Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 21
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Chu Linh & Kỷ Linh
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 21
Tào Tháo uống rượu luận anh hùng;
Quan Công lừa mưu giết Xa Trụ.
 

Đổng Thừa vội hỏi Mã Đằng:

- Ông muốn rủ ai?

Đằng nói:

- Hiện bây giờ có Dự Châu mục là Lưu Huyền Đức ở đây, sao không tìm đến?

Thừa nói:

- Người ấy tuy là chú vua, nhưng cũng nương dựa vào Tào Tháo, sao chịu làm việc này?

Đằng nói:

- Tôi xem trong cuộc đi săn hôm trước, khi Tào Tháo đứng trước mặt vua nhận lời chúc mừng của các quan, Vân Trường đứng sau Huyền Đức, vác dao toan giết Tháo, nhưng Huyền Đức đưa mắt, lại thôi. Huyền Đức không phải là không muốn giết Tào Tháo vì sợ nanh vuốt của Tào Tháo nhiều, sức mình không làm nổi đấy thôi. Ông thử đến xem, người ấy tất đồng tâm với ta.

Ngô Thạc nói:

- Việc ấy không nên hấp tấp, xin hãy để bàn bạc cho chín đã.

Năm người đều về nhà.

Đêm khuya hôm sau Đổng Thừa mang tờ chiếu đến nhà Huyền Đức. Lính canh vào báo, Huyền Đức ra đón mời vào trong gác ngồi chơi, Quan, Trương đứng hầu bên cạnh. Huyền Đức hỏi:

- Canh khuya, quốc cữu đến đây tất có việc gì gấp?

Huyền Đức lấy rượu khoản đãi. Thừa nói:

- Bữa nọ trong cuộc đi săn, Vân Trường muốn giết Tào Tháo, tướng quân lại đưa mắt lắc đầu để ngăn đi, là ý làm sao?


Huyền Đức thất kinh nói:

- Sao ông biết?

Thừa nói:

- Người ta không ai trông thấy, chỉ có tôi biết mà thôi.

Huyền Đức không thể giấu được mới nói thực rằng:

- Em tôi thấy Tháo lấn quyền vua nên tức giận đó.

Thừa che mặt khóc nói rằng:

- Giả sử tôi con triều đình, ai cũng được như Vân Trường, thì lo gì thiên hạ chẳng được thái bình?


Huyền Đức sợ là Tào Tháo sai đến dò la, bèn nói giả cách rằng:

- Tào thừa tướng sửa sang việc nước lo gì không thái bình?

Thừa tái mặt đứng dậy nói rằng:

- Ông là hoàng thúc nhà Hán, cho nên ta vạch gan moi ruột để nói chuyện với ông, sao ông còn nói dối?

Huyền Đức nói:

- Tôi sợ quốc cữu không thực bụng, nên phải thử.

Đổng Thừa đưa ngay tờ chiếu ra cho Huyền Đức xem, Huyền Đức lấy làm xót xa căm tức. Thừa lại dưa ra xem tờ nghĩa trạng, có sáu người ký tên là: Đổng Thừa, Vương Tử Phục, Chủng Tập, Ngô Thạc, Ngô Tử Lan và Mã Đằng.


Huyền Đức nói:

- Quốc cữu đã phụng chiếu đánh giặc, tôi dám đâu không cố sức khuyển mã.

Thừa lại tạ mời ký tên, Huyền Đức ký "Tả tướng quân, Lưu Bị”, rồi đưa lại Thừa nhận lấy.


Thừa nói:

- Nên mời thêm ba người nữa, họp đủ mười người trung nghĩa để trừ quốc tặc.

Huyền Đức nói:

- Nên thong thả, chớ hấp tấp khinh thường để tiết lộ việc lớn.

Hai người cùng nhau luận bàn đến canh năm mới chia tay.


Huyền Đức bấy giờ sợ Tháo nghi mình mưu đồ gì, bèn làm một vườn rau ở sau nhà ngày ngày vun xới tưới tắm, để làm cách che mắt Tháo khỏi ngờ.

Quan, Trương thấy vậy hỏi rằng:

- Anh không lưu tâm đến việc lớn thiên hạ, học làm chi cái việc của kẻ tiểu nhân này?

Huyền Đức nói:

- Hai em biết đâu ý anh!


Hai người từ đó không dám nói gì nữa.

Một hôm Quan Vũ, Trương Phi cùng đi chơi vắng, Huyền Đức đang lom khom tưới rau, bỗng thấy Hứa Chử và Trương Liêu dẫn vài chục người vào vườn, nói rằng:

- Thừa tướng sai chúng tôi mời sứ quân đến ngay phủ.


Huyền Đức giật mình, hỏi:

- Việc gì khẩn cấp thế, hai ông?

