Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 72
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Tào Chương & Vương Bình
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 72
Gia Cát Lượng dùng mẹo lấy Hán Trung;
Tào A Man thu quân về Tà Cốc.
 

Lại nói Từ Hoảng dẫn quân sang Hán Thuỷ, Vương Bình can thế nào cũng không nghe. Hoảng qua bờ bên kia đóng trại.

Hoàng Trung, Triệu Vân xin với Huyền Đức ra đánh quân Tào. Huyền Đức bằng lòng. Hai người dẫn quân đi. Trung báo với Triệu Vân rằng:

- Từ Hoảng cậy sức khoẻ đến đây, ta không nên đánh vội. Đợi đến chiều tối, quân hắn mỏi mệt chúng ta sẽ chia làm hai đường ra đánh.

Vân theo lời, mỗi người dẫn một đội quân giữ vững dinh trại.

Từ Hoảng dẫn quân đến trại Thục khiêu chiến, từ sáng đến tối, không thấy quân Thục ra. Hoảng bèn sai tay cung nỏ chĩa cả vào trại Thục mà bắn.

Hoàng Trung bảo Triệu Vân rằng:

- Từ Hoảng sai quân bắn vào, tất có ý muốn rút lui, ta nên thừa thế ra đánh đi thôi.

Trung nói chưa dứt lời, quả nhiên thấy hậu quân Từ Hoảng đã rục rịch quay về. Trong trại Thục bấy giờ mới nổi trống, Hoàng Trung kéo quân ra mặt tả. Triệu Vân kéo quân ra mặt hữu. Hai bên đánh ập lại.

Từ Hoảng liều chết đánh giết, mới chạy thoát về được trại, trách mắng Vương Bình rằng:

- Mày thấy quân tao nguy cấp, làm sao không đến cứu?

Bình nói:

- Nếu tôi đến cứu, thì trại này cũng không giữ được. Tôi đã can ông mãi, nhưng ông không nghe, mới đến nỗi thua như thế này.

Hoảng giận lắm, muốn giết Vương Bình. Đêm hôm ấy Bình phóng hoả đốt trại. Quân Tào rối loạn. Từ Hoảng bỏ chạy.

Vương Bình dẫn quân bản bộ sang sông, theo hàng Triệu Vân. Vân dẫn vào ra mắt Huyền Đức, Bình nói địa lý Hán Thuỷ tường tận lắm. Huyền Đức mừng, nói rằng:

- Ta được Vương Tử Quân, tất lấy xong Hán Thuỷ!

Lập tức cho Vương Bình làm thiên tướng quân, lĩnh chức hướng đạo.

Lại nói Từ Hoảng về ra mắt Tào Tháo, kể chuyện Vương Bình làm phản, đầu hàng Lưu Bị. Tháo giận lắm, tự dẫn đại quân đến cướp trại Hán Thuỷ. Triệu Vân sợ ít quân, không địch nổi, liền rút về mé tây sông Hán Thuỷ. Hai bên cách sông cự nhau.

Huyền Đức, Khổng Minh lại xem địa thế. Khổng Minh thấy mé trên sông, có một dãy núi đất có thể mai phục hàng ngàn quân, bèn về trại Triệu Vân rằng:

- Ngươi nên lĩnh năm trăm quân, phục ở chân núi. Bất kỳ nửa đêm, hoặc chiều tối, hễ nghe thấy trong trại ta nổ pháo hiệu lúc nào thì cho quân đánh trống, rúc tù và lên lúc ấy, nhưng không cần ra đánh.


Triệu Vân lĩnh kế đi ngay.


Hôm sau, quân Tào đến khiêu chiến. Trong trại Thục không có một người nào ra, cung nỏ không bắn một phát. Quân Tào phải quay về. Canh khuya đêm hôm ấy, Khổng Minh thấy đèn lửa trong trại Tào đã tắt, quân sĩ đi nghỉ cả rồi, liền nổi một hiệu pháo lệnh. Tử Long nghe thấy, bèn sai quân sĩ đánh trống, rúc tù và ầm ĩ cả lên. Quân Tào kinh hoảng, tưởng là giặc đến cướp trại, chạy ra xem thì không thấy một người nào nhưng vừa trở vào định ngủ thì tiếng pháo lại nổ, tù và, trống đánh ầm ĩ, tiếng reo vang động cả hang núi.


Quân Tào thức suốt đêm không dám ngủ. Luôn ba hôm cũng như thế, Tào Tháo hoảng sợ, nhổ trại rút lui ba mươi dặm, tìm chỗ rộng rãi đóng doanh trại.

