Kiến thức kinh doanh
Từ sai lầm chữ nghĩa dẫn đến sai lầm thực hiện
 

Trước sự đổ vỡ của Vinashin, nhiều biện pháp cứu chữa đã được thực hiện; nhiều ý kiến đã được các bậc thức giả đề nghị. Vâng, Vinashin cần phải được phục hồi và phải được điều khiển đúng cách như ở các nước khác người ta làm với một tổ chức như thế. Trong số những ý kiến trên, có ý kiến cho rằng đáng lẽ Vinashin đã phải được quản trị theo các nguyên tắc căn bản của "quản trị công ty" (corporate governance). Ở đây, tôi xin góp ý về biện pháp này. Tôi e ngại, nếu làm theo thì chúng ta sẽ phí tiền mà không hiệu quả bao nhiêu, vì nó chưa thích hợp; giống như chúng ta đã biến Vinashin thành... tập đoàn vậy.

Doanh nghiệp ở ta, xin so sánh, giống như một cây thông. Giám đốc đầu tiên của nó dùng tiền của Nhà nước. Ở các nước khác, giám đốc cũng là chủ và dùng tiền của mình; nó là cây đa. Cũng ở đó, cây đa kia đã già cả trăm tuổi. Hơn 20 năm trước đây (năm 1990), chúng ta quyết định trồng cây đa thay cây thông. Vì trồng cây đa với các kiến thức về cây thông, nên các từ ngữ sử dụng cho cây giống nhau, nhưng nội dung của chúng lại bị hiểu khác nhau. Cho nên cần phải nhìn chữ nghĩa theo ngọn nguồn.

Quản trị và "quản trị"

Để điều khiển một công ty cho nó sinh lời lãi, không bị phá sản vì thiếu tiền mặt trả nợ, ở các nước tư bản người ta dùng từ ngữ "management". Trước 1975, ở miền Nam, nó được dịch là "quản trị kinh doanh", hay "quản trị".

Trong khi ấy xí nghiệp quốc doanh ở ta không bị phá sản, nên cho đến trước 1990, danh từ tương đương được dùng là "quản lý". Ngay cả Luật doanh nghiệp năm 2000 còn dùng từ "quản lý" cho hội đồng quản trị; chỉ trong các giảng văn ở đại học, từ quản trị mới được dùng.

Để phân biệt từ ngữ và nội dung, xin tạm dùng quản trị (không ngoặc kép) cho management và "quản trị" (có ngoặc kép) cho corporate governance. Đi sâu hơn nữa, về cách làm và dựa trên nguồn gốc vốn của công ty, ta ghi nhận quản trị thì khác với quản lý.

Quản trị là một cách điều khiển công ty có tính chất khoa học và ở Mỹ nó manh nha từ những năm 1910 rồi hoàn thiện vào cuối những năm 1970.

Quản trị có ba cấp đi từ thấp lên cao: (i) giúp sản xuất nhiều với giá thành rẻ; (ii) sản phẩm không thay đổi chất lượng và (iii) giúp kiểm soát chặt chẽ trên một diện rộng.

Lại xin dùng hình ảnh. Nếu công ty là một chiếc xe chở khách thì quản trị giúp chiếc xe chạy ngon lành. Chẳng những thế nó còn... đẻ ra tập đoàn! Từ chạy ngon, chiếc xe chạy hung hăng! Nhiều người bị thiệt hại: cổ đông bỏ tiền sắm nó; khách hàng ngồi trên xe; nhà cửa ở gần nó...

Cổ đông là người hưởng lợi hay chịu thiệt hại trực tiếp và là "shareholder"; khách đi xe, nhà ở gần cũng bị ảnh hưởng nên họ là "stakeholder" (người có quyền lợi). Vì sự kiện ấy nên vào năm 1984, các tổ chức và học giả ở Mỹ mới đặt vấn đề "corporate governance". Ấy là "quản trị".

Năm 1999, các nước trong tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) đưa ra các nguyên tắc về "quản trị". Riêng ở Mỹ, sau vụ Enron, thì Quốc hội Mỹ biến nguyên tắc này thành luật.

"Governance" trong tiếng Anh xuất phát từ tiếng Hy Lạp có nghĩa là lèo lái. Người ta quan niệm để cho một con thuyền được lèo lái đến bến an toàn, nó cần có một thuyền trưởng và một thủy thủ đoàn giỏi cộng với những biện pháp tin cậy và những cách đo lường để tính ra chặng đường con thuyền phải vượt qua. Ấy là ý nghĩa căn bản.

Ở đây ta hiểu nôm na là: xe chạy hung hăng thì phải... bắn tốc độ. Tác động của corporate governance - à không - "quản trị" là như thế!

"Quản trị" biến thành luật tại Việt Nam năm vào 2007 theo một quyết định của Bộ Tài chính; trước đó nó được du nhập một cách âm thầm qua một bản mẫu điều lệ cho công ty niêm yết do Văn phòng Chính phủ ban hành năm 2002. Dịch corporate governance là "quản trị" là từ quyển sách "Quản trị công ty" do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương ấn hành năm 1998; nó là bản dịch báo cáo của OECD về corporate governance để "nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp cận nguồn vốn trên thị trường toàn cầu".

