Tấm gương
Điều gì quan trọng hơn: Ít bực mình hay hạnh phúc?
 

Có một nghịch lý là nhiều quốc gia chậm phát triển có chỉ số hạnh phúc vượt trội các quốc gia tiên tiến có nền kinh tế phát triển. Tuy nhiên, người dân tại các quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao vẫn có nhu cầu tìm đến và xin được định cư ở những quốc gia có chỉ số hạnh phúc thấp. Nên hiểu nghịch lý này như thế nào? Tại kỳ 2 cuộc tọa đàm Chính sách quốc gia và Hạnh phúc của dân các vị khách mời đã có những góc nhìn thú vị.

Nhà báo Thu Hà: Theo các vị, chính sách quốc gia, liệu có tác động thế nào đến cảm giác hạnh phúc của người dân?

TS. Alan Phan: Dĩ nhiên, chính sách quốc gia có ảnh hưởng đến thu nhập và môi trường sống của mỗi người dân, chưa nói đến những cảm nhận tinh thần về bất công hay bất bình đẳng xã hội hay niềm tự hào dân tộc, không đo lường được. . .

Vai trò của các chính phủ là tạo điều kiện và môi trường để người dân tự đi tìm hạnh phúc cho riêng mình. Nếu không có việc làm với đồng lương khá thì rất khó để người ta chăm sóc gia đình theo cách họ muốn, từ việc cho con cái một nền giáo dục bài bản đến việc làm cho căn nhà đang ở được thoải mái hơn. Muốn cho chất lượng sống của người dân tốt hơn, các quan chức chánh phủ phải có một quyết sách rõ ràng minh bạch nhằm tạo dựng một môi trường sống ổn định về vật chất (lợi tức, giáo dục, y tế, an toàn, giao thông, giải trí...) và thư giãn về tâm thần (công bằng, văn minh, hài hòa...). Chỉ thế thôi.

Một chính phủ mà càng có nhiều tham vọng, thích tạo đủ lọai thành tích, thì sẽ làm khổ dân, vì mọi kế hoạch của chánh phủ đều cần đồng tiền, mồ hôi và công sức của dân... và sự lãng phí các tài nguyên này sẽ làm thiệt hại mọi tăng trưởng kinh tế; cũng như sẽ làm mất niềm tin từ người dân.

Toàn cảnh cuộc tọa đàm. Ảnh: Linh Phạm.

Ông Trần Sĩ Chương: Theo quan niệm của tôi chính phủ làm gì cũng phải nhằm mục tiêu đem lại cho người dân một cuộc sống an toàn, cung cấp những nhu cầu căn bản, tức là đưa ra cơ sở để có thể tạo ra hạnh phúc. Còn mỗi người dân họ có cảm nhận được hạnh phúc hay không đó hoàn toàn là chuyện của họ.

Theo tôi, chính phủ tạo điều kiện bảo đảm cho đời sống của người dân tốt hơn, thu nhập của người dân cao hơn, làm cho môi trường sống của họ an toàn hơn thôi.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Đúng là chính phủ chỉ có thể đảm bảo những điều kiện căn bản giúp người dân hạnh phúc thôi (tạo ra cái nhà), còn việc người dân có hạnh phúc thế nào thì tùy thuộc ở họ. Ví dụ, ai đó vừa bị vợ bỏ thì cho dù vẫn sống trong nhà đó nhưng họ không thể có hạnh phúc, đúng không?

Bàn về hạnh phúc bây giờ mình phải nhìn trên căn bản của con người. Dẫn ví dụ này để mọi người dễ hình dung. Nếu ai đó đã ở tầm tuổi 50 - 60 tuổi trở đi mà không có một bà vợ ở bên cạnh chăm sóc thì đó là điều bất hạnh. Không biết các anh có đồng ý như vậy không?

Như ở kỳ 1cuộc tọa đàm này chúng ta đã nhất trí, hạnh phúc là khi những nhu cầu của người ta được đáp ứng đúng. Mà mỗi người có nhiều nhu cầu lắm, nhu cầu lại theo tuổi tác, văn hóa sống... cho nên đó là vấn đề hoàn toàn cá nhân, chính phủ không có một vai trò gì trong việc tạo hạnh phúc hết, nhưng đáng chú ý là chính phủ hoàn toàn có khả năng làm cho người ta không hạnh phúc.

