Tam Quốc Diễn Nghĩa » Hồi 109
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
T. Đình Thục Hán
Đại chiến Xích Bích
Quan Vũ
Quan Vũ
Mã Siêu
Hoàng Trung
Chu Du
Mã Tốc
Lưu Bị
Quan Vũ
Trương Phi
Lã Bố
Khương Duy
Bàng Thống
Cam Ninh
Cam Ninh
Chu Du
Chu Du
Đại Kiều
Đặng Ngải
Đặng Ngải
Điển Vi
Điêu Thuyền
Điêu Thuyền
Đổng Trác
Gia Cát Lượng
Gia Cát Lượng
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Đôn
Hạ Hầu Uyên
Hoàng Trung
Hoàng Trung
Hứa Chử
Khương Duy
Khương Duy
Lã Bố
Lã Bố
Lã Mông
Lã Mông
Lăng Thống
Lục Tốn
Lục Tốn
Lưu Bị
Lưu Bị
Lưu Tôn
Mã Đại
Mã Siêu
Mã Siêu
Mạnh Hoạch
Ngụy Diên
Pháp Chính
Quách Gia
Quan Bình
Quan Hưng
Quan Vũ
Quan Vũ
Tào Hồng
Tào Nhân
Tào Phi
Tào Tháo
Tào Tháo
Thái Sử Từ
Tiểu Kiều
Tôn Càn
Tôn Kiên
Tôn Quyền
Tôn Quyền
Tôn Sách
Tôn Sách
Tôn Thượng Hương
Tôn Thượng Hương
Triệu Vân
Triệu Vân
Trình Dục
Trương Bào
Trương Cáp
Trương Cáp
Trương Chiêu
Trương Liêu
Trương Liêu
Trương Phi
Trương Phi
Từ Hoảng
Từ Hoảng
Tư Mã Sư
Tư Mã Viêm
Tư Mã Viêm
Tư Mã Ý
Tư Mã Ý
Từ Thứ
Tuân Úc
Tuân Úc
Viên Thiệu
Vu Cấm
Tào Phương & Quách Hoài
 
Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nguyên tác : La Quán Trung
Dịch giả : Phan Kế Bính
Click here for English version
 
Hồi 109
Vây Tư Mã, mưu lạ Khương Duy;
Bỏ Tào Phương, quả báo nhà Ngụy.
 

Năm Diên Hy thứ mười sáu nhà Thục, mùa thu, tướng quân Khương Duy cất hai chục vạn quân; sai Liêu Hoá, Trương Dực làm tả hữu tiên phong, Hạ Hầu Bá làm tham mưu, Trương Ngực làm vận lương sứ, đem quân ra ải Dương Bình đánh Ngụy.


Đại quân vừa đến vùng ranh giới đất Ngụy thì thám mã báo tin Gia Cát Khác ở Đông Ngô, không hạ được Tân Thành nên đã thu quân về rồi.


Khương Duy nghe vậy, hơi do dự, hạ lệnh đóng trại rồi bàn với Hạ Hầu Bá rằng:

- Trước kia lấy Ung Châu không được phải trở về, nay tất đấy có phòng bị cả rồi. Ông có cao kiến gì không?

Bá nói:

- Các quận xứ Lũng Thượng, chỉ có quận Nam An lắm tiền lương. Nếu lấy trước được quận ấy thì mới đủ làm nơi căn bản. Trước kia phải trở về, là vì quân Khương không đến. Nay nên sai người hội với người Khương ở Lũng Hữu trước, rồi sẽ tiến binh ra xứ Thạch Doanh, theo đường Đổng Đình mà đến thẳng Nam An.


Duy mừng lắm, nói:

- Ông nói phải lắm!

Bèn sai Khước Chính mang vàng ngọc, gấm vóc sang xứ rợ Khương kết hiếu.


Vua Khương là Mễ Đương được lễ vật rồi; liền cất năm vạn quân, sai Khương tướng là Nga Hà Thiêu qua làm đại tiên phong, dẫn quân đến quận Nam An.


Khương Duy được tin, mười phần mừng rỡ, bền truyền lệnh nhổ trại tiến về Nam An.


Tả tướng quân nước Ngụy là Quách Hoài nghe tin, báo về Lạc Dương.

Tư Mã Sư hỏi các tướng rằng:

- Có ai dám ra địch quân Thục không?

Phục quốc tướng quân Từ Chất xin đi. Sư vẫn biết Từ Chất là người khỏe mạnh, trong bụng mừng rỡ liền cho làm tiên phong. Lại sai em là Tư Mã Chiêu làm đại đô đốc, lĩnh binh kéo ra Lũng Tây. Từ Chất đi đến Đổng Đình thì vừa gặp quân Khương Duy tới. Hai bên dàn trận. Từ Chất sử dụng một lưỡi búa khai sơn cực to, ra ngựa khiêu chiến. Trận bên Thục, Liêu Hóa ra địch. Đánh nhau chưa được vài hiệp Hóa cầm đại đao chạy về, Trương Dực thúc ngựa vác giáo ra đánh. Được vài ba hiệp, Dực cũng thua chạy vào trận. Từ Chất thúc quân đánh tràn vào.


Quân Thục thua to, lui về hơn ba chục dặm.


Tư Mã Chiêu cũng thu quân về, hai bên cùng lập trại cầm cự.

Khương Duy cả đêm trằn trọc, mới nghĩ ra được một mẹo.


Hôm sau, Duy hỏi Hạ Hầu Bá rằng:

- Từ Chất khỏe lắm, nên dùng mẹo gì bắt cho được?

Bá nói:

- Ngày mai giả thua, dùng kế mai phục mà bắt.


Duy nói:

- Tư Mã Sư là con Trọng Đạt, lạ gì binh pháp nữa? Nếu hắn thấy chỗ địa thế khuất khúc, tất không đuổi theo. Ta xem quân Ngụy mấy phen chặn đường mang lương của ta, nay nên dùng ngay mẹo ấy mà làm thì mới chém được Từ Chất.

Bèn gọi Liêu Hóa, Trương Dực vào dặn dò mẹo mực, sai hai người lĩnh binh đi.


Một mặt sai binh sĩ thả chông ngoài đường và rào trông chà kín chung quanh trại, làm ra vẻ muốn ở lâu dài.


Từ Chất mấy hôm dẫn quân ra khiêu chiến, quân Thục không ra, chỉ bắn tên ra như mưa khiến quân Ngụy không sao lại gần được trại.


Có tiểu mã báo với Tư Mã Chiêu rằng:

- Quân Thục dùng trâu ngựa gỗ tải vận lương thảo ở sau núi Thiết Lung.

Chiêu gọi Từ Chất đến bảo rằng:

- Khi xưa ta phá được quân Thục, là bởi chặn được đường vận lương của họ. Nay quân Thục vận lương sau núi Thiết Lung, ngươi nên dẫn năm nghìn quân đêm nay ra chặn đường ấy, tự nhiên quân Thục phải rút về.


Từ Chất lĩnh mệnh, đầu canh một, điểm năm ngàn tinh binh ra núi Thiết Lung.


Quả nhiên thấy hơn hai trăm quân Thục dắt một đàn trâu ngựa gỗ hơn trăm con, đang vận lương đi.


Quân Ngụy reo ồ một tiếng, Từ Chất ra chặn ngang đường. Quân Thục bỏ cả lương thảo mà chạy.


Từ Chất bắt được mấy tên quân Thục tra hỏi, quân lính khai rằng:

- Chúng tôi được lệnh vận lương đến kho ở mé trước, chỉ trong mười ngày nay đã tích trữ đủ lương thảo dùng trong một tháng.


Chất chia một nửa quân vận lương đem về trại, còn một nửa quân đuổi theo.


Cánh quân Ngụy lùa trâu gỗ, ngựa máy đi đến quãng đường hẹp trong núi, bỗng thấy vô số quân Thục ở đâu đổ ra. Viên đại tướng đi đầu là Hạ Hầu Bá.


Quân Ngụy hết đường thoái lui, đều xuống ngựa đầu hàng. Hạ Hầu Bá lệnh cho quân Thục áp giải tù binh cùng đàn trâu gỗ, ngựa máy theo đường nhỏ về trại Thục.


Lại nói cánh quân của Từ Chất đuổi được mười dặm, bỗng thấy xa trượng ngổn ngang chặn mất lối đi.


Chất sai quân xuống ngựa dọn đường, trong chớp mắt, bỗng thấy lửa bốc lên ngùn ngụt.


Chất vội vàng quay ngựa trở về. Chạy đến con đường hẻm sườn núi, lại bị xa trượng lấp lối.


Bỗng đâu một tiếng pháo nổ, quân hai mặt đổ đến, tả Liêu Hóa, hữu Trương Dực, đánh một trận cực rát, quân Ngụy thua chạy tan hoang.


Từ Chất còn độc một mình cắm đầu chạy miết, người ngựa mệt nhoài.


Chợt lại gặp Khương Duy dẫn một toán quân đến.


Chất giật mình, không dám nghênh chiến, tím cách tháo chạy, bị Khương Duy phóng một ngọn giáo ngã ngựa, quân Thục kéo ồ lại, băm Chất nhỏ ra như cám.


Một nửa quân vận luơng cũng bị Hạ Hầu Bá bắt được cả. Bá lấy áo giáp và ngựa của quân Ngụy, cho quân Thục mặc vào, cưỡi ngựa cầm cờ hiệu nước Ngụy, đi theo đường nhỏ, chạy vào trại Ngụy.


Quân Ngụy thấy quân nhà trở về, mở cửa chạy cho vào.


Tóan quân Thục giả dạng vừa vào đến trại là vùng lên đánh giết loạn xạ. Doanh trại Ngụy chỉ trong phút chốc đã trở nên rối loạn.


Tư Mã Chiêu giật mình, vội vàng nhảy lên ngựa chạy thì đã thấy Liêu Hóa kéo đến. Chiêu không ra được mé trước, chạy lùi lại mé sau, gặp ngay Khương Duy dẫn quân từ con đường nhỏ đánh sang.


Chiêu trông ra bốn phía không còn đường nào, phải dắt quân lên đóng trên núi Thiết Lung


Núi ấy bốn bề hiểm trở cao ngất, bốn bề đều là vực thẳm, chỉ có một đường trèo lên.


Trên núi có một ngọn suối, chỉ đủ nước cho trăm người uống. Bấy giờ quân của Chiêu có tất cả sáu nghìn người bị Khương Duy chặn mất cửa núi không xuống được.



Nước suối trên núi không đủ dùng, người ngựa khô khát, Chiêu ngẩng cổ lên trời than rằng:

- Ta chết ở đây mất thôi!


Người sau có thơ rằng:

Mẹo kế Khương Duy chẳng phải vừa,
Ngụy quân bị khốn Thiết Lung xưa,
Mã Lăng ngày trước Bằng Quyên chiếm,
Cửu Lý lúc đầu Hạng Vũ vây.

Chủ bộ Vương Thao hiến kế rằng:

- Đại đô đốc nên chọn trong đám binh sĩ những người có sức khỏe, gan dạ, thòng dây xuống sau núi, đi tắt qua An Nam cầu viện tả tướng quân Quách Hoài mới có hy vọng được giải vây.


Chiêu nghe lời, chọn trong quân hai dũng sĩ, trọng thưởng cho họ, rôi trao văn thư cấp báo đi Nam An.


Hai dũng sĩ đang đêm quấn dây thừng, đu bám xuống được núi Thiết Lung, đi về Nam An bẩm báo Quách Hoài.



Khương Duy vây giữ được quân Ngụy ở trên núi, bảo với các tướng rằng:

- Khi xưa thừa tướng bắt không được Tư Mã Ý ở trong hang Thượng Phương, ta vẫn lấy làm căm tức. Nay thì ta chắc bắt được Tư Mã Chiêu rồi.


Liền hạ lệnh ngừng tiến đánh, chỉ đóng trại chốt chặn ở cửa núi chờ quân Ngụy cạn nguồn nước, hết lương thực sẽ đánh.


Quân Ngụy không đủ lương thực, chỉ sau hai ngày, quân sĩ đã phải đào rễ cây, bóc vỏ cây ăn cho đỡ đói.


Quách Hoài nghe tin Tư Mã Chiêu bị khốn trên núi Thiết Lung, muốn mang quân lại cứu.

Trần Thái nói:

- Khương Duy hội họp với quân Khương, muốn cướp quân Nam An của ta. Nay quân Khương đã đến, nếu tướng quân cất quân đi cứu, thì quân Khương tất thừa cơ chụp đánh sau ta. Ta nên trước hết sai người trá hàng quân Khương, dùng mẹo đánh đuổi quân Khương đi, rồi mới giải vây núi Thiết Lung được.


Quách Hoài nghe lời, sai Trần Thái dẫn năm nghìn quân đến thành vua Khương, cởi giáp đi vào.


Trần Thái lại rồi khóc rằng:

- Quách Hoài kiêu kỳ hợm mình, mang lòng muốn giết tôi, vậy tôi đến hàng. Trong trại Quách Hoài hư thật thế nào, tôi đã biết cả. Hôm nay xin dẫn một toán quân đến cướp trại, tự khắc thành công, vả lại quân ta đến trại Ngụy lúc nào sẽ có nội ứng lúc ấy.



Vua Khương là Mễ Đương mừng lắm, sai Nga Hà Thiêu Qua đi với Trần Thái đến cướp trại Ngụy.


Nga Hà Thiêu Qua cho quân hàng của Trần Thái đi mặt sau, Trần Thái dẫn quân Khương đi trước, canh hai đêm hôm ấy, kéo đến thẳng trại Ngụy.


Cửa trại mở toang, Trần Thái cưỡi ngựa xông vào trước. Nga Hà Thiêu Qua thúc ngựa đi theo.


Vừa vào khỏi đã nghe kêu lên một tiếng rồi cả người lẫn ngựa Nga Hà Thiêu Qua ngã lăn xuống hố.


Trần Thái từ mặt sau kéo lại. Quách Hoài từ mé tả đánh sang. Quân Khương bối rối, giày xéo nhau, chết hại rất nhiều; còn bao nhiêu hàng cả. Nga Hà Thiêu Qua tự vẫn chết.


Quách Hoài, Trần Thái dẫn quân đến cướp trại Khương, kéo thẳng vào trong trại. Mễ Đương ra trướng vừa lên được ngựa, thì đã bị quân Ngụy bắt sống, điệu đến nộp Quách Hoài.


Hoài vội vàng xuống ngựa, cởi trói cho Mễ Đương, rồi lấy lời ngọt ngào trách rằng:

- Triều đình vẫn cho ông là người trung nghĩa, nay cớ sao ông lại giúp quân Thục?


Mễ Đương thẹn thò, chịu tội.

Hoài lại dỗ Mễ Đương rằng:

- Ông nên dẫn quân làm tiền bộ đánh giải vây ở núi Thiết Lung. Nếu đuổi được quân Thục, tôi sẽ tâu với thiên tử hậu thưởng cho ông.


Mễ Đương theo lời, dẫn quân Khương đi trước, quân Ngụy đi sau, kéo đến núi Thiết Lung.


Bấy giờ vào canh ba, Mễ Đương cho người vào báo với Khương Duy trước.


Duy mừng lắm, cho mời vua Khương vào Trướng. Quân Ngụy giả nửa đi lẫn với quân Khương. Khi gần đến trước trại Thục, Đương cho đại quân đóng ở ngoài trại rồi dẫn hơn trăm người vào trướng ra mắt Khương Duy. Duy và Hạ Hầu Bá cùng ra đón. Tướng Ngụy không đợi cho Mễ Đương mở miệng chào hỏi, nổi ngay lên đánh giết.


Khương Duy thất kinh, đang muốn dò hỏi thì thấy hơn trăm người vua Khương đem theo đang vung dao, múa giáo, chém giết thủ hạ của mình ngay trong trướng.


Khương Duy chưa kịp phát lệnh nghênh địch thì quân Ngụy đã ùa vào trại rồi, Duy chỉ kịp nhảy lên ngựa chạy trốn.


Quân Ngụy tràn vào, quân Thục vỡ lở tan tác, ai tìm đường tháo thân người nấy. Khương Duy trong tay không có khí giới gì, chỉ còn một bộ cung tên đeo sau lưng, nhưng vì chạy tất tả, tên rơi mất cả, chỉ còn mỗi một cánh cung. Duy chạy lẻn vào trong đường núi. Quách Hoài dẫn quân đuổi theo, thấy Khương Duy tay không, mới quất ngựa cầm đao đuổi miết mãi. Dần dần Hoài đuổi kịp, Duy quay mình lại, giương cung không, bật tách mấy tiếng.


Hoài mấy lần tránh tên, đều không thấy mũi tên bay đến, biết là cung không có tên, mới cắp chặt lấy ngọn giáo, giương cung đặt tên bắn sang.


Duy nhìn trước hướng mũi tên, nghiêng mình tránh khỏi, rồi thuận tay bắt ngay được mũi tên.


Đợi Quách Hoài đuổi đến gần, Duy ngắm giữa mặt Hoài ra sức bắn một phát.


Mũi tên tin ngay vào trán Quách Hoài, Hoài ngã ngựa nằm vật ra đất. Duy quay ngựa lại toan giết thì quân Ngụy đã kéo ùa cả lại. Duy thấy vết thương của Hoài nghiêm trọng nên không ham ra tay kết liễu, chỉ giật ngọn giáo của Quách Hoài rồi lên ngựa chạy thoát thân.


Quân Ngụy không dám đuổi theo, xúm vào cứu Quách Hoài đem về trại, rút mũi tên ra. Máu chảy mãi không cầm. Hoài chết.


Tư Mã Chiêu dẫn quân xuống đuổi theo, đến nữa đường mới trở về.

Hạ Hầu Bá chạy thoát, một lát cũng đến được với Khương Duy. Duy thiệt quân mã rất nhiều, nhặt nhạnh tàn quân, trở về Hán Trung. Chuyến này Khương Duy tuy bại trận, nhưng bắn chết được Quách Hoài, giết được Từ Chất, làm kinh động cả nước Ngụy, công tội đủ bù cho nhau.

Tư Mã Chiêu khao thưởng quân rợ Khương rồi cho về nước.


Chiêu cũng rút quân về Lạc Dương, cùng với anh là Tư Mã Sư chuyên quyền trong triều, quần thần ai cũng phải chịu.


Ngụy chủ Tào Phương mỗi khi thấy Tư Mã Sư vào chầu, sợ run cầm cập. Một bữa, Phương mở chầu, thấy Sư đeo gươm lên điện vội vàng xuống sập rồng đón vào. Sư cười, nói rằng:

- Có lẽ đâu vua phải đón bày tôi, xin bệ hạ cứ ngồi yên cho.


Một lát, quần thần đến tâu việc, Tư Mã Sư xử đoán lấy, không tâu với Ngụy chủ câu gì.


Lúc tan chầu, Sư nghênh ngang xuống điện, ngồi xe đi ra, quân hầu xúm quây vòng trong vòng ngoài, có hàng vài nghìn người.


Tào Phương lui vào hậu điện, nhìn trông tả hữu, chỉ có ba người là Thái thường Hạ Hầu Huyền, Trung thư lịnh Lý Phong, và Quang Lộc đại phu Trương Thấp là cha bà Trương Hoàng hậu, tức là hoàng trượng Tào Phương. Phương bảo cận thị lui ra ngoài, rồi dắt ba người vào mật thất bàn bạc.

Phương cầm tay Trương Thấp, khóc mà nói rằng:

- Tư Mã Sư coi trẫm như trẻ con, khinh các quan như cỏ rác, xã tắc nay mai tất mất về tay người ấy.


Nói đoạn khóc hu hu lên.

Lý Phong tâu rằng:

- Bệ hạ chớ lo, tôi tuy không có tài gì, nhưng xin phụng minh chiếu của bệ hạ, tụ tập hào kiệt bốn phương để trừ giặc ấy.

Hạ Hầu Huyền tâu rằng:

- Anh tôi là Hạ Hầu Bá phải hàng Thục, là vì sợ anh em Tư Mã Sư mưu hại. Nay bằng trừ xong giặc ấy, anh tôi tất lại trở về. Tôi là thân thích nhà vua, có đâu dám ngồi yên để quân gian tặc loạn nước, xin cùng phụng chiếu đánh giặc.

Phương nói:

- Trẫm chỉ lo đánh không nổi thôi!

Ba người cùng khóc mà tâu rằng:

- Chúng tôi xin đồng lòng đánh giặc, để báo ơn bệ hạ.

Tào Phương liền cởi ra một cái khăn lau mồ hôi thêu long phượng, cắn đầu ngón tay, lấy huyết viết chiếu.


Viết xong, đưa cho Trương Thấp, dặn rằng:

- Khi xưa tổ trẫm là Võ Hoàng Đế giết được bọn Đổng Thừa cũng chỉ vì việc họ làm không mật đấy thôi. Các ngươi phải cẩn thận, chớ để tiết lộ ra ngoài.


Lý Phong nói:

- Sao bệ hạ lại dạy thế? Chúng tôi đâu có phải như bọn Đổng Thừa; mà Tư Mã Sư ví làm sao được với Võ tổ! Xin bệ hạ chớ nghi.

Ba người từ từ trở ra, đến cạnh cửa Đông Hoa, vừa gặp Tư Mã Sư đeo gươm đi vào, quân hầu vài trăm người cùng cầm đồ khí giới. Ba người đứng bên cạnh đường.

Sư hỏi rằng:

- Ba người sao lui chầu trễ thế?

Phong nói:

- Thánh thượng ở nội đình xem sách, ba chúng tôi phải hầu giảng sách, cho nên về muộn.

Sư hỏi:

- Xem sách gì?

Phong nói:

- Xem sách Hạ Thương Chu tam đại.

Sư hỏi:

- Vua xem sách ấy, hỏi đến việc gì?

Phong nói:

Thiên tử nói đến việc Y Doãn giúp nhà Thương. Chu Công nhiếp chính nhà Chu. Chúng tôi tâu đại tướng quân họ Tư Mã bây giờ, cũng tức như Y Doãn, Chu Công ngày xưa vậy.

Sư tủm tỉm cười, nói rằng:

- Các ngươi vì lẽ gì mà coi ta như Y Doãn, Chu Công; có chăng các ngươi chỉ coi ta như Vương Mãng, Đổng Trác mà thôi!

Ba người kêu rằng:

- Chúng tôi là môn hạ tường công cả, có đâu dám thế?

Sư nổi giận, mắng rằng:

- Chúng bay còn nịnh hót gì! Khi nãy cùng với thiên tử ở trong mật thất, chúng bay khóc lóc những chuyện gì thế?


Ba người nói:

- Thực là không có việc ấy!

Sư quát rằng:

- Ba chúng bay ngấn nước mắt còn đỏ hoe lên thế kia, còn mở mồm chối cãi gì?

Hạ Hầu Huyền biết cơ mưu lộ rồi, mới thét to lên mắng rằng:

- Chúng tao khóc là vì uy quyền mày lấn cả chúa, sắp mưu việc thoán nghịch.

Sư giận lắm, quát võ sĩ bắt Hạ Hầu Huyền. Huyền vén tay áo, chạy lại đánh Tư Mã Sư, thì đã bị võ sĩ bắt giữ lại.


Sư sai khám trong mình mấy người, bắt được một mảnh khăn mặt thêu long phượng ở trong mình Trương Thấp, có chữ viết bằng máu. Tả hữu trình lên Tư Mã Sư. Sư trông ra thấy mật chiếu.

Chiếu rằng:

"Anh em Tư Mã Sư, cùng cầm quyền to, sắp mưu việc thoán nghịch, nội là chiếu sắc làm ra, không do tự trẫm cả. Quân binh tướng sĩ các bộ, nên cùng mang lòng trung nghĩa, trừ khử tặc thần, để cứu lấy xã tắc. Khi nào thành công, trẫm sẽ phong tước trọng thưởng cho".

Tư Mã Sư xem xong, hầm hầm nổi giận mà rằng:

- Chà! Thế ra chúng bây muốn hại anh em ta! Tội này không sao dung được.


Liền sai điệu ba người ra chợ, bắt tội chém ngang lưng, và sai giết ba họ mấy người ấy. Ba người chửi mắng không ngớt miệng. Khi ra đến chợ cửa Đông, ba người đã bị chúng vả gẫy hết răng, nhưng vẫn lảm nhảm chửi kỳ đến chết mới thôi.

Tư Mã Sư vào thẳng hậu cung. Bấy giờ Ngụy chủ đang ngồi với Trương Hoàng hậu bàn việc ấy. Hoàng hậu nói:

- Ở nội đình này tai mắt họ cũng nhiều, nếu việc lộ tất lụy đến thiếp.

Hai người đang nói chuyện, bỗng thấy Sư vào. Hoàng hậu giật mình. Sư lăm lăm cầm thanh gươm, bảo với Ngụy chủ rằng:

- Cha tôi lập bệ hạ lên làm vua, công đức không kém gì Chu Công; tôi thờ bệ hạ cũng chẳng khác gì Y Doãn. Nay làm ân nên oán, đổi công làm tội, bệ hạ lại muốn cùng với một hai đứa tiểu thần, mưu hại anh em tôi, là cớ làm sao?

Phương nói:

- Trẫm có bụng gì đâu!

Sư thò tay vào trong tay áo lấy mảnh khăn tay quăng xuống đất nói rằng:

- Cái này ai làm ra đây?

Phương hồn bay phách lạc, run cầm cập nói rằng:

- Việc đó là tự người ta ép trẫm, chớ trẫm đâu dám mang bụng ấy.

Sư nói:

- Vu càn cho đại thần làm phản, nên cho vào tội gì?

Phương quỳ xuống kêu rằng:

- Trẫm thật là có tội, xin đại tướng quân thứ cho.

Sư nói:

- Bệ hạ, xin ngài hãy đứng dậy, phép nước chưa bỏ được.

Lại trỏ Trương Hoàng hậu nói rằng:

- Đây là con gái Trương Thấp đấy, phải trừ đi mới được.

Phương khóc ầm lên, xin tha cho Hoàng hậu. Sư không nghe, quát tả hữu bắt Trương hậu đem ra cửa Đông Hoa, lấy tấm lụa trắng thắt cổ cho chết.

Có thơ than rằng:

Nhớ khi Phục hậu bước ra lầu,
Khóc lóc từ vua ruột xót đau,
Con cháu ai ngờ nay lại thế,
Lòng trời quả báo có sai đâu?

Hôm sau, Tư Mã Sư hội cả quần thần lại nói rằng:

- Nay chúa thượng hoang dâm vô đạo, ham mê nhà trò con hát, tin nghe lời dèm, lấp đường hiền sĩ, tội lại tệ hơn vua Xương Ấp nhà Hán, xét ra không làm nổi được chúa thiên hạ. Ta xin theo lệ Y Doãn, Hoắc Quang lập vua mới khác giữ xã tắc, để cho thiên hạ được yên. Việc ấy thế nào?


Chúng cùng thưa rằng:

- Đại tướng quân làm việc Y, Hoắc, chính là hợp lẽ trời, thuận lòng người, còn ai dám trái mệnh nữa.


Tư Mã Sư mới cùng với các quan vào cung Vĩnh Ninh, tâu với bà Thái Hậu.

Thái Hậu hỏi:

- Đại tướng quân muốn lập người nào lên làm vua?

Sư tâu rằng:

- Tôi coi có Bành thành vương là Tào Cứ, thông minh nhân hiếu, nên lập làm chúa thiên hạ.


Thái Hậu nói:

- Bành thành vương vào hàng chú lão thân này, nếu lập lên làm vua, thì thêm khó xử ra. Có Cao Quý hương công lên.

Chúng trông ra thì là chú Tư Mã Sư tên là Tư Mã Phu.

Sư bèn một mặt sai sứ ra Thành Nguyên, mời Cao Quý hương công về. Một mặt mời Thái Hậu lên đền thái cực, gọi Tào Phương ra trách mắng rằng:

- Mày hoang dâm không có chừng nào, ham mê nhà trò con hát, phải nộp giả tỷ thụ, lại phong cho tước Tề vương như trước. Ngay hôm nay phải đi lập tức, nếu không vời đến thì không được vào chầu.

Tào Phương khóc lạy Thái Hậu, nộp trả quốc bảo, ngồi xe khóc rầm rĩ đi ra. Các quan chỉ có vài người có lòng trung nghĩa, ứa nước mắt tiễn đưa. Người sau có thơ rằng:

Tướng Hán Tào Mân chuyện thuở xưa,
Coi Khinh quả phụ với cô nhi,
Bốn chục năm sau ai có biết,
Cô nhi quả phụ lại mắc lừa.

Nói về Cao Quý hương công là Tào Mao, tự là Ngạn Sĩ, cháu vua Văn Đế, con Đông Hải Định vương Tào Lâm. Khi ấy Tư Mã Sư sai sứ đem sứ mệnh của Thái Hậu mời Mao đến, văn võ các quan bày đồ loan giá ra ngoài cửa Nam Dịch đón rước. Tào Mao vội vàng đáp lễ các quan.

Thái úy Vương Túc nói rằng:

- Chúa thượng không nên đáp lễ.

Mao nói:

- Ta cũng là nhân thần, dám đâu chẳng đáp lễ!

Các quan rước Tào Mao lên kiệu vào cung. Mao từ chối rằng:

- Chiếu mệnh Thái Hậu, chưa biết việc gì, ta đâu dám ngồi kiệu đi vào.

Bèn đi bộ đến mãi thành đông đền Thái Cực. Tư Mã Chiêu ra đón vào, Mao lại thụp xuống đất, Chiêu vội vàng đỡ đứng dậy, hỏi han ôn tồn, rồi đưa vào ra mắt Thái Hậu.

Thái Hậu nói:

- Ta thấy ngươi khi nhỏ có tướng làm đế vương, nay lên làm chúa thiên hạ. Cốt phải kính cẩn tiết kiệm, tỏ rõ nhân đức, chớ có để nhục đến tiên đế.


Tào Mao nhún nhường hai ba lần. Sư sai các quan rước Tào Mao lên đền Thái Cực, lập làm vua mới, cải niên hiệu năm Gia Bình thứ sáu làm năm Chính Nguyên năm đầu; đại xá cho thiên hạ; ban cho đại tướng quân Tư Mã Sư một lưỡi việt vàng, vào triều không phải rảo bước, tâu việc không phải xưng tên, được đeo gươm lên điện.


Văn võ trăm quan cùng được phong thưởng.

Tháng giêng, mùa xuân, năm Chính Nguyên thứ hai, có quân tế tác về báo rằng:

- Trấn đông tướng quân Vô Kỳ Kiệm và thứ sử Dương Châu là Văn Khâm, vì việc thế chúa, cất quân kéo lại đây.

Tư Mã Sư giật mình.

Ấy là:

Tôi Hán giúp vua từng khởi nghĩa,
Tướng Tào đánh giặc cụng hưng sư,

Chưa biết việc sau ra làm sao, xem hồi sau phân giải.


Ngụy Diên & Vương Bình & Trương Ngực & Khương Duy
& Ngô Ý & Liêu Hóa & Cao Tường & Mã Đại


Trần Thái & Hạ Hầu Bá


Từ Chất & Vương Túc

 
Khương Duy đánh Trung Nguyên lần đầu là nhân có Hạ Hầu Bá vào hàng, thừa cơ hội nội biến của tông đảng địch mà tiến đánh. Đánh Trung Nguyên lần hai là bởi có thư ước hẹn của Gia Cát Khác, nhân dịp địch bị lân quốc xâm phạm mà ra quân đánh rập. Thế mà trước cũng như sau, đều không thành công, vì lần trước mượn quân Khương giúp, họ có nhận lời nhưng không đến. Lần sau quân Khương có đến nhưng lại bị quân địch lợi dụng để phá mình. Ôi! Khi Vũ hầu còn sống, mà rợ Khương còn đem quân khiết xa giúp Ngụy, huống hồ ngày nay Vũ hầu đã mất, sao còn tin rợ Khương có lòng giúp nhà Lưu? Nếu bảo rằng quân Khương có thể tin cậy thì ai bảo rợ Nam Man lại chẳng đáng tin cậy? Thế mà chưa thấy Vũ hầu cầu Nam Man giúp, nay lại thấy Khương Duy cầu rợ Khương trợ lực. Khương Duy thất kế ở chỗ đó vậy. Nhưng Khương Duy dẫu thất kế, cũng không nên lấy đó mà kết tội Duy. Sao vậy? Thưa rằng: Thua quân ở núi Ngưu Đầu có thể được coi như Vũ hầu bị thất thủ ở Nhai Đình. Và vây khốn giặc ở núi Thiết Lung có khác gì Vũ hầu hãm giặc ở Thượng Phương Cốc? Lửa đốt hang Thượng Phương thì nước tự trời mưa xuống cho giặc thoát. Hãm cho giặc chết khát ở núi Thiết Lung thì nước lại tự đất chảy lên cho giặc được yên. Nước ở Nhai Đình bị tuyệt, sao trời không giúp cho Mã Thốc lấy một con suối? thế mà đường thủy đạo ở Thiết Lung sơn bị tuyệt, trời lại cứu Tư Mã Chiêu! Ôi, trời kia làm vậy, ta biết nói sao? Cho nên có thể nói rằng: Không thể lấy sự thất kế mà kết tội Khương Duy vậy.

Quách Hoài chết, Từ Chất chết, mà Tư Mã Chiêu không chết, không phải trời xanh kia yêu gì họ Tư Mã đâu! Vì có một đoạn xếp đặt tuyệt diệu ở hí trường, nhân sự này mà trời muốn mượn họ Tư Mã đóng vai diễn xuất, để răn những loạn thần tặc tử đời sau đấy.

Hiến đế có “chiếu đai áo”. Tào Phương cũng lại có chiếu máu “lót áo”. Nhà Hán có Phục hậu bị giết, có mấy vị trung thần như Đổng Thừa, Phục Hoàn mưu việc bị tiết lậu. Nhà Ngụy cũng có việc tiết lậu của bọn Trương Tập. Sự báo phục và phản cảnh, sao không khác nhau một cái tơ cái tóc như vậy? Người trước làm, người sau bắt chước mà không khác nhau mảy may. Nhưng Tào Tháo chưa lấy việc “chiếu đai áo” mà bỏ Hiến Đế. Thế mà Tư Mã Sư nỡ tin vào tờ “chiếu lót áo” mà truất phế Tào Phương. Như thế kể cũng quá lắm. Trời mượn tay người sau để báo thù cho người trước. Lại có việc sau giống y hệt việc trước mà người xem lấy làm khoái chí. Như việc chiếu đai áo mãi lâu mới bị lộ, Chiếu của Tào Phương vừa làm đã bị lộ ngay. Đạo trời bắt người ta phải trả nợ. Nhưng khi trả nợ lại bắt bồi thêm! Đọc đến đây ai mà không sởn gáy, dựng tóc?

Quá quắt thay là sự xếp đặt của tạo vật: Kẻ nghịch thần bị báo, không đợi người đời sau nói tới, mà chính ngay con cháu mình tự khai ra miệng. Người đời nay đem Tư Mã Sư ví với Tào Tháo đã đành, nhưng chưa đau đớn và tức cười bằng chính Tào Phương cũng mở miệng đem Ngụy Thái Tổ (Tào Tháo) ví với Tư Mã Sư. Người đời nay đem Đổng Thừa ví với Trương Tập. Tào Phương cũng đem quốc trượng (Tập) ví với Đổng Thừa. Đó Thực là việc “nhỡn tiền nhân quả” rõ rệt như ban ngày. Chẳng cần phải nghe chuyện “địa ngục luân hồi” mới tin quả báo.
 
Hồi 108
Đầu trang
Hồi 110
 
BÌNH LUẬN BÀI NÀY
 
  Tên người bình luận ( * )
  Email
  Tiêu đề bình luận ( * )
Nội dung bình luận chi tiết ( * )    
 
 
Gửi đi
 
Soạn lại