Suy ngẫm
Để dân trao quyền mà không mất quyền
 

LTS: Đảng ta chủ trương xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa là một trong những điều kiện và môi trường tiên quyết của một quốc gia tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một xã hội phát triển tiên tiến. Đó là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh kịp thời mọi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ được các quyền tự do dân chủ, đặc biệt là quyền tự do kinh doanh và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tuỳ tiện lạm quyền từ phía cơ quan nhà nước, cán bộ công chức nhà nước, đồng thời ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật, thiếu kỷ cương. Đó là Nhà nước mà mọi tổ chức, hoạt động phải dựa trên cơ sở pháp luật, tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước công dân về mọi hoạt động của mình.

Quốc khánh năm nay, đánh dấu 65 năm lập quốc, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của GS Tương Lai vừa gửi tới có tựa đề: Nhân ngày Quốc khánh nghĩ về Hiến pháp để bạn đọc cùng thảo luận.

Những trải nghiệm thực tiễn của 65 năm qua, kể từ Cách mạng Tháng Tám 1945, càng thấm thía một điều mà ngày 3/9/1945, tức là chỉ một ngày sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử, Bác Hồ đã nêu lên: "Trước chúng ta bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ"1.

Để loại bỏ tận gốc ách chuyên chế dưới mọi hình thức nhằm thực hiện tự do dân chủ trong đời sống cụ thể của người dân, chứ không chỉ bằng những câu chữ trong văn bản hay trong những lời rao giảng, thì phải hiểu rõ ý nghĩa của Hiến pháp trong đời sống của một dân tộc trong một quốc gia độc lập. Một nền độc lập đã được giành lại bằng núi xương, sông máu của nhiều thế hệ Việt Nam.

Hiểu rõ để đấu tranh cho Hiến pháp được thực thi trong cuộc sống thường nhật của mỗi công dân, mỗi cộng đồng và toàn xã hội. Hiểu rõ để không một cá nhân, một tổ chức nào được đứng trên Hiến pháp vì, đúng như sự khẳng định của Đại tướng Võ Nguyên Giáp "Hiến pháp là sự biểu hiện tập trung nhất ý chí của một dân tộc, kỷ cương của một đất nước"2. Làm cho Hiến pháp thực sự là bộ luật cao nhất, quan trọng nhất chỉ đạo sự vận hành đời sống xã hội, là minh chứng sống động về trình độ dân chủ và văn minh mà dân ta đạt được.

Vì thế, nghiêm cẩn thực thi Hiến pháp và sửa đổi Hiến pháp đang là một đòi hỏi của sự nghiệp phát triển đất nước trong thời đoạn lịch sử của những thách thức và vận hội chưa có tiền lệ.

"Quyền hành và lực lượng đều nơi dân"

Tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, nhiều vị đại biểu Quốc hội đã đề nghị sửa một cách cơ bản một số điều của Hiến pháp hiện hành để có thể cải cách các Luật Tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật tổ chức Tòa án nhân dân....

Đề cập đến đòi hỏi này, cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An đã đưa ra được những ý tưởng đáng chú ý: "Sửa đổi Hiến pháp là một cơ hội sinh hoạt chính trị dân chủ sâu rộng trong toàn dân... Nếu nhân dân được tham gia và phúc quyết sửa đổi Hiến pháp lần này thì đây là một cơ hội to lớn do ta tạo ra để thúc đẩy mạnh mẽ và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa"3.

Vì rằng, "chúng ta đã sửa đổi Hiến pháp nhiều lần rồi mà vẫn chưa đạt yêu cầu. Nếu tính từ năm 1946 đến 1992 là 46 năm, ta đã sửa đổi lớn 3 lần vào các năm 1959, 1980 và 1992. Đó là chưa kể nhiều lần chúng ta sửa đổi nhỏ khác... Sửa đổi như vậy là nhiều lần rồi, song dân chưa được phúc quyết lần nào. Hiến pháp 1946 quy định dân phúc quyết Hiến pháp song dân cũng chưa được phúc quyết vì chiến tranh đã xảy ra ngay sau đó". Ấy vậy mà, "bản chất của thể chế cộng hòa hay dân chủ cộng hòa là quyền lập hiến phải thuộc về nhân dân, mà trực tiếp là cử tri cả nước"4.