Hứa Chử thưa:

- Hai chúng tôi thấy sai thì vâng lệnh đi mời, chứ không biết việc chi.


Huyền Đức theo hai người vào phủ yết kiến Tháo, Tháo cười nói rằng:

- Huyền Đức độ này ở nhà làm một việc lớn lao đấy nhỉ?


Huyền Đức sợ tái mặt. Tháo cầm tay Huyền Đức dắt vào vườn ở sau nhà, nói rằng:

- Huyền Đức học làm việc vườn, chắc cũng không phải là việc dễ dàng?


Huyền Đức bây giờ mới vững dạ, đáp rằng:

- Không có việc gì, làm để tiêu khiển đó thôi.

Tháo nói:

- Vừa rồi thấy trên cành mai đã có quả xanh, sực nhớ khi trước đi đánh Trương Tú, đi đường không có nước, tướng sĩ khát cào cuống họng. Bấy giờ ta nghĩ được một kế, cầm roi trỏ hão nói rằng: trước mặt có rừng mơ. Quân sĩ nghe nói đến mơ, ai cũng ứa nước dãi, đỡ được khát nước. Nay có mơ thật, nên hái xuống mà thưởng. Vả lại rượu nấu vừa chín, cho nên mời sứ quân đến tiểu đình uống rượu.


Huyền Đức bây giờ trấn tĩnh lại được, theo đến tiểu đình, đã thấy bày mâm bát, giữa bàn bày một đĩa mơ xanh, một bình rượu nóng.

Hai người ngồi đối diện, ăn uống vui vẻ. Lúc rượu ngà ngà say, chợt thấy mây đen mù mịt, cơn mưa sắp kéo đến.


Quân hầu trỏ lên trời bẩm:

- Có vòi rồng lấy nước.

Tháo và Huyền Đức dựa vào bao lơn ngắm xem. Tháo nói:

- Sứ quân có biết rồng nó biến hoá thế nào không?

Huyền Đức nói:

- Tôi chưa được tường.

Tháo nói:

- Rồng lúc thì to, lúc thì nhỏ, lúc thì bay, lúc thì nấp. Lúc to thì nổi mây phun mù; lúc nhỏ thì thu mình ẩn bóng; khi bay ra thì liệng trong trời đất; khi ẩn thì lẩn núp ở dưới sóng. Nay đang mùa xuân, rồng gặp thời biến hoá, cũng như là người ta lúc đắc chí, tung hoành trong bốn bể. Rồng ví như anh hùng trong đời. Huyền Đức lâu nay đã đi khắp bốn phương, bao nhiêu anh hùng đời nay, hẳn đã biết cả, xin thử nói cho nghe.


Huyền Đức thưa:

- Bị này người trần mắt thịt, biết đâu được anh hùng.

Tháo nói:

- Huyền Đức không nên nhún mình quá!

Huyền Đức nói:

- Bị nay được nhờ ơn thừa tướng làm quan trong triều, anh hùng trong thiên hạ thực không được biết.

Tháo nói:

- Đã đành không biết mặt, nhưng cũng có nghe tiếng chứ?

Huyền Đức nói:

- Viên Thuật ở Hoài Nam, binh lương nhiều, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo cười nói:

- Xương khô trong mả, chỉ nay mai là ta bắt được!


Huyền Đức lại nói:

- Anh Viên Thuật là Viên Thiệu ở Hà Bắc, bốn đời làm tam công, có nhiều đầy tớ cũ; hiện nay là con hổ dữ hùng cứ ở Ký Châu; bộ hạ nhiều tay tài giỏi, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười nói:

- Viên Thiệu ngoài mặt mạnh bạo, trong bụng nhút nhát, thích mưu mẹo mà không quyết đoán, làm việc lớn lại lo đến bản thân, thấy lợi nhỏ thì lại quên mình, không thể gọi là anh hùng được!


Huyền Đức lại nói:

- Có một người nổi tiếng trong tám tuấn kiệt, uy danh khiếp cả chín châu, là Lưu Cảnh Thăng, có thể cho là anh hùng được chăng?

Tháo lại cười:

- Lưu Biểu có hư danh nhưng không có thực tài, không phải anh hùng.


Huyền Đức lại nói:

- Có một người, sức lực đương khoẻ, đứng đầu xứ Giang Đông, là Tôn Bá Phù, hẳn là anh hùng?

Tháo nói:

- Tôn Sách nhờ danh tiếng của bố, không phải anh hùng.

Huyền Đức lại nói:

- Lưu Quý Ngọc ở Ích Châu có phải là anh hùng không?

Tháo nói:

- Lưu Chương, tuy là tôn thất, nhưng chỉ là con chó giữ nhà, sao gọi là anh hùng được?

Huyền Đức lại nói:

- Như bọn Trương Tú, Trương Lỗ và Hàn Toại thì thế nào?

