Truyện ngắn
Phượng
 
Hắn làm xong ca tối vào lúc mười hai giờ đêm. Sau khi thay ra bộ đồng phục của nhân viên khách sạn, hắn đi ra bằng cửa sau để xuống tầng hầm lấy xe máy. Nhưng vừa bước ra khỏi cửa, hắn đụng ngay một đứa con gái đứng trong góc tối cạnh lối đi. Hắn rất ngại loại gái đêm khuya đứng lảng vảng như thế nầy, định lãng ra nhưng đứa con gái đã xấn lại níu tay hắn và nhờ hắn chở về nhà. Đứa con gái nói bị người ta đánh, bị giật mất ví và không còn một đồng để đi xe, nhưng khi hắn bảo đi báo công an thì đứa con gái nhất định không chịu.

Hắn thấy ngay có điều không ổn nên thẳng thừng từ chối nhưng đứa con gái cứ bám riết lấy hắn để năn nỉ. Dưới ánh đèn vàng vọt, hắn nhìn đứa con gái dong dỏng cao, gầy cồm và nhếch nhác đến độ tội nghiệp nhưng biết đâu đấy, chỉ vì một chút lòng thương hại mà đôi khi sẽ gây cho hắn rất nhiều phiền phức nên hắn vẫn một mực lắc đầu. Nếu đứa con gái không nói ra là nhà ở gần chợ Thủ Đức thì hắn sẽ không bao giờ cho đứa con gái quá giang, vì nhà hắn cũng ở gần đấy. Đứa con gái năn nỉ xin hắn chở về đêm hôm ấy tự xưng là Phượng.

Suốt đường về Phượng không nói một lời nào với hắn. Hắn cũng không muốn bắt chuyện với Phượng, chỉ chăm chăm lo lái xe. Đường phố nửa đêm vẫn còn xe chạy lác đác chứ không đến độ vắng tanh làm cho hắn yên tâm hơn. Đến gần chợ Thủ Đức, Phượng chỉ con hẻm nhỏ và bảo đấy là hẻm vào nhà Phượng nhưng hắn cố ý chạy vượt qua và chỉ dừng xe lại sau khi đã cách con hẻm một đoạn khá xa. Hắn dừng xe dưới một cột đèn sáng để Phượng xuống xe. Phượng lí nhí nói lời cám ơn với hắn rồi lầm lủi quay trở lại phía con hẻm nhỏ. Bây giờ hắn mới thấy Phượng đi chân đất, sau lưng áo bị rách toạc một đường dài.

***

Hơn ba tháng sau hắn mới gặp lại Phượng. Nếu Phượng không chào hắn trước, hắn sẽ không thể nào nhận ra cô gái dong dỏng cao, trang điểm thật khéo trong bộ đầm thước tha chính là đứa con gái nhếch nhác đã năn nỉ xin hắn cho quá giang tối hôm nào. Hắn không đáp lại một lời, chỉ lạnh lùng gật đầu chào lại Phượng và quay lưng đi. Đương nhiên hắn có thể đoán được Phượng vào đây để làm gì, vì hắn đã gặp mặt bao nhiêu đứa con gái như Phượng ra vào cái khách sạn sang trọng nầy chỉ để đi với khách. Những đứa con gái loại ấy, hắn không nhầm vào đâu được.

Phượng gặp hắn thêm một vài lần nữa nhưng lần nào vẫn như lần nào, chỉ một mình Phượng mở lời chào hỏi. Hắn với nét mặt luôn lầm lì, lui cui với công việc tạp dịch của hắn và gần như không muốn trông thấy Phượng. Một hôm Phượng chận hắn lại, giúi vào tay hắn một ít tiền cùng một lời cảm ơn. Hắn lẳng lặng nhét tiền vào túi rồi quay đi mà không hề nói với Phượng một lời. Hắn nghĩ từ nay Phượng sẽ không bao giờ nhìn đến mặt hắn nữa.