Thực ra, để là một Hiến pháp đích thực như ý nghĩa cần có của nó, thì đó là lời tuyên bố của cả dân tộc sống trong một quốc gia nhằm khẳng định ý chí và bản lĩnh của dân tộc đó trước thế giới. Thông thường thì "Lời nói đầu" của Hiến pháp thể hiện tập trung, súc tích và rõ ràng nhất điều đó. Có thể nêu một ví dụ về lời nói đầu của Bản Hiến pháp Hoa Kỳ, "tác phẩm tuyệt vời nhất từng được sản sinh ra vào một thời điểm nhất định bởi trí óc và mục đích của con người" như lời thẩm định của William Ewart Gladstone, Thủ tướng nước Anh (1809 - 1898) về bản hiến pháp lâu đời nhất và nổi tiếng nhất với trên 200 năm lịch sử.

Từ khi có hiệu lực năm 1789, bản Hiến pháp này đã là mô hình tham khảo để xây dựng hiến pháp của nhiều quốc gia phương Tây khác. Bởi lẽ đó là bản hiến pháp đầu tiên của thế giới được soạn thảo ngày 17/9/1787 dựa trên tư tưởng của Montesquieu, nhà Khai sáng Pháp thuộc thế hệ thứ nhất. Vì sao?

Vì chính Montesquieu đã chuẩn bị về mặt lý luận cho một cuộc cách mạng xã hội khởi nguồn từ hệ thống triết học chính trị về quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước, đáp ứng được nhu cầu bức thiết phải phế bỏ quyền lực chuyên chế để đi đến một quyền lực chính trị mới, phi chuyên chế. Vì thế, có thể nói nền, dân chủ pháp trị là sự kết tinh toàn bộ tư tưởng về bình đẳng, tự do, dân chủ của Montesquieu. Cho nên, nói về nhà nước pháp quyền, về dân chủ pháp trị, tất yếu không thể bỏ qua những gì, mà bằng lý luận, Montesquieu đã xây dựng nên.

Lời mở đầu của Hiến pháp Hoa Kỳ nêu ra lý do lập hiến đã liệt kê 5 mục đích của Hiến pháp: 1. nhằm xây dựng một Liên Bang hoàn hảo hơn; 2. Thiết lập công lý; 3.Tạo dựng phòng thủ chung để chống ngoại xâm; 4.Thúc đẩy sự thịnh vượng trong toàn khối; 5.Giữ vững nền tự do.

Bản Hiến pháp này đã thể hiện một cách trung thành Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776, thể hiện tinh thần khoa học, tiến bộ và nhân bản trong việc xây dựng một nhà nước cộng hòa đầu tiên trên thế giới trong lịch sử cận đại. Biết như thế, chúng ta sẽ hiểu thêm vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh mở đầu Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng trích dẫn Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ.

Không đứng ở tầm cao văn hóa để vận dụng những thành tựu của tri thức loài người vào thực tế đất nước sẽ không có được ứng xử như vậy. Và cũng xin được lưu ý rằng, trong những bước khởi đầu sự nghiệp cứu nước của mình, trong "Bản yêu sách của nhân dân An Nam" gửi đến Hội nghị Vécxây năm 1919, Nguyễn Ái Quốc đã đòi "thay đổi chế độ sắc luật bằng chế độ luật...".

Và điều thứ 7 của "Việt Nam yêu cầu ca" trong yêu sách đó là "Bảy xin hiến pháp ban hành/Trăm điều phải có thần linh pháp quyền"5. Và rồi trong "Nhời hô hoán cùng Vạn Quốc hội" [Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi Hội Quốc liên năm 1926] đã có đề ra "... Sắp xếp không "xin ban hành" mà tự mình "sắp xếp lấy" một nền hiến pháp theo như những lý tưởng dân quyền luật...".

Gợi lên những ý này cốt nói rõ tính hệ thống và nhất quán trong tư duy của Hồ Chí Minh về Hiến pháp và pháp luật.