Tháo vỗ tay cười to:

- Lũ tiểu nhân nhung nhúc ấy thì nói làm gì!

Huyền Đức nói:

- Ngoài những người ấy ra, Bị thực không còn biết ai nữa.

Tháo nói:

- Anh hùng là người trong bụng có chí lớn, có mưu cao, có cái bao trùm được cả vũ trụ, có chí nuốt cả trời đất kia.


Huyền Đức mới nói:

- Ai có thể xứng đáng được như thế?

Tào Tháo lấy tay trỏ vào Huyền Đức, rồi lại trỏ vào mình nói rằng:

- Anh hùng thiên hạ bây giờ chỉ có sứ quân và Tào Tháo mà thôi.


Huyền Đức nghe nói, giật nảy mình, cái thìa đôi đũa đương cầm ở trong tay, rơi cả xuống đất.


Giữa lúc bấy giờ, con mưa u ám, có một tiếng sét thực dữ. Lưu Bị từ từ cúi xuống nhặt đũa và thìa, nói tảng rằng:

- Gớm ghê! Tiếng sét dữ quá!

Tào Tháo cười hỏi rằng:

- Trượng phu cũng sợ sấm à!

Huyền Đức nói:

- Đức thánh ngày xưa gặp lúc sấm dữ gió to cũng đổi sắc mặt, huống chi là tôi đây sao lại không sợ?


Huyền Đức đã che đậy được hết cả việc giật mình đánh rơi cả thìa đũa khi nghe Tháo gọi mình là anh hùng.

Tháo thấy thế không ngờ gì Huyền Đức nữa.

Đời sau có thơ rằng:

Gượng vào hang ổ, tạm nương mình
Nói rõ anh hùng sợ thất kinh
Mượn tiếng sấm vang ra vẻ sợ
Tuỳ cơ ứng biến thật tài tình!

Giời vừa mưa xong, có hai người tay cầm bảo kiếm, xông vào tận vườn sau, đến thẳng tận trước đình, lính canh ngăn lại không được. Tháo trông ra thì là Quan Vũ và Trương Phi.


Nguyên là hai người ra ngoài thành săn bắn vừa về, nghe thấy Huyền Đức bị Trương Liêu, Hứa Chử mời đi, vội vàng chạy ngay đến tướng phủ dò xem việc gì. Thấy nói ở sau vườn sợ có xảy ra điều gì, nên hai người xông thẳng vào. Vào đến nơi thấy Huyền Đức đang ngồi uống rượu với Tào Tháo, hai người bèn cầm gươm đứng hầu.


Tháo hỏi:

- Hai người đi đâu?

Vân Trường thưa:

- Chúng tôi nghe thừa tướng cùng anh tôi uống rượu, nên chúng tôi lại đây múa gươm để mua vui!

Tháo cười, nói rằng:

- Đây có phải là "hội Hồng Môn” đâu mà phải dùng đến Hạng Trang, Hạng Bá.


Huyền Đức cũng cười.

Tháo sai lấy rượu "để hai Phàn Khoái uống cho tan cơn sợ”.

Quan, Trương lạy tạ. Một lát tiệc tan, Huyền Đức cáo từ ra về.

Vân Trường nói:

- Anh làm chúng tôi sợ chết đi được!

Huyền Đức thuật lại chuyện đánh rơi đũa. Quan, Trương hỏi:

- Thế là ý làm sao?

Huyền Đức nói:

- Độ này ta chịu khó làm vườn cuốc đất, cốt là để cho Tào Tháo không nghi ta có chí lớn. Ai ngờ nó lại trỏ ngay vào ta mà bảo ta là anh hùng đời nay. Ta nghe nói rụng rời, đánh rơi cả đũa, lại sợ Tào Tháo ngờ, cho nên mượn cớ là sợ sét để che giấu đi.

Quan, Trương khen rằng:

- Anh thực là cao kiến!

Hôm sau Tào Tháo lại mời Lưu Bị đến uống rượu. Trong khi đương tiệc có người vào báo rằng:

- Mãn Sủng đi dò tin tức của Viên Thuật đã về.

Tháo gọi vào hỏi, Sủng trình rằng:

- Công Tôn Toản đã bị Viên Thuật phá vỡ.


Huyền Đức vội vàng hỏi rằng:

- Xin cho biết đầu đuôi làm sao?