***

Nhưng không như hắn đã nghĩ vì một tối vừa chạy xe ra khỏi tần hầm của khách sạn, hắn đã thấy Phượng đứng bên lề vẫy tay gọi hắn. Hắn miễn cưỡng dừng xe lại. Phượng đến bên hắn, bảo giữa đêm rất khó đón xe và nhờ hắn chở Phượng về, tiền xe Phượng sẽ trả sòng phẳng. Hắn nhận lời chở Phượng về trên chiếc xe cà tàng của hắn chỉ vì muốn có thêm chút tiền, chứ không phải vì có ý tốt muốn giúp Phượng. Rất khác với lần đầu, lần nầy Phượng kể lể đủ thứ chuyện vặt vãnh trên suốt đoạn đường về cho hắn nghe nhưng hắn thì vẫn một mực im lặng, chăm chăm lo lái xe.

Khi đến con hẻm nhỏ vào nhà Phượng, hắn dừng xe lại ngay đầu con hẻm mà không vào. Phượng xuống xe và trong lúc mở ví lấy tiền đưa cho hắn, Phượng đột ngột hỏi hắn có muốn làm chân đưa đón cho Phượng hay không. Trong lúc hắn còn đang sửng sốt trước lời đề nghị của Phượng, Phượng nói luôn số tiền công mà Phượng sẽ trả cho hắn nếu hắn nhận lời. Số tiền công Phượng đưa ra làm hắn phải suy nghĩ vì hiện tại hắn cần tiền hơn lúc nào hết. Vợ hắn sau khi đẻ đứa con thứ tư bị chứng hậu sản, phải nghỉ bán hàng hơn sáu tháng qua. Cả nhà hắn bây giờ chỉ sống vào tiền lương ít ỏi của hắn, đấy là chưa kể món nợ hắn mượn để trả viện phí cho vợ hắn, tiền lãi cứ chòng lên và chủ nợ thì đến nặng nhẹ đòi tiền hằng tuần. Hắn lấy số máy di động của Phượng và hẹn ngày mai sẽ trả lời dứt khoát. Đêm ấy hắn về nhà, đưa tiền xe vừa kiếm được cho vợ và ngủ một giấc thật thẳng đến sáng.

***

Làm chân đưa đón cho Phượng không phải dễ dàng như hắn nghĩ. Ngoài những lúc đưa đón trong ngày, Phượng có những cú gọi thất thường vào giữa đêm khuya khoắt. Những lúc ấy hắn phải hộc tốc đến nhà đón Phượng đi và đôi lúc hắn phải đứng lại chờ để đưa Phượng về. Trong những lúc phải chờ Phượng, hắn lủi vào một xó khuất nào đấy, ngả người trên ghế xe làm một giấc ngủ vật vờ cho đến khi Phượng bấm máy di động gọi thì hắn phải lập tức có mặt để đón Phượng. Những đêm mưa gió mới thật thảm hại cho hắn. Dù có trùm kín áo mưa nhưng hắn vẫn lạnh, vẫn ướt nhưng tuyệt nhiên hắn không dám bỏ về nhà vì sợ lúc ra Phượng phải chờ lâu. Hắn đã nhận những đồng tiền của Phượng thì hắn đương nhiên phải làm cho chu tất công việc để xứng với những đồng tiền đó.

Nhưng bù lại chỉ ba tháng sau hắn đã trả xong nợ và đưa vợ vào bệnh viện để chữa cho dứt bệnh hậu sản. Khi đứa con út của hắn biết lựng chựng tập đứng, hắn đã gom đủ tiền cho vợ sang lại một xe nước mía trước chùa Từ Vân, cách nhà hắn không xa. Bây giờ cuộc sống của hai vợ chồng hắn và bốn đứa con không còn cảnh chật vật túng thiếu như những ngày hắn còn làm tạp dịch trong khách sạn. Hắn mua sắm thêm vài món đồ trong nhà cho vợ hắn được vui và hắn thấy hài lòng với hiện tại, dù hắn biết vợ hắn rất muốn một ngày nào đó được làm bà chủ một sạp cơm trong nhà lòng chợ Thủ Đức. Nhưng hắn biết là mộng ước của vợ hắn sẽ chẳng bao giờ thành được vì hắn không phải là người có nhiều khả năng hay tham vọng. Hắn chỉ thích an phận để sống một cuộc sống bình lặng như hiện tại vậy thôi.