Khổng Minh cười nói rằng:

- Tào Tháo tuy rằng cũng biết binh thư, nhưng chưa biết quỷ kế.

Bèn mời Huyền Đức sang sông, hạ trại quay lưng xuống nước.

Huyền Đức hỏi mẹo làm sao. Khổng Minh nói nên làm như thế, như thế…

Tào Tháo thấy Huyền Đức cắm trại quay lưng về phía bờ sông, trong bụng nghi hoặc, sai người đưa chiến thư đến. Khổng Minh phê vào thư nói ngày mai quyết đánh nhau.


Hôm nay, quân hai bên hội nhau ở chỗ ngã năm trước núi Ngũ Giới, dàn thành thế trận. Tháo cưỡi ngựa đứng dưới cửa cờ, hai bên cắm hàng cờ long phượng; dứt ba hồi trống, Tháo mời Huyền Đức ra nói chuyện. Huyền Đức dẫn Lưu Phong, Mạnh Đạt và các tướng Xuyên kéo ra.

Tháo trỏ roi mắng lớn rằng:

- Lưu Bị! Mày là thằng quên ơn trái nghĩa, phản nghịch triều đình.

Huyền Đức mắng giả lại rằng:

- Tao là tôn thân nhà Hán, phụng chiếu đánh giặc. Mày giết mẫu hậu, tự lập làm vương, tiếm dùng đồ loan giá của thiên tử, thế không phải phản nghịch là gì?

Tháo giận, sai Từ Hoảng ra đánh. Bên kia Lưu Phong ra địch. Trong khi đang đánh nhau, Huyền Đức chạy trước vào trận. Lưu Phong địch không nổi Từ Hoảng, cũng chạy nốt.


Tháo hạ lệnh rằng:

- Hễ ai bắt được Lưu Bị, thì cho làm chủ Tây Xuyên!

Các tướng được lệnh, reo ầm cả lên, kéo tràn đuổi đánh.


Quân Thục trông về phía Hán Thuỷ mà chạy, bỏ hết cả dinh trại; ngựa nghẽo, khí giới, vứt khắp dọc đường. Quân Tào tranh nhau lại cướp.


Tháo vội vàng sai khua chiêng thu quân. Các tướng hỏi:

- Chúng tôi đang đuổi bắt Lưu Bị, sao đại vương lại thu quân ngay?

Tháo nói:

- Ta thấy quân Thục dựa bờ sông lập trại, đã lấy làm nghi. Nay lại thấy bỏ ngựa và đồ khí giới, lại càng nghi nữa. Nên rút quân về cho mau, không ai được lấy một tý gì.

Liền hạ lệnh rằng:

- Hễ ai lấy một vật gì thì chém lập tức, phải rút quân về cho mau!


Khi quân Tào Tháo vừa rút về, Khổng Minh phất lá cờ hiệu tức thì Huyền Đức ở giữa xông lại, Hoàng Trung ở mé tả kéo ra, Triệu Vân ở mé hữu trổ đến. Ba mặt dồn lại, quân Tào Tháo bỏ chạy như ong vỡ tổ.


Khổng Minh thúc quân đuổi đánh cả đêm. Tháo truyền rút quân về Nam Trịnh. Nhưng chưa đến nơi đã thấy có bốn năm chỗ lửa cháy. Nguyên là Trương Phi, Nguỵ Diên được Nghiêm Nhan đến thay giữ Lãng Trung, đã chia quân làm hai ngả đánh đến, cướp luôn Nam Trịnh rồi.


Tháo rụng rời hết vía, phải chạy về cửa ải Dương Bình.



Huyền Đức dẫn đại quân đuổi tràn mãi đến Nam Trịnh, Bao Châu, uý lạo nhân dân đâu đấy, rồi hỏi Khổng Minh rằng:

- Tào Tháo chuyến này đến đây, sao mà chóng thua làm vậy?

Khổng Minh đáp:

- Tào Tháo thường có tính đa nghi, tuy biết dùng binh, nhưng đa nghi thì hay thua, ta dùng nghi binh cho nên được.

Huyền Đức nói:

- Tào Tháo nay rút quân về giữ cửa Dương Bình, thế hắn đã nguy lắm. Tiên sinh có mẹo gì để đánh lui được Tháo?

Khổng Minh nói:

- Tôi đã tính đâu vào đấy cả rồi!

Liền sai Trương Phi, Nguỵ Diên chia quân làm hai đường, đi chặn lối vận lương của Tào Tháo. Lại sai Hoàng Trung, Triệu Vân chia quân ra đốt những đường rừng núi. Bốn cánh quân đều mang theo người hướng đạo kéo đi.