Quá trình sinh trưởng của cây đa trăm tuổi trên thế giới đã cho họ đi từ quản trị đến "quản trị". Cây thông của chúng ta không biết gì về quản trị, mà chỉ về quản lý; còn cây mới trồng 20 năm thì đa phần - nhất là các doanh nghiệp nhà nước - cũng chưa áp dụng các phương pháp của quản trị. Công ty ở chúng ta còn giống như những chiếc xe chạy chậm, chưa kể hay bị hư (vì mất tiền ở các doanh nghiệp nhà nước, hay mất người ở các doanh nghiệp tư nhân) mà hô hào... bắn tốc độ thì chưa phù hợp. Xe còn chạy ì ạch mà chủ nhân bỏ tiền đi mua súng bắn tốc độ! Vấn đề là như thế. Tự hại mình mà không biết! Lý do thực hiện sai lầm là chúng ta lẫn lộn về chữ nghĩa.

Để tránh sự nhầm lẫn về nội dung, từ "quản trị" (corporate governance) cần phải thay đổi. Trong quyển sách về công ty của mình, tôi dịch nó là "lèo lái" (năm 2002), sau này (2009) là chỉ đạo để phân biệt nó với quản trị.

Gần đây, tiến sĩ Alain Phan, trong một quyển sách về huy động vốn, ông dịch là "kỷ cương công ty". Là một học giả ở Mỹ và nhà kinh doanh đã hoạt động trên 40 năm tại đó và ở Trung Quốc, từ ngữ ông dùng thật chính xác. Chiếc xe chạy phải có kỷ cương; tức là đến khi nào đó thì phải bắn tốc độ! Tuy nhiên, vấn đề căn bản của đại đa số các doanh nghiệp ở ta hiện nay chưa phải kỷ cương; mà là quản trị theo khoa học.

Quản trị và Kỷ cương


Hình vẽ ở trên cho thấy sự khác biệt giữa hai cái này. Kỷ cương là tầng 2, nó tác động lên các bộ phận ở trên đầu của một công ty. Theo luật của ta, nó là hệ thống các quy tắc để bảo đảm cho công ty được định hướng điều hành và được kiểm soát một cách có hiệu quả, vì quyền lợi của cổ đông và những người liên quan đến công ty. Nó thiết lập những chuẩn mực về hành vi, đạo đức nghề nghiệp của các thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc, ban kiểm soát và cán bộ quản lý của các công ty.

Các nguyên tắc "quản trị" công ty bao gồm: bảo đảm một cơ cấu quản trị hiệu quả; bảo đảm quyền lợi của cổ đông; đối xử công bằng giữa các cổ đông; bảo đảm vai trò của những người có quyền lợi liên quan đến công ty; minh bạch trong hoạt động của công ty; hội đồng quản trị và ban kiểm soát lãnh đạo và kiểm soát công ty có hiệu quả.

Theo T.S Brancato (Mỹ), quy chế này là một hệ thống cho việc kiểm soát và cân bằng (checks and balances) giữa hội đồng quản trị, ban giám đốc và các nhà đầu tư nhằm tạo nên một công ty hoạt động hữu hiệu, ăn khớp với nhau một cách lý tưởng để tạo nên những giá trị lâu dài.

Kỷ cương là tầng 2 vì nó chỉ xuất hiện sau khi quản trị khoa học đã hoàn thiện. Cái sau là tầng 1. Mục đích của quản trị đã được đề cập ở trên. Nội dung chính của nó được tóm trong khung chữ nhật ở tầng 1 và nó tác động đến các bộ phận, các cấp khác nhau trong nội bộ (phần thân thể) công ty.

Tầng 2 không thể bảo đảm một cơ cấu quản trị hiệu quả nếu tầng 1 quản trị kém cỏi. Tầng 2 cũng không thể làm công việc của tầng 1 vì ở đó không có người. Các yêu cầu, các báo cáo mà tầng 2 đòi hỏi phải do tầng 1 cung cấp. Tầng 1 hoạt động tốt thì nó phải có các báo cáo đó rồi; cho chính nó. Và nó nộp cho tầng 2.

Các định chế tài chính quốc tế thúc giục chúng ta đẩy mạnh kỷ cương; vì các công ty của nước họ đã làm như thế, và họ nghĩ các công ty ở ta cũng phải làm thì mới "tiếp cận nguồn vốn trên thị trường toàn cầu" được. Đúng! Và họ tốt.

Nhưng khi thúc đẩy như thế, họ quên cây đa trăm tuổi và cây đa chỉ mới 20 năm và còn èo uột! Vâng, chúng ta nghe họ; nhưng phải nhận ra mình là ai. Và đến đây thì đã thấy ta nên làm gì cho chiếc xe Vinashin chứ không phải... bắn tốc độ!

Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Kiến thức kinh doanh
  Vợ chồng bồ câu  
  Vòng tròn quản trị  
  Điều hành doanh nghiệp giống như vẽ tranh  
  Điều Kiện Cần Và Đủ Của Một Người Bán Hàng Giỏi  
  “Quản lý” lại ông chủ, tại sao không?  
Trang 3/3 : Trang trước  1 - 2 - 3