***

Nhưng cuộc sống bình lặng của hắn đã không được như hắn muốn. Một hôm trên đường đến điểm hẹn với khách, hắn và Phượng bị đám ma cô chặn đánh. Phượng chỉ bị đánh bầm mặt nhưng riêng hắn bị đánh rất nặng. Một phần vì hắn cố đỡ đòn cho Phượng, nhưng chính là đám ma cô tưởng hắn là người dắt mối cho Phượng nên thẳng tay ra đòn để dằn mặt. Hắn bị đánh xuội vai và gẩy xương sường. Người ta phải đưa hắn vào phòng cấp cứu và sau đó bác sĩ buộc hắn phải ở lại bệnh viện đúng hai ngày mới cho xuất viện. Sau khi ra viện, trong ba tháng liền hắn phải nằm nhà với vai và hông bị bó bột dầy cộp. Phượng có đến nhà hắn và đưa cho vợ hắn một số tiền để xoay xở trong thời gian hắn phải nằm nhà. Vợ hắn tuy nhận tiền của Phượng nhưng vẫn xót cho hắn, nhất định buộc hắn không được gặp lại Phượng sau này. Hắn hứa với vợ sau khi vết thương lành lặn, hắn sẽ trở lại xin một chân làm tạp dịch trong khách sạn như trước kia.

***

Nhưng lúc hắn vừa tháo băng, vai hắn vừa lành lại thì Phượng nhắn hắn ra gặp mặt. Lần này Phượng đề nghị hắn làm luôn việc dắt khách cho Phượng. Khi thấy hắn hoảng hốt nhắc lại trận đòn vừa qua của đám ma cô thì Phượng nói cho hắn yên tâm, rằng một khi đã làm thì phải nộp tiền bảo kê hằng tháng cho mấy tay trùm ma cô để được yên thân. Và nếu như hắn không làm thì Phượng vẫn phải nhờ người khác vì một mình Phượng xoay xở không tiện và cũng không muốn bị đám ma cô trước kia ăn chặn trên đầu trên cổ của Phượng. Với lối ăn chia Phượng đề ra, hắn nhận lời ngay mà không cần phải suy nghĩ nhiều hay về bàn lại với vợ hắn.

Hôm sau Phượng ứng trước một số tiền, sắm sửa cho hắn một bộ cánh lịch sự để hắn có thể la cà vào những nơi ăn chơi giải trí dành cho những kẻ dư tiền lắm của. Trong những ngày đầu hắn thấy thật ngượng ngùng và tủi thân khi phải mở miệng chào mối và nhất là khi bị người khách lắc đầu từ chối, kèm theo một ánh mắt nhìn rẻ rúng. Nhưng chẳng bao lâu hắn quen đi với những cách đối xử rẻ rúng mà người ta dành cho hắn, thậm chí có những lúc người ta gọi hắn bằng những cái bún tay thật xấc xược nhưng hắn vẫn xoắn xít chạy lại, một mực lễ độ đưa ra vài tấm hình của Phượng cùng với lời xởi lởi để mong nhận từ người khách một cái gật đầu.

Một thời gian sau khi đã khá thạo việc, hắn nghe theo lời của Phượng không đến những hộp đêm với đám khách nhộn nhạo nữa. Bây giờ hắn đến những quán rượu nhỏ nhưng sang trọng hay loanh quanh trong những khách sạn cao cấp năm sao để tìm khách cho Phượng. Ở đó có những người đàn ông chịu trả rất nhiều tiền để có được sự kín đáo cần thiết chứ không giấm dớ kỳ kèo như đám khách tạp nhạp trước kia. Dần dà hắn biết cách chọn khách, biết nhìn mặt từng người đàn ông để kêu giá và ít khi nào hắn bị vuột mất một người khách sộp. Phượng cũng giúp hắn quen biết với một vài tay anh chị chuyên bảo kê những quán rượu. Bây giờ hắn khôn khéo hơn, hắn biết cách xã giao và hắn không ngại phải chi những khoản tiền khá lớn cho những chổ cần phải chi để được yên ổn làm công việc của hắn. Hắn thấy khi có tiền và chịu bỏ tiền ra, người ta đối xử với hắn khác hơn trước rất nhiều. Ngay cả vợ hắn cũng đã không còn rầy rà nói nặng nhẹ với hắn vì với những món tiền hắn kiếm được, chẳng bao lâu nữa vợ hắn sẽ sang được một sạp cơm ngay trong nhà lòng chợ Thủ Đức.