Lại nói, Tào Tháo lui về giữ ải Dương Bình, sai người đi thám xem quân Thục động tĩnh ra làm sao. Quân về báo rằng:

- Hiện nay quân Thục chen lấp hết các đường nhỏ xa gần, các chỗ kiếm củi đều đốt sạch, mà quân giặc thì không thấy đâu cả.

Tháo đang nghi hoặc, chợt lại có tin về báo rằng:

- Trương Phi, Nguỵ Diên chia quân đến đánh.


Tháo hỏi rằng:

- Có ai dám ra địch Trương Phi không?

Hứa Chử dạ một tiếng xin đi.

Tháo cho Hứa Chử dẫn một nghìn tinh binh ra con đường ngoài cửa Dương Bình để hộ tiếp lương thảo. Quan giải lương ra tiếp Hứa Chử, mừng nói rằng:

- Nếu không có tướng quân đến đây, thì lương thảo khó lòng đến được ải Dương Bình!

Liền đem rượu thịt ra mời Hứa Chử ăn uống.

Chử uống rượu say, thúc xe lương cứ việc đi. Quan giải lương bẩm rằng:

- Hôm nay trời đã tối, mé trước qua Bao Châu, địa thế hiểm ác lắm, không nên đi vội.

Chử nói:

- Ta có sức khoẻ địch muôn người, sợ cóc gì ai! Đêm nay nhân có sáng trăng, cứ việc tải lương đi, càng thú!

Chử đi đầu, cầm đao cưỡi ngựa dẫn quân kéo đi.

Cuối canh hai, đến đường Bao Châu, bỗng đâu ở hang núi trống đánh vang trời, có một toán quân kéo ra chặn đường. Đại tướng đi đầu là Trương Phi. Phi khua mâu giật ngựa đâm Hứa Chử, Chử múa đao đón đánh, nhưng vì còn say rượu, không địch nổi Trương Phi.

Đánh chưa được vài hiệp Phi đâm một nhát mâu trúng vào vai Hứa Chử lăn xuống ngựa.

Các tướng đổ lại cứu Chử dậy rồi chạy. Trương Phi ra sức cướp hết lương thảo đem về.

Lại nói các tướng đem Hứa Chử ra xem mắt Tào Tháo, Tháo một mặt sai thầy thuốc đến điều trị, một mặt tự dẫn binh đến quyết chiến với quân Thục.

Huyền Đức đem quân ra địch. Hai bên dàn trận, Huyền Đức sai Lưu Phong ra ngựa. Tháo mắng rằng:

- Quân bán dép kia! Mày sai con nuôi mày ra chống cự, nếu tao gọi thằng bé râu vàng nhà tao đến thì con mày thịt nát ra cám!

Lưu Phong giận lắm, vác đao tế ngựa xông thẳng vào đánh Tào Tháo. Tháo sai Từ Hoảng ra địch. Đánh vài hiệp, Phong giả thua chạy, Tháo dẫn quân đuổi theo.

Trong trại Thục bốn mặt đều nổi hiệu trống, rồi thì trống đánh còi rúc rầm rĩ. Tháo sợ có quân phục, vội vàng rút lui.

Quân Tào giày xéo lẫn nhau chết vô số, chạy mãi về đến ải Dương Bình mới dám nghỉ.

Quân Thục đuổi đến dưới ải, cửa đông đốt lửa, cửa tây hò reo, cửa nam đốt lửa, cửa bắc đánh trống.

Tháo rợn lắm, phải bỏ cửa ải mà chạy. Quân Thục đuổi theo đánh giết, Tháo đang chạy thì thấy Trương Phi dẫn quân chặn mé trước mắt, Triệu Vân dẫn quân đuổi mé sau lưng; Hoàng Trung lại từ con đường Bao Châu đánh đến. Tháo thua to.

Các tướng cố chết bảo hộ Tào Tháo, cướp đường mà chạy. Tháo chạy vừa đến cửa hang Tà Cốc, thì mé trước bụi bay mù mịt, một toán quân mã kéo lại.

Tháo nói:

- Nếu toán này là phục binh thì ta chết mất thôi!

Khi gần đến thì té ra là Tào Chương, con thứ hai của Tào Tháo.


Chương tên tự là Tử Văn, thuở nhỏ đã tài nghề bắn cung cưỡi ngựa, có sức khoẻ hơn người, thường tay không mà đánh chết được giống mãnh thú.