Là người đặt nền móng xây dựng "Nhà nước pháp quyền" ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đảm đương trọng trách "Trưởng Ban soạn thảo" Hiến pháp năm 1946. Câu đầu tiên của Hiến pháp tại Điều 1, Chương I: "Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa. Tất cả quyền bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, giai cấp , tôn giáo"? có ý nghĩa như một nguyên lý, phải chăng đó là sự nhắc lại tư tưởng quan trọng nhất của Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam mới. Nguyên lý này xuyên suốt trong tư tưởng Hồ Chí Minh: "quyền hành và lực lượng đều nơi dân".

Quyền lực thống nhất ở nhân dân và chỉ ở nhân dân chứ không có ở bất kỳ một tổ chức đại diện nào khác. Hiến pháp năm 1946 ghi rõ: "Nghị viện nhân dân là cơ quan có quyền cao nhất của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa". Hiến pháp năm 1992 xác định: "Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".

Cần lưu ý: "cao nhất" chứ không phải là "toàn bộ". "Toàn bộ" quyền, chỉ thuộc về dân và dân có thể trao quyền đó cho những cơ quan quyền lực hoặc cá nhân đảm trách. Chẳng hạn như, Quốc hội được trao một số quyền hạn, Chủ tịch nước và Thủ tướng cũng vậy. Rõ ràng, quyền của những cơ quan và cá nhân đó là của dân và do dân trao cho họ. Dân trao quyền bằng sự kết hợp giữa dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.

Pháp quyền ở trên nhà nước

Làm thế nào để dân trao quyền mà không mất quyền, các cơ quan nhà nước và cá nhân được trao quyền mà không tiếm quyền của dân, đấy là vấn đề quyết định nhất và cũng là cam go nhất trong việc xây dựng nhà nước của ta từ trước đến nay.Vấn đề này không chỉ đặt ra cho riêng nước ta, mà là vấn đề gây tranh luận triền miên của những người đi tìm dân chủ và tự do trên toàn thế giới.

Trong tiến trình phát triển lịch sử của loài người, "nhà nước chỉ là một dấu ngoặc đơn của lịch sử" như tên gọi của một cuốn sách. Xã hội loài người đã trải qua hàng triệu năm, song nhà nước thì mới xuất hiện chỉ có 6.000 năm. Và như tiên đoán của C. Mác, với tiến trình lịch sử, nhà nước rồi sẽ tiêu vong, còn xã hội loài người sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển! Học thuyết về "Nhà nước pháp quyền" ra đời từ thế kỷ XVIII, với một quá trình thăng trầm, thậm chí đã có lúc bị quên lãng trong một thời gian dài. Vấn đề cơ bản nhất và cũng là tư tưởng chủ đạo của nhà nước pháp quyền là pháp quyền ở trên nhà nước.

Theo nguyên lý của tư tưởng pháp quyền đó, nhà nước phải được tổ chức theo nguyên tắc "tam quyền phân lập". Mục đích của sự phân quyền đó là: trong cơ cấu quyền lực có sự kiểm tra, kiểm soát lẫn nhau nhằm tránh sự độc quyền, lạm quyền. Nhà nước và công chức chỉ làm được những điều luật pháp cho phép còn dân thì được phép làm tất cả những điều gì mà luật pháp không cấm.

Để đảm bảo dân trao quyền mà không mất quyền thì công việc của nhà nước và các cơ quan công quyền phải công khai và minh bạch trước dân. Dân có quyền tham gia vào việc hoạch định pháp luật, giám sát và kiểm soát. Quan trọng nhất là quyền phúc quyết Hiến pháp qua trưng cầu dân ý.

Toàn bộ những ý tưởng lớn đó được xác lập từ sự phân biệt giữa "nhà nước pháp quyền" với tất cả các kiểu loại nhà nước trước đó trong lịch sử loài người. Nền tảng được xác lập để phân biệt thật rạch ròi chỉ ở một điểm: với nhà nước pháp quyền, quyền lực chính trị và quyền lực nhà nước đều thuộc về dân. Đây là xuất phát điểm để xác lập sự khác biệt căn bản giữa nhà nước pháp quyền với các kiểu loại nhà nước không pháp quyền.