***

Một chiều Phượng nhắn máy hẹn hắn ra nhà hàng nổi dưới bến Bạch Đằng. Hắn đóng bộ quần áo bảnh bao và tức tốc đến gặp Phượng. Phượng đón hắn trên bến rồi cùng hắn xuống nhà hàng nổi, bảo rằng sẽ cho hắn một bất ngờ. Sau khi đã cùng Phượng ngồi vào một bàn nhỏ gần boong tàu nhìn ra dòng sông chầm chậm chảy, hắn sốt ruột gạn hỏi về điều bất ngờ mà Phượng sắp cho hắn biết, nhưng Phượng chỉ cười mà không trả lời. Cho đến lúc hắn hỏi đến lần thứ ba Phượng mới nói ra, hôm nay là sinh nhật của Phượng. Hắn thở hắt ra, có vẻ thất vọng vì cứ ngỡ sẽ có khách sộp nào đấy mà Phượng muốn hắn đến mồi chài.

Đến khi thức ăn được mang ra bàn, hắn mới miễn cưỡng hỏi sinh nhật thứ mấy của Phượng. Nhưng Phượng không nói ra và đố hắn đoán được tuổi của Phượng. Hắn ầm ừ một lúc rồi đoán Phượng năm nay hai mươi lăm tuổi. Phượng phá lên cười và cho hắn đoán lại với một số tuổi nhỏ hơn. Hắn nheo mắt nhìn gương mặt của Phượng mà lấn cấn mãi không định được tuổi. Đến khi Phượng thúc hắn, hắn đoán đại là Phượng hai mươi ba tuổi. Lần nầy tiếng cười của Phượng vỡ ra ròn rã. Phượng nói cho hắn biết, hôm nay Phượng vừa đúng hai mươi mốt.

Thấy hắn ngồi im và ngờ ngợ như có vẻ không tin, Phượng mở ví lấy ra thẻ chứng minh cho hắn xem. Hắn nhìn thẻ, thấy hình đứa con gái có mái tóc cắt ngắn ngang vai thật xa lạ, chỉ có cái miệng hơi rộng là giống Phượng. Hắn trả thẻ chứng minh lại cho Phượng và chê hình chụp năm nào mà xấu ồm. Phượng nói hình chụp vào cuối năm học lớp mười hai, lúc Phượng chưa đầy mười tám tuổi. Và không đợi hắn hỏi han gì thêm, Phượng kể cho hắn nghe về những năm tháng êm đềm lúc Phượng còn cắp sách đi học ở một thị trấn xa xôi tận miền tây. Hắn thấy hôm nay Phượng rất vui, kể lể nhiều hơn và cười nhiều hơn, đến ngay cả những lúc Phượng lấy được một khoảng tiền lớn của khách sộp, Phượng cũng không vui bằng như hôm nay.

Hắn gặp Phượng gần như hằng ngày nhưng hắn biết thật ít về quá khứ của Phượng. Hắn chỉ biết lơ mơ là Phượng mồi côi cha từ nhỏ và lớn lên với một người mẹ rất hà khắc. Còn tại sao Phượng bỏ nhà để lên thành phố và làm việc Phượng đang làm thì hắn chưa bao giờ hỏi Phượng. Hôm nay nhìn tấm thẻ chứng minh, hắn mới biết tên thật của Phượng, nhưng đối với hắn, Phượng vẫn là Phượng chứ không có một tên nào khác hơn.

