Suy ngẫm
Đất nước lớn lên

Trong bão táp của chiến tranh, tác phẩm "Đất nước đứng lên" của nhà văn Nguyên Ngọc, làm bao người cảm khái về sức mạnh vô song của một dân tộc khi họ biết nhất tề đứng lên.

Thế nhưng, chiến tranh với chiến thắng lại có mặt trái khắc nghiệt. Nó có thể buộc một dân tộc đã từng quả cảm đứng lên trong chiến tranh giải phóng lại ngoan ngoãn quì xuống trong thời bình, thậm chí trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Người Đức lý giải hiện tượng đầy nghịch lý này bằng câu ngạn ngữ, hàm ý rằng chiến thắng lớn đẻ ra hai đội quân lớn; một là đội quân tham nhũng do có được cường quyền tưởng như vô tận từ chiến thắng; hai là đội quân bi ai, luôn bị dằn vặt, uất ức về sự thua trận. Điều nguy hiểm là hai đội quân này có sự tương tác cộng hưởng: sự đông lên của đội quân này làm đông lên đội quân kia. Kết cục là sức mạnh nhân bản của dân tộc ngày càng bị suy yếu trong sự ruỗng nát lòng tin của xã hội, cho dù của cải vật chất có khá hơn xưa. 

Ảnh: icouple.sg


Nước Việt Nam ta không biết sẽ rơi vào qui luật nói trên hay không nhưng những dấu hiệu đáng quan ngại không phải là hiếm thấy.

Dường như, hơn ba thập kỷ đã trôi qua kể từ chiến thắng 1975, dù đã có được một số tiến bộ đáng kể về phát triển vật chất, đất nước ta chưa thực sự lớn lên.

Nỗ lực đóng góp để "đất nước lớn lên" không chỉ còn là mong muốn chân thành của người dân mà đã trở thành yêu cầu sống còn để dân tộc phát triển.

Làm gì để đất nước lớn lên? 

Mỗi thành tố của xã hội, dù là một cá nhân hay một tổ chức/công ty, dù là một gia đình hay một làng xóm/cộng đồng, dù là một chính khách hay cả hệ thống chính trị đều có tác động (tốt hoặc xấu) tiềm tàng tới tiến trình phát triển của các thành tố liên quan khác. 

Một thành tố sẽ đi lên hay đi xuống? nếu đi lên thì đi lên được bao xa? nếu đi xuống thì sẽ đi xuống đến mức nào? Tất cả tùy thuộc rất nhiều vào sự tác động tiềm tàng của các thành tố liên quan đến nó. Một điều cần hết sức lưu ý là, những tác động dựa trên sự lạm dụng các yếu tố vật chất như tiền bạc, đặc quyền đặc lợi, hay bè cánh thường dẫn đến hậu quả lâu dài xấu hơn là tốt.

Ảnh: nhacvietplus.com.vn


Con người là thành tố hạt nhân của tổng thể xã hội. Do vậy một đất nước sẽ chỉ lớn lên khi mỗi con người được giải phóng, được trân trọng, được đầu tư, và được kỳ vọng để tạo nên những tác động tốt tiềm tàng lên chính mình và lên các thành tố khác của xã hội. Đất nước sẽ nhỏ bé đi nếu con người bị hèn yếu trong trói buộc về tư tưởng, phải chòi đạp trong sự gian dối, và bị nghi kị trong những giả định thấp kém của hệ thống và cộng đồng.

Theo mô hình Maslow, nhu cầu của con người có thể khái quát thành năm bậc từ thấp đến cao: Vật chất, Anh sinh, Thấu cảm, Huân dự, và Sứ mệnh cao cả. Con người và đất nước sẽ lớn lên nếu có sự đồng bộ của LỰC ĐẨY LÊN từ sự thỏa mãn của các nhu cầu thấp (Vật chất, Anh sinh) với LỰC KÉO LÊN của các nhu cầu cao (Thấu cảm, Huân dự, Sứ mệnh cao cả ).

