Truyện ngắn
Đức nhẫn của phật Thích Ca
 
Một lần kia, Đức Phật đang thuyết pháp thì chợt có một người đi đến gần rồi nhổ nước bọt vào mặt của ngài. Đức Phật thản nhiên lau đi rồi hỏi:

- Còn gì nữa không? Ông còn muốn hỏi điều gì nữa không?

Người đó thật sự ngạc nhiên bởi từ trước tới nay chưa có ai bị nhổ vào mặt mà vẫn thản nhiên được như vậy. Thông thường, người bị sỉ nhục như vậy hoặc là nổi điên lên đáp lại dữ dội, nếu là kẻ hèn nhát thì kinh sợ, năn nỉ xin tha cho mình. Thế nhưng Đức Phật không hề sợ hãi, cũng không cảm thấy bị sỉ nhục mà cũng không tức giận, lại còn hỏi lại khiến cho hắn không biết phải phản ứng ra sao. Riêng các đệ tử của Đức Phật thì không thản nhiên như vậy được, vị đại đệ tử tên là Ananda bèn nói: "Chúng con không theo giáo huấn của Thầy nữa bởi vì đối với sự việc như vậy không thể nhẫn nhục được. Chúng con sẽ cho hắn ta một bài học để sau này hắn đừng bao giờ dám làm như thế nữa”.

Đức Phật hỏi lại:

- Sao vậy. Hắn ta có nhục mạ ta đâu mà cần phải trừng trị? Nhưng chính con đã nhục mạ ta. Người này từ xa tới, chắc chắn đã nghe những lời đồn đại xấu xa về ta. Cho ta là kẻ tồi bại vô thần, đầu độc chúng sinh rất nguy hiểm nên mới tức giận mà nhổ nước bọt vào mặt của ta. Hắn không phải nhổ vào mặt một người mà trong tâm muốn nhổ vào cái ý tưởng ta là kẻ xấu xa ấy.

Thấy các đệ tử lắng nghe, Đức Phật giảng giải tiếp:

- Nếu các con suy nghĩ cho kỹ thì chính hắn đã nhổ vào tâm trí của hắn, ta hoàn toàn không dự phần trong việc này. Ta còn cảm thấy là con người đáng thương ấy còn nhiều thắc mắc trong lòng nên mới hỏi còn điều gì nữa không. Nhổ vào mặt ta là một cách để nói điều gì đó nhưng ta cảm thấy cách nói đó không thích hợp nên mới hỏi lại hắn. Trong nhiều trường hợp, nhất là khi hận thù thì ngôn từ hoàn toàn bất lực, chỉ có hành động mới biểu lộ bằng hết tâm tư của mình. Khi quá tức giận không thể nói được nên người này mới nhổ nước bọt vào mặt của ta. Ta hiểu hắn rất rõ nên mới hỏi lại còn điều gì muốn nói nữa không.

Trong khi người đó đang ngơ ngác lắng nghe lời dạy của Phật thì ngài nói tiếp:

- Ta giận các ngươi hơn giận hắn bởi vì các ngươi đã tu tập với ta nhiều năm, đã biết quá rõ về hắn mà vẫn nổi giận thì chưa phải là người tu hành.

Nghe những lời này, người lạ hổ thẹn bỏ đi nhưng đến tối không sao ngủ được, trong tâm dằn vặt về những chuyện đã xảy ra lúc sáng, suy nghĩ lo lắng đến run rẩy cả người. Hắn ta chưa bao giờ gặp một người nào lạ lùng như Đức Phật nên càng suy nghĩ càng bị khủng hoảng hoàn toàn, bao nhiêu tri thức từ trước tới nay đều bị đảo lộn. Không sao chịu nổi, sáng hôm sau người đó vội vã trở lại nơi Đức Phật truyền đạo, quỳ sụp xuống dưới chân ngài. Đức Phật liền hỏi:

- Ông còn gì để nói nữa phải không, vì vậy mới đến đây sớm như thế. Hôm qua ông đã dùng cách nói mà ngôn ngữ không thể diễn đạt được, hôm nay cũng quỳ xuống mà không nói được tức là cũng dùng hành động để biểu lộ tâm tư mà không thể diễn đạt được. Như vậy rõ ràng là ngôn ngữ nghèo nàn đến độ ông không thể nói những điều mà mình đang suy nghĩ và muốn nói ra phải không?