***

Có lần hắn chở Phượng tạt vào quán để ăn đêm. Phượng đói lả sau khi đã tiếp khách, ăn ngấu nghiến liên tiếp hai tô mì nóng hổi. Hắn không ăn, chỉ ngồi uống cà phê và chờ cho Phượng ăn xong để chở Phượng về nhà. Khi ăn xong, Phượng lấy khăn giấy thấm những giọt mồ hôi lấm tấm đọng trên trán, rồi Phượng khẽ khéo rộng cổ áo, tay kia cầm tờ báo quạt nhè nhẹ vào ngực cho đỡ nóng. Hắn ngồi cạnh bên nhìn chăm chăm vào khoảng cổ áo trễ trước ngực của Phượng. Hắn biết rõ Phượng đang giả lơ, để yên cho hắn nhìn Phượng và thực sự nếu như hắn muốn, Phượng sẽ cho hắn mà không hề toan tính. Nhưng điều đó đã không xảy đến vì hắn biết thân phận của hắn và hắn không muốn gì hơn là giữ lại một chút tự ái của riêng hắn đối với Phượng. Hắn nốc hết ly cà phê rồi giục Phượng ra xe để chở Phượng về.

***

Đôi khi Phượng có những chuyến đi xa với khách. Thường là những ngày cuối tuần, nhưng cũng có lúc Phượng đi hẳn một tuần cùng với khách để đến một thành phố biển nhộn nhịp hay một phố núi tĩnh mịch kín đáo nào đó. Ngày Phượng về, hắn náo nức chờ ở sân bay và mừng rỡ đón Phượng như đón một người thân trở về sau chuyến đi du lịch nhiều ngày. Trên đường về nhà, hắn thồ túi xách của Phượng trước khung xe và nghe Phượng huyên thuyên về những nơi Phượng đã đến. Khi đến nhà Phượng thì bao giờ Phượng cũng bắt hắn đứng đợi để Phượng lục lọi mở túi xách lấy ra một chút quà cho hắn.

Lần nầy Phượng cũng đi xa, nhưng hắn thấy trong lòng bồn chồn vì Phượng đi đến ba tuần và khách là ai hắn không được biết đến. Phượng chỉ nói với hắn là người khách nầy Phượng đã biết từ lâu, chỉ thế thôi. Tuy vậy Phượng không để hắn phải chịu thiệt thòi, Phượng vẫn chia phần cho hắn như thường lệ. Nhưng hắn thấy có điều gì không ổn. Không như những lần đi xa trước kia, lần đi nầy Phượng tắt máy di động và trong ba tuần lễ Phượng không hề gọi điện cho hắn. Hắn thấy vô cùng bứt rứt, đứng ngồi không yên và lo lắng cho Phượng. Đến ngày hắn được tin nhắn ra đón Phượng ở sân bay, hắn mới thực sự yên tâm. Đón Phượng lần nầy, hắn thấy Phượng có điều gì đấy đổi thay, Phượng hình như vui hơn, nói nhiều hơn, cứ như lần Phượng gọi hắn ra ăn sinh nhật của Phượng vậy. Nhưng hắn nghĩ có lẽ vì đã quá trông ngóng Phượng nên hắn cảm thấy thế thôi, chứ Phượng vẫn là Phượng, vẫn không có gì thay đổi.

***

Rồi chỉ vài tháng sau đấy, thêm một lần nữa Phượng lại đi xa với người khách riêng của Phượng. Trong hai tuần liền Phượng tắt máy di động. Lần nầy tuy hắn không thấy bồn chồn và lo lắng cho Phượng như lần trước nhưng hắn thấy những ngày chờ Phượng trở về thật dai dẳng, thật lê thê. Phượng đã cho hắn biết Phượng sẽ đi đúng hai tuần nhưng hằng ngày hắn vẫn thấp thỏm hy vọng sẽ có một tin nhắn để ra sân bay đón Phượng sớm hơn như dự định. Trong những ngày chờ đợi dăng dẳng ấy, hắn đã nghĩ đến một ngày nào đó Phượng và hắn sẽ không còn gặp nhau nữa.

Đã có một lần Phượng nói với hắn, khi để dành đủ tiền Phượng sẽ thôi làm việc này, Phượng sẽ mở một cửa hiệu bán quần áo thời trang. Hắn cố hình dung ra Phượng vào ngày mai sau ấy. Phượng sẽ là cô chủ lịch sự và xinh đẹp bên những bộ đồ thời trang quý phái và đắt tiền trong một cửa hiệu sang trọng. Hiển nhiên hắn sẽ chẳng còn lý do nào để thường xuyên gặp lại Phượng, nhưng hắn sẽ cố tìm một cớ nào đó, như tình cờ đi ngang qua cửa hiệu của Phượng rồi tiện đấy ghé vào thăm và nếu hắn chọn đúng thời điểm, rất có thể Phượng sẽ mời hắn ra nhà hàng nổi dưới bến Bạch Đằng để mừng sinh nhật của Phượng, như Phượng đã từng làm.