Tháo thường răn bảo rằng:

- Mày không chịu học hành, chỉ hay chơi nghề cung ngựa, thế gọi là đồ dũng phu, quý báu cái gì?

Chương thưa rằng:

- Đại trượng phu nên bắt trước Vệ Thanh, Hoắc Khứ Bệnh[1], lập công tại nơi sa mạc, cầm vài chục quân, tung hoành trong thiên hạ, thế mới phỉ chí, chớ làm một chức bác sĩ thì ra cái gì!

Tháo thường hay hỏi chí khí các con xem thế nào. Chương thưa rằng:

- Con chỉ muốn làm tướng!

Tháo hỏi:

- Cách làm tướng thế nào?

Chương nói:

- Mặc áo giáp, cầm binh khí, gặp nạn không quản gì đến thân, phải làm gương cho quân sĩ, thưởng phạt phân minh, không hề thiên lệch.

Tháo cười ha hả.

Năm Kiến An thứ 23 ở Đại Quận có rợ Ô Hoàn làm phản. Tháo sai Chương mang năm vạn quân ra đánh. Lúc Chương khởi hành, Tháo dặn rằng:

- Ở nhà là tình cha con, ra nhận việc thì là đạo vua tôi. Pháp luật không có nể gì tình, mày phải giữ gìn mới được.

Chương đến Đại Bắc, dấn mình xông pha vào đám trận mạc, phá tan quân giặc, đuổi chúng mãi đến xứ Tang Kiền, dẹp yên phương bắc. Nay nghe tin Tào Tháo thua trận ở cửa Dương Bình, nên dẫn quân đến đánh giúp.

Tháo thấy Chương đến, mừng lắm nói rằng:

- Thằng bé râu vàng nhà ta đã đến đây, tất phá được Lưu Bị.

Liền quay binh lại, lập trại ở cửa hang Tà Cốc. Có người báo tin với Huyền Đức, Huyền Đức hỏi:

- Ai dám ra địch Tào Chương?

Lưu Phong xin đi. Mạnh Đạt cũng xin đi. Huyền Đức nói:

- Hai người cùng ra, xem ai lập được công?



Hai tướng dẫn năm nghìn quân đi, Lưu Phong đi trước, Mạnh Đạt theo sau, Tào Chương xông ra giao chiến với Lưu Phong, mới được ba hiệp, Phong thua to, bỏ chạy.

Mạnh Đạt kéo quân đến, sắp sửa ra đánh, thì thấy quân Tào rối loạn.

Té ra hai cánh quân của Mã Siêu và Ngô Lan vừa đánh đến nơi. Quân sĩ của Mã Siêu dưỡng sức đã lâu, nay được dịp diễu võ dương oai, không ai địch nổi. Quân Tào thua chạy.

Tào Chương gặp ngay Ngô Lan, hai bên giao chiến chưa được vài hiệp, Chương đâm Lan một nhát kích ngã ngựa.

Ba đội quân xô xát một hồi, Tháo thu quân về đóng ở cửa hang Tà Cốc.

Tào Tháo đóng giữ ở đó lâu ngày, muốn tiến quân lại bị Mã Siêu chống cự hăng lắm, muốn rút quân về, thì lại sợ người Thục chê cười, trong bụng dùng dằng, chưa quyết bề nào.

Một bữa, người nhà bếp dâng bát canh gà, Tháo nhìn trong bát có cái gân gà, sực nhớ đến chuyện mình, lại ngán cả ruột. Giữa lúc ấy, Hạ Hầu Đôn vào trướng, bẩm hỏi khẩu lệnh ban đêm, Tháo buột miệng nói ngay rằng: "Kê cân! Kê cân”[2] Đôn truyền cho quan quân đều nhận khẩu lệnh đêm ấy là "Kê cân”.

Quan hành quân chủ bộ là Dương Tu thấy truyền hai chữ "Kê cân”, liền cho quân mình thu xếp đồ hành trang để trở về.


Có người báo với Hạ Hầu Đôn, Đôn giật mình, cho mời Dương Tu đến trướng hỏi rằng:

- Làm sao ông dám cho quân thu xếp đồ đạc để về?

Tu đáp:

- Cứ xem ngay hai chữ khẩu lệnh đem hôm nay, thì chắc rằng Nguỵ vương mấy bữa nay cũng về thôi! "Kê cân” nghĩa là gân gà, gân gà ăn thì không có vị gì, mà bỏ thì tiếc. Nay tiến lên thì đánh không được, mà lui về thì lại sợ người cười, ở mãi cũng vô ích, không bằng về cho sớm còn hơn. Ngày mai Nguỵ vương tất rút quân, nên tôi cho quân thu xếp sẵn, kẻo đến bấy giờ lại lật đật.