Với nhà nước không pháp quyền, mệnh lệnh được ban ra trực tiếp từ chủ thể nắm giữ quyền lực dưới các hình thức như chiếu chỉ, sắc dụ, sắc lệnh, nghị quyết... thành văn bản hay mệnh lệnh được phát ngôn, đều là những mệnh lệnh tuyệt đối một chiều từ trên xuống, không có sự phản hồi, càng không thể có sự phản biện xã hội dưới bất cứ hình thức nào, hoặc nếu có, thì đó chỉ là hình thức mị dân. Ở đó, quyền lực được tập trung vào độc quyền cá nhân (nhà vua) hay một nhóm người định đoạt mọi vấn đề của đất nước. Sự chuyển giao quyền lực giữa các chủ thể quyền lực là cơ chế nối truyền (gia đình, dòng tộc, hay các nhóm quyền lực cùng theo đuổi lợi ích). Dân đứng ngoài tiến trình này.

Hoàn toàn ngược lại với những điều ấy, với nhà nước pháp quyền, quyền lực là của nhân dân và chỉ ở nhân dân mà thôi.

Bản lĩnh thực hành dân chủ

Nhất quán với nguyên lý ấy, ngay trong bối cảnh phức tạp của những ngày chính quyền cách mạng còn non trẻ, phải đối phó với "thù trong, giặc ngoài", Hồ Chí Minh vẫn kiên quyết tiến hành Tổng tuyển cử bầu Quốc hội. Đây là lần đầu tiên, mỗi công dân của đất nước vừa giành được độc lập, được thực hiện quyền làm chủ của mình.

Thành công của Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946 là bầu ra Quốc hội đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã tỏ rõ bản lĩnh kiên quyết thực hành dân chủ của Hồ Chí Minh. Hồ Chí Minh đã thực hành dân chủ bằng hai phương thức: dân chủ đại diệndân chủ trực tiếp. Hai phương thức này đã và đang là một cuộc tranh luận lớn giữa những trường phái dân chủ khác nhau ở phương Tây và phương Đông. Phải với bản lĩnh Hồ Chí Minh mới có thể đồng thời vận dụng hai phương thức ấy.

Thực tế đã chứng minh là quy mô của các quốc gia hiện đại quá lớn, không thể vận dụng kiểu dân chủ trực tiếp như đã từng thực hiện với nền dân chủ thành bang ở Aten của Hy Lạp ngày xưa. Vì thế, tất yếu chỉ có thể dùng dân chủ đại diện, hoặc theo mô hình nước Anh mà Hobes và Locke đã đúc kết, Montesquieu và Rousseau đã tiếp nhận và bổ sung, Tocqueville đã phát triển thêm khi nghiên cứu về nước Mỹ.

Là một nhà cách mạng từng trải, đã hiểu rõ về phong trào cách mạng với sứ mệnh cao cả cũng như những khó khăn của tiến trình thực hiện sứ mệnh ấy, Hồ Chí Minh biết được phải làm gì với một dân tộc vừa thoát khỏi ách nô lệ và gần một trăm năm bị xoá tên trên bản đồ thế giới. Là một nhà văn hoá, Hồ Chí Minh thấm nhuần những tinh hoa của văn hoá loài người, kết tinh ở những đỉnh cao trí tuệ tiêu biểu cho trình độ văn minh mà loài người đạt được vào những thời điểm lịch sử nhất định, để biết vận dụng một cách thích hợp và sáng tạo vào thực tế nước mình.

Vì thế, không phải là ngẫu nhiên mà mở đầu cho Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, Hồ Chí Minh dẫn ra những câu tiêu biểu nhất mà Người gọi là "lời bất hủ"6 trong Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ (năm 1776) và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp (năm 1791).

Đây là những câu hay nhất, thể hiện tập trung nhất khát vọng của con người, của loài người, để từ đó, nói về những "lẽ phải không ai chối cãi được". Vì rằng, bản Hiến pháp đầu tiên của loài người là Hiến pháp của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ năm 1787 như đã trình bày ở trên, còn hình thức lập hiến điển hình nhất là chế độ lập hiến của Pháp.

Hiến pháp năm 1946 do Hồ Chí Minh trực tiếp làm "Trưởng Ban soạn thảo" là sự vận dụng một cách nhuần nhuyễn những thành tựu của tiến trình lập hiến ngót 200 năm của thế giới.