***

Rồi một hôm Phượng nhắn máy hẹn gặp hắn. Điểm hẹn lần nầy không phải là nhà hàng nỗi dưới bến Bạch Đằng mà là một quán cà phê ở quận Ba. Cũng như lần trước, hắn diện bộ cánh bảnh bao rồi gấp gáp đến gặp Phượng và trong lòng hắn cứ ngờ ngợ không nhớ có phải hôm nay là ngày sinh nhật của Phượng hay không. Đến nơi, hắn đẩy cửa bước vào quán cà phê và nhanh chóng nhận ra Phượng đang ngồi một mình bên chiếc bàn nhỏ cạnh khung cửa sổ được trang trí bằng những cánh hoa vải màu rực rỡ. Hắn hớn hở ngồi xuống đối diện với Phượng. Hôm nay Phượng trang điểm nhẹ nhàng với mái tóc bới cao sau gáy và trong bộ đầm màu lam nhạt, nhìn Phượng thật trang nhã. Phượng gọi cà phê phin cho hắn và ly cam vắt cho Phượng. Trong lúc hắn hân hoan nhìn những giọt cà phê đen lánh rơi chậm rải xuống tách thủy tinh và chờ Phượng cho hắn một điều bất ngờ thú vị thì Phượng nói trong hơi thở như đã định sẵn từ trước, Phượng sắp lấy chồng.

Hắn ngồi lặng người, cố nhìn cho đến giọt cà phê cuối cùng rơi xuống tách. Khi hắn ngước lên, Phượng nói với hắn sau đám cưới Phượng sẽ đi theo chồng ra nước ngoài để sinh sống. Ngoài tiếng nhạc nhè nhẹ du dương chỉ còn khoảng im lặng giữa Phượng và hắn trong quán trưa vắng khách. Một lúc sau hắn mới chịu gật đầu để cho Phượng biết hắn đã nghe tất cả những gì Phượng đã nói. Phượng đẩy một gói giấy cồm cộm đến trước mặt hắn. Phượng bảo đây là một phần số tiền Phượng để dành để mở cửa hiệu thời trang. Giờ đây Phượng sẽ không cần đến nữa, Phượng muốn hắn cầm lấy để lo cho gia đình của hắn. Hắn không từ chối, lặng lẽ và chậm rãi đưa tay đón lấy gói giấy chứa những đồng tiền kiếm được của Phượng trong những năm qua. Và Phượng chỉ đợi có vậy thôi, Phượng nói với hắn Phượng không thể ngồi lại lâu vì Phượng có chuyện phải đi ngay. Đối với hắn, đó là lời chia tay của Phượng.

Qua khung cửa sổ được trang trí bằng những cánh hoa vải màu rực rỡ, hắn nhìn theo Phượng lần cuối khi Phượng đứng bên hè phố vẩy một chiếc taxi. Dáng Phượng cao cao trong bộ đầm màu lam nhạt, nghiên người ngồi vào xe trong thật trang nhã.

***

Phượng đã đi có hơn một năm hay hai năm gì đấy, hắn cũng chẳng nhớ. Mặc kệ cho vợ hắn rầy rà vì không chịu ra sạp cơm trong nhà lòng chợ Thủ Đức giúp việc buôn bán, hắn chỉ nhất định xin vào làm tạp dịch cho một khách sạn. Hằng ngày hắn đến khách sạn với nét mặt lầm lỳ, tận tụy với công việc của hắn và gần như không muốn trông thấy ai. Đối với hắn, đó là cuộc sống bình thản theo cách riêng của hắn.