Hạ Hầu Đôn nói:

- Ông thực biết đến tận gan ruột Nguỵ vương!

Bởi thế Hạ Hầu Đôn cũng cho quân thu xếp hành lý. Các tướng ai cũng thu xếp chuẩn bị thu quân.

Đêm hôm ấy, Tào Tháo trong bụng bồn chồn, không sao ngủ được, mới cầm một cái búa gang, lẻn ra đi diễu xem các trại, thấy quân sĩ trong trại Hạ Hầu Đôn đang thu xếp sắm sửa đồ đạc.

Tháo giật mình, vội về trướng, cho đòi Hạ Hầu Đôn hỏi đầu đuôi ra sao.

Đôn bẩm:

- Chủ bộ là Dương Đức Tổ biết ý đại vương muốn rút về.

Tháo gọi hỏi Dương Tu, Tu giảng rõ ý hai chữ "Gân gà”. Tháo nổi giận nói rằng:

- Ngươi sao dám dựng đứng nói càn, làm náo động cả quân sĩ của ta?

Liền quát quân đao phủ điệu Dương Tu ra chém, rồi bêu đầu hiệu lệnh trước cửa quân.

Nguyên Dương Tu xưa nay vốn là người cậy tài phóng khoáng, nhiều lần phạm vào những điều Tào Tháo kiêng kỵ.

Tháo thường sai người sửa một vườn hoa, khi làm xong, Tháo ra xem, chẳng khen chê câu gì, chỉ lấy bút viết một chữ "Hoạt” ở trên cửa vườn rồi đi.


Không ai hiểu ý Tháo ra sao. Dương Tu trông thấy nói rằng:

- Trong chữ môn thêm một chữ hoạt thì là chữ khoát, khoát nghĩa là rộng, ý ngài chê cửa này rộng quá đây!

Người coi vườn chữa lại bức cửa ấy. Tháo trông thấy mừng lắm, hỏi rằng:

- Ai khéo biết ý ta thế?

Tả hữu bẩm là Dương Tu, Tháo tuy rằng khen, nhưng đã có bụng hơi ghét từ đó.

Lại một lần, có người ở Tái Bắc biếu một hộp sữa. Tháo viết ba chữ: "Nhất hợp tô” ở trên mặt hộp, rồi bỏ trên bàn.

Tu trông thấy thế, lấy ngay thìa chia với mấy người cùng ăn.

Tháo hỏi cớ làm sao mà dám ăn, thì Tu thưa rằng:

- Trên hộp rõ ràng nhất nhân nhất khẩu tô[3], nghĩa là mỗi người một thìa sữa, chúng tôi đâu dám trái lệnh thừa tướng!

Tháo ngoài miệng thì cười, nhưng trong bụng ghét lắm.

Tháo sợ khi ngủ có người mưu hại, thường dặn bảo đầy tớ rằng:

- Tao trong khi ngủ mê hay giết người. Những lúc tao ngủ say, chúng bây chớ đứng gần mà có khi khốn.

Một hôm, Tháo ngủ ngay trong trướng, để rơi chân xuống đất, một tên hầu vận vội vàng nhặt chăn đắp lại cho Tháo.

Tháo đứng phắt dậy, rút gươm chém phăng tên lính hầu ấy, rồi lại lên giường ngủ.

Độ nửa giờ, Tháo thức dậy, giả đò giật mình hỏi rằng:

- Ai giết thằng đấy tớ tao thế này?

Chúng bẩm chuyện vừa rồi. Tháo thương khóc, rồi cho làm ma trong.

Ai cũng tưởng là Tháo ngủ mê. Chỉ có Dương Tu biết ý. Khi đưa ma tên ấy. Tu trỏ vào quan tài mà than rằng:

- Không phải thừa tướng ngủ mê đâu, chính mày mới thực là ngủ mê!

Tháo nghe chuyện ấy lại càng ghét lắm.

Con thứ ba Tào Tháo là Tào Thực, thấy Tu có tài, yêu mến lắm, mời Tu chơi nói chuyện cả đêm không biết chán.

Tháo bàn với chúng, muốn lập Thực làm thế tử.

Tào Phi biết chuyện cho mời quan trưởng triều ca là Ngô Chất vào nội phủ bàn bạc. Nhưng Phi sợ người biết, phải dùng cái đẫy to, để Ngô Chất ngồi vào trong, giả làm tơ lụa, xe vào trong phủ.