Đức Phật quay lại nói với Ananda:

- Người này rất nhiều cảm xúc. Ông ta không nói gì nhưng đã nói tất cả những gì mình muốn nói bằng hành động rồi vậy.

Người này nghe vậy liền ngước mặt lên, thổn thức nói với Đức Phật:

- Xin ngài hãy tha thứ cho tất cả những tội lỗi mà con đã gây ra ngày hôm qua.

Đức Phật mỉm cười đáp:

- Ông muốn xin lỗi người mà hôm qua ông đã nhổ vào mặt ư? Ta không phải là người đó. Bao nhiêu nước sông Hằng đã chảy mãi từ ngàn năm nay, nước sông Hằng hôm nay không phải là nước sông Hằng của ngày hôm qua. Mỗi người cũng là một dòng sông, người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt không còn hiện diện ở đây nữa. Ta giống như người mà ông đã nhổ nước bọt vào mặt nhưng không phải là người ấy. Chuyện đã xảy ra cách đây một ngày thì đã có quá nhiều chuyện khác xảy ra. Ta không thể tha thứ cho ông bởi vì hiện tại ta không có điều gì oán hờn ông hết. Ngay chính ông cũng là người mới đến chứ không phải là người hôm qua, người hôm nay hiền lành còn người hôm qua hết sức dữ tợn. Người hôm qua nhổ nước bọt vào mặt ta, còn người hôm nay quỳ dưới chân ta, sao ông lại là người ấy được? Ông đã không phải là người ấy, ta cũng không phải là người hôm qua, vậy thì hãy quên chuyện hôm qua đi. Cả hai người, nhổ vào mặt người khác và bị nhổ đều đã không còn nữa, bây giờ hãy cùng nhau nói về chuyện khác vậy”.

Lời bàn:

Câu chuyện không nói đến kết quả ra sao, người hung dữ đó có giác ngộ hay không nhưng chuyên chở ý nghĩa rất cao thâm. Khoa học ngày nay đã chứng minh được các tế bào trong cơ thể con người chết đi và tái tạo rất nhanh, chỉ cần vài ngày là đã có thể trở thành một người khác với những tế bào hoàn toàn mới. Vì vậy ngay thời ấy Đức Phật đã nói ra được sự thay đổi của con người, tức là sự vô thường của cuộc sống thì thật là minh trí không ai bằng.

Chuyện cũng cho thấy sự tức giận không dễ dàng kiềm chế được, cho dù đó là đại đệ tử Ananda. Tu hành nhiều năm cũng chưa thể tiêu trừ được tâm sân hận nếu chưa biết chính niệm, tức là soi xét nguyên nhân thật sự của nó, thấu suốt tâm tư của người đang gây ra sự nóng giận cho chúng ta. Tâm sân hận chưa chút bỏ được hoàn toàn thì nhiều lúc đến người tu hành cũng phải có lần bộc phát giận dữ, điều này có thể nhận ra trong nhiều kinh sách của nhà Phật, thí dụ như Luật tạng, Tăng chi bộ kinh, v.v… nếu Phật tử chịu khó đọc kinh sách và nghiền ngẫm những ý nghĩa sâu xa trong đó thì sẽ mở rộng tâm thức và đạt tới tinh tiến, không chỉ về phương diện giận dữ mà còn có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác nữa.

"Trong vô lượng kiếp luân hồi của mình, Phật đã từng làm bá chủ thế giới”- Kinh Phật.

 


 
Truyện ngắn
  Đức Phật và cô gái điên  
  Đừng bao giờ gục ngã  
  Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ  
  Đừng cố yêu chỉ để quên một người  
  Đừng Gọi Cho Anh Nữa...  
  Đừng ngại ngùng  
  Đừng đợi lúc mất đi mới hiểu được ý nghĩa của sự trân trọng  
  Đúng! Em chỉ cần tiền!  
  Đuôi rắn dẫn đường  
  Đường xưa...  
  Đút lót tiền vàng  
Trang 7/7 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4 - 5 - 6 - 7