Hồ Chí Minh vượt hẳn lên so với những người đương thời ở tầm tư duy và cái nhìn biện chứng. Bôn ba khắp năm châu bốn biển, hiểu rõ ngọn ngành những tinh hoa cũng như khiếm khuyết mà phong trào cách mạng đã trải qua, để khi về đến Tổ quốc, hôn nắm đất quê hương đang đói nghèo, đau khổ, Người hiểu rõ cần phải làm gì cho nhân dân mình.

Tiếp nhận tinh hoa của nền văn minh phương Tây mà Người đã có nhiều năm chiêm nghiệm, học hỏi, cùng với vốn tri thức về truyền thống minh triết phương Đông, để rồi gắn kết với bản lĩnh và tri thức cách mạng, Hồ Chí Minh thấy được những vấn đề mà có thể nhiều người khác chưa thấy hoặc thấy chưa rõ.

Bằng chứng là, mãi gần 60 năm sau Tuyên ngôn Độc lập và Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, lập ra Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời Hiến pháp năm 1946, vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền vẫn còn gặp không ít trở ngại do sự áp đặt máy móc và giáo điều của mô hình "chuyên chính vô sản" trong tư duy về nhà nước. Có thấm thía chuyện này mới hiểu sâu ý nghĩa của việc Hồ Chí Minh đặt viên gạch đầu tiên cho nền móng của một nhà nước pháp quyền.

Ở tầm cao trí tuệ của thời đại, ngay từ những ngày đầu tiên của nền độc lập vừa giành lại, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ"! Hiến pháp đó là sự thể hiện tập trung nhất nguyên lý dân là chủ, dân làm chủ! Hồ Chí Minh tin vào dân, hiểu rõ khát vọng dân chủ của dân. Bằng việc thực thi quyền dân chủ trong cuộc phổ thông đầu phiếu bầu ra Quốc hội năm 1946, dân ta đã chứng minh với thế giới rằng, một dân tộc vừa thoát khỏi vòng nô lệ hàng trăm năm của thực dân thuộc địa, khi vùng lên dưới ngọn cờ của Đảng do Hồ Chí Minh sáng lập và lãnh đạo, đã vững bước trên hành trình dân chủ.

Hồ Chí Minh hiểu rõ mục tiêu của từng chặng đường trên con đường dẫn đến lý tưởng đúc kết khát vọng của cả loài người: "Sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện cho sự phát triển tự do do của tất cả mọi người". Hồ Chí Minh không lẫn lộn mục tiêu cụ thể và trực tiếp của từng chặng, với cái đích lý tưởng ở phía chân trời để tránh đi những ảo tưởng duy ý chí, dẫn đến hành động nôn nóng "đốt cháy giai đoạn", gây hậu quả ngược lại với mục tiêu.

"Có sự dị ứng bẩm sinh với bệnh giáo điều rập khuôn, bệnh công thức sáo mòn" Hồ Chí Minh đòi hỏi, "không được sao chép nguyên văn những gì có sẵn, điều cốt yếu là hiểu đúng tinh thần và biết vận dụng các nguyên lý sát với tình hình cụ thể"7, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Cơ sở xã hội của nhà nước là Dân tộc

Hiến pháp năm 1946 thể hiện rõ những yếu tố pháp quyền nổi lên trên nguyên tắc quyền lựctổ chức quyền lực. Trong nội dung của Hiến pháp này, nét nổi bật là việc kiểm soát quyền lực nhà nước chứa đựng tinh thần khoan dung của truyền thống Việt Nam với "cương lĩnh dựng nước" mở đầu nền tự chủ của Khúc Hạo năm 906: "chính sự cốt chuộng sự khoan dung, giản dị để trăm họ đều được yên vui". Phải chăng, Điều 1, Chương I của Hiến pháp năm 1946 vừa nhắc ở trên đã thể hiện rõ tinh thần ấy?

Đọc kỹ nội dung của Hiến pháp năm 1946, chúng ta càng thấy rõ hơn cơ sở xã hội của nhà nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân tộc.