Tu biết ý, đến bẩm ngay với Tào Tháo.

Tháo sai người đứng rình ở cửa phủ Tào Phi. Phi vội vàng bàn với Ngô Chất. Chất nói:

- Lo gì việc ấy! Ngày mai lại đem đẩy trong chứa tơ lụa xe vào, để cho thừa tướng tưởng là sự thực.

Phi nghe lời, dùng đẫy trong xe tơ lụa vào phủ. Sứ giả khám xét thấy quả nhiên là tơ lụa, về bẩm với Tháo.

Tháo nghi Dương Tu có bụng muốn hại Tào Phi, lại càng ghét Tu lắm.

Tháo muốn thử tài Tào Phi và Tào Thực. Một hôm, sai hai người cùng ra Nghiệp Thành, nhưng lại dặn quân canh cửa không được cho ra.

Phi đi trước, lính canh cửa cản lại, Phi phải trở về.

Tào Thực thấy vậy hỏi Dương Tu, Tu nói:

- Ông phụng vương mệnh ra đi, nếu kẻ nào ngăn trở, thì chém phăng mà đi, chớ sợ gì?

Thực nghe lời, đến cửa thành, lính canh cửa không cho ra, Thực mắng rằng:

- Tao phụng vương mệnh ra đây, thằng nào dám ngăn trở?

Lập tức chém tên lính ấy.

Tháo thấy vậy, cho Thực giỏi hơn Phi.

Về sau có người mách Tháo là Dương Tu xui, Tháo giận lắm, nhân thể ghét lây cả Thực.

Tu lại làm vài mười điều đối đáp cho Tào Thực, hễ Tháo có hỏi đến câu gì, cứ sẵn thế mà đáp. Tháo thường hỏi Thực việc quân, việc nước, Thực ứng đối trôi chảy, nói đâu ra đấy.

Nhưng Tháo vẫn còn nghi. Về sau Tào Phi đút lót tả hữu Tào Thực, lấy được quyền đối đáp, trình với Tào Tháo, Tháo nổi giận nói rằng:

- Quân sất phu! Sao dám dối tao thế?

Bấy giờ Tào Tháo đã có ý muốn giết Dương Tu, nay nhân thể đổ cho tội náo loạn bụng quân, mới đem giết. Tu mất năm ba mươi bốn tuổi.

Người sau có thơ than rằng:

Đức Tố tính thông minh,
Nối dõi nền trâm anh.
Văn hay, rồng cuốn bút,
Trí sáng, gấm thêu tranh.
Nói bàn ai cũng phục,
Ứng đối chúng đều kinh.
Chỉ vì tài nên vạ
Hề chi việc rút binh?

Tháo giết Dương Tu rồi, giả đò giận dữ, muốn giết cả Hạ Hầu Đôn. Các quan xin cho Đôn được khỏi tội. Tháo quát đuổi Hạ Hầu Đôn ra, rồi truyền lệnh tiến quân.

Hôm sau, Tháo dẫn quân ra khỏi Tà Cốc, vừa gặp Nguỵ Diên kéo đến. Tháo vẫy tay dụ Nguỵ Diên lại hàng, Diên mắng chửi om sòm. Tháo giận, sai Bàng Đức ra đánh.

Hai bên đương đánh nhau, bỗng nhiên ở trong trại Tào lửa bốc cháy, rồi có người chạy lại báo tin Mã Siêu đã cướp mất trại trung và trại hậu rồi.

Tháo rút gươm cầm lăm lăm trong tay quát rằng:

- Hễ tướng nào lùi thì chém!

Các tướng được lệnh, cùng cố sức xông lên. Nguỵ Diên giả thua chạy.

Tháo liền quay lại đánh Mã Siêu. Tháo dừng ngựa đứng trên gò cao, xem quân đôi bên đánh nhau.

Bỗng đâu có một toán quân chạy sập đến ngay trước mặt. Một tướng thét trong lên rằng:

- Nguỵ Diên đã đến đây!

Diên nói vừa buông lời thì giương cung bắn một phát tên trúng ngay Tào Tháo. Tháo ngã quay xuống ngựa.

Diên vội vàng bỏ cung cầm đao, tế ngựa lên núi giết Tào Tháo. Một tướng ở đâu chạy tạt ngang ra, kêu to lên rằng:

- Chớ có hại chủ tao!

Diên trông xem ai thì là Bàng Đức. Đức hăng sức sấn vào đánh lui Nguỵ Diên, bảo vệ Tào Tháo. Mã Siêu cũng rút lui. Tháo bị thương về trại, xem ra thì bị Nguỵ Diên bắn trúng vào môi, gãy mất hai chiếc răng cửa, liền sai sai thầy thuốc điều trị.