Một hôm hắn chợt thoáng thấy dáng cao cao của một đứa con gái trong chiếc váy thướt tha màu lam nhạt ở cuối hành lang khách sạn. Hắn vội vã rượt theo theo đứa con gái cho đến lúc đến thật gần, hắn buột miệng gọi tên Phượng. Đứa con gái nghe gọi quay lại nhìn hắn với một gương mặt xa lạ. Là người khác, không phải cô ấy. Hắn đứng trân người, nhìn đứa con gái cho đến khi đứa con gái khinh khỉnh quay lưng bỏ đi.

 


 
Truyện ngắn
  Phút cuối  
  Quà sinh nhật  
  Quà tặng quý giá nhất trong cuộc sống  
  Quà tặng tình yêu của anh lính thủy  
  Quả táo của Jules..  
  Quán trọ  
  Quẳng gánh lo đi mà vui sống  
  Quý bà có giọng nói biết cười  
  Quyết chí ra đi  
  Quyết định sáng suốt  
  Rẽ trái, rẽ phải...  
  Sai phương hướng  
  Sân si  
  Sao cô ấy lại bỏ đi  
  Sao em lại không yêu anh sớm hơn..  
  Sáu hình ảnh người cha  
  Sống với quá khứ  
  Sống với tinh thần của mẹ  
  Sống để yêu thương  
  Sống để yêu thương 2  
  Sự báo đáp của chuột  
  Sự cố  
  Sự tích Tình yêu  
  Tài bắn cung  
  Tài sản 3.000 ức  
  Tấm bằng đỏ  
  Tâm linh  
  Tạm thời  
  Tất cả đàn ông đều đểu  
  Tay của MOKUSEN HOIKI  
  Tên của thiên thần  
  Tha Thứ  
  Tha thứ mãi mãi  
  Thanh cầu hoen gỉ  
  Thầy ơi, giờ thì con đã hiểu…!  
  Thêm một lần tan vỡ....  
  Thêm một người nữa...  
  Thiên thần  
  Thiên đường hay địa ngục  
  Thỏ xám thoát hiểm  
  Thời gian và niềm tin là vàng  
  Thông điệp  
  Thông điệp cuộc sống  
  Thứ tha  
  Thượng đế rất công bằng, ngài không cho ai quá nhiều thứ bao giờ  
  Tia nắng hắt lên vòm trời  
  Tiền cơm  
  Tiếng gọi thời gian  
  Tiếng mưa.... tiếng lòng em  
  Tìm bạn bốn phương  
  Tìm vợ  
  Tình & nghĩa  
  Tình bạn & tình mẹ & tình người  
  Tình bạn Quản - Bào  
  Tỉnh dậy  
  Tình già  
  Tình muộn  
  Tình người  
  Tình sâu nghĩa nặng  
  Tình thương không lời  
  Tình thương vô điều kiện  
  Tình yêu bền vững  
  Tình yêu cao đẹp  
  Tình yêu có lý do không nhỉ ?  
  Tình yêu của cha mẹ  
  Tình yêu một người mẹ dành cho con  
  Tình yêu Trọn đời, Trọn kiếp...  
  Tình yêu vĩnh cửu  
  Tình yêu đầu tiên  
  Tình yêu đem đến sự hoàn hảo  
  Tình yêu đích thực  
  Tô mỳ  
  Tô mỳ của người lạ  
  Tơ nhện  
  Tôi có thể...  
  Tôi không thể  
  Tôi đã bắt đầu biết... nói dối  
  Trả công  
  Trà Nguội  
  Trả thù  
  Trải nghiệm  
  Trang phục và học giả  
  Trí khôn của Thỏ rừng  
  Trinh nữ  
  Trở ngại  
  Truyện ngắn 100 chữ  
  Truyện ngắn phật giáo 1  
  Truyện ngắn phật giáo 2  
  Truyện ngắn phật giáo 3  
  Truyền thuyết về Đavít  
  Tù nhân biết lỗi  
  Túi gạo của mẹ  
  Từng con một  
  Tượng thần  
  Tuyết  
  Tuyệt chiêu tìm chồng  
  Tỷ lệ bình quân  
  Và tôi đã bật khóc  
  Vai kịch cuối cùng  
  Vẫn còn hy vọng: Tác Giả: A.J. Cronin  
Trang 6/7 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7  Trang sau