Với Hồ Chí Minh, dân tộc không chỉ là địa bàn ứng dụng của lý tưởng cách mạng, mà dân tộc chính là chỗ xuất phát, mảnh đất màu mỡ và là cội nguồn sáng tạo của lý tưởng cách mạng đó. Cơ sở xã hội mới của nhà nước ấy rất rộng lớn và không hề thay đổi phạm vi trong quá trình cách mạng. Đó là phạm vi các giai cấp và tầng lớp không thay đổi, chỉ tăng lên về chất lượng để thành một tập hợp mới mạnh mẽ hơn, bền chắc hơn của khối đại đoàn kết dân tộc.

Trong đó, có thể có rơi rớt người này hoặc người khác, chứ không có chuyện loại bỏ tầng lớp này hoặc tầng lớp khác theo kiểu sử dụng "bạn đường" có thời hạn, để khi cần thì vứt bỏ. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trong hành động, trong ứng xử với con người, với đồng bào mình của Bác Hồ, tuyệt đối không có những chuyện này. Vì Người luôn đứng trên cái nền vững chãi ấy nên mới hình thành và xác lập được tư duy độc lập và sáng tạo, luôn gắn kết với thực tế đất nước.

Qua tổ chức Tổng tuyển cử ngày 6/1/1946, có thể thấy rõ điều ấy trong cách vận dụng dân chủ đại diệndân chủ trực tiếp. Khi dùng dân chủ đại diện, Hồ Chí Minh đã không hoàn toàn theo chỉ dẫn của C. Mác, cũng như không theo V.I. Lênin về mô hình dân chủ hội đồng, tức là dân chủ Xôviết. Qua thực tế, đã thấy rõ mô hình tháp hội đồng ấy là không ổn, vì vậy, người ta phải quay trở lại việc bầu cử theo đơn vị hành chính dân cư. Nhận ra điều đó, Hồ Chí Minh đã chủ trương tiến hành những cuộc bầu cử theo mô hình bầu cử đại diện của phương Tây có lựa chọn.

Chỉ mấy tháng sau khi giành được chính quyền ngày 19/8/1945 đã tổ chức thành công cuộc bầu cử tự do và dân chủ đối với những người ứng cử, cũng như đối với cử tri, là minh chứng sống động cho bản lĩnh Hồ Chí Minh về niềm tin không gì lay chuyển được của Người đối với ý chí và sức mạnh của dân. Và số người ứng cử lần ấy đông nhất trong những lần bầu cử Quốc hội ở nước ta tính cho đến nay.

"Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ"

Ở một đất nước mà nhà nước xuất hiện từ rất sớm và từng mang nặng "truyền thống" quan liêu, Hồ Chí Minh đã đòi hỏi phải xây dựng một "nhà nước đày tớ của dân" - điều mà nhiều nhà tư tưởng lớn của loài người đã từng ấp ủ và cũng đã được nhấn mạnh trong học thuyết của C. Mác.

Nhưng, vấn đề là Hồ Chí Minh đã sớm đưa ngay ý tưởng đó vào việc tổ chức nhà nước và cố gắng thực hiện. Hồ Chí Minh đã nghiêm khắc cảnh báo ngay từ ngày chính quyền cách mạng còn trong trứng nước: "các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân..."8. Và "Dân là chủ thì Chính phủ phải là đày tớ. Làm việc ngày nay không phải là để thăng quan, phát tài. Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ"9.

Có thế nói, cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước được thể hiện trong Hiến pháp năm 1946 đã đặt nền móng cho một nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân, trong đó, các quyền tự do, bình đẳng về chính trị và xã hội của người công dân được công nhận và được bảo đảm bằng luật pháp. Hiến pháp năm 1946 thể hiện rất tập trung tư duy của Hồ Chí Minh về Nhà nước.

Đáng tiếc là sáu lăm năm của hành trình dân tộc phấn đấu bảo vệ vả xây dựng nhà nước của mình, nền móng ban đầu của "nhà nước pháp quyền Việt Nam" đã ít được quan tâm củng cố và xây đắp thành hình hài ngày một vững chắc hơn, mà lại dần bị chìm đi bởi sự áp đặt của mô hình "chuyên chính vô sản".