Khi ấy mới nhớ đến lời Dương Tu, liền sai thu thi hài Tu, làm ma chôn cất linh đình.



Tháo truyền lệnh rút quân về, sai Bàng Đức đi chặn hậu. Tháo nằm trong xe đệm chiên, quân hổ bôn[4] đi hộ vệ hai bên.

Bỗng lại thấy lửa cháy ở hai bên sườn núi Tà Cốc, rồi có quân phục trở ra. Quân Tào tên nào tên ấy sợ dúm cả người lại.

Ấy mới là:

Vất vả cũng như quân Xích Bích,
Gian truân nào khác trận Đồng Quan.

Chưa biết tính mệnh Tào Tháo phen này thế nào, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Tuân Úc & Tuân Du & Tào Tháo & Đổng Chiêu & Trình Dục


Mã Siêu


Ngô Chất & Tào Thực

 
Người lắm mẹo, thường đa nghi. Tào Tháo đa nghi, nên Khổng Minh chỉ việc dùng nghi binh mà thắng Tháo. Đó không phải Khổng Minh dọa nạt được Tháo, mà chính Tháo tự “nát” mình vậy. Tuy nhiên Tháo mắc mẹo nghi binh vì tự mình đa nghi, nhưng không phải ai cũng dọa được Tháo! Ngoài Khổng Minh ra không ai làm cho Tháo nghi nổi. Vì Tháo bị Khổng Minh đốt cho hai trận Bác Vọng, Tân Dã; bị Khổng Minh thúc vào sườn Ô Lâm, bị chẹt cổ ở Hoa Dung… nên Tháo đã sợ Khổng Minh lắm rồi. Thấy nghi binh của ai kia, thì Tháo mới cứng bóng vía mà liệu đoán, để khỏi nghi sợ, chứ một khi đã thấy nghi binh của Khổng Minh, thì Tháo phải phát hoảng, chẳng dám không nghi ngờ. Cho nên, người giỏi dùng nghi binh bao giờ cũng phải liệu lường xem đối thủ của mình là hạng người nào mình có thể làm cho hắn nghi được chăng? Rồi lại tự lượng xem mình có phải là hạng người mà kẻ khác phải sợ chăng? Nhiên hậu mình mới dùng nghi binh được. Tức như Hàn Tín dựa lưng xuống sông bày trận thì thắng địch, mà Từ Hoảng dựa lưng xuống nước bày trận, lại thua. Thế là cùng một chiến pháp, mà hai cái “thế” xưa, nay khác nhau. Từ Hoảng dựa sông thì thua, nhưng Khổng Minh dựa sông thì thắng! Thế là cũng ở một “thời” mà cái “thế” bên này, bên kia lại khác nhau. Việc dùng binh pháp phải cốt ở người giỏi mới được vậy.

Tháo không giữ được Hán Trung cũng như Bị không giữ nổi Từ Châu vậy. Tháo đã lấy Duyện Châu, thì Từ Châu ắt Tháo cũng phải lấy. Bị đã lấy Tây Xuyên, ắt Đông Xuyên (Hán Trung) rồi cũng phải về tay Bị. người đã nằm cạnh giường, đời nào chịu để kẻ khác nằm ngủ chung? Để rồi hất mình xuống đất chăng? Thấy Tháo trèo non lội nước đi tranh đất này, chúng ta đã biết rằng khó mà tranh nổi vậy.

Hán Cao Tổ phá Hạng Vương nhờ có Bành Việt phá rối mặt sau. Huyền Đức phá Tào Tháo cũng nhờ có Mã Siêu phá rối mặt sau Tháo. Hai việc đời trước đời sau như theo cùng vết xe vậy. Trong số “ngũ hổ tướng” thì Quan Công đã phải giữ Kinh Châu, còn Trương Phi, Triệu Vân, Hoàng Trung cũng đã lập công ở hồi trước. Duy có Mã Siêu chưa kịp lập công. Nhưng đến hồi này mới thấy cái công Mã Siêu không kém gì bốn vị kia.