Sủng nói:

- Tôn Toản đánh nhau với Thiệu không được, mới đắp thành chung quanh một vùng, trong dựng một cái lầu cao mười trượng, gọi là "dịch kinh”, chứa ba mươi vạn hộc lúa để ăn giữ thành. Đôi khi, quan trong thành ra vào bị quân Thiệu rình bắt, quân trong xin ra cứu, Toản không cho ra, bảo rằng: "Nếu cứu một lần, lần sau có ai đánh nhau chỉ mong người đến cứu thì không cố chết mà đánh nữa”. Bởi thế lúc quân Thiệu đánh vào, quân Toản nhiều người ra hàng. Lúc Toản thế cô lắm có sai người đem thư đến Hứa Đô cầu cứu, không ngờ đi nửa đường lại bị quân Thiệu bắt được. Toản lại đưa thư cho Trương Yên, hẹn nhau đốt lửa làm hiệu, trong đánh ra ngoài đánh vào. Người đưa thư lại bị Viên Thiệu bắt nốt. Thiệu được thư ấy cứ như lời Toản hẹn với Yên, đốt lửa làm hiệu, Toản ở trong ngờ là hiệu lửa của Trương Yên, mới tự ra đánh, không ngờ ra đến ngoài, bốn mặt quân phục nổi dậy. Quân mã của Toản mất quá nửa, còn non một nửa lui về để giữ thành, lại bị Viên Thiệu đào ngầm dưới đất, đem quân vào tận dưới lầu Toản ở, phóng hoả đốt lầu, Toản không có đường chạy, trước giết vợ con, rồi tự thắt cổ chết, cả nhà cùng bị lửa cháy. Nay Viên Thiệu được cả quân của Toản, thanh thế to lắm. Em Thiệu là Viên Thuật ở Hoài Nam, kiêu ngạo, xa xỉ quá độ, không thương gì đến quân dân, cho nên họ đều nổi loạn, Thuật nhường đế hiệu cho Viên Thiệu. Thiệu muốn lấy ngọc tỷ. Thuật hẹn xin tự đem đến. Hiện giờ Thuật muốn bỏ Hoài Nam về Hà Bắc. Nếu để hai người hợp sức với nhau, thì rất khó đánh được, xin thừa tướng liệu trừ trước đi.

Huyền Đức nghe tin Công Tôn Toản đã chết, nghĩ đến ơn tiến mình ngày xưa, rất là thương xót, lại không biết Triệu Tử Long ở đâu, không đành dạ chút nào, nhân nghĩ vụng rằng: "Ta không nhân dịp này tìm kế thoát thân, còn đợi đến bao giờ?” liền đứng lên thưa với Tào Tháo rằng:

- Nếu Thuật sang với Thiệu, tất phải đi qua Từ Châu, tôi xin lĩnh một cánh quân đón đường đánh, chắc bắt được.


Tháo cười nói:

- Để ngày mai tâu vua, rồi sẽ khởi binh.

Hôm sau Huyền Đức vào tâu vua. Tào Tháo lại sai Huyền Đức đốc suất năm vạn quân mã, lại sai Chu Linh, Lộ Chiêu cùng đi. Lúc Huyền Đức vào từ biệt vua, vua khóc tiễn đi.


Huyền Đức về nhà trọ, suốt đêm thu xếp khí giới và ngựa chiến, đeo ấn tướng quân, đốc thúc để cho chóng. Đổng Thừa ra ngoài mười dặm tràng đình để tiễn. Huyền Đức nói:

- Xin quốc cữu hãy yên tâm. Chuyến này tôi đi tất có thể đáp lại ý muốn của ngài.

Thừa nói:

- Ông nên lưu tâm, chớ phụ lòng vua.

Hai người từ giã nhau.


Quan, Trương hai người ngồi trên ngựa bấy giờ mới hỏi anh rằng:

- Sao phen này anh đi vội vàng vậy?

Lưu Bị nói:

- Ta ở Hứa Đô như chim lồng cá chậu, chuyến này được đi như cá vào bể lớn, chim lên mây xanh, không bị giam hãm trong lồng trong chậu nữa.


Nói xong, hai người thúc quân mã Chu Linh, Lộ Chiêu đi mau.

Bấy giờ ở Hứa Đô, Quách Gia và Trình Dục đi kiểm tra tiền lương vừa về, nghe thấy Tào Tháo sai Lưu Bị đem quân sang Từ Châu, vội vàng vào bẩm rằng:

- Sao thừa tướng lại sai Lưu Bị đi đốc binh?

Tháo nói:

- Cho ra để chẹn đường Viên Thuật.

Dục nói:

- Lúc Lưu Bị còn giữ chức mục ở Dự Châu, chúng tôi xin thừa tướng giết đi, thừa tướng không nghe, nay lại cho đi cầm quân, thế là thả rồng xuống bể, đuổi hổ về rừng, sau này muốn trừ đi còn làm sao được nữa?

Quách Gia nói:

- Nếu thừa tướng không giết Lưu Bị cũng chớ nên sai đi ra ngoài. Cổ nhân có nói rằng: "Một ngày thả giặc, để lo muôn đời”. Xin thừa tướng xét lại.


Tháo nghe ra, liền sai Hứa Chử đem năm trăm quân đuổi theo gọi Lưu Bị về.