TS. Alan Phan: Nếu ông chính trị gia nào khẳng định sẽ làm cho dân hạnh phúc thì đó chỉ là trò chơi chính trị của người muốn đi kiếm phiếu. Anh có thể ra kế họach là kinh tế nên phát triển theo chiều hướng này, mức tăng trưởng hay lạm phát mỗi năm phải ở mức độ nào.... đó là lời hứa là mong muốn sẽ tạo ra điều kiện như vậy, nhưng việc có đạt được hay không lại do nhiều yếu tố khác chi phối.

Nhà báo Thu Hà: Thưa quí vị, trong bối cảnh không phải người nông dân nào cũng có ruộng để làm, không phải sinh viên nào ra trường cũng kiếm được việc, cứ ra đường là kẹt xe, ô nhiễm... trước những mối lo có thực này, liệu người dân có thể hạnh phúc hay lạc quan được không?

TS. Nguyễn Tường Bách: Xưa nay chúng ta chỉ đo những chỉ số về tăng trưởng, về tầm sản xuất quốc gia để nói về hạnh phúc người dân. Nhưng rồi người ta nhận ra chỉ số đó quá nghiêng hẳn về một bên, phiến diện nên người ta mới đặt vấn đề nên chăng là có dạng khác để đo đời sống tâm lý của người dân?

Tôi nghĩ việc đo chỉ số hạnh phúc không phải chỉ là thủ thuật chính trị. Có lẽ, trong tiến trình phát triển của nhân loại, đang có khuynh hướng  dùng những tiêu chí khác để đo lường sự thành công của chính sách quốc gia. Chúng ta không nên đánh giá quá thấp những cố gắng này, có lẽ những thông số này là những thử nghiệm đầu tiên. Nhưng vì là thử nghiệm nên có thể kết quả chưa hoàn hảo, hình ảnh khá méo mó. Nhưng dù sao ta cũng nên xem đó là thử nghiệm đầu tiên và không chừng một vài năm nữa người ta có những phương pháp đo chính xác hơn, phản ánh phần nào đời sống tâm lý của dân chúng.

Thế nhưng phải thấy rằng, một bên là đo những chỉ số kinh tế với những con số khá chính xác về thống kê, còn một bên là đo trạng thái của tâm thức. Hai cái này hoàn toàn khác nhau về chất và lượng, nên rất khó, việc đưa ra kết quả khác nhau là điều đương nhiên.

Khác với những chỉ số kinh tế, hạnh phúc xuất phát từ những điều kiện cơ bản, tôi thử kể ra vài tiêu chí. Đó là, sức khỏe được bảo đảm, đời sống vật chất đầy đủ và một cái tâm rộng mở để tiếp nhận, để mà cảm thụ được những giá trị  về tâm linh.

Đây là những tiêu chí cần được thảo luận nghiêm túc.

 

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích. Ảnh: Linh Phạm.

 
Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Những tiêu chí anh Bách vừa nêu ra tùy thuộc vào yêu cầu, nhu cầu của mỗi người. Vì không có mẫu số chung, không ai giống ai nên chúng ta không thể đo được, nhưng ta cần đo cái mà xã hội đáp ứng được.
Ví dụ, yếu tố thứ nhất, do môi trường sống không bảo đảm, ra đường là kẹt xe, ô nhiễm không khí, dịch bệnh ... những yếu tố đó khiến cho sức khỏe dân chúng suy yếu, thường xuyên  phải vào bệnh viện. Như vậy họ thấy khổ hay sướng?

Đến yếu tố thứ hai là đầy đủ vật chất: Tất nhiên là đầy đủ ở mức vừa phải và tương đối, đo xem nền kinh tế này như làm sao?

Và yếu tố thứ ba, cái tâm mở rộng đó là tôn giáo và giáo dục. Tôi bàn luận thêm một chút yếu tố này vì thực ra giáo dục không tác động nhiều đến tôn giáo. Tôn giáo là cái gì đó mà người ta tự cảm nhận được. Đó là điều mà người ta cảm thấy, và được thôi thúc hướng đến. Tôn giáo đòi hỏi con người nhiều thứ hơn giáo dục và chỉ tìm thấy thế khi đã trải qua.

