Kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp
Để có chỗ làm tốt khi ra trường

Để chuẩn bị hành trang cho các sinh viên sắp ra trường vào cuối tháng 8 này, Khoa Ngữ văn Anh (Trường ĐH KHXH&NV TPHCM) đã tổ chức một ngày hội tư vấn, hướng dẫn, chia sẻ với các sinh viên về kinh nghiệm chuẩn bị đơn xin việc, phỏng vấn,...

Đơn xin việc phải thật nổi bật

Một hồ sơ xin việc với đơn xin việc được viết như thế nào để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng? Thắc mắc này của các sinh viên sắp ra trường được các cựu SV thành đạt chia sẻ nhiệt tình.

Bạn Đỗ Khoa Mai Lâm, hiện làm PR Manager cho Công ty Marketeers và phụ trách phía Nam của báo Hoa học trò, chia sẻ: “Phải viết CV cho riêng mình, phải làm cho CV của mình nổi bật lên, sao cho nhà tuyển dụng chú ý đến CV của mình trong một rừng CV khác. Viết CV để thể hiện chính con người mình chứ không phải viết đúng theo mẫu hoặc viết như người khác bảo...”.

Mai Lâm kể về CV của chính mình, đã được Marketeers đánh giá cao: “CV của Mai Lâm có bìa với màu sắc nổi, rồi còn có những chấm bi, xịt một ít nước hoa lên đó nữa… Trong CV, Lâm nói rõ bản thân mình, khả năng của mình một cách chắc chắn mà nhiều khi cái đó các bạn ngại vì sợ họ nghĩ mình khoe khoang”.

CV là bộ mặt đầu tiên của ứng viên trưng ra với nhà tuyển dụng, vì vậy không có lý do gì để các bạn mua mẫu đơn xin việc có sẵn hoặc viết một CV giống mọi người. Đừng ngại thể hiện bản thân qua CV là lời khuyên của các cựu SV thành đạt dành cho những SV sắp ra trường.

Khi gửi đơn xin việc tránh gửi đến địa chỉ mà không ghi rõ tên người nhận. Đồng thời phải biết “tấn công” nhà tuyển dụng bằng nhiều bộ hồ sơ tìm việc như nộp qua bưu điện, nộp trực tiếp, nộp qua email… để cơ hội bộ hồ sơ mình đến nhà tuyển dụng cao nhất.

Kỹ năng trong trường học rất quan trọng

Sau khi nộp đơn xin việc thì khâu phỏng vấn là khâu quyết định nhất. Anh Trần Phước Anh với vai trò là cựu SV của trường, đồng thời là nhà tuyển dụng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ đối ngoại - Sở Ngoại vụ TPHCM, bộc bạch: “Thứ nhất là phong cách, khi đi phỏng vấn, các bạn phải thật chỉnh chu, nghiêm túc. Ăn mặc gọn gàng, tất nhiên không phải là lòe loẹt, chải chuốt quá.

Phong cách còn thể hiện qua cách nói chuyện, sự hiểu biết về công ty, công việc mà mình đảm nhận khi trả lời những câu hỏi của nhà tuyển dụng, đại loại như bạn có khả năng đóng góp gì cho công ty, bạn biết gì về công ty…

Thứ hai là tâm lý, các bạn phải tự tin thể hiện mình, đừng ngại gì cả. Thứ ba là các kỹ năng phụ như ngoại ngữ, vi tính, những hiểu biết xã hội khác. Ngoài ra, chính ứng viên cũng phải hỏi lại nhà tuyển dụng. Những câu hỏi của bạn càng hay, càng sáng tạo càng thể hiện trách nhiệm của bạn đối với công việc mà bạn dự tuyển. Nhà tuyển dụng đánh giá rất cao những ứng viên biết hỏi…”.

Anh Nguyễn Thành Đạt (Công ty bảo hiểm ACE Life) chia sẻ thêm về kỹ năng và học tập kỹ năng xin việc: “Các bạn sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên tích cực tham gia những câu lạc bộ, đội, nhóm, đoàn thanh niên… Các bạn sẽ học được ở đó kỹ năng làm việc nhóm, sự mạnh dạn, tự tin - những kỹ năng, tính cách rất cần thiết khi đi xin việc”.

“Càng có những hoạt động ngoại khóa các bạn càng có được nhiều kỹ năng hỗ trợ cho công việc sau này của các bạn”, anh Đạt nhấn mạnh.

Tích lũy kinh nghiệm làm việc ở đâu cũng là trăn trở của nhiều SV vì thông thường các nhà tuyển dụng đòi hỏi SV phải có kinh nghiệm làm việc. Chia sẻ về vấn đề này, chị Huỳnh Bá Thiên Tâm, hiện công tác ở British American Tobacco Viet Nam, cho biết: “Kinh nghiệm của các bạn ban đầu nên tích lũy từ quá trình đi làm thêm. Dù công việc làm thêm là công việc gì nhưng qua đó các bạn cũng sẽ “cứng” hơn. Đồng thời, những bài học kinh nghiệm về thành công, vấp váp của người đi trước cũng là “kênh” kinh nghiệm làm việc của các SV mới ra trường”.

Có mặt tại ngày hội tư vấn, PGS.TS Vũ Tình - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV TPHCM - gửi gắm: “Làm thêm là tốt nhưng đừng vì một vài trăm, một vài triệu đồng từ làm thêm mà bỏ mất cơ hội tiếp nhận kiến thức trên giảng đường”.

Điều này cũng được nhiều cựu SV thành đạt đồng tình vì sau khi đi làm họ thấy rõ lợi ích của kiến thức mà họ học được từ giảng đường, đó là những kiến thức không hề xa vời, không hề vô bổ...

(Theo Dân trí)
Kỹ năng lựa chọn nghề nghiệp
  Đi học, đi làm - đâu là “bán thời gian”?  
  Đổi nghề - 5 điều bạn phải cân nhắc  
Trang 3/3 : Trang trước  1 - 2 - 3