Hứa Chử vâng lệnh đi liền.


Huyền Đức đang đi, ở mặt sau bỗng thấy bụi mù, liền bảo với Quan, Trương rằng:

- Đây chắc quân Tào Tháo đuổi theo.

Nói rồi lập trại, đóng quân lại, sai Quan, Trương cầm binh khí đứng hai bên. Hứa Chử đến, thấy binh uy nghiêm chỉnh tề, bèn xuống ngựa vào trại, ra mắt Huyền Đức. Huyền Đức hỏi:

- Ông đến có việc gì?

Chử nói:

- Phụng mệnh thừa tướng, mời tướng quân trở lại bàn bạc việc khác.

Huyền Đức nói:

- Tướng đã ở ngoài, mệnh lệnh của vua cũng có điều không phải vâng theo, huống chi tôi đã chầu vua, lại được vâng lời thừa tướng mà đi. Nay không còn việc gì phải bàn nữa, xin ông trở về ngay bẩm lại với thừa tướng cho tôi.


Hứa Chử nghĩ rằng:

- Thừa tướng vốn đối đãi tử tế với Huyền Đức, nay không thấy dặn phải đánh nhau, vậy hãy đem lời Lưu Bị về bẩm lại, tuỳ ý ngài định đoạt.


Chử liền từ giã Huyền Đức về, vào hầu Tào Tháo thuật lại lời của Huyền Đức. Tháo ngần ngại chưa quyết, Trình Dục, Quách Gia nói rằng:

- Lưu Bị không chịu đem quân trở lại, tất là thay lòng đổi dạ rồi.

Tháo nói:

- Ta đã sai Chu Linh, Lộ Chiêu đi kèm Lưu Bị, vị tất hắn đã dám sinh biến. Vả ta đã sai, không nên hối lại.


Bèn không đuổi theo Huyền Đức nữa.

Người sau có thơ rằng:

Gióng ngựa giục quân, lòng vội vã,
Nỗi lo canh cánh chiếu trong đai,
Hổ tung cũi sắt về rừng rậm,
Rồng phá then vàng, ra bể khơi…

Mã Đằng bấy giờ ở Hứa Đô, thấy Huyền Đức đã đi, ở châu mình lại có quân đến báo nhiều việc kíp, cho nên cũng về Lương Châu.

Huyền Đức đem quân tới Từ Châu, thứ sử là Xa Trụ ra đón, yến tiệc xong, lũ Tôn Càn, My Chúc đều lại yết kiến. Huyền Đức về nhà thăm vợ con, một mặt sai người dò xem tin tức Viên Thuật.


Thám tử về báo:

- Viên Thuật xa xỉ quá độ. Tướng Thuật là Lôi Bạc, Trần Lan cũng bỏ Thuật về núi Tung Sơn, thế Thuật đã suy, Thuật phải đưa thư nhường đế hiệu cho Viên Thiệu và đương thu binh nhặt mã và các đồ cung cấm ngự dụng, sắp qua Từ Châu.


Lưu Bị nghe Viên Thuật sắp đến, dẫn Quan, Trương và Chu Linh, Lộ Chiêu đem năm vạn quân ra đón đánh, thì gặp tiên phong của Thuật là Kỷ Linh đến.


Trương Phi ra đánh nhau với Kỷ Linh mới được mươi hợp, liền thét lớn một tiếng, đâm chết Kỷ Linh ngã xuống chân ngựa.



Quân lính thua chạy trốn cả. Thuật tự dẫn binh đến đánh, Huyền Đức chia quân làm ba đường. Chu Linh, Lộ Chiêu ở tả; Quan, Trương ở hữu, tự mình đứng trung quân, ra ngoài cửa cờ mắng Thuật rằng:

- Thằng phản nghịch vô đạo kia! Ta nay phụng chiếu ra đánh, mày nên tự trói tay mà hàng, ta sẽ tha cho khỏi chết.

Viên Thuật mắng lại rằng:

- Thằng dệt chiếu đóng dép kia! Sao mày dám khinh ta?


Nói xong đốc binh vào đánh. Huyền Đức tạm lui, cho quân tả hữu hai bên ra đánh, quân Thuật thây nằm khắp đồng, máu chảy thành vũng, sĩ tốt trốn đi không biết bao nhiêu, lại bị Lôi Bạc, Trần Lan ở Tung Sơn ra cướp mất tiền nong lương thảo.


Thuật muốn về Thọ Xuân, lại bị trộm cướp đến đánh tập hậu, phải đóng lại ở Giang Đình. Bấy giờ Thuật chỉ còn hơn một nghìn quân, toàn những người già yếu. Trời đang nóng nực, lương thực hết, chỉ còn ba mươi hộc lúa, phát cho quân sĩ, người nhà phải nhịn, chết đói nhiều.