Con người và đất nước sẽ nhỏ bé đi nếu họ bị nhầy nhụa trong nỗ lực tìm kiếm và chụp giật các nhu cầu thấp và bị bế tắc trong cố gắng chân chính nhằm vươn lên các nhu cầu cao hơn. Một trong những lý do là sự đảo lộn trong thước đo giá trị của xã hội. Hệ thống trở nên vô cảm; Huân dự bị hoen ố vì có thể được mua bán hoặc làm gian dối; Sứ mệnh cao cả như ước mong phấn đấu vì dân vì nước chỉ còn là khẩu hiệu mơ hồ. 

Do vậy, mỗi con người chỉ có thể lớn lên nếu các thành tố liên quan kỳ vọng và trợ giúp họ không ngừng vươn lên những nhu cầu cao hơn. 

Thế nhưng, con người chỉ có thể lớn lên nếu hệ thống không ngừng lớn lên. Sự lớn lên của hệ thống có ý nghĩa nền tảng cho sự lớn lên của một dân tộc; đặc biệt trong xã hội Đông Á, nơi mà, người dân lệ thuộc rất nhiều vào hệ thống trong suy nghĩ, đánh giá, và hành động của mình.

Ảnh: vietnamam.com.


Sự lớn lên của một hệ thống, trong khi đó, đòi hòi tầm nhìn thời đại, khả năng học hỏi, và ý thức tự xem lại mình để sửa đổi và cải cách.

Một đất nước sẽ khó tránh được nguy cơ suy yếu nếu hệ thống chấp nhận một tầm nhìn mơ hồ về thế giới và thiển cận về tương lai. 

Một dân tộc sẽ có tầm vóc bị còi cọc nếu hệ thống không khát khao học hỏi để làm giàu trí tuệ của mình trên nền tảng tinh hoa của toàn nhân loại. 

Một xã hội sẽ rơi về bế tắc nhiễu nhương nếu hệ thống không luôn nghiêm khắc tự xem lại mình trong nỗ lực cải cách không ngừng. Thích nghe phỉnh nịnh, đổ lỗi cho khách quan là cách ngắn nhất đưa đất nước đến sự hèn kém.

Một khi hệ thống ý thức rõ được tầm quan trọng phải xem lại mình thì nên khởi đầu bằng việc nghe theo những nguyên tắc ngàn đời đã được đúc rút từ cổ nhân. Đó là, nếu thấy người dân xem thường chính quyền thì phải xem lại đức hạnh của quan lại; nếu thấy người dân không tuân thủ luật pháp thì phải xem lại ý thức thượng tôn công lý của hệ thống; nếu thấy người dân hay trí trá thì phải xem lại sự thành tâm và tín nghĩa của người lãnh đạo; nếu thấy người dân hay mê tín dị đoan thì phải xem lại tính minh bạch và công tâm của cơ chế.

Đưa đất nước lớn lên trong hai ví dụ cụ thể

Người viết chỉ xin đưa ra hai ví dụ nhỏ liên quan đến nỗ lực giúp đất nước lớn lên từ góc độ của cá nhân và hệ thống.

Nỗ lực của cá nhân: Đội tuyển bóng đá Việt Nam và danh hiệu vô định Đông Nam Á

Là người Việt Nam, có lẽ ai cũng thấy xúc động khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang giải vô định Đông Nam Á đêm 28/12/2008. Sự xúc động này có một phần là sự hãnh diện về thành tích hiếm có của bóng đá Việt Nam, nhưng cội nguồn lớn lao hơn nhiều có lẽ là ý thức và lòng tự hào dân tộc. Một tố chất luôn tiềm tàng đâu đó trong mỗi con người Việt Nam trong sự nén chờ và thúc giục đã quá lâu. 