Giáo dục không dạy phải chia sẻ, nhưng ăn ngon mà ăn một mình thì thấy buồn lắm, phải ăn hai người, tôn giáo dạy anh là phải chia sẻ, tất nhiên có những điều mà tôn giáo dạy nhưng giáo dục chưa chắc đã chấp nhận. Tôn giáo đòi hỏi anh phải theo và anh bằng lòng chấp nhận điều đó, giáo dục phải là phổ quát. Do vậy, nó thực sự khác nhau.

TS. Nguyễn Tường Bách: Khi tôi nói cái tâm rộng mở tôi không  có ý nói về tôn giáo. Nói tâm hồn rộng mở là tôi nói đến một người có tâm, có khả năng cảm thụ được cái đẹp của văn hóa. Hồi nãy, tôi dùng từ "tâm linh" có lẽ hơi sai mà phải là "văn hóa". Nếu có người cứ bo bo giữ truyền thống cũ kỹ của mình, những quyền lợi riêng tư của mình mà không có một tâm hồn rộng mở thì chúng ta phải nghĩ rằng người đó khó có hạnh phúc.

TS. Alan Phan: Cách nay 3 năm tờ Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần có phỏng vấn và hỏi tôi điều kiện để có được hạnh phúc. Tôi đã nói: thứ nhất là sức khỏe; thứ hai là trí tuệ; thứ ba là tâm linh, phải tin tưởng vào một gì đó thiêng liêng; thứ tư là yếu tố xã hội, tức là biết chia sẻ với người xung quanh, cảm thấy mình thuộc về một cộng đồng nào đó và thứ năm là dư giả tài chính.

Chính phủ có thể làm gì để giúp tôi đạt được 5 điều kiện đó? Rõ ràng, vai trò của chính phủ rất quan trọng để tạo ra môi trường khiến tôi có cơ hội đạt được hạnh phúc hay không hạnh phúc. Nhưng dù có cơ hội mà tôi không chịu học hành, kém hiểu biết thì mọi nỗ lực của chính phủ cũng bằng thừa. Chẳng hạn yếu tố sức khỏe, nếu mỗi cá nhân không biết lo tập thể dục, lo ăn uống điều độ thì dù chính phủ có hàng ngàn bệnh viện hiện đại đến mấy thì cũng bó tay trước nhan nhản các ca mập ú, máu nhiễm mỡ, tim mạch...

Ông Trần Sĩ Chương: Nhưng chính phủ hoàn toàn có thể tạo ra một môi trường không bị ô nhiễm để anh không dễ bị bệnh.

TS. Alan Phan: Đương nhiên, nhưng chính phủ không thể nào tập thể dục giùm tôi được. Ở đây tôi muốn nói một chính phủ khôn ngoan là một chính phủ biết được giới hạn của mình, đừng đi vào những chuyện mà họ không thể giải quyết được.

Đơn cử câu chuyện Giáo dục. Chính phủ chỉ nên tạo điều kiện để người ta dạy hay học lẫn nhau. Tại sao chính phủ phải áp đặt học trình, lề lối, tiêu chuẩn... Hãy cứ để trăm hoa đua nở, hoa nào tốt nhất thì người ta theo đuổi nhiều. Cách tốt nhất để giúp sinh viên nghèo là cho họ vay không lãi để đi học.

Như ở Mỹ, đâu có bắt buộc người ta phải lấy chương trình học của Harvard làm căn bản, dù rõ ràng Harvard vẫn là nơi tụ tập những tài năng trí tuệ lớn nhất. Chính phủ liên bang Mỹ không dính líu gì đến bất cứ họat động hay điều hành hay sở hữu một trường đại học nào cả, ngòai việc tài trợ lãi suất cho sinh viên. Có lẽ vì vậy mà hệ thống đại học Mỹ được coi như có giá trị hàng đầu trên bảng xếp hạng thế giới.

Từ trái qua,TS. Nguyễn Tường Bách và ông Trần Sĩ Chương tại cuộc tọa đàm. Ảnh: Linh Phạm.

Ông Trần Sĩ Chương: Tôi xin mở ngoặc, các anh chị đi qua Mỹ thử hỏi 100 người, tôi dám chắc không ai biết tên bộ trưởng giáo dục là gì.

Nhà báo Thu Hà: Bởi vì người dân đâu có quan tâm ông ấy là ai, mà họ chỉ quan tâm ông ấy sẽ mang lại cái gì tốt hơn cho họ.