Thuật ăn cơm gạo xấu, không nuốt được, sai nhà bếp lấy mật ăn cho khỏi khát. Nhà bếp nói:

- Mật không có, chỉ có nước máu!


Thuật đương ngồi trên giường, kêu to một tiếng, đâm nhào xuống đất, thổ ra đến một chậu máu, rồi chết.


Bấy giờ là tháng sáu, năm thứ bốn, niên hiệu Kiến An (199).

Người sau có thơ rằng:

Cuối Hán, binh đao nổi bốn phương,
Khéo đâu Viên Thuật cũng ngông cuồng!
Mấy đời không nghĩ nền công tướng
Chút phận hòng toan vị đế vương
Tỷ ngọc vào tay thêm ngạo ngược,
Điềm trời trước mắt, uổng khoe khoang.
Khát tìm mật uống tìm đâu thấy?
Thổ huyết nằm queo chẳng kẻ thương!

Viên Thuật chết rồi, cháu là Viên Dận đem hài cốt cùng vợ con Thuật chạy về Lư Giang, bị tên Từ Cầu giết sạch, cướp lấy ngọc tỷ đem đến Hứa Đô dâng lên Tào Tháo. Tháo mừng lắm phong cho Từ Cầu làm thái thú ở Cao Lăng. Từ bấy giờ ngọc tỷ lại vào tay Tào Tháo.

Huyền Đức thấy Viên Thuật đã chết, dâng biểu cho triều đình, và đưa thư trình Tào Tháo biết, sai Chu Linh, Lộ Chiêu về Hứa Đô, còn bao nhiêu binh mà đều lưu lại để giữ Từ Châu, một mặt chiêu dụ những nhân dân lưu tán trở về an cư lạc nghiệp.


Chu Linh, Lộ Chiêu về Hứa Đô vào hầu Tào Tháo thuật lại việc Huyền Đức giữ binh mã. Tháo giận lắm muốn chém ngay hai người. Tuân Úc can rằng:

- Quyền ở Lưu Bị, hai người làm thế nào được.


Tháo mới tha tội cho hai người.

Úc lại bàn rằng:

- Thừa tướng nên viết thư cho Xa Trụ, sai ở đó tìm cách trừ Lưu Bị.

Tháo nghe kế ấy, mật sai người đến bảo Xa Trụ.


Trụ mời Trần Đăng đến bàn.

Đăng nói:

- Việc ấy thực dễ, nay Lưu Bị ra ngoài thành chiêu dụ nhân dân, không mấy ngày nữa sẽ về. Tướng quân nên phục quân dưới cửa cuốn ở ngoài thành, giả cách ra đón, đợi khi Lưu Bị cưỡi ngựa đến, chém cho một nhát, tôi thì ở trên thành bắn xuống để chặn hậu quân của Lưu Bị, thế là xong việc.


Trụ nghe theo kế ấy.

Trần Đăng về nói lại với bố là Trần Khê. Trần Khê sai Đăng ra báo trước cho Huyền Đức biết.


Đăng vừa ra khỏi thành gặp Quan Vũ, Trương Phi bèn nói chuyện cho hai người hay.

Nguyên là Quan, Trương về trước, Huyền Đức về sau. Trương Phi nghe nói, muốn chạy vào đánh ngay.


Vân Trường ngăn lại nói rằng:

- Nó phục binh dưới cửa cuốn bên thành, nếu vào thì mắc mẹo nó. Ta có một kế giết được Xa Trụ; nhân ban đêm, ta giả làm quân Tào đến Từ Châu, Xa Trụ tất ra đón, ra đến nơi thì ta giết đi.


Phi chịu rằng phải.

Quân bộ hạ của Quan, Trương sẵn có cờ hiệu của Tào, y giáp cũng giống nhau, đang nửa đêm, đến ngay cửa thành gọi mở. Trên thành hỏi ai. Chúng thưa:

- Quân mã Trương Văn Viễn. Tào thừa tướng sai đến.

Quân giữ thành vào báo với Trụ. Trụ mời Trần Đăng lại bàn rằng:

- Không ra đón thì sợ có chuyện nghi kị, ra đón lại sợ có chuyện lừa dối.

Trụ lên thành nói rằng:

- Đêm khuya khó phân biệt được thực hư, xin để sáng mai hãy mở cửa.

Ở dưới thành đáp rằng:

- Chỉ sợ Lưu Bị biết. Xin mở cửa mau.

Xa Trụ ngần ngừ chưa quyết, dưới thành thì cứ giục mở cửa mãi. Trụ đành phải mặc áo giáp lên ngựa, dẫn một nghìn quân mã ra ngoài thành. Đi khỏi cầu, Trụ gọi to rằng:

- Văn Viễn ở đâu?