Khổng Dung, Tuân Húc, Dương Tu đều vì xúc phạm đến Tháo mà chết. Nhưng Tu không được như Dung, cũng không được như Húc, là vì sao? Vì Dung không thờ Tháo, lại lấy lời chính trực chống đối lại Tháo. Tuân Húc trước không được chính trực nên thờ Tháo, nhưng sau lại lấy lẽ chính trực chống Tháo. Dương Tu thì đã vì bất chính trực mà thờ Tháo, sau lại lấy sự không chính trực mà chống với Tháo. Tu là con Dương Bưu, mà đi uốn mình giúp Tháo, đã đáng thẹn cho nếp nhà, lại còn vì giúp Tào Thực mà bị Tháo nghi ngờ, thật là không biết cư xử giúp tình cốt nhục nhà người ta. Lấy điều chính trực mà chống Tháo đến nỗi bị Tháo giết, ấy là lỗi tại Tháo. Nhưng ai lấy điều không ngay thẳng mà chống Tháo đến nỗi bị Tháo giết, thì người quân tử không chê trách Tháo, mà chỉ chê trách người đó thôi. Nếu ngờ rằng Tháo thấy Tu có tài nên ghen ghét, ấy là ngờ lắm. Có hai hạng kẻ sĩ có tài: một là hạng mưu sĩ, hai là hạng văn sĩ. Đem tài mưu sĩ ra giúp Tháo như bọn Quách Gia, Trình Dục, Tuân Húc, Tuân Du, Giả Hủ, Lưu Việp, để cho Tháo dùng cái tài văn sĩ của mình là như bọn Dương Tu, Trần Lâm, Vương Xán, Nguyễn Vũ… Cái tài văn sĩ không dễ bị ngờ ghét bằng cái tài mưu sĩ. Vả Tháo ngờ ghét Tuân Húc là vì Húc cản trở tước Ngụy công gia cửu tích, chứ trước đó, Tháo đâu có ghét Húc bao giờ? Ngoài ra, hết thảy các mưu sĩ, không ai bị Tháo ghét cả. Mưu sĩ còn thế, thì văn sĩ lẽ nào bị ngờ ghét? Cho nên kẻ mắng Tháo như Trần Lâm mà cũng không bị Tháo trị tội. Thì ra, ai có tài mà Tháo không được dùng thì Tháo ghét. Ai có tài mà Tháo được dùng thì Tháo không ghét. Nếu Dương Tu không vì bè đảng với Tào Thực mà lừa dối, che mắt Tháo, thì Tháo đâu đến nỗi căm giận, và Tu đâu đến nỗi chết? Ai nói rằng “vì Tu có tài nên bị Tháo ghen ghét”… là người ấy lý luận không giữ vững vậy.

Ở “phía nam Định Quân”, Tháo đã “bị gẫy một chân”, đến phía đông Hán Xuyên, Tháo lại gẫy hai răng. “Gẫy chân” chỉ mới là nghĩa bóng. Đến “gẫy răng” mới thật là nghĩa đen! Ở trận Đồng Quan đã cụt râu, đến trận Hán Trung lại gẫy răng. Râu bị cắt không đau, nhưng răng gẫy thì quả thật là đau thật! Em đã bị giết, mình lại bị thương, cái hạn sao mà xấu thế? Thật tiếc không bảo Quản Lộ bói rõ cho! Râu đã cụt, răng lại gẫy, cái “quý tướng” thế là bị hỏng, lại cũng tiếc không được Quản Lộ xem tướng lại xem sao!

Hồi này, phép tự sự có “đảo sinh tại tiền”, có “bổ cứu tại hậu”. Như Tào Chương chưa đến, Tháo đã có lời khoe “thằng con râu vàng” trước. Dương Tu chết rồi, tác giả mới nhắc lại chuyện Tháo ghét Tu. Đang giữa chỗ chiến trận, bỗng kể xen đời tư Tào Chương, Tào Tháo, Dương Tu vào. Đó là nhân việc người này mà kể sang việc người khác. Việc Tháo bình định miền Đại Bắc, lại nhân chuyện Tào Chương mà được kể ra. Việc Tào Phi ghen ghét Tào Thực thì nhân chuyện Dương Tu mà được nhắc tới. Lại còn những việc biến ảo bất ngờ như Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Ngụy Diên, Mạnh Đạt, Lưu Phong… xuất hiện đột ngột, làm cho độc giả lạ mắt ngạc nhiên. Tác giả dùng bút thật không khác Khổng Minh dụng binh vậy.
CHÚ THÍCH
1. Hai danh tướng đời vua Hán Vũ đế.
2. Gân gà.
3. Nguyên chữ hợp Hán tự gồm mấy chữ nhân, nhất, khẩu. Tu đọc ngay thành câu Nhất nhân nhất khẩu tô.
4. Quân võ giỏi.
 
Hồi 71
Đầu trang
Hồi 73
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại