Suy ngẫm
Đừng lệ thuộc vào hy vọng!
 

Hy vọng đồng hành với sợ hãi

Barack Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, chiến thắng này được báo trước là sự chiến thắng của niềm hy vọng trước sự sợ hãi. Nhưng sau đó ông lại rơi vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan và đau đầu trước những hoạt động khủng bố liên tục xảy ra trên đất Mỹ.

Rồi cuộc sống dễ dãi về vật chất và sự tiến bộ không ngừng của phương Tây đã bị lung lay vì khủng hoảng kinh tế. Chúng tác động đến cả người giàu lẫn người nghèo. Ai trong chúng ta cũng hy vọng con người trên thế giới sẽ bớt khổ cả về vật chất lẫn tinh thần. Thế nhưng chúng ta nào có được toại nguyện, sự đau khổ luôn có mặt ở mọi nơi và còn ngày một chồng chất.

Doanh nhân thường bị áp lực công việc đè nặng, họ luôn có cảm giác cuộc sống hiện nay là một cuộc di chuyển trên đường băng trượt giữa một bên là nỗi sợ hãi và một bên là niềm hy vọng. Và cũng giống như người chạy trên đường băng, họ vừa phấn khích, vừa hoảng sợ, hai cảm giác này thường đến cùng lúc.

Chúng ta dấn thân vào một dự án kinh doanh và có thể lo sợ sẽ thất bại. Sợ hãi đồng thời cũng là kết quả của cảm giác tràn đầy hy vọng. Thực ra chúng là một: khi hy vọng đạt được điều gì đó, cùng lúc ta cũng lo sợ là có thể thất bại. Nhiều người cho rằng, họ không hề biết khái niệm "sự sợ hãi là cái giá của hy vọng". Thay vào đó họ không thể hình dung một cuộc sống mà không có hy vọng.

Hy vọng chính là điều thúc đẩy người ta hành động. Người ta cũng thường nghĩ, cuộc sống sung túc, vị trí cao trong xã hội được xem như bước cần thiết trong việc tạo dựng một thế giới tốt đẹp. Làm sao chúng ta có thể hăng hái làm việc nếu chúng ta không hy vọng thành công?

Được thúc đẩy bởi hy vọng, nhưng lại phải đối đầu với thất bại, chúng ta chán nản và mất tinh thần, thế là stress tích tụ, chúng ta cảm thấy cuộc đời trở nên vô nghĩa, mất hết hy vọng vào việc thay đổi để mọi việc trở nên tốt hơn. Chính thời điểm này chúng ta nhận ra mặt tiêu cực của hy vọng: thay vì tạo cho ta cảm hứng trước mọi cuộc chơi, hy vọng trở thành gánh nặng và càng nặng nề hơn khi đồng hành với nó là nỗi lo sợ thất bại.

Quan hệ cá nhân cứu vãn mọi sự

Có cách suy nghĩ nào khác để giải quyết vấn đề này không? Giải pháp sẽ tùy từng người. Đừng tự đẩy mình vào thế kẹt trầm cảm, tức là cam chịu. Hãy nhẹ nhàng từng bước một gỡ rối cho tâm thức.

Thomas Merton, nhà thần học Thiên chúa giáo nổi tiếng, đã từng cố vấn cho một người đang rơi vào cảm giác tuyệt vọng: “Đừng lệ thuộc vào niềm hy vọng về những kết quả đạt được! Bạn có thể phải đối mặt với sự thật là công lao của bạn sẽ chẳng có giá trị gì và hoàn toàn không mang lại thành tựu gì, nếu không muốn nói là những kết quả ấy còn trái ngược với những gì bạn mong muốn.

Khi bạn đã quen với ý niệm này, bạn sẽ bắt đầu càng lúc càng tập trung hơn vào không phải kết quả công việc, mà là giá trị, tính đúng đắn và sự chân thực của bản thân công việc mà bạn thực hiện..., rồi dần dần bạn sẽ bớt ý tưởng, thay vào đó là gia tăng việc phấn đấu cho một con người cụ thể nào đó... Cuối cùng, chính mối quan hệ cá nhân là điều cứu vãn mọi sự”.

Lời khuyên của Merton có vẻ trái ngược với lẽ thường: làm mà không để ý đến kết quả, giống như kinh doanh mà không... mong có lời. Nhưng suy nghĩ nghiêm túc bạn lại thấy, nếu chú trọng đến hành động đúng trong khi làm việc - điều ta cần phải làm, vượt thoát khỏi hy vọng và sợ hãi, không quan tâm đến thành công hay thất bại, cũng có nghĩa là bạn đang học xem hành động đúng mang lại cảm giác như thế nào, thấy được sự trong sáng và năng lượng của nó.

Bạn có thể vẫn còn giận dữ, nổi nóng và có cảm giác bị vỡ mộng, nhưng bạn sẽ không còn muốn hành động của mình bị dẫn dắt bởi những cảm xúc mạnh mẽ nhưng có tính hủy hoại ấy nữa. Bạn sẽ học được cách nghỉ ngơi, trở về với thực tại và bình tĩnh dần. Rất nhiều người đã thực hành theo cách của Merton, và nhận ra ông có lý.

Họ chú trọng vào mối quan hệ với con người và vì vậy, tuy thất bại nhưng họ có thêm sức mạnh và cảm thấy được nâng đỡ. Chúng ta không cần một kết quả nhất định nào, chúng ta không cần hy vọng, chúng ta chỉ cần có nhau, chính nhờ vậy mà chúng ta giải quyết được vấn đề căn bản của stress, giảm được gánh nặng cho tâm trí và tất nhiên cuộc sống trở nên nhẹ nhàng, thoải mái hơn.

Bạn cũng nên quan tâm đến cơ thể mình trong quá trình giải quyết stress. Hãy bổ sung đủ các vitamin nhóm B được xem là tối cần thiết cho người bị stress trong chế độ ăn, bảo đảm ngủ đủ giấc và cũng đừng quên rèn luyện cả thể xác lẫn tinh thần bằng cách thiền hay tập yoga. 
  

HỒNG NGUYỄN - Imexpharm Co
 


 
Suy ngẫm
  Đừng quên cái chính  
  Đừng rơi vào ma nghiệp  
  Đừng xem nhẹ mục đích làm việc  
  Đừng để sự cô đơn kiểm soát đời bạn  
  Đừng “ám sát” thời gian  
Trang 9/9 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9