TS. Alan Phan: Thế tôi mới nói, Chính phủ không thể tạo ra được bất cứ cái gì ngoại trừ là tạo ra một môi trường tương đối khả quan, để cho người ta tự đi tìm hạnh phúc.

Tôi đồng ý với anh Chương ở chỗ chính phủ không thể trực tiếp liên quan đến việc cảm nhận hạnh phúc của dân chúng. Nhưng rõ ràng chính sách của họ có thể khiến dân kém hạnh phúc.

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Chính phủ đừng làm cái gì để dân chúng bực mình.  Nếu chưa thể làm được những gì dân chúng thích thì tốt nhất đừng tạo ra những cái khiến họ bực mình.  Một trong những thứ khiến dân dễ không vui, kém hạnh phúc là chính phủ can thiệp quá nhiều.

Ông Trần Sĩ Chương: Vì sao dân chúng ở quốc gia này cảm thấy hạnh phúc hơn dân quốc gia kia? Vì sao?

Nếu nói thực sự nước nào hạnh phúc hơn nước nào, tôi thấy nên đến quan sát mấy tòa đại sứ. Nếu thấy ở đâu có lượng người xếp hàng xin visa xin định cư nhiều nhất, thì đó là nơi có điều kiện chung hấp dẫn, là vì họ đã nghĩ tại quốc gia đó người dân có hạnh phúc. Họ ra đi là để đi tìm hạnh phúc chứ tìm cái gì. Chẳng ai dại gì sang một quốc gia kém hạnh phúc hơn để định cư cả.

Các thống kê cứ nói mấy nước như Iraq, Bangladesh, Nicaragua có chỉ số hạnh phúc cao. Nhưng tôi quan sát mấy tòa đại sứ đó, có thấy ai xin sang đó định cư đâu. Mà ngược lại, họ toàn tìm tới các quốc gia được xếp vào hàng kém hạnh phúc như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Singapore...

Nhà báo Thu Hà: Từ câu chuyện chỉ số hạnh phúc quốc gia đo được, chúng ta nên hiểu thực tế này như thế nào?

Luật sư Nguyễn Ngọc Bích: Nên phải hỏi là đất nước nào người dân ít bực mình thì hay hơn là hỏi họ có hạnh phúc không, cái sau khó xác định lắm.

Nhà báo Thu Hà: Vâng, cho dù mang yếu tố cảm tính, trừu tượng, nhưng tôi vẫn cho rằng nếu hiểu đúng và sử dụng nghiêm túc chỉ số hạnh phúc quốc gia sẽ thấy được phần nào toàn cảnh chất lượng sống của người dân có đang được cải thiện hay không để từ đó điều tiết chính sách quốc gia tập trung vào những gì thực tiễn đời sống dân sinh đòi hỏi.

Trong kỳ 3, cũng là kỳ cuối của cuộc tọa đàm, các vị khách mời quả quyết, những chính phủ có tầm nhìn đều biết lấy niềm tin của người dân làm thước đo chính sách. Mời quí vị tiếp tục theo dõi. Bài viết thảo luận xin gửi về địa chỉ: tuanvietnam@vietnamnet.vn

  • Tuần Việt Nam
 


 
Tấm gương
  Đổi Mới II: Ý chí lãnh đạo và đồng thuận xã hội  
  Đôi tay đẹp  
  Đối thoại với thiền sư Thích Nhất Hạnh về hạnh phúc  
  Đối thoại với Thiền sư Thích Nhất Hạnh: Breath, breath, you’re online  
  Đối thoại với trí thức không cần treo bảng  
  Đột phá tư duy để tiến xa hơn  
  Đức Pháp Vương: Hãy chuyển hóa oán hận thành yêu thương!  
  Đức phật dạy con  
  Đức Phật dạy con như thế nào?  
  Đừng biến bầu bán thành trò xếp đặt duy ý chí  
  “Bức xúc đủ nhiều để những ai nguội lạnh xem lại mình”  
  “Chỉ giao trọng trách cho người có tư tưởng Đổi Mới”  
  “Dân cần nhưng quan không vội, dân vội thì lội mà sang”  
  “Đừng leo lên lưng cọp nếu chưa tìm ra sự độc đáo"  
Trang 4/4 : Trang trước  1 - 2 - 3 - 4