Cội nguồn xúc động khi đội tuyển bóng đá Việt Nam đăng quang giải vô định Đông Nam Á là ý thức và lòng tự hào dân tộc. Ảnh: REUTERS/Tim Chong (SINGAPORE) 


Người viết bài này đã đọc kỹ bài trả lời phỏng vấn của Công Vinh và thấy lấp lánh ở cầu thủ này và đồng đội phẩm chất của những người anh hùng.

Thế nhưng mấy năm trước đây, chúng ta cũng đã từng xúc động gần như vậy với Văn Quyến và người viết bài này bây giờ vẫn tin rằng đây là một con người rất đáng quí.

Điều gì đã làm Văn Quyến và một số đồng đội mình trở nên suy đồi đi theo một cách nào đó, để rồi không ngần ngại làm thấp hèn tổ quốc của mình trong những vụ mua bán cá độ. Có lẽ, trong sự đi xuống và đi xuống quá xa của Văn Quyến, các thành tố khác như tổ chức, bè bạn, gia đình, cộng đồng, và xã hội cần gánh chịu một phần trách nhiệm quan trọng.

Với khát vọng giúp đất nước lớn lên, bản thân Công Vinh và đồng đội cùng tổ chức, bè bạn, gia đình, cộng đồng, và xã hội không chỉ rút ra bài học sâu sắc từ Văn Quyến mà cần bước lên một cách tiếp cận mới.

Làm gì đây với hàng chục tỷ đồng tiền thưởng và sự hân hoan ngưỡng mộ của hàng triệu công chúng?

Đây là câu hỏi lớn không chỉ cho các cầu thủ đội tuyển Việt Nam mà tất cả các thành tố liên quan bởi câu trả lời chính xác quyết định Công Vinh và đồng đội của mình sẽ đi lên chứ không đi xuống sau chiến thắng này; đi lên thật xa đến hết sức mình chứ không chỉ nhỉnh lên chút ít rồi thỏa mãn cầm chừng.

Theo cách tiếp cận đó, chúng ta cần đặc biệt trân trọng và sẵn sàng trợ giúp Công Vinh và các cầu thủ Việt Nam hướng tới những nhu cầu cao cả hơn là để họ say sưa thỏa mãn trong những nhu cầu vật chất tầm thường. 

Một đề xuất có tính gợi ý là các cầu thử Việt Nam giành một nửa số tiền thưởng của mình để góp sức xây các sân bóng đá bình dân cho trẻ em toàn quốc theo tinh thần sau: 

- Các địa phương ưu tiên giành các khu đất thuận tiện nhất cho trẻ em chơi để xây dựng các sân chơi này.

- Các doanh nhân và người có điều kiện tiết kiệm dốc hết lòng tài trợ cho các dự án. Khả năng thu hút tài trợ tùy thuộc vào nỗ lực của từng địa phương cùng uy tín và sự thành tâm mong muốn của các cầu thủ đội tuyển.

- Các sân bóng đá này nên có tên chung nhắc nhở thế hệ trẻ hướng tới tương lai; chẳng hạn: "ƯỚC MƠ VIỆT".

- Mỗi sân bóng đều có một tấm đá vĩnh cửu với dòng chữ "Chúng tôi ước mong các bạn - thế hệ Việt Nam tương lai - sẽ đưa đem lại cho Tổ Quốc những vinh quang mà thế hệ chúng tôi hôm nay chưa thể làm được", cùng với tên các cầu thủ của đội tuyển Việt Nam 2008 và tên của của các tổ chức và cá nhân đã có đóng góp đáng kể cho việc xây dựng công viên.

Nỗ lực của hệ thống: Chính phủ và gói kích cầu

Việt Nam đang đứng trước những thách thức gay gắt trong phát triển. Tuy nhiên, những thách thức gay gắt này hiện tại không phải ở sự ổn định trung hạn của mô hình phát triển hiện thời mà ở sự lựa chọn mô hình phát triển để đất nước có thể đi đến một tương lai tươi sáng. 

Với mô hình phát triển hiện thời, chúng ta có thể có sự ổn định và tăng trưởng khá trong vòng 5-7 năm nữa bởi chúng ta được hưởng rất nhiều lợi thế, từ vị trí địa lý đến nguồn lực con người, từ lợi thế nước đi sau đến nguồn tài trợ quốc tế phong phú, từ nguồn kiều hối dồi dào (trên 10% GDP) đến khoản thu lớn từ dầu mỏ và than đá (chiếm bình quân trên 15% tổng thu nhập quốc dân trong 5 năm qua, cao hơn nhiều so với mức 4-5% của Trung Quốc và Ấn Độ - là hai nước tăng trưởng nhanh hơn hẳn chúng ta trong cùng thời gian này).

Mô hình phát triển hiện tại không thể đưa Việt Nam đến một tương lai hùng cường vì ba khuyết tật căn bản: Không tôn trọng nguyên tắc thị trường; Chất lượng thể chế kém; và Nguồn vốn con người không được coi là động lực chủ yếu của phát triển mà là thứ yếu so với tiền bạc và đất đai. 

Mô hình phát triển cho Việt Nam đi đến một tương lai tươi sáng đòi hỏi phải loại bỏ ba khuyết tật nói trên; đồng thời đặc biệt chú trọng bốn nguyên tắc chiến lược: Cân nhắc cẩn trọng trước khi đưa ra một chính sách; Phát triển mỗi địa phương phải được gắn kết trong nỗ lực gia cường sức cạnh tranh của các địa phương lân cận và của cả vùng; Đầu tư vào con người, đặc biệt về tố chất tư duy và phẩm chất chuyên nghiệp; và Xác định vị thế chiến lược quốc gia trong phân công lao động toàn cầu.

Mô hình phát triển hiện thời của chúng ta còn rất yếu trên cả bốn nguyên tắc này. Vì vậy sau hai thập kỷ đổi mới vừa qua, chúng ta có thêm nhiều nguồn lực vật chất, nhưng quả thực chưa mạnh lên về tâm thế và thực lực. 

Đầu tư vào con người, đặc biệt về tố chất tư duy và phẩm chất chuyên nghiệp là một yêu cầu để đưa đất nước lớn lên. Ảnh: webtretho.


"Gói kích cầu", do đó, không nên dùng để kích thích tăng trưởng theo mô hình hiện tại mà cần được sử dụng để nâng cấp mô hình phát triển hiện tại. Nghĩa là, "gói kích cầu" cần được sử dụng để hoàn thiện cơ chế thị trường, nâng cấp chất lượng hệ thống thể chế, và dồn sức đưa nguồn vốn con người thành động lực chủ đạo cho phát triển. Trong sử dụng gói kích cầu cần tôn trọng bốn nguyên tắc của mô hình phát triển hiện đại nói trên.

Đặc biệt, trong chiến lược phát triển địa phương, cần có chính sách để một địa phương mong địa phương bên cạnh tăng trưởng và phát triển mạnh hơn là tranh giành, ganh ghế. Một chính sách gợi ý có thể là chính phủ dành 20-30% khoản thu ngân sách tăng thêm từ một địa phương cho đầu tư và phát triển vào hạ tầng cơ sở và hệ thống trường học của các địa phương lân cận.

Thay lời kết 

Lịch sử nước ta cho thấy rằng thế hệ người Việt Nam nào cũng rất tự hào về đất nước của mình, nhưng không phải thế hệ nào cũng làm cho đất nước có thể tự hào về mình. 

Quả thực, từ niềm tự hào về đất nước đến nỗ lực làm đất nước có được quyền tự hào về mình là một khoảng cách rất lớn mà không phải thế hệ người Việt Nam nào cũng làm được dù biết đó là trách nhiệm thiêng liêng. 

Năm 2008 đã qua với những thách thức và thành công đáng ghi nhớ, để lại những chỉ mốc quan trọng để chúng ta thấy rõ đất nước mình sẽ lớn lên trong niềm tự hào hay nhỏ đi trong sự hổ thẹn trong năm 2009 này.