Trong bóng lửa thấy ngay Vân Trường cầm đao tế ngựa lại, xông thẳng vào Xa Trụ thét rằng:

- Thằng kia! Sao dám lừa dối muốn hại anh tao?


Trụ giật mình, đánh chưa được vài hiệp, chống đỡ không nổi, quay ngựa chạy về. Chạy đến đầu cầu, Trần Đăng ở trên thành bắn tên xuống như mưa.


Vân Trường sấn lại, phất long đao một nhát chém Trụ ngã lăn xuống đất rồi chặt lấy đầu, quay mặt vào thành giơ đầu Trụ lên hô rằng:

- Phản tặc là Xa Trụ ta đã giết rồi. Quân sĩ không có tội, hàng thì tha cả.



Quân sĩ đều cầm ngược khí giới, xin hàng. Từ ấy quân dân đều được yên ổn cả.


Vân Trường mang đầu Xa Trụ lại đón Huyền Đức nói rằng:

- Xa Trụ muốn mưu hại anh, nay đã giết được rồi.

Huyền Đức thất kinh nói rằng:

- Tháo nó lại, thì làm thế nào?

Vân Trường nói:

- Hễ nó lại, thì hai em xin đánh chứ sao!


Huyền Đức ân hận mãi, rồi vào Từ Châu. Các cụ già và trăm họ đón rước đầy đường.


Lưu Bị đến phủ, tìm Trương Phi, thì Trương Phi đã bắt cả nhà Xa Trụ đem giết rồi. Huyền Đức giận nói:

- Giết mất người tâm phúc của Tháo, sao nó chịu thôi?

Trần Đăng nói:

- Tôi có một kế, có thể lui được Tào Tháo.

Thế thực là:

Cô thân đã thoát ra hang hổ
Diệu kế còn toan rập khói lang[1]

Chưa biết Trần Đăng bàn kế gì, xem đến hồi sau sẽ rõ.


Viên Dận & Trần Lan


Viên Thuật

 
Tờ chiếu máu của thiên tử vì vụ Hứa Điền mà có. Lời thề của chư hầu cũng do từ vụ Hứa Điền. Vì thấy hành động của Quan Công mà Mã Đằng biết rõ Huyền Đức. Vì vụ Hứa Điền mà Mã Đằng biết rõ Quan Công. Ngày hôm ấy Tào Tháo ngạo nghễ trước mặt mọi người, Vân Trường thì giận dữ bừng bừng, râu tóc dựng lên lẫm liệt. Văn tự sự nối sau mà chính là làm nổi bật việc trước vậy.

Hai tay anh hùng không thể cùng đứng với nhau. Nếu đứng cùng nhau ắt phải mưu trừ nhau. Tháo đã nhận Bị là anh hùng, tức là Tháo sắp trừ diệt Bị vậy. Trái lại, Tháo cũng biết Bị ắt trừ diệt mình. Bị thì vừa mới dự mưu cùng bọn Đổng Thừa, mà bỗng nghe Tháo bảo mình là anh hùng, thì sao khỏi giật mình, bối rối?

Lưu Bị đánh rơi đũa trước, rồi mới nghe sấm sau. Đó là nhân rơi đũa mà nói thác ra chuyện sợ sấm, chứ không phải nhân nghe sấm mà giả tảng đánh rơi đũa. Nếu như thế thì chỉ lừa được đứa trẻ con, chứ lừa sao nổi Tào Tháo? Trong “Tục bản” chép sai đi, cho nên nay dựa theo “cổ bản” hiệu chính lại. Câu: “Oai trời to thật vừa nghe một tiếng đã đến nỗi này” là một câu nói mờ mờ tỏ tỏ mà khéo ở chỗ hữu ý hay vô ý, chứ Lưu Bị lẽ nào bắt chước đứa trẻ con sợ sấm, bưng tai rụt cổ để là trò cười cho Tháo?

Người đời sau chú giải chuyện xưa, thường chú giải lầm lẫn. Chẳng hạn như lúc Sở Hạng Vũ bị vây khốn ở Cai Hạ, nghe quân Hán bốn mặt cùng hát khúc “ Sở ca”, thì Vũ kinh hãi mà than rằng: “Quân Hán đã thu hết quân Sở rồi chăng”? Sao mà có nhiều tiếng người Sở hát như vậy? Đó là mưu của Trương Lương và Hàn Tín: Muốn lừa cho Hạng Vũ tưởng rằng Bành Thành đã mất, và để cho lòng quân Sở rối loạn vậy. Thế mà đời sau có người lại chú thích rằng: “Sở ca là khúc hát nhớ nhà. Quân Hán hát Sở ca để làm cho quân Sở phải nhớ nhà mà bỏ đội ngũ, kéo về quê hương”!. Sao lại có thể như thế được? Quân Sở có gia đình quê hương, thì quân Hán cũng có gia đình, quê hương. Nếu chủ ý như thế, thì chưa giải tán được binh địch, đã giải tán chính binh mình rồi! Ai làm việc vô lý thế?