Đúng như nhận định của Cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An: "Hiến pháp được sửa đổi, bổ sung sau này (1959, 1980, 1992) là theo khuôn mẫu của cộng hòa Xô Viết, nó không gần với những khuôn mẫu chung của thế giới và có một số quy định cốt lõi lại xa rời với Hiến pháp năm 1946"9.

Mãi cho đến đầu những năm 1990, khái niệm "nhà nước pháp quyền" mới chính thức được đề cập trong Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (ngày 25/11/1991), bàn về sửa đổi Hiến pháp năm 1980. Và rồi đến Đại hội X, Đảng chính thức khẳng định: "Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Cần xây dựng cơ chế vận hành của Nhà nước, bảo đảm nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân...".

Rõ ràng là, sự vận động của thực tiễn đã đòi hỏi phải trở lại tư tưởng Hồ Chí Minh về Hiến pháp, phải quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước pháp quyền mà Người đã đặt những viên gạch đầu tiên xây nên nền móng.

Bằng một chặng đường hơn nửa thế kỷ, tư duy về nhà nước pháp quyền mới được chính thức trở thành tư tưởng chỉ đạo trong việc xây dựng nhà nước. Và rồi, hành trình gian truân của hơn nửa thế kỷ xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân do Hồ Chí Minh đặt nền móng cũng chưa thể nói là đã hoàn toàn thuận buồm xuôi gió.

Thế nhưng, sự vận động của lịch sử đã chứng minh: cuộc sống sẽ tự mở lấy đường đi cho nó. Và đến hôm nay, vấn đề sửa đổi Hiến pháp theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh đang được đặt ra gấp rút. Đây là đòi hỏi chính đáng trong sự vận động tất yếu của cuộc sống đó.

 


 
Suy ngẫm
  Để khỏe hơn vua Càn Long  
  Để luôn sáng tạo trong mọi hoàn cảnh  
  Để lương tâm được bày tỏ  
  Để trở thành người tốt hơn  
  Để “Sở Hữu” Hạnh phúc - Giản Tư Trung  
  Đến một lúc  
  Đến một lúc...  
  Điều chúng tôi không nói  
  Điều gì có ích cho ta vào lúc chết?  
  Điều học được từ cuộc sống  
  Điều kỳ diệu trong cuộc sống  
  Điều kỳ diệu từ cách nhìn cuộc sống  
  Điều nghịch lý của ngày nay  
  Điều quan trọng không phải bạn là ai mà là bạn ở bên cạnh ai  
  Đoản khúc của cuộc đời  
  Đoạn đức, Ân đức và Trí đức - Quyền lực của nhà lãnh đạo  
  Đọc và suy ngẫm bạn nhé..  
  Đọc để sống  
  Đối diện khổ đau  
  Đời sống bên kia cửa tử  
  Đời đẹp hay cách nhìn đẹp  
  Đơn giản và phức tạp  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 01: Định mệnh  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 02: Một nhà Phù thủy xứ Ai Cập  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 03: Người Đạo sĩ trên bờ sông Adyar  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 04: Khoa Yoga thắng đoạt Tử Thần  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 05: Người tu sĩ suốt đời không nói  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 06: Nhà lãnh đạo tinh thần miền Nam  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 07: Ngọn đồi thiêng  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 08: Tu sĩ và Thuật sĩ  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 09: Vị Pháp sư thành Ba Nại La  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 10: Đời người khắc trên tinh tú  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 11: Một cuộc gặp gỡ lạ lùng  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 12: Đạo viện trong rừng thẳm  
  Đông Phương Huyền Bí - Chương 13: Những chân lý diệu huyền  
  Đột phá tư duy bằng học vị là sai lầm  
  Đưa những con sao biển về nhà  
  Đức phật là bậc thầy các nhà khoa học  
  Đừng bỏ quên ước mơ của bạn.  
  Đừng chuốc lấy khổ đau  
  Đừng lệ thuộc vào hy vọng!  
  Đừng quên cái chính  
  Đừng rơi vào ma nghiệp  
  Đừng xem nhẹ mục đích làm việc  
  Đừng để sự cô đơn kiểm soát đời bạn  
  Đừng “ám sát” thời gian  
Trang 9/9 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7 - 8 - 9