Đất nước sẽ hổ thẹn nếu có cầu thủ đội tuyển Việt Nam sau cơn say chiến thắng lại đi vào còn đường suy đồi hư hỏng. Đất nước sẽ nhỏ đi nếu bộ máy quan liêu tiếp tục bành trướng, tham nhũng và lợi ích đặc quyền tiếp tục hoành hành, và nguồn vốn con người tiếp tục bị xói mòn trong tệ nạn xã hội và hệ thống giáo dục xuống cấp. 

Đất nước sẽ tự hào nếu có cầu thủ đội tuyển Việt Nam càng trở nên gắn bó và cùng chia sẻ những ước muốn và hành động cao cả và nhân bản.

Đất nước sẽ lớn lên nếu bộ máy nhà nước được tinh giản mạnh mẽ trong sự đồng cảm và tin yêu của xã hội.
 
Đất nước sẽ lớn lên nếu tham nhũng và lợi ích đặc quyền mất hẳn chỗ đứng.

Đất nước sẽ lớn lên nếu nguồn vốn con người được khơi dậy trong hào khí của ý chí dân tộc và sự cải cách sâu rộng của toàn bộ hệ thống giáo dục.

  • Ts. Vũ Minh Khương - ĐHQG Singapore
 


 
Suy ngẫm
  Đề cao mình quá khiến bạn không sáng suốt  
  Để cuộc sống luôn đúng nghĩa  
  Để dân trao quyền mà không mất quyền  
  Để khỏe hơn vua Càn Long  
  Để luôn sáng tạo trong mọi hoàn cảnh  
  Để lương tâm được bày tỏ  
  Để trở thành người tốt hơn  
  Để “Sở Hữu” Hạnh phúc - Giản Tư Trung  
  Đến một lúc  
  Đến một lúc...  
  Điều chúng tôi không nói  
  Điều gì có ích cho ta vào lúc chết?  
  Điều học được từ cuộc sống  
  Điều kỳ diệu trong cuộc sống  
  Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống  
  Điều nghịch lý của ngày nay  
  Điều quan trọng không phải bạn là ai mà là bạn ở bên cạnh ai  
  Đoản khúc của cuộc đời  
  Đoạn đức, Ân đức và Trí đức - Quyền lực của nhà lãnh đạo  
  Đọc và suy ngẫm bạn nhé..  
  Đọc để sống  
  Đối diện khổ đau  
  Đời sống bên kia cửa tử  
  Đời đẹp hay cách nhìn đẹp  
  Đơn giản và phức tạp  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 01: Định mệnh  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 02: Một nhà Phù thủy xứ Ai Cập  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 03: Người Đạo sĩ trên bờ sông Adyar  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 04: Khoa Yoga thắng đoạt Tử Thần  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 05: Người tu sĩ suốt đời không nói  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 06: Nhà lãnh đạo tinh thần miền Nam  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 07: Ngọn đồi thiêng  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 08: Tu sĩ và Thuật sĩ  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 09: Vị Pháp sư thành Ba Nại La  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 10: Đời người khắc trên tinh tú  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 11: Một cuộc gặp gỡ lạ lùng  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 12: Đạo viện trong rừng thẳm  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 13: Những chân lý diệu huyền  
  Đột phá tư duy bằng học vị là sai lầm  
  Đưa những con sao biển về nhà  
  Đức phật là bậc thầy các nhà khoa học  
  Đừng bỏ quên ước mơ của bạn.  
  Đừng chuốc lấy khổ đau  
  Đừng lệ thuộc vào hy vọng!  
  Đừng quên cái chính  
  Đừng rơi vào ma nghiệp  
  Đừng xem nhẹ mục đích làm việc  
  Đừng để sự cô đơn kiểm soát đời bạn  
  Đừng “ám sát” thời gian  
Trang 9/9 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9