Chú giải chuyện, chủ ý chẳng qua là thêm món trang sức bên ngoài cho chuỵên. Nhưng nếu chú giải như thế, rồi lầm truyền lầm, lẫn nối lẫn… thì há chẳng làm trò cười cho bậc thức giả sao?

Hồi này, Tôn Sách ở Giang Đông, Tào Tháo vẫn chưa cho là anh hùng… Mãi về sau gặp Tôn Quyền trước trận, Tháo mới than rằng: “Sinh con nên sinh người như Trọng Mưu kia kìa!” Mắt Tháo quả là tinh đời. Thì ra trong khi uống rượu với mơ xanh cùng Huyền Đức, anh hùng trong thiên hạ Tháo chỉ thấy có hai người. Và “cái vạc” còn đang thiếu một chân vậy.

Sau khi Quan Công giết Xa Trụ, Tào Tháo liền khởi binh đánh Huyền Đức. Huyền Đức sở dĩ không muốn giết Xa Trụ là vì lúc bấy giờ “tờ chiếu đai áo” chưa lộ, mưu Đổng Thừa chưa bị khám phá. Huyền Đức còn chưa muốn dứt liên lạc với Tháo, để ngoài mặt hòa hợp, trong lòng mưu trừ vậy. Người anh hùng làm việc lớn phải lựa thế, lượng sức như vậy, vội vàng không xong. Huyền Đức thong thả khoan thai nên mới tính toán như thế. Vân Trường là người lòng ngay nghĩ thẳng, nên không tính toan như thế. Gan ruột hai người cùng là gan ruột hào kiệt nhưng mỗi người có tính cách riêng. Vân Trường kém Huyền Đức ở điểm này. Mà Huyền Đức kém Vân Trường cũng chính ở điểm này vậy.

Trên tờ “Nghĩa trạng” của Đổng Thừa có viết năm chữ “Tả tướng quân Lưu Bị”. Sau này Bị kế nghiệp Hán chính thống mà không hổ thẹn là nhờ tên trong nghĩa trạng này. Nhờ năm chữ “Tả tướng quân Lưu Bị” mà rồi được năm chữ “Hán Chiêu Liệt Hoàng Đế”. Xưa , Hán Cao Tổ (khi còn là Hán vương) đánh Hạng Vũ, thì nói rõ trong tờ chiếu rằng: “ Nguyện theo chư hầu đánh Sở vương là kẻ đã giết Nghĩa Đế”… Do đó, Hán vương được chính ngôn thuận, bốn bể nghiêng lòng về theo. Nay Lưu Huyền Đức đã vâng “y đái chiếu” đánh giặc, danh cũng rõ rệt là trượng nghĩa như thế. Và Gia Cát Vũ Hầu sau này, sáu lần kéo quân ra Kỳ Sơn; Khương Duy chín lần đánh Trung Nguyên cũng đều vì tờ chiếu nói trên vậy.

Hoặc có người hỏi: “Khi đã trót chém Xa Trụ, sao Huyền Đức không đem lời “chiếu đai áo” ra bố cáo cho thiên hạ cùng biết?” Xin thưa: Lời chiếu vốn là lời giao phó cho Đổng Thừa; mà Đổng Thừa hiện còn ở bên trong. Nếu Huyền Đức làm mạnh, e Thừa bị Tháo hại, cho nên, sau khi Đổng Thừa chết, Huyền Đức mới đem lời huyết chiếu bố cáo cùng hải nội chư hầu.

Công Tôn Toản bị diệt vong với ba mươi vạn hộc lương. Viên Thuật lúc bị diệt chỉ còn ba mươi hộc. Lương nhiều cũng chết, lương ít cũng chết, thế là sao? Thưa rằng: Cả hai cùng một hạng vô mưu. Đã là hạng vô mưu thì kẻ nhiều lương, người ít lương cũng chẳng khác gì nhau. Tuy nhiên, Toản lúc sống còn biết tiến cử Huyền Đức. Đó cũng là một cái hay. Còn Thuật thì chẳng được việc gì cả. Trước kia Thuật đã lừa dối, không phát lương, khiến cho Tôn Kiên tuyệt lương mà thua trận. Nay chính Thuật lại bị tuyệt lương mà chết. Lòng trời báo ứng không sai vậy thay!
CHÚ THÍCH
1. Khói lang: Phân lang sói phơi khô, đốt lên, khói đặc khó tan, thời cổ dùng để làm lửa hiệu trong chinh chiến. Sau dùng khói lang để chỉ loạn binh.
 
Hồi 20
Đầu trang
Hồi 22
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại