát triển, các công ty ngày càng lớn và bành trướng hơn, thất nghiệp gia tăng. Vậy điều quan trọng hơn là các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội của mình ra sao, và xã hội đòi hỏi họ ngày càng phải có nhiều trách nhiệm hơn. Những người thành công, các công ty, tập đoàn lớn sẽ thực hiện nhiều hơn văn hóa chia sẻ.

Các chính phủ có thể sử dụng quyền hạn của mình buộc các doanh nghiệp trả lại xã hội, không chỉ thông qua thuế má, mà điều này phải trở thành quy tắc xã hội, ảnh hưởng tới danh tiếng của họ. Sẽ đến lúc mọi người thấy nếu một doanh nghiệp làm ăn rất thành công nhưng không thực hiện trách nhiệm xã hội gì, mà chỉ coi đóng thuế là đủ sẽ phải chịu những điều tiếng tiêu cực.

* Hiện có câu chuyện khá ồn ào trên truyền thông Trung Quốc liên quan tới việc hai tỉ phú Mỹ Bill Gates và Warren Buffett đến Bắc Kinh, ăn trưa với giới nhà giàu và kêu gọi họ mở rộng hầu bao hơn nữa để chia sẻ với xã hội. Ông nghĩ gì về điều đó?

- Tôi chơi với Bill Gates và chúng tôi thường gặp nhau, chia sẻ về các dự án từ thiện. Bill Gates rất nghiêm túc và hết lòng với công việc từ thiện, thực tế là ông ấy đã hứa tặng tới 90% gia sản của mình cho các công việc từ thiện. Chắc chắn là những người giàu nên có trách nhiệm hơn với xã hội.

* Vậy còn ông thì sao?

- Tôi cũng quan tâm tới điều này, nhưng có thể không phải ở quy mô lớn như Bill Gates. Tôi quyết định đầu tư vào những đứa trẻ tài năng nên mở quỹ từ thiện giúp đỡ các em nhỏ tài năng, có khát vọng nhưng không có điều kiện học tập vì gia đình quá nghèo hoặc không có cha mẹ. Hiện tôi đang hỗ trợ khoảng 500 em như vậy.

Yêu đất nước cũng như yêu mẹ

* Ông từng nói: “Tôi có thể đi lại rất nhiều. Ngủ ở London, New York, Paris hay trên máy bay. Nhưng khi ngủ, trong suy nghĩ, tôi ở nước Nga, và tôi tỉnh dậy là người Nga”. Ông có thể nói thêm về điều đó như thế nào?

- Tôi nghĩ tình yêu đất nước cũng như tình yêu mẹ mình. Lẽ tự nhiên là ai cũng cần yêu tổ quốc. Nhưng không chỉ có vậy. Tổ quốc đã cho tôi rất nhiều thứ, được học hành, một tuổi thơ hạnh phúc, các cơ hội làm việc và luôn hỗ trợ tôi. Đó là lý do tôi yêu đất nước mình và đặt tên cho thương hiệu là Tiêu chuẩn Nga.

* Ông rất may mắn khi nhận được những thứ đó. Nhưng cũng có không ít người cho rằng tổ quốc họ đã thất bại trong việc tạo cho họ những cơ hội học tập, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn?

- Tôi cho rằng cách suy nghĩ đó chắc chắn chẳng giúp gì cho họ cả. Giận dữ và trách móc quê hương cũng như giận dữ và trách móc mẹ mình.

* Có tiền đi cùng với có quyền và được làm rất nhiều những gì mình thích. Ông có thể mua đứt quyền đặt tên bạn gái lâu năm của mình cho một loài hoa vừa phát hiện ở Madagascar, gửi máy bay Boeing 737 đi đón con chó cưng của mình vì nhớ nó... Ông có thấy sung sướng với quyền lực đó không?

- Tôi không bao giờ có cảm giác mình đang thưởng thức quyền lực của mình. Rõ ràng có tiền thì có nhiều khả năng được làm những gì mình muốn, nhưng tôi không bao giờ coi quyền lực là niềm vui thú. Trước hết, quyền lực là khả năng làm gì đó, nhưng cùng với đó là trách nhiệm. Quyền càng cao thì trách nhiệm càng lớn. Không bao giờ có thứ quyền nào lại không đi kèm trách nhiệm.

Mỗi người tự chọn cho mình số phận, tạo ra vận mệnh của mình. Bạn chọn để trở thành một doanh nhân thành đạt và quan trọng, nhưng ngay lập tức bạn cũng có trách nhiệm đảm bảo công việc tốt cho mọi người, có trách nhiệm trong các quyết định đầu tư.

Vì vậy, nhiều người bị quyến rũ bởi sức hấp dẫn của đồng tiền, nhưng cuối cùng trong một ngày, điều gì quan trọng nhất? Đó là mình đã làm được điều mình thích, chứ không phải thích chuyện mình đã có quyền lực đến mức nào.

* Lúc nào ông cũng đi kèm với hai vệ sĩ và một người chuyên thử thức ăn cho ông. Ngay trong cuộc phỏng vấn trực tiếp này, xung quanh chúng ta cũng có tới ba người ngồi quanh. Ông có nghĩ rằng mình là một người tự do?

- Có. Tôi nghĩ tự do là quyền con người quan trọng nhất mà tôi có. Tôi thích được tự do trong tất cả những gì tôi làm. Đúng là chuyện bảo vệ an toàn về thân xác tôi là cần thiết, nhưng tôi không cho đó là vấn đề lớn quá. Tôi cũng không thoải mái lắm khi đi trên đường mà xung quanh kè kè các vệ sĩ, nhưng bạn sẽ quen với việc đó.

* Ông đang sở hữu rất nhiều thứ như chiếc ôtô trị giá 1,4 triệu USD chạy nhanh nhất thế giới, các tòa biệt thự hạng sang ở khu dành cho người siêu giàu tại Nga, chiếc Boeing 737, chiếc thuyền buồm AnnaEva đắt giá, các vệ sĩ thuê của Bộ Nội vụ Nga... Nếu phải lựa chọn buộc để lại tất cả mà chỉ được mang theo một món đồ với mình, ông sẽ chọn gì?

- Sự tự do của tôi.

* Ông có thể giải thích rõ hơn?

- Tự do làm những gì mình muốn.

* Tự do là tài sản quý giá nhưng không nhìn thấy được. Vậy cái gì về vật chất mà ông sẽ cần?

- Không có gì là quý giá cả. Có thể tôi sẽ mang theo thương hiệu mình tạo ra, và cái thẻ tín dụng. Chắc là rồi tôi sẽ có mọi thứ sau đó nhỉ (cười)!

* Cảm ơn ông và chúc cuộc đầu tư của ông vào Việt Nam thành công.

 


 
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4